Dân Chúa Âu Châu

Trong đại thánh đường Thánh Phero ở Vatican, nơi đầu cột ở bốn góc bên trên vòm cung thánh chung quanh bàn thờ chính - bàn thờ tuyên xưng đức tin của đức Giáo hoàng - khắc hình bốn khuôn mặt khác nhau có cánh. Đó là hình tượng các Thánh sử viết phúc âm Chúa Giêsu.

Hình tượng một người có cánh tay cầm bút đang viết là hình tượng Thánh sử Mattheo. Đây là nét đặc điểm của Phúc âm Thánh Mattheo

Những khuôn mẩu biểu tượng đó cũng  được vẽ hay khắc tạc ở nhiều nơi trong các Thánh đường trên thế giới, hay nơi các bục đọc sách Lời Chúa.

Thánh sử Mattheo là ai và ở đâu cùng vào hoàn cảnh lịch sử văn hóa nào Ông đã viết phúc âm Chúa Giêsu?

Sau Công đồng Vaticano II. ( 1962-1965) nền Phụng Vụ trong Giáo hội Công giáo được cải tổ. Những bài đọc phúc âm lời Chúa vào các ngày Chúa nhật được chia làm ba chu kỳ A, B, và C. Năm A đọc phúc âm của Thánh sử Mattheo, năm B đọc phúc âm của Thánh sử Marco, và năm C đọc phúc âm của thánh sử Luca.

Vì thế, khi đọc phúc âm linh mục khởi đầu long trọng bằng lời: Phúc âm - hay Tin mừng - Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mattheo (… Thánh Marco hay Thánh Luca).

Thông thường xưa nay khi viết sách tác gỉa thường đề tên mình là người viết cuốn sách đó. Nhưng sách Phúc âm Chúa Giêsu thì không như thế. Không tác gỉa nào đã để lại bút tích tên mình viết cuốn phúc âm đó.

Phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh sử Mattheo được các Cộng đòan Kitô hữu thế kỷ thứ hai sau Chúa giáng sinh nêu lên đặt cho. Có thể khi đó các Cộng đoàn Kitô tiên khởi có nhiều bản văn viết về Lời Chúa khác nhau. Và để phân biệt cho rõ ràng họ đã đặt cho mỗi bản văn giáo lý một tên, dựa theo xuất xứ cùng hoàn cảnh cụ thể mà họ biết. Đây cũng là điều dễ hiểu, và có nền tảng căn nguyên lịch sử nguồn gốc theo như họ biết nguồn gốc truyền thống để lại. Và bản văn phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Mattheo thời Giáo hội sơ khai lúc ban đầu rất được yêu chuộng thường được đọc trong các buổi hội họp phụng vụ cầu nguyện suy niệm Lời Chúa, như sách giáo lý cho Cộng đoàn.

Giám mục Papias thành Hieropolis , trong thời gian vào năm 130 sau Chúa giáng sinh, đã viết về lịch sử Giáo hội có ghi chú: Mattheo đã ghi chép lại những lời của Chúa Giêsu bằng tiếng Do Thái thời cổ - thổ ngữ Aramer ngôn ngữ nói trong dân gian lúc thời Chúa Giêsu. Ông đã viết diễn dịch lại đúng theo như Ông hiểu biết.

Trong bản văn phúc âm theo Thánh sử Mattheo ( 9,9) và trong Phúc âm theo Thánh sử Marco ( 2,14) tên Mattheo , một người làm nghề thu thuế được chính Chúa Giêsu gọi đi theo làm Tông đồ cho ngài. Như thế, Mattheo là nhân chứng mắt thấy tai nghe lời của chính Giêsu lúc còn sống trên trần gian.

Theo ý kiến các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng Mattheo là một nhà trí thức Do Thái tin theo Chúa Giêsu Kitô thuộc vào thế hệ thứ hai. Là người Do Thái trở thành tín hữu Chúa Kitô nên Ông có cung cách cởi mở với những người không phải là Kitô giáo, điều này thể hiện rõ nét nơi nội dung bản văn phúc âm Ông viết ra.

Sách phúc âm Mattheo được viết trước tác vào khoảng từ năm 80 đến năm 90 sau Chúa giáng sinh ở Antiochia, nơi người tín hữu Chúa Kitô sống chung với những cộng đoàn người Do Thái, Hy Lạp và những nhóm dân tộc khác.

Nơi Phúc âm theo thánh sử Mattheo, Chúa Giêsu được trình bày trong tương quan với Do Thái giáo, là người chính thực cắt nghĩa về lề luật từ thời Mose.

Phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Mattheo nhấn mạnh đến lòng nhân từ thương xót của Chúa. Thánh sử Mattheo trích dẫn lời Ngôn sứ Hosea ( 6,6):  Hãy đi và học cho biết ý nghĩa câu này: Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế. Vì ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. ( Mt 9,13 và 12,7).

Hãy đi và học nơi trường học của Chúa Giêsu về lòng nhân từ thương xót. Vì Thiên Chúa là Đấng giầu lòng nhân từ thương xót. Ngài không muốn lễ tế. Vì nó làm cho con người tự ti bé nhỏ lại, cùng phá hủy chính họ.

Ngài muốn con người với lòng biết ơn nhận hiểu ra Thiên Chúa là Đấng nhân từ thương xót mọi người.

 

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long