Dân Chúa Âu Châu

Hằng năm Giáo hội Công giáo bắt đầu niên lịch Phụng vụ mới với mùa Vọng, mùa chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh làm người.

Đó là nếp sống tinh thần đức tin trong Giáo hội. Nhưng dẫu vậy, nếp sống đức tin mùa Vọng có nguồn gốc lịch sử cùng ý nghĩa thần học đạo đức trong dòng thời gian.

Mùa Vọng, thời xa xưa bên Việt Nam còn gọi là mùa Át. Chữ mùa Át có nguồn gốc từ chữ tiếng latinh „Adventus - đến“. Đầy đủ là „Adventus Domini - Chúa đến“ - bây giờ dịch là Mùa Vọng, mùa chuẩn bị tâm hồn đức tin đón mừng lễ sinh nhật Chúa Giêsu đến trần gian làm người.

 Mùa Vọng đồng thời cũng nhắc nhớ người tín hữu Chúa kitô trông chờ Chúa Giêsu Kitô đến lần thứ hai.

Mùa Vọng nguyên thủy trong Giáo hội thời xưa là mùa ăn chay từ ngày 11.11. đến ngày 06. tháng Một năm sau ( lễ Ba Vua). Trong mùa này không được ăn mừng ca múa vũ hát không có lễ hôn phối. Nhưng từ năm 1917 theo luật Giáo Hội Công giáo còn không bắt buộc như thế nữa.

Mùa Vọng có nguồn gốc lịch sử từ thế kỷ thứ 7. , có tên „tempus ante natale Domini - Thời gian trước lễ sinh nhật Chúa“ , hay „tempus adventus Domini - Thời gian Chúa đến.“.

Nơi Giáo hội Công giáo phương Tây trước hết mùa Vọng kéo dài từ bốn tới sáu chúa nhật, nhưng từ thời Đức giáo hoàng Gregor cả ấn định mùa Vọng có bốn chúa nhật.

Bốn Chúa nhật nói lên hình ảnh bốn ngàn năm con người trông mong chờ đợi Đấng Cứu Thế đến, sau khi Ông Bà nguyên tổ Adong -Eva lỗi phạm tội bị Thiên Chúa phạt đuổi ra khỏi vườn địa đàng.

Mùa Vọng bắt đầu từ Kinh chiều thứ nhất ngày Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng ( năm nay vào lúc 18.00 giờ ngày 26.11.2016., và chấm dứt với Kinh chiều thứ nhất ngày 24.12.2016 - trước ngày mừng lễ Chúa giáng sinh ra.)

Trong mùa Vọng không đọc hay hát Kinh Vinh danh ( Gloria) và lễ phục phụng vụ trong thánh đường là mầu tím.

Chúa nhật thứ ba mùa Vọng có tên „ Gaudete in Domino semper - Anh em hãy vui mừng luôn trong Chúa.“. Vì thế phẩm phục lễ nghi phụng vụ vào ngày này là mầu hồng. Để nói lên niềm vui mừng, vì ngày lễ mừng Chúa đang đến sát gần.

Mùa Vọng trong Giáo hội Công giáo có bốn tuần lễ, bốn ngày Chúa nhật và mỗi Chúa nhật có một chủ đề riêng:

  1. Chúa nhật 1. mùa Vọng nói đến Chúa Kitô đến trở lại vào ngày phán xét cuối cùng.
  1. Chúa nhật 2. và 3. mùa Vọng nói về khuôn mặt Thánh Gioan Tiền hô, người đi trước rao giảng dọn đường cho Chúa Kitô đến.
  1. Chúa nhật 4. mùa Vọng nói về Đức Mẹ Maria, mẹ sinh thành ra Chúa Giêsu, mẹ Thiên Chúa.

Trong mùa Vọng các bài sách Thánh phần lớn lấy trích từ sách Ngôn sứ Isaia. Các nhà thần học Kitô giáo ngay từ thời xa xưa đã đọc sách Ngôn sứ Isaia trong tương quan với những sách Tân ước. Họ tìm thấy nhiều bản văn trong đó có liên quan chặt chẽ mật thiết về Chúa Giêsu Kitô, và tin rằng : Nơi đây Chúa Giêsu Kitô được nói đến là Đấng cứu Thế ( Messias).

Lời tiên báo về vai trò Immanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta- nơi sách Ngôn sứ Isaia ( 7,14), lời đoan hứa về hài nhi Đấng cứu thế nơi Isaia 9,5, lời tường thuật về cung cách cai trị của Đấng cứu thế và vương quốc hòa bình nơi Isaia 11,1-10, cũng như lời loan báo trước về Ông Gioan tiền hô xuất hiện rao giảng dọn đường cho Chúa đến nơi Isaia 40,3-5, giữ vai trò mấu chấu đặc biệt nói về Chúa Giêsu Đấng cứu thế, như Thiên Chúa đã đoan hứa cho nhân loại.

Trong đời sống hằng ngày, con người có nhiều bận rộn. Họ thường than thở „ không có thời giờ “. Giáo hội loan báo tin mừng: Thiên Chúa ban tặng con người thời giờ. Chúng ta luôn có ít thời giờ, nhất là tìm ra giờ dành cho Chúa. Nhưng Chúa dành thời giờ cho chúng ta.

Thời giờ Chúa ban tặng dành cho con người là công trình sáng tạo thiên nhiên ngôi nhà nền tảng cho sự sống, sự phát triển đời sống, là Lời của Ngài qua Chúa Giêsu mang đến cho con người, và ơn cứu độ Chúa Giêsu đã thực hiện cho con người có lại đời sống vĩnh cửu bên Chúa sau khi qua đời.

Trong khía cạnh đó thời giờ mang dấu ấn sâu đậm nền tảng tình yêu Thiên Chúa, một món qùa tặng qúi gía được ban tặng trao vào tay con người.

Vì thế trong mùa Vọng, lời kêu hãy tỉnh thức dùng thời giờ hướng tâm hồn lên Chúa trên cao, và trải rộng ra chiều ngang với con người trong sự phó thác vào lòng thương xót của Chúa.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long