Dân Chúa Âu Châu

Hoa Banh Ra NhieuChúa nuôi dưỡng dân Ngài

Chúa Nhật 17 Thường Niên - Năm B

Lời Chúa: Ga 6, 1-15

Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: "Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?" Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: "Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút".

Một trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: "Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người". Chúa Giêsu nói: "Cứ bảo người ta ngồi xuống". Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: "Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi". Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: "Thật ông này là Đấng Tiên tri phải đến trong thế gian". Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

"Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích." (Ga 6,11)

Suy niệm:
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều. Có lẽ chúng ta ao ước phải chi mình là người cùng thời với Đức Giêsu để cũng được ăn bánh no nê như dân Do Thái xưa. Thực ra phép lạ này ngày nay vẫn được tái diễn trong Thánh Lễ. Dự Thánh lễ là quy tụ quanh Đức Giêsu như dân Do Thái này xưa, Rước lễ là được ăn thứ lương thực kỳ diệu quý hơn cả manna của dân Do Thái.

Chúng ta hãy tham dự Thánh lễ này trong tâm tình sốt mến tạ ơn.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

Xin Chúa tha thứ cho những lần chúng ta lười biếng tham dự Thánh lễ.

Xin Chúa tha thứ cho những lần chúng ta rước lễ không xứng đáng.

Xin Chúa tha thứ vì chúng ta ích kỷ không chia sẻ với anh chị em chúng ta.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (2 V 4,42-44)

Ngôn sứ Êlisê đã làm phép lạ 20 chiếc bánh lúa mạch hóa nên nhiều cho 100 người ăn no nê.

2. Đáp ca (Tv 144)

Tv này mô tả Thiên Chúa như một vị vua lý tưởng. Một vị Vua tốt luôn chăm lo đến đời sống của thần dân mình, nhờ đó mọi người đều có thức ăn đúng giờ và luôn no nê. "Chúa mở rộng bàn tay và thi ân cho chúng tôi được no nê".

3. Tin Mừng (Ga 6,1-15)

Phép lạ hóa bánh ra nhiều theo cách tường thuật của Thánh Gioan có một số chi tiết mang ý nghĩa đặc biệt:

Phép lạ này diễn ra trong thời gian lễ Vượt Qua. Chi tiết này nhằm cho thấy thứ lương thực mà Đức Giêsu ban cho dân chúng trổi vượt thứ manna mà dân Do Thái được ăn trong thời gian ở sa mạc.

Không phải dân chúng xin Đức Giêsu, cũng không phải các môn đệ can thiệp, mà chính Đức Giêsu thấy dân chúng đói và chính Ngài gợi ý tìm thức ăn cho họ.

Đức Giêsu làm phép lạ này từ phần đóng góp 5 chiếc bánh và hai con cá của một em bé.

Lương thực được phân phát qua trung gian của các tông đồ.

4. Bài đọc II (Êp 4,1-6)

Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu Êphêxô sống hòa thuận hiệp nhất với nhau.

Lời kêu gọi này rất tha thiết, bởi vì lúc đó Phaolô đang ngồi tù mà vẫn phải băn khoăn lo lắng cho họ.

Muốn hòa thuận hiệp nhất thì phải khiêm tốn, hiền hòa, nhẫn nại và chịu đựng nhau.

Lý do phải hoà thuận và hiệp nhất là vì mọi người cùng một thân thể, một tinh thần, một niềm hy vọng, một phép rửa, một đức tin và một Thiên Chúa là Cha.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Lòng rộng rãi của Chúa

Phép lạ hóa bánh ra nhiều là hình bóng của bí tích Thánh Thể. Nhưng trước khi là hình bóng đó, tự nó, phép lạ này cũng có một ý nghĩa được nhiên, nó biểu lộ tấm lòng rộng rãi của Chúa đối với loài người.

Thánh Gioan ghi lại rất nhiều chi tiết về lòng rộng rãi ấy:

Trước đó Đức Giêsu đã chữa cho rất nhiều người bệnh tật.

Chính Đức Giêsu ngước mắt nhìn dân chúng và Ngài biết họ đói, chính Ngài nẩy ra ý định kiếm cái gì cho họ ăn.

Chẳng những Ngài lo cho họ ăn no, mà còn thừa thải.

Chi tiết Đức Giêsu bảo họ ngồi xuống trên thảm cỏ là một so sánh kín đáo Đức Giêsu với người mục tử nhân lành nuôi dưỡng đoàn chiên mình.

Trong Tin Mừng, đây không phải là chỗ duy nhất nói đến lòng rộng rãi của Chúa. Ở chương 6 Tin Mừng Mt, Đức Giêsu cũng bảo chúng ta đừng bận tâm lo lắng đến những nhu cầu vật chất của cuộc sống này, vì Cha trên trời đã biết chúng ta cần những thứ đó và đã lo sẵn tất cả cho chúng ta.

Tài nguyên của trái đất này vẫn còn dư thừa đối với những nhu cầu của nhân loại. Ngoài ra còn rất nhiều nguồn tài nguyên chưa khai thác hết. Sở dĩ ở miền này miền nọ có những dân tộc còn đói, và sở dĩ trong cùng một miền có những người còn đói, đó là vì còn nhiều người chưa đủ tin tưởng vào lòng rộng rãi của Chúa: họ sợ thiếu, nên họ dành giật và tích trữ.

Em bé trong đoạn Tin Mừng này đã không sợ như thế nên em đã dám chia sẻ 5 chiếc bánh và hai con cá của em. Kết quả: chẳng những bản thân em mà tất cả hàng mấy ngàn người đều no nê thừa thải.

Chúa rất rộng rãi, nhưng con người lại hẹp hòi. Đó là lý do của thảm cảnh nhân loại hiện nay.

2. Phép lạ hóa bánh ra nhiều

Đây là một phép lạ lớn: Đức Giêsu đã làm cho có lương thực cho một số đông người ăn no nê thừa thải: đàn ông là 5000, nếu cộng thêm độ 5000 đàn bà và khoảng 2000 trẻ em mà thánh Gioan không kể ra, thì con số lên tới khoảng 12.000. 12.000 người ăn no nê và dư lại 12 thúng đầy. Quả là một phép lạ to lớn.

Nhưng có một điều chúng ta phải lưu ý, đó là Chúa muốn cho phép lạ lớn lao này có sự góp phần của loài người:

Chúa đã làm phép lạ từ 5 cái bánh và 2 con cá của một em nhỏ.

Khi bánh và cá đã hóa ra nhiều rồi, Chúa nhờ các tông đồ đi phân phát cho dân chúng.

Dĩ nhiên, với quyền phép vô biên, Chúa có thể một mình làm được phép lạ này, nhưng Chúa đã cố ý dành phần cho con người góp tay hợp tác vào.

Đây là lề lối hành xử hầu như thường xuyên của Chúa:

Phép lạ đầu tiên Chúa làm ở Cana biến nước thành rượu: Chúa cũng nhờ các gia nhân xách nước đổ sẵn vào các lu.

Các phép lạ khác cũng vậy, Chúa đều đòi người ta hợp tác, hợp tác ít ra cũng bằng một thái độ tin tưởng vào Chúa. Thường trước khi làm một phép lạ, Chúa hỏi "Con có tin không?", và sau khi làm phép lạ, Chúa nói "Đức tin của con đã cứu con".

Công cuộc lớn lao nhất của Chúa là cứu chuộc loài người. Chúa cũng đòi loài người hợp tác. Cho nên thánh Augustinô nói "Khi tạo dựng con Chúa không cần hỏi ý con, nhưng khi cứu chuộc con Chúa cần con phải góp phần vào đó".

Phần Chúa thì mặc dù có quyền phép vô biên, muốn làm gì cho loài người chúng ta cũng được, nhưng Chúa muốn chúng ta góp phần của chúng ta vào. Còn về phần chúng ta thì thường chúng ta quên ý muốn đó của Chúa. Khi chúng ta muốn Chúa giúp chúng ta điều gì, chúng ta thường chỉ biết cầu xin, cầu xin rồi chờ Chúa ban ơn chứ không chịu khó góp phần cố gắng của chúng ta vào. Thậm chí phần hợp tác tối thiểu là tin tưởng trọn vẹn vào Chúa thì ta cũng có khi không tin mấy nữa, có người vừa cầu xin với Chúa vừa chạy tới các thầy bói thầy bùa giúp sức. Có lẽ chính vì thế nghĩa là vì ta không góp phần và không tin cho đủ nên nhiều khi những lời cầu xin của chúng ta đã không đem lại kết quả như ta mong muốn.

Ơn Chúa lúc nào cũng sẵn sàng ban, kể cả phép lạ Chúa cũng sẵn sàng làm. Nhưng biết bao lần chúng ta đã không chịu hưởng nhờ, là vì ta đã không góp phần của ta với ơn Chúa, hoặc ta không tin đủ vào ơn Chúa.

Cụ thể:

Nếu chúng ta xin Chúa giúp cho gia đình chúng ta được hoà thuận, thì đừng có cầu xin suông, nhưng vừa cầu xin vừa có những cố gắng làm hoà lại với nhau như cặp vợ chồng trong câu chuyện vừa kể trên.

Nếu chúng ta xin Chúa giúp gia đình chúng ta thoát cơn túng thiếu, thì cũng đừng cầu xin suông, nhưng vừa cầu xin vừa cố gắng dẹp bỏ những nguyên nhân gây cảnh túng thiếu ấy như ăn xài hoang phí, rượu chè, cờ bạc... và đồng thời cần cù làm ăn, tiêu xài cố suy tính cân nhắc cẩn thận...

Nếu chúng ta xin Chúa hoán cải tâm hồn của một đứa con hoang đàng, chúng ta cũng đừng cầu xin suông, nhưng vừa cầu xin, vừa tìm cách tách nó khỏi những bạn bè xấu, những môi trường xấu và làm nhiều gương tốt trước mặt nó.

3. Phép lạ của lòng quảng đại

Một vị linh mục kia đã giảng rằng: phép lạ hóa bánh ra nhiều là phép lạ của lòng quảng đại. Trước hết là lòng quảng đại của em bé đã hiến năm chiếc bánh và hai con cá cho Đức Giêsu. Số bánh và cá đó không nhiều. Nhưng với em bé thì nó nhiều lắm vì đó là tất cả những gì em có. Có rất nhiều người sẵn sàng cho đi từ cái có nhiều của mình, nhưng rất ít người chịu cho đi từ cái có ít của họ. Vì thế, việc em bé cho hết năm chiếc bánh và hai con cá là một phép lạ của lòng quãng đại. Kế đến là lòng quảng đại của Đức Giêsu. Chẳng những Ngài cho mọi người được ăn, mà còn muốn ăn bao nhiều tuỳ thích, rồi còn dư lại 12 thúng nữa.

Giảng xong, vị linh mục rất hài lòng, nghĩ rằng mình đã giảng một bài rất hay. Khi vị linh mục vào phòng áo, một bà cụ già cũng vào và hỏi xem có ai thấy cái túi xách của bà để quên trong nhà thờ không. Cậu bé giúp lễ trả lời là không ai thấy cả. Vị linh mục cứ tưởng bà sẽ mỉa mai, đại khái như "Cái hạng người đã đến nhà Chúa mà còn ăn cắp thì hết nước nói". Nhưng bà cụ không nói thế, bà chỉ nhỏ nhẹ: "Chắc là người lấy cái túi đó cần đến nó hơn tôi". Vị linh mục hỏi tiếp: "Thế trong túi có gì vậy?". Bà đáp: "Chỉ có hai chiếc bánh".

Câu trả lời khiến vị linh mục vui vui vì thấy câu chuyện hơi trùng hợp với bài giảng của mình. Nhưng đồng thời ngài cũng thấy xấu hổ, vì nếu ở vào hoàn cảnh của bà thì chắc ngài không thể quảng đại như vậy. Ngài cũng còn xấu hổ khi nghĩ rằng ngài chỉ giảng bằng miệng, còn bà cụ thì thực hành điều ngài giảng. Quả thực bà rất có lòng quảng đại.

Quảng đại phải là một nhân đức của người kitô hữu. Nhân đức này lại có nhiều dịp thể hiện, vì hằng ngày ta gặp biết bao người và bao nhiêu dịp để thể hiện nó. Và chúng ta có thể thể hiện quảng đại bằng nhiều cách: cho đi tiền bạc, cho đi của cải, cho đi thời giờ, cho đi công sức, cho đi sự quan tâm, cho đi lòng thương mến v.v.

Và quảng đại cũng trổ sinh niềm vui. Ít khi ta gặp một người nào quảng đại mà buồn. Cũng như ít khi ta gặp người nào bủn xỉn mà vui. (Viết theo Flor McCarthy)

4. Những người thiện nguyện

Hàng năm, cứ vào ngày 5-12 toàn thế giới mừng ngày "Những Người Thiện Nguyện Quốc Tế". Đây là ngày dành để tri ân những con người hiến thân phục vụ không công cho đồng loại, và cũng là ngày mời gọi mọi người dấn thân phục vụ tha nhân.

Được thành lập từ năm 1986, đến nay tổ chức đã có khoảng 35 cơ quan thiện nguyện chiêu mộ và gửi người đi khắp nơi để phục vụ mọi tầng lớp trong xã hội.

Từ một thanh niên làm việc tại các nước nghèo cho đến chuyên viên tổ chức các cuộc lạc quyên. Từ một cán sự y tế phục vụ thổ dân Châu Phi cho đến các chuyên gia phục vụ dự án phát triển các nước thuộc Thế giới thứ ba. Tất cả đều được thúc đẩy bởi một tinh thần phục vụ yêu thương, một tấm lòng nhân ái vị tha.

Ngày Quốc Tế Những Người Thiện Nguyện là bài ca dành cho một nhân loại đang nỗ lực vươn tới một thế giới đầy tình nhân ái.

*

Đức Giêsu chính là mẫu gương sáng ngời của những con người thiện nguyện. Người không chỉ sống nghèo, mà còn sống cho người nghèo. Người không chỉ rao giảng Nước Trời, mà còn chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người đem ơn cứu độ cho cả hồn lẫn xác.

Hôm nay, Người "nuôi năm ngàn người ăn no". Người biết lòng họ rất vui khi nghe giảng, nhưng Người cũng biết bụng họ rất đói, Người muốn tặng họ một bữa ăn đơn giản, bất ngờ, một bữa ăn tập thể ngoài trời. Bữa ăn tràn đầy niềm vui.

Nhưng niềm vui chỉ được trọn vẹn khi có những con người thiện nguyện: "Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?" (Ga.6,5). Đức Giêsu đặt các tông đồ vào nỗi bận tâm của Người. Người cần sự cộng tác của họ. Người cần những con người thiện nguyện. Người cần một Anrê giới thiệu một bé trai. Người cần một bé trai dâng tặng bữa ăn trưa của mình. Người cần các tông đồ ổn định chỗ ngồi. Chính nhờ những con người thiện nguyện ấy, mà phép lạ được thực hiện.

Năm 1999 Giải Nobel Hòa Bình đặc biệt dành cho tập thể những con người thiện nguyện. Đó là "Tổ Chức Các Thầy Thuốc Không Biên Giới". Những con người này suốt đời hiến thân cho tha nhân không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, chính trị. 980.000 đôla tiền thưởng của họ cũng sẽ được dành cho những con người bất hạnh trên toàn trái đất.

Thế giới văn minh ngày nay vẫn còn là một thế giới đói nghèo, vì 80% của cải trên trái đất này đang nằm trong tay 20% những người giàu sang phú quí. Vậy cái đói trên thân xác vẫn còn làm quay quắt con người thời nay. Có biết bao tâm hồn thiện nguyện xót xa trước cảnh đói nghèo đã bắt tay vào cuộc với niềm tin: dù chỉ với "năm chiếc bánh và hai con cá". Thiên Chúa cũng sẽ làm cho con người được no nê ân phúc. Người sẽ biến đổi gương mặt thế giới trở nên nhân bản hơn. Người sẽ tô điểm cho bộ mặt trái đất trở nên tươi tốt hơn.

Thế giới này cần những con người thiện nguyện dám sống chết cho tha nhân. Thế giới này cần các tín hữu Kitô dám đưa những bàn tay ra để chia sẻ nâng đỡ. Thế giới này cần có những Phanxicô Assisi, Mahatma Gandhi, Albert Shcweitzer, Têrêxa Calcutta... để ra đi phục vụ muôn người khốn khổ bất hạnh.

*

Lạy Chúa, Chúa không ngừng khơi dậy trong chúng con những tâm hồn quảng đại, những con tim hiến thân cho đồng loại. Xin cho chúng con luôn sẵn sàng góp phần bé nhỏ của mình trong công việc phục vụ anh em nghèo đói chung quanh chúng con. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

5. "Ngài cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn"

Tạ ơn Chúa trước khi ăn là một thói quen tốt, bắt chước việc Đức Giêsu đã làm ngày xưa: "Ngài cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn".

Một gia đình nọ cũng có thói quen tốt ấy. Khi mọi người đã ngồi vào bàn, ai nấy cúi đầu, đứa con gái út đọc lời cầu nguyện "Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì ơn lành Chúa đã ban cho chúng con. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con có bữa ăn ngon này".

Mỗi lần như thế, người cha đều sung sướng trong lòng. Nhưng một hôm, lời cầu nguyện của đứa con lại khiến ông ray rứt. Hôm đó, sau khi nghe con cầu nguyện, ông chợt nghĩ tới bài báo ông vừa đọc: trên thế giới có tới 40 triệu người đói, và một phần ba trẻ con Châu Phi bị suy dinh dưỡng. Ông suy nghĩ: Bởi đâu mà gia đình ông no đủ đang khi biết bao người khác phải đói rách? Phải chăng gia đình ông tốt hơn hay xứng đáng hơn những người ấy? Phải chăng gia đình ông có ăn vì gia đình ông được Chúa thương hơn những người khác? Hôm đó, những câu hỏi như thế cứ ám ảnh tâm trí ông khiến ông ăn mà chẳng thấy ngon miệng tí nào.

Tạ ơn Chúa vì những ơn lành Ngài ban cho ta thì chưa đủ, việc tạ ơn này phải đi kèm với ý thức về trách nhiệm mà ơn lành Chúa đã trao phó cho ta nữa. Nói cách khác, ta không thể tạ ơn Chúa đã ban cho ta có cơm ăn hằng ngày mà không nghĩ đến trách nhiệm của ta đối với những người đói khát; ta không thể tạ ơn Chúa đã cho ban cho ta có tiền bạc, công ăn việc làm mà không nghĩ đến trách nhiệm đối với những người nghèo túng và thất nghiệp.

Chúng ta không thể làm phép lạ hóa bánh ra nhiều như Đức Giêsu đã làm, nhưng chúng ta có thể chia bánh của ta cho nhiều người khác, hoặc lấy tiền mua bánh cho nhiều người khác. Đức Giêsu vẫn còn tiếp tục hỏi ta như đã hỏi Philíp ngày xưa: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?"

6. Phải biết thế nào là đói

Dưới triều vua Salomon, ở Giêrusalem có một người tên là Simeon rất giàu nhưng rất keo kiệt. Hắn đối xử rất tệ với các đầy tớ, bắt họ làm việc thật vất vả nhưng chỉ cung cấp lương thực ở mức tối thiểu. Bởi đó con cái họ thường đói.

Thế rồi trong nước xảy ra nạn đói. Những người nhà giàu khác mở kho lúa của mình phân phát cho người nghèo. Nhưng Simeon thì không, hắn còn lấy thêm khóa để khóa chặt các kho lúa của hắn.

Việc làm của Simeon đến tai vua Salomon. Nhà vua nghĩ ra một diệu kế: ngài sai sứ giả đi mời Simeon đến dùng bữa với ngài tối hôm sau. Hắn rất hãnh diện. Và để có thể ăn uống no nê những thức ăn hoàng gia, cả ngày hôm sau hắn nhịn không ăn vì cả nên đói rát cả ruột. Đến tối hắn vội vàng vào cung. Một người hầu mời hắn vào phòng khách và thông báo một vài quy định: thứ nhất không được xin nhà vua hoặc các người hầu bất cứ điều gì cả; thứ hai không được hỏi cũng không được than phiền một câu nào cả; thứ ba, nếu nhà vua có hỏi ăn ngon không thì phải trả lời là ngon vô cùng. Sau khi giải thích rõ 3 điều đó rồi, người hầu hỏi: "Ông có đồng ý những điều kiện ấy không?". Hắn đáp "Đồng ý". Người hầu nói: "Vậy thì ông hãy ngồi đợi ở đây. Khi tới giờ ăn thì tôi sẽ gọi ông".

Trong khi hắn ngồi đợi, mùi thức ăn thơm phức từ nhà bếp bay lên khiến hắn đang đói lại càng đói thêm, đến nỗi chảy cả nước miếng. Và rồi giờ ăn cũng đến. Vua Salomon bảo hắn: "Hãy ngồi xuống và muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý". Simeon ngồi xuống. Một người hầu mang đến cho nhà vua một con cá chiên đựng trong một đĩa bằng vàng. Nhà vua vừa ăn vừa nói "Món cá này ngon tuyệt". Sau khi vua ăn xong, người hầu mang đến cho Simeon một đĩa cá y như vậy. Nhưng hắn chưa kịp đưa tay ra thì người hầu đã vội vàng rút đĩa cá lại mang xuống bếp. Simeon tức quá định phản đối, nhưng nhớ lại những quy định mà mình đã đồng ý nên phải ngậm miệng.

Tiếp đến, người hầu mang tới cho nhà vua một tô canh thơm phức. Nhà vua uống cách rất ngon lành. Sau khi vua uống xong, người ta cũng mang cho Simeon một tô y như thế, và cũng vội vàng rút lại mang xuống nhà bếp y như thế. Khi đến món tráng miệng, sự việc lại tiếp tục giống như vậy. Simeon ức vô cùng nhưng cũng chẳng dám làm gì.

Cuối bữa ăn, vua Salomon hỏi: "Hy vọng là ông đã ăn ngon miệng". Tên nhà giàu vội vàng đáp: "Vâng tâu bệ hạ, ngon vô cùng". Và hắn vội vàng đứng dậy cáo từ để sớm về nhà giải quyết cơn đói đang cồn cào trong bụng. Nhưng nhà vua ngăn lại: "Còn sớm chán mà. Hãy ở lại nghe các nhạc công của trẫm. Họ muốn trình diễn cho ông thưởng thức". Buổi hòa nhạc kéo dài tới mấy tiếng đồng hồ. Hắn lại đứng dậy định ra về, nhưng nhà vua lại bảo "Đã khuya quá rồi ông bạn ạ. Ta cho phép ngươi ngủ lại đêm nay trong hoàng cung". Chẳng thể làm cách nào khác, tên nhà giàu keo kiệt đành phải ở lại.

Nằm trên giường mà bụng đói cồn cào, hắn không tài nào ngủ được. Hắn cứ suy nghĩ: "Sao nhà vua mời mình dùng bữa mà lại chẳng cho mình ăn cái gì cả?" Và hắn đã tự tìm được câu trả lời: Nhà vua muốn hắn có dịp cảm thấy đói thì khổ như thế nào. Từ đó, Simêon quyết định sẽ không bao giờ để các đầy tớ của mình bị đói nữa. (Viết theo Flor McCarthy)

7. Chứng từ về chia xẻ

"Để an ủi gia đình chị Tuyết góa bụa trong cảnh thiếu thốn, trong một dịp lễ, gia đình tôi làm thịt thỏ có dành cho gia đình chị Tuyết vài ký thịt đã nấu sẵn, gọi là để khuyến khích 3 cháu nhà chị ấy đang phải học hành vất vả để thi cuối năm. Chính trong dịp mang thịt thỏ biếu gia đình chị Tuyết, gia đình chúng tôi cảm động được biết thêm về hoàn cảnh đặc biệt của chị Tuyết. Chúng tôi hết lòng tạ ơn Chúa đã an bài để luôn có người tới giúp đỡ gia đình chị Tuyết.

Ba năm về trước: Dịp xin tiền trợ cấp cho 3 cháu nhỏ nhà chị Tuyết đi học, gia đình chúng tôi có cử người đến thăm gia đình chị Tuyết và được biết:

Thứ nhất, nhà chị Tuyết đúng là một túp lều tranh, không có sự an toàn tối thiểu để khỏi mất ngay cả cái chậu hay cái nồi trong nhà. Chưa nói đến tình trạng thiếu bàn ghế để mời khách ngồi.

Thứ hai, chồng chị Tuyết là thương phế binh chế độ cũ, từ lâu không có khả năng đảm đang lo cho kinh tế gia đình.

Thứ ba, các cháu ở cỡ tuổi 11, 14 và 16 còn cần phải đi học.

Thêm vào đó là một bầu khí tự ti mặc cảm do người gia trưởng là thương phế binh chế độ cũ. Cả việc hợp thức hoá hôn nhân nơi xã ấp cũng gây ngại ngùng nên không được thực hiện.

Ba năm về sau: - Ba năm về sau khi gia đình chúng tôi mang thịt tới biếu, gia đình chị Tuyết vẫn túng thiếu, nhưng ít nhất về nhà ở đã được cải thiện. Điều quan trọng là có những người thân quen gần xa góp phần giúp đỡ chị Tuyết. Chúng tôi chỉ có thể nêu một số những giúp đỡ cụ thể.

+ Nhà mới xây 5m x 13m với cửa kiếng và nền lát gạch tầu tráng men. Điều quan trọng là người đảm đang việc xây cất đã cho thấy lòng tốt trước sau như một với gia đình chị Tuyết. Ông Dương chỉ thân quen với chồng chị Tuyết, không những đã lo hết giấy tờ để chị Tuyết có thể đưa xác chồng về mai táng sau cái chết đột ngột nơi bệnh viện (rắc rối một phần do hôn nhân chưa được hợp thức hoá), mà còn xây cho gia đình chị Tuyết căn nhà nói trên như ông đã hứa với chồng chị Tuyết khi mua nền nhà cũ của gia đình chị Tuyết.

Tay Phải Làm Tay Trái Chẳng Biết

+ Tay phải làm tay trái chẳng biết: - Được biết dịp an táng chồng chị Tuyết, tiền phúng điếu gia đình, nhà hiếu nhận được trên 10 triệu đồng, một phần do các bạn học của chồng chị Tuyết ở trường Đồng Công xưa. Khi người gia đình chúng tôi mang thịt thỏ tới biếu, thì một cô giáo viên mẫu giáo cũng vừa bước vào. Cô này vẫn hay lui tới, khi mang nải chuối, lúc mang ký thịt, lúc khác mang theo tấm vải để chị Tuyết may áo quần cho các cháu. Tất cả những quà tặng đó đều theo tinh thần Tin Mừng tay phải làm tay trái chẳng biết. Sau cô giáo là chính bà Dương đưa tặng chị Tuyết cái chạn bằng nhựa có đựng bát đĩa mới. Được biết trước đó, ông bà Dương đã tặng các cháu nhà chị Tuyết máy TV đen trắng để coi. (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

Chủ tế: Anh chị em thân mến, dân chúng xưa đói khát, cả tâm hồn lẫn thể xác, và Đức Giêsu đã rộng lòng để thỏa mãn họ cả xác hồn. Chúng ta hãy tha thiết cầu xin Người:

1. Xin cho mọi người trong Hội thánh luôn sống hiệp thông với Chúa nhờ Bí tích Thánh Thể / để có thể quan tâm chia sẻ cho những người đang đói khát về tinh thần cũng như vật chất.

2. Xin cho các chính quyền trên thế giới / biết tận tâm lo thỏa mãn các nhu cầu vật chất như cơm ăn, áo mặc, nhà cửa / và các nhu cầu tinh thần như tự do, hòa bình, văn hóa, tôn giáo / để mọi người dân sống đúng phẩm giá con người hơn.

3. Xin cho những người đang là nạn nhân của chậm tiến, đói nghèo và dốt nát / được nhiều người khá giả hơn quan tâm giúp đỡ / để sớm thoát khỏi cảnh lầm than cơ cực.

4. Xin cho mọi người trong cộng đồng xứ đạo chúng ta biết giúp đỡ và chia sẻ cho nhau / noi gương cộng đồng các tín hữu đầu tiên / để không còn ai trong cộng đồng chúng ta còn dốt nát và đói nghèo.

Chủ tế: Lạy Đức Giêsu, chúng con họp nhau dâng lễ tạ ơn Chúa, vì đã quan tâm nuôi dưỡng cả xác hồn chúng con. Xin cho chúng con biết chia sẻ những hồng ân đã lãnh nhận cho mọi người chung quanh chúng ta. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị...

VI. TRONG THÁNH LỄ

Trước kinh Lạy Cha: Khi chúng ta cầu xin cho có "lương thực hằng ngày", một mặt chúng ta xin Chúa quan tâm đến những nhu cầu đời sống chúng ta, nhưng mặt khác chúng ta cũng hãy xin cho mình biết phó thác cuộc sống trong tay Chúa quan phòng.

Trước Rước lễ: Mình Thánh Chúa mà chúng ta sắp rước còn quý giá gấp bội so với những chiếc bánh và những con cá mà dân Do Thái ngày xưa được ăn. Chúng ta hãy rước lễ trong tâm tình yêu mến và tạ ơn sốt sắng.

VII. GIẢI TÁN

Chúa đã nuôi dưỡng chúng ta trong Thánh lễ này và hằng nuôi dưỡng chúng ta mãi mãi. Chúng ta cũng hãy rộng rãi chia xẻ với anh chị em chúng ta.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể!

Có những điều con không thể tưởng nghĩ hay làm được, thì Chúa đã thực hiện cách dễ dàng.

Phép lạ đã xảy ra, khi nhân loại tin vào quyền năng Chúa.
Phép lạ đã xảy ra, khi con người làm một cử chỉ chia sẻ.
Phép lạ đã xảy ra, khi Chúa bảo các môn đệ phân phát thức ăn cho dân chúng.

Phép lạ bánh và cá hóa nên nhiều được coi như tượng trưng cho bí tích Thánh Thể, Bí tích mà vì yêu thương, Chúa đã trở nên Tấm Bánh bẻ ra cho nhân loại được sống.

Lạy Chúa, khi con lãnh nhận Mình Máu Chúa, lương thực chính yếu dưỡng nuôi con, Chúa mời gọi con sống thì phải biết chia sẻ cho anh chị em. Không phải chỉ những của dư thừa, mà cả những gì cần thiết trong thực tế, như cơm ăn, áo mặc, khả năng, sức lực, trí tuệ... Vì chia sẻ là dấu chỉ của tình thương, sự hiệp nhất và cảm thông. Hôm nay, Chúa lại hỏi con như đã hỏi Thánh Philipphê ngày xưa: "Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?" (Ga 6,5).