Dân Chúa Âu Châu

T 4 T 3 TN BDTông Đồ Phaolô Trở Lại.

Thứ Tư tuần 3 thường niên – THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI. Lễ kính.

Kết thúc tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất.

“Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”.

 

* Trên đường đi Đamát, ông Saolô quê thành Tácxô đã khám phá ra hai điều: Trước hết, Đức Giêsu Nadarét là Đấng đã phục sinh, cũng là Đấng được Thiên Chúa ban phúc lành; thứ đến, Đấng phục sinh với các Kitô hữu là các anh em người, chỉ là một.

Khám phá này là nguồn ánh sáng soi chiếu cả cuộc đời thánh nhân.

 

Lời Chúa: Mc 16, 15-18

Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: ”Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.

Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

1. Con phải làm gì?-- Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Suy niệm:

Bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay kể về một cuộc gặp gỡ lạ lùng

giữa Đức Giêsu Nadarét với anh Saun, kẻ đang bách hại các Kitô hữu.

Chính Ngài muốn gặp anh trên con đường anh đang đi.

Dưới mắt Saun, Kitô hữu là những kẻ bỏ đạo Do Thái chính thống,

để chạy theo một tà phái của ông Giêsu nào đó mà họ tin là đã phục sinh.

Trong tư cách là một người Pharisêu nhiệt thành và nghiêm túc (c. 3),

Sa-un thấy mình có bổn phận phải trừng trị những kẻ phản đạo,

bằng cách bắt bớ, xiềng xích, tống ngục, thậm chí thủ tiêu (cc. 4-5).

Chính lúc đang say sưa đến gần thành Đamát thì anh bị quật ngã.

Cuộc gặp gỡ bắt đầu, đời anh từ nay giở sang một trang mới.

Khi anh đang tự tin và hiên ngang tiến bước,

thì ánh sáng chói lòa từ trời làm anh ngã quỵ (c. 7).

Khi Saun nghĩ mình là người sáng mắt,

thì ngay giữa trưa, anh trở nên mù lòa (c. 11).

Khi anh định chỉ đạo cho những kẻ lầm đường lạc lối,

thì bây giờ anh lại cần một người cầm tay dắt đi (c. 11).

Cuộc đối thoại bắt đầu giữa anh với người mà anh chỉ nghe tiếng nói.

Ngài âu yếm gọi tên anh hai lần và tự giới thiệu:

“Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?

Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ” (c. 8).

Bắt bớ các Kitô hữu là bắt bớ chính Đức Giêsu.

Đức Giêsu và các Kitô hữu là một.

Bài học đầu tiên này Saun sẽ chẳng thể nào quên.

“Lạy Chúa, con phải làm gì?” (c. 10).

Lần đầu tiên Saun gọi người mà anh không hề tin là Chúa.

Khi tuyên xưng Đức Giêsu Nadarét là Chúa,

anh lập tức phó thác cho Ngài, để Ngài chỉ bảo điều mình phải làm.

Nhưng Chúa Giêsu phục sinh đã không nói gì.

Ngài trao anh cho ông Khanania, một người chưa phải là Kitô hữu.

Chính ông này cho mắt anh thấy lại và cho anh biết

anh được chọn để làm chứng nhân cho Ngài trước mặt mọi người.

Đamát là nơi Đức Giêsu tỏ mình cho Saun, cũng được gọi là Phaolô,

là nơi ông nghe tiếng gọi trở nên tông đồ cho dân Ngoại,

và cũng là nơi khởi đầu cho cuộc hoán cải tận căn của ông.

Chính mặc khải của Đấng phục sinh dẫn đến ơn gọi và hoán cải.

Từ nay cuộc đời của Phaolô đi sang một hướng mới.

Giêsu đã trở nên trung tâm của đời ông.

“Tôi coi tất cả như đồ bỏ, để chiếm được Đức Kitô” (Ph 3, 8).

Biến cố trên đường đi Đamát đã chia đời ông làm hai.

“Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua,

để lao mình về phía trước” (Ph 3, 13).

Chúng ta cũng có những kinh nghiệm như Phaolô:

ngã ngựa, mù lòa, nghe và gặp Đức Kitô, rồi hoán cải.

Như Phaolô, mong chúng ta để cho Đức Kitô Giêsu chiếm lấy mình,

và trở nên người tông đồ nhiệt thành cho thế giới.

 

Cầu nguyện:

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ cõi chết đến sự sống,

từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ thất vọng đến hy vọng,

từ sợ hãi đến tín thác.

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ ghen ghét đến yêu thương,

từ chiến tranh đến hòa bình.

Xin hãy đổ đầy bình an

trong trái tim chúng con,

trong thế giới chúng con,

trong vũ trụ chúng con. Amen.

(Chân phước Têrêxa Calcutta)

 

2. Hoán cải theo gương thánh Phaolô --TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Mỗi người môn đệ đều được Chúa Giêsu Phục Sinh sai đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Nhưng trước hết phải hoán cải theo gương thánh Phaolô tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa thường làm con ngạc nhiên ngỡ ngàng. Mỗi trang Tin Mừng đều đưa con đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Người ta đánh mất sự ngạc nhiên khi quen coi thường những điều nghiêm chỉnh. Thực sự con cảm thấy ngỡ ngàng và thật bất ngờ khi con được Chúa sai đi làm sứ giả Tin Mừng cho Chúa. Lạy Chúa, thật thế sao? Con là một kẻ tội lỗi, tầm thường, một kẻ tài trí kém cỏi, một kẻ nhiều tính xấu, nhiều khuyết điểm, lại được Chúa nhờ cậy và giao trọng trách sao? Lạy Chúa, Chúa có lầm chăng?

Con hỏi Chúa, nhưng câu trả lời đã có. Con biết không phải Chúa lầm, nhưng Chúa thương con và tín nhiệm con. Đối với Chúa, không ai là quá xấu đến độ phải loại bỏ. Chúa muốn mọi người làm tông đồ, làm chứng nhân cho Chúa, bởi vì dù chúng con có tội lỗi yếu hèn đến đâu, ân sủng và tình yêu của Chúa vẫn mạnh hơn tội lỗi và yếu hèn của chúng con. Không ai ngờ thánh Phaolô, kẻ bách hại đạo Chúa, lại trở nên vị tông đồ thừa sai số một của Hội Thánh. Không ai ngờ thánh Phêrô, kẻ chối Chúa, lại là thủ lãnh tiên khởi của Hội Thánh. Lạy Chúa, chính ơn Chúa đã làm cho các ngài hoán cải và hiến thân trọn vẹn cho Chúa.

Phần con, con cũng không ngờ, con chỉ biết cảm tạ tình thương Chúa dành cho con. Xin Chúa giúp con dám lãnh trách nhiệm. Xin giúp con không ngừng hoán cải mỗi ngày để con có thể theo Chúa sát hơn và hiến thân nhiều hơn. Con đặt trọn niềm tin tưởng vào ơn thánh Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Các con hãy đi rao giảng Tin mừng khắp thế gian”.

 

3. Dụng cụ trong tay Thiên Chúa--Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

A. Phân tích (Hạt giống...)

Hai dụ ngôn nhỏ này tiếp liền những đoạn Tin mừng của các ngày trước và triển khai thêm chủ đề nghe Lời Chúa.

- Dụ ngôn chiếc đèn: kẻ nghe Tin Mừng giống như chiếc đèn:

a/ Họ phải loan Tin Mừng cho những người khác biết nữa;

b/ Họ phải sống những gì đã nghe, có như thế cuộc sống họ sẽ chiếu tỏa ánh sáng ra những người chung quanh.

- Dụ ngôn cái đấu: người nào càng biết nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa thì càng được ban thêm ơn; trái lại kẻ chỉ nghe mà không sống thì không được ban thêm ơn gì, mà cả những ơn họ đang có cũng bị lấy đi mất.

B. (...nẩy mầm)

1. Lời Chúa quả có sức chiếu sáng rất mạnh. Chỉ tiếc rằng Lời Chúa rót vào tai một số người giống như dầu châm vào những cây đèn không chịu cháy sáng cho nên cũng vô ích. Bà Chiara Lubich nói: "Chúng ta phải sống thế nào để cho dù các sách Tin Mừng trên khắp thế giới có bị đốt hết đi thì người ta nhìn vào cuộc sống chúng ta vẫn có thể chép lại Tin Mừng ấy đúng từng câu, từng chữ".

2. "Hãy để ý điều anh em nghe. Anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng đấu ấy": nhiều khi tôi thấy có những người khác đã hiểu và sống Lời Chúa một cách rất sâu sắc, rồi nhìn lại mình mà tự xấu hổ. Tại sao thế? Chính Chúa Giêsu giải thích: tại vì "cách nghe". Họ chẳng những "nghe" mà còn "đón nhận" và "sinh hoa kết quả" cho nên "đã có thì lại được cho thêm"; còn tôi, có lẽ tôi chỉ "nghe" suông, cho nên "ngay cái đang có cũng bị lấy mất đi".

3. Buổi chiều, người nọ lấy cây nến nhỏ từ trong hộp ra và leo lên tầng tháp cao. Cây nến hỏi:

- Chúng ta đi đâu?

- Đi lên cao hơn để chỉ đường cho tàu bè vào cảng.

- Nhưng tôi nhỏ bé thế này làm sao tàu bè thấy được?

- Chỉ cần ngươi cứ cháy sáng thôi, còn mọi việc ta lo.

Tới đỉnh tháp, người nọ đặt cây nến vào trong một cái đèn có ghép những tấm kính phản quang. Nhờ đó, ánh sáng lan tỏa và mọi tầu bè đều thấy.

Chúng ta cũng là cây nến trong tay Thiên Chúa. Chỉ cần ta cháy sáng, còn kết quả là ở Thiên Chúa (Góp nhặt)

4. Một nông dân nghèo Nhật bản vào thiên đàng và điều đầu tiên ông nhìn thấy là một kệ dài với những vật rất kỳ lạ. Ông hỏi:

- Cái gì thế? Có phải để nấu xúp?

- Không, đó là những cái tai. Chúng là của những người khi sống ở đời nghe được những điều tốt, nhưng họ không làm. Nên khi chết, tai họ vào thiên đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không.

Một lát sau, ông lại thấy một kệ khác với những vật kỳ quái. Ông hỏi:

- Cái gì thế? Có phải để nấu xúp?

- Không, đó là những cái lưỡi. Chúng là của những người sống ở đời bảo người khác làm điều tốt và sống tốt, nhưng chính họ không làm hoặc không sống điều đó. Nên khi chết, lưỡi họ vào thiên đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không (Góp nhặt)

 

4. Thánh Phaolô Tông đồ trở lại--Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

--- Chọn thêm Dụ ngôn hai người con (Mt 21,28-32)

Đứng trước lời rao giảng Tin mừng của Đức Giêsu, có hai hạng người với hai thái độ trái ngược nhau, đó là giới lãnh đạo Do thái và những người tội lỗi và dân chúng. Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn hai người con để làm nổi bật sự tương phản giữa lời nói và việc làm: nói có mà không làm; nói không nhưng lại làm. Giữa sự đối nghịch này, hành động được đánh giá là quan trọng, vì hành động là dấu hiệu của một tâm hồn trong sáng, biểu hiện qua những hành động ngay thẳng. Vì thế, Đức Giêsu đã thẳng thắn tuyên bố: “Không phải những người nói: Lạy Chúa! Lạy Chúa, là được vào Nước trời, nhưng chỉ những kẻ thi hành ý Cha trên trời”.

Cần tìm hiểu hình bóng của dụ ngôn này:

- Người con thứ nhất thưa “không đi”, nhưng sau hối hận và đã đi làm: ám chỉ những người tội lỗi, thu thuế, đĩ điếm và chư dân. Những người này thoạt mới nghe giảng, họ ngại ngùng không theo; nhưng sau họ đã nghe Gioan Tẩy giả và lời giảng của Đức Giêsu nên đã sám hối ăn năn.

- Người con thứ hai là đứa con “thưa vâng” rồi không đi làm: ám chỉ những nhà lãnh đạo Do thái và tất cả những ai vâng lệnh bằng lời nói mà không thực hành. Những người này vẫn tự xưng là giới đạo đức và lên mặt mô phạm với đời. Nhưng họ từ chối ơn Thiên Chúa, không nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, mặc dầu trước khi Người đến, họ vẫn khát vọng Người.

- Áp dụng vào trường hợp ông Saolô là người con thứ nhất: đã không đi lại còn chống đối và âm mưu ám hại, nhưng đã hối hận và trở lại để trở thành Tông đồ Phaolô nhiệt thành.

Kết luận dụ ngôn Đức Giêsu nói: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm, sẽ vào Nước trời trước các ông”. Chưa bao giờ ta thấy Đức Giêsu đã nói thẳng với các người biệt phái như lần này. Chính họ có lẽ cũng không ngờ. Còn thánh Phaolô thì không ngờ được Chúa đón nhận.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải có thái độ nào với tư cách là một Kitô hữu, một chứng nhân của Chúa? Chúng ta sẽ cố gắng:

- Đừng nghĩ rằng mình thuộc hàng “công chính” để rồi ngủ mê trong ảo tưởng đạo đức về mình.

- Cũng đừng cho rằng mình thuộc hàng “thu thuế và đĩ điếm” để rồi buông xuôi cho dòng đời lôi cuốn.

Hãy sống trung thực với lòng mình. Hãy sám hối và chỉnh sửa lại cuộc sống, sao cho mình xứng đáng là con Chúa, là Kitô hữu để cuộc sống tốt lành của mình toả ra mùi thơm tho nhân đức vì “hữu xạ tự nhiên hương”. Lúc đó không cần phải phô trương, tự cuộc sống của mình sẽ chứng minh.

 

5. Thánh Phaolô trở lại--Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo hội mừng ngày Thánh Phaolô được ơn trở lại. Bây giờ tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ của tôi nhân dịp mừng ngày lễ trọng đại này.

A. Một chút về lịch sử

Trong khi thánh Phêrô được xác định là “đá tảng cho Hội Thánh” (Mt 16,18), thì Phaolô được gọi là “thầy dạy của dân ngoại về đức tin và chân lý” (1Tm 2,7). Đối với Phaolô, đây là cả một mầu nhiệm. Trước đấy, ngài đã khinh khi những người Kitô hữu, khi họ tôn kính một đấng Mê-si-a bị xử tử như một tử tội.

Sự kiện ở cổng thành Đa-mát đã biến đổi tất cả. Thiên Chúa mà ngài tôn thờ trong cương vị là một người Pharisêu đạo đức, đã biến đổi ngài trở thành kẻ rao giảng cho Tin Mừng của Đức Giêsu chịu đóng đinh (Gl 1,11-16).

Lễ thánh Phao-lô trở lại đã được tìm thấy trong phụng vụ Ga-li-en, từ thế kỷ thứ 8. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

B. BƯỚC QUA BÀI SÁCH TĐCV.

Trong sách Công vụ, chính Phaolô đã tự thuật về ơn gọi của mình. Ơn gọi ấy bắt đầu từ một biến cố trên đường ông đi Đamát. Câu chuyện này được tường thuật tới 3 lần: 9,3-7; 22,3-16 và 26,13-15. Bài sách thánh chúng ta vừa nghe là đoạn tường thuật thứ hai.

Có một chi tiết nổi bật trong câu chuyện này. Đó là sự mù lòa và sự sáng mắt của Phaolô. Sự kiện này có thể phân ra thành 3 giai đoạn:

- Giai đoạn trước khi Phaolô gặp Chúa Giêsu: ông là một người nhiệt thành. Nhưng chính sự nhiệt thành ấy đã làm ông thành mù quáng khiến ông chống lại Giáo Hội của Ngài (cũng giống như những người biệt phái).

- Giai đoạn 2: Sau khi ông gặp được Chúa Giêsu: hoạt động mù quáng chống phá Giáo Hội đã ngưng lại, nhưng ông vẫn còn mù (“Ánh sáng chói lòa kia làm cho tôi không trông thấy nữa”). Sự mù này một phần vì Phaolô chưa thích ứng nổi với ánh sáng quá rực rỡ của Chúa Giêsu, một phần vì ông chưa được chỉ dẫn về đường lối của Ngài

- Giai đoạn 3: Khi gặp được Khanania, thì Phaolô được sáng mắt, vì đã được chỉ dẫn (“Thiên Chúa đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Ngài và được thấy Đấng Công Chính... Anh sẽ làm chứng nhân... về các điều anh đã thấy và đã nghe”).

C. BƯỚC QUA BÀI TIN MỪNG.

Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời cuối cùng của Chúa Giêsu nói với các môn đệ:

- Chúa sai các ông đi loan Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.

- Sai đi với một lời hứa: Hứa hỗ trợ đặc biệt cho các ông: “Nhân danh Thầy họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu có uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. Những “dấu lạ” mà Chúa Giêsu hứa có thể mang 2 nghĩa:

a/ Nghĩa bóng: Chúa giúp các ông chiến thắng thế lực của sự dữ;

b/ Nghĩa đen: các ông sẽ thật sự làm được những phép lạ

D. BÀI HỌC

1. Khi chọn ai, Chúa không theo những tiêu chuẩn thường tình của con người nhưng theo những tiêu chuẩn rất lạ: không cần học thức cao, không cần tài ba lỗi lạc, không cần khả năng khéo làm việc...

Đọc lịch sử Giáo hội, tuy chúng ta thấy không có một vị thánh nào khả dĩ so sánh được với thánh Phaolô. Thánh Phaolô là một bậc thầy, một vĩ nhân, một nhà mô phạm. Chính Giáo hội, mẹ chúng ta cũng đã đề cao thánh Phaolô như một vị hướng đạo tối cao và có nhiều uy tín nhất. Giáo hội đã dành cho thánh Phaolô một điạ vị khá quan trọng trong địa hạt giáo huấn các Kitô hữu. Đa số các bài sách thánh Giáo hội đọc hàng ngày trong Thánh lễ hoặc trong kinh nhật khóa đều trích dẫn trong các thư phong phú, sâu sắc, thực tế, nhiều tính chất thời sự.

Thế nhưng hầu như không bao giờ Ngài tỏ ra có vẻ hơn người. Nếu có nói, có khoe thì chỉ là nói và khoe những cái yếu đuối, những cái ngu dại, những cái hèn mọn, những cái bị khinh thường và những cái hư không để nhờ đó mà thấy rõ hơn tình yêu thương của Chúa đã dành cho mình (Sunday School Times).

2. Sự việc Ngài trở lại cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ thật nhiều.

Thế nào là trở lại? Trở lại là đang đi trên một con đường, rồi biết rằng đường đó là sai lạc, nên dứt khoát quay lại. Nếu chỉ biết mà không quay lại thì không phải là trở lại. Thánh Phaolô đã quay lại một cách dứt khoát đúng 180độ, và quay rất nhanh.

Bà Reside là nhà truyền giáo đầu tiên cho những người da đỏ bộ lạc Kiowa ở Oklahoma. Bà được họ thương mến đặt tên là Aim-day-co, nghĩa là “Hãy quay lại”. Khi giải thích lý do chọn cái tên đó để đặt cho bà, vị tù trưởng nói: “Khi những người bộ lạc Kiowa chúng tôi thấy ai đang đi lạc hướng thì chúng tôi nói với họ “Aim-day-co”. Họ nghe và quay lại đúng hướng. Bà này từ một nơi xa xôi đến với chúng tôi. Bà thấy chúng tôi đang đi lạc và bà đã chỉ cho chúng tôi con đường đúng, đó là con đường của Chúa Giêsu Kitô. Xin Ngài chúc lành cho bà Aim-day-co” (Moody Monthly).

Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết trở lại với Chúa mỗi khi chúng ta lỡ lạc đường.

 

6. Thánh Phaolô Tông Đồ trở lại—tgpsaigon.net

Bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay kể về một cuộc gặp gỡ lạ lùng giữa Đức Giêsu Nadarét với anh Saun, kẻ đang bách hại các Kitô hữu.

Chính Ngài muốn gặp anh trên con đường anh đang đi. Dưới mắt Saun, Kitô hữu là những kẻ bỏ đạo Do Thái chính thống, để chạy theo một tà phái của ông Giêsu nào đó mà họ tin là đã phục sinh. Trong tư cách là một người Pharisêu nhiệt thành và nghiêm túc (c.3), Sa-un thấy mình có bổn phận phải trừng trị những kẻ phản đạo, bằng cách bắt bớ, xiềng xích, tống ngục, thậm chí thủ tiêu (cc. 4-5). Chính lúc đang say sưa đến gần thành Đamát thì anh bị quật ngã. Cuộc gặp gỡ bắt đầu, đời anh từ nay giở sang một trang mới.

Khi anh đang tự tin và hiên ngang tiến bước, thì ánh sáng chói lòa từ trời làm anh ngã quỵ(c. 7). Khi Saun nghĩ mình là người sáng mắt, thì ngay giữa trưa, anh trở nên mù lòa (c. 11). Khi anh định chỉ đạo cho những kẻ lầm đường lạc lối, thì bây giờ anh lại cần một người cầm tay dắt đi (c. 11). Cuộc đối thoại bắt đầu giữa anh với người mà anh chỉ nghe tiếng nói.

Ngài âu yếm gọi tên anh hai lần và tự giới thiệu: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ” (c. 8). Bắt bớ các Kitô hữu là bắt bớ chính Đức Giêsu. Đức Giêsu và các Kitô hữu là một. Bài học đầu tiên này Saun sẽ chẳng thể nào quên.

“Lạy Chúa, con phải làm gì?” (c. 10). Lần đầu tiên Saun gọi người mà anh không hề tin là Chúa. Khi tuyên xưng Đức Giêsu Nadarét là Chúa, anh lập tức phó thác cho Ngài, để Ngài chỉ bảo điều mình phải làm. Nhưng Chúa Giêsu phục sinh đã không nói gì. Ngài trao anh cho ông Khanania, một người chưa phải là Kitô hữu. Chính ông này cho mắt anh thấy lại và cho anh biết anh được chọn để làm chứng nhân cho Ngài trước mặt mọi người.

Đa-mát là nơi Đức Giêsu tỏ mình cho Saun, cũng được gọi là Phaolô, là nơi ông nghe tiếng gọi trở nên tông đồ cho dân Ngoại, và cũng là nơi khởi đầu cho cuộc hoán cải tận căn của ông. Chính mặc khải của Đấng phục sinh dẫn đến ơn gọi và hoán cải. Từ nay cuộc đời của Phaolô đi sang một hướng mới. Giêsu đã trở nên trung tâm của đời ông. “Tôi coi tất cả như đồ bỏ, để chiếm được Đức Kitô” (Pl 3, 8). Biến cố trên đường đi Đamát đã chia đời ông làm hai. “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3, 13).

Chúng ta cũng có những kinh nghiệm như Phaolô: ngã ngựa, mù lòa, nghe và gặp Đức Kitô, rồi hoán cải. Như Phaolô, mong chúng ta để cho Đức Kitô Giêsu chiếm lấy mình, và trở nên người tông đồ nhiệt thành cho thế giới.

Cầu nguyện:

Xin hãy dẫn dắt con đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý. Xin hãy dẫn dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác. Xin hãy dẫn dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hòa bình. Xin hãy đổ đầy bình an trong trái tim chúng con, trong thế giới chúng con, trong vũ trụ chúng con.

 

7. Mầu nhiệm ơn gọi Phaolô--Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Nói đến thánh Phaolô là nói  đến mầu nhiệm ơn gọi tông đồ cũng như sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa trên cuộc đời sứ vụ của ông.

Đọc Công vụ Tông tồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một chàng có tên gọi là Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, có thể nói ông là người đẹp trai, con nhà giầu, học giỏi, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem, nhiệt thành đến nỗi, tham gia vào vụ giết Têphanô và rong ruổi mọi đường Đamát truy lùng các Kitô hữu. 

Nói đến Phaolô là nói đến sự cải đạo của ông

Đối với Phaolô, con đường Damas là con đường thiên mệnh, con đường của Ý Trời. Con đường ấy đã thay đổi con người và cuộc đời của Phaolô 180 độ. Và con đường đó cũng đã thay đổi hoàn toàn chiều hướng của lịch sử nhân loại. 

Trong ánh sáng huy hoàng, Chúa Kitô phục sinh đã ngỏ lời và đối thoại với Saolô. Thần Khí của Đấng Phục Sinh đã tác động và thay đổi hoàn toàn con người của ông. Ánh sáng ấy làm cho Saolô mù mắt, diễn tả sự mù quáng của ông trước việc bắt bớ các người Kitô hữu. Sự mù lòa còn tượng trưng cho sự “vô tri”: Saolô không thấy Thiên Chúa, không biết Thiên Chúa, mà cứ tưởng như mình biết. 

Chúa Kitô Phục Sinh muốn nhờ Giáo hội, qua Phép rửa, giải thoát Saolô khỏi sự “u mê lầm lạc”, vô tri. Phaolô đã được thấy lại nhờ ánh sáng của Chúa qua Phép rửa, bấy giờ mới nhận biết Đức Kitô và khám phá ra Thiên Chúa, chính là Cha của Đức Giêsu Kitô. Phaolô ngã xuống đất và suốt ba ngày không nhìn thấy, không ăn, không uống, giống như người “chết rồi mới sống lại với Chúa”. Saolô được thông phần cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, được Chúa Cha mạc khải cho biết mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh của Chúa Giêsu. Từ đó trở nên “chứng nhân” được sai đi loan báo Tin mừng Phục Sinh cho các dân ngoại. 

Rõ ràng là ý Trời, Trời đã can thiệp vào cuộc đời của Saolô bằng Tình yêu đặc biệt. Chính Thiên Chúa đã nói qua miệng ông Khanania, và Phaolô sau này lập đi lập lại nhiều lần. Thiên Chúa đã tuyển chọn Saolô một người duy nhất giữa muôn người. Cú ngã ngựa trên đường Đamat, biến Saolô thành chứng nhân vĩ đại là Phaolô, một người ngoài nhóm 12 tông đồ, để trao cho sứ mạng làm “Tông đồ Dân ngoại”, biệt danh này không ai có, ngoại trừ Phaolô. Và từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca của vị Tông đồ đã sống và đã chết cho Đức Kitô.

Ý Trời, hay ý muốn của Chúa Giêsu, Người mà ông đã ghét cay ghét đắng, căm thù đến tận xương tủy, khi chưa có dịp gặp, mà chỉ nghe nói đến do những kẻ thù của Chúa. Nhưng khi ông đã gặp Chúa Giêsu, tất cả đều thay đổi.

Chúa Kitô Phục Sinh đã đổi mới tư tưởng và trái tim của Phaolô. Không biết Đức Giêsu tại thế, Phaolô đã ghét cay ghét đắng và sát hại không thương tiếc các môn đệ của Người. Giờ đây trái tim của Phaolô được Chúa Giêsu chiếm lĩnh như chiếm đoạt trái tim của người yêu ( Pl 3, 12 ). Và Phaolô trở nên như một “người tình” của Chúa Giêsu, đến nỗi Phaolô phải thú nhận: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” ( Gl 2, 20 ). 

Đúng như Phaolô viết: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5, 14), tất cả nhiệt tình nơi con người và cuộc đời Phaolô đều phát xuất từ  mối tình đó: Tình yêu của Chúa Kitô là “chủ thể  yêu thương Phaolô”, Tình yêu Chúa Kitô là “đối tượng mà Phaolô yêu mến”. Tâm trí của Phaolô đã hoàn toàn mở ra cho Chúa Kitô, và vì thế có khả năng mở rộng cho mọi người, Phaolô trở nên tất cả cho mọi người (1 Cr 9, 12), sẵn sàng làm mọi sự cho “Tin mừng Tình yêu” mà người rao giảng.

Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cr 9,3-18; 2 Cr11,8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại  hùng hồn kể về những ”… lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi”; Phải chịu đủ thứ nguy hiểm và ra vào tù nhiều lần.

Nói đến Phaolô là nói đến vị Tông đồ của mọi thời đại

Phaolô đã trở thành vị “Tông đồ của mọi thời đại”. Là Do thái với người Do thái, Hy lạp với người Hy lạp, là người tự do, nhưng trở thành nô lệ của mọi người để phục vụ mọi người ( 1 Cr 9, 19 – 21 ), Phaolô cũng có thể là Việt Nam với người Việt Nam, là Thái với người Thái, Phi với người Phi, Hàn quốc với người Hàn quốc. 

Không những là “con người của Tình yêu”, Phaolô còn là “con người của chân lý”. Đối với Phaolô, chân lý là “Tin mừng Chúa Giêsu Kitô”  ”Chân Lý về một Tình Yêu mạnh hơn sự chết”, đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết, trở thành nơi hội tụ của toàn thể nhân loại, toàn thể thế giới thụ tạo của Thiên Chúa.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 54 ngày cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng, ngày quan trọng này với chủ đề:  ”Lời khẩn cầu của Chúa Giêsu”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho chúng ta tuân hành giới luật yêu thương, hầu chúng ta có thể gặt hái được nhiều hoa trái. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để nguyện vọng của Chúa Giêsu được hoàn thành, tất cả chúng nên một: tình hiệp nhất luôn luôn cao trọng hơn những xung đột. Amen.

 

8. Tông Đồ Phaolô Trở Lại--J.M

Người ta gọi Ngài một biệt danh như thế, nhưng Ngài không được hân hạnh như nhóm 12 các ông, đã được trông thấy Người, được nghe, được đi theo sau khi được Người chọn các ông. Đối với 12 vị, Đức Ki-tô không phải là người xa lạ, đó là người cùng làng xóm. Một người cùng chi họ. Còn Phaolô, ông không bao giờ trông thấy Đức Ki-tô. Nếu ông là kẻ bắt bớ các tông đồ và các môn đệ, không phải vì các ông này tuyên xưng danh Đức Ki-tô, nhưng các ông cũng như Đức Ki-tô, đã làm rối trật tự, Phaolô là người biệt phái, công dân Rôma, môn sinh của các thầy nổi tiếng thời đó. Ong không đấu tranh chống lại một bóng ma, nhưng chống lại những kẻ theo một giáo lý mới làm điên cuồng.

Một thế hệ mới...

Phaolô đã là một người thuộc thế hệ mới của các tông đồ. Công vụ tông đồ kể lại một cách tóm tắt cho chúng ta đoán được Phaolô chắc chắn đã tiêu hao nhiều năm đi bắt bớ các tín hữu, trước khi bị té ngựa trước ánh sáng Đức Ki-tô. Sứ điệp của Đức Ki-tô đã ban bố và được đón nhận khắp xứ Giuđa. Trước khi Phaolô xuất hiện. Phêrô đã làm cho nhiều người ngoài Do Thái trở lại rửa tội.

Phaolô, một người thuộc thế hệ mới, vì ông sống trong nền văn hóa Hy lạp, được giáo dục Rôma. Và cuộc trở lại của ông là nhờ ơn Chúa biến đổi ông tận gốc.

Cho tới ông, Tin Mừng còn hạn chế chỉ giảng cho người Do Thái, trừ Phêrô mới giảng một lần cho dân ngoại. Nhưng khi đến thời giảng Tin Mừng cho dân ngoại, thì Phaolô trở thành một Tarrê, một bổn đạo mới đã được trao trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

Thánh Thần đổi mới.

Phải trông cậy vào Thánh Thần, Ngài đến canh tân mọi sự, Thánh Thần muôn đời tươi trẻ. Ngài không bảo chúng ta phải chiều theo những tính hay thay đổi của tuổi trẻ, bắt chước những tính đó là làm trò hề và ngu muội, Ngài bảo chúng ta phải biết lắng nghe những gì cao đẹp và tươi trẻ, và thi hành trọn vẹn những đòi hỏi của chân lý của chân thành, của ân huệ và hướng dẫn những tính tự nhiên đó sống theo Thánh Thần.

Ước mong những người đạo lâu đời trở nên những người đầu trong tình yêu và tái sinh thành trẻ trung và đổi mới theo Thánh Thần.

 

9. Thánh Phaolô Trở lại--‘Lẽ Sống’--Radio Veritas Asia

Hôm nay, Giáo Hội tưởng niệm biến cố trở lại của Thánh Phaolô.

Theo Sách Công Vụ các sứ đồ, quyển sử ký ghi lại trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Saolê, tên gọi Do Thái của Phaolô, là một thanh niên phong thái và đầy nhiệt huyết đối với Ðạo. Vừa thụ huấn xong với một thầy Rabbi nổi tiếng trong nước, Saolê xung phong đi săn lùng những người môn đệ của Ðức Kitô mà anh cho là một bè phái đi ngược lại với Ðạo giáo.

Một hôm, đang trên đường đi Damascô để lùng bắt các môn đệ của Chúa Giêsu, anh đã bị một luồng Sáng đánh quật té xuống khỏi ngựa và từ trong ánh sáng ấy, anh đã nhận ra tiếng nói của Chúa Giêsu: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt hại".

Từ đó, sự hăng say bách hại các Kitô hữu đã biến thành lòng nhiệt thành phụng sự Giáo Hội của Ðức Kitô. Thiên Chúa đã sử dụng Phaolô làm khí cụ Truyền Giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại, tức là các dân tộc ở ngoại Do Thái Giáo.

Cuộc trở lại của Thánh Phaolô đã đánh dấu một khúc quan trọng nhất trong lịch sử của Giáo Hội tiên khởi. Tin Mừng không chỉ giới hạn trong ranh giới của Do Thái cũng như lề luật Maisen, Tin Mừng còn là một nối dài của Do Thái Giáo, nhưng chính là một Tôn Giáo mới cho mọi dân tộc, mọi văn hóa.

Giáo Hội tưởng niệm biến cố trở lại của thánh Phaolô như cao điểm của tuần lễ cầu cho hiệp nhất. Nơi thánh Phaolô, con người đã dám vượt ra khỏi ranh giới của dân tộc, của Ðạo Giáo của mình, để tuyên bố: Hãy trở thành Hy Lạp với người Hy Lạp, La Mã với người La Mã, nô lệ với người nô lệ. Giáo Hội nhận ra kiểu mẫu đích thực của hiệp nhất. Sự hiệp nhất chỉ có thể thực hiện được, nếu mỗi người môn đệ của Chúa Giêsu có đủ can đảm ra khỏi chính mình. Phải chăng đó không là đòi hỏi đầu tiên của sự trở lại?

Theo từ điển tiếng Việt của Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội, "trở lại" nghĩa là về nơi mình ra đi.

Nơi mình đã xuất phát, nơi mình đã ra đi đối với người Kitô chúng ta là gì nếu không phải là Thiên Chúa. Như vậy, trở lại chính là quay trở về với Thiên Chúa.

Sự quay trở lại ấy đòi hỏi một sự từ bỏ tận căn và một thái độ sẵn sàng tuyệt đối. Chúng ta phải đọc lại sự trở lại của Thánh Phaolô: Phaolô là một người thanh niên hăng say với lý tưởng. Lý tưởng của anh chính là phụng sự Chúa hết mình bằng cách tiêu diệt những kẻ mà anh cho là Tà Ðạo. Nhưng trong phút chốc, lần ngã ngựa đau điếng cả người hôm đó đã buộc anh phải xoay chiều hoàn toàn: Những gì anh cho là Tà Ðạo trước kia nay anh phải xem lại Chính Ðạo. Phaolô phải quay ngược đường trở lại. Từ bỏ tất cả những gì mình hằng ôm ấp từ trước đến nay, từ bỏ con đường mình đang đi, Phaolô đã trở thành một khí cụ mềm nhũn trong tay Chúa.

Ra khỏi chính mình, từ bỏ chính mình để trở thành khí cụ trong tay Chúa: đó là đặc điểm của sự trở lại trong Kitô giáo chúng ta.

Sự trở lại đó không chỉ là sự quay về với Chúa của những người không tín ngưỡng, của những người từ chối Giáo Hội khác, nhưng là đòi hỏi từng ngày của người Kitô. Mỗi lúc một đến gần với cùng đích của chúng ta là chính Chúa: đó là lý tưởng của người Kitô chúng ta.

Càng đến gần với Chúa càng sẵn sàng trở nên khí cụ của Chúa, chúng ta càng đến gần với tha nhân.

Xin Thánh Phaolô mà chúng ta tưởng niệm biến cố trở lại hôm nay, giúp chúng ta hiểu được sự trở lại đích thực mà người Kitô chúng ta phải theo đuổi mỗi ngày.

 

10. Thánh Phaolô Trở lại--tinvuixuanloc.vn

Trong khi thánh Phêrô được xác định là “đá tảng cho Hội Thánh” (Mt 16,18), thì Phaolô được gọi là “thầy dậy các dân ngoại về đức tin và chân lý” (1 Tm 2,7).

Đối với Phaolô, đây là cả một mầu nhiệm. Trước đấy, ngài đã khinh khi những người kitô hữu, khi họ tôn kính một đấng Mêxia bị xử tử như một tội đồ.

Sự kiện ở cổng thành Đa-mát đã biến đổi tất cả. Thiên Chúa mà ngài tôn thờ trong cương vị là một người Pharisiêu đạo đức, đã biến đổi ngài thành kẻ rao giảng cho Tin Mừng của Đức Giêsu chịu đóng đinh (Gal 1,11-16).

Lễ thánh Phaolô trở lại đã được tìm thấy trong phụng vụ Galien từ thế kỷ thứ 8.

CẦU NGUYỆN: Lạy Cha, Cha đã dùng lời rao giảng của thánh Phaolô tông đồ để dạy dỗ muôn dân. Hôm nay mừng kỷ niệm ngày thánh nhân trở lại tin theo Đức Kitô, xin cho chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại mà tiến đến gần Cha và trở nên chứng nhân của Tin Mừng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

 

11. Người hùng của tin mừng--giesu.net

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)

Suy niệm: Phaolô là người hùng của Luca trong sách Công vụ Tông đồ, một người hùng không phải vì những chiến công đánh đông dẹp bắc, nhưng là người hùng trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Khởi điểm của người hùng ấy lại là sự kiện ngã ngựa đau đớn và rồi chịu khuất phục hoàn toàn trước vị vua vũ trụ Giêsu. Từ khi tỉnh ngộ, nhận biết Đức Giêsu, cuộc đời Phaolô chuyển sang một hướng mới: nghĩ mọi cách, làm mọi sự, đi mọi nơi, gặp mọi người, miễn là Tin Mừng của Đức Giêsu được loan báo, để mọi người cũng được nghe, biết và rồi đón nhận Tin Mừng ấy như mình. Vì yêu mến Đức Giêsu, người hùng Phaolô luôn lao mình về phía trước, bất kể thử thách, chống đối và thậm chí bách hại.

Mời Bạn: Từ người hùng bách hại đạo Chúa, Phaolô trở thành người hùng phụng thờ Ngài. Từ chỗ cậy dựa vào công trạng cá nhân, sau cú ngã ngựa, Phaolô nhận ra mọi vinh quang cá nhân phát xuất từ ơn cứu độ, sự sống mới của Đức Giêsu. Còn bạn, bạn dám hoán cải triệt để như Phaolô không, nghĩa là mạnh dạn thay đổi cái nhìn về Chúa, người khác và chính mình không?

Sống Lời Chúa: Noi gương thánh Phaolô, tôi sẽ nỗ lực vượt lên tính an phận, để trở thành “người hùng” trong việc loan báo Tin Mừng và phụng thờ Chúa, bằng cách sống những việc bình thường với lòng yêu mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hoán cải một người bách hại đạo Chúa trở thành người loan truyền Tin Mừng. Xin cũng biến đổi chúng con, những môn đệ yếu hèn, nhát đảm, trở thành những chứng nhân hăng say và nhiệt thành của Nước Trời. Amen.

 

12. Thánh Phaolô tông đồ trở lại—Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thánh Phaolô đã viết: “Tôi biết tôi tin vào ai và xác tín rằng: Ðức Kitô là Vị Thẩm Phán chí công có đủ quyền năng bảo toàn Giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới ngày Người ngự đến" (2Tm 1.12; 4, 8). Thánh Phaolô đã có một cảm nghiệm sâu xa về Chúa Kitô khi Ngài bị đánh ngã ngựa trên đường đi Ðamas.

PHAOLÔ LÀ AI?

Phaolô là người Do Thái thuộc chi tộc Benjamin, tên của Ngài là Saolô, quê Tarsê xứ Xilixia. Gia đình của Phaolô đã nhập tịch làm dân Roma, nên Ngài cũng là dân Roma. Saolô ngay từ thuở thiếu thời luôn trung thành với truyền thống của cha ông mình. Saolô là một phần tử hăng say thuộc nhóm biệt phái, luôn thù ghét các Kitô hữu, thù ghét Giáo Hội của Chúa Giêsu. Saolô đã tham dự vào việc ném đá Têphanô: "Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saolô"(Cv 7, 58). “Phần ông Saolô, ông tán thành việc giết ông Têphanô" (Cv 8, 1). Saolê bắt đầu từ lúc đó càng hăng say bắt bớ Giáo Hội Chúa Kitô: “Còn ông Saolô thì cứ phá hoại Hội Thánh: Ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục" (Cv 8, 3). Saolô đã được các thượng tế Do Thái cho phép, đồng ý nên đã đến các hội đường ở Ðamát, để nếu thấy những người theo Ðạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem (Cv 9, 1).

CHÚA KÊU GỌI SAOLÔ

Chúa luôn có con đường của Ngài và nẻo đường của Ngài không ai biết trước, không ai hiểu rõ như thánh Phaolô đã viết: “Sự giầu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Ðường lối của Người, ai theo dõi được" (Rm 11, 33). Trên đường đi Ðamát với một khí thế hung hăng, đằng đằng sát khí, Saolô muốn tiêu diệt Giáo Hội của Chúa, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với Ông: “Sa-un, Sa-un, tại sao Ngươi bắt bớ Ta" (Cv 9, 4). Saolô liền hỏi lại: “Thưa Ngài, Ngài là ai?" (Cv 9, 5)

Người đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ" (Cv 9, 5). Và Saolô đã khuất phục: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?". Chúa truyền cho Saolô vào thành và gặp Khanania, nơi đó Khanania đã nói với Saolô: “Anh Sa-un, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Ðức Giêsu, Ðấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần" (Cv 9, 17) và "Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Saolô, và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu phép rửa" (Cv 9, 18). Saolô từ lúc sáng mắt đã hoàn toàn được đổi mới. Ông nhiệt thành đi rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa. Với tên mới Phaolô, vị tông đồ được Chúa chữa sáng mắt đã nong nả đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng, và trở nên vị tông đồ dân ngoại rất lừng danh. Thánh nhân đã luôn tin tưởng vào Chúa, Ngài viết: “Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Ðấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi" (Gl 2, 20).

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời rao giảng của thánh Phaolô tông đồ để dạy dỗ muôn dân. Hôm nay, mừng kỷ niệm ngày thánh nhân trở lại tin theo Ðức Kitô, xin cho chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại mà tiến đến gần Chúa, và trở nên chứng nhân của Tin Mừng" (lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Phaolô trở lại).

 

13. Cú ngã ngựa lịch sử--Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Đọc lại cuộc đời Thánh Phaolô, ta nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.

Đọc Công vụ Tông đồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và rong ruổi mọi đường Đamát truy lùng các Kitô hữu.

Được ơn trở lại qua cú ngã ngựa trên đường Đamat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô, Tông Đồ dân ngoại. Từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca của vị Tông Đồ đã sống và đã chết cho Đức Kitô.

Cuộc sống bôn ba vì Nước Trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?... Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Rm 8, 35-39).

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã viết rằng: nét đẹp nhất nơi Phaolô là cú ngã ngựa lịch sử. Cuộc đời Thánh Phaolô có nhiều hình ảnh đẹp. Chẳng hạn khi ngài xuất thần thì được đưa lên tầng trời thứ ba; chẳng hạn khi ngài ứng khẩu rao giảng Tin Mừng nơi Nghị viện Hy lạp; chẳng hạn khi Ngài lênh đênh trên biển đi tìm vùng đất mới đem về cho Chúa bao nhiêu linh hồn; và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác nữa. Nhưng tại sao Giáo Hội không chọn trong số những hình ảnh đẹp ấy, mà lại lấy hình ảnh ngã ngựa để đem mừng kính trong một ngày lễ? Thưa vì đó là một biến cố quan trọng phân chia cuộc đời ngài ra làm hai nửa theo hai hướng đối nghịch nhau, nhưng cùng làm nên một cuộc đời có tội lỗi và ân sủng, có yếu đuối và sức mạnh, đồng thời cũng có thất bại và thành công.

Hai hình ảnh ấy dường như hội tụ lại trong chân dung thánh Phaolô ngã ngựa mà Giáo hội mừng kính hôm nay.

1. Cú ngã ngựa chia đôi cuộc đời.

- Về danh xưng, nửa đời trước là Saolô với một câu hỏi "tại sao?" đang cưỡi ngựa vút lao đi tìm giải đáp cho cuộc đời; còn nửa đời sau là "Phaolô" đã trở thành chiếc phao cứu tử cho cả lô linh hồn ngài gặp trên đường truyền giáo.

- Về vị thế, nửa đời trước là một người Biệt phái chính cống, được giáo dục đường hoàng bởi ông thầy trứ danh Gamaliel, nhiệt thành với truyền thống cha ông; còn nửa đời sau là một vị Tông đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa, như ngài thú nhận "tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi"

- Về hoạt động, nửa đời trước là một chàng thanh niên tin tưởng cuồng nhiệt vào luật lệ Do Thái, tự tay vấy máu trong những cuộc bách hại Kitô hữu, cụ thể là cộng tác vào việc ném đá Stêphanô và tự ý đến xin các Thượng tế cấp giấy phép cho mình được quyền bắt bớ bất cứ ai tin vào Chúa Kitô nơi Hội đường Do Thái; thế mà nửa đời sau lại trở thành một người hăng say can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô mà ông đã bách hại trước đó, bất kể ánh nhìn e dè nghi ngại của những người Kitô hữu và bất kể sự nguy hại tính mạng do những người Biệt phái cũ của ông.

- Về tình cảm, nửa đời trước là một Saolô mù quáng hận thù, nhưng từ khi gặp được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, ông đã bị choáng ngợp mù lòa, để cặp mắt mình được thanh tẩy, mở đầu cho một nửa đời khác bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.

- Về hướng đi bản thân, nửa đời trước là một Saolô kiêu căng tin vào sức mạnh của con người, đang xây dựng những mưu đồ tiến thân của mình, bất kể những khổ đau của người khác; nhưng nửa đời sau là một Phaolô bị quật ngã biết mình yếu đuối, nên chỉ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, đang gieo bước hân hoan trong ý hướng hiến thân phụng sự Thiên Chúa bất kể những đau khổ mình phải chịu: "Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng là sức mạnh tôi".

Tóm lại, biến cố ngã ngựa là một tổng hợp tiêu biểu cho cuộc đời Thánh Phaolô. Nó nói lên sự thất bại của mưu đồ của con người và xác định sự thành công trong ý hướng Thiên Chúa. (x Bài giảng Chúa nhật, TGP Sàigòn, tháng 01. 2008).

2. Cú ngã ngựa, một dấu ấn không phai.

Biến cố ngã ngựa đã ghi dấu đậm nét trong cuộc đời Phaolô. Sách Công vụ Tông đồ kể lại: thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó. Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô. Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể. Khi đã biết Chúa Kitô thì "Những điều kể được như lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ bất lợi vì Đức Kitô. Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ, là bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự sông chính của riêng tôi, sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ vào lòng tin của Đức Kitô... ( Pl 3, 7-9). Từ đó trở đi, Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người: "vì anh em, phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp; không còn nô lệ hay tự do; không còn nam hay nữ; vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu" (Gal 3, 27-28). Vì Đức Kitô là "tất cả mọi sự và trong mọi người" ( Cl 3, 11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cr 9, 3-18; 2Cr 11, 8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những "... lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi"; Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi "phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng" (2Cor 11, 23-27). Phaolô ra vào tù nhiều lần. Có lần Ngài viết từ ngục thất cho Timôthê, người môn đệ có khi không khỏi nao núng: “ anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài". Phaolô không hổ thẹn vì tôi biết tôi đã tin vào ai... (2 Tim 1, 8-12). Vì đức Kitô "tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích" (2Tim 2, 9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình "Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành" (2Cor 12, 9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin ấy "chúng tôi bị dồn ép mọi mặt nhưng không bị nghẽn; lâm bĩ nhưng không mạt lộ; bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt" (2Cor 4, 8-9) Phaolô nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài " tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi"(Gal 2, 20).

3. Những cú "ngã ngựa" trong đời tín hữu.

Biến cố ngã ngựa đã chia đôi cuộc đời Thánh Phaolô. Từ một kẻ thù, Chúa đã biến ngài thành một người bạn, một người tình. Từ một người đi lùng bắt những Kitô hữu, Chúa đã biến ngài trở thành người rao giảng về Người và sẵn sàng chết vì Người.

Phaolô đã viết những lời thật cảm động: "Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo.... Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta" (x. 2 Tm 4, 6-8; Rm 8, 18-19. 32. 33. 38. 39)

Nhìn vào biến cố "ngã ngựa" của Thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp thấy rất nhiều những cú "ngã ngựa". Có những cú "ngã ngựa" trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa; có những cú "ngã ngựa" trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân; có những cú "ngã ngựa" trong đời sống chiến đấu nội tâm; và có những cú "ngã ngựa" trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe...

Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn "ngã ngựa" chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được. Hãy nhìn "ngã ngựa" như một thất bại cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh. Ăn trái cấm là một thất bại của Ađam - Evà trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. "Tội hồng phúc" là thế. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang.

Và cú "ngã ngựa" của Thánh Phaolô hôm nay là một thất bại chấm dứt cuộc đời săn bắt Kitô hữu, nhưng lại là một thành công mở đầu cuộc sống lên đường truyền giáo của vị Tông đồ dân ngoại.

Như vậy người ngã ngựa không chỉ nhìn vào mình để cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sánh niềm tin. Nếu "ngã ngựa" là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy. Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.

 

14. Cuộc đầu hàng trên đường Đa-mát--Lm. Giuse Trương Đình Hiền

Khi nhắc đến Thánh Tông Đồ Phaolô, thường có gắn thêm “2 cái đuôi”: Hoặc là Thánh Phaolô – TÔNG ĐỒ DÂN NGOẠI, hoặc Thánh Phaolô “TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI”. Riêng cái biệt danh “TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI” cũng hay được thay thế bằng một “biệt danh khác”: “TÔNG ĐỒ NGÃ NGỰA”.

Và ngày lễ hôm nay, 25.01, ngày kết thúc “Tuần Lễ cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô hữu”, Phụng Vụ Giáo Hội cử hành cái tước hiệu và cũng là một “biến cố đặc biệt” mang tầm mức “bước ngoặc quan trọng” nầy: THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI.

Trước hết, sự “Trở lại” mà Phụng Vụ gắn cho Thánh Phaolô trong ngày lễ hôm nay, hoàn toàn không phải là một cố gắng cá nhân, một “tiến trình hoán cải nội tâm” của riêng ngài; mà nhất thiết, đó chính là một “sự can thiệp đặc biệt”, một “tiếng sét ái tình” đến từ Thiên Chúa, được sách Tông Đồ công vụ tường thuật rõ trong Bài đọc 1 hôm nay:

"Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Tôi đáp: "Thưa Ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi: "Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ. Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. Tôi nói: "Lạy Chúa, con phải làm gì? Chúa bảo tôi: "Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm. Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát…” (Cv 22,1-21).

Sở dĩ nhấn mạnh yếu tố “sự can thiệp đặc biệt”, hay “tiếng sét ái tình” nơi cuộc “trở lại” của Phaolô, vì quả thật, trước biến cố “ngã ngựa trên đường Đamát, Phaolô hoàn toàn không phải là một “chàng thanh niên hoang đàng, bỏ nhà cha để đi hoang, ăn chơi trác táng…; sau đó hồi tâm đứng dậy “trở về”; cũng không phải một cô “Maria Mađalêna vùi thân trong cuộc sống xác thịt, dục vọng, nghe lời dạy của Thầy Giêsu, đã bị cắn rứt lương tâm, lần mò tự mình đến phủ phục khóc lóc dưới chân Thầy” !

Không, Phaolô là một thanh niên chuẩn mực, đạo đức, nghiêm túc với lề luật cha ông; nói chung một mẫu người công chính, thánh thiện của Do Thái giáo, như ngài làm chứng qua trích đoạn thư gởi giáo đoàn Philip:

“tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-siêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi.” (Pl 3,5-6).

Nói cách khác, yếu tố trọng tâm làm nên cuộc “trở lại” đầy “kịch tính” của thánh Phaolô chính là cuộc gặp gỡ với Đức Kitô: "Thưa Ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi: "Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ…”, một cuộc gặp gỡ quyết định, xoay chuyển 180 độ con người và cuộc đời, xác tín và hành động: “Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người…” (Pl 3,7-12).

Và Phaolô đã “giơ tay đầu hàng”, đã hoàn toàn bị chinh phục trước tiếng gọi huyền diệu, trước ý định cao siêu, trước “Con Người vĩ đại” mà bấy lâu nay Phaolô cương quyết loại trừ, đạp đổ, phủ nhận: “bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt” (Pl 3,12); một sự “chiếm đoạt toàn diện, sâu xa” đến độ như ngài chia sẻ: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi “ (Gl 2,20).

Quả thật từ cuộc “trở lại” hi hữu nầy, Phaolô đã bắt đầu một con đường mới tinh, một hướng tương lai nhằm thẳng phía trước: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3,13), phía của công cuộc loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu, phía của một tông đồ mang Tin Mừng cho muôn dân, phía của một nhà truyền giáo vĩ đại, một kiến trúc sư của Kitô giáo ngay từ thuở ban đầu: “Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi, khi Người thi thố quyền năng của Người. Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài.” (Ep 3,7-10).

Nói cách khác, tiếng sét ái tình trên đường Đamát đã khiến “trái tim của Phaolô mở ra cho một tình yêu mới, trọn vẹn, sâu sắc, thuỷ chung: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 8,35-39).

Và phải chăng, cuộc “đầu hàng trên đường Đamát đó vẫn còn nguyên giá trị với chúng ta hôm nay!

- Bởi chưng trong chúng ta vẫn còn đầy những “Saolô”” mù quáng, kiêu căng, tự hào về một quá khứ đạo đức, chỉn chu lề luật. Chúng ta cần gặp Đức Kitô để “trở lại thường xuyên với Ngài”.

- Bởi chưng, trong chúng ta vẫn còn đầy những Saolô, nhiệt thành quá mức, hăng hái quá độ theo cái tôi của mình để thường xuyên “bách hại”, kết án, làm khổ anh chị em: chúng ta cần gặp gỡ Đức Kitô để trở nên khiêm nhường, hiền hậu và luôn khoan dung, tha thứ, đón nhận anh chị em mình.

- Bởi chưng cộng đoàn chúng ta vẫn còn đầy những “Saolô” nhân danh ý kiến cá nhân, não trạng đạo đức Pharisêu, nhân danh kiến thức giáo lý uyên bác, đúng đắn… để lên án anh chị em, để phá đổ tình hiệp nhất trong Giáo Hội, để làm theo ý riêng hơn là tuân phục ý Chúa…

Trong lịch sử của Hội Thánh đã có bao nhiêu “Saolô” như thế, nên đã xảy ra bao cuộc phân ly đau đớn, mà suốt tuần lễ vừa qua cả Giáo Hội nỗ lực nguyện cầu cho công cuộc hiệp nhất Kitô hữu.

Chúng ta đừng quên, Giáo Hội chọn chính ngày hôm nay, 25/01, lễ Thánh Phaolô trở lại, để kết thúc Tuần Cầu nguyện hiệp nhất. Chắc chắn Hội Thánh nơi “cuộc đầu hàng của Saolô trên đường Đamát đã mang theo một “hệ luỵ hiệp nhất” tối ưu: Từ đây, sẽ không còn Do Thái hay Hy Lạp, Nô lệ hay tự do, dân ngoại hay dân có đạo… mà tất cả đều “nên một trong Đức Kitô”.

Quả thật, cuộc trở lại của Phaolô đã biến Kitô giáo trở thành “ngôi nhà chung của thế giới”, biến Tin Mừng vượt qua mọi biên giới quốc gia, dân tộc, nền văn hoá… để trở thành ngôn ngữ chung của tình yêu và chân lý.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau và cho cả Giáo Hội sống đậm đà mầu nhiệm “Trở lại” của Thánh Phaolô, sẵn sàng “đầu hàng trước ý định và tiếng gọi nhiệm mầu của Thiên Chúa” để đem về chiến thắng cho Đức Kitô và Vương quốc của Ngài. Amen.

 

15. Thánh Phaolô tông đồ trở lại—Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Ngày xưa Samuel trong đền thờ đã nghe tiếng gọi đầy thân thương trìu mến, như người cha gọi tên con mình: Samuel, Samuel. Tiếng gọi được lập đi lập lại nhiều lần như muốn trao gởi cả tấm lòng cho người được gọi. Samuel không xác định tiếng gọi bắt nguồn từ đâu nhưng nhờ vào thầy cả Lêvi, ông đã mau mắn đáp lại tiếng Chúa mời gọi với lời thưa thật mãnh liệt và dứt khoát: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?

Thiên Chúa cũng gọi Saolô, tuy trong hoàn cảnh khác xa Samuel nhưng thánh nhân đã đáp lại tiếng Chúa với một câu nói, một tâm huyết thực thi ý Chúa như Samuel: Lạy Chúa, Chúa muôn con làm gì? Cho dù cuộc đời thánh nhân lúc đó đang đầy nhiệt huyết tiêu diệt hết những ai mang danh kytô hữu. Ông đã xin thượng hội đồng Do Thái một cái tráp để đi lùng sục bắt bớ những người tin theo Chúa Kytô, thình lình, một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: “Saolô, Saolô, sao ngươi tìm bắt ta”. Saolô liền hỏi: Thưa Ngài, Ngài là ai?”. Người phán: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ”. Và Saolô đã đáp lại: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”. Lời thưa này như khởi đầu một trang sử mới của cuộc đời thánh nhân. Từ một con người lùng sục bắt bớ những người tin theo Chúa, nay trở thành người hăng hái rao giảng cho muôn dân về Chúa. Bất chấp những hiểm nguy, tù tội, tra tấn, đòn roi, chịu đói khát, rét mướt, đau khổ tư bề, nhưng lòng vẫn hân hoan vì được chung phần đau khổ với Đức Kytô.

Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Đó không chỉ là lời ăn năn sám hối muốn làm lại cuộc đời mà là lời xác tín vào Thiên Chúa, Đấng hằng sống. Đó cũng là lời đoan hứa sẽ mãi mãi dành trọn cuộc đời để phụng sự Chúa. Lời này thay cho lời xin vâng mà cả cuộc đời thánh nhân đã liên lỉ thốt lên với một lòng trung tín sắt son. “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà là Đức Kytô sống trong tôi”.

Ước mong trong năm gia đình hãy là dấu chỉ lòng thương xót Chúa, mỗi người chúng ta dám thưa lên cùng Chúa: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Và chắc chắn lời mà Chúa vẫn mời gọi chúng ta trao ban lòng thương xót cho khắp thế gian.

Xin Chúa giúp chúng con hiểu được ý Chúa trong từng giây từng phút, trong từng biến cố cuộc đời và mau mắn làm theo lời Chúa như thánh tông đồ Phaolô. Amen.

 

16. Không sợ ngã, chỉ sợ không đứng lên như Phaolô

Một con người đã trung thành với Đạo Do Thái Giáo, đã rất trung tín với truyền thống cha ông. Phaolô tên thật là Saolô, quê ở Tarsê xứ Cilicia, là người Do Thái thuộc chi tộc Benjamin. Gia đình của Saolô đã nhập tịch Roma nên Ngài cũng là công dân Roma.

Thánh Phaolô có tên là Saolô, sinh vào thập niên đầu của công nguyên, tức là cùng thời với Chúa Giêsu. Tuy là người Do thái, thuộc chi họ Benjamin, nhưng Saolô sinh ra và lớn lên ở Tarsus, thủ phủ của tỉnh Cicilia, nay là miền nam Thổ nhĩ kỳ. Ngài vóc dáng thấp bé, nhưng thông minh vượt xa những người cùng lứa tuổi.

Thuở thiếu thời, Phaolô được giáo dục ở Tarsus là một trung tâm nổi tiếng về văn hoá và triết học. Lớn lên, Saolô được gởi lên Giêrusalem, học với Thầy Gamaliel Cả, theo những tiêu chuẩn khắt khe nhất của nhóm Biệt phái. Saolô là một người lỗi lạc trong lãnh vực văn chương và triết học của cả ba nền văn hóa chính thời đó là Hy lạp, La tinh và Do thái. Ngài thuộc lòng Kinh Thánh của người Do thái, tức là bộ Cựu Ước. Saolô hết sức nhiệt thành đối với truyền thống của cha ông (Gl 1:14; Pl 3:5-6; Cv 22:3; 23:6; 26:5)

Saolô là một phần tử hăng say trong nhóm biệt phái và thù ghét các người theo Chúa. Sau khi Saolô tham dự vào việc ném đá Stêphanô cho đến chết, Ngài bắt đầu bách hại Giáo Hội của Chúa Giêsu. Với sự chấp thuận, chuẩn y của thượng tế Do Thái, Saolô xuống Đamas truy lùng những người theo Chúa. Nhưng trên đường đi, hăng say và điên tiết vì tức giận các Kitô hữu, Ngài đã bị một luồng sáng bao phủ và vật ngã.

Biến cố Damas như một nét son thắm nhất trong cuộc đời Thánh Phao-lô. Nó toát lộ gương mặt đại lượng đầy yêu thương của một Thiên Chúa đang đến sát con người để nâng họ dậy từ cơn mê của những lầm tưởng thế gian.

Sự quay trở lại ấy đòi hỏi một sự từ bỏ tận căn và một thái độ sẵn sàng tuyệt đối. Chúng ta phải đọc lại sự trở lại của Thánh Phaolô: Phaolô là một người thanh niên hăng say với lý tưởng. Lý tưởng của anh chính là phụng sự Chúa hết mình bằng cách tiêu diệt những kẻ mà anh cho là Tà Ðạo. Nhưng trong phút chốc, lần ngã ngựa đau điếng cả người hôm đó đã buộc anh phải xoay chiều hoàn toàn: Những gì anh cho là Tà Ðạo trước kia nay anh phải xem lại Chính Ðạo. Phaolô phải quay ngược đường trở lại. Từ bỏ tất cả những gì mình hằng ôm ấp từ trước đến nay, từ bỏ con đường mình đang đi, Phaolô đã trở thành một khí cụ mềm nhũn trong tay Chúa. Ra khỏi chính mình, từ bỏ chính mình để trở thành khí cụ trong tay Chúa: đó là đặc điểm của sự trở lại trong Kitô giáo chúng ta.

Sự trở lại của Phaolô không chỉ là sự quay về với Chúa của những người không tín ngưỡng, của những người từ chối Giáo Hội khác, nhưng là đòi hỏi từng ngày của người Kitô. Mỗi lúc một đến gần với cùng đích của chúng ta là chính Chúa: đó là lý tưởng của người Kitô chúng ta. Càng đến gần với Chúa càng sẵn sàng trở nên khí cụ của Chúa, chúng ta càng đến gần với tha nhân.

Việc Thánh Phaolô được biến đổi đã tôn thêm vẻ đẹp của tình yêu Thập giá. Nếu trên Thánh giá, Đức Kitô đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình; thì trong sự kiện Damas, chính Ngài đã khoan thứ đến cùng trước kẻ đang ra tay truy bách thân mình mầu nhiệm của Ngài. Điều này chỉ có thể lý giải bởi tình yêu của Đức Kitô có sức cảm hoá và vực dậy tất cả những gì tưởng chừng đã mất.

Thánh Phaolô đã thực sự bị chinh phục bởi “luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống” (Cv 22, 6b). Đó là ánh sáng đến từ Đấng Phục Sinh – Ánh sáng của tin vui cứu độ phổ quát. Phaolô là chứng nhân cho tin vui ấy.

Với thánh Phaolô, sống là Đức Kitô, chết là mối lợi, tức là được về trời. Ngài rao giảng Thập giá Đức Kitô là một cớ vấp phạm cho người Do Thái, là một sự điên rồ đối với dân ngoại. Chúng ta không thể nào ca khen hết công trạng của thánh Phao lô, nhưng chúng ta nhìn vào thánh Phao lô để học gương ngài, để đi theo dấu chân của ngài, bởi lẽ dấu chân của ngài khác dấu chân của Đức Kitô. Ngài xưng mình là tông đồ út nhất trong tất cả các tông đồ. Thế nhưng, tất cả các tông đồ làm nền móng của Giáo hội, còn một mình ngài là cột trụ của Giáo hội để chúng ta thấy được những dấu chân truyền giáo của Phaolô cho dân ngoại quan trọng như thế nào. Một sứ mệnh mà phổ câp ơn cứu độ đến cho toàn thể thế giớ nhờ sứ mệnh của một vị xưng mình là thầy dạy của các dân ngoại.

Kinh nghiệm về sự hoán cải của Thánh Phaolô hướng chúng ta lên Thập giá của Đức Kitô và cuộc Phục Sinh của Người. Ở đó, chúng ta sẽ nhận được ánh sáng của Sự Thật – Tình Thương, không ngừng “chiếu xuống” mỗi người chúng ta và giữa lòng Hội Thánh.

Một khi đã gắn bó với Đức Kitô, chúng ta biết đặt Ngài làm mục tiêu tối hậu trong cuộc chinh phục tâm linh. Biết sống cho giây phút hiện tại bằng niềm tin tuyệt đối: Thiên Chúa sẽ hành động! Như lời Thánh Phaolô đã chia sẻ: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3, 13-14).

Sống theo gương Thánh Phaolô, chúng ta sẽ lạc quan trên hành trình tìm Chúa. Đó là con đường lâu dài và và thử thách, để từ đó, ta có thể khám phá Thiên Chúa và ý định của Ngài qua những dấu chỉ trên bản thân và cộng đồng. Vấn đề là, ta hãy để cho Thiên Chúa hành động và mau mắn đáp trả tích cực lời mời gọi sống đời chứng nhân Tin Mừng.

Xin cho mỗi người trong chúng ta càng thêm yêu mến thánh Phaolô, chúng ta càng nên giống Đức Kitô hơn. Bởi lẽ, thánh Phaolô đã kêu gọi: “Anh em hãy bắt chước tôi vì tôi bắt chước Chúa Kitô”.

 

17. Bánh cho đời--Tu sĩ Antôn Đức Thiện, OCD

Khi nói về thánh Phaolô tông đồ, chúng ta thường nghĩ đến một trong hai vị tông đồ cột trụ của Giáo Hội sơ khai và vẫn ngài còn là vị tông đồ đóng vai trò rất quan trọng của Giáo hội cho đến cùng. Tuy nhiên, ,kinh thánh cho chúng ta biết thêm rằng ,Ngài là vị tông đồ không thuộc nhóm mười hai. Trái lại, Ngài còn có một quá khứ bách hại đạo Chúa nữa. Khi ấy ông vẫn còn mang tên Sa-un và làm việc cho giới lãnh đạo của người Do Thái.

Một hôm, đang trên đường đi Đa-mát để lùng bắt các môn đệ của Chúa Giêsu, Sa-un đã bị một luồng sáng đánh quật ngã xuống khỏi ngựa và từ trong ánh sáng chói lòa ấy, Ngài đã nghe tiếng của một ai đó nói với ngài: “Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ ta”. Sau một lúc hoàn hồn, ông lên tiếng: “ngài là ai?”. Và chính lúc này đây Sao-lô được nghe tiếng nói của chính Chúa Giêsu trả lời ông rằng: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt hại”. Sau lần gặp gỡ này, cuộc đời ông thay đổi. Ông trở thành một môn đệ của Chúa Giêsu, được rửa tội bằng lòng mến thầy mình.

Cũng từ đó, sự hăng say bách hại các Kitô hữu đã biến thành lòng nhiệt thành phụng sự Giáo Hội của Ðức Kitô. Ông được gọi bằng một cái tên mới là là Phaolô. Thiên Chúa đã sử dụng Phaolô làm khí cụ Truyền Giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại, tức là các dân tộc ở bên ngoài Do Thái Giáo.

Sau khi gặp được Chúa. Phaolô đã từ bỏ tất cả những gì mình hằng ôm ấp từ trước đến nay, từ bỏ con đường mình đang đi, Phaolô đã trở thành một khí cụ trong tay Chúa. Ra khỏi chính mình, từ bỏ chính mình để trở thành khí cụ trong tay Chúa, để sống đức tin và rao giảng tin mừng.

Đây cũng là đặc điểm của sự trở lại trong Kitô giáo chúng ta. Sự trở lại đó không chỉ là sự quay về với Chúa của những người không tín ngưỡng, của những người từ những niềm tin khác, nhưng là đòi hỏi từng ngày của người Kitô hữu khi chúng ta được mời gọi mỗi lúc một đến gần hơn với cùng đích của chúng ta là chính Chúa. Đây cũng là cái đích đến lý tưởng của người Kitô hữu chúng ta. Càng đến gần với Chúa, chúng ta càng sẵn sàng trở nên khí cụ của Chúa hơn, qua đó chúng ta càng đến gần gũi với tha nhân.

Trong ngày lễ mừng kính thánh Phaolô Tông đồ trở lại hôm nay, chúng con nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của thánh nhân, cho chúng con luôn thấm nhuần tình yêu và cảm nhận sâu xa quyền năng Chúa trong cuộc đời mình. Nhờ đó, chúng con mới có thể trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa đến cho anh chị em chung quanh. Amen.

 

18. Thánh Phaolô, Tông đồ trở lại--Enzo Lodi

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Thánh lễ này bắt nguồn từ xứ Gaule, được xác nhận vào cuối thế kỷ thứ VI, xuất hiện bên Rôma vào thế kỷ thứ IX. Thánh lễ này tùy thuộc vào lễ kính Tòa thánh Phêrô, được dâng vào ngày 22.02.

Tầm quan trọng việc trở lại của thánh Phaolô được nhấn mạnh ba lần trong quyển Công vụ Tông Đồ (9,1-30; 22,3-21; 26,920), cũng như sự phong phú của bản văn và Phụng Vụ Giờ Kinh. Sự kiện xảy ra trên đường đi Damas đã làm thay đổi hoàn toàn con người này; các trình thuật Thánh Kinh cho thấy có gì triệt để trong việc trở lại này. Các Kitô hữu của Giáo Hội vùng Juđê đã nói: “Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt” (Gl 1,23).

Chính thánh Phaolô, trong các bản văn nói về sự kiện Damas, luôn đặt kinh nghiệm này với cuộc đời quá khứ của một người Pharisêu và bách hại đạo: “Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Israel, họ Benjamin, là người Hipri, con của người Hipri; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội thánh; còn sống công chính theo lề luật, thì chẳng ai trách được tôi” (Pl 3,5-6). Thánh Phaolô thêm vào: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Người Pharisêu Saul, tự cho mình là “công chính” qua việc tuân giữ lề luật không đâu chê trách được, bây giờ lại tuyên xưng: “Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sư công chính do luật Môisen đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3,7-9).

Nhờ thị kiến bất ngờ tại Damas, thánh Phaolô thấy được sự sai lệch của mình và cảm thấy được động viên để đi đến với dân ngoại. Thiên Chúa của ngài là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, Thiên Chúa của các tổ phụ, nhưng từ khi trở lại, Phaolô mới biết Thiên Chúa này đã tôn vinh Đức Giêsu, Tôi tớ của Người (Cv 3,13). Điều này đã thay đổi tất cả.

Ngày lễ thánh Phaolô trở lại muốn nhấn mạnh sự kiện này là một bước quyết định làm thay đổi quá trình phát triển Hội thánh, vì kẻ trước đây bách hại các môn đệ Đức Giêsu, đi vào các hội đường lùng sục các tín hữu để hành hạ và bỏ ngục, từ nay vâng phục Người Tôi Tớ mà Thiên Chúa đã tôn vinh và cũng là Đấng hiện ra nói với ngài: “Hãy đi, vì Thầy sẽ sai con đến với các dân ngoại ở phương xa” (Cv 22,21). Như thế, tất cả rào cản đều rơi xuống: Hội thánh mở ra cho dân ngoại và trở nên phổ quát.

2. Thông điệp và tính thời sự

Thánh lễ này kéo dài lễ Hiển Linh, việc trở lại của thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện và sống động trong Hội Thánh. Đức Giêsu tỏ hiện trong Hội Thánh và qua Hội Thánh; trong thực tế, Người đã không nói với Phaolô: Tại sao ngươi bắt bớ các môn đệ của Ta ? nhưng lại nói: “Tại sao ngươi bắt bớ Ta ?”(Cv 22,7). Thế nên khám phá đầu tiên của kẻ trở lại chính là sự hiện diện của Đức Kitô trong Hội thánh Người.

a. Lời nguyện nhập lễ khuyến khích chúng ta đến với Chúa “tìm cách để đồng hình đồng dạng” như thánh Phaolô, khi trở thành chứng nhân của Tin Mừng.

“Tìm cách để giống” thánh Phaolô có nghĩa là chấp nhận như Ngài con đường lâu dài và gian khổ để khám phá Thiên Chúa và ý định của Người trong những sự kiện cá nhân và cộng đồng. Tiếp theo kinh nghiệm (Saulê, Saulê, tại sao ngươi bắt Ta) và sự vững tin chủ quan liên kết với kinh nghiệm trên (Tôi biết tôi sẽ tín thác vào ai), là một thời gian dài thử thách, cô đơn, đôi khi cả việc mất can đảm. Một cách thức hiện hữu và nhìn vạn vật, phát sinh từ sự kiện Damas, đòi hỏi một sự trưởng thành chậm chạp trước khi nhập tâm vào cá vị của mình. Công vụ và các lá thư nói về sự vắng mặt của ngài có thể kéo dài hằng chục năm (Gl 2,1). Chỉ sau thời gian “Sabbat” này, Barnabas mới đi tìm ngài ở Tarsus để đem lên Antioche, cho phép ngài bắt đầu liên hệ với các môn đệ Đức Kitô (tại Antioche mà họ nhận được tên Kitô hữu) và hoàn tất sứ vụ của mình nơi các dân ngoại.

b. Một đề tài suy niệm được Lời nguyện tiến lễ đề nghị. Kinh này gợi lên ánh sáng của Chúa Thánh Thần thúc đẩy thánh Phaolô và biến ngài trở thành một nhà truyền giáo “để làm cho danh Thiên Chúa vang dội trong cả thế giới”. Ngài từ là người bách hại, trở thành sứ giả của Tin Mừng, không coi việc rao giảng Tin Mừng như một lý do để kiêu ngạo, nhưng là một sự cần thiết. “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). Thánh Phaolô nói trước các kỳ mục của Hội thánh Êphêsô: “Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách...” (Cv 20,19). Với người thành Côrinthô, ngài nhắc nhớ lại những sự mệt nhọc, khó khăn, đói khát, lạnh lẽo... "Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội thánh” (2 Cr 11,27).

c. Một nét đặc thù khác trong linh đạo thánh Phaolô được nhấn mạnh trong Thánh lễ: Đức Kitô là trung tâm cuộc sống và lời rao giảng của thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi: thập giá Đức Kitô là vinh quang duy nhất của tôi”; “Với Đức Kitô, tôi đã bị đóng đinh; không còn phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi; hiện tại tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và đã phó nộp vì tôi” (Gl 2,19-20).

Việc trở lại ở Damas đã biến đổi cách triệt để cuộc đời thánh Phaolô. Một khi đã gắn bó vào Chúa Kitô, ngài biết phải tin tưởng vào ai. Thế là không còn phải lo âu gì cả. Ngài nói với những người thành Philippe: “Quên đi quá khứ, để chỉ biết lao về phía trước, tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,13-14).

Thánh Jean Chrysostome, trong một bài giảng tôn vinh thánh Phaolô, ca ngợi tình yêu Chúa Kitô đang cháy trong tâm hồn thánh Phaolô: “Với tình yêu này, thánh Phaolô cho rằng mình là kẻ hạnh phúc nhất giữa nhân loại...Tận hưởng tình yêu này, có nghĩa đối với Ngài là chiếm hữu cuộc sống, thế giới, Thiên thần của mình, hiện tại, tương lai, vương quyền, lời hứa, hạnh phúc vĩnh cửu”. Như vậy, sự tàn bạo và cơn giận của kẻ thù đã biến đổi thành sức mạnh và tình yêu cho một vị Tông Đồ say mê truyền giáo. Thánh Phaolô luôn tiến bước đến trước với một lòng nhiệt thành trên các con đường để nắm bắt Đấng là vinh quang duy nhất của mình. “Để chống lại Đức Giêsu, ngài đã đi về Damas; để nắm bắt được Đức Giêsu, ngài đã phải đi khắp cùng thế giới”.