Dân Chúa Âu Châu

T 2 T2 TN SNRượu mới trong bầu da mới.

Thứ Hai tuần 2 thường niên.

"Tân lang còn ở với họ".

 

LỜI CHÚA: Mc 2, 18-22

Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?"

Chúa Giêsu nói với họ: "Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay.

Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Chàng rể còn ở với

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Một trong những nét khác biệt giữa Gioan Tẩy Giả với Đức Giêsu

là sự khắc khổ nhiệm nhặt.

Gioan được coi là người “không ăn bánh, không uống rượu” (Lc 7, 33).

còn Đức Giêsu bị mang tiếng là “tay ăn nhậu” với quân thu thuế (Lc 7, 34).

Chúng ta đã từng thấy ngài ăn tại nhà ông Lêvi hay ông Dakêu.

Các người Pharisêu cũng là những người thích ăn chay nhiều lần trong tuần,

dù ngày ăn chay chính thức hàng năm của đạo Do-thái chỉ là ngày lễ Xá tội.

Như thế có sự khác biệt khá rõ giữa môn đệ của Đức Giêsu

với môn đệ của Gioan Tẩy Giả và môn đệ của người Pharisêu.

Một bên có vẻ thoáng và thoải mái, một bên thì khắc khổ nhiệm nhặt.

“Tại sao môn đệ của ông lại không ăn chay?”

Có người đã dám hỏi thẳng Đức Giêsu như thế.

Ngài đã trả lời bằng một cách dùng một hình ảnh dễ hiểu và đầy ý nghĩa.

Vào thời Đức Giêsu, tại Paléttin, cũng như tại nhiều vùng quê ngày nay,

đám cưới là một biến cố mừng vui có tính làng xã.

Chẳng thể nào hiểu được chuyện một người đi ăn cưới

với khuôn mặt buồn của kẻ đang ăn chay.

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay,

khi chàng rể còn ở với họ”

Đức Giêsu tự ví mình với chàng rể, còn môn đệ là khách dự tiệc cưới.

Bầu khí trong nhóm môn đệ của ngài là bầu khí vui tươi của một lễ thành hôn

bởi lẽ thời đại thiên sai đã đến rồi.

Đức Giêsu, Đấng Mêsia dân Ítraen mong đợi từ lâu, nay có mặt.

Ngài là chàng rể kết duyên với cô dâu là dân tộc Ítraen của ngài.

Đức Giêsu đã làm trọn điều các ngôn sứ nói trong Cựu Ước

về việc Thiên Chúa lập hôn ước với dân của Người (Hs 2, 21-22; Is 62, 4-5).

“Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay.”

Sau khi Đức Giêsu chịu cái chết dữ dằn, được phục sinh và lên trời,

Giáo hội bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn chờ đợi ngài quang lâm.

Trong giai đoạn này, khi Chúa Giêsu vừa vắng mặt, vừa hiện diện,

Các Kitô hữu ăn chay, vác thánh giá theo Chúa Giêsu,

dù họ vẫn luôn sống trong niềm vui, bởi tin vào Đấng đã phục sinh vinh hiển.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,

nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười

khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.

Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.

Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau

khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.

Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.

Nụ cười ấy hòa với niềm vui

của người được lành bệnh.

Lạy Chúa Giêsu,

có những niềm vui

Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,

có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.

Xin dạy chúng con biết tươi cười,

cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.

Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,

dù không phải tất cả đều màu hồng.

Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,

nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.

Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,

vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương

và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.

 

Suy Niệm 2: Đạo

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đạo là con đường. Con đường nối kết con người với Thiên Chúa. Như vậy đạo là mối liên hệ, tương quan. Đạt đến Thiên Chúa. Kết hợp thân mật với Người. Đó là đạt đạo.

Ăn chay là một phương tiện giúp ta chế ngự xác thịt, siêu thoát trần gian. Để kết hợp với Thiên Chúa. Tuy nhiên đã có nhầm lẫn. Có người coi ăn chay là giữ đạo. Thậm chí còn coi đó là quan trọng không thể thiếu. Tệ hơn người Pha-ri-sêu coi ăn chay là lập công. Là đương nhiên công chính. Không cần đến Thiên Chúa.

Hôm nay Chúa Giê-su cho ta hiểu biết đạo thật là gì. Ở với Chúa là đạt đạo. Không cần ăn chay. Chỉ khi mất Chúa mới phải ăn chay. Điều quan trọng là được Chúa. Chứ không phải công phúc.

Sa-un đã dùng lý do chiếm đoạt chiến lợi phẩm dâng cho Chúa để biện minh cho sự bất tuân. Nhưng Sa-mu-en đã vạch rõ sai lầm của Sa-un: “Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu”. Chúa không cần của lễ. Chúa chỉ muốn tấm lòng. Chỉ muốn tình yêu. Chỉ muốn sự kết hợp. Đó cũng là hạnh phúc của loài người (năm chẵn).

Chính Chúa Giê-su làm gương cho ta. Chúa đã được Chúa Cha tấn phong làm Thượng Tế khi nói: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-sê-đê”. Chúa Giê-su trở nên thập toàn. Vì Người dâng của lễ đẹp lòng Chúa Cha. Đó là dâng chính mình trong sự vâng phục: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (năm lẻ).

Với sự vâng phục hoàn toàn. Vâng phục đến hiến dâng chính mạng sống. Chúa Giê-su mở cho ta con đường sống đạo đích thực. Kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa. Từ bỏ mình hoàn toàn. Để hoàn toàn làm theo ý Chúa. Đó là đạo. Đạo mang đến cho ta hạnh phúc đích thực. Khi dẫn đường ta đến kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa.

 

Suy Niệm 3: Cốt lõi của đạo

Trong những thập niên gần đây, mặc dầu càng lúc Hiến pháp các quốc gia càng đi sâu vào sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước; thế nhưng, sự liên kết giữa tôn giáo và chính trị lại càng đậm nét hơn. Cuộc chiến giữa Tư bản và Cộng sản đã hầu như chấm dứt, nhưng chiến tranh tôn giáo xem chừng vẫn dai dẳng, không những giữa những người khác tôn giáo với nhau, mà ngay cả trong cùng một tôn giáo. Nhìn vào thảm cảnh ấy, ai cũng thắc mắc tự hỏi: Tôn giáo nào mà không dạy ăn ngay ở lành, tôn giáo nào mà không dạy sự khoan dung tha thứ, thế thì tại sao những người có tôn giáo lại nhân danh tôn giáo của mình để gây chiến với người khác hay với chính những người đồng đạo của mình?

Câu trả lời thật đơn giản: sở dĩ người có tôn giáo có thái độ quá khích và bất khoan nhượng, là vì họ chưa sống đúng cái cốt lõi của đạo. Xét cho cùng, cái cốt lõi của tôn giáo nào cũng là tình thương.

Chúa Giêsu cũng muốn chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là sống đạo. Chúng ta hãy chiêm ngắm thái độ và lời dạy của Ngài trong Tin Mừng hôm nay. Vừa bắt đầu sứ mệnh rao giảng của Ngài, cũng như các kinh sư của thời đại Ngài, Chúa Giêsu cũng qui tụ một số môn đệ; và cũng như các môn đệ của các kinh sư khác, môn đệ của Ngài cũng theo một lối sống nào đó. Thế nhưng, điều khiến cho nhiều người ngạc nhiên và đặt vấn đề, đó là Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài không tuân giữ một số ngày chay tịnh như môn đệ của Gioan hay của những người Biệt phái. Không tuân giữ những ngày chay tịnh đã đành, sau này xem ra Chúa Giêsu càng thách thức hơn nữa, khi Ngài không tuân giữ cả ngày hưu lễ hay một số tập tục khác, như rửa tay trước khi ăn.

Suốt cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã tỏ ra rất độc lập đối với Do thái giáo. Ðây quả là cách sống đạo hoàn toàn mới mẻ mà Chúa Giêsu muốn đề ra cho con người. Ðối với Ngài, linh hồn và cốt lõi của đạo chính là tình thương; tình thương ấy đã thúc đẩy Ngài đi đến tận cùng bằng cái chết trên Thập giá, và cái chết của Ngài mãi mãi là lời tố cáo về thái độ bất khoan nhượng trong niềm tin tôn giáo của con người. Vụ án của Ngài được thi hành như một vụ án chính trị; mãi mãi tên tuổi của viên toàn quyền La mã là Philatô gắn liền với cái chết của Ngài. Tuy nhiên, vụ án của Chúa Giêsu vẫn là một vụ án tôn giáo: Ngài chết vì sự cuồng tín và thái độ bất khoan nhượng của các thủ lãnh Do thái giáo.

Chiêm ngắm thái độ của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài và lắng nghe giáo huấn của Ngài, chúng ta sẽ thấy rằng cái cốt lõi của đạo chính là tình thương. Trong cuộc sống đạo, nhiều lúc chúng ta thắc mắc phải ăn chay thế nào cho đúng cách? Ngày Chúa nhật có được làm việc xác không? Bỏ lễ Chúa nhật có tội hay không? Thật ra còn có nhiều câu hỏi nền tảng hơn mà thiết tưởng chúng ta không thể không đặt ra để tự vấn lương tâm mỗi ngày: tôi có sống công bình, bác ái chưa? Tôi có yêu thương người anh em bên cạnh tôi chưa? Nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của người xung quanh tôi có phải là một tội không?

Nguyện xin Chúa cho chúng ta ngày càng thấu hiểu và xác tín rằng sống đạo là sống yêu thương, rằng cốt lõi của Kitô giáo chính là tình thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Thời gian nghỉ lễ

“Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông không ăn chay?” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được.” (Mc. 2, 18b-19)

Trích đoạn Phúc âm này ghép hai mẩu chuyện có vẻ như không ăn ý với nhau: cuộc tranh biện về sự ăn chay và lời kêu gọi canh tân nội tâm. Nhưng thực ra lại có sự hòa hợp rất chặt chẽ. Thời đại cứu độ của Chúa Giêsu mang lại niềm vui. Thời đại này hoàn toàn mới, không thể đi đôi với trật tự cũ thuộc quá khứ. Những thực hành cũ kỹ của Đạo Do thái phải nhường bước cho Tin Mừng đi lên. Chúng ta sẽ đọc hai mẩu chuyện này từ góc độ của việc mừng ngày lễ.

Mừng lễ chính là nhìn lại quá khứ

Trong tác phẩm nổi tiếng của mình, La Fête des Fous, thần học gia Harvey Cox đã phân tích mối liên hệ của con người với cuộc lễ. Trong cuộc lễ, ông nói, con người tổng hợp quá khứ và loan báo tương lai của mình. Trong một tiệc cưới, người ta làm gì, nếu không phải là gom góp lại cái quá khứ yêu đương của cặp trai gái và rọi chiếu nó vào trong tương lai? Chính bởi vì người ta đã yêu thương nhau và muốn yêu nhau nữa, nên mới dừng lại trong lúc này để nói lên câu “Ta yêu nhau”

Tác giả nói thêm: Cái quá khứ mà người ta tìm lại được trong cuộc lễ đó, đã đưọc gạn lọc, biến đổi và làm cho nên đẹp. Còn lại chỉ là những giờ phút hạnh phúc và dẽ dàng. Chính từ đó mà buôỉ lễ tiệc mới có được vẻ vui chơi nhộn nhịp để người ta ăn uống vui đùa và ca hát.

Cũng là để cho người ta sẵn sàng thăng tiến

Chiều hướng thư hai của buổi lễ là dự phóng cho một tương lai mang nhiều hy vọng. Trong mọi cuộc lễ đều có một ý hưóng làm mới lại. Trong hôn lễ, đôi uyên ương muốn làm mới lại tình yêu thuở ban đầu của họ, muốn lấy lại nghị lực. Cuộc lễ như cung cấp cho người ta một thứ rượu mới.

Rượu mới cần phải đựng trong những bầu da mới mà Chúa Giêsu nói đến trong phần hai của trích đoạn Phúc âm này, mời gọi ta phải trở nên những con người mới để sẵn sàng đi vào tương lai.

Còn những bầu da cũ ám chỉ những con người mà đối với họ ngày lễ lại rất ảm đạm, chỉ khơi lại trong lòng họ những nỗi buồn nhỏ lệ. Họ không thể thấy hạnh phúc mà không đau lòng. Họ không chịu đựng được thứ rượu mới, thứ rượu mang niềm hy vọng cho những ngày mai tốt đẹp. Đúng ra những con người này đã đánh mất ý thức về tương lai.

Tóm lại, điều Chúa đòi hỏi chúng ta hôm nay là chúng ta có còn khả năng mừng lễ không? Chúng ta có thể tìm ôn lại dĩ vãng, cái cũ để rút ra cái mới hầu thăng tiến con người ta không? Nếu có, là chúng ta đã đang đi trên con đường dẫn ta vào dự tiệc Nước Trời rồi đó.

 

Suy Niệm 5: Bên trong thì giá trị hơn bên ngoài

Đã rất nhiều lần người Pharisêu dùng biện pháp “nhất tiễn diệt song điêu” để gài bẫy Đức Giêsu. Hôm nay, cũng chiêu thức ấy, họ tìm cách đưa cả thầy lẫn trò vào chòng khi cất tiếng hỏi Đức Giêsu: “Tại sao môn đệ của ông Gioan và người Pharisêu ăn chay, trong khi đó muôn đệ của ông lại không ăn chay?”.

Họ hỏi Đức Giêsu về lý do tại sao các môn đệ của Ngài không ăn chay, nhưng thực ra họ đang tìm cách trách móc Đức Giêsu! Nếu Đức Giêsu trả lời các môn đệ không cần ăn chay, thì vô hình chung Ngài chống luật Môsê; còn nếu Đức Giêsu thuận theo và yêu cầu các môn đệ ăn chay theo ý của những người Pharisêu, thì quả thực, Ngài đang phủ nhận sự hiện diện của mình, bởi tất cả mọi điều mà dân Israel mong đợi, thì nay Ngài đến, Ngài đang là hiện thân của niềm hy vọng đó. Vậy ăn chay là để mong đợi, nay điều mong đợi đó đã đến, thì không có lý do gì phải ăn chay nữa!

Biết được ý đồ thâm độc của họ, nên Đức Giêsu đã lấy một ví dụ qua hình ảnh vải mới vá vào áo cũ và rượu mới đổ bầu da cũ để thấy được điều nghịch lý nơi câu hỏi của nhóm người Pharisêu. Đây cũng chính là câu trả lời gián tiếp đầy khôn khéo, khiến họ không thể bắt bẻ được Ngài điều gì!

Trong cuộc sống thực tế, có khi chúng ta cũng chẳng khác gì những người Pharisêu khi xưa!

Nhiều khi đọc kinh rất nhiều, nhưng bảo tha thứ cho người làm phiền chúng ta thì không bao giờ! Hay đi lễ thường xuyên, nhưng có khi anh chị em cần đến sự giúp đỡ thì lại là điều xa vời với ta!

Hoặc cũng có những người tham gia hội đoàn này hội đoàn kia chỉ để chỉ trích và bới bèo ra bọ mà không hề thay đổi lối sống cho tốt hơn!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy chú tâm đến nội dung bên trong hơn là những chuyện bề ngoài. Đừng vì những điều phụ thuộc mà đánh mất đi giá trị của nội dung.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con biết chú trọng đến lối sống đạo hơn là hình thức. Một trái tim biết yêu thương thực sự thay cho hình thức giả tạo trên đầu môi chóp lưỡi. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Phụng sự Chúa trong niềm vui

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài thường bị tấn công. Giáo Hội của Chúa ngày nay cũng như ngày xưa mãi mãi luôn bị tấn công.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc đời theo Chúa, ở với Chúa, con cũng gặp những khó khăn, chống đối không kém các môn đệ Chúa xưa kia.

Nếu xưa kia người ta đã hỏi Chúa tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pha-ri-siêu ăn chay còn các môn đệ của Chúa lại không, thì ngày nay, con cũng thường bị hỏi tại sao và tại sao…

Được sống với Chúa, con luôn cảm nghiệm một niềm vui đặc biệt và khó tả. Được trở nên thân tình với Chúa, con luôn mang trong mình một niềm vui của cô dâu có chàng rể ở cùng. Chúa muốn con sống chu toàn bổn phận hằng ngày theo Ý Chúa, và chu toàn trong hoan lạc, không phàn nàn, không kêu ca. Chúa muốn con phụng sự Chúa trong niềm vui, ngay cả trong những lúc hy sinh vác thánh giá.

Chúa đã đem lại cho thế gian một lối sống mới hợp theo chương trình cứu độ. Chúa không đưa tinh thần vá víu cho hợp với cái cũ. Chúa đang kêu gọi con đem tinh thần vui tươi của Nước Trời vào trong hoàn cảnh sống hằng ngày.

Vâng, lạy Chúa, này con đây, xin Chúa chấp nhận, và trong sự yếu đuối của con, xin Chúa nâng đỡ chở che. Vì nếu không có Chúa nâng đỡ chở che, con sẽ không chịu nổi những sự chống đối của người đời. Xin cho con hằng có niềm vui khôn tả của người môn đệ chân chính của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Tân lang còn ở với họ”.

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu là tân lang

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/08/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ ở Nhật, đó là “sư máy”. Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ: Đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi giơ lên, một tay thì gõ mõ và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật giáo khác nhau tại Nhật. Sáng kiến này đưa ra nhằm đáp ứng cho ơn gọi sư sãi ngày càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật.

Tuy nhiên, như tác giả bài báo ghi nhận: Những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương (Theo Mỗi ngày một tin vui).

Suy niệm

Đám cưới ở Do Thái là một dịp yến tiệc linh đình kéo dài cả tuần, cửa nhà đôi tân hôn mở rộng để tiếp khách. Mọi người không phân biệt giàu sang đều được mời tham dự yến tiệc vui mừng… Trong khi đó việc giữ chay theo truyền thống Do Thái giáo, liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế… Khi chuẩn bị đón Chúa Cứu Thế mọi người chay tịnh chuẩn bị đón Ngài như cách sống và lời rao giảng của Gioan Tẩy giả đón Chúa Cứu Thế. Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Ngài đến như tân lang trong tiệc cưới - tiệc cứu độ tình yêu đem niềm vui đời đời cho chúng ta.

Khi tự xưng mình là tân lang, nghĩa là các môn đệ của Ngài là bè bạn đang dự tiệc cưới với tân lang là Chúa Kitô đang hiện diện, có nghĩa là Đấng Thiên Sai đã đến rồi, nên các phù rể không ăn chay để chờ đợi nhưng đang sống trong niềm vui. Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế - Tân lang, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Vì thời của Ðấng Cứu Thế - Tân lang là thời của hân hoan, của niềm vui, không phải là thời của khóc lóc, tang chế, ủ dột…

Khi các môn đệ Chúa Giêsu bị chê trách là không ăn chay như các môn đệ của Gioan và biệt phái, Ngài đã bênh vực các môn đệ, những người đang sống trong thời đại Cứu Thế: Ðức Giêsu chính là tân lang mang Tin Mừng, niềm vui Ơn Cứu Ðộ. Nên phải biết sống vui tươi, tin tưởng. Ủ rũ sầu khổ là không hợp thời và không đúng lúc. Hơn nữa, người biệt phái và các môn đệ của Gioan ăn chay là để lôi kéo sự thán phục của thiên hạ. Vì thế, không đúng với ý nghĩa của việc ăn chay, nên Đức Giêsu nhiều lần đã khiển trách họ (x. Mt 6,16; Lc 18,12).

Với Đức Kitô, dân Ngài trong Giáo hội như đang dự Tiệc Cưới Nước Trời, sống hoàn toàn trong tinh thần mới: tinh thần của Chúa Cứu Thế - Đức Tân Lang Tân ước là tất cả Tin Mừng mà Ngài rao giảng như thứ rượu mới duy nhất không thể thay thế hoặc pha trộn và chứa trong bầu da cũ…

Ý lực sống: ”Anh em hãy vui mừng luôn trong Chúa. Tôi nhắc lại: Hãy vui lên” (Pl 4,4).

 

Suy Niệm 8: Tranh luận về chay tịnh

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Các môn đệ của Đức Giêsu bị chê trách là không ăn chay như các môn đệ của Gioan và người biệt phái. Đức Giêsu đã bênh vực các ông và cho người ta thấy rằng việc thiện cũng phải biết làm đúng lúc, đúng nơi. Vì thế, đừng vội phê bình người khác khi chưa nắm vững hoàn cảnh sự kiện. Điều quan trọng là Đức Giêsu chính là Tin Mừng, Ngài đã đến đem niềm vui ơn cứu độ nên chúng ta phải biết sống vui tươi, tin tưởng, ủ rũ âu sầu là không hợp thời, không đúng lúc nữa.

2. Người Do thái rất coi trọng việc ăn chay. Mục đích của ăn chay là chuẩn bị gặp Chúa, hoặc gặp Đấng Messia sắp đến. Vào đầu thế kỷ I, người ta nghĩ rằng Đấng Messia sắp đến, cho nên càng ăn chay nhiệm nhặt hơn, nhất là nhóm biệt phái và nhóm môn đệ Gioan Tẩy Giả.

Theo Do thái giáo thời Đức Giêsu, việc ăn chay liên kết với việc mong Đấng Thiên Sai. Người ta bất mãn với thời thế và nóng lòng chờ đợi thời kỳ thiên sai. Nhưng các môn đệ của Gioan và các người biệt phái chỉ biết giữ chay mà không để ý đến ý nghĩa của việc ăn chay. Nên khi thấy các môn đệ Chúa không ăn chay thì trách Chúa.

3. Phần Đức Giêsu thì tự biết mình là Messia đến khai mở một kỷ nguyên vui mừng. Ngài so sánh thời gian Ngài sống ở trần gian là một tiệc cưới và bản thân Ngài là chàng rể. Bởi đó Ngài ăn uống tự nhiên bình thường và để cho các môn đệ Ngài cũng ăn uống như thế.

Vì thế, khi người ta tra vấn Ngài: ”Tại sao các môn đệ ông không ăn chay”? Ngài trả lời: ”Chẳng lẽ khách dự tiệc lại có thể ăn chay trong khi chàng rể còn ở với họ”? Ngài lại cho biết trước rằng tình hình sẽ thay đổi khi Ngài chịu nạn và chịu chết. Khi đó các môn đệ Ngài sẽ ăn chay để chuẩn bị đón ngày Ngài quang lâm (x. Cv 13,1-3).

Như vậy, vấn đề quan trọng không phải là ăn chay hay không ăn chay, mà là ý thức ý nghĩa của việc ăn chay. Sống trong giai đoạn nào thì phải theo tinh thần của giai đoạn ấy. Nói cách cụ thể hơn, giai đoạn đang sống với Chúa Giêsu là thời kỳ mới cho nên phải sống theo tinh thần mới, tức là tinh thần vui mừng: ”Rượu mới thì bình cũng phải mới”.

4. “Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được” (Mc 2,19).

Các môn đệ đã đến và ở lại với Chúa Giêsu, tâm hồn và cuộc đời các ông tràn ngập niềm vui. Bao lần ta đã hát bài “Chúa chính là mùa xuân con mong chờ”, nhưng sống với Chúa đối với ta có thực sự là niềm vui không?

Cuộc đời của người Kitô hữu có những giai đoạn ăn chay sám hối, nhưng chủ yếu là vui mừng như đang dự tiệc cưới và được ở gần chàng rể. Thực vậy, được biết Chúa là một niềm vui, được theo Ngài là một niềm vui, được làm việc Ngài giao là một niềm vui. Ngay cả được vác thập giá Ngài trao cũng là một niềm vui, và khi ăn năn sám hối cũng vẫn vui vì biết mình sẽ được tha thứ.

Ta hãy nhớ lại hạnh các thánh: các ngài không bao giờ tuyệt vọng, không bao giờ cằn nhằn, không bao giờ đòi vất bỏ Thánh giá Chúa trao... trong lòng các ngài luôn có một niềm vui mà không ai, không gì và không hoàn cảnh nào dập tắt được.

5. Ta vui cười trong ĐAU KHỔ vì đau khổ không phải luôn là hình phạt, nhưng có khi là nguyên do của một vui mừng. Theo lời Chúa Giêsu: hạt giống rơi xuống đất có mục nát ra mới sinh hoa kết quả. Người mẹ lúc sinh con phải buồn phiền, nhưng sẽ khoan khoái khi biết mình đã thêm cho đời một mụn con.

Ta mỉm cười khi THẤT BẠI hay phải thất nghiệp vì có khi ta thất bại vì ta chán nản.

Ta sẽ tìm giải quyết trong vui tươi như thi sĩ Alfred de Musset đã diễn tả:

Tôi đi qua cánh đồng

Một con chim hát trên tổ

Dưới chân nó, bầy chim con chết lăn lóc,

Thế mà chim mẹ vẫn hát trong cảnh bình minh.

Hỡi hồn ta, mày đừng khóc nữa,

Vì cho đi mày mất hết mọi sự

Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời thanh thẳm

Vẫn là nguồn hy vọng ở trần gian cho mày.

6. Truyện: Lời khuyên của mẹ.

Khi thấy con có nét mặt buồn sầu, một hôm mẹ bảo đứa nhỏ:

- Con hãy vào rừng khóc thảm thiết xem rừng bảo con sao.

Đứa bé vào rừng khóc hu hu, khóc lóc thảm thiết lắm. Vừa khóc, vừa nghe thì thấy cả khu rừng đều khóc lóc thảm thiết như đứa bé. Đứa bé đã về học với mẹ như vậy.

Hôm sau mẹ lại bảo nó:

- Con hãy vào rừng và cười thật lớn, xem khu rừng sẽ đối với con thế nào.

Đứa bé cũng làm như vậy và hôm nay thấy cả khu rừng cùng cười vang.

Do vậy, mẹ bảo nó:

- Vui buồn không phải do ngoại cảnh mà do lòng mình mà có.

 

Suy Niệm 9: Rượu mới thì bầu rượu cũng phải mới

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Văn mạch Từ 2,1 đến 3,6, thánh Marcô ghi lại 5 cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với một số nhóm không thích Ngài. Đây là những dịp rất tốt để ta thấy rõ quan điểm của Chúa Giêsu, thấy nét độc đáo trong giáo huấn của Ngài so với giáo lý cổ truyền của người do thái. Đoạn này ghi cuộc tranh luận thứ ba.

Vấn đề được tranh luận là ăn chay.

- Người do thái rất coi trọng việc ăn chay (x. Mt 6,1-8). Mục đích của ăn chay là chuẩn bị gặp Chúa (x. Xh 34,28) hoặc gặp Đấng Messia sắp đến.

- Vào đầu thế kỷ I, người ta nghĩ rằng Đấng Messia sắp đến, cho nên càng ăn chay nhiệm nhặt hơn, nhất là nhóm biệt phái và nhóm môn đệ Gioan Tầy giả.

- Phần Chúa Giêsu thì tự biết chính mình là Messia đến khai mở một kỷ nguyên vui mừng. Ngài so sánh thời gian Ngài đang sống ở trần gian là một tiệc cưới và bản thân Ngài là chàng rễ. Bởi đó Ngài ăn uống tự nhiên bình thường và để cho các môn đệ Ngài cũng ăn uống như thế.

- Vì thế khi người ta tra vấn Ngài "Tại sao các môn đệ ông không ăn chay?", Ngài trả lời "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay trong khi chàng rể còn ở với họ?". Ngài lại cho biết trước rằng tình hình sẽ thay đổi khi Ngài chịu nạn và chịu chết. Khi đó các môn đệ Ngài sẽ ăn chay để chuẩn bị đón ngày Ngài quang lâm (x. Cv 13,1-3).

Như vậy, vấn đề quan trọng không phải là ăn chay hay không ăn chay, mà là ý thức ý nghĩa của việc ăn chay. Sống trong giai đoạn nào thì phải theo tinh thần của giai đoạn đó. Nói cách cụ thể hơn, giai đoạn đang sống với Chúa Giêsu là thời kỳ mới cho nên phải sống theo tinh thần mới, tức là tinh thần vui mừng "Rượu mới thì bầu rượu cũng phải mới".

B.... nẩy mầm.

1. Cuộc đời của người kitô hữu tuy có những giai đoạn ăn chay sám hối, nhưng chủ yếu là vui mừng như đang dự tiệc cưới và được ở gần chàng rể. Thực vậy, được biết Chúa là một niềm vui, được theo Ngài là một niềm vui, được làm việc Ngài giao là một niềm vui. Ngay cả được vác thập giá Ngài trao cũng là một niềm vui, và khi ăn năn sám hối cũng vẫn vui vì biết mình sẽ được tha thứ. "Un saint triste est un triste saint" (một vị thánh buồn là một vị thánh "đáng chán"). Ta hãy nhớ lại hạnh các thánh các ngài không bao giờ tuyệt vọng, không bao giờ cằn nhằn, không bao giờ đòi vất bỏ Thánh giá Chúa trao...; trong lòng các ngài luôn có một niềm vui mà không ai, không gì và không hoàn cảnh nào dập tắt được...

2. Vào Tuần Thánh 1980, Đài phát thanh Vienne nước Áo truyền đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Người được phỏng vấn là một nữ sinh viên đang nằm chờ cái chết đến từng ngày tại một bệnh viện ở thủ đô Áo quốc. Cô phát biểu "Sau khi bác sĩ chẩn đoán và cho biết tôi mắc chứng sưng bạch huyết, tôi có cảm tưởng như trời sập xuống trên tôi. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy như Chúa muốn gởi đến cho tôi một cơ may mới. Từ hai ba năm nay tôi đã bắt đầu có một cái nhìn mới. Tôi nhận ra trong đau khổ của riêng tôi cũng như của những người chung quanh phản ảnh chính nỗi đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập giá. Tôi đã tìm cách yêu thích nỗi đau khổ ấy".

Chính vì muốn chấp nhận đau khổ mà cô gái đã ghi danh vào trường Y khoa. Nằm trên giường bệnh, biết mình không còn sống bao lâu nữa, vậy mà cô vẫn cầm trên tay một cuốn sách và cây viết. Cô giải thích "Không ai có thể nói cho tôi biết chắc 100 phần trăm là tôi sẽ không học xong hoặc tôi sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên vẫn luôn luôn có những phép lạ. Và riêng tôi, tôi xác tín rằng tôi phải thực thi ý Chúa nếu tôi muốn tiến tới. Đó là cách thế tôi chuẩn bị đón nhận cái chết, chuẩn bị đi vào thiên đàng. Tôi để Chúa làm việc hầu cho tất cả mọi việc trở thành tình yêu. Tất cả mọi sự, từ việc học hành của tôi cho đến những việc nhỏ mọn tôi làm cho người khác. Bởi vì tôi không làm được những việc quan trọng nữa."

Không khỏi ngạc nhiên trước những lời phát biểu trên đây, người phóng viên liền hỏi "Tôi đọc thấy trên gương mặt của cô niềm vui và hy vọng. Thế nhưng cô còn chờ đợi gì nơi cuộc sống này?"

Cô gái mỉm cười nói "Tôi chờ đợi mọi sự từ cuộc sống. Nhưng trên hết mọi sự là tình yêu của Chúa. Chính Ngài đã cho tôi nếm thử thiên đàng. Chỉ có như thế tôi mới đương đầu được với những đau khổ đang đè nặng trên tôi". (Trích "Món quà giáng sinh")

3. "Chúa Giêsu mượn hình ảnh chiếc áo, bầu rượu để nói lên thái độ dứt khoát của những ai muốn làm môn đệ Ngài... Không thể vừa theo Ngài vừa tiếp tục nhìn lại phía sau; không thể làm môn đệ Ngài mà vẫn sống tinh thần ngược lại với tinh thần Tin Mừng. "Hoặc tôi là môn đệ Đức Kitô, hoặc tôi không là gì hết" (Chúc thư của Dunan) (Trích "Mỗi ngày một tin vui")

4. "Chúa Giêsu trả lời chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được" (Mc 2,19)

Các môn đệ đã đến và ở lại với Chúa Giêsu, tâm hồn và cuộc đời các ông tràn ngập niềm vui.

Bao lần tôi đã hát "Chúa chính là mùa xuân con mong chờ", nhưng sống với Chúa đối với tôi có thực sự là niềm vui không?

Tôi thường nghĩ đến những lề luật phải tuân giữ, những nghĩa vụ tôn giáo phải làm như dự lễ Chúa nhựt, xưng tội… hơn là nghĩ đến sự hiện diện yêu thương của Chúa trong đời tôi. Tôi đã đánh mất đi niềm vui của ngày được Rước lễ lần đầu, được thêm sức, niềm tự hào của ngày tuyên xưng đức tin.

Lạy Chúa, xin cho con biết đến với Chúa và ở lại với Ngài, biết đưa tay ra đón nhận hạnh phúc Chúa ban cho con. (Epphata)

 

Suy Niệm 10: Ăn chay cầu nguyện cho đúng tinh thần

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Vâng! Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta thấy ăn chay có một tầm quan trọng đối với người xưa. Ăn chay sám hối có thể làm xiêu lòng Thiên Chúa. Trường hợp của vua Đavid là một ví dụ: Sau khi phạm tội, nhờ ông biết hối lỗi, ăn chay sám hối mà Chúa đã tha cho ông; nhờ ăn chay đền tội mà Ninivê được Chúa tha thứ.

Trong Kinh Thánh Do Thái, chúng ta thấy người xứ Palestine ngày xưa ăn chay bằng cách nhịn ăn từ sáng cho đến chiều (Ge 3,7-8; 1Sm 14,24 ).

Trong cộng đồng Hồi Giáo, ngày nay người ta vẫn giữ chay bằng cách nhịn ăn, nhịn uống suốt từ rạng đông cho đến khi mặt trời lặn, cứ như thế trong suốt tháng Ramadan.

Còn người Phật Giáo thì ăn chay vào các ngày mùng một và rằm, bằng cách vẫn ăn no như thường, nhưng tuyệt đối không ăn thịt bất cứ con vật nào, chỉ ăn rau cỏ trái cây.

Với người Công giáo, trước thập niên 50, chúng ta vẫn còn giữ chay bằng cách không ăn gì từ nửa đêm hôm trước cho tới khi rước lễ. Hiện nay, chúng ta chỉ còn buộc ăn chay cùng với việc kiêng thịt mỗi năm có 2 lần theo quy định chung: thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh. Còn các ngày Thứ Sáu luật vẫn buộc kiêng thịt, nhưng nếu có nhu cầu chính đáng thì không buộc nhưng phải làm một việc đạo đức nào đó để thay thế. Như vậy, mỗi tôn giáo đều có một cách thức để ăn chay riêng.

Ngày nay, các nhà khoa học cũng kêu gọi ăn chay! Thật thế, mỗi khi bác sĩ muốn xét nghiệm máu để kiểm tra sức khỏe, họ buộc bệnh nhân phải nhịn ăn kiêng uống ít nhất là 4 giờ đồng hồ trước khi lấy một ít máu đem thử. Và người bệnh thì chấp nhận ngay, không một chút cật vấn phàn nàn.

“Ăn chay nhà đạo” của chúng ta cũng thế, cũng có mục đích chữa trị và chăm lo sức khỏe phần hồn của mỗi Kitô hữu, nhưng nhất là để kéo chúng ta ra khỏi bản thân chúng ta, mà sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của mình với người khác.

2. Nhưng vấn đề ở đây là ăn chay lúc nào, với tinh thần nào? Rượu mới phải đổ vào bầu da mới. Trong bữa tiệc cưới, chẳng ai lại bắt người dự tiệc ăn chay.

Kinh sĩ Feuillet, nhà giảng thuyết thời vua Louis XIV nổi tiếng là người khá cộc cằn và không để ý lắm đến sự tế nhị.

Ngày kia, ngài nhìn hoàng thân, anh của vua ăn lót dạ. Vị hoàng thân này cảm thấy chột dạ, mới hỏi ngài:

- Thưa Cha, ăn một miếng bánh qui bơ (biscuit) có phá chay không?

- Ngài cứ ăn hết một con bò, nếu ngài muốn, và hãy là một Kitô hữu tốt

Một hôm có 4 anh em đến thăm cha Pambô, họ khen nhau, ca tụng nhân đức của nhau:

- Thưa cha, anh này ăn chay dữ lắm, anh kia không dính bén của cải, người này có lòng bác ái, săn sóc giúp đỡ mọi người; còn người thứ 4 này trong 22 năm trời, lúc nào cũng sốt sắng vâng lời.

Cha Pambô bảo:

- Cha thực tình nói với các con: nhân đức của người thứ 4 trọn lành hơn, quí báu hơn, vì chúng con đều đã làm những việc đáng khen và nhân đức, nhưng vẫn còn đôi chút ý riêng trong đó; còn anh thứ tư đã hoàn toàn sống cho Chúa, không sống gì cho mình nữa, cũng vì thế mà sự nghịệp của anh lớn lao hơn.

Khi nằm trên giường chết, thánh Phanxicô nói câu này: sau khi người ta đã qua đời được 15 phút, tính theo ý riêng mới mất.

Ta nghiệm xét thì cũng thấy rằng: trong một gia đình, cũng như trong một xứ, địa phận, một nước; nếu có sự gì đáng tiếc xảy ra, phần nhiều là do thiếu vâng lời, tùng phục.

Đang hoạt động truyền giáo rất kết quả ở Á châu, từng tỉnh, từng nước trở lại và tương lai rất hứa hẹn; nhưng thánh Phanxicô đã nói câu này: nếu thánh Ignatiô, bề trên cha dạy phải bỏ tất cả để trở về Âu châu, thì cha sẽ xuống tàu về ngay.

Hai người biệt phái và thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện. Người biệt phái “khoe” với Chúa là ông ăn chay mỗi tuần tới hai lần. Còn người thu thuế chỉ cúi đầu xuống thành khẩn xin Chúa tha thứ. Chúa khen ai thì hẳn mỗi người chúng ta đều nhớ.

Như vậy, ăn chay đâu phải chỉ là mặc áo nhặm, đánh tội, đeo xiềng xích, ăn cơm với tro, nằm đất, nhịn ăn nhịn uống mà còn phải là biết dấn thân chia sẻ với người nghèo, biết sống tha thứ nhịn nhục, sống khoan dung với những người không làm vừa ý mình, sống can đảm, sống xứng đáng với ơn gọi của một người theo Chúa dù có phải trải qua những thử thách hay gian nan khốn khó.

Hơn nữa sống tha thứ, sống từ bỏ ý riêng, sống khoan dung, cách sống như trên nhiều khi còn khó hơn là nhịn ăn một vài bữa; thông cảm và chia sẻ với người nghèo, người yếu đuối nhiều khi còn khó hơn cả đánh tội. Chúa Giêsu cũng như Hội Thánh mời gọi chúng ta đi vào con đường ăn chay đó.

Lạy Chúa, xin tha thứ tội lỗi cho chúng con. Amen.