Dân Chúa Âu Châu

jesus-on-crossỞ trong tình yêu của Chúa Giêsu.

CHÚA NHẬT TUẦN 6 PHỤC SINH NĂM B.

"Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình".

Lời Chúa: Ga 15, 9-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau".

SUY NIỆM 1: Anh em hãy yêu thương nhau

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa là nguồn gốc tình yêu. Con người muốn được Thiên Chúa thương yêu, con người phải biết thương yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu thương ta. Thánh Gioan đã quả quyết: “Tình thương bắt nguồn từ Thiên Chúa”.
1. Khi Thiên Chúa dựng nên Evà, thì Adong nói “nàng là xương tự xương tôi, thịt là thịt tôi” (St. 2, 23). Tình yêu đồng loại chớm nở từ đó. Từ lúc Thiên Chúa dựng nên hai người, hai người đã chân thành thương yêu nhau như chính mình, coi nhau như một xương một thịt. Ngày nay chúng ta thường nói “đồng bào ruột thịt”. Đồng bào nghĩa là cùng chung một bào thai sinh ra, đồng một nguồn gốc, một máu mủ, ruột thịt. Nói khác đi, ta nhận nhau như chính mình.
Nhưng thảm hại thay, tình thương một xương một thịt đó chẳng được bao lâu, khi con người sa ngã. Thiên Chúa đến hỏi, thì Adong đã đổ lỗi cho Evà (St. 3, 12). Mọi tội lỗi đã trút đổ lên đầu nhau, còn mình vô tội. Lúc này, không còn phải là một nữa, mà là hai, không còn xương tự xương tôi, thịt là thịt tôi. Nó đã tách rời nhau, xa lìa nhau. Một kẻ là tội phạm, một kẻ rửa tay. Hai kẻ đối kháng nhau, thù ghét nhau. Trong cảnh gia đình chia rẽ, oán hận nhau, con cháu trở thành kẻ thù nhau: Cain đã giết em mình là Abel. Esau đã thù Giacob. Các con Giacob đã bán em là Giuse sang Ai cập. Bao lâu tình yêu chỉ bắt nguồn từ xương thịt bấy lâu còn chia rẽ, hận thù.

2. Ban đầu, Thiên Chúa trao ban tình yêu của Ngài trực tiếp cho loài người, nhưng đã thất bại, loài người không thể thương yêu nhau như Thiên Chúa yêu thương con người. Lần này, Thiên Chúa nhờ chính Con Một Ngài là Đức Giêsu thông truyền tình yêu Thiên Chúa cho loài người: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” để “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Tình yêu của Chúa Cha truyền sang Chúa Con, và Chúa Con truyền sang chúng ta, như thế, tình yêu này mang bản chất Thiên Chúa, chứ không mang tính xương thịt như ban đầu nữa. Chúa Con đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa để chúng ta noi gương Chúa Con mà yêu thương nhau.
Thứ nhất, Chúa Con đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa bằng tuân giữ lệnh truyền của Chúa Cha, thực thi giới răn của Chúa Cha: “Thầy đã tuân giữ giới răn của Cha Thầy và ở trong tình thương của Ngài”. Vì thế chúng ta muốn ở trong tình thương của Thiên Chúa, chúng ta phải giữ giới răn của Ngài: “Nếu anh em giữ giới răn của Thầy, anh em sẽ ở trong tình thương của Thầy”.
Thứ hai, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa bằng hy sinh mạng sống mình để cứu độ chúng ta. Người đã dám gánh tội của chúng ta, đã chịu chết đền tội cho chúng ta. Người không trút tội lỗi của chúng ta lên đầu chúng ta. Đây là thứ tình yêu rộng lượng tha thứ, vô cùng lớn lao, quảng đại: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”.

Con Thiên Chúa vô cùng cao cả đã yêu thương chúng ta đến cùng tận, còn chúng ta là đồng bào, đồng phận xương thịt với nhau, sao không dám hy sinh cái thân phận hèn hạ của mình cho nhau? Chỉ có hy sinh cho nhau, chúng ta mới biết mình ở trong tình yêu của Thiên Chúa.
Thứ ba, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa bằng tình yêu chọn chúng ta làm bạn hữu của Người: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Còn anh em, Thầy gọi anh em là bạn hữu”.
Thực sự, chúng ta không thể nào đáng là tôi tớ của Thiên Chúa. Chúng ta vừa là loài thụ tạo, vừa kém hơn loài thụ tạo, vì đã phạm tội, xúc phạm đến Đấng tác tạo nên ta. Mọi loài thụ tạo đều vâng phục Thiên Chúa một cách triệt để theo một trật tự hoàn hảo. Vĩ đại như tinh tú, mặt trời, mặt trăng đã tuân theo lệnh Thiên Chúa sắp đặt xoay vần, không hề sai trái. Nếu chúng sai trái, loài người và muôn vật bị tiêu hủy. Còn chúng ta đã không vâng lệnh Thiên Chúa, đáng lẽ chúng ta đã bị tiêu diệt. Làm sao dám làm bạn hữu của Người. Chỉ vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta đã cho chúng ta được vinh dự vô cùng đó. Noi gương Đức Giêsu, chẳng những chọn mọi người làm bạn hữu của ta, mà còn phải tôn trọng mọi người hơn ta, ta mới xứng đáng với tình thương của Người, mới mong thu được nhiều kết quả và đáng Chúa Cha nhận lời chúng ta nài xin.

Thánh Phêrô, đã noi gương Thầy Chí Thánh, đến thăm nhà ông Cônêliô. Phêrô không kỳ thị dân ngoại, không khinh thị quân Rôma xâm lăng, như lối sống kỳ thị của truyền thống Do thái, Phêrô kính trọng gia đình Cônêliô, đã đỡ ông lên: “Xin ông đứng dậy, vì tôi cũng chỉ là người phàm”. Còn ông Cônêliô, dù là một sĩ quan của đế quốc Rôma vĩ đại, là người cai trị dân, ông đã hạ mình xuống “ra đón và phủ phục dưới chân Phêrô mà bái lạy”. Trước những cử chỉ hy sinh bỏ mình đi, hạ mình xuống và chân thành kính mến nhau như vậy, làm cho người Do thái kinh ngạc, và Thiên Chúa đã yêu thương các ông mà ban Thánh Thần tình yêu tràn trề xuống cho Phêrô và gia đình Cônêliô, để nhận nhau làm bạn hữu muôn thuở trong Đức Giêsu Kitô (Bài đọc 1).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm tình thương bao la của Chúa, tình thương đồng hóa, đồng phận với mọi người cùng khổ, tình thương hy sinh mạng sống để cứu độ muôn dân.
Sao chúng con không biết thương người như Chúa thương chúng con và mọi người.

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. ViKiNi)

SUY NIỆM 2: Tình yêu cũng có cội nguồn

Trên mặt đất chỗ nào cũng đầy rắc rối, phức tạp. Khía cạnh nào cũng đầy rắc rối, từ kinh tế, đến chính trị; từ miếng ăn đến cái mặc. Nhưng rắc rối nhất vẫn là trong lĩnh vực tình yêu. Tình yêu rắc rối vì nó hiện hữu khắp nơi, nhưng lại vô hình, nhưng lại có thể làm cho người ta cười, người ta khóc. Nó ẩn hiện man mác, tàng hình. Có khi, có được nó rồi mà cứ tưởng chưa có. Chưa có được nó mà cứ an tâm nắm chặt nó rồi. Nhưng có một sự thật lạ lùng cần phải nói đến: Là ai đó, nếu chưa được ai yêu bao giờ sẽ chẳng bao giờ biết yêu. Chữ “biết” ở đây phải hiểu cho tròn nghĩa. Bài học hôm nay của chúa nhật VI phục sinh này, là bài học cốt lõi về tình yêu. “Điều Thầy truyền dạy anh em, là hãy yêu thương nhau”. Nhưng thưa Thầy, cho con được hỏi: Yêu là thế nào? NHƯ THẦY ĐÃ YÊU THƯƠNG CÁC CON. Nhưng Thầy đã yêu con làm sao?
1- Thầy sẽ không gọi các con là tôi tớ, mà là bạn hữu. Nghĩa là phải có một mặt bằng bình đẳng, phải coi nhau cùng chung mẫu số là người. Không còn địa vị cao thấp, giàu, nghèo, giỏi dốt. Cái cung cách cha chú, gia trưởng, phong kiến, cúi xuống ban ơn; sẽ là tên đao phủ chém chết tình yêu. Vì là bạn, cho nên phải tôn trọng nhau, không được coi nhau bằng nửa con mắt.
2- Là phải biết tha thứ cho nhau. Thông cảm mới chỉ là bước đầu. Tha thứ mới là bước cần thiết phải làm. Phải tha thứ 77 lần 7 như Thầy đã quỳ xuống trước mặt mà rửa chân; rửa hết những bụi đời, rửa hết những bước chân sai lầm lỡ. Rửa hết cả sự dại khờ phản bội kiểu Phêrô, cách Giuđa.
3- Phải biết hy sinh đến quên mình. Chẳng cần kể dài dòng, con hãy đọc kỹ lại những đau thương Ta đã chịu từ lúc ở vườn cây dầu, đến đỉnh đồi núi sọ, thì con hiểu được cái nghĩa cốt lõi của tình yêu là gì? Ta tan biến đời Ta, trong bão giông đau khổ, để đời nhân loại chúng con được hạnh phúc. Giản đơn thế thôi: Con hiểu chiều sâu của tình yêu là gì rồi.
Nhưng sao Chúa lại trải nghiệm tình yêu đời mình cách lạ lùng làm vậy? Con không hiểu sao, Ta yêu các con lạ lùng như thế, bởi Ta đã nhận được tình yêu diệu kỳ từ nơi Chúa Cha. Chúa Cha với Ta là một, Ngài yêu Ta vô cùng. “Này là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng”. Thế nhưng Ngài cứ muốn Ta đi vào đau khổ. Dù không thích nhưng Ta vẫn xin vâng, cam đảm bước vào những đau khổ của tột cùng, Ta mới gặp được khuôn mặt đích thực của tình yêu. Và Ta hiểu rằng: Sự đau khổ là điều cần thiết trong tình yêu. Và sự nghịch lý trong tình yêu là một điều diệu kỳ, để khuôn mặt tình yêu hiện hữu. Càng hy sinh thân mình, thì càng gặp được hương vị ngọt ngào, và khuôn mặt mỹ miều của tình yêu.
Gợi ý suy niệm:
1- Rất trung thực, bạn hãy trả lời: Bạn có cảm nghiệm được là Thiên Chúa yêu bạn không?
2- Bạn có thấy, bạn đang yêu hết mình người sống trong nhà bạn không, và nhà hàng xóm của bạn không?
(Suy niệm của Lm Đaminh Đỗ Văn Thiêm - Trích trong ‘Tập San Tĩnh Tâm Giáo Phận Long Xuyên số 05/2012’)