Dân Chúa Âu Châu

Ga 15 18-21Chấp nhận lội ngược dòng.

THỨ BẢY TUẦN 5 PHỤC SINH.

"Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian".

Lời Chúa: Ga 15, 18-21

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Đấng đã sai Thầy".

SUY NIỆM 1: Chấp nhận lội ngược dòng.

Với cuộc thăm viếng các nước Hy Lạp, Siri và Malta (từ ngày 4 đến 5/05/2001), Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã muốn đi lại cuộc hành trình của thánh Phaolô tông đồ. Ðặc biệt tại Siri, Ðức Thánh Cha đã sống lại một trong những cảnh sống động nhất trong lịch sử Giáo Hội là cuộc trở lại của thánh Phaolô. Sách Tông Ðồ Công Vụ thuật lại rằng: "Lúc ấy, Saolô vẫn còn hằm hằm giết các môn đệ của Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Damasco để, nếu thấy những người theo đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem. Vậy, đang khi ông đi đường đến gần Damasco, thì bỗng nhiên có một luồng sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: "Saolô, Saolô, tại sao ngươi bách hại ta?" Ông hỏi: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Người đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại". Kinh nghiệm này cho thánh Phaolô xác tín lại chính vì Chúa Kitô mà các tín hữu Kitô bị bách hại. "Nếu thế gian có ghét các con, thì hãy biết ra họ đã ghét Thầy trước". Nếu Chúa Giêsu là đối tượng của những chống đối, loại trừ, và cuối cùng là thập giá, thì bị bách hại là phần số tất yếu của các tín hữu Kitô. Những hình thức và cường độ bách hại có khác nhau qua những thời đại và xã hội, nhưng lý do bị bách hại vẫn không thay đổi. Chính vì Chúa Kitô mà các tín hữu bị bách hại. Nơi họ, mầu nhiệm bách hại của Chúa Kitô vẫn tiếp tục tái diễn. Nếu các thủ lãnh Do Thái Giáo nhân danh đạo giáo và cấu kết quyền lực của đế quốc để loại trừ Chúa Giêsu, thì qua các thời đại và ở bất cứ nơi đâu Giáo Hội có mặt, bản án dành cho Giáo Hội vẫn luôn mang tính tôn giáo. Hoàng đế Nêron của đế quốc Lamã đã ra lệnh tàn sát các tín hữu Kitô bởi vì niềm tin của họ là một đối đầu và thách thức cho thứ tôn giáo đang được áp đặt trên toàn đế quốc.

Nếu giáo huấn và cuộc sống của Chúa Giêsu là một đe dọa cho trật tự mà Do Thái Giáo đã thiết lập, thì niềm tin của các tín hữu tiên khởi cũng là một đe dọa không kém cho quốc giáo của đế quốc Lamã. Nhìn vào lịch sử của Giáo Hội tại Việt Nam, người ta thấy rằng lý do của những cuộc bách hại cũng tương tự. Những vua chúa Việt Nam cũng ban hành các dấu chỉ cấm đạo và bách hại các tín hữu Kitô, là bởi vì họ xem Kitô giáo như một tà đạo, nguy hại cho đạo giáo vốn đang được thực hành trên đất nước.
Tựu trung, nếu các tín hữu Kitô có bị bách hại là bởi vì niềm tin Kitô luôn là thách đố và tra vấn cho lương tâm con người. Nhìn lại các cuộc bách hại đã và đang diễn ra trong các chế độ toàn trị, người ta cũng thấy rằng chính vì chủ trương duy vật vô thần mà các chế độ độc tài bách hại Giáo Hội. Chính vì đến để làm chứng và nói lên sự thật mà Chúa Giêsu đã bị chống đối, khước từ và loại trừ. Ngày nay, bất cứ ai sống cho sứ mạng ấy, dù đang sống trong xã hội nào cũng đều bị bách hại cách này hay cách khác. Năm 1968, khi Ðức Phaolô VI công bố thông điệp Sự Sống Con Người, trong đó ngài lên án não trạng chống lại sự sống của con ngườ thời đại, người ta đã có lý để gọi ngài là một người dám chống lại cả thế giới.

Sống cho sự thật, làm chứng cho sự thật, dám nói lên sự thật là chấp nhận bị tẩy chay, bị loại trừ, bị bách hại. Một số phận như thế lại càng rõ nét hơn trong một chế độ xây dựng trên dối trá, lừa bịp. Trong một chế độ như thế, những ai trung thành với Chúa Giêsu, Ðấng đã bị bách hại vì sự thật, chắc chắn không thể không bị bách hại.
Xét cho cùng, sống đạo, dù trong xã hội và hoàn cảnh nào cũng đều chấp nhận lội ngược dòng. Và lội ngược dòng có nghĩa là sẵn sàng mất tất cả, ngay cả mạng sống của mình để không đánh mất chính bản thân.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Thuộc về đâu.
Tin mừng Đức Giêsu Kitô gây ra nhiều chia rẽ, nhiều xâu xé. Người đã loan báo sự chia rẽ trong cùng một gia đình như anh sẽ nộp em vì danh Ngài. Nhưng sự xâu xé sâu xa nhất ở trong nội tâm mỗi người chúng ta khi chúng ta cảm xúc trước lời Ngài. Lời Ngài gây ra sự chia rẽ giữa những thành phần yêu đương nhất trong gia đình, nghề nghiệp, xã hội, đức tin, chúng ta thử cố gắng giải quyết để duy trì quân bình giữa các thành phần này.
Nhưng có lúc dù cố gắng giải mã thế nào, chúng ta vẫn có thể phản bội đối với phe này hoặc phe kia. Lời Chúa tuyên bố hôm nay cảnh giác chúng ta và mời gọi chúng ta biết phán đoán sáng suốt về tương quan của chúng ta với thế gian.
Một điều làm tôi càng ngày càng bức xúc là: Làm thế nào những Kitô hữu không khó chịu về mình không còn là Kitô hữu nữa? Sao những người Kitô hữu không biết hàn gắn sự đổ vỡ trong xã hội.
Có thể do hoàn cảnh của chúng ta quá lệ thuộc vào thế gian hơn vào Đức Giêsu Kitô, quá chú ý theo lối suy nghĩ của xã hội hơn những chân lý của lời Chúa.
Chúng ta là hạng người bị quay theo chiều gió, trôi theo giòng nước. Chúng ta để bao nhiêu giờ đi tìm kiếm những lệ thuộc và những cổ động ủng hộ của những người khác. Đây có lẽ có một cơn khủng hoảng tôn giáo tận gốc mà Giáo hội phải vượt qua do những tín hữu chủ trương lối sống vô thưởng vô phạt. Ai cũng biết rằng chính lẽ ra Kitô hữu mỗi ngày phải nên mới: “Nhật nhật tân, hựu nhật tân”.
Chúng ta cần cân nhắc những giá trị này: Nếu tôi thuộc về thế gian, tôi được thế gian yêu thích, tôi sẽ không là kiểu người ngoại lệ. Trái lại, nếu tôi thuộc về Đức Kitô, thì ngay lập tức, lời Đức Kitô sẽ áp dụng cho tôi: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em”, vì anh em đảo ngược những tư tưởng và lối sống thế gian của họ.
C.G

SUY NIỆM 3: Thế gian thù ghét
Tác giả Tacitus của Đế quốc Rôma vào thế kỷ thứ nhất, trong tập sử ký của ông có ghi lại cuộc bách hại đầu tiên mà Giáo Hội phải trải qua như sau: “Rôma năm 64, Hoàng đế Néron, để dẹp bỏ tiếng đồn tố cáo ông là người đã nổi lửa đốt thành Rôma, đã ra lệnh lùng bắt những người mà dân chúng gọi là Kitô hữu. Một đám đông vô kể bị bắt giữ vì bị tố cáo không những đã gây ra cuộc hỏa hoạn, mà lại còn thù nghịch với các thần minh và nhân loại. Tất cả đã bị đem ra chế diễu và bị hành hạ cho đến chết: một số bị gói trong những mảnh da thú và quăng cho chó cắn xé; một số khác bị thiêu sống, như thế khi màn đêm vừa buông xuống, người ta dùng họ như những bó đuốc để soi sáng ban đêm; nhiều người khác bị đóng đinh cách dã man. Cảnh tượng ấy diễn ra trong các vườn thượng uyển cuả Néron cũng như tại Hí trường, nó dã man đến nỗi đã làm cho dân chúng xúc động và thêm bất mãn.
Trên đây là trang sử đầu tiên trong lịch sử các cuộc bách hại Giáo Hội đã trải qua từ 2.000 năm nay. Ở đâu có Giáo Hội, ở đó có bách hại. Thánh Gioan khi ghi lại đoạn Tin mừng hôm nay cũng nhìn thấy trước mắt cảnh tàn sát dã man mà các tín hữu tiên khởi đã trải qua dưới thời Néron. Cũng như các tín hữu tiên khởi, chúng ta được Giáo Hội cho lắng nghe chính những lời loan báo của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã bị bách hại cho đến chết, do đó tất cả những ai làm môn đệ Ngài cũng không thể không đi con đường ấy. Đó là một tất yếu: dù sống trong hoàn cảnh hay xã hội nào, bị thế gian thù ghét là phần số của người Kitô hữu. Điều đó không nên làm cho người Kitô hữu phải ngạc nhiên, bởi vì cuộc sống của họ là một cuộc sống đi ngược dòng. Bị thế gian thù ghét không phải là điều bất thường đối với thân phận làm kitô hữu; cái bất thường trong thân phận Kitô hữu chính là cuộc sống dễ dãi, thỏa hiệp, chạy theo dòng thác của thế tục.
Một sử gia khác của Đế quốc Rôma vào thế kỷ 1 là Plinus cũng phải ngạc nhiên không hiểu tại sao các Kitô hữu phải bị ghen ghét và bách hại. Trong một lá thư thỉnh ý trình lên Hoàng đế Trajanus, với tư cách là toàn quyền Bithinia, ông đã viết: “Tâu bệ hạ, thần thấy có nhiệm vụ phải thỉnh ý bệ hạ, bởi vì vấn đề của các người Kitô hữu đang lan rộng, thần phải xử trí thế nào. Cho đến nay thần tưởng đã làm đúng khi tha bổng những người đã chối bỏ mình là Kitô hữu, nếu sau khi được xét xử, họ cầu khẩn với các thần mình, dâng hương và rượu trước ảnh của bệ hạ mà thần cho đặt vào giữa các thần minh, và nhất là phỉ báng ông Kitô. Không thể cưỡng bách những người Kitô hữu đích thực làm một điều như thế. Qua những cuộc tra hỏi, sai lầm duy nhất của các Kitô hữu là tụ họp lại trong một ngày nào đó khi mặt trời vừa lên để ca hát chúc tụng ông Kitô như một Thiên Chúa. Trong những cuộc tụ họp như thế dường như họ thề quyết không làm điều ác, mà trái lại trở thành những công dân tốt, thanh liêm và đáng trọng nể”.
Quả là “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Chứng từ trên đây của Plinus cho thấy cho dẫu có quyết tâm sống như những công dân tốt, các Kitô hữu vẫn bị nghi ngờ và bị bách hại. Tình trạng này dường như xảy ra trong bất cứ thời đại và xã hội nào. Lý do duy nhất để các Kitô hữu hiểu được tại sao họ bị bách hại chính là lời của Chúa Giêsu: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng nó đã ghét Ta trước”. Đó là chìa khóa để chúng ta hiểu được vị thế của Giáo Hội trong thế gian, một thế gian được Thiên Chúa yêu thương đến nỗi đã ban Con Một Ngài, nhưng cũng là một thế gian đang bị sức mạnh của tăm tối lôi kéo. Sứ mệnh của Giaó Hội và của mỗi kitô hữu là chống lại sức mạnh tăm tối ấy và do đó bị ghen ghét, bách hại là điều không thể tránh khỏi.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức sâu sắc về danh hiệu Kitô của chúng ta. Mang danh hiệu Kitô là tham dự vào mầu nhiệm Tử nạn và Thập giá của Chúa Kitô, nhưng chúng ta tin chắc rằng nhờ tham dự vào mầu nhiệm khổ nạn và Thập giá ấy mà chúng ta góp phần vào việc cứu rỗi và canh tân thế giới. Khổ đau mà các Kitô hữu đang phải gánh chịu vì Danh Chúa Giêsu là hạt giống trổ sinh những hoa trái của niềm tin.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)