Dân Chúa Âu Châu

vocacao mateusKêu gọi người thu thuế Mát-thêu.

Thứ Sáu đầu tháng, tuần 13 thường niên.

"Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải là hy lễ".

 

Lời Chúa: Mt 9, 9-13

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra là khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?"

Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải là hy lễ". Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Đứng dậy đi theo

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Thầy Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên khi họ đang làm việc.

Người thì đang quăng lưới ngoài khơi,

kẻ thì đang vá lưới trong thuyền (Mt 4, 18-22).

Khi Thầy gọi Mátthêu, anh cũng đang làm việc ở trạm thu thuế.

Anh đang ngồi, vững vàng trong nghề nghiệp của mình,

dù nghề của anh thường bị coi là nghề rất xấu.

Thầy Giêsu như tình cờ đi ngang qua bàn làm việc của anh.

Ngài chỉ nói một câu rất ngắn: “Anh hãy theo tôi!”

Mátthêu không đáp lại, nhưng anh trả lời bằng hành động.

Từ vị thế đang ngồi, anh bỏ dở công việc để đứng lên và theo Thầy.

Từ vị thế vững vàng, anh bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.

Từ vị thế của tội nhân, anh trở thành người môn đệ thân thiết.

Mátthêu nằm trong danh sách nhóm Mười Hai (Mt 10, 3).

Thầy Giêsu không sợ mất tiếng khi nhận anh vào nhóm.

Nhóm của Thầy không chỉ gồm những người thánh thiện,

nhưng có cả những tội nhân giàu lòng hoán cải.

Mátthêu có đóng góp gì cho nhóm Mười Hai không?

Nghề thu thuế với giấy bút có giúp gì cho các ngư phủ ít học không?

Trong nhóm Mười Hai, Mátthêu có chỗ đứng đặc biệt,

người thu thuế trở nên Tác giả sách Tin Mừng.

Mátthêu làm nghề bị đồng bào của ông khinh miệt,

vì nghề này dễ dẫn người ta đến chỗ lạm thu, bỏ tiền vào túi riêng.

Nghề này còn là một sỉ nhục vì cộng tác với ngoại bang bóc lột dân,

đụng chạm đến đồng tiền ô uế và tiếp xúc với dân ngoại.

Khi trở nên môn đệ của Thầy, Mátthêu đã trở nên người phục vụ đồng bào.

Ông dùng khả năng của mình mà viết sách Tin Mừng.

Đây là Tin Mừng lớn mà ông loan báo: Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia.

Không phải chờ gì nữa, Đấng Mêsia đã đến rồi!

Ngài làm trọn những lời đã được loan báo trong Cựu Ước.

Mátthêu đã tìm ra ngôn ngữ để nói với Dân Chúa, sao cho họ hiểu được.

Ông đã trình bày dung mạo Đức Giêsu cho người cùng thời với ông.

Chúng ta cũng phải có khả năng giới thiệu Đức Giêsu cho người thời nay,

nghĩa là biết, hiểu và nói được ngôn ngữ của thế giới,

để thế giới nghe và hiểu được.

Chúng ta vẫn phải tiếp tục viết các sách Tin Mừng cho thời đại hôm nay,

phù hợp với não trạng và tâm thức của họ, với nền văn hóa đương đại.

Đâu là khuôn mặt Đấng Cứu độ mà con người hôm nay ngóng chờ?

Con người thời nay khỏe mạnh về nhiều mặt,

nhưng vẫn là người đau ốm cần đến thầy thuốc (c. 12).

Họ mong mình được giải phóng khỏi điều gì?

Đức Giêsu Kitô có thể đáp ứng được những khao khát đó không?

Lời rao giảng và cuộc sống của chúng ta phải cho thấy

Đức Giêsu có thể chữa lành và đem lại một thế giới hạnh phúc.

Ước gì chúng ta có lòng nhân và sự bao dung như Đức Giêsu,

dám đồng bàn với con người hôm nay để dẫn họ đến bàn tiệc thiên quốc.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin sai chúng con lên đường

nhẹ nhàng và thanh thoát,

không chút cậy dựa vào khả năng bản thân

hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:

rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,

chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng

với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,

biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng

đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ

của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu,

thế giới thật bao la

mà vòng tay chúng con quá nhỏ.

Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau

mà tin tưởng lên đường,

nhẹ nhàng và thanh thoát. Amen.

 

Suy Niệm 2: Dòng dõi A-bra-ham

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Áp-ra-ham là người trung tín với lời Chúa hứa. Chúa đã hứa cho ông một dòng dõi đông như sao trên trời như cát dưới biển. Ông không dám chung đụng với dân ngoại. Vì thế phải tìm vợ cho I-xa-ác trong dòng họ của ông. Thật là một sự trung tín đáng trân trọng. Ông vẫn nghĩ dòng dõi Chúa hứa là theo phương diện huyết thống thể lý. Nhưng ông cũng đã hiểu phải có một dòng dõi mới sống theo Lời Chúa Hứa. Nên bằng mọi cách phải đưa cô dâu đến. “Coi chừng, đừng có đưa con trai tôi về đó” (năm lẻ).

Quan niệm đó dần dần được Thiên Chúa thanh luyện. Khi dân Do thái không trung thành với Lời Chúa, lời hứa theo phương diện huyết thống thể lý mất hiệu nghiệm. A-mốt cho thấy dân phạm tội nên đánh mất lời hứa. “Chúng sẽ thất thểu từ biển này qua biển nọ, từ phương bắc đến phương đông, chúng sẽ lang thang để kiếm tìm lời Đức Chúa mà không gặp được”. Lòng họ trở nên thửa đất bờ ruộng, nơi chim trời đến tha mất Lời Chúa. Lòng họ trở nên gai góc sỏi đá bóp nghẹt Lời Chúa (năm chẵn).

Chúa Giêsu đến mở ra một chân trời mới, thiết lập dòng dõi mới của Áp-ra-ham. Biệt phái và Luật sĩ, Kinh sư tự hào mình là dòng dõi Áp-ra-ham nhưng lại đóng chặt cửa lòng không nghe Lời Chúa. Những kẻ tội lỗi lại mở lòng đón nhận. Một lời kêu gọi, lập tức Lê-vi chỗi dậy theo Chúa. Bỏ bàn thu thuế đầy tiền bạc. Bỏ nghề thu thuế nhiều lợi nhuận. Bước theo Chúa vào con đường phiêu lưu vô định.

Đây quả là dòng dõi mới của Áp-ra-ham. Biệt phái, Luật sĩ, Kinh sư tự hào là con cháu Áp-ra-ham nhưng không nối tiếp truyền thống thiêng liêng của tổ phụ. Chính Mát-thêu và những người tội lỗi nối tiếp truyền thống này. Như Abraham vừa nghe Lời Chúa đã từ bỏ quê hương, gia đình, tài sản, Lê-vi vừa nghe Lời Chúa đã từ bỏ tiền của, nghề nghiệp. Như Áp-ra-ham lên đường đến miền đất Chúa hứa, Lê-vi và các bạn lên đường theo Chúa Giê-su. Như Áp-ra-ham chỉ biết vâng lời Chúa không tính toán so đo, kể cả sát tế I-xa-ác dâng hiến Chúa, Lê-vi không tính toán, theo Chúa mà chẳng có gì thủ thân. Đây đích thực là dòng dõi mới của Áp-ra-ham. Dòng dõi theo đức tin chứ không còn theo huyết thống.

Tôi thuộc dòng dõi cũ hay dòng dõi mới của Áp-ra-ham? Tôi khép kín hay mở rộng tâm hồn lắng nghe, đón nhận và thực hành Lời Chúa?

 

Suy Niệm 3: Bữa Tiệc Thân Hữu

Trong hầu hết các nền văn hóa hiện hữu trên thế giới, bữa ăn là một thời điểm, một nghi lễ đặc biệt trong đời sống con người. Con người thường chia giờ giấc trong ngày theo các bữa ăn. Bữa ăn là giờ duy nhất trong ngày, trong đó mọi thành phần trong gia đình có mặt bên nhau, do đó bàn ăn thường là biểu trương của hiệp nhất. Vì là giờ hiệp nhất, nên bữa ăn cũng là giờ linh thiêng trong cuộc sống. Người ta vẫn nói: "Trời đánh tránh bữa ăn". Bữa ăn là dấu chỉ của hiệp nhất, cho nên thời xa xưa, thỏa ước giữa các bộ lạc cũng được ký trong bữa tiệc. Ngồi đồng bàn với nhau có nghĩa là chấp nhận chia sẻ với nhau, chấp nhận tình thân hữu của nhau.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu. Phúc Âm thường ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với người nào là muốn chia sẻ, muốn nói lên tình thân thiện của người đó. Qua những lần ngồi đồng bàn với tất cả mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu thường mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới". Nước Trời giống như một tiệc vui. Tôn giáo mà Chúa Giêsu loan báo không phải là những nghi lễ hay những luật lệ cứng nhắc, mà là tôn giáo của tình yêu. Trích dẫn lời Tiên Tri Ôsê: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế", Chúa Giêsu đả phá những tôn giáo chỉ xây dựng trên những nghi lễ trống rỗng, mà quên đi cái lõi của tôn giáo là tình thương.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng vụ chỉ là trống rỗng vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động yêu thương, chia sẻ, tha thứ đó sao? Lúc đó bàn thờ của chúng ta không chỉ nằm trong bốn bức tường nhà thờ, mà còn phải là gia đình, công sở, phố chợ. Nơi nào có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ, thì nơi đó có Chúa hiện diện, có bình an, có Nước Trời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Người công chính với người tội lỗi

Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

Đức Giêsu đang dùng bữa trong nhà, thì kìa, nhiều người thu thuế và người tội lỗi khéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” (Mt. 9, 9-12)

Người tội lỗi được kêu gọi

Chúa Giêsu quan tâm lo lắng cho những người ốm đau bệnh tật, vì chính họ cần đến Người. Những người mà vì họ Chúa đã đến và kêu gọi đi theo Người, đó là những người tội lỗi, chứ không phải những người công chính.

Những người tội lỗi ám chỉ tất cả những-ai-kia mà xã hội có suy nghĩ, có giáo dục và hãnh diện về tính liêm khíết của mình, xua đuổi, không nhìn nhận và khinh bỉ. Thời Chúa Giêsu người ta gọi những người tội lỗi là tất cả những ai không tuân giữ tỉ mỉ những điều Luật truyền. Từ ngữ người tội lỗi cũng áp dụng cho tất cả những ai cụ thể đang sống trong tội lỗi, đang làm điều xấu. Chính vì những con người đó mà Chúa Giêsu được sai đến.

Nếu Chúa Giêsu yêu thương người tội lỗi, thì Người lại gớm ghét sự tội. Nếu quả Chúa kêu gọi những người tội lỗi, chính là để cho họ trở nên những người công chính. Nên ta có thể tự hỏi: Dù rằng đã là những con người tội lỗi, nếu ta đang trở nên những người công chính, nếu suốt cuộc đời, ta tìm sống thánh thiện và công chính, thì Chúa Giêsu có còn quan tâm đến ta không, có vẫn gọi ta đi theo Người không?

Những người công chính được kêu gọi

Đương nhiên ta phải trả lời có, vì thực ra Chúa luôn luôn kêu goi mọi người: người công chính cũng như người tội lỗi. Lý do đơn giản. Trước thánh nhan Người chẳng có người nào là hoàn toàn công chính. Những kẻ được nên công chính vẫn mang thân phận người tội lỗi.

Chỉ có những người mà thực tế Chúa Giêsu không có thể làm gì được cho họ, đó là những kẻ tưởng rằng mình quả là công chính nên không thấy được nữarằng mình vẫn và luôn luôn cần được tha thứ, được cứu độ, được thanh tẩy và được biến đổi.

 

Suy Niệm 5: Cảm nghiệm để làm chứng

Xem CN 10 TN A, thứ Bảy tuần 1 TN và thứ Bảy sau lễ Tro.

Trong dịp lễ tạ ơn của một tân linh mục, mọi người hiện diện được nghe thấy cha mới chia sẻ lúc đầu lễ rằng: “Cộng đoàn cùng với con tạ ơn hồng ân Thiên Chúa đã ban cho con Thiên Chức linh mục, mặc dù con bất xứng, yếu hèn và vô dụng. Nhưng vì yêu thương, nên Chúa đã gọi và chọn con tiến lên bàn thánh để con trở thành linh mục của Chúa”. Câu nói đó của tân linh mục diễn tả một sự cảm nghiệm sâu xa tình thương mà Chúa dành cho cha.

Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu gọi ông Mátthêu, người thu thuế, hẳn ông cũng cảm thấy mình bất xứng vì công việc bất chính của ông đang làm. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã gọi ông để ông trở thành môn đệ.

Khi nghe thấy tiếng Chúa mời gọi, ông đã cảm nghiệm được tình yêu của Đức Giêsu, nên ông đã dứt khoát đứng dậy, rời khỏi bàn thu thuế, nơi ông đang làm việc, nơi ông đã gắn bó, nơi là sự nghiệp đã nuôi sống ông và gia đình ông, để đáp lời mời gọi đầy trìu mến và đi theo Đức Giêsu.

Thật vậy, một tình yêu, một lòng mến, Đức Giêsu đã gọi ông. Cũng một tình yêu, một lòng mến, ông đã đáp lại tiếng Đức Giêsu mời gọi, để tiếp bước trên hành trình loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa trong cuộc đời môn đệ nơi ông.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhận ra mình bất xứng để cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Mặt khác, từ những gì đã cảm nghiệm, Chúa cũng muốn mời gọi chúng ta sẵn sàng cảm thông cho những yếu đuối của anh chị em mình, sống khiêm tốn và đón nhận Thánh giá trong hành trình môn đệ của mình như một hồng ân.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã được Chúa yêu thương quá nhiều, dù chúng con bất xứng. Xin Chúa cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho chúng con, để rồi chúng con ra đi loan báo về tình yêu đó cho anh chị em mình. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Chúa Giêsu đi bước trước

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu tỏ lòng ưu ái và cứu vớt những người tội lỗi. Ngài chính là Đấng cứu thế phải đến để chữa lành mọi tật nguyền hồn xác của ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, càng suy gẫm con càng thấy tình Chúa yêu thương con thật quá bao la. Con được Chúa yêu thương không phải vì con xứng đáng mà vì Chúa muốn yêu thương con. Chúa ơi, từ đáy lòng con, con biết con là kẻ tội lỗi. Nhưng cũng như thánh Mat-thêu, con càng tội lỗi bất xứng thì Chúa lại càng yêu thương và kêu gọi con.

Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa phủ lấp tội lỗi của con. Vì thế, Chúa không để con phải ngụp lặn mãi trong tội. Trái lại, Chúa đã đi bước trước và đã đến tìm gặp con trong chính vũng lầy tội lỗi, như Chúa đã đích thân đến trạm thu thuế để gọi thánh Mat-thêu. Chúa đã tạo cho con những cơ may để làm lại cuộc đời.

Nhưng lạy Chúa, đã biết bao lần con để những cơ may đó qua đi. Con càng chần chừ lưỡng lự, Chúa càng kiên nhẫn đợi chờ. Tình yêu bao dung của Chúa luôn khích lệ con. Cứ mỗi một ngày mới đến, là một lời mời gọi của Chúa lại gởi đến cho con. Xin cho con biết lắng nghe và quảng đại đáp lại lời Chúa mời gọi như thánh Mat-thêu, mau mắn và dứt khoát không chút ngần ngại.

Và lạy Chúa, xin Chúa dùng con và biến con nên khí cụ của lòng thương xót Chúa. Xin Chúa dạy con biết tìm đến những anh chị em tội lỗi và xấu số trong xã hội, và tỏ lòng ưu ái cảm thông với họ. Ước gì lời nói ngọt ngào và thái độ hiền dịu của con sẽ là bước mở đầu để anh chị em con trở về với Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải là hy lễ”.

 

Suy Niệm 7: Chúa kêu gọi ông Mathhêu

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Chính thánh Mattêu, là người thu thuế, đã thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi ông làm môn đệ Ngài. Tuy là người tội lỗi, khi được Chúa kêu gọi ông đã đi theo Ngài không chút do dự. Việc gọi Matthêu và việc Chúa Giêsu ăn uống đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi, cho thấy Ngài tỏ lòng ưu ái đối với họ. Những người Biệt phái thắc mắc và chỉ trích Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã trả lời bằng cách nêu rõ sứ mệnh của Ngài là sứ mệnh của một Lương y, một vị Mục tử nhân hiền, luôn yêu thương săn sóc những con chiên đau ốm và bị thương.

2. Chúa Giêsu đã cư xử với Matthêu với tất cả tấm lòng cảm thông, tha thứ, và yêu thương của Ngài. Tại sao thế? Bởi vì Ngài luôn quan tâm đến những người tội lỗi để giúp họ cải tà qui chính.

Một bệnh viện mà chỉ nhận săn sóc cho người mạnh khỏe thì quả thật là một nhà thương không thế nào chấp nhận được; người khỏe mạnh thì không cần đến bác sĩ... Cũng thế, Chúa Giêsu không còn là Đấng Cứu Thế nữa, nếu Ngài chỉ muốn tiếp xúc với những con người tự phụ cho mình là công chính không cần đến Thiên Chúa.

Người Do thái coi người thu thuế, một hạng người được coi là tay sai cho ngoại bang, làm tay sai cho Đế quốc La Mã, một hạng người mang tiếng ăn bẩn, tội lỗi, không tốt. Nhưng Chúa lại nghĩ khác vì Chúa thấu suốt tâm can của con người. Biệt phái và luật sĩ luôn nghĩ xấu cho hạng người này. Chúa thì lại nói: “Ta đến không phải để kêu gọi những người công chính mà là gọi những kẻ tội lỗi”, và “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”.

3. Sau khi đã bỏ mọi sự theo Chúa, Matthêu liền tổ chức ăn mừng, ông kêu gọi nhiều bạn bè thân hữu đến dùng tiệc, dĩ nhiên là có nhiều người thu thuế và tội lỗi, không loại trừ biệt phái và luật sĩ.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu. Phúc âm ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với người nào là muốn chia sẻ, muốn nói lên tình thân thiện của người đó. Qua những lần ngồi đồng bàn với tất cả mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.

4. Chúa Giêsu đã không gọi những người công chính làm môn đệ của Người, nhưng Chúa đã chọn ông Matthêu là một người thu thuế bị xã hội Do thái thời đó khinh rẻ và thù nghịch. Và chính thánh Matthêu cũng đã dạy cho chúng ta một bài học về thái độ khiêm tốn, luôn ý thức rằng mình là người tội lỗi và cậy trông vào lòng thương xót của Chúa. Nếu ta biết nhận thức một cách sâu xa về tình thương của Chúa không phải bằng những ý nghĩa trừu tượng hay mơ hồ, nhưng bằng với sự xác tín, thì người đó sẽ trở thành một tông đồ đích thực của Người. Như thánh Phaolô xác quyết rằng: “Người tông đồ của Chúa là người có đầy đức tính khiêm tốn, hiền hòa và kiên nhẫn theo gương Thầy là Đức Kitô”. (Mỗi ngày một tin vui).

5. Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi bạn làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng bạn có đáp lại lời kêu gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không, dám từ bỏ không, hay còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi nặng trĩu trước lời mời gọi?

Một số người được Chúa mời gọi khi còn niên thiếu, số khác được Chúa tỏ cho biết ơn gọi khi đã lớn khôn. Chúa dùng những đồng nghiệp, những liên hệ gia đình, hoặc các liên hệ xã hội để tỏ ra mục đích của Người. Chúa gọi thì không phân biệt quá khứ bạn là ai, nhưng chỉ thấy bạn từ lúc bạn bắt đầu bước theo. Cùng với ơn soi sáng cho bạn nhìn thấy ơn gọi, điều quan trọng là bạn không mặc cảm với quá khứ, mau mắn đáp trả, bỏ lại mọi sự và bước theo Chúa.

6. Truyện: Lòng quảng đại của vị thiền sư.

Trong các giai thoại về những thiền sư nổi tiếng ở Nhật Bản, người ta đọc được một câu chuyện như sau:

Một buổi tối nọ, thiền sư Shechery đang ngồi thiền thì có một tên cướp xông vào nhà, hắn dí gươm vào cổ nhà tu hành và dọa sẽ giết nếu không trao hết tiền bạc cho hắn. Vị thiền sư không để lộ một chút sợ hãi nào, ông chỉ vào cái hộp, rồi nói với tên cướp: “Tiền đựng trong cái hộp kia, ngươi hãy để cho ta yên”, nói xong ông tiếp tục tụng niệm.

Sau một lúc, ông nhìn lại và nói tiếp với tên cướp: “Đừng lấy hết tiền của ta, để lại cho ta một ít, vì ngay mai ta phải đóng thuế”. Nhưng tên cướp đã không màng gì đến lời yêu cầu của vị thiền sư. Hắn lấy hết tiền trong cái hộp và nhét đầy túi, hắn vừa ra đến cửa, nhà sư nói vọng ra: “Ngươi không biết nói một tiếng cám ơn khi nhận quà sao”? Không quá tiếc lời với khổ chủ, tên cướp đành nói tiếng cám ơn và bỏ đi.

Vài ngày sau, vị thiền sư được tin là kẻ gian ác đã sa lưới pháp luật. Hắn nêu đích danh vị thiền sư là người đã bị hắn uy hiếp. Thiền sư Shechery được mời ra tòa để làm chứng. Trước mặt mọi người ông đã tuyên bố như sau: “Đối với riêng cá nhân tôi thì người này không phải là tên cướp. Tôi đã cho anh ta tiền và anh ta đã mở miệng cám ơn tôi”.

Vì có quá nhiều tiền án tiền sử, cho nên tên cướp đã bị tống giam. Sau khi mãn hạn tù, anh ta đã tìm đến với vị thiền sư và xin làm đồ đệ của ông.

 

Suy Niệm 8: Chúa Giêsu kêu gọi người thu thuế tội lỗi Mátthêu

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Thánh Mátthêu tường thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi chính ông:

Ông là một người thu thuế tội lỗi.

Chính Chúa Giêsu là người đi bước trước tới ông: “Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy Ngài phán bảo ông.”

Bởi thế ông rất mừng và mau chóng đáp lời: “Ông đứng dậy và đi theo.”

Ông mừng đến nỗi ngay sau đó mở tiệc khoản đãi Chúa Giêsu và các bạn thu thuế của mình.

Qua kinh nghiệm này, thánh Mátthêu hiểu Chúa Giêsu là thầy thuốc của những kẻ tội lỗi bệnh tật linh hồn: “Ta đến không phải để kêu gọi kẻ công chính nhưng đến để kêu gọi người tội lỗi.”

Suy gẫm

1. Bản thân tôi cũng là một kẻ tội lỗi được Chúa thương kêu gọi đi theo Ngài. Lẽ ra tôi phải luôn nhớ mãi hồng ân ấy và cũng quảng đại với những người tội lỗi như tôi. Thế nhưng hình như khi tôi được Chúa gọi rồi thì tôi liền quên ngay chuyện đó. Tôi tự coi mình là công chính và lên mặt khó chịu với những kẻ tội lỗi. Tôi không muốn Chúa kêu gọi thêm những người tội lỗi nào nữa cả.

2. Trước lúc Chúa Giêsu gọi, Mátthêu “ngồi”: tư thế không muốn thay đổi, tại “bàn thu thuế”: môi trường sống tội lỗi. Nhưng ngay khi được Chúa Giêsu gọi, ông nhanh chóng “đứng dậy” và “đi theo.” Thái độ này biểu hiện sự dứt khoát thay đổi, một hành trình mới.

3. Chúa Giêsu thầy thuốc chữa trị những nỗi đau của con người, Ngài đến là nhằm kêu gọi những kẻ tội lỗi, Ngài bảo “Ta muốn lòng nhân từ.” Bây giờ tôi là đại diện của Chúa. Tôi sống và cư xử như thế nào để người ta hiểu Chúa của tôi là như thế? Tôi thấy có cần điều chỉnh hay sửa đổi gì trong cách sống và cư xử của tôi?

4. Đồ phế thải và người phế thải:

Abbé Pierre chuyên giúp những người nghèo và vô gia cư để họ tự lực cánh sinh từ những vật dụng phế thải. Cha kể lại câu chuyện sau đây:

“Có một cựu tù nhân sống lang thang không nhà cửa nên thất vọng dùng dao cắt mạch máu của mình. Có người gọi điện thoại cho Cha. Cha lập tức đến nơi. Cha không một lời an ủi nhưng nói với ông ta như ra lệnh: “Anh đừng tự vẫn. Còn quá nhiều người kém may mắn cần sự giúp đỡ của tôi. Tôi cũng đang bệnh và cần sự giúp đỡ của anh.” Nghe những lời đó, đôi mắt lờ đờ của người đàn ông sáng lên và từ đó ông trở thành một trong những cộng sự viên đắc lực nhất của cha.

5. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng vụ chỉ là trống rỗng vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động yêu thương chia sẻ, tha thứ đó sao? Lúc đó bàn thờ của chúng ta không chỉ nằm trong bốn bức tường Nhà thờ, mà còn phải là gia đình, công sở, phố chợ. Nơi nào có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ thì nơi đó có Chúa hiện diện, có bình an, có Nước Trời.

 

Suy Niệm 9: Chúa Giêsu là thầy thuốc kẻ tội lỗi, bệnh tật linh hồn

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Thánh Mátthêô tường thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi chính ông:

Là một người thu thuế tội lỗi, ông bị mọi người khinh khi ruồng bỏ. Vậy mà Chúa Giêsu đã đích thân đến tìm ông.

Chính Chúa Giêsu là người đi bước trước: “Chúa Giêsu đi ngang qua, Ngài phán bảo ông”. Và bằng một cái nhìn đầy lòng yêu thương Chúa kêu gọi ông.

Ông rất mừng và mau chóng đáp lời: “Ông đứng dậy và đi theo” (Mt 9, 9).

Ông mừng đến nỗi ngay sau đó ông đã mở tiệc khoản đãi Chúa Giêsu, các môn đệ của Chúa và các bạn cùng làm nghề thu thuế với mình.

Qua kinh nghiệm này, thánh Mátthêô hiểu Chúa Giêsu là thầy thuốc của những kẻ tội lỗi, bệnh tật linh hồn: “Ta đến không phải để kêu gọi kẻ công chính nhưng đến để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 13).

2. Chúa Giêsu là thầy thuốc chữa trị những nỗi đau của con người. Ngài đến nhằm kêu gọi những kẻ tội lỗi. Ngoại trừ những con người luôn có sẵn một mối hận thù đối với Ngài, còn ngoài ra thì ai gặp Ngài cũng cảm thấy họ gặp được một Đấng đầy yêu thương với cái nhìn cảm thông, tha thứ, quảng đại luôn mở rộng vòng tay đón nhận mọi người kể cả những người tội lỗi.

Chúa Giêsu đã cư xử với Matthêô trong bài Tin Mừng hôm nay bằng tất cả tấm lòng cảm thông, tha thứ và yêu thương ấy. Tại sao thế? Bởi vì Ngài luôn quan tâm đến những người tội lỗi để giúp họ sửa lại cuộc sống của mình.

Chẳng phải riêng gì Matthêô mà bất cứ ai cũng có thể nhận ra được sự tử tế, sự quan tâm, tình khoan dung được thể hiện qua những cử chỉ và lời nói đầy tình thương của Chúa. Chẳng ai gặp Ngài mà lại không cảm nhận được ánh mắt từ bi nhân hậu ấy. Từ những môn đệ đầu tiên gặp Ngài dọc theo biển hồ Galilé đến Matthêô, rồi đến Giakêu, một trong những thủ lãnh của những người thu thuế, rồi đến người đàn bà phạm tội ngoại tình, tới ông Phêrô sau khi phạm tội chối Thầy và nhất là người trộm cùng bị đóng đinh bên hữu Ngài. Tất cả đều đã một lần bắt gặp ánh mắt toát ra sự tử tế, lòng cảm thông và lòng nhân hậu của Chúa.

Vâng! Chúa là như thế, còn chúng ta thì sao?

Sau khi thắng trận lớn, Sở Trang Vương mở đại yến khao tướng sĩ để tưởng thưởng công lao và lòng trung thành. Vua truyền cho các cung nữ của mình ra hầu tiệc. Đang ăn bỗng một trận gió làm đèn đuốc tắt hết. Lợi dụng bóng tối, một quan đại phu ôm chầm lấy người đẹp đang chuốc rượu cho mình và hôn. Người đẹp chính là nàng Hứa Cơ đang được nhà vua sủng ái nhất. Hứa Cơ bèn giật đứt giải mũ của vị quan ấy và đem trình vua xin ngài trừng trị đích đáng.

Thay vì phẫn nộ, vua ra lệnh cho các quan đều bỏ giải mũ khi đèn sáng. Không ai hiểu tại sao ngoài ba người liên quan. Sở Vương nói:

- Trong nguy biến, các quan đã liều thân vì nước, khi vui say, các quan quên lễ phép một chút, có sao đâu? Lẽ nào vì một chuyện nhỏ mà quên đi lòng hy sinh cao cả của người khác.

Hai năm sau, nước Sở đánh nhau với nước Tần. Đánh luôn năm trận mà trận nào cũng có một viên quan võ liều chết xông ra phía trước, đánh rất dũng cảm làm cho quân Tần phải lui binh. Nhờ vậy, quân Sở đại thắng. Sở Trang Vương lấy làm lạ, bèn hỏi:

- Trẫm đãi khanh cũng như mọi người khác, cớ sao khanh lại hết lòng giúp trẫm như vậy?

Võ quan trả lời:

- Thần rắp tâm đem tính mạng dâng cho bệ hạ đã lâu, nhưng nay mới có dịp đáp đền nghĩa xưa. Thần đây chính là người ngày xưa đã bị giật đứt giải mũ mà bệ hạ không nỡ hành tội.

Vâng! Tội lỗi thì ai mà chả có. Có ai trong cõi đời này thích mang tội trong mình mãi đâu. Vấn đề là làm sao cho người có tội tìm được cơ hội để đền được tội mình. Không phải Matthêô không ý thức được mình là người có nhiều lỗi lầm làm cho nhiều người ghét bỏ. Rất may là Matthêô đã gặp được Chúa. Đúng là Chúa đã ban cho ông một cơ hội bằng vàng và ông đã không phụ lòng Chúa. Chúng ta phải cám ơn Chúa vì nhờ đó mà chúng ta có được một người viết lại cuộc đời của Chúa để truyền lại cho các thế hệ mai sau trong đó có chúng ta.

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa,

một quả tim quảng đại, biết mỗi ngày vươn lên cao,

vượt lên trên mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

để con luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào có thể khuấy động hồn con.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

và cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.