Dân Chúa Âu Châu

T4 T 11 TN BDĐạo đức thực sự vì Chúa.
Thứ Tư tuần 11 thường niên.

"Cha ngươi Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi".

 

Lời Chúa: Mt. 6, 1-6, 16-18

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không, các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời.

Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

"Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

"Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Đấng thấu suốt những gì kín đáo

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

“Đã mang tiếng ở trong trời đất,

phải có danh gì với núi sông.”

Danh tiếng để lại cho đời là điều khiến nhiều người bận tâm.

Có người hiến mình để làm những công trình lớn lao để lại cho hậu thế.

Nhưng cũng có người rơi vào thói háo danh,

làm mọi sự chỉ để tìm cho mình chút tiếng khen mau qua.

Trong Bài Giảng trên núi mà ta nghe hôm nay,

Đức Giêsu tố giác thói háo danh của những người đạo đức giả,

khi họ làm ba việc đạo đức căn bản là bố thí, cầu nguyện, ăn chay.

Ngài cũng cho thấy cách sống đạo của người môn đệ.

Làm các việc đạo đức để tìm tiếng khen, là một cám dỗ có thật.

Có người thổi kèn trong hội đường hay ngoài phố khi bố thí.

Có người thích đứng cầu nguyện tại giữa ngã ba đường.

Có người có mang bộ mặt thiểu não khi ăn chay.

Tất cả chỉ nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người khác,

chỉ nhằm “cho người ta thấy”, “để người ta khen” (cc. 1. 2. 5. 16).

Họ làm những việc tốt lành, nhưng lại tìm mình, co quắp trên chính mình,

trong khi lẽ ra những việc này phải mở họ ra trước Thiên Chúa.

Đối với Đức Giêsu, được người ta khen là nhận được phần thưởng rồi,

nên cũng chẳng được Cha trên trời ban thưởng nữa (c. 1).

Họ được phần thưởng mau qua của người đời,

nhưng mất phần thưởng trọng hậu trong ngày sau hết.

Đức Giêsu mời các môn đệ đi vào cái kín đáo, thầm lặng,

nơi đó không có con mắt của người đời, không có tiếng khen chê.

Nơi đó kín đến mức tay trái không biết việc tay phải làm.

Nơi đó là căn phòng đóng cửa, để chỉ có Cha và anh gặp gỡ.

Cha là Đấng hiện diện ở nơi kín đáo (cc. 6. 18).

Cha cũng là Đấng thấy những gì được làm ở nơi kín đáo (cc. 4. 6. 18).

Cha thấy anh đã bố thí, cầu nguyện, ăn chay cách thầm lặng.

Chính Cha sẽ ban thưởng cho anh.

“Hữu xạ tự nhiên hương” có thể là một hình ảnh đẹp về người Kitô hữu.

Đời Kitô hữu là cuộc đời kín đáo thầm lặng, như bị che khuất.

Nhưng cũng là cuộc đời không che giấu được trước mắt mọi người.

Chính khi cái tốt được làm một cách vô cầu, thì nó lại tỏa ngát hương.

Không hẳn là chúng ta luôn luôn phải cầu nguyện trong phòng đóng cửa.

Cũng như không hẳn chúng ta phải tô son đánh phấn khi ăn chay.

Nhưng điều quan trọng là chúng ta làm mọi sự cho vinh danh Chúa.

 

Cầu nguyện:

Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,

hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Dưới bầu trời bao la,

trong cô đơn và thầm lặng,

với tấm lòng thanh tịnh,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,

huyên náo vì đấu tranh,

giữa đám đông hối hả lăng xăng,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Và khi đã hoàn tất việc đời,

lạy Thiên Chúa muôn loài,

một mình, lặng lẽ,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan. Amen.

(R. Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch)

 

Suy Niệm 2: Chúa sẽ trả lại

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Tôn giáo là một tổ chức. Nhưng thực chất lại là mối liên hệ sâu xa và riêng tư giữa từng người với Thiên Chúa. Càng sâu xa và riêng tư hơn nữa khi đó là mối liên hệ Cha – Con. Vì thế các thực hành tôn giáo đúng nghĩa chỉ nói lên mối tình Cha – Con riêng tư. Không để khoe khoang thành tích. Không làm để cho người đời khen tặng. Thực tế đã có nhiều giả hình, phô trương trong sinh hoạt tôn giáo. Mượn đạo tạo đời. Đó là điều Chúa Giê-su cảnh báo: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiếng đánh trống, …Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy…Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả,…Còn anh, khi ăn chay, phải làm…để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.

Chúa sẽ trả lại. Trả cách hậu hĩnh. Như thánh Phao-lô cảm nghiệm. “Thưa anh em, tôi xin nói điều này: gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương. Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm việc thiện”. Người vui vẻ dâng hiến cho Chúa. Chỉ vì Chúa sẽ được Chúa trả lại gấp bội (năm lẻ).

Ê-li-a suốt đời phục vụ Chúa. Ông chỉ biết một mình Chúa. Bất chấp vua A-kháp và hoàng hậu I-de-ven. Kết hợp mật thiết với Chúa. Hi sinh trọn đời cho Chúa. Rồi cuối cùng Chúa ban phần thưởng trọng hậu. Cho có người nối tiếp nhiệm vụ tiên tri. Cho xe lửa và ngựa lửa đón ngài về trời. Để lại quyền năng cho Ê-li-sa, người kế vị: “Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc…E-li-sa trở về và đứng bên bờ sông Gio-đan. Ông lấy áo choàng của ông Ê-li-a đã rơi xuống mà đập xuống nước … nước rẽ ra hai bên, và ông Ê-li-sa đi qua” (năm chẵn).

Khi sống đạo hình thức. Ta không có Chúa. Đạo thật buồn nản. Là gánh nặng. Nhưng khi sống nội tâm. Với một mình Chúa. Ta có niềm vui. Và sức sống. Vì Chúa sẽ đổ tràn niềm vui mừng hạnh phúc, trả lại cho ta.

 

Suy Niệm 3: Các việc đạo đức

Tại nhiều nơi, cứ vào mùa tranh cử, người ta lại dễ dàng nhìn thấy những bảng hiệu ghi ơn dân biểu này, nghị sĩ nọ, hoặc loan báo những công trình xây dựng của các nhân vật chính trị. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu đó là những vận động gián tiếp, những hứa hẹn với dân chúng để hy vọng được bầu vào những chức vụ công quyền. Tâm thức và lối hành xử thường tình của con người là như thế đó: làm việc tốt để kể công, để được trọng vọng, khen thưởng. Người Kitô hữu cũng dễ bị cám dỗ để có tinh thần khoe khoang kể công như trên vào đời sống đạo đức.

Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo: đừng làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy. Theo luật Môsê, bố thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc lành cao quý, và người ta thường tổ chức các việc đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham gia. Chúa Giêsu không phản đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực hiện chúng với ý hướng mới, đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người đời khen ngợi. Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức, đấy là chưa nói đến trường hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng rãi để dễ lừa gạt người khác.

Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta đề phòng thứ đạo đức vụ hình thức. Nhưng việc đạo đức tự nó rất ích lợi cho bản thân, cho tha nhân và đáng được Thiên Chúa ban thưởng, với điều kiện chúng được thực hiện với ý ngay lành. Chúng ta cần thực hành các việc lành với ý hướng này, vì đó là lẽ sống, là niềm vui và là động lực cho cuộc đời hy sinh phục vụ của chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Đừng phô trương

“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.” (Mt. 6, 1)

Hãy nhìn tôi đây

Tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng những cách cư xử như vậy mà Chúa muốn chúng ta chấp nhận, đều là tuyệt hảo. Bố thí không khua chiêng đánh trống, cầu nguyện không để cho ai thấy, ăn chay không làm bộ rầu rĩ, ta muốn cho mọi người hành động như thế, và ta muốn mình cũng làm như vậy. Nhưng thực ra không phải dễ dàng đâu. Trong ta, mỗi người đều có một chút riêng tư, thực tế khó mà dứt ra được.

Ta thích cho người khác nhìn thấy việc tốt ta làm, cũng là thích phô trương những khía cạnh tốt của ta. Người ta phô trương mình, cũng là vì ý tốt và hàu như vô tình thôi.

Khi người khác có dụng ý khoe khoang, tìm những cử chỉ hợp thời để làm nổi bật mình, ta rất tinh để nhận ra điều đó. Lẽ nào ta lại không tinh tường đủ để nhận ra chính mình cũng mắc chứng tật đó khi tìm dịp để đặt mình lên bục cao sao?

Ta hãy nhớ lại chỉ trong một tuần lễ thôi, biết bao lần ta đã làm hết sức để cho người ta khen ta là dễ thương, quảng đại và hay giúp đỡ. Có lẽ những lần đó nhiều hơn ta tưởng.

Hãy để chính Thiên Chúa nhìn ta!

Thiên Chúa yêu thích những con người đơn sơ, khiêm tốn và kín đáo. Những kẻ thích làm ngôi sao nhỏ”, đối với Chúa thường chỉ là những người kiêu ngạo lớn. Khi ta thu xếp để người chung quanh ca ngợi ta, thì Thiên Chúa nhắm mắt lại. hoặc nhìn đi nơi khác.

Thiên Chúa chỉ đoái nhìn và xót thương những ai không tìm cách làm cho người ta nhìn mình.

 

Suy Niệm 5: Ý định và cách thức thể hiện

“Sống như kẻ công chính” có nghĩa, vào thời Chúa Giêsu, là trung thành với ba việc làm căn bản của đời sống tôn giáo: bố thí, kinh nguyện và chay tịnh. Một cách mặc nhiên Chúa Giêsu nói: các việc làm này quan trọng, và vì thế phải tránh đừng làm giảm giá chúng. Phải thực thi chúng không phải “trước mặt người ta”, nhưng trước mặt Thiên Chúa.

Một đàng con người có thể xác; vì vậy, thật là hợp lý khi thân xác được liên kết với cách thức diễn tả của đời sống thiêng liêng, tôn giáo. Điều này đưa đến những cử chỉ bên ngoài, có thể xem thấy được, thuộc về thể xác.

Người ta gọi là những việc làm. Đàng khác, thân xác là phương thế, là trung gian, là điểm tựa cho những tương quan xã hội. Những sinh hoạt thể xác, trông thấy được không thể là dửng dưng, nhưng được xem xét, lượng giá. Vì thế các việc làm tôn giáo là đối tượng của xem xét và lượng giá. Chúa Giêsu đề phòng chúng ta khỏi việc sử dụng những việc làm tôn giáo để lôi kéo sự xét đoán nịnh bợ và đánh giá khen ngợi của những kẻ trông thấy.

Phải làm gì? Hãy làm sao cho các việc làm này bớt tính cách thể xác, bớt dễ dàng cho người ta xem thấy tới mức tối đa. Vấn đề không phải là phát động một tôn giáo thoát xác và hoàn toàn bên trong. Bố thí, cử chỉ có tính cách vật chất; kinh nguyện đi đôi với thân xác; chay tịnh, kiêng cử thể xác. Tất cả những cái đó đều tốt và nên thực hành cách trung tín. Nhưng còn cách thức thực hiện: phải làm sao cho những việc làm có sự tham dự của thể xác và có thể thấy được, bớt tính cách phô trương. Phải làm cho chúng trở nên kín đáo tới mức tối đa, và hãy luôn ước muốn chỉ một mình Thiên Chúa xét đoán thôi. Tóm lại Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu điều này: đời sống tôn giáo là một việc làm giữa chúng ta và Thiên Chúa; vì thế điều hệ trọng là cái nhìn của Thiên Chúa trên ta, một cái nhìn thấu suốt được mọi bí nhiệm. Dùng những việc làm tôn giáo để được nhân loại tán dương thay vì muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, là sự giả hình ghê tởm nhất. Ngày nay chúng ta có thể thêm: khinh dể bố thí, kinh nguyện, chay tịnh mà Chúa Giêsu đã làm gương thi hành, và lớn tiếng tuyên bố cổ võ một Phúc Âm giải thoát nhưng rỗng tuếch nhựa sống, điều này cũng là một sự giả hình không kém.

Việc từ bỏ mình của tôi, mà Thiên Chúa biết có tỏa rạng niềm vui không?

 

Suy Niệm 6: Đừng cầu danh

Một thi sĩ người Anh, ngoài tài làm thơ ông còn có năng khiếu về âm nhạc. Thi sĩ thường cùng với nhóm thân hữu họp để ngâm thơ và hòa nhạc. Một đêm nọ, lúc đang trên đường tới dự một buổi hòa nhạc, thi sĩ đã gặp một chiếc xe ngựa đang bị sa lầy, trên xe hàng hóa chất đầy, tài xế thì già yếu và con ngựa lại gầy còm. Không chút ngần ngại, ông đã bỏ cây đàn sang một bên, dỡ số hàng hóa trên xe xuống, đẩy xe qua khỏi vũng lầy và chất hàng hóa lên xe trở lại. Ông còn tặng thêm cho bác tài xế ít tiền nhỏ để mua thức ăn cho con ngựa. Xong xuôi công việc thì trời đã về khuya và bộ đồ dạ hội đã vấy bùn. Tuy nhiên, ông vẫn đến nơi hẹn, lúc ông đến nơi thì buổi hòa nhạc đã gần tàn, một người bạn nói với ông: “Nhà thơ của chúng ta đã lỡ mất một buổi hòa nhạc tuyệt vời”. Thi sĩ vui vẻ mỉm cười và đáp: “Vâng! đúng thế. Tuy nhiên, bù lại tôi đã tấu được khúc nhạc khác tuyệt vời hơn nhiều”.

Mỗi công việc đều đem lại một kết quả, kết quả đem lại cho con người hài lòng thì nó là phần thưởng. Đối với nhóm bạn bè thân hữu của thi sĩ thì công việc của ông làm đã hạ thấp giá trị người nghệ sĩ, ông bỏ mất phần thưởng giá trị để lao mình vào chuyện không đâu. Riêng đối với nhà thơ thì khác, qua công việc bác ái vừa làm, ông đã tấu được những khúc nhạc tuyệt vời. Vậy đâu là giá trị, là phần thưởng của công việc. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta phương thế để tìm kiếm và chọn lựa.

Thật thế, bố thí, cầu nguyện và ăn chay là ba nét chính yếu trong đời sống đạo của người Do thái, vì chúng diễn tả đến ba mối tương quan của con người. Có thể gọi “bố thí” là sự liên hệ đối với người khác, “cầu nguyện” là trao đổi, trò chuyện cùng Thiên Chúa và “ăn chay” là công việc liên quan đến chính bản thân mình.

Trong đời sống đạo chẳng thể bỏ qua ba công việc này, chúng rất cần thiết, vì đó là hình thức diễn đạt của con người hữu hình. Một tinh thần chịu sự lệ thuộc của thân xác, hình thức bên ngoài để bộc lộ bên trong. Tuy nhiên, cũng vì hình thức bên ngoài mà việc làm lại mang những ý nghĩa khác nhau, vì có người lợi dụng chiếc vỏ hình thức này để che giấu hoặc phô bày những khuyết điểm, nghĩa là thái độ giả hình. Thái độ giả hình này đã bị Chúa Giêsu thẳng thắn kết án. Những hạng người giả hình này, họ cũng bố thí, ăn chay, cầu nguyện, nhưng tựu trung chỉ để phô diễn cái tôi của họ để rồi đánh mất giá trị đích thực của công việc. Giá trị ít khi đi chung đường, và chính giá trị này sẽ hủy diệt giá trị kia.

Giữa Thiên Chúa và thế gian đã có một cách biệt rõ ràng; nếu chỉ tìm kiếm những giá trị trần gian thì con người khó lòng vươn tới được giá trị ở trong Thiên Chúa: “Họ đã được thưởng công rồi”. Lời nói nhẹ nhàng của Chúa Giêsu cũng là một tuyên bố dứt khoát đối với những ai mải mê chạy theo các giá trị trần thế, và dù người ta có muốn quay về với giá trị đích thực thì giấc mộng phù du cũng đã cản lối quay về.

Bố thí là một lời yêu thương nghĩ đến người khác, nhưng nếu bố thí chỉ muốn làm thỏa mãn cái tôi của mình thì làm sao thấy được kẻ khác. Cầu nguyện hướng về Thiên Chúa, thế mà chỉ quy về bản thân thì làm sao còn chỗ cho Thiên Chúa, còn biết Ngài ở đâu để trò chuyện. Ăn chay là một đền bù cho những gì sai lỗi, khiếm khuyết. Ăn chay được diễn tả như một khao khát được Thiên Chúa lấp đầy, thế nhưng nếu con người đã no thỏa với chính mình thì họ đâu cần đến Thiên Chúa. Đã tìm thấy giá trị nơi bản thân mình nên con người đánh mất giá trị quý báu do công việc đem lại.

Bởi thế, lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay luôn là lời hướng dẫn cho người Kitô hữu khi hành động, không chỉ trong các việc làm căn bản của đời sống đạo, mà cả đến mọi công việc làm trong đời sống hằng ngày của con người. Công việc chỉ có giá trị khi người Kitô hữu biết nhìn công việc bằng ánh mắt của Đức Kitô, biết phân tích theo những tiêu chuẩn thẩm định của Thiên Chúa. Có thể người đời cho là thấp kém hoặc không ai biết đến. Tuy nhiên, Thiên Chúa Đấng thấu suốt mọi điều, Ngài sẽ thưởng công cho cách tràn đầy.

Lạy Chúa, trước một công việc chúng con làm, xin Chúa sáng soi để chúng con có thể khám phá được đâu là giá trị thực và xin giúp sức để chúng con quyết tâm theo đuổi giá trị ấy. Vì thân xác chúng con thật yếu đuối, vẻ hào nhoáng bên ngoài vẫn luôn là miếng mồi quyến rũ kéo chúng con lạc đường lối của Chúa. Xin Chúa cho chúng con biết chấp nhận những tầm thường để đổi lấy những giá trị cao cả của Nước Trời. Amen.

 

Suy Niệm 7: Khiêm nhường thì mới có ích

Xem lại Thứ Tư lễ Tro.

Ngày nọ, có một người đến nói với cha xứ: “Con sẵn sàng dâng cúng tiền để mua một quả chuông cho Giáo xứ, nhưng với điều kiện, phải khắc tên con trên quả chuông ấy!”.

Đây là thực trạng của rất nhiều người biểu lộ niềm tin của mình cách thực dụng như thế!

Sẵn sàng giúp đỡ, nhưng không thể thành hiện thực khi không được nêu danh tánh và công trạng của mình cách công khai!

Hôm nay, Đức Giêsu lên tiếng khuyên răn các môn đệ của Ngài phải cẩn trọng trong việc thi hành đức bác ái, kẻo lỡ trở thành “công dã tràng” tức là tốn công vô ích. Ngài dạy cho các ông khi làm việc thiện, hãy làm vì lòng mến và tinh thần vô vị lợi. Không cần phô trương để người đời biết mà ca tụng. Nếu muốn được biểu dương thì hẳn đã được phần thưởng do người phàm tán tụng rồi, và như một quy luật: đã được người đời thưởng công thì không được Thiên Chúa chúc phúc nữa.

Vậy, cùng một việc bác ái, khi thi hành, chúng ta muốn được phần thưởng muôn đời do Thiên Chúa ban tặng hay chỉ muốn phần thưởng tạm bợ, nhất thời, mau qua chóng hết do con người trao tặng?

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng nhau làm một bài toán hầu tính ra sự hơn thiệt để mà tiến bước. Tuy nhiên, đáp án chỉ có khi chúng ta kết thúc cuộc sống trần thế này, và lúc ấy, phần thưởng được trao ban khi và chỉ khi chúng ta làm việc thiện với lòng tin, cậy trông và lòng mến.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con tinh thần của Chúa và giúp chúng con thi hành vì yêu mến Chúa và anh chị em, để mọi hành động, mọi việc làm của chúng con đều xuất phát từ tấm lòng khiêm cung và tràn đầy yêu thương. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 8: Làm việc đạo đức là làm vì Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Bố thí, cầu nguyện và ăn chay chỉ có giá trị trước mặt Chúa khi được thực hiện vì Chúa, chứ không vì người đời hay với dụng ý khoe khoang.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, lắng nghe Tin Mừng hôm nay, con thấy Chúa muốn dạy con rằng các việc đạo đức con làm là làm cho Chúa, là sống với Chúa và với mọi người trong sự chân thành yêu thương, mà không cầu lợi cho mình, không mong tìm sự đánh giá của người khác. Chúa muốn cảnh giác con, để con tránh khỏi hình thức đạo đức bên ngoài. Chúa không muốn con đến cùng Chúa với dụng ý tư lợi, không muốn con đối xử với kẻ khác bằng thái độ vị kỷ. Trong gia đình, thật là tệ nếu con cái yêu thương bố mẹ chỉ vì muốn cha mẹ mua cho chiếc xe, cái máy. Con cũng không thể đến với Chúa với thái độ như vậy.

Ẩn sau các việc đạo đức là một thái độ sống: sống trước mặt Chúa và cho Chúa như một người cha. Đó là cách để con tỏ bày lòng thảo hiếu yêu mến Chúa.

Lạy Chúa, xin Chúa cho con nhận ra điều đó để con sống tốt trước mặt Chúa. Chúa là Cha yêu thương con, đã ban cho con rất nhiều ơn mà con không nhận thấy được. Chúa ban ơn phúc cho con mà không mong tìm điều gì cho Chúa. Con ao ước cuộc sống của con là cách thức để nói lên tấm lòng của con đối với Chúa, dù khi con sống một mình hoặc con sống trước mặt kẻ khác.

Con muốn sống lương thiện không phải để được tiếng khen của người đời nhưng là để sống theo giáo huấn của Chúa. Con muốn cầu nguyện bởi vì đời sống con cần Chúa và phải gắn bó với Chúa. Con yêu thương tha nhân vì chúng con là con của Chúa. Xin tình yêu Chúa tinh luyện mọi hành vi và cuộc sống của con. Amen.

Ghi nhớ: “Cha ngươi Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.

 

Suy Niệm 9: Làm vui lòng Cha trên trời

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Có một con chuột sống trong một ngôi nhà thờ cũ kỹ ở miền quê. Một hôm nó đi lang thang dạo mát bỗng gặp một con chuột khác cũng đang đi chơi. Nó liền được dịp tâm sự: “Tôi sống chui rúc dưới gầm một tòa giải tội. Nhưng chẳng được yên thân vì hầu như lúc nào cũng có người xưng tội, phá giấc ngủ của tôi”. Nghe thế, con chuột kia nói: “Vậy bạn hãy dọn đến chỗ ở của tôi. Chỗ ấy ấm áp sạch sẽ mà chẳng mấy khi có người quấy rầy, yên tĩnh lắm”. “Ô thế bạn ở đâu vậy?”. “Tôi ở trong thùng tiền cứu giúp người nghèo” (Trích Món quà giáng sinh).

Suy niệm

Ba việc đạo đức tiêu biểu mà người Do Thái thường làm: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Người pharisiêu vụ lợi hình thức luôn làm những việc này trước mặt công chúng để người khác biết và khen họ đạo đức.

Chúa Giêsu cảnh báo những người làm việc đạo đức chỉ để khoe khoang và lấy tiếng khen của người đời, như thế thì vô ích trước mặt Ngài. Mọi hành vi đạo đức nhằm phần thưởng nhân loại trần thế, thì mất phần thưởng thần linh và vĩnh cửu.

Chúa dạy hãy làm việc bác ái và các việc đạo đức cách khiêm nhường và làm cách kín chỉ mong làm vui lòng Cha trên trời. Thiên Chúa thấu suốt mọi sự sẽ thưởng cho: “Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”. Hơn nữa, việc đạo đức trên nền khiêm tốn và cách kín đáo xây dựng nên sự “công chính” theo Tin Mừng, có chiều sâu nội tâm của các ý hướng, quên mình và ưu tiên cho danh dự và quyền lợi của Thiên Chúa.

Xin Chúa dạy chúng ta tinh thần nhỏ bé và nhân hậu. Ðể mọi hành động, mọi việc làm của chúng ta luôn kín đáo, xuất phát từ tấm lòng chân thành khiêm cung vì Chúa và vì anh chị em. “… Và khi đã hoàn tất việc đời, lạy Thiên Chúa muôn loài, một mình, lặng lẽ, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan” (R. Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch).

Ý lực sống:

‘‘ Mỗi người hãy cho theo như lòng đã định, không phải cách buồn rầu, hoặc miễn cưỡng: Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng” (2Cr 9,7).

 

Suy Niệm 10: Hãy trung thực, đừng giả hình (Mt 6,1-6.16-18)

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Trong số các việc đạo đức, người Do thái coi trọng 3 việc là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Chúa dạy chúng ta cách thức làm ba việc lành ấy cho tốt, để đáng được Chúa thưởng công.

Điều cốt yếu là khi làm ba việc lành đó, chúng ta tránh phô trương ra bên ngoài, mỗi khi làm được việc gì lành, điều gì tốt, chúng ta luôn luôn muốn cho mọi người biết. Còn khi làm việc gì không tốt thì chúng ta muốn giấu kín. Chúng ta phải làm việc lành với lòng khiêm tốn, âm thầm, kín đáo, vì lòng mến Chúa yêu người thực sự, để làm đẹp lòng Chúa, làm sáng danh Chúa, để Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẽ thưởng công chúng ta.

Tin mừng hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo: đừng làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy. Theo luật Maisen, bố thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc lành cao quí, và người ta thường tổ chức các việc đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham gia. Chúa Giêsu không phản đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực hiện chúng với ý hướng mới, đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người ta khen ngợi. Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức, đấy là chưa nói đến trường hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng rãi để dễ lừa gạt người khác (Mỗi ngày một tin vui).

Nhưng lời Chúa dạy hôm nay sao mà gắt gao quá, phải không bạn? Khi làm việc lành phúc đức tôi đã hy sinh cái lợi, cái thú rồi thì ít ra tôi cũng được phép kiếm chút danh chứ? Câu trả lời của Chúa là KHÔNG! Chúa nói rõ: làm việc đạo đức mà cầu danh thì đấy là đạo đức giả. Điều Chúa muốn, đó là chúng ta thực thi ý Ngài với ý thức rằng:”Chúng tôi chỉ là những tôi tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (x. Lc 17,10). Các sách Tin mừng cho thấy Chúa Giêsu đã gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều loại người, nhưng gặp rắc rối là với những kẻ đạo đức giả, chứ không phải với những người tội lỗi thật (5 phút Lời Chúa).

Trước đây Chúa Giêsu trình bày sự công chính mới trong lãnh vực các điều răn, nay Ngài đề cập tới nền đạo đức mới: phải thực thi những việc đạo đức thế nào phải phù hợp với tinh thần của Chúa Kitô. Những lời khuyên bảo của Chúa Giêsu về những việc đạo đức được bao gồm ba chiều kích:

- Đối với tha nhân: bố thí.

- Đối với Thiên Chúa: cầu nguyện.

- Đối với bản thân: chay tịnh.

Ba chiều kích này tiêu biểu cho cả cuộc sống. Điều cốt yếu trong cả ba trường hợp vẫn là sống thật, sống trước mặt Thiên Chúa với ý hướng ngay thẳng và thi hành ý Chúa.

Bố thí, cầu nguyện, ăn chay là ba nét chính yếu trong đời sống đạo của người Do thái. Việc làm thì tốt, nhưng vì hình thức bên ngoài mà việc làm mang ý nghĩa khác, bởi vì có người bố thí, cầu nguyện, ăn chay chỉ là để phô diễn cái tôi của họ để rồi đánh mất đi giá trị đích thực của công việc.

- Bố thí là lời yêu thương gửi đến người khác, nhưng nếu chỉ để mình được thấy thì làm sao thấy được kẻ khác;

- Cầu nguyện là hướng về Thiên Chúa, nhưng nếu chỉ qui về mình thì làm sao còn có chỗ cho Thiên Chúa;

- Ăn chay là một đền bù cho những lỗi lầm, và diễn tả khao khát được Thiên Chúa lấp đầy, nhưng nếu con người đã no thoả trong chính mình thì làm sao họ còn cần đến Thiên Chúa.

Giữa Thiên Chúa và thế gian đã có một cách biệt rõ ràng: nếu đã tìm giá trị trần gian, con người khó lòng vươn tới được giá trị đích thực. “Họ đã được thưởng công rồi”: đó là lời tuyên bố dứt khoát đối với những ai chỉ mải miết chạy theo những giá trị trần thế.

Lời Chúa hôm nay là một hướng dẫn cho người Kitô hữu không những trong các việc làm căn bản của đời sống đạo, mà cả những công việc trong đời sống hằng ngày nữa. Công việc chỉ có giá trị khi người Kitô hữu biết nhìn công việc bằng ánh mắt của Đức Kitô và biết phân tích theo những tiêu chuẩn thẩm định của Thiên Chúa. Đó có thể là công việc mà người đời cho là tầm thường hoặc không được ai biết đến, nhưng Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự sẽ thưởng công cho.

Truyện: Đừng phô trương

Có một linh sư Ấn độ nổi tiếng là bậc thánh thiện. Ông đã mở được một trung tâm cầu nguyện và qui tụ được khá nhiều đệ tử. Ngày nọ có một người tìm thầy học đạo. Để thử đức vâng lời của anh, ông bảo anh phải bơi qua một dòng sông đầy cá sấu. Không chút ngần ngại, người thanh niên nhảy xuống và bơi qua sông mà không bị nguy hiểm gì cả. Anh vui mừng hô to: “Tung hô quyền năng kỳ diệu của Thầy tôi”. Sự kiện này làm cho vị linh sư tin rằng mình là một người thánh thiện. Do đó ông muốn chứng minh cho các đệ tử thấy quyền năng của mình. Ông tập họp tất cả các đệ tử trên bờ sông. Rồi ông hô lớn “Tung hô quyền năng của ta” và nhảy xuống sông. Thế nhưng vừa khi ông rơi xuống, đàn cá sấu đã ào tới cắn xé ông ra từng mảnh.

Dụ ngôn trên có thể là một định nghĩa về sự thánh thiện. Thánh thiện là sự quên mình, quên mình đến độ không còn ý thức về sự thánh thiện của mình và sử dụng chính sự thánh thiện của mình nữa. Thiên Chúa ban sự thánh thiện cho một người nào đó là để những kẻ khác được hưởng nhờ. Bao lâu sự thánh thiện của người đó còn được người khác hưởng dùng thì bấy lâu người đó còn thánh thiện. Trái lại, kể từ giây phút người đó muốn giữ riêng sự thánh thiện cho mình, thì người đó mất sự thánh thiện và đánh mất cả chính mình (Chờ đợi Chúa).

 

Suy Niệm 11: Làm cho Cha trên trời được vui

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Trong số các việc đạo đức, người Do Thái rất coi trọng 3 việc: bố thí, cầu nguyện và ăn chay.

Nhiều người làm việc đó chỉ nhằm mục đích được tiếng mình là đạo đức, cho nên họ làm sao cho người ta thấy mà khen họ. Chúa Giêsu gọi đó là giả hình.

Ngài dạy các môn đệ khi làm việc đạo đức, chỉ nên nhắm vào làm cho Cha trên trời vui thôi, cho nên hãy làm cách kín đáo.

Suy gẫm

1. Hãy tự đặt cho mình một số câu hỏi ngắn để trắc nghiệm ý ngay lành của mình khi làm những việc đạo đức:

Trong Thánh lễ, khi tôi lên rước lễ, hay khi tôi lên đọc Sách Thánh, tôi nghĩ đến ai hay nghĩ đến điều gì nhiều nhất: Chúa? Những cặp mắt nhìn tôi? Bề trên sẽ đánh giá tôi?

Trong thời gian nghĩ không ai để ý đến một số việc đạo đức của tôi nữa, như nguyện gẫm, lần chuỗi khi đó tôi có làm những việc đó không? Làm như thế nào?

Thí dụ tôi có tham dự các giờ cầu nguyện đầy đủ, nhưng có người vì không thấy nên nói tôi bỏ bê những việc đó, tôi nghĩ sao? Tôi phản ứng thế nào?

Ngoài những việc đạo đức quy định và thời gian quy định cho những việc đó, tôi có làm thêm việc nào nữa không hay kéo dài thêm thời gian không?

2. Có một Linh Sư Ấn Độ nổi tiếng là bậc thánh thiện. Ông đã mở được một trung tâm cầu nguyện và quy tụ được khá nhiều đệ tử. Ngày nọ có một người tìm thầy học đạo. Để thử đức vâng lời của anh, ông ta bảo anh ta phải bơi qua một con sông đầy cá sấu. Không chút ngần ngại người thanh niên nhảy xuống và bơi qua sông mà không bị nguy hiểm gì cả. Anh vui mừng hô to: “Tung hô quyền năng kỳ diệu của thầy tôi.” Sự kiện này làm cho vị Linh Sư tin là mình thánh thiện. Do đó ông muốn chứng minh cho các đệ tử thấy quyền năng của mình. Ông tập họp tất cả các đệ tử trên bờ sông. Rồi ông hô lớn “tung hô quyền năng của ta” và nhảy xuống sông. Thế nhưng vừa khi ông rơi xuống, đàn cá sấu đã nhào tới cắn xé ông ra từng mảnh.

Dụ ngôn trên có thể là một định nghĩa về sự thánh thiện. Thánh thiện là sự quên mình, quên mình đến độ không có ý thức về sự thánh thiện của mình và sử dụng chính sự thánh thiện của mình nữa. Thiên chúa ban sự thánh thiện cho một người nào đó để những người khác được hưởng nhờ. Bao lâu sự thánh thiện của người đó còn được người khác hưởng dùng thì bấy lâu người đó còn thánh thiện. Trái lại kể từ khi người đó muốn giữ riêng sự thánh thiện cho mình thì người đó đã đánh mất sự thánh thiện và đánh mất cả chính mình.

3.“Cha của anh đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả công cho anh” (Mt 6.6b)

Sáng nay mình đi học trễ, tuy thế vẫn cố sức đạp xe cho thật nhanh cho kịp giờ học.

À mà! Một bà cụ gánh trái cây bị xe thồ tông phải, trái cây lăn đầy ra đường.

Tôi tự nhủ: “Đường vắng quá có giúp cũng chẳng ai thấy, cứ lo việc của mình đã.” Thế là tôi vụt qua, mặc cho bà cụ lẻ loi một mình. Đi được một quãng tôi chợt cảm thấy thật có lỗi với bà cụ ấy. Những bài học về nhân bản như bị xé vụn trước mặt mình. Cả ngày hôm đó hình ảnh bà cụ cứ làm tôi ray rứt mãi.

Vậy đó, nhiều lúc mình cứ tưởng làm những việc lớn lao mới được tiếng tăm, được người ta kính nể, thán phục. Nhưng tôi đã lầm, nhặt một mảnh kính vỡ giữa đường, dắt một em bé qua đường, nếu làm được với tất cả với lòng mến và khiêm nhường, thì quả thật mình làm được một việc lớn. Ngược lại nếu có “dời non lấp bể” để rồi công việc mình làm chỉ để phục vụ cho cái tôi huênh hoang tự đắc thì kết quả chỉ là con số không.

Lạy chúa, xin đừng để con sa vào cạm bẫy của lợi danh, nhưng dạy con biết phục vụ trong khiêm hạ và yêu thương.

 

Suy Niệm 12: Phong cách cầu nguyện theo Chúa Giêsu

(Lm Đinh Tất Quý)

Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện:

1. Khi cầu nguyện không cần nhiều lời: lý do là Chúa Cha biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta nói ra.

Mẹ Têrêsa nói: “Cầu nguyện không là xin xỏ, nhưng là trao thân gửi phận nơi bàn tay Thiên Chúa, để Ngài định liệu. Cầu nguyện là lắng nghe tiếng Ngài từ sâu thẳm tấm lòng chúng ta”.

Mẹ Têrêsa khuyên các nữ tu của Mẹ “Hãy yêu mến việc cầu nguyện”.

Hãy cầu nguyện. Hãy cầu nguyện để có thể được ân sủng của Chúa.

Đức Cha Tihamer Toth kể:

Một triết gia kia buồn vì người học trò xuất sắc của mình ngày càng ham suy tư hơn nhưng càng bớt cầu nguyện đi. Khi hỏi lý do thì người học trò đáp:

- Thứ nhất, Chúa biết hết mọi sự, không cần chúng ta nói. Thứ hai, Chúa tốt lành vô cùng, Ngài sẽ cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Thứ ba, Ngài là Đấng Vĩnh Cửu, lời cầu nguyện của chúng ta chẳng thay đổi được Ngài.

Triết gia không nói gì. Ông đến ngồi dưới bóng cây, mặt buồn bã. Người học trò hỏi:

- Tại sao thầy buồn thế?

- Người bạn của thầy có một thửa ruộng rất tốt, hằng năm sản xuất rất nhiều hoa màu. Nhưng bây giờ ông ta bỏ mặc không chăm sóc gì cho nó nữa .

- Bộ ông ta khùng ư?

- Không đâu. Ông còn khôn nữa là đàng khác. Ông nói: Chúa yêu thương vô cùng. Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ tôi cần thế nên chẳng cần làm ruộng nữa. Chúa quyền phép vô cùng, dù tôi không cày xới, Ngài vẫn thừa sức cho nó sinh sản hoa màu.

- Như thế là thử thách Chúa rồi còn gì nữa?

- Thì con cũng thế thôi .

Hãy cầu nguyện để có thể hiểu Chúa đã yêu thương chúng ta thế nào, và để ta cũng có thể yêu thương kẻ khác giống như vậy.

2. Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa.

Đã nói chuyện thì phải có lúc nói lúc nghe. Nếu chỉ nói thì cuộc nói chuyện sẽ trở thành độc thoại.

Xin kể ra đây một ít sự kiện để chúng ta hiều việc cầu nguyện với Chúa như thế nào.

Khi viếng Chúa, các thánh thường làm gì? Sau đây là một số câu trả lời:

Thánh Ignatiô Loyola nói: “Có khi tôi nói chuyện với Chúa như một người bạn, có khi như một người đầy tớ đối với Chúa. Tôi xin Chúa một vài ơn, thú tội đã phạm với Chúa, xin Ngài an ủi và khuyên bảo”.

Còn thánh Phanxicô Xaviê trả lời: Có khi tôi thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con khẩn cầu Chúa đừng để con thoải mái trong cuộc đời, hoặc ít ra, khi con chìm vào lòng nhân lành thương xót của Chúa, xin dẫn đưa con đến nhà thánh của Chúa”.

Vua Louis IX của nước Pháp có lần hỏi vua Henry III của nước Anh:

- Tại sao bệ hạ thích dự Thánh lễ hơn là nghe giảng?

- Bởi vì, vua Henry trả lời, tôi thích nói chuyện mặt đối với Vua trên trời hơn là nghe kẻ khác nói về Ngài.

Trong tác phẩm: “Năm chiếc bánh và hai con cá” Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, trang 21 có kể câu chuyện sau đây: Câu chuyện về ông già Jim.

- Mỗi ngày cứ vào lúc 12 giờ trưa, ông ta vào nhà thờ không quá hai phút. Sự việc đó làm ông từ giữ nhà thờ rất thắc mắc nên theo dõi. Rồi một hôm ông từ mạnh dạn chặn ông Jim lại và hỏi:

- Ngày nào ông cũng vào nhà thờ làm gì vậy?

- Tôi đến để cầu nguyện.

- Không thể được! Cầu nguyện gì chỉ trong 2 phút?

- Tôi vừa già, vừa dốt. Tôi cầu nguyện theo kiểu của tôi!

- Ông nói gì với Chúa?

- Tôi cầu nguyện: “Giêsu, có Jim đây!” rồi tôi về.

Vâng! Đó là lời cầu nguyện thật đơn sơ nhưng thật cảm động.

Và đây câu chuyện ông lão nhà quê được kể lại trong hạnh thánh Gioan Maria Vianney.

Hàng ngày ngồi ở tòa giải tội, cha sở họ Ars luôn nhìn thấy một ông lão ghé vào nhà thờ mỗi chiều sau khi đã lam lũ suốt ngày ngoài đồng. Ông luôn quì ở hàng ghế ấy. Quì một chút rồi ông lại lặng lẽ đi ra, y như lúc ông vào. Một hôm, ngài gọi ông lại và hỏi:

- Ông ơi, chiều nào tôi cũng thấy ông ghé nhà thờ, quì nguyên một chỗ, ngày nào cũng vậy, mà không thấy miệng ông mấp máy đọc kinh gì cả. Ông quì đó làm gì vậy?

Ông lão tủm tỉm trả lời:

- Con nhìn Chúa, Chúa nhìn con, rồi ra về.

 

Đây là lời cầu nguyện của thánh Augustinô.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho con biết con,

Xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,

Quên đi chính bản thân,

Yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,

Biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.

Ước gì con biết nhận từ Chúa

Tất cả những gì xảy đến cho con

Và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.

Xin Chúa hãy nhìn con, để con luôn yêu mến Chúa.

Xin Chúa hãy gọi con, để con luôn được thấy Chúa.

Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.

Thánh Augustinô.