Dân Chúa Âu Châu

1430128968Sự thật cứu rỗi.

THỨ BA TUẦN 4 PHỤC SINH.

"Tôi và Cha Tôi là một".

Lời Chúa: Ga 10, 22-30

Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do-thái vây quanh Người và nói: "Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết". Chúa Giêsu đáp: "Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Điều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một".

SUY NIỆM 1: Sự thật cứu rỗi

Không phải chỉ trong thời đại văn minh này người ta mới lịch sự đón tiếp đại sứ của một chính phủ hay nguyên thủ của một quốc gia đúng theo địa vị đại diện của họ. Nhưng ngay từ thời xưa, hậu đãi hay ngược đãi sứ giả của một vua là đã phụ đãi hay ngược đãi chính nhà vua và chính quốc gia mà người ấy đại diện. Không phải vì tiếng tăm, học vấn hay tài trí của sứ giả làm cho họ được kính trọng mà chính vì thay mặt nhà vua và một quốc gia mà họ có quyền được hậu đãi như thế. Ðây cũng là điều mà Chúa Giêsu nói với những người Do Thái thời xưa như được kể lại trong đoạn Tin Mừng vừa trích dẫn trên đây.

Câu hỏi mà họ đặt ra trong lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy tại đền thờ làm ta nhớ đến câu hỏi của thượng tế Caipha trong phiên họp thượng hội đồng: "Nếu ông là Ðấng Kitô thì xin hãy nói thẳng ra đi. Ông có phải là Ðấng Mêsia không?". Trong câu chất vấn này, Chúa Giêsu đã không phủ nhận. Chỉ có điều Chúa Giêsu trả lời một cách hơi gián tiếp như sau: "Tôi đã trả lời câu hỏi này mà các ông không tin". Nhưng dù vậy, Chúa Giêsu không bỏ rơi họ để giúp họ tìm thấy sự thật, tìm ra câu trả lời. Chúa Giêsu đã khéo léo làm cho họ chú ý đến quan hệ mật thiết giữa Ngài với Thiên Chúa Cha, mật thiết đến độ Ngài gọi Thiên Chúa là Cha Ngài và làm chứng cho mối quan hệ mật thiết đó bằng việc làm nhân danh Cha Ngài, và việc cao trọng nhất là ban cho kẻ tin Ngài được sự sống đời đời: "Ta sẽ cho họ sống đời đời. Họ sẽ không chết bao giờ và không ai có thể cướp họ khỏi tay Ta".

Nếu đã nhìn nhận mối quan hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa, thì hẳn những người Do Thái sẽ biết trả lời cho câu hỏi "Ông là ai?" như thế nào rồi. "Ta và Cha Ta, chúng ta là một". Ðây là mạc khải quan trọng nhất nhắc ta nhớ lại những suy tư mở đầu Phúc Âm thánh Gioan: "Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngôi Lời sống với Thiên Chúa ngay từ đầu. Vạn vật do bởi Ngài mà có và nếu không có Ngài thì sẽ không có gì cả". Tác giả Phúc Âm thánh Gioan đã có những suy tư cao siêu như vậy khi nhìn về mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong viễn tượng Chúa Phục Sinh.
Ước chi mỗi người đồ đệ của Chúa trong ngày hôm nay cũng tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi nhân loại.

Lạy Chúa, với sự kiện Chúa sống lại, không ai trong chúng con nên hồ nghi về mối quan hệ giữa Chúa và Chúa Cha. Xin thương ban ơn giúp mỗi người chúng con sống xứng đáng với niềm tin vào Chúa và đừng bao giờ để con lìa xa Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


SUY NIỆM 2: Thắc mắc đến bao giờ

Chọn theo đức tin mà Đức Giêsu đòi hỏi không phải là để yên tâm nghỉ ngơi. Đức tin không cất đi những thắc mắc căng thẳng. Chúng ta luôn luôn ở trong tình trạng lơ lửng: “Hãy nói cho chúng tôi biết ông có phải là Đức Kitô không?”. “Nếu ông là Đấng sống lại thì xin nói cho chúng tôi biết”. “Nếu ông là bánh ban sự sống thì xin nói cho chúng tôi hay”.
Trái lại, gắn bó với Đức Giêsu bằng đức tin chỉ có sự chắc chắn theo kiểu tin cậy của người yêu đối với người được yêu, khi đó dù có chuyện gì xảy ra, thì chẳng có gì quan trọng. Tôi sẵn sàng gắn bó quyến luyến anh, thì tôi luôn trung tín với anh. Cũng thế, chính niềm tin cậy vào Đức Giêsu, được đặt nền trên tình liên kết với Người, mà chúng ta chấp nhận lời Người như một bảo đảm bất biến.
Hôm nay, trong cuộc đàm thoại với chúng ta Người đã bảo đảm sự trung tín và sự cam kết của Người với chúng ta.Người biết rõ chúng ta, Người ban sự sống đời đời và giữ gìn chúng ta trong tay Người. Lòng trung tín của Chúa đã in đậm trong Cựu ước, giờ đây được xác nhận lại rõ ràng nồng nàn đậm đà hơn nữa bởi chính Con Chúa. Chúa không bao giờ bỏ giao ước của Ngài.
Nhưng có lần nào chúng ta nhắc lại lòng trung thành của chúng ta với Đức Kitô không? Nếu chúng ta không trung thành với những người chung quanh thì kể như chưa trung tín với Ngài. Nếu chúng ta thông phần vào đời sống Đức Kitô thì chúng ta phải hội nhập với mọi người.

Nếu chúng ta không biết sát cánh hoạt động với mọi người, không biết liên đới với họ trong tình huynh đệ, chúng ta không trung tín. Như thế chưa có thể nhận biết ai là Đức Giêsu Kitô. Chắc chắn rằng Đức Kitô chăm lo săn sóc cho mọi người đến tột đỉnh, thì những Kitô hữu cũng phải thực hiện theo hình ảnh trung tín của Người như vậy.

SUY NIỆM 3: Thái độ đáp trả của chiên

“Chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Đó là khẳng định của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay. Nghe tiếng chủ chiên là nghe hiểu và đáp trả. Thái độ đó sẽ được đền bù xứng đáng: người chăn chiên sẽ dẫn chúng đến đồng cỏ xanh tươi, sẵn sàng liều mạng để bảo vệ chúng. Nghe để rồi tách khỏi bầy, tìm cho mìmh một lối đi riêng thì đâu còn phải là nghe theo tiếng của người chăn. Người chăn sẵn sàng băng rừng vượt suối để tìm con chiên lạc, chứ chẳng bao giờ muốn chiên lạc xa bầy. Đồng cỏ mà người chăn dự tính trong đầu được dành cho cả bầy, tách rời khỏi bầy chắc chắn chiên không thể đến được đồng cỏ này. Tưởng rằng chỉ một mình thức tỉnh nghe và theo tiếng gọi, trong lúc cả bầy chiên chưa nghe biết, rất có thể đó là tiếng gọi giả hiệu của sói dữ muốn chiên rời xa sự chăm sóc của chủ để dễ dàng tấn công.

Giáo Hội là đàn chiên của Chúa. Lời hứa chăm sóc bảo vệ đàn chiên của Chúa Giêsu không chỉ dành riêng cho thời các Tông đồ hoặc các cộng đoàn tiên khởi, nhưng đã trải dài suốt 20 thế kỷ nay. Biết bao thế lực chống đối chủ trương triệt hạ Giáo hội, nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại nhờ sự bảo về đầy quyền năng của chủ chăn. Trong đàn chiên Giáo Hội này, mỗi con chiên đều được người chăn biết rõ, và gọi tên và chiên có bổn phận phải nghe và đáp trả. Sự đáp trả có thể mang nhiều sắc thái khác nhau, nhưng dù sao vẫn không thể ra ngoài lối đi của tất cả đàn chiên, vì đó là lối dẫn đến sự sống.

Ước gì chúng ta biết lắng nghe và đáp lại tiếng gọi của Chúa, đồng thời trung thành với đàn chiên Giáo Hội, bởi vì một khi lạc xa đàn, chúng ta sẽ không thể tìm được đồng cỏ và suối nước trong, nơi mà người chăn chiên muốn cho cả đàn chiên vui hưởng.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)