Dân Chúa Âu Châu

Sự Thương Khó Ðức Giêsu KitôThánh Giá Chúa Giêsu Kitô

THỨ SÁU TUẦN THÁNH. Kỷ Niệm Cuộc Khổ Nạn Của Chúa

"Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta"

Lời Chúa: Ga 18, 1 - 19, 42

Khi ấy, Chúa Giêsu đi với môn đệ sang qua suối Xêrông, ở đó có một khu vườn, Người vào đó cùng với các môn đệ. Giuđa, tên phản bội, đã biết rõ nơi đó, vì Chúa Giêsu thường đến đấy với các môn đệ. Nên Giuđa dẫn tới một toán quân cùng với vệ binh do các thượng tế và biệt phái cấp cho, nó đến đây với đèn đuốc và khí giới. Chúa Giêsu đã biết mọi sự sẽ xảy đến cho Mình, nên Người tiến ra và hỏi chúng: J. "Các ngươi tìm ai?" C. Chúng thưa lại: S. "Giêsu Nadarét". C. Chúa Giêsu bảo: "Ta đây". C. Giuđa là kẻ định nộp Người cũng đứng đó với bọn chúng. Nhưng khi Người vừa nói "Ta đây", bọn chúng giật lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi chúng: J. "Các ngươi tìm ai?" C. Chúng thưa: S. "Giêsu Nadarét". C. Chúa Giêsu đáp lại: "Ta đã bảo các ngươi rằng Ta đây! Vậy nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những người này đi". C. Như thế là trọn lời đã nói: "Con chẳng để mất người nào trong những kẻ Cha đã trao phó cho Con". Bấy giờ Simon Phêrô có sẵn thanh gươm, liền rút ra đánh tên đầy tớ vị thượng tế, chém đứt tai bên phải. Ðầy tớ ấy tên là Mancô. Nhưng Chúa Giêsu bảo Phêrô rằng: J. "Hãy xỏ gươm vào bao. Chén Cha Ta đã trao lẽ nào Ta không uống!" C. Bấy giờ, toán quân, trưởng toán và vệ binh của người Do-thái bắt Chúa Giêsu trói lại, và điệu Người đến nhà ông Anna trước, vì ông là nhạc phụ của Caipha đương làm thượng tế năm ấy. Chính Caipha là người đã giúp ý kiến này cho người Do-thái: để một người chết thay cho cả dân thì lợi hơn. Còn Phêrô và môn đệ kia vẫn theo Chúa Giêsu. Môn đệ sau này quen vị thượng tế nên cùng với Chúa Giêsu vào trong sân vị thượng tế, còn Phêrô đứng lại ngoài cửa. Vì thế, môn đệ kia là người quen với vị thượng tế, nên đi ra nói với người giữ cửa và dẫn Phêrô vào. Cô nữ tì gác cửa liền bảo Phêrô: S. "Có phải ông cũng là môn đệ của người đó không?" C. Ông đáp: S. "Tôi không phải đâu".

C. Ðám thủ hạ và vệ binh có nhóm một đống lửa và đứng đó mà sưởi vì trời lạnh, Phêrô cũng đứng sưởi với họ. Vị thượng tế hỏi Chúa Giêsu về môn đệ và giáo lý của Người. Chúa Giêsu đáp: J. "Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ, Tôi thường giảng dạy tại hội đường và trong đền thờ, nơi mà các người Do-thái thường tụ họp, Tôi không nói chi thầm lén cả. Tại sao ông lại hỏi Tôi? Ông cứ hỏi những người đã nghe Tôi về những điều Tôi đã giảng dạy. Họ đã quá rõ điều Tôi nói". C. Nghe vậy, một tên vệ binh đứng đó vả mặt Chúa Giêsu mà nói: S. "Anh trả lời vị thượng tế như thế ư". C. Chúa Giêsu đáp: J. "Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó; mà nếu Ta nói phải, thì tại sao anh lại đánh Ta?" C. Rồi Anna cho giải Người vẫn bị trói đến cùng vị thượng tế Caipha. Lúc ấy Phêrô đang đứng sưởi. Họ bảo ông: S. "Có phải ông cũng là môn đệ người đó không?" C. Ông chối và nói: S. "Tôi không phải đâu". C. Một tên thủ hạ của vị thượng tế, có họ với người bị Phêrô chém đứt tai, cãi lại rằng: S. "Tôi đã chẳng thấy ông ở trong vườn cùng với người đó sao?" C. Phêrô lại chối nữa, và ngay lúc đó gà liền gáy.

Bấy giờ họ điệu Chúa Giêsu từ nhà Caipha đến pháp đình. Lúc đó tảng sáng và họ không vào pháp đình để khỏi bị nhơ bẩn và để có thể ăn Lễ Vượt Qua. Lúc ấy Philatô ra ngoài để gặp họ và nói: S. "Các ngươi tố cáo người này về điều gì". C. Họ đáp: S. "Nếu hắn không phải là tay gian ác, chúng tôi đã không nộp cho quan". C. Philatô bảo họ: S. "Các ông cứ bắt và xét xử theo luật của các ông". C. Nhưng người Do-thái đáp lại: S. "Chúng tôi chẳng có quyền giết ai cả". C. Thế mới ứng nghiệm lời Chúa Giêsu đã nói trước: Người sẽ phải chết cách nào. Bấy giờ Philatô trở vào pháp đình gọi Chúa Giêsu đến mà hỏi: S. "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?" C. Chúa Giêsu đáp: J. "Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?" C. Philatô đáp: S. "Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?" C. Chúa Giêsu đáp: J. "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng nước tôi không thuộc chốn này". C. Philatô hỏi lại: S. "Vậy ông là Vua ư?" C. Chúa Giêsu đáp: J. "Quan nói đúng: Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng tôi". C. Philatô bảo Người: S. "Chân lý là cái gì?" C. Nói lời này xong, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ: S. "Ta không thấy nơi người này có lý do để khép án. Nhưng theo tục lệ các ngươi, ta sẽ phóng thích cho các ngươi một tù nhân vào dịp Lễ Vượt Qua. Vậy các ngươi có muốn ta phóng thích Vua Do-thái cho các ngươi chăng?" C. Họ liền la lên: S. "Không phải tên đó, nhưng là Baraba". C. Baraba là một tên cướp. Bấy giờ Philatô truyền đem Chúa Giêsu đi mà đánh đòn Người. Binh sĩ kết một triều thiên bằng gai nhọn đội lên đầu Người và nói: S. "Tâu Vua Do-thái!" C. Và vả mặt Người. Philatô lại ra ngoài và nói: S. "Ðây ta cho dẫn người ấy ra ngoài cho các ngươi để các ngươi biết rằng ta không thấy nơi người ấy một lý do để kết án". C. Bấy giờ Chúa Giêsu đi ra, đội mão gai và khoác áo đỏ. Philatô bảo họ: S. "Này là Người". C. Vừa thấy Người, các thượng tế và vệ binh liền la to: S. "Ðóng đinh nó vào thập giá! Ðóng đinh nó vào thập giá!" C. Philatô bảo họ: S. "Ðấy các ngươi cứ bắt và đóng đinh ông vào thập giá, phần ta, ta không thấy lý do nào kết tội ông". C. Người Do-thái đáp lại: S. "Chúng tôi đã có luật, và theo luật đó nó phải chết, vì nó tự xưng là Con Thiên Chúa". C. Nghe lời đó Philatô càng hoảng sợ hơn. Ông trở vào pháp đình và nói với Chúa Giêsu: S. "Ông ở đâu đến?"

C. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại câu nào. Bấy giờ Philatô bảo Người: S. "Ông không nói với ta ư? Ông không biết rằng ta có quyền đóng đinh ông vào thập giá và cũng có quyền tha ông sao?" C. Chúa Giêsu đáp: J. "Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho, vì thế nên kẻ nộp tôi cho quan, mắc tội nặng hơn". C. Từ lúc đó Philatô tìm cách tha Người. Nhưng người Do-thái la lên: S. "Nếu quan tha cho nó, quan không phải là trung thần của Xêsa, vì ai xưng mình là vua, kẻ đó chống lại Xêsa". C. Philatô vừa nghe lời đó, liền cho điệu Chúa Giêsu ra ngoài rồi ông lên ngồi toà xử, nơi gọi là Nền đá, tiếng Do-thái gọi là Gabbatha. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Philatô bảo dân: S. "Ðây là vua các ngươi". C. Nhưng họ càng la to: S. "Giết đi! Giết đi! Ðóng đinh nó đi!" C. Philatô nói: S. "Ta đóng đinh vua các ngươi ư?" C. Các thượng tế đáp: S. "Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Xêsa". C. Bấy giờ quan giao Người cho họ đem đóng đinh.
Vậy họ điệu Chúa Giêsu đi. Và chính Người vác thập giá đến nơi kia gọi là Núi Sọ, tiếng Do-thái gọi là Golgotha. Ở đó họ đóng đinh Người trên thập giá cùng với hai người khác nữa: mỗi người một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa. Philatô cũng viết một tấm bảng và sai đóng trên thập giá. Bảng mang những hàng chữ này: "Giêsu, Nadarét, vua dân Do-thái". Nhiều người Do-thái đọc được bảng đó, vì nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh thì gần thành phố, mà bảng viết thì bằng tiếng Do-thái, Hy-lạp và La-tinh. Vì thế các thượng tế đến thưa với Philatô:
S. Xin đừng viết "Vua dân Do Thái", nhưng nên viết: "Người này đã nói: 'Ta là vua dân Do-thái'". C. Philatô đáp: S. "Ðiều ta đã viết là đã viết". C. Khi quân lính đã đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá rồi thì họ lấy áo Người chia làm bốn phần cho mỗi người một phần, còn cái áo dài là áo không có đường khâu, đan liền từ trên xuống dưới. Họ bảo nhau: S. "Chúng ta đừng xé áo này, nhưng hãy rút thăm xem ai được thì lấy". C. Hầu ứng nghiệm lời Kinh Thánh: "Chúng đã chia nhau các áo Ta và đã rút thăm áo dài của Ta". Chính quân lính đã làm điều đó.
Ðứng gần thập giá Chúa Giêsu, lúc đó có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: J. "Hỡi Bà, này là con Bà". C. Rồi Người lại nói với môn đệ: J. "Này là Mẹ con". C. Và từ giờ đó môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. Sau đó, vì biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giêsu nói: J. "Ta khát!" C. Ở đó có một bình đầy dấm. Họ liền lấy miếng bông biển thấm đầy dấm cắm vào đầu ngành cây hương thảo đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Chúa Giêsu nói: J. "Mọi sự đã hoàn tất". C. Và Người gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Hôm đó là ngày chuẩn bị lễ: để tội nhân khỏi treo trên thập giá trong ngày Sabbat, vì ngày Sabbat là ngày đại lễ, nên người Do-thái xin Philatô cho đánh dập ống chân tội nhân và cho cất xác xuống. Quân lính đến đánh dập ống chân của người thứ nhất và người thứ hai cùng chịu treo trên thập giá với Người. Nhưng lúc họ đến gần Chúa Giêsu, họ thấy Người đã chết, nên không đánh dập ống chân Người nữa, tuy nhiên một tên lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người; tức thì máu cùng nước chảy ra. Kẻ đã xem thấy thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cho các người cũng tin nữa. Những sự việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: "Người ta sẽ không đánh dập một cái xương nào của Người". Lời Kinh Thánh khác rằng: "Họ sẽ nhìn xem Ðấng họ đã đâm thâu qua".

Sau đó, Giuse người xứ Arimathia, môn đệ Chúa Giêsu, nhưng thầm kín vì sợ người Do-thái, xin Philatô cho phép cất xác Chúa Giêsu. Philatô cho phép. Và ông đến cất xác Chúa Giêsu. Nicôđêmô cũng đến, ông là người trước kia đã đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Ông đem theo chừng một trăm cân mộc dược trộn lẫn với trầm hương. Họ lấy xác Chúa Giêsu và lấy khăn bọc lại cùng với thuốc thơm theo tục khâm liệm người Do-thái. Ở nơi Chúa chịu đóng đinh có cái vườn và trong vườn có một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai. Vì là ngày chuẩn bị lễ của người Do-thái và ngôi mộ lại rất gần, nên họ đã mai táng Chúa Giêsu trong mộ đó.

SUY NIỆM 1: Thủ phạm giết Chúa

Từ đầu Mùa Chay đến nay, cuốn phim “Cuộc Thương Khó Của Chúa Kitô” của đạo diễn Mel Gibson đã được công chiếu trên khắp nước Mỹ, rồi đến các nước ở Âu Châu và cả tại Trung Đông nữa. Cuốn phim đã ghi vào lịch sử điện ảnh là phim đắt khách nhất và đạt doanh thu kỷ lục, chỉ vì cuốn phim đã gây tranh cãi về tính cách “bài Do Thái”. Chính nhà đạo diễn Mel Gibson đã khẳng định rằng: “Bộ phim của tôi nói về đức tin, đức cậy, đức mến và sự tha thứ. Đó là nội dung sứ điệp của bộ phim. Tôi không có tinh thần bài Do Thái, tinh thần bài Do Thái không phải là tinh thần Kitô, mà là một tội lỗi”. Trả lời cho câu hỏi: “Ai đã giết chết Chúa Giêsu?”, Mel Gibson nói: “Câu trả lời chính là tất cả chúng ta đã giết chết Chúa Giêsu. Tôi là kẻ đầu tiên có phần trách nhiệm trong cái chết của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chịu đánh đòn “vì những tội lỗi của chúng ta”. Ngài chịu thương tích vì những lỗi phạm của chúng ta, nhưng những vết thương của Ngài đã chữa lành chúng ta”.
Đó là sứ điệp chính của bộ phim. Bộ phim không nhằm quy trách nhiệm cho ai là kẻ đã giết chết Chúa Giêsu”.
Nhà đạo diễn nhìn nhận rằng bộ phim của ông có những cảnh “quá bạo lực” và ông giải thích rằng ông có ý làm như vậy để nhằm gây phản ứng nơi khán thính giả, nhằm giúp họ hiểu được tầm mức hy sinh cao cả của Chúa Giêsu. “Tôi muốn làm cho khán thính giả hiểu được rằng có một người đã chịu đựng được những hành hạ đến mức tận cùng như thế, mà vẫn còn có thể yêu thương và tha thứ. Tôi hy vọng bộ phim sẽ cổ võ suy tư, làm cho khán thính giả trở về với nội tâm, suy nghĩ về chính bản thân mình”.
Thưa anh chị em,
Khi cử hành cuộc tưởng niệm Chúa Giêsu bị trên trên Thập giá, Giáo Hội không chỉ nhắc nhớ đến một biến cố lịch sử đã xảy ra hơn 2000 năm nay, nhưng còn nhắc nhở đến trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta về cái chết của Chúa Giêsu.

Thật vậy, dưới cái nhìn lịch sử, chúng ta lên án một Giuđa đã phản nộp Thầy, một Philatô nhát đảm, vì sợ mất chức quyền mà vội vàng kết án tử hình cho Chúa, một Phêrô hèn yếu đã chối bỏ Thầy, một đám đông vô ơn bạc nghĩa đã hò hét đòi đóng đinh Chúa, dầu biết rằng Chúa chẳng có tội gì để phải chịu một cái án quái gở đó…
Thế nhưng, cái chết của Chúa không chỉ là một biến cố lịch sử, nhưng đó còn là một Mầu nhiệm Cứu Độ, trải dài hết từ thế hệ này đến thế hệ khác. Và nó mang một chiều kích phổ quát, có giá trị cứu rỗi cho hết mọi người tin và Danh Chúa Kitô. Do đó, nó được hiện tại hoá trong mọi thời gian. Và vì thế cái chết trên Thập giá của Chúa Kitô có trách nhiệm của chúng ta.
Chúng ta đã tuyên xưng rằng: “Ngài đã chịu vì chúng ta và để cứu chuộc chúng ta”, nghĩa là vì tội lỗi của chúng ta mà Ngài phải chịu treo lên. Tội lỗi của chúng ta chính là những tiếng reo hò đòi đóng đinh, là những sự xỉ vả, là lời phản bội, là lời tuyên án Chúa.
Do đó, khi tưởng niệm cái chết của Chúa hôm nay, Giáo Hội cũng thiết tha kêu gọi các tín hữu hãy đấm ngực ăn năn, nhận phần trách nhiệm của mình, để rồi, như một Phêrô “ra ngoài ăn năn khóc lóc” có nghĩa là chúng ta phải tháo gỡ cái án tử hình của Chúa, bằng cách thay đổi nếp sống cũ, trở về với Chúa. Xa tránh những lối sống thấp hèn, trở về lối sống con cái của Chúa, và thân thưa với Chúa như anh trộm sám hối bên Thập giá của Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, khi vào Nước Chúa, xin nhớ đến con.” Amen.

SUY NIỆM 2: Thập Giá Đức Kitô.

Trong tập hồi ký, một người Do Thái từng ở trại tập trung thời Đức Quốc xã bên Ba Lan có kể lại câu chuyện sau: Những người lính Đức Quốc xã treo cổ hai người Do Thái và một thiếu niên trước sự chứng kiến của tất cả trại viên. Hai người đàn ông chết tức khắc vì kiệt sức, nhưng cơn hấp hối của cậu thiếu niên kéo dài cả nửa tiếng đồng hồ. Nhìn thấy cảnh tượng đó, một trại viên đứng sau tôi đã thốt lên: “Thiên Chúa đang ở đâu?”. Khi người thiếu niên đang cố gắng vùng vẫy trong vòng giây thắt cổ, tôi lại nghe một người khác thốt lên: “Bây giờ Chúa ở đâu?”. Và, tôi nghe từ tận đáy tâm hồn tôi: “Ngài đang ở đây, Ngài đang bị treo cổ kia”.
“Bây giờ Thiên Chúa đang ở đâu?”. Mỗi lần bóng tối của Thập giá làm dấy lên trong chúng ta câu hỏi như thế, chúng ta nghe vọng lên từ nỗi đớn đau của chúng ta câu trả lời duy nhất là: “Ngài đang có mặt đó”. Ngài đang có mặt đó, bởi vì Ngài là Tình yêu. Chỉ có Tình yêu mới có thể đi đến tận cùng của khoan dung và tha thứ. Thập giá vẫn mãi mãi là tột đỉnh của sự độc ác dã man của con người, sự độc ác dã man đó càng bộc lộ, thì tình yêu Thiên Chúa càng bày tỏ.
Lý luận thông thường không thể hiểu cạn được tại sao một Thiên Chúa lại có thể chịu treo trên Thập giá. Nhưng đó lại là sức mạnh, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, bởi vì đó là sức mạnh và sự khôn ngoan của tình yêu. Dù tội lỗi con người có ngập tràn, dù sự độc ác của con người có chất ngất, Thiên Chúa vẫn yêu thương và tha thứ.
Thập giá không chỉ là biểu trưng của sự độc ác và tội lỗi con người, mà còn là vẻ đẹp của chính tình yêu Thiên Chúa. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài. Ngài không sai Con Ngài đến để luận phạt thế gian, những để thế gian nhờ Con Một Ngài mà được cứu thoát”. Đó phải là xác tín của chúng ta khi ngắm nhìn Thập giá Chúa Giêsu. Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân. Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta khước từ. Không có tình yêu nào cao cả hơn.
Vì yêu thương chúng ta, Ngài chấp nhận chịu treo trên Thập giá. Vì yêu thương chúng ta, Ngài trải qua mọi khốn cùng của kiếp người. Không phải đinh sắt đã đóng Ngài vào Thập giá, mà chính là tình yêu. Đó là tất cả vẻ đẹp cao vời của Thập giá. Thập giá là nơi ngự trị của Thiên Chúa. Chính trong những nơi cơ cực, nghèo hèn, bỉ ổi và đớn đau nhất mà sự hiện diện của Thiên Chúa lại càng mãnh liệt hơn. Chính từ Thập giá mà tiếng gọi yêu thương của Ngài càng thắm thiết hơn.
Từ trên Thập giá, Chúa Giêsu ôm trọn từng nỗi khổ đau của con người. Nhìn ngắm Thập giá của Ngài, đôi mắt chúng ta càng phải mở rộng ra để nhận thấy bao nỗi thống khổ cơ cực của những người chung quanh. Lúc đó, Thập giá không còn vắng bóng Thiên Chúa mà trái lại là điểm xuất phát của những nghĩa cử yêu thương, từ đó tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ bừng dậy.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 3: Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa!

Bài Suy Niệm của ÐTC Gioan Phaolô II

trong Buổi Ði Ðàng Thánh Giá
Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2002
(Ga 18,1-19,42)
1. Crucem tuam adoramus, Domine! - Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa!
Ở cuối của lời cầu xúc động này về cuộc Vượt Qua của Ðức Kitô, tia nhìn của chúng ta vẫn hướng về Thánh Giá. Chúng ta suy niệm trong đức tin mầu nhiệm cứu độ được mạc khải cho chúng ta. Khi chết đi, Ðức Giêsu vén lên bức màn trước mắt chúng ta, và giờ đây Thánh Giá đứng thẳng trên thế giới trong tất cả sự huy hoàng của nó. Sự yên lặng đem lại an bình của Ðấng mà sự dữ thế gian đã treo lên Cây này đang hé lộ ra hòa bình và yêu thương. Trên Thánh Giá, Con Người đã chết, mang theo với Ngài gánh nặng của mọi khổ đau và bất công nhân thế. Trên đồi Golgotha, Ðấng, mà qua cái chết của Ngài đã cứu rỗi thế giới, chết vì chúng ta.
2. "Họ sẽ nhìn ngắm Ðấng mà họ đã đâm thâu qua" (Ga 19,37).
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh chứng kiến những lời các tiên tri được nên trọn, những lời mà Thánh Sử Gioan, một chứng nhân tận mắt, đã thấy được sự chính xác khi suy niệm trong lòng, Thiên Chúa làm người, Ðấng vì yêu thương đã chấp nhận hình phạt nhục nhã nhất mà bao nhiêu chủng tộc và các nền văn hóa ngày nay đang chứng kiến. Khi tia nhìn của họ được dẫn dắt bởi cảm nhận sâu sắc của đức tin, họ nhận ra trong Ðấng Bị Ðóng Ðinh một "chứng nhân" vô địch của yêu thương.
Từ Thánh Giá, Ðức Giêsu gom lại thành một dân tộc, Dân Do Thái và Dân Ngoại, hiển thị ý chí của Cha Ngài trên trời muốn tạo ra một gia đình duy nhất cho nhân loại được tụ họp dưới Danh Ngài.
Trong nỗi đau tê tái của Người Ðầy Tớ Thống Khổ, chúng ta đã nghe tiếng kêu khải hoàn của Thiên Chúa Trỗi Dậy. Ðức Kitô trên cây Thánh Giá là nhân loại mới đã được chuộc khỏi gánh nặng của tội lỗi và sự chết. Bất chấp những bóp méo và ngộ nhận của lịch sử, có thể có, chúng ta biết rằng nếu bước theo chân của Người Nazarét bị đóng đinh này, chúng ta sẽ đạt được mục đích. Giữa những xung đột của một thế giới thống trị bởi ích kỷ và thù hận, chúng ta, như những tín hữu, được kêu gọi để công bố vinh quang của Yêu Thương. Hôm nay, Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta làm chứng cho vinh quang của Ðức Kitô bị đóng đinh.
3. Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa!
Vâng, chúng con thờ lạy Ngài, Lạy Chúa, Ðấng đã bị treo lên Thánh Giá giữa trời và đất, Ðấng Trung Gian duy nhất của ơn cứu độ chúng con. Thánh Giá Ngài là bích chương của vinh quang chúng con!
Chúng con thờ lạy Ngài, Con của Ðức Trinh Nữ Rất Thánh, đang đứng bất khuất bên cạnh Thánh Giá, can đảm chia sẻ trong lễ hy sinh cứu chuộc của Ngài.
Qua Gỗ Thánh Giá trên đó Ngài bị đóng đinh, niềm vui đã đến với toàn thế giới - propter Lignum venit gaudium in universo mundo. Hôm nay chúng con tất cả nhận thức hơn về điều này khi tia nhìn của chúng con được nâng về phía sự kỳ diệu khôn tả của sự Phục Sinh của Chúa. "Chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa, Lạy Chúa, chúng con tán tụng và thờ lạy sự Phục Sinh thánh thiện của Ngài!".
Với những tình cảm này, anh chị em thân mến, tôi gỡi đến anh chị em lời chúc Phục Sinh với phép lành Tòa Thánh.

+ Gioan Phaolô II, Giáo Hoàng

(Bản dịch Việt Ngữ của J.B Ðặng Minh An)

Nguồn: Giáo Phận Long Xuyên