Dân Chúa Âu Châu

T2 T 15 TN SNPhần thưởng môn đệ Chúa.

Thứ Hai tuần 15 thường niên.

"Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo".

Lời Chúa: Mt 10,34 - 11,1

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy.

Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.

Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu".

Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Không xứng với Thầy

Suy niệm:

Văn Cao là một nhạc sĩ có tài với bản Tiến Quân Ca bất hủ.

Nhưng ông cũng là một thi sĩ ít được ai biết đến.

Ông có làm một bài thơ ngắn Không Đề như sau:

“Con thuyền đi qua để lại sóng.

Đoàn tàu đi qua để lại tiếng.

Đoàn người đi qua để lại bóng.

Tôi không đi qua tôi để lại gì?”

Ông muốn để lại chút gì cho đời của kẻ đã mang tiếng ở trong trời đất.

Và ông hiểu rằng mình không thể để lại gì, nếu không vượt qua chính mình.

Cái tôi và tất cả những gì thuộc về nó, đều là đối tượng phải vượt qua.

Vượt qua cái tôi không làm tôi mất nó, nhưng lại được một cái tôi viên mãn.

Phải chăng đó là điều Văn Cao, một Kitô hữu ẩn danh đến lúc chết,

muốn gửi gấm qua những vần thơ này?

Có những giá trị hầu như được mọi người nhìn nhận.

Có những giá trị thiêng liêng máu mủ như cha mẹ, con cái.

Đặc biệt trong xã hội Do thái, hiếu thảo với cha mẹ là điều được đề cao.

Đức Giêsu cũng đã phê phán thái độ bất hiếu đối với cha mẹ (Mt 15, 3-6).

Mạng sống của con người cũng là một giá trị cao quý.

Đụng đến mạng sống con người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa,

như ta thấy trong chuyện Cain giết em là Aben (St 4, 9-10).

Trước những giá trị thiêng liêng như thế, ta cần yêu mến, giữ gìn.

Yêu cha, yêu mẹ, yêu con trai, con gái, là những điều hợp đạo lý.

Giữ gìn mạng sống của mình là điều phải làm.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đưa ra một đòi hỏi mới mẻ và đáng sợ.

Ngài không cấm các môn đệ yêu cha mẹ, con cái, hay mạng sống,

vì đó là những giá trị thiêng liêng cao quý.

Nhưng Ngài không chấp nhận họ yêu những giá trị này hơn Ngài.

Ngài không muốn họ đặt Ngài ở dưới những giá trị đó.

Đơn giản Ngài muốn họ coi Ngài là một Giá Trị hơn hẳn, Giá Trị viết hoa.

Khi cần chọn lựa giữa các giá trị, Ngài đòi họ ưu tiên chọn Ngài.

Cụm từ “không xứng đáng với Thầy” được nhắc đến ba lần (cc. 37-38).

Chỉ ai dám yêu Ngài hơn người thân yêu, dám vác thập giá mình mà theo,

người ấy mới xứng đáng với Thầy.

Chỉ ai dám mất mạng sống của mình vì Thầy,

người ấy mới lấy lại được sự sống tròn đầy ở đời sau (c. 39).

Đức Kitô là ai mà đòi chúng ta phải đặt Ngài lên trên các thụ tạo như vậy,

nếu Ngài không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa?

Đừng quên chính Ngài đã mất mạng sống mình vì tôi trước.

Chỉ khi tôi đi qua tôi, nhờ đặt tôi và mọi sự thuộc về tôi dưới Đức Kitô,

tôi mới có gì để lại cho đời, tôi mới giữ lại được mọi giá trị khác.

Xin làm được điều thánh Biển Đức dạy:

“Phải tuyệt đối không coi gì trọng hơn Đức Kitô.”

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,

để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.

Xin cho con thấy Chúa thật bao la,

để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,

để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

Lạy Chúa Giêsu,

xin làm cho con thật mạnh mẽ,

để không nỗi thất vọng nào

còn chạm được tới con.

Xin làm cho con thật đầy ắp,

để ngay cả một ước muốn nhỏ

cũng không còn có chỗ trong con.

Xin làm cho con thật lặng lẽ,

để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

Xin Chúa ngự trong con thật sống động,

để không phải là con,

mà là chính Ngài đang sống.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Suy Niệm 2: Bình an của Chúa

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giêsu đến khiến người ta phải dứt khoát chọn lựa. Hoặc Chúa hoặc ma quỉ. Hoặc trần gian hoặc Nước Trời. Chọn lựa đó dẫn đến hai con đường khác nhau.

Trần gian tìm thu tích vun quén cho mình. Vì thế nên áp bức bóc lột người khác. Mạnh được yếu thua. Trần gian được thể hiện rõ nét trong toan tính của Pha-ra-ô. Để bảo vệ quyền lực và để làm giầu cho mình, Pha-ra-ô ra lệnh giết con trai của người Do thái. Và bắt người Do thái làm nô lệ (năm lẻ).

Trần gian trở thành tinh vi hơn khi ngụy trang dưới lớp vỏ đạo đức. Người Do thái một mặt thờ kính Chúa rất sốt sắng. Dâng rất nhiều lễ vật. Nhưng mặt khác lại không ngừng phạm tội ác, áp bức bóc lột đồng loại. Chúa dùng I-sa-i-a cảnh báo họ đó là lối sống đạo không đẹp lòng Chúa (năm chẵn).

Trái lại người đi theo Chúa phải luôn từ bỏ tất cả những gì ngăn cản ta đến với Chúa. Dù đó là cha mẹ, anh em, con cái. Thậm chí phải bỏ chính mình, bỏ cả mạng sống mình nữa.

Nhưng kết quả thật khác xa. Kết quả trước mắt là bình an. Người chỉ lo chiếm đoạt và ức hiếp bóc lột sẽ tạo ra chiến tranh, bất bình. Bản thân người chỉ lo tính toán để hại người cũng không được bình an. Những nhà độc tài luôn lo sợ và nghi ngờ. Dục vọng làm cho tâm hồn con người không bao giờ an nghỉ.

Trái lại những người theo Chúa, từ bỏ mình lại luôn được bình an. Một niềm bình an sâu thảm vì đã thoát được tất cả những dục vọng, thèm muốn, chiếm đoạt. Và nhất là vì đã được chính Chúa làm phần thưởng.

Trong tầm nhìn cánh chung, những người chỉ lo thu tích, chiếm đoạt bằng áp bức bóc lột người khác sẽ mất tất cả khi bước vào đời sau. Tệ hơn thế, họ còn bị xét xử, kết án và bị trừng phạt.

Trái lại những người đã biết cho đi, quên mình sẽ được phần thưởng trọng hậu. Ngay cả những cử chỉ bác ái quên mình bé nhỏ như cho một ly nước lã thôi, Chúa cũng ghi nhớ và thưởng công xứng đáng. Khi sống quên mình và biết nghĩ đến người khác, người môn đệ kiến tạo hòa bình trên thế giới. Đó là nền hòa bình chân thực phát xuất từ tâm hồn. Đó là bình an của Chúa.

Suy Niệm 3: Chúa Sẽ Ðền Bù

Có thể nói, bài Tin Mừng hôm nay cho hệ quả của bước đường theo Chúa. Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.

Chắc chắn, khi chọn lựa như vậy, người môn đệ không tránh khỏi những mất mát, thua thiệt. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không để họ phải thất vọng, Ngài sẽ đền bù vượt quá sự chờ đợi của họ. "Ðón tiếp một tiên tri, sẽ nhận được phần thưởng dành cho một tiên tri; đón tiếp người công chính, sẽ nhận được phần thưởng dành cho người công chính; đón tiếp kẻ rao giảng, sẽ nhận được phần thưởng dành cho kẻ rao giảng". Người môn đệ của Chúa đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành trong bổn phận của mình mà thôi.

Với Thiên Chúa, dù công khai hay âm thầm, sứ mệnh kẻ rao giảng bao giờ cũng cần thiết. Thiên Chúa luôn cần đến những người ngày đêm nhiệt thành rao giảng và làm chứng cho Ngài bằng đời sống hoạt động tông đồ, nhưng Ngài cũng cần đến những người hỗ trợ cho công việc tông đồ bằng đời sống âm thầm cầu nguyện và hy sinh. Lịch sử chỉ nhớ đến những vĩ nhân, chứ lịch sử không đủ giấy bút để ghi lại hết những khuôn mặt đã góp phần vào đời sống của các vĩ nhân. Lịch sử không nhớ, nhưng Thiên Chúa lại ghi nhớ tất cả, Ngài không bỏ sót một khuôn mặt nào, và phần thưởng của họ cũng có giá trị như của các vĩ nhân.

Xin Chúa cho chúng ta biết biểu lộ lòng trung thành với Chúa và Giáo Hội bằng những đóng góp nhỏ bé trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Dù chỉ là những việc nhỏ bé, âm thầm, không được ai biết đến, nhưng chúng ta hãy tin rằng chúng vẫn hiện diện và có giá trị trước mặt Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 4: Thực hành giới răn của Chúa (Mt 10,34-11,1)

Với cái nhìn trần tục, chúng ta có thể cho rằng những lời dạy của Chúa Giêsu cho các đồ đệ xem ra thật chói tai: "Thầy đến để đem chia rẽ con trai với cha, con gái với mẹ. Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy. Ai không vác thập giá mình hàng ngày mà theo Thầy, thì cũng không xứng đáng làm môn đệ Thầy".

Thử hỏi, trên trần gian này có ai dám yêu cầu những điều như vậy nơi những kẻ theo họ không? Nhưng Chúa Giêsu đã không ngần ngại dùng ngôn ngữ như vậy, để khắc ghi mạnh mẽ vào tâm trí những người nghe điều Người muốn nói trong cách thức phù hợp với tâm thức của những người đương thời.

Thật vậy, để nhấn mạnh điều gì đó người ta thường dùng cách nói táo bạo, nghịch lý thường tình như những lời chúng ta vừa đọc lại trên: "Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy". Chúa muốn chỗ ưu tiên trên hết mọi người và mọi sự. Chính vì vậy mà sự hiện diện của Chúa là dấu gây nên mâu thuẫn, gây chia rẽ: "Thầy không đến mang sự bình an, nhưng chia rẽ. Thầy đến để chia rẽ con trai với cha, con gái với mẹ".

Sự trung thành với Chúa, việc sống thực hành những giới răn Chúa làm cho mỗi người Kitô trở thành như kẻ thù của chính người thân thuộc, vì nếp sống mới mẻ của người Kitô không phù hợp với nếp sống trần gian, tinh thần Phúc Âm không phù hợp với tinh thần phàm tục. Luật Chúa luôn luôn dạy điều nghịch lại những ước mơ ích kỷ của con người. Giáo huấn Phúc Âm không bao giờ là điều tiện lợi dễ dàng. Thánh giá hy sinh là chiều kích không thể nào tách rời ra khỏi cuộc đời của người theo Chúa. Thánh giá là dấu chỉ, là bằng chứng của tình yêu.

Nhìn vào Chúa Giêsu, Thầy chúng ta, bị treo trên thập giá, chúng ta hiểu được mức tận cùng của tình yêu đích thực. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi trao nộp Con Một của Ngài cho thế gian giết chết trên thập giá. Hy sinh mạng sống mình cho Chúa và anh chị em, đó là vận mệnh không thể tránh được của người Kitô. Ðể theo Ngài trọn vẹn, trung thành cho đến cùng, người đồ đệ cần nhiều can đảm, hy sinh và ơn soi sáng hướng dẫn Chúa.

Lạy Chúa, Xin đổ tràn tình yêu Chúa xuống trên chúng con, để chúng con sống trung kiên với Chúa và quảng đại với anh chị em chung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 5: Chúa Giêsu không đem đến bình an

“Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.”

Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì sẽ không xứng với Thầy. Ai giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt. 10, 34. 38-39)

Những lời gây kinh ngạc

Nếu có ai hỏi ta Chúa Giêsu đến mang lại và dạy dỗ cho con người cái gì, ta sẽ trả lời rằng Chúa đến dạy người ta biết sống yêu thương nhau; Người đem hòa bình, Người hiệp nhất những ai chia rẽ. Và chúng ta sẽ có thể trưng ta nhiều câu Phúc Âm minh chứng rằng vì những mục đích trên, mà Chúa Giêsu đã làm người ở giữa chúng ta, đã chết và sống ại vì hạnh phúc loài người.

Vậy thì những lời của Phúc Âm vừa nghe, quả làm ta ngạc nhiên Chúa Giêsu khẳng định rằng Người “Không đến đem bình an cho trái đất, nhưng để đem gươm giáo”. Người dám nói rằng Người đến: “Để gây chia rẽ giữa con trai với cha mình, giữa con gái với mẹ…” Chúa Giêsu Người gieo rắc chia rẽ! Chúa Giêsu gây chia rẽ hơn là tạo hiệp nhất! Có ai dám nghĩ như vậy không? Ai mà cho rằng những lời đó là từ môi miệng Chúa? Vậy mà đúng như thế đó.

Những sự kiện minh chứng.

Ta nên lưu ý rằng Chúa Giêsu không khẳng định là Người có chủ tâm gây chia rẽ người ta. Người chỉ nhìn nhận sự kiện xảy ra. Người ta sẽ bất đồng ý kiến với nhau về Người. Có những người sẽ ủng hộ Người, người khác lại chống đối Người. Sẽ có những hiểu lầm, những cắt đứt quan hệ, những xung đột ở khắp nơi trên thế giới và ngay cả trong các gia đình, là vì Người và vì giáo huấn của Người.

Đó chính là điều vẫn xảy ra, mãi mãi những kẻ tin và những kẻ không tin Chúa Kitô vẫn xung khắc với nhau. Mãi mãi chồng và vợ, cha và con chia rẽ nhau và gây khổ cho nhau vì đôi bên không cùng một lập trường khi phải đối mặt với giáo huấn của Chúa Kitô.

Chúa Giêsu lúc nào cũng vẫn muốn gieo sự bình an, nhưng Người cũng là con người thực tế, vì biết rằng trên trần gian Người sẽ mãi mãi là chủ đề gây trang cãi, chống đối và chia rẽ vậy.

J.Y.G

Suy Niệm 6: HÒA BÌNH TRONG CHÂN LÝ (Mt 10, 34 - 42; 11, 1)

Sống trong bối cảnh xã hội hiện nay, chúng ta thấy tình hình căng thẳng trên Biển Đông ngày càng leo thang! Các nước có liên quan đã lên án sự ngang ngược, cách hành xử vô lý của Trung Quốc muốn bá chủ vùng Biển này. Đồng thời người ta lo ngại sẽ xảy ra chiến tranh!

Qua câu chuyện Biển Đông, người dân đều mong muốn có hòa bình, không chiến tranh. Tuy nhiên, ai cũng biết, muốn không xảy ra đụng độ, các bên phải ngồi lại để đàm phán, tôn trọng và chấp nhận sự thật. Có thế, chúng ta mới hy vọng hòa bình lặp lại trên Biển Đông.

Hôm nay, Đức Giêsu tuyên bố một câu xem ra rất nghịch lý: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà" (Mt 10, 34-36). Thoạt nghe, chúng ta thấy xem ra có vẻ mâu thuẫn, bất thường và khó hiểu. Tuy nhiên, đi vào chiều sâu của vấn đề, chúng ta mới thấy sáng tỏ một chân lý, đó là: chỉ có bình an đích thực khi chấp nhận sự thật; chấp nhận loại trừ những sai quấy. Bao lâu ta còn để cho sự ác, bất công, gian dối lộng hành, thì bấy lâu chúng ta không có bình an, nếu có, cũng chỉ là thứ bình an giả tạo.

Như thế, chúng ta cũng đâu lạ gì khi trong gia đình có những thành phần chống đối nhau. Tại sao thế? Thưa, chỉ vì có những chuẩn mực trong cuộc sống, những lựa chọn khác nhau, dẫn đến hệ quả khác nhau.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải đắn đo và cẩn trọng khi chọn lựa. Khi đã chọn điều tốt, phải kiên trì bảo vệ để đạt được sự bình an đích thực.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chiến đấu trong sự thiện, để luôn đứng về phía sự thật, hầu đem lại sự bình an thực sự. Amen.

Ngọc Biển SSP

Suy Niệm 6: Đặt Chúa lên địa vị ưu tiên

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Người môn đệ của Chúa Giêsu phải dứt khoát chọn lựa Tin Mừng hơn mọi sự, phải đặt tình yêu đối với Chúa hơn mọi tình cảm gia đình, hơn cả bản thân mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa đã mời gọi con làm môn đệ của Chúa, và đã ban cho con biết bao hồng ân để con được theo Chúa cho đến hôm nay. Đứng trước tình yêu cao vời đó, con chưa biết đáp lại như ý Chúa muốn, con chưa đặt Chúa lên địa vị ưu tiên và chưa yêu mến Chúa trên hết mọi sự.

Lạy Chúa, nhiều khi với cái nhìn nông cạn, con đã sống cho tình người nhiều hơn là sống cho tình Chúa. Con để mặc cho tình cảm tự nhiên làm chủ cuộc sống. Con chỉ làm những điều mình ưa thích, hoặc chỉ làm để đẹp lòng người ta hơn là quan tâm đến việc làm đẹp lòng Chúa. Con vẫn ngại hy sinh, sợ thua thiệt. Con chỉ muốn yên thân. Chính vì sợ phiền toái hay chống đối, mà con đã không dám sống Tin Mừng. Rút cuộc, con đã gặt hái sự chán nản thất vọng, hơn là niềm vui và tình yêu Chúa.

Lạy Chúa, chính Chúa quả quyết: “Ai tìm sự sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm thấy được”. Xin Chúa giúp con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự, trên tình cảm gia đình, trên những người mà con hằng yêu mến, trên những vật mà con hằng gắn bó, trên cả bản thân con. Xin cho con biết nhìn lên Chúa trên thập giá ngõ hầu con cảm nhận được thế nào là tình yêu Chúa dành cho con, để con sống xứng đáng với tình yêu Chúa. Đòi hỏi của Chúa thật là quyết liệt và tuyệt đối. Các tông đồ đã nghe được lời mời gọi của tình yêu Chúa và đã sống trọn vẹn cho Chúa và cho Tin Mừng. Xin cho con bắt chước đời sống các ngài, để con dứt khoát đi theo Chúa, can đảm dâng cuộc sống cho Chúa và chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng. Amen.

Ghi nhớ: “Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo”.

Suy Niệm 7: Tin tưởng vào Chúa

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Ngày hôm sau, khi một chút ánh sáng mặt trời lọt vào hầm tàu, tôi nhận ra chung quanh tôi những gương mặt buồn sầu và tuyệt vọng của các tù nhân khác. Bầu khí sầu thảm như đám tang. Một trong các tù nhân đã tìm cách treo cổ tự tử với một sợi dây thép. Những người khác gọi tôi. Tôi đến nói chuyện với anh. Sau cùng anh lắng nghe lời tôi. Cách đây hai năm trong một cuộc họp liên tôn tại California, tôi đã gặp lại anh. Mặt mừng rỡ, anh tiến tới gặp tôi và cám ơn tôi. Anh đã cho mọi người xem các vết sẹo còn hằn trên cổ.

Trong cuộc hành trình, khi các tù nhân biết có giám mục Nguyễn Văn Thuận, họ đến với tôi để kể lể các nỗi âu lo của họ. Tôi đã chia sẻ các khổ đau của họ và an ủi họ hàng giờ và suốt cả ngày. Trong ba ngày trên tàu, tôi an ủi các tù nhân khác và tôi suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đêm thứ hai, giữa cái lạnh của Thái Bình Dương trong tháng mười hai, tôi bắt đầu hiểu rằng ơn gọi của tôi bắt đầu một giai đoạn mới. Trong giáo phận, tôi đã đưa ra các sáng kiến khác nhau cho công tác rao truyền Tin Mừng cho người bên lương. Giờ đây, tôi phải cùng Chúa Giêsu đi về nguồn gốc của việc loan báo Tin Mừng, phải cùng Ngài ra đi chết “bên ngoài tường thành” bên ngoài tường thánh (ĐHY Phan xicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chứng nhân Hy Vọng).

Suy niệm

Trong ngữ cảnh của đoạn Tin Mừng hôm nay là tất cả những xung đột, chia rẽ mà Chúa Giêsu nói đến, đó là hình ảnh biểu tượng những sự việc xảy ra trong sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục sinh. Các ngôn sứ cũng nói tiên tri về hình ảnh biểu tượng chia rẽ của ngày sau hết, thời kỳ Mêssia: “Quả thật, con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà hóa ra thù địch” (Mk 7,6; x. Ml 3,24).

Chia rẽ xung đột còn xảy ra giữa Đức Kitô và những người liên hệ: Thầy trò chia ly, môn đệ phản Thầy, bán Thầy, chối Thầy... Giáo hội cũng đã trải qua những cuộc bách hại, xung đột và chia rẽ với những thế lực chống Tin Mừng trong suốt chiều dài lịch sử, từ những cuộc bách hại đầu tiên ở đế quốc Rôma vào thế kỷ I. Ngày hôm nay Giáo hội vẫn còn bị bách hại tại nhiều nơi trên thế giới đặc biệt nơi các nước Hồi giáo. Gần nhất, chúng ta thấy rõ trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, những cuộc bắt hạch đạo đẫm máu giữa những người cùng một dân tộc. Sự chia rẽ nơi Giáo hội Chúa Kitô trong lịch sử: Chính Thống Giáo ở thế kỷ X, Tin Lành ở thế kỷ XVI...

Denys le Chartreux đã suy tư về sự chia rẽ, xung đột trong Giáo hội như sau:

“Những người tin, yêu mến Thiên Chúa tìm kiếm sự bình an tâm hồn, họ sẽ cảm nghiệm bổn phận bất tuân với những điều xấu. Họ sẽ chia rẽ với những gì làm cản trở đời sống thiêng liêng và sự trong sáng của tình yêu Thiên Chúa”....

Đứng trước xung đột nội tâm, chia rẽ, những cảnh tang thương mà ta phải đối diện. Chúng ta hãy chiêm ngắm sự tranh đấu hiệp nhất trong thánh ý Cha của Đức Kitô nơi vườn Cây Dầu để tiếp tục chiến đấu, vượt qua xung đột để lửa tình yêu, bình an và hy vọng được đốt lên trong tâm hồn. Chúng ta ngắm nhìn khuôn mặt của Chúa Kitô vác thập giá, Ngài đang cùng ta tranh đấu, gánh trên vai xung đột chia rẽ, để chúng ta cùng với Ngài lãnh nhận chiến thắng Phục sinh.

Ý lực sống:

“Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn” (Dt 12,2).

Suy Niệm 8: Phải chọn lựa dứt khoát (Mt 10,34-11,1)

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Bài Tin mừng hôm nay làm cho chúng ta có cảm tưởng Chúa Giêsu đưa ra toàn là những điều nghịch lý. Tại sao Chúa Giêsu không đem đến hoà bình mà lại đem chiến tranh? Thực sự phải đi sâu vào vấn đề mới có thể hiểu được. Chúng ta đừng tưởng hòa bình là không có chiến tranh. Nhưng đúng hơn hoà bình đích thực chỉ có sau những trận chiến ác liệt. Trận chiến là cuộc phân chia phải-trái, thiện-ác, và quyết liệt là chọn lựa điều thiện. Vì thế, nếu chưa chiến đấu là còn lưỡng lự chưa dứt khoát. Thiên Chúa không chấp nhận tình trạng dở dở ương ương. Nóng thì nóng hẳn, nguội thì nguội hẳn, hâm hâm dở dở, Thiên Chúa sẽ loại trừ.

Sự chọn lựa của người môn đệ theo Chúa

“Anh em đừng tưởng Thầy đem đến bình an cho trái đất: Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10,34-36).

Nghe có vẻ ngược đời, nhưng sự chia rẽ ở đây nói lên một sự lựa chọn cho người môn đệ. Những ai dám sống và hành động theo con đường Chúa Giêsu, thì thường bị người đời coi là dại dột, là ngu xuẩn, là điên rồ, thậm chí còn bị ghen ghét hoặc bị bách hại đủ điều. Vì thế, Người đòi môn đệ phải sẵn sàng chia sẻ sự đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu. Vì thực tế sẽ có sự chia rẽ từ trong gia đình: trong cùng một nhà mà có những người tin Chúa và có kẻ lại không tin. Nhưng ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được ơn cứu độ.

Có thể nói, bài Tin mừng hôm nay cho biết hệ quả của bước đường theo Chúa. Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.

Thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn

“Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37).

Phải chăng Chúa Giêsu đặt ra một điều kiện của Chúa quá khó? Sở dĩ Ngài đưa ra điều kiện như vậy, để nói lên một sự dứt khoát chứ không phải nửa vời. Ngài không khuyến khích việc vô ơn bất hiếu với cha mẹ, hoặc phải sống vô tâm vô tình với người thân, nhưng là Ngài muốn nhấn mạnh đến sự ưu tiên chọn Chúa là trên hết và Ngài đòi hỏi sự so sánh hơn kém khi phải chọn lựa. Nếu phải chọn lựa giữa Chúa Giêsu với cha mẹ và người thân, thì những người quyết tâm theo Chúa phải dám chọn Chúa Giêsu là gia nghiệp.

Bỏ cha, bỏ mẹ, vợ con, anh em là bỏ những cái gì ngoài mình, nhưng Chúa còn đòi hỏi hơn nữa là dám bỏ cả mạng sống nếu phải làm chứng cho Chúa (Mỗi ngày một tin vui).

Hoa quả của lòng bác ái

“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy... Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,40.42).

Chúa Giêsu khẳng định về chiều kích tương quan hàng dọc với Thiên Chúa dựa trên tương quan đức ái với đồng loại. Khi chúng ta làm điều gì cho anh em là chúng ta đang làm cho chính Chúa Giêsu và cũng đồng thời đang làm cho Chúa Cha.

Việc bác ái dù nhỏ nhất nhưng luôn có giá trị cứu độ. Thiên Chúa sẽ trả lẽ cho chúng ta trong nước của Ngài bằng với những gì chúng ta đã trao tặng cho tha nhân, dù chỉ là một bát nước lã thì Thiên Chúa cũng ghi nhận.

Vấn đề được Thiên Chúa ân thưởng không hệ tại ở giàu hay nghèo, cũng không hệ tại cho hàng tỷ đồng hay chỉ là một bát nước lã, nhưng là biết sống tương quan đức ái với tha nhân, giúp đỡ nhau vì lòng mến Chúa và yêu đồng loại. Người cho nhau một ly nước vì Chúa thì có giá trị hơn gấp bội so với người cho cả gia tài chỉ vì được ca tụng đời này (Hiền Lâm).

Truyện: Cách vác thập giá

Một hôm, Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ, Ngài đưa họ đến đầu con đường rồi trao cho mỗi người một cây thập giá và nói: “Các con hãy vác thập giá này và đi đến cuối con đường, Thầy sẽ đợi các con ở đó”. Nói xong, Chúa biến đi. Và hai môn đệ bắt đầu vác lấy thập giá của mình.

Người thứ nhất xem ra vác nhẹ nhàng, chân rảo bước mỗi lúc một nhanh. Nội trong ngày hôm đó, anh đã đến cuối đường và vui mừng gặp Chúa Giêsu đang đứng chờ sẵn ở đó.

Còn người thứ hai mãi đến chiều hôm sau mới đi hết con đường, xem ra anh ta mệt mỏi, không còn vác, nhưng kéo lê thập giá mỗi lúc một nặng thêm và làm anh ta gần kiệt sức. Vừa gặp Ngài, anh ta phàn nàn ngay: “Chúa đối xử bất công quá. Chúa cho con cây thập giá nặng, còn anh kia Chúa cho thập giá nhẹ, nên anh ấy đã đến trước con lâu như vậy”.

Gương mặt vui tươi của Chúa bỗng trở nên nghiêm nghị. Ngài nói: “Này con, Ta không đối xử bất công, hai cây thập giá giống và nặng như nhau. Con đừng trách thập giá nặng nhẹ, nó trở nên nặng là vì tâm hồn con ngay từ đầu và trong suốt quãng đường Ta đã chỉ, con luôn than phiền và càng than phiền thì nó càng trở nên nặng nề. Người bạn đồng hành của con đến trước, vì tâm hồn lúc nào cũng tràn đầy yêu thương”.