Dân Chúa Âu Châu

thu 7 t5 ps bd1Chấp nhận lội ngược dòng.

Thứ Bảy tuần 5 Phục Sinh.

"Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian".

Lời Chúa: Ga 15, 18-21

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con.

Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ.

Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Đấng đã sai Thầy".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Thế gian ghét anh em

Suy niệm:

Khi Đức Giêsu còn sống bên các môn đệ,

chưa xảy ra chuyện các môn đệ bị thù ghét một cách nghiêm trọng.

Nhưng khi Tin Mừng Gioan được viết gần xong, thì chuyện đó đã xảy ra rồi.

Các Kitô hữu gốc Do thái đã bị trục xuất ra khỏi hội đường,

và người Rôma đã bách hại các Kitô hữu không nương tay.

Bài Tin Mừng hôm nay là một lời tiên báo của Đức Giêsu

về số phận của các Kitô hữu, trong mọi thời đại.

Đức Giêsu đã nói đến việc mình tự nguyện hy sinh mạng sống,

vì Ngài là Mục tử nhân lành muốn bảo vệ đàn chiên (Ga 10, 11. 17-18).

Ngài sẽ phải chiến đấu gay gắt để chống lại sói dữ hay kẻ trộm.

Đức Giêsu cũng nói đến việc Ngài sẽ hy sinh mạng sống

cho bạn hữu của mình là các môn đệ (Ga 15, 12-13).

Ngài sẽ xung đột với tên Thủ lãnh thế gian (Ga 14, 30).

Thế gian là một thế lực thù ghét và âm mưu chống lại Ngài.

Một số nhà lãnh đạo Do thái giáo đã đứng hẳn về phía thế gian ấy.

Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là đỉnh điểm của sự thù ghét.

Thủ lãnh thế gian đã có được một chiến thắng tạm thời.

Nhưng chính sự thua cuộc của Đức Giêsu lại vén mở tình yêu Thiên Chúa,

và là khởi đầu cho một chiến thắng vẻ vang hơn, chiến thắng chính Tử thần.

Những môn đệ Đức Giêsu cũng phải chia sẻ số phận của Thầy.

Không phải các môn đệ luôn luôn được thế gian đón nhận.

“Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (c. 20).

“Nếu thế gian ghét anh em,

hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước khi nó ghét anh em” (c. 18).

Bị ghét bỏ, bị bắt bớ, bị giết hại: đó là thân phận của Thầy Giêsu,

và của những học trò đi theo Thầy, mãi đến tận thế.

Nếu thế gian có thái độ thù nghịch với các Kitô hữu,

lý do là vì họ không thuộc về thế gian, và đã được tách khỏi thế gian (c. 19).

Tuy nhiên, họ vẫn không bị cất khỏi thế gian (Ga 17, 15),

mà còn được sai vào trong thế gian để biến đổi thế gian đó (Ga 17, 18).

Chính cái thế giằng co thuộc về bản chất của người Kitô hữu:

vừa ở trong thế gian, lại vừa không thuộc về nó,

vừa được chọn ra khỏi thế gian, lại vừa được sai vào trong nó,

đã đưa người môn đệ vào những thách đố khôn lường.

Theo một nghiên cứu năm 2002 của nhà báo người Ý, ông Antonio Socci,

có khoảng 70 triệu người Kitô hữu chết vì đức tin trong 20 thế kỷ qua.

Nhưng chỉ riêng trong thế kỷ 20, đã có hơn 45 triệu người bị chết.

Chúng ta không kiểm chứng được nghiên cứu của ông này,

nhưng chúng ta biết cuộc bách hại các Kitô hữu vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Xin được ơn thuộc trọn về Giêsu dù phải lội ngược dòng với thế gian.

Cầu nguyện:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

SUY NIỆM 2: THẾ GIAN GHÉT BỎ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Ta thường băn khoăn bực dọc không hiểu tại sao người ta o ép người có đạo, gây khó dễ cho sinh hoạt đạo, tịch thu tài sản đất đai của Giáo hội. Ta đau buồn vì thấy tại nhiều nơi trên thế giới cuộc bách hại vẫn tiếp diễn. Các nhà thờ bị đốt phá. Các thừa sai bị giết chết. Các tín hữu chịu đối xử bất công. Ta thắc mắc tại sao người ta gian dối không bao giờ nói sự thật. Giáo hội bị vu khống là theo nước ngoài, là đi với thực dân phản bội dân tộc. Nhà thờ không được xây dựng vì không có nhu cầu. Linh mục không được bổ nhiệm vì lý do an ninh.

Thực ra sau cùng chỉ còn một cuộc chiến giữa Thiên Chúa và ma quỉ. Giữa những người tin Chúa và những tay sai của ma quỉ. Hôm nay Chúa Giê-su nhắc nhở ta điều đó. Đừng băn khoăn thắc mắc làm gì. “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước”.

Vậy nếu ta bị ghét bỏ, bị đối xử bất công thì đừng lạ và cũng đừng buồn. Vì đó là dấu hiệu ta thuộc về Chúa. Đó là dấu hiệu ta không thuộc về thế gian. “Vì Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em”.

Trái lại khi nào ta được thế gian ưu đãi yêu chiều hãy lo sợ. Đừng tưởng rằng như thế là thuận lợi cho việc truyền giáo, là vinh danh cho Chúa, là phát triển Giáo hội. Ông Lưu bách Niên, chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Trung quốc đã nói: Chúng tôi vẫn có đức tin. Chúng tôi mới làm cho Giáo hội phát triển. Đó là dấu hiệu ta thuộc về thế gian. Lời Chúa hôm nay cảnh báo ta: “Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó”.

Thánh Phao-lô là người hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Vì theo Chúa Giêsu ngài đành mất tất cả những ưu quyền đặc lợi trước kia. Thuộc về Chúa Kitô, ngài không còn sống theo xác thịt nữa, chỉ tuân theo ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Nên ngài không vào Axia hay Bithynia, nhưng lại vào Ma-kê-đô-nia.

Một cuộc sống theo ơn Chúa Thánh Thần soi sáng sẽ được bình an và hoan lạc. Dù bị thế gian ghét bỏ, bạc đãi. Dù gặp rất nhiều nghịch cảnh trên đời. Niềm bình an hoan lạc vì biết mình thuộc về Chúa, được sống trong Chúa và có Chúa trong mình.

SUY NIỆM 3: Chấp nhận lội ngược dòng.

Với cuộc thăm viếng các nước Hy Lạp, Siri và Malta (từ ngày 4 đến 5/05/2001), Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã muốn đi lại cuộc hành trình của thánh Phaolô tông đồ. Ðặc biệt tại Siri, Ðức Thánh Cha đã sống lại một trong những cảnh sống động nhất trong lịch sử Giáo Hội là cuộc trở lại của thánh Phaolô.

Sách Tông Ðồ Công Vụ thuật lại rằng: "Lúc ấy, Saolô vẫn còn hằm hằm giết các môn đệ của Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Damasco để, nếu thấy những người theo đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem. Vậy, đang khi ông đi đường đến gần Damasco, thì bỗng nhiên có một luồng sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: "Saolô, Saolô, tại sao ngươi bách hại ta?" Ông hỏi: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Người đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại". Kinh nghiệm này cho thánh Phaolô xác tín lại chính vì Chúa Kitô mà các tín hữu Kitô bị bách hại. "Nếu thế gian có ghét các con, thì hãy biết ra họ đã ghét Thầy trước". Nếu Chúa Giêsu là đối tượng của những chống đối, loại trừ, và cuối cùng là thập giá, thì bị bách hại là phần số tất yếu của các tín hữu Kitô. Những hình thức và cường độ bách hại có khác nhau qua những thời đại và xã hội, nhưng lý do bị bách hại vẫn không thay đổi. Chính vì Chúa Kitô mà các tín hữu bị bách hại. Nơi họ, mầu nhiệm bách hại của Chúa Kitô vẫn tiếp tục tái diễn. Nếu các thủ lãnh Do Thái Giáo nhân danh đạo giáo và cấu kết quyền lực của đế quốc để loại trừ Chúa Giêsu, thì qua các thời đại và ở bất cứ nơi đâu Giáo Hội có mặt, bản án dành cho Giáo Hội vẫn luôn mang tính tôn giáo. Hoàng đế Nêron của đế quốc Lamã đã ra lệnh tàn sát các tín hữu Kitô bởi vì niềm tin của họ là một đối đầu và thách thức cho thứ tôn giáo đang được áp đặt trên toàn đế quốc.

Nếu giáo huấn và cuộc sống của Chúa Giêsu là một đe dọa cho trật tự mà Do Thái Giáo đã thiết lập, thì niềm tin của các tín hữu tiên khởi cũng là một đe dọa không kém cho quốc giáo của đế quốc Lamã. Nhìn vào lịch sử của Giáo Hội tại Việt Nam, người ta thấy rằng lý do của những cuộc bách hại cũng tương tự. Những vua chúa Việt Nam cũng ban hành các dấu chỉ cấm đạo và bách hại các tín hữu Kitô, là bởi vì họ xem Kitô giáo như một tà đạo, nguy hại cho đạo giáo vốn đang được thực hành trên đất nước.

Tựu trung, nếu các tín hữu Kitô có bị bách hại là bởi vì niềm tin Kitô luôn là thách đố và tra vấn cho lương tâm con người. Nhìn lại các cuộc bách hại đã và đang diễn ra trong các chế độ toàn trị, người ta cũng thấy rằng chính vì chủ trương duy vật vô thần mà các chế độ độc tài bách hại Giáo Hội. Chính vì đến để làm chứng và nói lên sự thật mà Chúa Giêsu đã bị chống đối, khước từ và loại trừ. Ngày nay, bất cứ ai sống cho sứ mạng ấy, dù đang sống trong xã hội nào cũng đều bị bách hại cách này hay cách khác. Năm 1968, khi Ðức Phaolô VI công bố thông điệp Sự Sống Con Người, trong đó ngài lên án não trạng chống lại sự sống của con ngườ thời đại, người ta đã có lý để gọi ngài là một người dám chống lại cả thế giới.

Sống cho sự thật, làm chứng cho sự thật, dám nói lên sự thật là chấp nhận bị tẩy chay, bị loại trừ, bị bách hại. Một số phận như thế lại càng rõ nét hơn trong một chế độ xây dựng trên dối trá, lừa bịp. Trong một chế độ như thế, những ai trung thành với Chúa Giêsu, Ðấng đã bị bách hại vì sự thật, chắc chắn không thể không bị bách hại.

Xét cho cùng, sống đạo, dù trong xã hội và hoàn cảnh nào cũng đều chấp nhận lội ngược dòng. Và lội ngược dòng có nghĩa là sẵn sàng mất tất cả, ngay cả mạng sống của mình để không đánh mất chính bản thân.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 4: Thuộc về đâu.

Tin mừng Đức Giêsu Kitô gây ra nhiều chia rẽ, nhiều xâu xé. Người đã loan báo sự chia rẽ trong cùng một gia đình như anh sẽ nộp em vì danh Ngài. Nhưng sự xâu xé sâu xa nhất ở trong nội tâm mỗi người chúng ta khi chúng ta cảm xúc trước lời Ngài. Lời Ngài gây ra sự chia rẽ giữa những thành phần yêu đương nhất trong gia đình, nghề nghiệp, xã hội, đức tin, chúng ta thử cố gắng giải quyết để duy trì quân bình giữa các thành phần này.

Nhưng có lúc dù cố gắng giải mã thế nào, chúng ta vẫn có thể phản bội đối với phe này hoặc phe kia. Lời Chúa tuyên bố hôm nay cảnh giác chúng ta và mời gọi chúng ta biết phán đoán sáng suốt về tương quan của chúng ta với thế gian.

Một điều làm tôi càng ngày càng bức xúc là: Làm thế nào những Kitô hữu không khó chịu về mình không còn là Kitô hữu nữa? Sao những người Kitô hữu không biết hàn gắn sự đổ vỡ trong xã hội.

Có thể do hoàn cảnh của chúng ta quá lệ thuộc vào thế gian hơn vào Đức Giêsu Kitô, quá chú ý theo lối suy nghĩ của xã hội hơn những chân lý của lời Chúa.

Chúng ta là hạng người bị quay theo chiều gió, trôi theo giòng nước. Chúng ta để bao nhiêu giờ đi tìm kiếm những lệ thuộc và những cổ động ủng hộ của những người khác. Đây có lẽ có một cơn khủng hoảng tôn giáo tận gốc mà Giáo hội phải vượt qua do những tín hữu chủ trương lối sống vô thưởng vô phạt. Ai cũng biết rằng chính lẽ ra Kitô hữu mỗi ngày phải nên mới: “Nhật nhật tân, hựu nhật tân”.

Chúng ta cần cân nhắc những giá trị này: Nếu tôi thuộc về thế gian, tôi được thế gian yêu thích, tôi sẽ không là kiểu người ngoại lệ. Trái lại, nếu tôi thuộc về Đức Kitô, thì ngay lập tức, lời Đức Kitô sẽ áp dụng cho tôi: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em”, vì anh em đảo ngược những tư tưởng và lối sống thế gian của họ.

C.G

SUY NIỆM 5: Thế gian thù ghét

Tác giả Tacitus của Đế quốc Rôma vào thế kỷ thứ nhất, trong tập sử ký của ông có ghi lại cuộc bách hại đầu tiên mà Giáo Hội phải trải qua như sau: “Rôma năm 64, Hoàng đế Néron, để dẹp bỏ tiếng đồn tố cáo ông là người đã nổi lửa đốt thành Rôma, đã ra lệnh lùng bắt những người mà dân chúng gọi là Kitô hữu. Một đám đông vô kể bị bắt giữ vì bị tố cáo không những đã gây ra cuộc hỏa hoạn, mà lại còn thù nghịch với các thần minh và nhân loại. Tất cả đã bị đem ra chế diễu và bị hành hạ cho đến chết: một số bị gói trong những mảnh da thú và quăng cho chó cắn xé; một số khác bị thiêu sống, như thế khi màn đêm vừa buông xuống, người ta dùng họ như những bó đuốc để soi sáng ban đêm; nhiều người khác bị đóng đinh cách dã man. Cảnh tượng ấy diễn ra trong các vườn thượng uyển cuả Néron cũng như tại Hí trường, nó dã man đến nỗi đã làm cho dân chúng xúc động và thêm bất mãn.

Trên đây là trang sử đầu tiên trong lịch sử các cuộc bách hại Giáo Hội đã trải qua từ 2.000 năm nay. Ở đâu có Giáo Hội, ở đó có bách hại. Thánh Gioan khi ghi lại đoạn Tin mừng hôm nay cũng nhìn thấy trước mắt cảnh tàn sát dã man mà các tín hữu tiên khởi đã trải qua dưới thời Néron. Cũng như các tín hữu tiên khởi, chúng ta được Giáo Hội cho lắng nghe chính những lời loan báo của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã bị bách hại cho đến chết, do đó tất cả những ai làm môn đệ Ngài cũng không thể không đi con đường ấy. Đó là một tất yếu: dù sống trong hoàn cảnh hay xã hội nào, bị thế gian thù ghét là phần số của người Kitô hữu. Điều đó không nên làm cho người Kitô hữu phải ngạc nhiên, bởi vì cuộc sống của họ là một cuộc sống đi ngược dòng. Bị thế gian thù ghét không phải là điều bất thường đối với thân phận làm kitô hữu; cái bất thường trong thân phận Kitô hữu chính là cuộc sống dễ dãi, thỏa hiệp, chạy theo dòng thác của thế tục.

Một sử gia khác của Đế quốc Rôma vào thế kỷ 1 là Plinus cũng phải ngạc nhiên không hiểu tại sao các Kitô hữu phải bị ghen ghét và bách hại. Trong một lá thư thỉnh ý trình lên Hoàng đế Trajanus, với tư cách là toàn quyền Bithinia, ông đã viết: “Tâu bệ hạ, thần thấy có nhiệm vụ phải thỉnh ý bệ hạ, bởi vì vấn đề của các người Kitô hữu đang lan rộng, thần phải xử trí thế nào. Cho đến nay thần tưởng đã làm đúng khi tha bổng những người đã chối bỏ mình là Kitô hữu, nếu sau khi được xét xử, họ cầu khẩn với các thần mình, dâng hương và rượu trước ảnh của bệ hạ mà thần cho đặt vào giữa các thần minh, và nhất là phỉ báng ông Kitô. Không thể cưỡng bách những người Kitô hữu đích thực làm một điều như thế. Qua những cuộc tra hỏi, sai lầm duy nhất của các Kitô hữu là tụ họp lại trong một ngày nào đó khi mặt trời vừa lên để ca hát chúc tụng ông Kitô như một Thiên Chúa. Trong những cuộc tụ họp như thế dường như họ thề quyết không làm điều ác, mà trái lại trở thành những công dân tốt, thanh liêm và đáng trọng nể”.

Quả là “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Chứng từ trên đây của Plinus cho thấy cho dẫu có quyết tâm sống như những công dân tốt, các Kitô hữu vẫn bị nghi ngờ và bị bách hại. Tình trạng này dường như xảy ra trong bất cứ thời đại và xã hội nào. Lý do duy nhất để các Kitô hữu hiểu được tại sao họ bị bách hại chính là lời của Chúa Giêsu: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng nó đã ghét Ta trước”. Đó là chìa khóa để chúng ta hiểu được vị thế của Giáo Hội trong thế gian, một thế gian được Thiên Chúa yêu thương đến nỗi đã ban Con Một Ngài, nhưng cũng là một thế gian đang bị sức mạnh của tăm tối lôi kéo. Sứ mệnh của Giaó Hội và của mỗi kitô hữu là chống lại sức mạnh tăm tối ấy và do đó bị ghen ghét, bách hại là điều không thể tránh khỏi.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức sâu sắc về danh hiệu Kitô của chúng ta. Mang danh hiệu Kitô là tham dự vào mầu nhiệm Tử nạn và Thập giá của Chúa Kitô, nhưng chúng ta tin chắc rằng nhờ tham dự vào mầu nhiệm khổ nạn và Thập giá ấy mà chúng ta góp phần vào việc cứu rỗi và canh tân thế giới. Khổ đau mà các Kitô hữu đang phải gánh chịu vì Danh Chúa Giêsu là hạt giống trổ sinh những hoa trái của niềm tin.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 6: XIN CHO ĐƯỢC XỨNG ĐÁNG (Ga 15, 18-21)

Người Công Giáo mọi thời, mọi nơi luôn gặp phải những thử thách, bắt bớ. Thực trạng này càng rõ rệt hơn nữa trong những năm gần đây: nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân bị bắt, giết chết cách tàn nhẫn ác ôn...!

Tại sao vậy? Thưa, chỉ vì người Kitô hữu mãi mãi là khách lạ trên cuộc đời này khi không chịu khuất phục những điều gian dối, bất nhân trái với luân lý và giá trị Tin Mừng... Vì thế, việc bắt bớ, loại trừ là điều mà những kẻ chống đối Giáo Hội luôn nhắm tới chúng ta.

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng cảnh báo cho các môn đệ biết trước những đau khổ mà các ông sẽ phải chịu vì danh Ngài. Đồng thời, Ngài cũng đưa ra một quy luật: “Tôi tớ không trọng hơn chủ được”; “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước”; “Nếu họ bắt bớ Thầy, họ cũng bắt bớ anh em”.

Tuy nhiên, mỗi người chúng ta khi đứng trước thử thách, đau khổ, bách hại... cần phải có thái độ:

Thứ nhất: Thiên Chúa luôn thanh luyện con người bằng thử thách để xứng với vinh quang mà Ngài sẽ ban cho sau những khổ đau ấy. Bởi vì: nếu ta cùng lao khổ với Người thì cũng được vinh hiển với Người (x. Rm 8, 17). Những bất hạnh, mất mát và thiệt thòi ở đời này không đáng là gì so với vinh quang sẽ tỏ hiện mai sau (x. Rm 8, 18).

Thứ hai: chỉ những ai bền đỗ đến cùng trong thử thách mới được cứu độ (x. Mt 10, 22). Triều thiên sự sống chỉ có thể trao ban ở cuối đường cho những ai trung thành (x. Kh 2, 10).

Thứ ba: cần có thái độ như thánh Phaolô: mọi sự đều mưu ích cho con cái Chúa (x. Rm 8, 28) và Ngài không thử thách quá sức chịu đựng của con người.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức sâu sắc về danh hiệu Kitô hữu của mình. Khi mang danh hiệu này, chúng ta thuộc về Đức Kitô, được thông phần đau khổ với Ngài và được vinh hạnh cùng Ngài cứu chuộc thế giới ngang qua những đau khổ mà chúng ta phải chịu vì danh Đức Giêsu. Vì thế: những trái khuấy dồn dập tư bề; những đau khổ về tinh thần lẫn thể xác như: bị bắt bớ, đánh đập và ngay cả cái chết... chúng ta hãy vui mừng hân hoan, bởi lẽ, lúc đó, chúng ta được trở nên giống Đức Giêsu hơn bao giờ hết và thật vinh hạnh vì được thuộc về Ngài chứ không thuộc về thế gian.

Lạy Chúa Giêsu, vì danh Chúa, nhiều khi chúng con bị khổ cực đắng cay. Xin Chúa ban sức mạnh, để chúng con trung thành vác thập giá hằng ngày cho nên. Amen.

Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 7:, , , , , , , , , ,

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Người an phận không thể là môn đệ của Đức Kitô. Muốn là môn đệ của Đức Kitô, con người phải dám chấp nhận bị thế gian thù ghét.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người ta thường nói “Sự thật mất lòng”. Chúa đã thấm thía kinh nghiệm này, Chúa bị ngược đãi, bị chết trên thánh giá, chẳng phải vì Chúa gian ác, nhưng chính vì Chúa là Đấng công chính.

Chúa là chân lý và là Đấng công chính, Chúa đã không thỏa hiệp với giả dối, với những bê bối của trần thế, Chúa chết vì lòng thù hận của những kẻ giả dối: vì Chúa dám nói thẳng nói thật những giả hình của nhóm biệt phái và nhóm kinh sư, vì Chúa dám dùng dây thừng dẹp cảnh trục lợi, buôn gian bán lận trước đền thờ Giêrusalem. Chúa chết vì không mị dân: Chúa không chiều theo thị hiếu của dân chúng, không làm phép lạ cho vua Hê-rô-đê được thỏa tính tò mò.

Lạy Chúa, Chúa dạy con muốn là một Kitô hữu, con không được sống an phận. Muốn nên công chính, con cũng phải bước theo Chúa là chân lý, phải sống thẳng thắn theo gương của Chúa dù có bị thế gian thù ghét loại trừ.

Có những lúc con thuộc về trần thế. Khi con nịnh bợ người khác để cầu lợi, khi con ngại nhắc nhở nhau vì sợ mất lòng, khi con nể nhau mà làm điều sai trái phiền lòng Chúa... Đó là những lúc con bỏ Chúa mà thỏa hiệp với trần thế.

Lạy Chúa, dù con còn yếu đuối, xin Chúa vẫn thương đón nhận con vào nhóm môn đệ của Chúa. Từ nay con quyết sống thẳng thắn, nói thật, làm đúng, để đáng là môn đệ của Chúa. Xin thêm sức cho con để con biết sống theo gương thẳng thắn của Chúa, nhất là khi con cố gắng mà không tránh khỏi những phật lòng phiền luỵ. Xin Chúa nâng đỡ con. Amen.

Ghi nhớ: “Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian”.

SUY NIỆM 8:, , , , , , , , ,

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một triết gia nổi tiếng, mỗi khi dạy học, thường bắt học sinh trả tiền. Ngày đó, có một thanh niên nghèo đến xin làm đệ tử. Ông hỏi: “Anh có gì trả cho tôi không?”.

Chàng thanh niên khôn ngoan đáp: “Con sẽ cho thầy cả con người của con”.

Ông thầy nhìn anh rồi nói: “Được, tôi nhận anh. Nhưng anh phải cố gắng mỗi ngày để thăng tiến hơn con người hiện tại của anh”.

Những ai muốn tận hiến cho Chúa cũng phải cố gắng mỗi ngày để nên giống Đức Kitô hơn. Nên giống Chúa Kitô trong đau khổ và trong phục sinh...

Suy niệm

Khi bước theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, người môn đệ đã chấp nhận dấn thân vào sứ mạng thầy uỷ thác, Chúa Giêsu cho các ông thấy một viễn ảnh chẳng mấy tốt đẹp: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị thế gian bắt bớ và ghét bỏ”. Nếu Chúa Giêsu bị hiểu lầm, chống đối, thù ghét... thì số phận của những người theo Ngài cũng giống như vậy. (x. Mc 13, 9-13; Mt 10, 17-22; Lc 21, 12-19). Như thầy, các môn sinh sẽ lãnh lấy phần thua thiệt để phải hy sinh cả mạng sống. Ðiều này không chỉ xảy ra trong Giáo hội thời sơ khai, nhưng mãi mãi cho đến hôm nay vẫn luôn còn bị bách hại.

Dù trước viễn ảnh đen tối, các môn đệ của Chúa Giêsu không thất vọng chùn chân, ngay sau đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa hứa ban bình an và niềm vui cho những ai theo Ngài. Ngài đã khẳng định sẽ soi sáng và nâng đỡ cho những ai đang đối mặt với thử thách.

Trong ý nghĩa mầu nhiệm thập giá, thánh Phêrô kêu mời tất cả các Kitô hữu hãy vui mừng khi tham dự vào đau khổ của Đức Kitô: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Ngài tỏ hiện, anh em cũng được vui mừng hoan hỉ” (1Pr 4, 12-13). Cho nên, trong đau khổ thử thách tâm trạng của Phaolô: “Tôi vui mừng chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích thân thể Người là Giáo hội” (Cl 1, 24). Sự trung thành anh dũng và vui mừng khi chịu thử thách của các môn đệ là lời giới thiệu hùng hồn đậm nét về Thiên Chúa: Trong cái chết tủi nhục của Chúa Giêsu trên thập giá, viên lãnh binh đã tuyên xưng: “Ông này thật là Con Thiên Chúa” (Mc 15, 19).

Chúng ta tin và đi theo Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều gian nan, thử thách và đau khổ. Nhưng Ðức Giêsu đã đối mặt với thử thách, đau khổ, cái chết và Ngài đã chiến thắng. Ngài cũng cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng những thử thách, bách hại khi chúng ta vững tin vào Ngài và can đảm chấp nhận bị ngược đãi, bị thua thiệt, bị mất mát vì Ngài. Như thánh Phaolô đã xác tín: Chúng ta cùng chịu đau khổ với Ngài để được vinh quang với Ngài.

Ý lực sống: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô; tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 19-20).

SUY NIỆM 9: Thế gian sẽ ghét các con

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: Đức Giêsu bị ngược đãi và bị bắt bớ vì Ngài không thuộc về thế gian. Người môn đệ của Chúa cũng không thuộc về thế gian nữa. Vì thế, họ cũng sẽ bị thế gian ghét bỏ và ngược đãi như Chúa. Chúng ta tin và đi theo Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều gian nan, thử thách và đau khổ. Nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và Ngài cũng cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng. Quan trọng là chúng ta có tin vào Ngài và can đảm chấp nhận bị ngược đãi, bị thua thiệt, bị mất mát vì Ngài hay không?

2. Đức Giêsu đã báo trước cho các môn đệ: “Thế gian sẽ thù ghét các con”. Lời Chúa nói lúc nào cũng đúng cho thời bấy giờ và sau này. Lý do thế gian ghét chúng ta vì chúng ta không thuộc thế gian cũng như Chúa không thuộc về thế gian. Họ ghét Chúa thì các môn đệ cũng bị ghét lây. Ca dao Việt nam có câu: “Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”.

Nhân tình thế thái thời Đức Giêsu cũng không ra khỏi cái lẽ thường ấy. Chính vì thế, Đức Giêsu đã cảnh tỉnh các môn đệ: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước”.

3. Từ ngữ “thế gian” mang hai ý nghĩa: thứ nhất, chỉ nhân loại cách chung, ví dụ: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình cho thế gian”. Thứ hai thế gian là “là những người không chấp nhận Đức Giêsu và thù ghét Ngài. Đây là ý nghĩa trong đoạn Tin Mừng này.

Đức Giêsu phân tích cho các môn đệ hiểu tình cảnh của các ông giữa một thế giới thù nghịch với Chúa: thế gian ghét Chúa thì cũng ghét ai theo Chúa. Sự hiện diện của Chúa phân tách thế giới thành sáng và tối, và Ngài trở thành cớ cho những kẻ ở trong bóng tối ghét bỏ Ngài và những người sống theo ánh sáng, bởi vì ánh sáng phơi bầy công việc gian tà của họ.

4. Nếu các tín hữu Kitô có bị bách hại là bởi vì niềm tin Kitô là thách đố và tra vấn cho những lương tâm con người. Nhìn lại các cuộc bách hại đã và đang diễn ra trong các chế độ toàn trị, người ta cũng thấy rằng chính vì chủ trương duy vật vô thần mà các chế độ độc tài bách hại Giáo hội. Chính vì đến để làm chứng và nói lên sự thật mà Đức Giêsu đã bị chống đối, khước từ và loại trừ. Ngày nay, bất cứ ai sống cho sứ mạng ấy, dù đang sống trong xã hội nào cũng đều bị bách hại cách này hay cách khác.

Năm 1968, khi Đức Phaolô VI ra thông điệp ”Sự Sống Con Người”, trong đó Ngài lên án não trạng chống lại sự sống của con người thời đại, người ta đã có lý để gọi Ngài là một người chống lại cả thế giới.

5. Có một điều hiển nhiên đó là: làm người chẳng ai muốn mình bị thù ghét. Thế nhưng, một điều khác hiển nhiên không kém, đó là một khi đã đi theo Đức Kitô để thuộc về Ngài thì: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ các con” (Ga 15, 20). Đó là một thực tế phũ phàng không có lựa chọn nào khác... Dĩ nhiên, Đức Kitô không chọn cách sống để bị thù ghét, mà là chọn sự thật, một sự thật đến từ Chúa Cha, và cũng trong chính sự thật ấy người ta đã ghét Ngài: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3, 19).

Mang thân phận là Kitô hữu, chúng ta phải đối diện với sự thù ghét của thế gian, nếu không chúng ta chỉ là Kitô hữu “hữu danh vô thực”. Vấn đề không phải sống làm sao để đừng bị ghét, mà phải ứng phó với thực tế ấy như thế nào? Đức Kitô vẫn yêu thương con người đến cùng. Ngài sẵn sàng đón nhận sự thù ghét, chấp nhận chết để thực hiện ơn tha thứ, kể cả với kẻ ghét mình. Đó cũng là con đường Ngài mời gọi chúng ta bước theo, nếu muốn thành môn đệ của Ngài, là Kitô hữu thực thụ (5 phút mỗi ngày).

6. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức sâu sắc về danh hiệu Kitô hữu của mình. Khi mang danh hiệu này, chúng ta thuộc về Đức Kitô, được thông phần đau khổ với Ngài và được vinh hạnh cùng Ngài cứu chuộc thế giới ngang qua những đau khổ mà chúng ta phải chịu vì danh Đức Giêsu. Vì thế, những trái khoáy dồn dập tư bề, những đau khổ về tinh thần cũng như thể xác như: bị bắt bớ, đánh đập và ngay cả cái chết... chúng ta hãy vui mừng hân hoan, bởi lẽ vì được thuộc về Ngài chứ không thuộc về thế gian.

7. Truyện: Những cuộc bách hại đầu tiên.

Tác giả Tacitus của đế quốc Rôma vào thế kỷ thứ nhất, trong tập sử ký của ông có ghi lại cuộc bách hại đầu tiên mà Giáo hội phải trải qua. Rôma năm 64, hoàng đế Néron, để dẹp bỏ tiếng đồn tố cáo là người đã nổi lửa đốt thành Rôma, ông đã ra lệnh lùng bắt người mà dân chúng gọi là Kitô hữu.

Một đám đông vô kể bị bắt giữ vì bị tố cáo không những đã gây ra cuộc hỏa hoạn, mà còn thù nghịch với các thần minh và nhân loại. Tất cả đã bị đem ra chế diễu và bị hành hạ cho đến chết: một số bị gói trong những mảnh da thú và quăng cho chó cắn xé; một số khác bị thiêu sống, khi màn đêm vừa buông xuống, người ta dùng họ thế cho những bó đuốc để soi sáng ban đêm; nhiều người khác bị đóng đinh cách dã man.

Cảnh tượng ấy diễn ra trong các vườn thượng uyển của Néron cũng như tại hý trường, nó dã man đến nỗi đã làm cho dân chúng xúc động và thêm bất mãn.