Dân Chúa Âu Châu

thu 5 t 4 PS SNCủng cố đức tin.

Thứ Năm tuần 4 Phục Sinh. – Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy".

* Thánh nữ sinh năm 1347 tại Xiêna. Ngay từ thuở niên thiếu, chị đã khao khát sống cuộc đời hoàn thiện, khát khao chiêm ngưỡng Chúa Kitô chịu đóng đinh, và phục vụ Hội Thánh bấy giờ đang bị xâu xé. Vì thế, chị đã gia nhập Dòng Ba Đaminh.

Thấm nhuần tinh thần của thánh Đaminh, chị yêu mến Thiên Chúa và tha nhân một cách nồng nàn, cổ võ bình an thuận hòa giữa các thành của nước Italia, can đảm bênh vực quyền lợi và sự tự do của Đức Giáo Hoàng và canh tân đời sống đạo đức. Chị là tác giả của nhiều tác phẩm đạo lý và tu đức.

Chị qua đời năm 1380. Ngày 18 tháng 06 năm 1939, Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên phong chị làm bổn mạng nước Italia. Và ngày 04 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên phong cho chị là tiến sĩ Hội Thánh.

Lời Chúa: Ga 13, 16-20

Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: "Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc.

Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Thật phúc cho anh em

Suy niệm:

Khi giảng cho các Giám mục Anh Giáo,

ông Jean Vanier có kể câu chuyện như sau xảy ra tại cộng đoàn của ông,

một cộng đoàn được lập tại nước Pháp để giúp những người cơ nhỡ.

Nhà ông có nhận nuôi anh Eric, 16 tuổi, vừa mù lại vừa điếc.

Anh không đi được, không muốn ăn, chỉ quậy phá và muốn chết.

Anh thật là mối kinh hoàng cho những ai phải chăm lo cho anh.

Làm sao để anh yêu cuộc sống này?

Làm sao để anh thấy mình được yêu và đáng quý,

bất chấp những khiếm khuyết của mình?

Tìm đâu thứ ngôn ngữ để một người vừa mù vừa điếc hiểu được điều ấy?

Ông Jean Vanier có nhiệm vụ tắm cho anh mỗi sáng.

Và ông đã tìm ra được thứ ngôn ngữ mà anh hiểu được, cảm được,

thứ ngôn ngữ của bàn tay, ngôn ngữ của thịt.

“Lời đã thành thịt, để thịt của chúng ta thành lời,” ông đã nói như thế.

Khi Thầy Giêsu chạm tay của mình vào chân các môn đệ để rửa

với sự trân trọng và yêu thương,

chắc họ đã cảm được thứ ngôn ngữ không lời đó.

Kinh nghiệm được Thầy rửa chân là kinh nghiệm chẳng thể nào quên.

Thầy muốn các môn đệ tiếp tục làm điều Thầy đã làm:

“Thầy đã nêu gương cho anh em,

để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15).

Thầy Giêsu nhắc các môn đệ về vị thế của họ,

vị thế của người tôi tớ, người được sai.

Vị thế này hẳn thấp hơn vị thế của Thầy là chủ, là người sai họ đi (c. 16).

Bởi đó việc rửa chân cho nhau giữa các tôi tớ là một đòi buộc (c. 14).

“Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành,

thì thật phúc cho anh em!” (c. 17).

Đức Giêsu đã biến hành vi rửa chân thành mối phúc.

Con người thường tìm hạnh phúc nơi việc được phục vụ, được tôn vinh.

Thầy Giêsu dạy ta tìm hạnh phúc nơi việc cúi xuống khiêm hạ.

Nhiều Kitô hữu đã nếm được thứ hạnh phúc này,

trong đó có ông Jean Vanier, Mẹ Têrêsa, cha Đamiêng, Đức Cha Cassaigne…

Họ đã tình nguyện dâng đời mình cho những người cùng khổ.

Hôm nay, Đức Giêsu vẫn ở nơi những người cần được rửa vết thương,

vết thương thể chất và tinh thần.

Hôm nay, Ngài vẫn ở nơi những người đang cúi xuống,

âm thầm, nhẹ nhàng băng bó các vết thương của thế giới.

Cầu nguyện:

Lạy Thầy Giêsu,

khi Thầy rửa chân cho các môn đệ

chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.

Thầy dạy chúng con một bài học rất ấn tượng

khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,

khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.

Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.

Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.

Lạy Thầy Giêsu,

thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.

Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.

Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.

Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.

Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.

Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.

Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,

chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.

Lạy Thầy Giêsu,

Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.

Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,

để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.

Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,

để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

SUY NIỆM 2: ĐÓN TIẾP CHÚA GIÊ-SU

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giê-su là trung tâm lịch sử. Trước Chúa Giê-su, tức thời Cựu Ước, dân chúng mong chờ. Giê-su nghĩa là Thiên Chúa Cứu. Từ ngàn xưa vì con người tội lỗi hư hỏng. Nên phải chịu nhiều đau khổ. Chịu chết. Nhưng vì tình thương yêu, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Độ. Đấng Cứu Thế phát sinh từ dòng tộc Đa-vít, Vị Thánh Vương lẫy lừng và đạo hạnh. Đã đưa vương quốc Giu-đa đến đỉnh vinh quang. Và toàn dân luôn mong chờ Đấng Cứu Thế mau đến để thực hiện lời Thiên Chúa hứa. Phục hồi vương quốc lẫy lừng. Đấng Cứu Thế chính là Chúa Giê-su Ki-tô. Khi Gio-an Tẩy giả xuất hiện, người ta cứ tưởng đó là Đấng Cứu Thế. Nhưng Gio-an Tẩy giả đã làm chứng về Người khi nói: “Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người”.

Thời Tân Ước chính là thời đón tiếp Chúa Giê-su. Nhưng tiếc là khi Chúa đến người ta đã không đón tiếp Chúa. Trái lại còn trao nộp Chúa. Kết án Chúa. Hành hình Chúa. Và đóng đinh Chúa trên thánh giá. Vì Chúa Giê-su không đến như một vị Quân Vương oai phong lẫy lừng. Nhưng đến như một tôi tớ hèn mọn. Không sinh ra trong hoàng cung lộng lẫy tại thủ đô. Nhưng sinh ra trong chuồng súc vật tại một làng quê nhỏ bé. Không sống trong gia đình quyền quý. Nhưng sống trong gia đình thợ thuyền. Không đến như vị tướng bách chiến bách thắng. Nhưng như một tôi tớ phục vụ. Người đã quỳ xuống rửa chân cho môn đệ.

Người truyền cho môn đệ phải tiếp tục sứ mạng cứu thế bằng phục vụ như Người: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em”. Chúa cho mọi người biết, tuy các môn đệ sống nghèo hèn phục vụ. Nhưng là thừa sai của Chúa. Và “ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. Đó là đón tiếp Chúa Cha. Là đón tiếp ơn cứu độ. Là đón tiếp phúc trường sinh.

Ta hãy rút kinh nghiệm của người Do thái. Đừng mơ tưởng một vị quân vương hiển hách. Người môn đệ hãy biết sống nghèo hèn phục vụ như Chúa. Và mọi người hãy biết đón tiếp người được Chúa sai đến. Có thể đó là Giáo hội, giáo quyền, bề trên. Nhưng có thể đó là những người nghèo hèn bất hạnh trong xã hội. Hãy biết nhận ra Chúa. Hãy đón tiếp người nghèo như đón tiếp chính Chúa. Ta sẽ được hạnh phúc. Ta sẽ được ơn cứu độ.

SUY NIỆM 3: Củng cố đức tin

Ðó là những lời Chúa Giêsu tâm sự với các tông đồ vào lúc khởi đầu cuộc khổ nạn của Ngài, loan báo tương lai cuộc sống của các tông đồ sẽ như thế nào. Nhưng tại sao Giáo Hội lại chọn để chúng ta suy niệm đoạn Phúc Âm này trong những ngày của mùa phụng vụ Phục Sinh? Những gì đã xảy ra đúng theo như lời Kinh Thánh và theo lời loan báo trước của Chúa, nhằm củng cố các tông đồ và cả chúng ta ngày hôm nay trong đức tin vào Chúa. Tin Chúa là Thiên Chúa, là Ðấng Hằng Hữu, là Ðấng Ta Là, "Ta bảo các con điều đó ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy ra để đến khi sự việc xảy ra, các con tin Ta là Ðấng Hằng Hữu, là Thiên Chúa".

Bản văn Phúc Âm thánh Gioan dùng từ "Ta là Ðấng Ta Là", từ dùng để chỉ chính Giavê Thiên Chúa. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu, các tông đồ và mỗi người chúng ta được mời gọi suy niệm những lời Chúa Giêsu có liên quan đến vận mệnh tương lai của những ai làm đồ đệ Chúa. Trước hết là hồng ân được Chúa sai đi, được đại diện cho Ngài "Ai đón rước kẻ Ta sai là đón rước Ta và ai đón rước Ta là đón rước Ðấng đã sai Ta". Ðó là chiều dọc từ con người lên cùng Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô. Mọi đồ đệ của Chúa cần phải duy trì trọn vẹn chiều dọc này. Ðây là hồng ân Chúa ban cho những con người Chúa chọn làm kẻ đại diện của Ngài, mang sứ điệp của Ngài đến cho anh chị em khác và hồng ân này có thể bị mất đi do chính quyết định tự do của con người như trường hợp của Giuđa ngày xưa, người môn đệ phản Thầy, "Ta biết những kẻ Ta đã chọn, kẻ ăn bánh cùng Ta đã giơ gót chân đạp Ta".

Lời cảnh tỉnh của Chúa thôi thúc mỗi người chúng ta xét lại cuộc sống làm đồ đệ theo Chúa của mình đang ở mức độ nào. Chúng ta sẽ làm đại diện cho Chúa một cách hữu hiệu hơn nếu chúng ta trở nên giống Chúa hơn và chia sẻ vận mệnh của Chúa: "Tôi tớ không hơn chủ; kẻ bị sai đi không trọng hơn người sai họ". Chúa đã đi qua con đường thập giá, thì đồ đệ của Ngài chắc chắn cũng sẽ đi qua con đường này. Hơn nữa, cám dỗ phản bội Chúa như Giuđa ngày xưa luôn là cám dỗ thường hằng của mọi môn đệ Chúa cả ngày hôm nay. Chúng ta hãy tỉnh thức đề phòng.

Lạy Chúa, xin hãy ban cho con ơn can đảm theo Chúa cho đến cùng trong mọi hoàn cảnh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 4: Chỗ cho đức khiêm nhường

Chúng ta không còn nghe nói đến những nhân đức Kitô giáo nữa hay cả đến những nhân đức thường nữa. Tất cả mang tiếng xấu. Chúng không còn chỗ trong văn hóa của chúng ta. Thời nay sống khiêm nhường khó biết bao! Hãy nhìn xem: Để được thăng cấp, phải tự đặt giá trị của mình nổi lên. Mọi kiểu đánh giá đều được đặt trên sự cạnh tranh và tham vọng. Người ta còn tính rằng để sống, cần phải đè nén và hạ bệ người khác để cho mình lên. Làm sao sống khiêm tốn trong một thế giới văn minh tôn sùng minh tinh, thần tượng, siêu sao, thị trường, thời trang …

Chúa nói đến đức này bằng hành động và giải thích. Bằng hành động: Trước lễ vượt qua, Người rửa chân cho các môn đệ. Đức Giêsu đã làm tôi tớ, Người có mục đích sẵn sàng phục vụ người khác. Nhưng chúng ta lại quên cử chỉ của Đức Giêsu ngay sau lễ chiều thứ năm tuần thánh. Chúng ta đã mừng lễ rất tốt, nhưng chúng ta trước và sau lễ chẳng sống chút gì với Thánh lễ.

Bằng lời nói, Đức Giêsu lưu ý chúng ta đến đức khiêm nhường: “Tôi tớ không lớn hơn chủ. Kẻ được sai đi không lớn hơn người sai bảo”.

Điều đó kêu mời chúng ta phải lãnh lấy sứ điệp Tin mừng với hết lòng khiêm nhường: “Thầy nói điều đó, anh em hãy thực hành thì thật có phúc cho anh em”. Thánh Phao-lô đã nhắc lại lời khuyên đó và nói: “Anh em đừng cưu mang những thứ học thuyết tân kỳ theo sở thích, anh em hãy chỉ rao giảng Đức Giêsu và Đức Giêsu chịu đóng đinh”.

Đức khiêm nhường được Phúc âm trình bày cho chúng ta trong lễ hôm nay: Ngay sau khi Đức Giêsu trao bánh cho Giu-đa, Giu-đa liền ra đi phản bội Người. Đây là tột đỉnh của đức khiêm nhường. Chúa đã ban bánh cho ăn, được ăn rồi Giu-đa vẫn đi phản bội. Chúng ta nhớ rằng sự phản bội luôn rình mò chúng ta, chúng ta hãy khiêm tốn đón nhận những yếu đuối nơi mình và nơi người khác. Nhờ thế khiêm nhường trở nên bác ái.

C.G

SUY NIỆM 5: Tiếp nối sứ mệnh của Chúa

Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài đến thế gian để giảng dạy cho mọi người con đường cứu rỗi, và khi đã hoàn tất sứ mệnh của Ngài trên trần gian này, Chúa Giêsu sai các môn đệ Ngài đi loan báo Tin mừng cứu rỗi cho mọi tạo vật. Sự chính thống đó được Chúa Giêsu quả quyết như chúng ta có thể đọc thấy trong Tin mừng hôm nay: “Thày bảo thật các con, ai đón nhận kẻ Thày sai là đón nhận Thày, và ai đón nhận Thày là đón nhận Đấng đã sai Thày”.

Trong văn mạch của Phúc âm, trước khi nói những lời trên, Chúa Giêsu đã làm gương cho các Tông đồ của Ngài: Ngài rửa chân họ và sau đó khi trở lại bàn ăn, Ngài nói với họ: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai không trọng hơn kẻ đã sai mình”. Thật là đơn giản, nhưng là một sự đơn giản đòi hỏi: đời sống truyền giáo của Giáo Hội phải rập khuôn với cuộc đời của Chúa Giêsu, với tấm gương Ngài đã sống và đã giảng dạy. Giáo Hội phải biết phục vụ trong khiêm tốn, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa.

Là những người đã lãnh nhận Bí tích rửa tội, chúng ta đều là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu bằng đời sống yêu thương và Phục vụ, trở nên muối và ánh sáng cho thế gian.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 6: GIỚI THIỆU CHÚA CÁCH TRUNG THỰC (Ga 13, 16 – 20)

Trong nghề thuốc hay võ thuật, những thần y hay tổ sư thường lưu nghề bí truyền cho một ai đó, để đến khi họ có khuất núi thì vẫn còn có người lưu danh hậu thế nhờ lưu truyền lại gia bảo của cha ông.

Với Đức Giêsu cũng vậy! Sau hành trình loan báo Tin Mừng, trước khi về trời, Ngài cũng truyền cho các môn sinh của mình: “Hãy đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian”. Đây chính là lệnh truyền, gia bảo cho Giáo Hội tới muôn đời.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu như muốn khẳng định rằng: nếu là người môn đệ chân chính, sẽ nói lời của chính Thiên Chúa, và như thế thì: “A i đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy".

Muốn làm được điều đó để cho mọi người nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, chúng ta phải mặc lấy chính tâm tình của Đức Giêsu, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài khi phục vụ con người cách vô vị lợi trong sự khiêm tốn...

Có thế chúng ta mới lưu lại cho người đương thời và hậu thế gia tài quý giá là chính Đức Giêsu, nhờ đó, con người hôm nay và mai sau mới nhận ra Đức Giêsu là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống ngang qua đời sống và hành vi của chính chúng ta.

Mong sao mỗi người chúng ta biết được điều đó để thi hành, ngõ hầu trở thành người có phúc như Đức Giêsu đã nói: "Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!”. Ngược lại, chúng ta đừng như Giuđa, kẻ phản thầy mà hôm nay, Đức Giêsu đã tiên báo một cách đau đớn: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết sống trung thành với Chúa và sứ điệp của Chúa. Xin cho chúng con biết loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống của chính mình, để cuộc đời và sứ vụ của chúng con chính là hiện thân cách sống động như chính Chúa đang trực tiếp hành động. Amen.

Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 7: Tinh thần phục vụ

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Trong khung cảnh bữa tiệc ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu tiếp tục giáo huấn cho các ông biết tinh thần phục vụ trong yêu thương và khiêm nhường. Ngài hạ mình rửa chân cho các ông. Đức Giêsu đã mang lại ý nghĩa đích thực cho hai chữ “phục vụ”: phục vụ là sống như người tôi tớ, là sống trọn vẹn cho tha nhân, vì tha nhân...

Ngoài ra, Đức Giêsu dạy tiếp một bài học rất cần cho mọi Kitô hữu: hãy biết đón nhận những kẻ Chúa sai đến với mình: “Ai đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy; và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.

2. Việc rửa chân cho các môn đệ không chỉ là một cử chỉ hay là một bài học của phục vụ, nhưng qua đó Đức Giêsu còn muốn loan báo chính cái chết của Ngài như tột cùng của thân phận tôi tớ mà Đức Giêsu đã đón nhận. Thật thế, người tôi tớ không sống cho mình, mà hoàn toàn sống cho người khác, đến độ trao nộp cả mạng sống mình. Như vậy, đối với Đức Giêsu, phục vụ là sống trọn vẹn cho người khác. Chính qua sự phục vụ cho đến chết ấy mà Đức Giêsu thể hiện thiên tính của Ngài. Ngài là Đấng Hằng hữu, vì Ngài có thể đón nhận thân phận con người và trao ban thân phận ấy cho người khác; Ngài là Đấng toàn năng vì cách thế thể hiện quyền năng ấy chính là phục vụ và phục vụ cho đến chết.

3. Quyền năng của Thiên Chúa là quyền năng của phục vụ; sức mạnh của Thiên Chúa là sức mạnh của tình yêu. Chúng ta hiểu được sự thành công của Mahatma Gandhi trong cuộc tranh đấu bất bạo động của ông, ông nói như sau: “Tình yêu là sức mạnh vạn năng mà con người có thể có trên mặt đất này”. Yêu thương như Thiên Chúa yêu có nghĩa là yêu thương cho đến cùng, yêu thương cả kẻ thù và sẵn sàng hiến thân hy sinh cho họ. Phục vụ như Thiên Chúa phục vụ có nghĩa phục vụ mà không tranh giành, không tính toán hơn thiệt, không tìm lợi danh cho bản thân (Mỗi ngày một tin vui).

4. Đón tiếp người được Chúa sai đến.

Sau bài học về hy sinh phục vụ, Đức Giêsu dạy tiếp về sự đón tiếp. Lời nói về sự đón tiếp của Đức Giêsu nhằm tới chính sự thờ ơ của người Do thái đã không đón nhận Ngài, khi “Người đến nhà mình mà người nhà không ra nhận” (Ga 1,11). Người Do thái tự hào mình tin Thiên Chúa, nhưng lại không đón tiếp Đấng được Thiên Chúa sai đến, âu cũng vì họ vẽ ra: “Đấng được sai đến” đó theo ý họ, và họ không chấp nhận một Đấng Thiên Sai không thỏa mãn những tiêu chuẩn trần thế của họ.

Người Chúa sai đến với chúng ta cụ thể nhất chính là những người có trách nhiệm rao giảng, thánh hóa và dẫn dắt chúng ta. Các vị đến với chúng ta nhân danh Chúa trong phẩm vị và sứ vụ được Chúa giao phó cho Giáo hội, chúng ta đã đón tiếp các ngài như thế nào? Ít nhiều chúng ta cũng giống dân Do thái xưa, thích đón tiếp những vị được sai đến hợp ý chúng ta hơn là đón tiếp vị được sai đến theo ý Chúa.

5. Phục vụ Chúa trong anh em.

Thánh Biển Đức căn dặn các đan sĩ: “Khi anh em đón tiếp và phục vụ khách, thì không phải anh em đang đón tiếp và phục vụ khách, mà là cung kính đón tiếp chính Đức Kitô ở trong khách”. Và Đức Giêsu cũng đã đồng hóa chính Ngài hiện thân trong mọi mảnh đời khi Ngài nói về ngày phán xét chung: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Như thế, khi ý thức được Chúa ở trong mọi người, thì chúng ta không thể nổi giận cau có với “Chúa” được, mà là một sự kính trọng và chu đáo như Mattha và Maria đã đón Chúa vào nhà mình. Thấy Chúa trong anh em thì chúng ta sẽ dễ tôn trọng và yêu thương nhau...

6. Truyện: Khai sinh hội bác ái Vinh Sơn.

Khoảng năm 1883, dưới sự lãnh đạo của một thanh niên Ozanam, 8 thanh niên Công giáo trường đại học Paris thường gặp nhau để thảo luận chiến thuật bảo vệ Giáo hội đang bị tấn công tứ phía. Những buổi thảo luận đã diễn ra suốt một năm, nhưng chưa đưa đến một hành động nào. Tình cờ 8 sinh viên nghe một lời thách thức của kẻ chuyên chống phá Giáo hội:

“Các anh luôn nói đến công lao Giáo hội của các anh trong quá khứ, nhưng Giáo hội các anh bây giờ đã chết rồi. Nếu các anh bảo Giáo hội vẫn đang sống, hãy chứng minh đi. Một năm qua, tôi chỉ thấy các anh thảo luận tranh cãi nhau bằng môi mép, nhưng chưa thấy một hành động cụ thể nào”.

Lời thách đố ấy được 8 sinh viên Công giáo tiếp nhận như một bài học quí giá. Buổi chiều hôm đó, thay vì thảo luận, hành động đầu tiên của họ là thu nhặt số củi khô dùng để sưởi ấm ở phòng trọ và họ còn mang biếu cho người nghèo đang rét run tại phòng bên cạnh vì không có tiền để mua chất đốt.

Đó là buổi chiều đầu tiên khai sinh hội Bác ái Vinh Sơn chuyên hoạt động giúp đỡ người nghèo theo tinh thần thánh Vincent de Paul. Những người tiên phong của hội này hiểu rằng: Người tín hữu Kitô không thể bênh vực Giáo hội bằng những lời nói suông mà phải bằng chính những hành động cụ thể, bằng chính cả cuộc sống của họ.