Dân Chúa Âu Châu

Thu 3 T5 TN BDĐiều chính yếu của Tin Mừng.

Thứ Ba tuần 5 thường niên.

“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân".

Lời Chúa: Mc 7, 1-13

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng.

Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?" Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: "Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người". Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy".

Và Người bảo: "Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: "Hãy thảo kính cha mẹ", và "ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử". Còn các ngươi thì lại bảo: "Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)", và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Lòng chúng thì xa Ta

Suy niệm:

Trong Bài Tin Mừng hôm nay có năm từ truyền thống (cc. 3, 5, 8, 9, 13).

Đó là truyền thống của tiền nhân, truyền thống của người phàm,

truyền thống mà các ông Pharisêu nắm giữ và muốn người khác phải theo.

Sông song với truyền thống này là điều răn của Thiên Chúa (cc. 8, 9)

Đức Giêsu tố cáo người Pharisêu đã gạt bỏ, đã coi thường điều răn này

chỉ vì muốn khư khư giữ lấy truyền thống của họ (cc 8, 9, 13).

Đây là một điều đáng tiếc,

vì mục tiêu của người Pharisêu không phải là hủy bỏ lời của Thiên Chúa (c. 13).

Trái lại, họ muốn dân Do thái sống nghiêm túc hơn ơn gọi của mình,

sống như một dân tộc thánh thiện giữa một xã hội vàng thau thời Đức Giêsu.

Chính vì thế họ chẳng những muốn tuân giữ điều được viết trong Luật Môsê

mà còn muốn sống theo những truyền thống

dựa trên luật truyền khẩu được ban cho Môsê nữa.

Họ đòi cả dân chúng cũng phải sống theo các luật về thanh sạch của các tư tế.

Bởi vậy, họ than phiền chuyện vài môn đệ của Đức Giêsu

đã không rửa tay trước khi ăn.

Thật ra chẳng phải người Do thái nào cũng giữ luật rửa tay trước khi ăn.

Các sách Cựu Ước cũng không hề đòi hỏi chuyện này (x. Lêvi 11-15).

Đáng tiếc là khi tập trung vào chuyện sạch sẽ bên ngoài,

người Pharisêu có nguy cơ bỏ rơi hay lơ là chuyện trong sạch nơi trái tim.

Đây mới là điều quan trọng mà Đức Giê su muốn nhấn mạnh.

Theo truyền thống hội đường Do Thái, có cả thảy 613 điều răn,

365 điều cấm làm và 248 điều phải làm.

Cả một rừng điều răn này chi phối toàn bộ đời sống của người Do thái giáo.

Người Pharisêu cho rằng sự thánh thiện nằm ở chỗ chu toàn hết mọi luật này.

Còn Đức Giêsu coi sự thánh thiện nằm ở sâu nơi trái tim thuộc trọn về Chúa.

Ngài trích lời của ngôn sứ Isaia (29, 13):

“Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta.”

Làm thế nào để trái tim của chúng ta gần với Chúa?

Làm thế nào chúng ta khỏi trở thành những kẻ đạo đức giả?

Làm thế nào chúng ta giữ luật Chúa và Giáo Hội với sự mềm mại, tự do, vui tươi?

Ước gì từng hành vi giữ luật của ta được chi phối bởi trái tim đầy yêu mến.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Suy Niệm 2: HÌNH VÀ BÓNG

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình”. Thật trân trọng biết bao. Thật yêu thương biết bao. Nhưng cũng phải biết vị trí giới hạn. Dù được nâng lên hàng cao quí, con người cũng chỉ là bóng mãi mãi thuộc về hình. Hình có tồn tại thì bóng mới hiện hữu. Thiên Chúa như mặt trời tỏa ánh sáng. Con người chỉ như mặt trăng. Dù có đẹp đẽ sáng láng. Nhưng cũng chỉ sáng bằng ánh sáng mặt trời. Không có mặt trời mặt trăng chìm vào đêm tối (năm lẻ).

Nhưng con người không hiểu điều đó. Ngay từ khởi đầu bà Evà đã muốn thoát khỏi Thiên Chúa. Vì thế lâm vào khốn cùng. Các Pha-ri-sêu và Kinh sư cũng không hơn gì. Tuân giữ truyền thống của con người hơn tuân thủ Lời Chúa. Bóng muốn thoát khỏi hình sao được. Thế mà ở đây mặt trăng còn muốn lấn át mặt trời. Con người muốn lấn át Thiên Chúa khi đặt thói lệ của tiền nhân lên trên Lời Chúa dạy.

Thế giới hôm nay không khác gì. Người ta coi trọng con người hơn Thiên Chúa. Sợ hãi con người hơn Thiên Chúa. Chạy theo dư luận, lợi nhuận, chức quyền, danh vọng, và cả dục vọng. Nên phải chối từ Thiên Chúa. Con người muốn lấn át Thiên Chúa. Muốn tự mình trở thành mặt trời. Muốn điều hành cả vũ trụ lẫn Thiên Chúa. Vì thế lâm vào cảnh khốn cùng.

Hãy noi gương Sa-lo-môn, người khôn ngoan nhất trần đời. Khi xây xong ngôi đền thờ nguy nga tráng lệ, Sa-lo-mon đã nhận biết đền thờ chẳng xứng đáng với Thiên Chúa: “Này trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài, huống chi ngôi nhà con đã xây đây”. Ngôi nhà không chứa đựng Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa ấp ủ ngôi nhà. Sa-lo-mon giầu sang tuyệt đỉnh, quyền uy ngập trời. Nhưng ông không dám trông nom Thiên Chúa. Trái lại ông cầu xin Thiên Chúa “xin Ngài để mắt nhìn đến ngôi nhà này đêm ngày”. Dù cao sang nhất trần đời nhưng ông không bao giờ dám ra lệnh cho Thiên Chúa. Trái lại ông luôn khiêm nhường cầu nguyện: “Xin Chúa đoái đến lời tôi tớ Chúa cầu xin khẩn nguyện, mà lắng nghe tiếng kêu cầu của tôi” (năm chẵn).

Con chỉ là bóng. Chính Chúa là hình. Xin cho con biết luôn đi theo Chúa, vâng nghe Lời Chúa, thực thi ý Chúa. Như bóng luôn đi theo hình. Có thế bóng mới tồn tại.

Suy Niệm 3: Tìm cái cốt yếu

Nhiều tôn giáo lấy việc tẩy rửa làm một trong những nghi thức linh thiêng của Ðạo. Chẳng hạn người Ấn giáo tắm ở sông Hằng trước khi vào tế tự ở đền thờ, hoặc các thành viên Cộng đoàn Qumrân thời Chúa Giêsu lấy việc tắm rửa hằng ngày để diễn tả thái độ sẵn sàng của mình cho ngày Ðấng Mêsia đến; ngay cả Gioan Tẩy giả cũng coi việc dìm người xuống dòng sông Giođan rồi trồi lên khỏi nước như cử chỉ nói lên sự hoán cải tâm hồn, sẵn sàng gia nhập đoàn dân mới của Thiên Chúa khi Ngài ngự đến. Người Do thái còn đi xa hơn đến mức đưa nghi thức tẩy rửa ấy vào từng chi tiết đời sống thường ngày, như rửa tay trước khi ăn, rửa chén đĩa, bình lọ...

Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái về vấn đề tập tục của tiền nhân. Ðối với người Do thái, việc rửa tay, rửa chén đĩa, rửa thực phẩm, không chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng bệnh, mà còn là một nghi thức tôn giáo nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Ðấng Thánh. Ðây là điều tốt, nhưng người Biệt phái đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều thiết yếu, họ phán đoán một người tốt hay xấu dựa trên những hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu đã trả lời cho thái độ vụ hình thức ấy như sau: "Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa qua một bên, mà duy trì truyền thống của người phàm". Chúa Giêsu muốn cho thấy các việc làm bên ngoài ấy, dù có tính cách tôn giáo đến đâu, cũng không thể thay thế cho một việc khác quan trọng hơn. Ðiều quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn, chứ không phải việc rửa tay, rửa vật dụng bên ngoài; đừng lẫn lộn tập tục của truyền thống phàm nhân với lề luật do chính Thiên Chúa ban bố.

Chúa Giêsu nhắc đến trường hợp những người Do thái nhân danh tập tục dâng cúng một số của cải vào Ðền thờ, gọi là copan, nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa, để rồi biện minh cho sự thiếu sót bổn phận đối với cha mẹ. Tập tục dâng cúng là do con người, thảo kính cha mẹ là lệnh truyền của Thiên Chúa, thế nhưng trong trường hợp vừa kể, vì tinh thần sống vụ hình thức, những người Biệt phái đã bỏ luật của Thiên Chúa để tuân giữ tập tục loài người.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta trở về với điểm căn bản: hãy đặt Chúa vào chỗ thứ nhất và tuân giữ giới răn của Ngài. Chúa không chủ trương phá bỏ hình thức lễ nghi cơ cấu, nhưng chỉ muốn đặt chúng vào đúng vị trí. Xin cho chúng ta biết trân trọng và thực hiện điều chính yếu mà Chúa đang chờ đợi chúng ta, thay vì cứ loay hoay với những điều phụ thuộc do loài người đặt ra.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 4: Sống đạo?

Vậy người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:

“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,

còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mc. 7, 5-6)

“Dân này tôn kính Ta bằng môi, bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta… Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của các ông”. Chúa Giêsu phản đối chính những tập tục và truyền thống của người Do thái, bởi vì những tập tục và truyền thống ấy đi tới chỗ che khuất đi tính đơn sơ mà Chúa đòi hỏi nơi con người.

Trong Kitô giáo phải chăng lời ăn tiếng nói và cách sống đạo của ta không làm mất đi vẻ đơn sơ trong sáng sao?

Đúng là chúng ta thường nói nhiều mà thực ra lại không sống thực điều răn của Chúa.

Chúa dạy ta trước tiên phải yêu mến Chúa Cha, yêu thương anh em và mọi người. Giáo hội tiên vàn là môi truờng thuận lợi nhất để Chúa dạy và ta thực hành điều răn này.

Nhân dịp này Chúa Giêsu cũng tra vấn ta về cách ta thực hành những việc đạo đức, đọc kinh, xem lễ… về tất cả những việc ta làm cốt để cho yên lương tâm. Có những ngày có lẽ Chúa muốn nói với ta rằng: “Hãy ngưng lại đi thôi, lòng ngươi xa Ta rồi.”

Tôi sẽ trả lời Chúa rằng nếu tôi không làm những việc đạo đức ấy, tôi sẽ còn xa cách Chúa hơn. Đừng bắt người khác làm điều gì khi chính mình lại không sống sâu xa điều ấy. Đó mới chính là điều quan trọng.

Hãy hiểu rằng Chúa Giêsu không đòi hỏi tôi phải giữ đạo theo kiểu duy tâm, không việc làm, không cử chỉ.Tôi cần phải có những biểu tượng, những nghi thức. Nhưng tôi không được nấp sau những nghi thức này để mà không thực hành lòng yêu mến anh em, không lắng nghe Lời Chúa.

Những thực hành đạo đức này có thể là phương thế giúp ta lượng giá mình xem đã tìm kiếm Chúa thế nào, đã trung tín với Tình yêu của Người đến đâu.

Lạy Chúa, xin ban cho con Thần Khí Chúa, để Phúc âm Chúa nâng dậy đời con.

Suy Niệm 5: ĐỪNG VỤ LUẬT MÀ XA LẠ VỚI TIN MỪNG! (Mc 7, 1-13)

Tại đất nước Philippines hay tại Ấn Độ, người ta có thói quen ăn cơm bằng tay thay vì dùng muỗng nĩa như người Tây Phương hay đũa như người Việt Nam.

Khi dùng tay để ăn, họ buộc phải dùng tay phải để lấy cơm và thức ăn đưa vào miệng. Tay trái là điều cấm kỵ vì họ cho rằng tay trái là biểu tượng của sự dơ bẩn; hay tay trái là dấu chỉ của những người khó có thể được cứu độ! Chính vì vậy, mà những người thuận tay trái thường bị cho rằng sau này khó có thể được vào Nước Trời!

Tin Mừng thánh Máccô được trích đọc hôm nay ghi lại cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và những người Pharisêu về vấn đề rửa tay trước khi ăn.

Theo luật, buộc khách dự tiệc phải rửa tay trước khi ăn. Việc rửa tay trước khi ăn có ý nghĩa tôn giáo rất tốt lành, đó là ý muốn nói hay nhắc nhở mỗi người về sự trong sạch trong tâm hồn. Trước khi họ dâng lời chúc tụng, tạ ơn Chúa thì họ phải thanh tẩy tâm hồn cho xứng đáng. Còn về mặt xã giao, thì đây là biểu lộ sự kính trọng với người đồng bàn với mình.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, khi người ta chỉ còn biết hình thức bên ngoài mà không hề khám phá hay sống ý nghĩa, giá trị bên trong, thì tập tục này trở nên thuần túy phô trương, hình thức. Chính vì lý do này mà khi thấy các môn đệ của Đức Giêsu không rửa tay trước khi ăn, nên những người Pharisêu đã thắc mắc!!! Nhân cơ hội này, Đức Giêsu nhắc lại lời ngôn sứ Isaia nói về sự giả hình nơi những người này, vì họ chỉ thờ Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng họ thì không. Vì thế, họ như cái thùng rỗng. Những lời dạy của họ trở nên trò hề khi họ chỉ cậy dựa vào tập quán của phàm nhân.

Ngày nay, nơi nhiều cộng đoàn, vẫn còn đó những lối suy nghĩ như những người Pharisêu khi xưa, đó là: tập trú vào hình thức bên ngoài quá nhiều mà không để ý đến ý nghĩa, sứ điệp ngang qua những hoạt động tôn giáo.

Nhiều khi chỉ biết đọc kinh mà không hề biết ý nghĩa của lời kinh! Hoặc nhiều khi giữ đạo từ nhỏ, nhưng nói về tinh thần huynh đệ, bác ái thì xem ra quá xa vời, bởi bấy lâu nay ta sống theo kiểu: “Đèn ai nấy rạng”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta thấy rằng: lời nói phải đi đôi hành động. Việc bề ngoài chỉ có giá trị khi nó được toát ra từ bên trong. Đừng chỉ lo loay hoay hình thức mà đánh mất đi nét đẹp của tâm hồn. Mất đi ý nghĩa này, mọi sự trở nên giả dối, trống rỗng và vô ích.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa vì đã dạy cho chúng con bài học về việc giữ luật. Xin cho chúng con ngày càng gắn bó với Chúa mật thiết để được sống trong tình yêu và chiếu tỏa tình yêu ấy cho tha nhân cách chân thành. Amen.

Ngọc Biển SSP

Suy Niệm 6: Chúa khuyên đừng vụ hình thức

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái về vấn đề tập tục của tiền nhân. Đối với người Do Thái, việc rửa tay, rửa chén đĩa, không chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng bệnh, mà còn là một nghi thức tôn giáo nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Đấng Thánh. Đây là điều tốt, nhưng người biệt phái đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều thiết yếu, họ phán đoán một người tốt hay xấu dựa trên những hình thức bên ngoài. Điều quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn, chứ không phải việc rửa tay, rửa vật dụng bên ngoài; đừng lẫn lộn tập tục của truyền thống với lề luật do chính Thiên Chúa ban bố.

2. Thực hành lề luật không có nghĩa là chỉ thi hành những nghi thức bên ngoài và coi đó là xong nhiệm vụ. Những hình thức bên ngoài là cần thiết, nhưng chúng chỉ là những yếu tố bổ sung và phụ thuộc, mà cái cần thiết nhất là tấm lòng. Hay nói cách khác, cần nhất là cái động lực thúc đẩy chúng ta làm: nếu động lực tốt thì việc làm sẽ tốt, nếu động lực xấu thì việc làm sẽ xấu. Nếu việc làm mà thiếu động lực tốt thì việc làm chỉ là giả tạo và người làm việc ấy chỉ là giả hình: “Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, mà lòng chúng thì xa Ta” (Is 29,13).

3. “Dân này kính Ta bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mc 7,6).

Chẳng cần phải nói nhiều, chúng ta cũng thấy, ngày nay người ta sống giả dối với nhau rất nhiều. Cái gì ngày này người ta cũng có thể làm giả được. Nếu như trước đây chỉ mới có chân giả, da giả thì ngày nay có hàng loạt những thứ giả khác như tóc giả, lông mi giả, hoa giả trái cây giả, gạo giả... Gần đây chúng ta còn được nghe rất nhiều thứ giả khác: bẳng giả, chứng chỉ giả, tiến sĩ giả... Những thứ ấy còn đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm quả, hoa nến, nhang, đèn giả. Mức độ “giả” rất tinh vi nên nhiều khi cái giả xem ra còn đẹp hơn những cái thật, khó mà phân biệt được. Ở đây, Chúa Giêsu chỉ mới nói đến “Giả hình”. Ngày nay, còn một thứ giả tệ hơn. Đó là “Giả nhân giả nghĩa”. “Giả hình” mà còn đáng trách thì giả nhân giả nghĩa còn đáng trách hơn chừng nào.

4. Chúa Giêsu khiển trách những người biệt phái và luật sĩ thờ phượng Chúa trên đầu môi chót lưỡi, còn tấm lòng lại xa cách Người. Họ chăm chăm tuân giữ các truyền thống xa xưa, còn điều răn yêu thương là cốt lõi cũa Lời Chúa dạy thì họ lại không tuân giữ. Chúa Giêsu cũng đả kích các nhà thông luật Do thái vì họ quá tôn trọng hình thức bề ngoài, qua đó, Người mời gọi chúng ta hãy sống thật với lương tâm của mình. Để sống đạo tốt, chúng ta cần chu toàn các lề luật của Giáo hội, nhưng đồng thời còn phải sống tình mến với Chúa và mọi người.

5. Những người giả hình này đáng người ta tặng cho cái nhãn hiệu “Tốt mã dẻ cùi”. Chim dẻ cùi là một giống chim đẹp, mỏ đỏ, đuôi dài, lông mã, lông đuôi sặc sỡ ngũ sắc, coi giống chim phượng. Người ta đã gọi là phượng hoàng Nam (phượng hoàng của nước Nam) hay phượng hoàng đất. Nhưng chim dẻ cùi phải cái tật hay ăn cứt chó, cứt lợn. Người ta đã có câu:

Dẻ cùi tốt mã dài đuôi,

Hay ăn cứt chó, ai nuôi dẻ cùi.

Dẻ cùi tiếng hót lại không hay, vì vậy dẻ cùi tuy đẹp mã thật, nhưng người ta không quí mà lại khinh. Người ta thường dùng câu “Tốt mã dẻ cùi” để chế riễu người bề ngoài đẹp đẽ sáng sủa, ăn vận diêm dúa mà bụng dạ bẩn thỉu không tốt mà lại vô tài (Văn Hòe, Tục ngữ lược giải, 1957, tr 198).

6. Ngày nay thật đáng lo ngại là cho sự khủng hoảng đạo lý nơi nhiều gia đình. Có những người con chỉ dừng trên nghĩa vụ, bổn phận lo lắng cho cha mẹ của cải vật chất, mà quên đi cha mẹ còn phải được kính trọng và yêu mến. Vật chất chỉ là giá trị bề ngoài nhưng chính giá trị tinh thần, giá trị đạo đức mới quan trọng cho đời sống cha mẹ. Giá trị đạo đức bị đảo lộn bởi có những đứa con coi vật chất là trên hết, đặt tiền tài trên nghĩa vụ làm con, sẵn sàng gửi cha mẹ vào các nhà dưỡng lão mà quên rằng bổn phận của con cái là nuôi dưỡng, thăm hỏi khi cha mẹ còn sống, và cầu nguyện xin lễ cho các ngài khi đã qua đời.

7. Truyện: Sư máy.

Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/08/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ ở Nhật, đó là “sư máy”. Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ: đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi giơ lên, một tay thì gõ mõ, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật giáo khác nhau tại Nhật.

Sáng kiến này đưa ra nhằm đáp ứng cho ơn gọi sư sãi ngày càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật. Tuy nhiên, như tác giả bài báo ghi nhận: những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ có một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương (Mỗi ngày một tin vui).