Dân Chúa Âu Châu

ngay 2 1 BDGioan làm chứng về Chúa Giêsu.

Thứ Bảy – Thánh Baxiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô. Lễ nhớ.

"Có một Ðấng sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi"

* Thánh Baxiliô sinh tại Xêdarê miền Capađôxia năm 330, trong một gia đình Kitô giáo. Vốn là người tinh thông văn học lại nổi tiếng nhân đức, ban đầu thánh nhân chọn cuộc đời đan tu. Đến năm 370, người được cắt đặt làm giám mục cai quản nơi người sinh trưởng. Người tích cực chống lại giáo phái Ariô, viết nhiều tác phẩm. Đặc biệt, người đã soạn thảo những quy luật cho đời sống đan tu, mà cho đến bây giờ, nhiều đan sĩ đông phương vẫn còn tuân giữ. Người hết sức chăm lo cho người nghèo. Người qua đời ngày 1 tháng Giêng năm 379.

* Thánh Grêgôriô cũng sinh năm 330 gần thành Nadien. Người đi rất nhiều nơi để học hỏi, người đã kết thân với thánh Baxiliô, đã chọn cuộc sống tu hành, nhưng sau đó thụ phong linh mục, rồi được chọn làm giám mục. Năm 381 người được đặt lên cai quản giáo phận thành Công-tăng-ti-nô-pô-li; tuy nhiên, 18 tháng sau, vì có sự chia rẽ và bè phái trong địa phận, người lui về thành Nadien và qua đời tại đó ngày 25 tháng Giêng năm 389 hay 390. Hậu thế thường gọi thánh nhân là nhà thần học vì người vừa am tường đạo lý cao siêu, vừa có tài hùng biện.

LỜI CHÚA: Ga 1,19-28

Ðây là chứng của Gioan, khi những người Do thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các Thầy Lêvi đến hỏi ông: "Ông là ai?" Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: "Tôi không phải là Ðấng Kitô". Họ liền hỏi: "Như vậy là thế nào? Ông có phải là Elia chăng?" Gioan trả lời: "Tôi không phải là Elia". "Hay ông là một đấng tiên tri?" Gioan đáp: "Không phải". Họ liền bảo: "Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?" Gioan đáp: "Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo". Và những người đã được sai đến đều thuộc nhóm biệt phái. Họ hỏi Gioan rằng: "Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không là Elia, hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?" Gioan trả lời: "Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người". Việc này xảy ra tại Betania, bên kia sông Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Có một vị đang ở giữa các ông

Suy niệm :

Người ta chỉ lớn lên khi ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm về mình.

Người ta chỉ lớn hết mức khi không còn coi mình là trung tâm.

Trung tâm được đặt nơi Thiên Chúa và tha nhân.

Đức Giêsu đã từng khẳng định rằng

trong con cái loài người, không ai lớn hơn ông Gioan Tẩy Giả (x. Mt 11,11).

Gioan lớn vì ông là vị ngôn sứ giới thiệu trực tiếp Đấng Mêsia là Đức Giêsu,

một điều mà không một ngôn sứ nào trong Cựu Ước được diễm phúc làm.

Nhưng Gioan cũng lớn vì ông đã chấp nhận nhỏ đi:

“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3, 30).

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cách Gioan làm mình nhỏ lại.

Khi Gioan đã nổi tiếng bởi lối sống khắc khổ và lời giảng mạnh mẽ,

thì người Do Thái, người Pharisêu, sai các tư tế và các thầy Lêvi

từ Giêrusalem đến với Gioan đang làm phép rửa ở bên kia sông Giođan.

Họ muốn biết ông Gioan là ai.

Gioan đã không nhận mình là Đấng Kitô, hay Êlia tái giáng (Ml 4,5),

hay vị Ngôn Sứ cao cả đã được ông Môsê loan báo (Tl 18, 15.18),

mặc dù có người đã nghĩ ông là như vậy.

Những lời từ chối của Gioan càng lúc càng ngắn hơn và sắc hơn.

“Tôi không phải là Đức Kitô. - Tôi không phải là. - Không.”

Gioan từ chối những chức danh mà nhiều người thèm muốn.,

bởi lẽ ông biết rõ mình là ai.

Khi bị bắt buộc phải đưa ra một câu trả lời về con người của mình,

Gioan đã chọn câu của ngôn sứ Isaia (40, 3).

“Tôi là tiếng người hô trong hoang địa.

Hãy sửa cho thẳng con đường của Chúa.”

Gioan nhận mình chỉ là người dọn đường cho một Đấng đến sau,

Đấng ấy là người ông không xứng đáng cởi quai dép.

Cởi quai dép của chủ là việc chỉ dành cho người nô lệ thấp kém nhất.

Gioan là người làm chứng tuyệt vời về ánh sáng (Ga 1, 7-8).

Ông là “tiếng” làm chứng cho “Lời” là Con Một Thiên Chúa.

Cám ơn Gioan vì nhờ ông mà ta gặp được Ánh Sáng thật.

Cám ơn Gioan vì tiếng của ông dẫn ta đến với Lời của Thiên Chúa.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con biết con,

xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,

quên đi chính bản thân,

yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,

biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.

Ước gì con biết nhận từ Chúa

tất cả những gì xảy đến cho con

và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.

Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.

Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.

Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen. (Thánh Augustinô)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Suy Niệm 2: Ở LẠI TRONG CHÚA

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Con người luôn đi tìm sự sống. Nhưng không phải ai cũng biết đường. Sự sống chỉ có trong Thiên Chúa. Nên thánh Gio-an dạy ta hãy ở lại trong Chúa.: “Chính anh em sẽ ở lại trong Chúa Con và Chúa Cha. Và đây là điều mà chính đức Ki-tô đã hứa ban cho chúng ta: sự sống đời đời”. Ma quỉ là cha sự dối trá luôn cám dỗ con người rời xa Chúa. Như E-và. Thánh Gio-an nhấn mạnh điều này để tín hữu khỏi lầm lạc: “Tôi viết cho anh em những điều ấy để nói về những kẻ tìm cách làm cho anh em đi lạc đường”. Vì thế phải chết. Ta cần biết phân biệt. Chúa đã ban cho ta Thần Khí. Để ta nhận biết sự thật: “Nhưng vì dầu của Người dạy dỗ anh em mọi sự- mà dầu ấy dạy sự thật chứ không phải sự dối trá- thì theo như dầu ấy đã dạy anh em, anh em hãy ở lại trong Người”.

Thánh Gio-an Tẩy giả là người tràn đầy Thần Khí. Nên ngài có phân định rõ ràng. Ngài biết mình không là gì. Dù bấy giờ ngài đã nổi danh, được nhiều người mến mộ. Thậm chí người ta còn coi ngài là Đấng Cứu Thế. Nhưng thánh nhân kiên quyết phủ nhận. Ba lần nói “không” để phủ nhận mọi phù hoa ảo ảnh. Ngài nhận tự bản thân mình chẳng là gì. Có là gì là ở trong Thiên Chúa. Phủ nhận mình là khẳng định Thiên Chúa. Ra khỏi bản thân để ở trong Thiên Chúa. Nhờ ở trong Thiên Chúa mà có tất cả.

Vì ở trong Thiên Chúa nên thánh Gio-an luôn ở trong chương trình của Thiên Chúa. Ở trong chương trình của Thiên Chúa nên thánh Gio-an luôn giữ đúng vai trò của mình. Là tiếng cho Ngôi Lời: “Tôi chỉ là tiếng người hô trong hoang địa”. Là người đi mở đường cho Đấng Cứu Thế: “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”. Là phù rể cho chàng rể. Là hình bóng báo trước Thiên Chúa: “Tôi đây làm phép rửa trong nước”. Nhưng Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Là tiền hô đi trước đại vương: “Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”.

Nhờ ở lại trong Thiên Chúa, Gio-an đã làm tròn nhiệm vụ. Nên ngài trở nên cao trọng nhất trong số nam nhân. Và đóng góp phần quan trọng cho công cuộc Cứu Thế thành công. Đem lại ân phúc lớn lao cho mọi người.

Suy Niệm 3: Lời Chứng Của Gioan

Con người thường mang tâm trạng thích được khen, người nhận lời khen cảm thấy tâm hồn thoải mái, vui tươi, phấn khởi. Ðó là một nghệ thuật để khuyến khích người khác hăng hái tiếp tục công việc họ đang làm ngày càng khá hơn. Trong gia đình, người chồng khen người vợ biết trang hoàng căn phòng lịch sự, sáng sủa, đơn sơ sẽ làm cho người vợ thương mến người chồng hơn, hoặc người chồng được vợ khen là biết chọn màu áo trang nhã, tiệm may vừa khít trông đẹp, phải chăng tình thương nồng ấm, đậm đà giữa vợ chồng trong gia đình càng tăng thêm hạnh phúc hơn.

Nếu một người nhân viên trong sở làm, người giám đốc mỉm cười khen một cách thành thực là anh đi làm rất đúng giờ có phải là một ích lợi lớn lao cho anh, vì được ông chủ để ý đến mình và biết đâu anh ta nhờ đó mà siêng năng, chăm chỉ hơn trong công việc của mình. Cho nên, khen là một điều nên thực hiện khi có thể đối với nhau. Tuy nhiên, điểm tác hại sâu xa nhất là khen hời, khen quá hóa nịnh là chuyện không nên. Người ta không có mà chúng ta đưa lên tận mây xanh làm họ mở mắt không ra, không nhìn thấy khả năng thực sự của mình và làm họ cứ ảo tưởng nghĩ rằng mình giỏi thật, đó thật là một chuyện nguy hiểm và là chuyện tâm lý bình thường của con người. Có một điểm nữa là từ đó con người ưa nói quá về mình. Chúng ta không có nhưng người ta nịnh gán cho mọi thứ tài giỏi hay ho, chúng ta cũng cứ nhận bừa lấy và trở thành như là của mình để rồi cứ nhận tiếp những lời khen quá đáng như thế.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Gioan Tẩy Giả đã cho chúng ta một bài học trung thực về chính cuộc đời của ông. Khi những người Do Thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông là ai? Ngụ ý của họ là muốn biết Gioan có phải là Ðức Kitô, Ðấng phải đến chăng? Gioan xác nhận ngay: "Tôi không phải là Ðức Kitô". Ðức Kitô thì chắc hẳn Gioan không dám tự nhận nhưng ông có thể nhận mình là Elia được, vì có ai biết được Elia đâu, người ta chỉ nghe truyền thuyết là Elia không chết, ông ngồi trên xe lửa mà về trời và sau này ông sẽ trở lại. Nhưng Gioan Tẩy Giả cũng không nhận mình là Elia và ngay cả người ta hỏi: "Ông có phải là một tiên tri không?" vì Gioan cũng làm nhiều điều lạ, ông kêu gọi mọi người ăn năn hối cải và người ta đến rất đông để nhận lãnh phép rửa do ông ban cho. Ông cũng có thể nhận mình là một tiên tri nào đó thì có ai biết đến, thế nhưng ông vẫn trả lời:"Tôi không phải là một tiên tri" mà ông tự nhận như sau: "Tôi là tiếng kêu trong hoang địa, hãy sửa đường cho ngay thẳng để Chúa đi", như lời tiên tri Isaia đã loan báo.

Một con người thấp hèn với địa vị khiêm tốn, nào ai trong chúng ta chấp nhận được tinh thần như Gioan Tẩy Giả. Và còn hơn thế nữa, Gioan đã nhìn nhận con người kém cỏi của mình so với Ðấng Cứu Thế mà ông đang rao giảng: "Ðấng sẽ đến sau tôi nhưng tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Ngài". Một câu nói khác mà Chúa Giêsu đưa ra để cho chúng ta noi gương, Chúa Giêsu đã nói: Khi vào bàn tiệc hãy ngồi chỗ rốt hết để sau đó người ta mời mình lên nơi cao có phải vinh dự hơn không?" Còn nếu chúng ta ngồi vào chỗ nhất, chỗ nhì thì sau đó người ta sẽ lại đến nói với chúng ta: "Xin nhường chỗ cho vị này" có phải là chúng ta xấu hổ mà ngồi lui xuống dưới chăng.

Khi người khác nhờ chúng ta một việc gì trong khả năng mà chúng ta có thể làm được thì chúng ta sẽ giúp họ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn khiêm tốn nói: "Nếu không có gì trở ngại, tôi sẽ làm giúp cho anh", hay "theo khả năng của tôi, tôi hy vọng giúp được anh". Nói thế không hẳn là chúng ta thiếu tự tin hay không sốt sắng sẵn sàng trong những công việc người khác nhờ chúng ta. Nhưng nói như vậy là chúng ta nói lên sự tế nhị, sự khiêm tốn trong khả năng Thiên Chúa ban cho mỗi người trong chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con bắt chước thánh Gioan Tẩy Giả có một tinh thần khiêm nhu, ôn hòa để qua cuộc sống của chúng con, mọi người nhận ra được khuôn mặt nhân hậu, từ ái bao la của Chúa. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

Suy Niệm 4: Ngài đang ở giữa anh em.

Vào một đêm trăng. Thích Ca ngồi giữa các đệ tử, ngài lấy ngón tay chỉ mặt trăng và nói: “Kia là mặt trăng, cứ ngó theo ngón tay ta thì thấy, nhưng đừng tưởng ngón tay ta là mặt trăng”.

Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến một cuộc đối thoại tương tự giữa Gioan Tẩy giả và những biệt phái đến từ Yêrusalem. Họ đặt ra ba hình ảnh về về Gioan. Trước hết, họ hỏi ông có phải là Đấng Kitô không? Thật thế, người Do Thái đã và vẫn còn mong đợi Đấng Kitô, nhưng không ai có ý niệm đích xác về Ngài: kẻ thì nghĩ đó là Đấng đem hòa bình đến cho nhân loại, người thì cho đó là Đấng đến thiết lập sự công chính, một số đông hy vọng đó là vị anh hùng sẽ lãnh đạo dân Do Thái đi chinh phục toàn thế giới, có người còn hình dung đó là một siêu nhân đến từ Thiên Chúa. Câu trả lời phủ định của Gioan ngầm hiểu rằng Đấng Kitô không phải là người như các ông nghĩ, nhưng nếu chịu khám phá, các ông sẽ nhận ra Ngài đang ở giữa các ông.

Họ lại hỏi ông có phải là Êlia mà theo tục truyền đã được đưa về trời cách kỳ diệu và bây giờ lại xuất hiện không? Người Do Thái vẫn tin rằng trước khi Đấng Kitô đến. Êlia phải trở lại để chuẩn bị cho thế giới đón nhận Ngài, nhất là sẽ phong vương cho Ngài để được gọi là Kitô. Nhưng Gioan đã chân thành nhận mình không phải là Êlia.

Cuối cùng họ hỏi ông có phải là tiên tri không? Hỏi như vậy là vì có lời trong sách Thứ luật: “Thiên Chúa sẽ cho nổi dậy một tiên tri như ta” (18,15). Người Do Thái có khi hiểu lầm và áp dụng vào Đấng Cứu thế (Cv 6,k4), có khi cho đó là một đại tiên tri, như Isaia, Yêrêmia (Mc 8,28), nhưng Gioan lại từ chối và cho mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc: “Hãy dọn đường Chúa”.

Gioan đã làm chứng cho Chúa trong sự khiêm tốn. Người Kitô hữu cũng phải làm chứng cho Chúa về nhiều phương diện: không những giơ ngón tay chỉ Chúa Giêsu cho người khác, mà còn phải là chứng nhân bằng chính cuộc sống nữa. Đó là sứ mạng cao cả mà chúng ta cần nhiều ơn Chúa để có thể chu toàn trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Suy Niệm 5: KHIÊM TỐN KHI LÀM CHỨNG NHÂN CHO CHÚA (Ga 1,19-28)

Có một linh mục đã cao niên nổi tiếng là đạo đức. Trong một dịp nọ, ngài bị một bà nói xấu, bôi nhọ đến danh thơm tiếng tốt của ngài. Bà ta vu khống những chuyện xấu xa mà trong cuộc đời của ngài chưa hề có! Khi chuyện đến tai ngài, ngài chỉ nhắm mắt lại và âm thầm trong lời cầu nguyện, đồng thời ngài vẫn tỏ vẻ vui tươi và hăng say trong mọi công việc.

Đến một hôm, chính người nói xấu đến để xin lỗi ngài, ngài chỉ tươi cười và nói: “Tôi không biết bà là người nói những điều đó cho tôi, nhưng kể từ khi tôi biết chuyện đến giờ, tôi không bao giờ quên cầu nguyện cho người đã nói những điều đó và tôi hy vọng người đó được bình an. Hôm nay, lời cầu nguyện của tôi được thành hiện thực, tôi rất vui mừng và tạ ơn Chúa, xin Chúa tiếp tục chúc lành cho bà”.

Sau cuộc gặp gỡ đó, người phụ nữ đã một thời buông ra những lời độc địa không thương tiếc đến người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình trong đời sống đức tin, nay nhờ tấm lòng bao dung, đại lượng, nhân hậu của ngài, bà ta đã sám hối và thay đổi đời sống, siêng năng cầu nguyện và hy sinh hơn trước nhiều.

Hôm nay, Lời Chúa đề cập đến cuộc đối thoại giữa Gioan Tẩy Giả và một số Tư tế và thầy Lêvi, họ đặt ra cho Gioan những câu hỏi liên quan đến thân thế và sứ vụ của ông. Họ nói: ông có phải là Đấng Kitô, hay Êlia, hoặc có phải là tiên tri nào đó không? Cả ba câu hỏi đều bị Gioan phủ nhận. Ông chỉ nhận mình là người dọn đường cho Đức Chúa, khi Ngài đến, ông không đáng cởi giây dép cho Ngài. Như vậy, Gioan đã làm chứng cho Đấng Cứu Thế trong sự khiêm tốn, ngài không nghĩ đến thân thế và uy tín của mình để tìm cách nổi nang, nhưng khiêm tốn nhận mình là tôi tớ, đến để phục vụ cho con người và sứ vụ của Đấng Thiên Sai.

Trong cuộc sống hiện nay, nhiều người nghĩ rằng: truyền giáo là phải làm những chuyện lớn lao vĩ đại, hay đưa ra những kế hoạch kếch xù, vĩ mô, những khái niệm trìu tượng mang tính xuyên thời đại... Nhưng chúng ta quên mất một điều, những thứ đó nhiều khi làm cho con người ngày hôm nay: “Kính nhi viễn chi”. Nhưng sự khiêm tốn, hiền hậu, nhân từ sẽ làm lay động lòng người và có sức cải hóa, biến đổi con người hôm nay cách dễ dàng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho hình ảnh, lời nói và cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả được hiện tại hóa trong đời sống đạo của chúng con và trong công cuộc loan báo Chúa cho anh chị em xung quanh. Amen.

Ngọc Biển SSP