Dân Chúa Âu Châu

thu 2 T2 MV SNChữa người bất toại và quyền tha tội.

Thứ Hai tuần 2 mùa vọng. – Thánh Amrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Hôm nay chúng tôi đã thấy những việc lạ lùng".

* Thánh Amrôxiô chào đời ở Trêvêrô khoảng năm 340 trong một gia đình người Rôma. Thánh nhân theo học ở Rôma và bắt đầu sự nghiệp hiển hách ở Xiếcmiô.

Năm 374, lúc đang ở Milanô, thánh nhân bất ngờ được bầu làm giám mục và được tấn phong ngày 7 tháng 12.

Người trung thành thi hành bổn phận, nổi bật nhất về lòng bác ái đối với mọi người. Đối với các tín hữu, người vừa là mục tử, vừa là tôn sư. Người đã can đảm bênh vực các quyền của Hội Thánh, người vừa viết lách, vừa hoạt động để bênh vực giáo lý đức tin chân thật, chống lại những người theo phái Ariô.

Người qua đời thứ bảy tuần thánh, ngày 07 tháng 04 năm 397.

LỜI CHÚA: Lc 5, 17-26

Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng, có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Galilêa, xứ Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa nhiều người. Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Người nói: "Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!"

Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận rằng: "Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?" Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy tính, liền nói với họ: "Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: "Các tội của ngươi đã được tha", hay nói: "Ngươi hãy đứng dậy mà đi", đàng nào dễ hơn? Song (như thế là) để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất". Người nói với người bất toại rằng: "Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà".

Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: "Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Đứng dậy mà đi

Suy niệm :

Bệnh tật nơi thân xác con người

có thể tượng trưng cho một thứ bệnh tật nào đó nơi tinh thần.

Ít người mắc bệnh câm, nhưng ai cũng có kinh nghiệm về sự câm nín,

do sợ hãi của chính mình hay do bị đe dọa bắt phải im.

Ít người mắc bệnh điếc, nhưng lại có quá nhiều cuộc đối thoại

mà hai bên chẳng hiểu nhau, vì mất khả năng nghe.

Người mù không phải chỉ là người không thấy ánh mặt trời,

nhưng còn là người không dám thấy ánh sáng của sự thật,

không nhận ra hình ảnh người anh em nơi khuôn mặt kẻ thù.

Không phải ai cũng có bàn tay khô bại, không duỗi ra được,

nhưng ai cũng có lần thấy mình khó đưa tay ra để bắt tay người khác.

Đức Giêsu đã chữa cả thảy bao nhiêu bệnh nhân, chúng ta không biết.

Nhưng chắc Ngài đã không dừng lại ở việc chữa lành thân xác.

Ngài muốn một sự lành mạnh nơi toàn diện con người.

“Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai” (Is 35, 6).

Lời của ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 đã ứng nghiệm.

Khi anh bại liệt trỗi dậy, vác giường và đi một mạch về nhà,

chúng ta thấy niềm vui bừng tỏa trên khuôn mặt của anh và các bạn.

Cả gia đình của anh cũng sẽ ngập tràn hạnh phúc

khi thấy anh trở về, đi đứng như một người bình thường.

Nhưng có điều họ không nhận ra đó là chuyện anh được tha tội.

Đức Giêsu đã tha tội cho anh dù anh không xin,

vì điều anh quan tâm chỉ là sự bất toại thể lý.

Nhưng tâm hồn anh đã bước đi,

trước khi đôi chân anh đi được.

Sự trỗi dậy của anh là sự trỗi dậy của cả hồn lẫn xác.

Đức Giêsu có cơ hội để tỏ cho nhóm các luật sĩ và Pharisêu thấy

không nhất thiết phải đi gặp tư tế và dâng lễ đền tội mới được tha.

Chỉ bằng một lời nói đơn sơ và dễ dàng, Ngài có quyền ban ơn tha thứ.

Chính việc anh bất toại được chữa lành làm chứng về quyền năng này.

Ngược lại với thái độ tin tưởng táo bạo của anh bất toại và các bạn,

là thái độ thụ động ngồi của các luật sĩ và Pharisêu.

Họ cứng nhắc trong suy nghĩ truyền thống của mình :

chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha tội.

Họ không tin Đức Giêsu được chia sẻ quyền ấy từ Cha,

dù họ đã tận mắt thấy anh bất toại đi được.

Mùa Vọng là thời gian trỗi dậy, ra khỏi sự bất toại và bước đi.

Có những bệnh bất toại về mặt thiêng liêng,

khiến tôi không đến gần được Chúa, cũng không dám đến với anh em.

Có những bất toại về trí tuệ khiến tôi bị kẹt

trong những định kiến, thiên kiến, thành kiến,

không dám mở ra để đón nhận những sự thật bất ngờ và đáng sợ.

Có những bất toại về tình cảm khiến tim tôi như bị cầm tù,

không sao thoát khỏi được chuyện yêu ghét oán hờn dai dẳng.

Xin Giêsu giải phóng tôi, cho tôi khỏi bất toại, để tôi được tự do.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

sống cho Chúa thật là điều khó.

Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

Chúa đòi con cho Chúa tất cả

để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa

để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà

để cây đời con sinh thêm hoa trái.

Chúa cương quyết chinh phục con

cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,

ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan

để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng

trước khi con tập sống cho Chúa

và thuộc về Chúa

thì Chúa đã sống cho con

và thuộc về con từ lâu. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Suy Niệm 2: GIÊSU: THIÊN CHÚA CỨU ĐỘ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúng ta đang mong chờ Chúa đến. Chúa đến mang theo ơn cứu độ. Tội lỗi giam hãm, trói buộc, khiến ta trở thành bại liệt không thể làm được điều mình muốn, què quặt không thể đi đàng lành, đui mù không nhìn thấy chân lý, điếc lác không nghe được Lời Chúa. Tội lỗi tàn phá khiến thiên nhiên thành sa mạc chẳng còn cây cỏ xanh tươi, đất đai trở thành khô cằn không còn trổ sinh hoa trái, ruộng vườn trở thành sỏi đá chẳng còn hoa mầu tươi tốt. Tội lỗi làm cho thế giới nhiễu nhương, khiến cho kẻ ác ức hiếp người lành, kẻ giầu bóc lột người nghèo, kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu. Thế giới tội lỗi là thế giới què quặt, tàn lụi, tự hủy diệt. Chỉ có Chúa mới có thể đem ơn cứu độ. Vì chỉ có Chúa mới có ơn tha tội.

Bài Tin mừng và bài Sách Thánh cho ta thấy, Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ đến giải thoát ta khỏi tội lỗi khi tha tội cho ta, giải thoát ta khỏi tội lỗi trói buộc, cho ta khỏi bị tê liệt, có thể đứng thẳng lên, sống tự do, khỏe mạnh để có thể làm việc lành. Được Chúa hướng dẫn, mắt ta mở ra nhìn thấy chân lý, tai ta nghe được những tiếng gọi thanh cao, chân ta thẳng đường đi trên đường ngay nẻo chính, miệng ta vang lời ca tụng Thiên Chúa.

Được ơn cứu độ không chỉ con người phấn khởi mà cả thiên nhiên cũng reo mừng. Sa mạc khô cằn trở thành phì nhiêu mầu mỡ cho cỏ cây xanh tốt, hoa lá xinh tươi. “Và đất chúng ta trổ sinh hoa trái”.

Được ơn hoán cải, thú dữ sẽ trở nên hiền lành, người ác sẽ hoàn lương, mọi người đi trên đường hạnh phúc tiến về Nhà Chúa vì Chúa đã mở ra thánh lộ.

Được ơn cứu độ, ta sẽ không còn phải khóc lóc than van, nhưng sẽ reo vui hớn hở vì những ngày đau khổ đã qua.

Lạy Chúa, thế giới còn chìm trong đau khổ vì cái ác vẫn hoành hành. Bản thân con muốn làm điều lành nhưng con như bị tê liệt chỉ biết làm điều ác. Cuộc sống con thật khô tàn héo úa. Tâm hồn con là một sa mạc thiếu vắng sự sống. Xin Chúa mau đến giải thoát con khỏi tội lỗi, đem đến giòng nước trong lành tưới cho linh hồn con để linh hồn con trổ sinh hoa trái. Xin mau đến hoán cải để thế giới không còn cái ác, để mọi người sống với nhau trong tình huynh đệ chân thành.

Suy Niệm 3: Tâm hồn bình an.

Một buổi sáng tháng 7/1971, tại một thành phố bên Hoa kỳ, một người đàn ông đã đến nộp mình tại một trạm cảnh sát gần nhà. Ông thú nhận đã giết một người đàn bà cách đó 21 năm. Ông cho biết trong 21 năm qua, ông không bao giờ chợp mắt được mỗi khi màn đêm phủ xuống. Ông nói: “Chỉ vì một phút say sưa, tôi đã biến 21 năm qua thành một cơn ác mộng. Giờ đây sau khi thú nhận tội lỗi, tôi cảm thấy thanh thản trong lương tâm, tôi cảm thấy như được tái sinh”.

Những câu chuyện nộp mình và thú nhận tội lỗi như trên đây không phải là chuyện hiếm có trong lịch sử nhân loại. Riêng với người Kitô hữu, đó là một phần của cuộc sống đức tin. Trong những cao điểm của năm phụng vụ, lời nhắc nhở của Giáo Hội về nghĩa vụ này lại càng tha thiết hơn. Đặc biệt mỗi khi Mùa Vọng về, Giáo Hội khẩn khoản kêu mời chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Giáng sinh, Chúa của Hòa bình. Làm sao chúng ta cảm nhận được bình an trong tâm hồn, nếu tội lỗi vẫn còn đè nặng lương tâm của chúng ta?

Có lẽ, vì muốn nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của Bí tích giao hòa, mà hôm nay Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe việc Chúa Giêsu chữa lành một người bất toại. “Này anh, tôi anh đã được tha rồi”. Lời khẳng quyết của Chúa Giêsu với người bất toại cho chúng ta thấy được ý nghĩa đích thực của niềm tin được tuyên xưng bởi chính miệng anh và đám đông khiêng anh đến trước mặt Chúa. Thật thế, tuyên xưng niềm tin trước tiên là nhìn nhận thân phận tội lỗi bất toàn của mình. Ngày nay, nhiều người đã có lý để liên kết cơn khủng hoảng đức tin với việc đánh mất ý thức tội lỗi. Quả thực khi con người không còn ý thức về tội lỗi nữa, thì điều đó cũng có nghĩa là trong sâu thẳm của tâm hồn, con người cũng không còn cảm nhận được mối liên kết của mình với Thiên Chúa nữa. Đánh mất ý thức về tội lỗi cũng có nghĩa là gạt bỏ Thiên Chúa và chối bỏ những giá trị siêu việt trong cuộc sống.

Tuyên xưng đức tin không những là nhận ra thân phận tội lỗi, bất toàn của mình, nhưng còn là nhìn nhận quyền năng cứu rỗi của Thiên Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa Đấng tạo dựng con người mới có thể tái tạo, nghĩa là tha thứ cho con người. Tha thứ đối với con người là tái lập một quan hệ đã bị phá vỡ. Còn đối với Thiên Chúa, tha thứ chính là tái tạo, là ban lại một sức sống mới đã bị đánh mất. Quyền năng tái tạo ấy của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã muốn thể hiện qua các phép lạ của Ngài, nhất là các phép lạ chữa bệnh tật con người. Qua các phép lạ ấy, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha thứ cho con người, chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tái tạo con người. Đó là lý do tại sao trong phép lạ chữa người bất toại, Ngài đã nói đến hành động tha thứ của Thiên Chúa.

Được Thiên Chúa tha thứ, được Thiên Chúa cứu rỗi, được Thiên Chúa tái tạo để biến thành một tạo vật mới, đó là sứ điệp quan trọng nhất mà Chúa Giêsu đã mang đến cho con người. Ngày nay, qua Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng không ngừng nói với chúng ta sứ điệp ấy. Qua Giáo Hội, Ngài không ngừng nói với chúng ta như Ngài đã từng nói với các bệnh nhân và những người tội lỗi đương thời của Ngài: “Hãy can đảm lên, tôi con đã được tha”. “Ta cũng không kết án con”.

Mùa Vọng, tâm hồn chúng ta cảm thấy rạo rực hân hoan vì bầu khí chuẩn bị mừng Chúa Giáng sinh. Những chuẩn bị bên ngoài là cần thiết để gợi lên cho chúng ta ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng sinh. Chúa Giêsu đã Giáng sinh là để chúng ta được sinh lại, được tái sinh. Chúng ta cần được Ngài tha thứ và tái tạo, do đó không có chuẩn bị nào cần thiết hơn là đến với Ngài trong Bí tích giải tội để được ơn tha thứ.

Vào cuối đời, Đức Gioan XXIII đã ghi lại trong nhật ký của Ngài: “Có hai ngõ dẫn chúng ta vào thiên đàng: một là tấm lòng trong sạch, hai là sự thống hối. Là những con người yếu đuối mỏng dòn, không ai trong chúng ta dám nghĩ đến ngõ thứ nhất, tuy nhiên chúng ta có thể tin chắc vào ngõ thứ hai, Chúa Giêsu đã đi qua ngõ ấy”. Ngài đã mang lấy Thập giá để đền bù tội lỗi chúng ta và mời gọi chúng ta bước theo Ngài. Nhưng theo Ngài cũng có nghĩa là sám hối, chấp nhận mỗi ngày cần được thanh tẩy thêm.

Ước gì Bí tích giải tội mà chúng ta sốt sắng lãnh nhận trong mùa vọng này đem lại cho chúng ta bình an đích thực, bình an mà các Thiên thần loan báo trong đêm Giáng sinh:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

Suy Niệm 4: VÌ GHEN TỨC MÀ TRỞ THÀNH BẤT NHÂN!

Ghen ăn tức ở hay không ăn được thì đạp đổ vốn là thói xấu thường trực trong xã hội mọi thời. Bởi vậy, chúng ta không lạ gì vào thời Đức Giêsu, tình trạng này lại càng rõ nét nơi những người Pharisiêu và các Luật sĩ khi họ thấy Đức Giêsu được lòng dân và uy tín của Ngài ngày càng lan rộng. Vì thế, họ sinh ra căm phẫn và tức tối, nên muốn loại bỏ Đức Giêsu ra khỏi cuộc sống và xã hội.

Tuy nhiên, họ khó lòng kết tội cho Đức Giêsu khi Ngài làm việc thiện, việc tốt hay đứng lên bảo vệ công lý, công bình, giúp đỡ người nghèo, người không nơi nương tựa.... Bởi lẽ, nếu họ chống đối ra mặt những việc Đức Giêsu đã làm trên thì họ sẽ bị dân chúng phản đối và đương nhiên, khuôn mặt giả hình nhân đức của họ bị bại lộ. Như thế, hoàn toàn không có lợi cho bản thân và mưu kế của những người này. Chỉ có một cách là họ ghép Đức Giêsu vào tội lộng ngôn hay phản động thì sẽ dễ dàng hơn.

Thua keo này, họ bày keo khác…. Và, hôm nay là cơ hội để họ thực thi điều ác tâm đó với Đức Giêsu.

Tin Mừng thuật lại câu chuyện Đức Giêsu chữa người bất toại cách công khai và nhân đây Ngài cũng mặc khải Thiên Tính của mình khi nói: "Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!". Khi nói như thế, Đức Giêsu bị những nhà lãnh đạo tôn giáo kết án Ngài nói lộng ngôn vì tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa khi tha tội cho người ta. Theo quan niệm của người Dothái thì những người mắc bệnh tật là do bị Thiên Chúa phạt vì tội lỗi của họ. Và đương nhiên, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Khi họ không tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì hẳn là họ phủ nhận quyền tha tội của Ngài, như thế, họ có lý do để loại trừ Đức Giêsu bằng cái chết.

Về phía Đức Giêsu: khi Ngài bày tỏ uy quyền của mình bằng việc tha tội, ngay lập tức, người bất toại được lành, điều này cho thấy quyền năng và lòng thương xót của Đức Giêsu đã chứng minh sứ vụ Thiên Sai Con Thiên Chúa nơi Ngài, Ngài đến là để cứu chữa và ban ơn cứu độ cho mọi người.

Mặt khác, niềm tin của những người khiêng anh bại liệt cũng như niềm tin của chính người bại liệt đã để lại cho chúng ta bài học:

Tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, vì Ngài làm được mọi chuyện và Ngài biết điều gì tốt nhất cho ơn cứu độ của ta thì Ngài sẽ ban ơn.

Đức tin cần phải đi đôi với việc làm. Nếu người bại liệt đã tin vào Chúa, và khi được giải phóng khỏi tội lỗi là quyền lực của Ma Quỷ, anh ta đã cất tiếng ngợi ca Thiên Chúa, thì chúng ta, khi cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trên cuộc đời, hãy có tâm tình tạ ơn.

Đức tin cần được biểu lộ qua đức ái. Vì thế, noi gương những người Dothái khi xưa, hãy sẵn sàng giúp đỡ những người nghèo đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Nhất là những người cô thế, cô thân, để tăng thêm niềm tin nơi họ ngang qua những việc thiện chúng ta làm.

Tránh những kiểu kỳ thị như những người Pharisiêu và Luật sĩ. Đừng vì ích kỷ hay hình thức bề ngoài mà ngăn cản ơn Chúa đến với mọi người, cũng như căm tức những người vì lòng tốt mà làm được nhiều việc thiện hơn ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con ơn đức tin để chúng con biết tin tưởng vào Chúa. Xin cũng cho chúng con luôn biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh và sống đức ái với nhau cách chân tình. Amen.

Ngọc Biển SSP