Dân Chúa Âu Châu

06012020loichua 337x225Vai trò người phụ nữ trong Tin Mừng.

Thứ Sáu tuần 24 thường niên.

“Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy của cải mình mà giúp Người”.

Lời Chúa: Lc 8, 1-3

Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa.

Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Mấy người phụ nữ cùng đi

Suy niệm:

Nhóm Mười hai cùng đi với Thầy Giêsu qua các thành phố, làng mạc,

để rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa (c. 1).

Chuyện các môn đệ nam giới đi theo Thầy

là chuyện bình thường trong xã hội Do Thái.

Chuyện lạ ở đây là chuyện cùng đi với Thầy còn có các phụ nữ.

Các bà đi theo Thầy, rong ruổi trên những nẻo đường của vùng Galilê.

Họ như thuộc cùng một nhóm với các môn đệ.

Vào thời Đức Giêsu, chuyện phụ nữ đi chung như thế quả là gây sốc.

Nếu một phụ nữ cứ tiếp xúc với nam giới ở ngoài họ hàng,

thì bản thân chị ấy và gia đình sẽ phải mang tiếng xấu.

Vả lại chẳng ông chồng nào chịu để cho vợ mình làm như vậy.

Những phụ nữ đã đi theo Thầy Giêsu từ Galilê.

Câu này nói lên căn cước của nhóm phụ nữ.

Họ đã theo Thầy đến chỗ Thầy chịu đóng đinh (Lc 23, 49).

Họ đã theo Thầy đến chỗ Thầy được mai táng (Lc 23, 55).

Họ là những người đầu tiên ra thăm mộ vào sáng sớm (Lc 24, 1-3).

Theo Tin Mừng Mátthêu (28, 9-10), Máccô (16, 9) và Gioan (Ga 20, 18),

chính họ là những người đầu tiên được thấy Đấng phục sinh

Hai môn đệ Emmau tuy không tin lời chứng của các phụ nữ về Phục sinh,

nhưng hai ông đã gọi họ là những phụ nữ trong nhóm chúng tôi (Lc 24, 22).

Những phụ nữ này còn có mặt cùng với nhóm Mười Hai,

để cầu nguyện chung, sau khi Thầy Giêsu được cất về trời (Cv 1, 13-14).

Như thế nhóm phụ nữ này đã kiên trì và can đảm đi theo Thầy Giêsu,

từ Galilê đến Núi Sọ, và từ Núi Sọ đến cộng đoàn Giáo Hội sơ khai.

Một cách nào đó, họ xứng đáng được gọi là người môn đệ.

Đức Giêsu đã không chỉ thu hút được các môn đệ nam theo Ngài.

Qua việc trừ quỷ và chữa bệnh, Ngài đã làm cho nhiều cuộc đời tươi trở lại.

Một nhóm phụ nữ khi được chữa lành, đã muốn tỏ lòng biết ơn,

trong đó có bà Gioanna, là người đã lập gia đình, giàu có và quyền quý.

Họ quyết định đi theo Đức Giêsu và các môn đệ như những trợ tá.

Họ dùng của cải mình có để phục vụ các ngài (c. 3).

Không nên coi việc phục vụ của nhóm phụ nữ là thấp kém,

vì các môn đệ cũng được mời gọi làm người phục vụ anh em (Mc 10, 43).

Và chính Thầy Giêsu cũng đã sống như một người phục vụ (Lc 22, 27).

Không thấy nói đến việc các phụ nữ này được Thầy Giêsu sai đi rao giảng.

Có lẽ vì vào thời đó ở nước Do Thái, người ta còn coi thường phụ nữ,

và không coi các phụ nữ như những chứng nhân đáng tin.

Khi nhìn Nhóm Thầy Giêsu cách đây hai mươi thế kỷ,

chúng ta thấy Thầy đã táo bạo, dám đi ngược với nền văn hóa thời đó.

Ngài mở rộng thế giới của phụ nữ, vốn chỉ giới hạn trong gia đình.

Phụ nữ hôm nay được mời gọi tham gia vào những công việc chung.

Chúng ta cần thấy sự hiện diện tích cực của các phụ nữ lo việc bác ái,

dạy giáo lý, làm việc cho giáo xứ, hay ở trong các tổ chức của giáo phận.

Làm sao có được nhiều phụ nữ thánh thiện và năng động như Mẹ Têrêsa?

Cầu nguyện:

Giữa một thế giới

đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 2: CỦA CẢI VÀ NƯỚC TRỜI

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Của cải trần gian chẳng có giá trị gì trong Nước Trời. Nhưng của cải lại là phương tiện minh chứng, xây dựng và đạt tới Nước Trời. Các phụ nữ theo Chúa Giê-su đã cảm nghiệm được điều đó. Các bà đã trải qua quá khứ bị ma quỉ và bệnh tật trói buộc. Đã cảm nghiệm được sự mong manh của kiếp người. Nhất là đã cảm nghiệm được Nước Trời. Đã nhận được ơn cứu độ của Chúa. Nên các bà coi thường của cải trần gian. Quảng đại góp phần vào việc loan báo Tin Mừng Nước Trời. Để Chúa Giê-su và các môn đệ có phương tiện đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Các bà đã được hạnh phúc. Và muốn chia sẻ hạnh phúc cho mọi người.

Từ bỏ tiền của. Điều này không dễ dàng. Đó là thế lực trần gian mạnh nhất. Đó là cơn cám dỗ ngọt ngào nhất. Đó là sợi giây trói buộc chặt chẽ nhất. Đó là kẻ thù sau cùng đối địch với Chúa. Thánh Phao-lô ý thức được điều đó. Nên hết sức khuyên nhủ người môn đệ Ti-mô-thê phải tránh xa tiền bạc. vì “cội rễ sinh ra mọi điều ác là long ham muốn tiền bạc”. Hãy chống lại tiền bạc bằng một đời sống công chính. Công chính là hoàn toàn tin tưởng vào Chúa chứ không cậy dựa vào tiền bạc. Đó là một trận chiến. Cần phải thi đấu hết mình mới mong thắng được. Vì ta sinh ra trần truồng. Ta chết cũng trần truồng. “Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được”. Thế nhưng tiền bạc cứ bám lấy ta. Ám ảnh ta. Trói buộc ta. Phải dứt nó ra. Nếu ta thua, tiền bạc sẽ trở thành ông chủ. Ta trở thành nô lệ. Nó sẽ ném ta vào lửa hoả ngục. Nếu ta thắng. Nó sẽ trở thành nô lệ. Sẽ giúp ta đạt tới Nước Trời (năm lẻ).

Ta thắng được tiền bạc và những cám dỗ đời này nhờ niềm tin vào Chúa Ki-tô phục sinh. Ta sẽ sống lại với Người trong Nước Trời. Trong đời sống mới. Đời sống ấy không có tiền bạc. Không cần tiền bạc. Nếu ta thực sự có đức tin. Ta sẽ không gắn bó với tiền bạc. Với đời này. Tiền bạc là một con dao hai lưỡi. Nếu ta luỵ phục nó. Nó sẽ tiêu diệt ta. “Nếu ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người”. Nếu ta sử dụng nó. Nó sẽ là một phương tiện tốt. Là ông chủ, nó ngăn cản ta đến Nước Trời. Là đầy tớ, nó giúp ta mua được Nước Trời (năm chẵn).

Vậy ta hãy noi gương các phụ nữ, quảng đại dâng hiến tiền bạc để làm việc truyền giáo. Siêu thoát của cải. Ta làm chứng cho Nước Trời. Dứt lìa khỏi những của cải đời này. Ta không còn thuộc trần gian. Nhưng thuộc về Nước Trời.

SUY NIỆM 3: Sự Bình Ðẳng Của Phụ Nữ

Vào thế kỷ 14, người ta vẫn còn xem người phụ nữ như một thứ nguy hiểm, một cám dỗ triền miên, một tạo vật thấp hèn, hay cùng lắm chỉ là phương tiện để bảo tồn nòi giống. Một quan niệm và đối xử như thế với phụ nữ vẫn còn rơi rớt trong thời đại chúng ta: trong biết bao xã hội, người phụ nữ vẫn còn bị đối xử như chưa bình đẳng với nam giới. Thời Chúa Giêsu, dĩ nhiên cách đối xử với nữ giới còn tệ hơn. Chúa Giêsu quả thực đã làm một cuộc cách mạng khi đảo lộn quan niệm về nữ giới nơi những người đồng thời với Ngài.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy cách đối xử của Chúa đối với nữ giới. Những người phụ nữ mà thánh Luca nhắc đến có người đã từng bị quỉ ám, bởi vì họ là đối tượng của những sức mạnh huyền bí gây xáo trộn trong cuộc sống và chức năng của họ: không những họ phải mang nặng đẻ đau mà còn bị nguyền rủa khi son sẻ. Mối quan tâm của Chúa Giêsu đối với nữ giới, nhất là việc Ngài chữa lành cho họ, là dấu chỉ cho thấy họ đã được tự do, không những được giải phóng khỏi sức mạnh tăm tối, mà còn trở nên bình đẳng trước mặt mọi người.

Ðể nói sự bình đẳng ấy, Chúa Giêsu cho các phụ nữ được tham gia vào sinh hoạt của Nhóm Mười Hai. Sự hiện diện và phục vụ của họ bên cạnh Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai chứng tỏ rằng trong Giáo Hội của Ngài không hề có sự phân biệt phụ nữ. Sự kiện những phụ nữ đi theo Chúa Giêsu ngay từ lúc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai chứng tỏ rằng họ là những người đồng hàng với các Tông Ðồ trong việc loan báo Tin Mừng của Ngài. Có sứ mệnh và trách nhiệm loan báo sứ điệp Tin Mừng, đây là thể hiện cao độ nhất của sự bình đẳng của nữ giới.

Chúa Giêsu đã đến để giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài tái lập con người trong tước phẩm cao trọng của con cái Chúa. Chính tước phẩm ấy là nền tảng sự bình đẳng của con người: nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, tất cả đều có một phẩm giá cao trọng như nhau. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy trong thư Galata: "Không còn Do thái hay Hy lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, bởi vì tất cả là một trong Chúa Giêsu Kitô".

Chúa Giêsu đã khẳng định sự bình đẳng của nữ giới không bằng tuyên bố suông, Ngài đã chứng minh điều đó khi để cho các phụ nữ gia nhập vào nhóm mười hai Tông đồ của Ngài. Sự bình đẳng, hay đúng hơn, phẩm giá của con người được thể hiện trước tiên qua hành vi phục vụ: càng phục vụ, con người càng chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình. Thật ra, đây cũng chính là nghịch lý chạy xuyên suốt Tin Mừng: càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất bản thân; trái lại, càng quên mình phục vụ, con người càng tìm lại bản thân và chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình.

Xin Chúa ban đức tin để chúng ta luôn biết tôn trọng phẩm giá nơi mỗi người, nhất là biết cố gắng thể hiện phẩm giá của mình bằng cuộc sống quảng đại phục vụ và yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 4: Vai Trò Của Người Phụ Nữ

Thánh nữ tiến sĩ Hội Thánh Edith Stein trước khi trở lại công giáo đã từng là một triết gia nổi tiếng. Thánh nữ đã trở lại công giáo sau khi đọc tiểu sử của thánh nữ Têrêsa Avila. Và mười hai năm sau khi chịu phép rửa đã vào tu trong dòng Kín. Không giống như thánh nữ Têrêsa, Edith Stein vốn là người đàn bà vụng về trong công việc nội trợ trong nhà dòng. Tuy nhiên, theo chứng từ của những người còn sống sót trở về từ các trại tập trung Ðức quốc xã, thánh nữ Edith Stein đã luôn giữ vững được tinh thần và là người đứng ra chăm sóc cho các thiếu nhi cùng bị giam giữ với mẹ chúng trong các trại tập trung Ðức quốc xã.

Bí quyết để thánh nữ có thể giữ vững được tinh thần và nâng đỡ những người chung quanh chính là luôn sống giây phút hiện tại và đặt cả niềm phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Cũng giống như thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, thánh nữ Edith Stein luôn sống một cách sung mãn từng giây phút hiện tại.

Tin Mừng hôm nay nhắc tới tên của một số người phụ nữ đã được Chúa Giêsu chọn làm cộng tác viên của Ngài trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, đây không phải là một sự tình cờ hay phụ thuộc trong chương trình của Ðấng cứu thế. Tuy không được chọn làm tông đồ nhưng sự hiện diện và công việc âm thầm của những người phụ nữ này cũng quan trọng chẳng kém gì công tác tông đồ. Vai trò của họ lại càng quan trọng và nổi bật hơn nữa bởi vì trong những giây phút đau thương nhất của Chúa Giêsu họ là những người duy nhất đứng kề bên Ngài. Sự hiện diện của một số người phụ nữ trong công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu và nhất là trong những giây phút cuối đời của Ngài cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của chứng tá âm thầm của cuộc sống đức tin. Chứng tá ấy nói với chúng ta rằng trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô dù có âm thầm và vô danh đến đâu mỗi người đều có một chỗ đứng quan trọng và không thể thay thế được.

Nguyện xin Chúa ban đức tin để chúng ta luôn biết tôn trọng phẩm giá con người, nhất là thể hiện phẩm giá của mình bằng cuộc sống quảng đại, phục vụ và yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 5: Những người giúp vô vị lợi

Sau đó Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người có nhóm mười hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la người đã được giải thoát bảy quỷ. (Lc. 8, 1-2)

Người ta nói, không tiền và không giúp đỡ, chẳng làm được gì. Ngay trong việc rao giảng Tin Mừng cũng thế. Đó là lý do chung quanh Đức Kitô để giúp việc truyền giáo, ngoài các tông đồ ra, còn có các bà tận tâm đi theo giúp đỡ, một thứ giúp đỡ vô vị lợi. Nhờ đó Chúa rảnh tay hoàn toàn hiến thân cho công việc cốt yếu nhất. Những người giúp đỡ này chính là các phụ nữ.

Thánh Lu-ca hơn các Thánh viết Tin Mừng khác, nói đến vai trò các bà đóng góp vào việc chung quanh Thầy chí thánh và trong đoàn truyền giáo đầu tiên của Giáo Hội. Thánh Lu-ca nhấn mạnh đến công việc nặng nhọc của các bà đã lấy của cải mình giúp đỡ các Ngài. Thánh Lu-ca chắc hẳn lưu tâm đến thời cựu ước và trong nhiều nền văn minh khác, phụ nữ bị coi là thứ cấm kỵ, đối tượng của sức mạnh bí ẩn, bị khuất phục dưới thảm trạng bi đát bên lề. Người phụ nữ Samaria kêu lên ngạc nhiên khi Đức Kitô dám nói chuyện với mình. Tận nền vấn đề, Đức Kitô là Người bảo vệ đầu tiên vĩ đại, là người khởi động đầu tiên thăng tiến giải phóng phụ nữ. Các thầy khác thời Người đã loại bỏ phụ nữ khỏi ảnh hưởng các đồ đệ của họ, và tổ chức Do-thái giáo lúc đó không chấp nhận phụ nữ tham dự cộng đồng. Chỗ đứng của phụ nữ ở giữa dân ngoại và dân Is-ra-el!

Vậy mà truyền thống kể lại những lần hiện ra đầu tiên của Đức Giêsu sống lại là hiện ra với các bà. Đức Giêsu rất tín nhiệm các bà, và các bà đã chứng tỏ lòng trung thành đặc biệt đối với Người, như: cung cấp nuôi dưỡng các Ngài suốt thời gian truyền giáo, các bà theo Chúa trên đường vác thánh giá lên đồi Can-vê, đứng dưới chân thánh giá, đi ra thăm mồ từ sáng sớm.

Khi người ta nhớ đến vai trò mà Đức Giêsu đã dành cho phụ nữ, và so sánh với Giáo Hội xuyên suốt các thời đại, người ta ngạc nhiên thấy rằng vai trò của phụ nữ bị chìm vào quên lãng, khác hẳn với cách cư xử của Đức Kitô đối với phụ nữ.

GF

SUY NIỆM 6: ÂN SỦNG CỦA CHÚA LUÔN Ở VỚI NGƯỜI MÔN ĐỆ (Lc 8, 1-3)

Những người được gọi và chọn để thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, thường hay có những lý giải như: mình còn trẻ, không biết ăn nói; hay tôi là người tội lỗi, thấp cổ bé họng...; hoặc tôi là dân quê mùa, ít học, nghèo nàn, dốt nát...

Tuy nhiên, nhìn lại hành trình rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, chúng ta thấy rất rõ những người đi theo Ngài đâu có mấy người thế giá trong dân? Điển hình như các Tông đồ là những người nhà quê, ít học, vụng về hoặc tội lỗi khét tiếng...! Nói chung là lý lịch thuộc hạng bất hảo! Bên cạch đó, cũng có một số phụ nữ đi theo, các bà là những người cũng không mấy tốt lành nguyên thủy. Điển hình như Maria Madalena, bà là người đã từng bị quỷ ám. Còn bà Gioanna thì lại là vợ viên quản lý của vua Hêrôđê…

Tuy xuất phát điểm khác nhau, nhưng khi được Đức Giêsu mời gọi, cuộc đời của các Tông đồ và những phụ nữ này đã “buông theo ân sủng” để gặp nhau cùng một mẫu số chung, đó là: gặp được Đức Giêsu, cảm nghiệm được tình thương của Ngài, đặt niềm tin nơi Ngài, sẵn sàng sám hối, biến đổi, quảng đại để đi theo Ngài và phục vụ Ngài cách trung thành.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm ra đi làm chứng cho Chúa, mặc dù cuộc đời ta có bất hảo, kém cỏi về tri thức, vụng về trong cách ăn nói hay tội lỗi có ngập đầu và vẫn còn những tham sân si... Nhưng trong sự thống hối, tin tưởng và yêu mến Chúa, chúng ta có quyền tin tưởng Ngài sẽ làm được những chuyện lớn lao do tình thương và ân sủng của Ngài trong cuộc đời và sứ vụ của chúng ta.

Điều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng ra đi, dấn thân, quảng đại cho sứ vụ Nước Trời hay không mà thôi!

Mặt khác, hình ảnh những phụ nữ đi theo và phục vụ Đức Giêsu trong sứ vụ Thiên Sai của Ngài cho thấy: Đức Giêsu không hề chê bỏ bất cứ ai, dù họ thuộc thành phần nào trong xã hội.

Do đó, không ai có mặc cảm vì mình vô dụng hoặc kém cỏi, nhưng chúng ta phải không ngừng cảm tạ tình yêu và lòng thương xót của Chúa đã dành cho chúng ta bằng cách mỗi ngày cố gắng sống xứng đáng hơn, yêu thương hơn để cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu, xin thánh hóa chúng con, để chúng con trở thành Tông đồ của Chúa trong môi trường và xã hội hôm nay. Amen.

Ngọc Biển SSP