Dân Chúa Âu Châu

Mt 14 1 12Chết vì sứ vụ.

Thứ bảy đầu tháng, tuần 17 thường niên. – Thánh Anphong Maria Ligôri, gíam mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Hêrôđê sai người đi chặt đầu Gioan, và các môn đệ của Gioan đi báo tin cho Chúa Giêsu".

* Thánh nhân sinh năm 1696 tại Napôli. Người từ bỏ nghề luật sư để làm linh mục, rồi sau lại nhận trách nhiệm giám mục để loan báo tình yêu của Chúa Kitô. Người đi giảng không mỏi mệt, siêng năng giải tội và rất nhân từ với các hối nhân. Người đã lập Dòng Chúa Cứu Thế nhằm mục đích loan báo Tin Mừng cho dân các miền quê (1732). Người đã giảng dạy luân lý và viết nhiều tác phẩm về đời sống thiêng liêng. Người qua đời năm 1787.

Lời Chúa: Mt 14, 1-12

Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy".

Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: "Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ". Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. Được mẹ nó dặn trước, nên nó nói: "Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên đĩa này cho con". Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy.

Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục, và để đầu Gioan trên đĩa đem trao cho cô gái, và nó đem cho mẹ nó. Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Vì đã trót thề

Suy niệm:

Theo các sách Tin Mừng, Gioan bị giết trong khung cảnh một bữa tiệc.

Đó là tiệc mừng sinh nhật Hêrôđê Antipas là tiểu vương vùng Galilê và Pêrê.

Nếu thế, bữa tiệc này hầu chắc diễn ra ở Tiberias,

một thành gần hồ Galilê, nơi Hêrôđê đặt trung tâm quyền lực của mình.

Gioan bị giết vì dám phản đối cuộc hôn nhân bất hợp pháp

giữa Hêrôđê với bà Hêrôđia là vợ của Philíp,

người anh cùng cha khác mẹ với mình.

Chuyện ngoại tình của Hêrôđê bị Gioan Tẩy giả kết án là có thể hiểu được.

“Ngài không được phép lấy bà ấy” (c. 4).

Lấy vợ của người anh em là phạm đến Luật Chúa (Lv 18, 16; 20, 21).

Gioan là một ngôn sứ không lùi bước trước sự bất công.

Ông đã sẵn sàng bênh vực sự thật, dù ông biết cái giá phải trả.

Hêrôđê đã dùng quyền lực để ép Gioan phải im miệng.

Ông bắt Gioan, xiềng lại và tống vào ngục.

Chỉ vì sợ phản ứng của dân chúng mà Hêrôđê chưa muốn giết Gioan.

Bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê hẳn có nhiều quan khách tham dự.

Chuyện cô công chúa như Salômê, con bà Hêrôđia, múa cho quan khách xem,

là một chuyện lạ, nhưng vẫn có thể đã xảy ra.

Không rõ vì cô xinh đẹp hay vì múa giỏi mà Hêrôđê ngây ngất (c. 6).

Từ đó Hêrôđê không còn đủ sáng suốt, tỉnh táo,

khi vội vã đưa ra một lời hứa kèm theo lời thề với cô.

Cô muốn xin gì, nhà vua cũng thề hứa ban cho (c. 7).

Chúng ta thấy Hêrôđê đã tự đưa mình vào thế kẹt dại dột và nguy hiểm.

Ông đã không lường được hậu quả của chuyện đó.

Hêrôđia chỉ chờ cơ hội này để thanh toán kẻ dám phá hạnh phúc của bà.

Bà đã xúi con gái xin ngay thủ cấp của Gioan, đặt trên mâm.

Hêrôđê hẳn đã lặng người khi nghe cô bé xin điều ấy.

Ông lấy làm đau buồn vì đây thật là chuyện không ngờ (c. 9).

Ông bị đặt trước một chọn lựa: giết hay không giết Gioan.

Đám đông quan khách tạo một áp lực vô hình trên ông.

Vì đã lỡ thề hứa trước mặt họ, nên ông không dám rút lại.

Ông sợ rút lại sẽ bị mang tiếng là nuốt lời, và sẽ bị mất uy tín.

Hêrôđê đã chọn mình, chọn danh dự và cái ghế của mình hơn.

Ông hy sinh Gioan để giữ được tiếng tăm và tình yêu với bà Hêrôđia.

Làm sao chúng ta có can đảm nhận ra mình sai lầm và dừng lại ?

Làm sao chúng ta không bị cuốn từ tội này sang tội khác ?

Rút lại một lời hứa có khi còn khó hơn giữ lời hứa ấy.

Hêrôđê là người bị nô lệ bởi nỗi sợ, sợ Gioan, sợ dân, sợ quan khách…

Đúng hơn là ông sợ mất chính mình, sợ người ta nghĩ xấu về mình.

Có những lúc chợt tỉnh ngộ, tôi vẫn ngần ngại không muốn nhận mình sai.

Tôi không dám nhận lỗi, vì tôi muốn mình vẫn đúng.

Xin Chúa đưa tôi ra khỏi cơn mê muội của tôi.

Cầu nguyện :

Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,

xin cho con trở nên mù lòa

vì ánh sáng chói chang của Chúa,

để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.

Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,

ánh sáng phá tan bóng tối trong con

và đòi buộc con phải hoán cải.

Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối

chỉ vì chút tự ái cỏn con.

Xin cho con khiêm tốn

để đón nhận những tia sáng nhỏ

mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.

Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý

để Chân lý cho con được tự do.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Suy Niệm 2: Tương Quan Giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu

Trong Tin Mừng hôm nay, tác giả hai lần nhắc đến Gioan Tẩy giả trong tương quan với Chúa Giêsu.

Ở khởi đầu trình thuật, vua Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì ông cho đó chính là Gioan Tẩy giả, người mà ông đã cho chém đầu nay sống lại. Ơn gọi của Gioan Tẩy giả như chính miệng ông Zacaria loan báo trong ngày lễ đặt tên cho con mình: "Con là tiên tri của Ðấng tối cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài". Ơn gọi đó Gioan đã chu toàn một cách tốt đẹp. Gioan chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật. Dung mạo của Gioan Tẩy giả loan báo dung mạo của Chúa Giêsu một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Hêrôđê tưởng Ngài là hiện thân của Gioan Tẩy giả sống lại.

"Các con sẽ làm chứng về Thầy", đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ, cho mỗi môn đệ của Chúa. Chúng ta cần trở nên một Chúa Kitô cho anh em mình, vận mệnh của Chúa sẽ là vận mệnh của chúng ta.

Một chi tiết nữa, đó là các môn đệ Gioan Tẩy giả, sau khi chôn cất ông xong, thì đến báo tin cho Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên mối liên hệ thân tình giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Gioan Tẩy giả là hướng về Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả không phải là Chúa Giêsu, nhưng là người giúp anh em mình đến với Chúa. Chính Gioan Tẩy giả đã tuyên bố: "Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng".

Người Kitô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hợp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình. Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.

Xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm và trung thành với sự thật, dù phải hy sinh chính mạng sống mình, để giúp người khác đến với Chúa và tin nhận Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 3: Chết Cho Sự Thật (Mt 14,1-12)

Lịch sử nhân loại lúc nào cũng có chiến tranh, lúc nào cũng có hận thù. Khi thánh Gioan Tẩy Giả bị chém đầu cách đây hai ngàn năm, người ta cũng xôn xao bàn tán về cái chết của ngài. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu đã ghi lại hoàn cảnh cái chết của vị tiền hô. Ngài chết vì đã nói lên sự thật. Ngài chết cho sự thật. Tín hữu Kitô là những người đã đi theo Ðấng đã từng tuyên bố: "Ta là sự thật". Họ phải là những người sẵn sàng chết cho sự thật ấy.

Trong một cuộc thăm dò do viện Galup thực hiện, sáu mươi chín phần trăm người dân Mỹ cho biết họ tin là không có những chuẩn mực luân lý tuyệt đối. Trong một cuộc thăm dò khác, bảy mươi mốt phần trăm nói rằng không hề có một chân lý tuyệt đối. Không có chân lý tuyệt đối, cho nên theo họ chỉ có chân lý của số đông. Tiêu chuẩn của chân lý là số đông. Ðiều gì đám đông nghĩ, đám đông tin, đám đông bỏ phiếu, đám đông tán thành, là đúng. Chính vì tiêu chuẩn của chân lý là đám đông, nên có biết bao nhiêu hành động tội ác được hợp pháp hóa bởi vì đám đông đã tán thành. Còn gì độc ác dã man cho bằng hành động phá thai, nhưng nó đã được hợp pháp hóa bởi vì đám đông đã đồng tình.

Ðấng là sự thật đã chết trơ trụi một mình trên thập giá. Tuyên xưng mình là sự thật, sống cho sự thật, thường cũng đòi hỏi người tín hữu Kitô phải lội ngược dòng. Sự thật không có tính vụ lợi. Sự thật không được đánh giá bằng những lợi lộc hay đổi chác. Sự thật đòi hỏi con người phải hy sinh tất cả để nói lên sự thật và trung thành với sự thật. Sống chết cho sự thật, không có phần thưởng nào khác hơn là chính sự thật, bởi lẽ vì sống cho sự thật có thể mất hết mọi sự nhưng không đánh mất chính mình.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 4: Chân Lý

Thời ấy tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết chỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” (Mt. 14, 1-2)

Đoạn này kề về cuối đời của thánh Gio-an Tiền Hô, một con người bảo vệ chân lý. Ngài đã trung thành sống với Lời Ngài giảng. Đó chính là đức tính của vị ngôn sứ.

Ngôn sứ là ai?

Ngày nay quá nhiều kẻ tuyên bố sự thật. Họ rêu rao sự thật đến rát cổ mỏi miệng.

Có kẻ tách khỏi Giáo Hội và xỉ nhục điều này điều kia của Giáo Hội, phỉ nhổ vị này vị kia. Kẻ đó không phải là kẻ chân chính.

Gio-an Tiền Hô thành chướng ngại vật, là lời khiển trách sống động đới với Hê-rô-đê và với chúng ta nữa. Ngài không nói: “Hãy làm như tôi!” nhưng Ngài nói: “Đó là huấn lệnh của Chúa!” Thính giả nghe Ngài, nhưng còn phải nhìn kỹ Ngài sống thế nào! cần phải chiêm ngắm chân lý của sứ ngôn và đời sống của Ngài, thì họ sẽ không còn dám sống ích kỷ nữa.

Ngày nay thì sao?

Ngày nay có nhiều ngôn sứ không?

Ngôn sứ là người loan báo Đức Giêsu Kitô. Ông phải làm chứng về Đức Kitô.

Đức Giêsu là ai? Ngôn sứ phải nói về Người như thế nào cho thế hệ hiện tại: trước hết chúng ta phải nói đến quá khứ, kể lại Tin Mừng: nói về sự sống lại của Người, về con người mới mà Người đã làm chúng ta trở lên con người mới đó.

Ngôn sứ không được vì mình, nhưng phải là chứng nhân cho thế hệ hiện tại.

J.M

Suy Niệm 5: CHỨNG NHÂN CHO SỰ THẬT (Mt 14, 1-12)

Khi xem các chương trình nhạc kịch, khán giả thường có những nhận xét đúng – sai cũng như đặc điểm của vai diễn qua các nhân vật. Ngoài ra, độc giả còn nhận thấy hình ảnh của mình thông qua con người và diễn xuất của các nghệ sĩ…

Hôm nay, trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy xuất hiện 4 nhân vật, mỗi nhân vật mang một nét đặc trưng riêng cả về nhân thân và lối sống. Các nhân vật đó là: Gioan Tẩy Giả; vua Hêrôđê; bà Hêrôđia; và, con gái bà Hêrôđia. 4 nhân vật đó như thế nào? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu.

Thứ nhất là Gioan Tẩy giả:

Gioan Tẩy giả là ngôn sứ vĩ đại, đến để loan báo về Đấng Cứu Thế và chuẩn bị lòng dân đón nhận Ngài. Vì thế, ông đã biểu lộ vai trò ngôn sứ bằng một thái độ sống hết sức khiêm tốn, hy sinh, can đảm, mạnh mẽ và bất khuất trước bạo lực, cho dù phải chịu tù đày và chết tróc.

Thứ hai là vua Hêrôđê:

Ông được biết đến như một kẻ ác nhân. Ông đã lộng hành khi dùng quyền. Coi thường đạo lý và buông theo sắc dục mà bất chấp đúng - sai. Ông đã làm trái với lương tâm khi truyền lấy đầu ông Gioan để thỏa mãn điều thề hứa bất chính của mình.

Thứ ba là Bà Hêrôdia:

Vì ưa thích điều bất chính, nên đã không chấp nhận sự thật mà Gioan loan báo. Vì thế, lòng thù ghét nổi lên như nước thủy triều. Thay vì dạy dỗ con mình làm điều tốt, bà lại xúi con mình làm điều bất chính khi xin vua lấy đầu Gioan Tẩy Giả. Sự ác tâm này là con đẻ của hận thù và ghen ghét vì mối lợi trước mắt.

Thứ tư là con gái bà Hêrôdia:

Cô gái trẻ này được biết đến như một nhân vật có tài mà không có đức. Vì thế, thay vì sử dụng tài của mình để làm việc thiện, cô ta đã dùng nó như là một thứ mua vui thuần túy và phá hoại. Tệ hơn nữa là cô không hề áy náy khi biết rõ rằng việc mình làm chỉ là để thỏa nãm sắc dục của vua quan và phục vụ sự hận thù của mẹ cô với Gioan Tẩy giả.

Trong cuộc sống hôm nay, không thiếu gì những hình ảnh của Hêrôđê đang hiện ra qua những hành động của những người chỉ thích ham mê sắc dục, bất chấp sự thật để làm những điều lỗi lầm ghê tởm.

Cũng vẫn còn đó nơi ta hình ảnh của bà Hêrôdia. Nhiều lúc, thay vì dạy con làm điều tốt, thì lại chỉ vẽ cho trẻ những điều sai trái, miễn sao đạt được điều bất chính nơi ta mà thôi. Và cũng không thiếu những sự ngộ nhận nơi ta như con gái bà Hêrôdia…

Thế nhưng, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mang trong mình hình ảnh và đặc tính của Gioan Tẩy Giả. Luôn tìm mọi cách để Lời Chúa được loan báo mọi nơi, mọi lúc. Sẵn sàng chấp nhận hy sinh và ngay cả cái chết để làm chứng cho Thiên Chúa và sự thật về Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được yêu mến Lời Chúa và sẵn sàng rao giảng Lời ấy cho mọi người, dù có phải hy sinh. Amen.

Ngọc Biển SSP