Dân Chúa Âu Châu

thu 6 t 14 SNSố phận người môn đệ Chúa.

Thứ Sáu tuần 14 thường niên.

"Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con".

Lời Chúa: Mt 10, 16-23

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.

"Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel cho đến khi Con Người đến".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Vì Danh Thầy

Suy niệm :

Tháng 8 năm 2008, tại vùng Orissa ở đông bắc Ấn độ,

có một người theo chủ nghĩa dân tộc thuộc Ấn giáo, bị bắn chết.

Một tờ báo địa phương đã qui tội cho các Kitô hữu.

Lập tức một làn sóng bạo động nổi lên từ những người Ấn giáo cực đoan.

Kết quả là hàng chục người chết, hàng ngàn người bị thương,

50 nhà thờ bị đốt, 4000 nhà người Kitô hữu bị phá hủy,

hàng chục ngàn người không cửa không nhà, phải sống trong các trại cứu trợ.

Nhiều Kitô hữu thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn độ,

giai cấp của những người Dalit, những kẻ bị coi là tiện dân.

Người Dalit đã bỏ Ấn giáo để theo Kitô giáo,

và họ đã lấy lại được nhân phẩm, cùng những quyền lợi về kinh tế xã hội.

Họ được giáo dục tử tế, nên giai cấp thống trị không lợi dụng họ được nữa.

Chính vì thế mà họ bị phân biệt đối xử và bị bách hại.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã tiên báo về các bách hại đó.

Những gì Ngài phải chịu thì các môn đệ cũng sẽ phải chịu,

vì tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn thầy.

Hãy để ý đến những động từ nói lên nỗi thống khổ của các Kitô hữu:

bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra nơi hội đường và trước mặt vua quan,

bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết, có khi bởi người nhà (c. 21).

Những điều này Đức Giêsu đều đã trải qua.

Mọi sự họ chịu đều “vì Đức Giêsu”, “vì Danh Đức Giêsu” (cc. 18. 22).

Nơi tòa án, có sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa Ba Ngôi.

“Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ nói trong anh em” (c. 20),

để giúp anh em can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Cha.

Bởi đó người Kitô hữu ra tòa mà lòng rất bình an, chẳng lo gì (c. 19).

Họ được Thiên Chúa dạy điều phải nói và Thần Khí nói qua miệng họ.

Với sự nâng đỡ đặc biệt ấy, họ có thể bền chí đến cùng và sẽ được cứu độ.

Các Kitô hữu sẽ còn bị bách hại đến tận thế.

Họ không phải là những người thích tỏ ra mình anh hùng, đòi tử đạo.

Nhưng họ là những người khiêm tốn, khôn ngoan,

biết trốn đi thành khác khi bị bắt bớ ở thành này (c. 23).

Chịu bách hại là điều nằm trong ơn gọi của người Kitô hữu,

là cái giá phải trả để sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.

Ngay cả ở những quốc gia tây phương tự hào là có tự do tôn giáo,

vẫn có những kiểu bách hại ngấm ngầm và tinh vi,

khác với kiểu đòi bước qua thánh giá thời vua Minh Mạng, Tự Đức.

Sống là Kitô hữu như Đức Kitô muốn đòi ta phải lội ngược dòng.

Lội ngược dòng bao giờ cũng khó và làm người khác bực bội, sợ hãi.

Làm sao để các bạn trẻ Công Giáo dám sống theo những giá trị của Giêsu?

Làm sao để các gia đình Công Giáo không bị thói đời lôi cuốn?

Cầu nguyện :

Giữa một thế giới mê đắm bạc tiền,

xin được sống nhẹ nhàng thanh thoát.

Giữa một thế giới lọc lừa dối trá,

xin được sống chân thật đơn sơ.

Giữa một thế giới trụy lạc đam mê,

xin được sống hồn nhiên thanh khiết.

Giữa một thế giới hận thù, tuyệt vọng, dửng dưng,

xin được chia sẻ yêu thương, an bình và hy vọng.

Lạy Chúa Giêsu mến thương,

xin dạy chúng con biết cách làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời.

Xin giúp chúng con tìm ra những cách mới để người ta tin và yêu Chúa.

Ước gì hơn hai tỉ người Kitô hữu

vẫn giữ được vị mặn của muối và sức biến đổi của men,

để chúng con làm cho thế giới này mặn mà tình người,

và làm cho trần gian trở thành tấm bánh thơm ngon.

Xin cho Thiên Chúa Cha được tôn vinh

qua những việc tốt đẹp chúng con làm cho những người bé nhỏ.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Suy Niệm 2: CHIÊN VÀ SÓI

Con cái Thiên Chúa phải làm chứng cho Người nơi trần gian. Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Vì con cái Thiên Chúa hiền lành và yếu ớt như chiên con. Và thế gian hung dữ và mạnh mẽ như sói rừng. Sói sẽ tấn công. Thế gian sẽ bắt bớ. Nhưng Chúa Giê-su dạy ta đừng sợ. Cứ trông cậy nơi Chúa. Rồi Chúa sẽ làm việc. Khi bị nộp ra trước toà, bị hạch hỏi cũng đừng sợ. “Vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: “thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em”. Hãy luôn trung tín với Chúa. Dù có bị chính những người thân ghét bỏ, hành hạ, Chúa vẫn luôn bên ta. “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.

Lời Chúa hôm nay hoàn toàn ứng nghiệm vào cuộc đời tổ phụ Giu-se. Ông là chiên con sống giữa sói rừng. Ông đã bị anh em thù ghét, bán cho người Ai-cập. Người Ai-cập đã hành hạ ông. Giam tù ông. Nhưng Thánh Thần soi sáng cho ông nói lời chân lý. Nên cuối cùng ông được giải oan. Trở thành tể tướng lẫy lừng. Ông đã bền chí đến cùng. Luôn trung thành với Chúa. Trông cậy vào Chúa cả trong những phút đen tối ngặt nghèo nhất. Nên ông đã thành đạt. Không những cứu được bản thân ông còn cứu được cả gia đình. Và cứu được cả dân nước Ai-cập khỏi nạn đói. Khi gặp ông, Gia-cóp vui mừng nói: “Phen này, cha chết cũng được, sau khi đã thấy mặt con, và thấy con còn sống” (năm lẻ).

Hô-sê khuyên nhủ dân Chúa, dù hiểm nguy cũng cứ tin cậy Chúa. Đừng cậy dựa vào những thế lực phàm trần, hay những tượng gỗ vô tri. Đừng “cầu cứu với Át-sua, sẽ không cậy nhờ vào chiến mã, cũng chẳng gọi là thần những sản phẩm tay chúng con làm ra”. Hãy cậy trông vào Chúa. Vì Chúa là là tình thương yêu. “Vì chỉ ở nơi Ngài kẻ mồ côi mới tìm được lòng thương cảm. Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình”. Vì Chúa sẽ cho dân Chúa được phục hồi và phát triển. “Họ sẽ đầm chồi nẩy lộc, sum suê tựa ô-liu tươi tốt, toả hương thơm ngát như rừng Li-băng. Chúng sẽ trở về cư ngụ dưới bóng Ta, sẽ làm cho lúa miến hồi sinh nơi đồng ruộng, tựa vườn nho, chúng sẽ sinh sôi nẩy nở, danh tiếng lẫy lừng như rượ Li-băng”. Và nhất là cuối cùng Chúa sẽ thực thi công lý: “người công chính sẽ hiên ngang tiế bước, còn kẻ gian ác sẽ phải té nhào” (năm chẵn).

Dù yếu ớt, dù hiền lành, ta hãy mạnh dạn làm chứng cho Chúa. Rồi Chúa sẽ can thiệp. Và công lý được tỏ hiện. Đó chính là niềm hi vọng của ta.

Tgm Giuse Ngô Quang Kiệt

Suy Niệm 3: Số phận của người Kitô hữu

Trong chuyến hành hương Lộ Ðức tháng 8/1981, Ðức Gioan Phaolô II nhắc đến những hình thức bách hại đạo tại một vài nơi trên thế giới, Ngài nói:

"Có những tín hữu bị bắt buộc phải hội họp một cách lén lút, bởi vì cộng đoàn tôn giáo của họ không được phép hoạt động. Có những Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, bị cấm thi hành chức vụ trong nhà thờ hay tại những nơi công cộng. Có những nữ tu bị phân tán không thể tiếp tục cuộc sống hiến thân của họ. Có những người trẻ quảng đại nhưng không thể thực hiện ơn gọi của họ. Có những tín hữu bị tước đoạt cả quyền có thể tận hiến cho một cuộc sống chung để cầu nguyện và thực thi bác ái. Có những bậc cha mẹ bị người ta khước từ quyền được bảo đảm cho con em một nền giáo dục dựa trên niềm tin của mình..."

Tin Mừng hôm nay một lần nữa cho chúng ta hiểu được thế nào là ơn gọi và số phận của người Kitô hữu. Chúa Giêsu đã được cụ già Simêon gọi là dấu chỉ gợi lên chống đối. Cái chết của Ngài trên Thập giá là cao điểm của những chống đối mà con người dành cho Ngài. Tiếp tục sứ mệnh của Ngài, Giáo Hội ở mọi nơi và mọi thời, không thể thoát khỏi số phận bị chống đối ấy. Hình thức và mức độ của những cuộc bách hại có khác nhau, nhưng tựu trung ở đâu và lúc nào Giáo Hội cũng bị bách hại.

Ý thức về sự bách hại không phải là một mặc cảm; lên tiếng về những bách hại cũng không hề là một ý đồ chính trị. Giáo Hội tự bản chất luôn bị đặt vào thế bị chống đối. Chấp nhận đi theo Chúa Kitô, sẵn sàng chiến đấu chống lại tội lỗi, lên tiếng chống lại bất công và can đảm lội ngược dòng, sống như thế tức là đã bị bách hại rồi. Một Giáo Hội phục vụ có thể được thương mến, nhưng một Giáo Hội bị bách hại lại càng là Giáo Hội trung thành với Chúa Kitô hơn.

Trong một chuyến viếng thăm tại Braxin, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: "Tôi thà thấy muôn ngàn lần một Giáo Hội bị bách hại, hơn là một Giáo Hội thỏa hiệp".

Nguyện xin Chúa gìn giữ mọi thành phần Dân Chúa được luôn trung thành theo Chúa Kitô và thoát khỏi tinh thần thỏa hiệp vì một chút dễ dãi, lợi lộc.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 4: Thích sống yên thân

“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” (Mt. 10, 17-18)

Đời sống một chứng nhân

Chúa Giêsu chẳng dấu diếm gì, khi sai các môn đệ đi truyền giáo. Người nói rõ cho các ông hay những gì sẽ chờ đợi các ông. Trớ trêu thay! Các ông sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền, bị người ta đánh đòn. Người ta sẽ thù ghét, truy nã các ông. Các bạn hữu thân tình sẽ chống lại các ông. Tất cả những chuyện đó đang chờ đợi các ông. Quả là tệ hại! Cuộc đời các môn đệ chẳng có giây phút nghỉ ngơi. Đi theo Chúa, rao giảng về Người là nhất thiết liều mình gánh lấy những tai họa, là chấp nhận phải chiến đấu cam go, đau khổ nhiều, khóc lóc nhiều.

Đức Giêsu đã báo trước điều đó. Mười hai tông đồ đã gặp những thử thách nặng nề. Người ta không để cho các ông sống dễ dàng. Họ đã bắt các ông phải chết. Tôi tớ không trọng hơn chủ, nó chịu đồng số phận với chủ mình. Đức Giêsu đã nói thế.

Nếu không gây ra cho ta gì

Điều Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ xưa thì vẫn luôn có giá trị cho tất cả những ai còn đang làm chứng cho Phúc âm. Một chứng nhân đích thực không thể sống kiểu “ngồi nhà mát ăn bát vàng”. Người chứng nhân ấy không thể rao giảng Tin mừng cách chân chính mà lại không bị người đời chống đối, bị người ta một ngày nào đó đem mình ra bêu diếu cách nào đó.

Đã có lần nào ta bị người ta chống đối kịch liệt, bị bôi nhọ vì những niềm tin Kitô giáo của ta không? Đã có lần nào ta phải đau khổ vì đã mạnh dạn và công khai làm chứng về Đức Kitô không? Nếu chưa bao giờ ta phải chịu điều gì thiệt thòi, chưa có ai chống đối ta bao giờ, thì có lẽ vì ta đã chưa bao giờ là những chứng nhân đích thực, vì ta đã chỉ muốn sống yên thân thôi. Những chứng nhân tồi là vậy đó.

JYG

Suy Niệm 5: SỐ PHẬN NGƯỜI MÔN ĐỆ (Mt 10, 16-23)

Xem lễ thánh Tử Đạo Việt Nam 24/11, Lễ thánh Stêphanô 26/12

Từ vài năm qua, phong trào bách hại các tín hữu Kitô ngày càng gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có các nước như Irak, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Nigeria ...

Thoạt nghe, chúng ta có thể thấy rất thương tâm và xót xa cho số phận của các Kitô hữu bị bách hại tại những nơi này!

Tuy nhiên, nếu quy chiếu cuộc đời người môn đệ với Đức Giêsu thì không có gì là lạ cả, bởi lẽ người môn đệ là người bước theo Đức Giêsu trên chính con đường mà Ngài đã đi. Bước theo Thầy thì Thầy đi đâu, trò đi đấy; Thầy sống sao, trò sống vậy; và số phận của Thầy cũng là số phận của trò.

Tư tưởng này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến ngày 05-05-2013, ngài nói: “Có quá nhiều những cộng đoàn Kitô hữu trong thế giới này đang bị bách hại. Con đường của các tín hữu Kitô là con đường của Đức Giêsu. Nếu muốn là các môn đệ của Ngài, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường Ngài đã chỉ ra với những hệ lụy là bị thế gian căm ghét”.

Chân lý đó được bắt nguồn từ những lời tiên báo của Đức Giêsu cho các môn đệ hôm nay. Ngài muốn báo trước cho các ông, để những sự việc đó đến, các ông can đảm và vững bước thi hành sứ vụ, dầu có phải chết.

Thật vậy, nếu Thầy Chí Thánh đã chấp nhận cái chết để làm chứng cho sự thật, cho tình yêu, thì đến lượt các môn đệ và mỗi chúng ta, chắc chắn không có con đường nào sáng giá hơn là con đường đón nhận hy sinh, đau khổ và ngay cả cái chết để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng của Ngài.

Ngày nay, tại đất nước của chúng ta chỉ còn chút ít những chuyện bách hại về mặt thể lý để ngăn chặn bước chân loan báo Tin Mừng. Có chăng chỉ là những vùng sâu vùng xa, do những con người thiếu hiểu biết gây nên mà thôi!

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra và suy tư một chút, hẳn chúng ta thấy hơn bao giờ hết, ngày nay, con người lại đang bị bách hại khủng khiếp nhất. Cuộc bách hại trên diện rộng và sâu xa, nó có sức tàn phá mãnh liệt hơn cả thương tích, chết chóc về mặt thể lý. Cơn cám dỗ đó đến từ những trào lưu tục hóa, những phim ảnh, sách báo đồi trụy, những chủ thuyết triết học hiện sinh muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của con người và xã hội, để thay vào đó là những quan niệm “tự nhiên có”; hay “có là do tôi làm ra”.

Dần dà, nó làm cho con người có những lựa chọn sai lạc vì những “chân lý nửa vời” chỉ đạo.

Thiết nghĩ, những cơn cám dỗ đó đến với người môn đệ, đòi hỏi chúng ta phải có một chọn lựa. Tiếp tục theo Chúa hay buông xuôi. Nếu theo Chúa thì phải cẩn trọng và cương quyết từ bỏ những quyến luyến, cám dỗ của bản năng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết can đảm, trung thành theo Chúa đến cùng. Xin cho chúng con biết khước từ những điều bất chính để được thuộc trọn về Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP