Dân Chúa Âu Châu

satancamdo

Chúa Nhật Tuần I Mùa Chay Năm B

"Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người".

Lời Chúa: Mc 1, 12-15

Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".

Suy Niệm 1: Cải thiện

Có một chàng thanh niên, vừa nghiện ma tuý, lại can tội giết người, nên bị kết án chung thân. Đêm kia anh đang nằm trên giường tại phòng giam, thì đột nhiên anh nghĩ tới tình trạng hỗn loạn mà anh đã gây ra trong đời anh. Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt là cầu nguyện. Đợi cho người bạn nằm cùng giường ngủ yên, anh mới quỳ xuống cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin tỏ bày cùng Chúa những gì chất chứa trong trái tim con. Anh nói với Ngài bằng những lời lẽ đơn sơ mộc mạc tất cả những gì anh muốn, từ những hy vọng đến những thất bại, từ những vui mừng đến những khổ đau. Sau khi anh cầu nguyện xong, người bạn tưởng chừng như đã ngủ buột miệng kêu lên: Amen. Và người bạn nói tiêp: Tôi cũng tin Chúa. Tôi nghĩ rằng Ngài luôn ở với chúng ta, chỉ có chúng ta là không ở với Ngài mà thôi.

Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào lời Chúa truyền dạy: Hãy sám hối, nghĩa là hãy cải thiện đời sống, thành tâm thú nhận những gì xấu, không tốt, không đẹp trong đời sống chúng ta, rồi sau đó là từ bỏ chúng, quay lưng lại với chúng, nói khác đi là thẳng thắn đối diện với những tội lỗi trong đời sống, rồi cương quyết uốn nắn sửa đổi.
Hẳn rằng có những lúc chúng ta cũng đã ý thức về những hỗn loạn xảy ra trong tâm hồn và trong cuộc sống chúng ta. Chẳng hạn về tính ích kỷ, luôn đặt nhu cầu của chúng ta trên quyền lợi của người khác. Chẳng hạn về tính kiêu căng, không muốn nhìn nhận những sai lỗi của mình. Chẳng hạn về sự lười biếng, không muốn giúp đỡ một ai.
Kinh nghiệm cho thấy: Những nhà truyền giáo thành công nhất trong việc làm cho người khác hối cải, đều là những người thực hiện theo đoạn Tin Mừng hôm nay. Họ làm cho người khác nhìn nhận rằng mình chỉ là những kẻ tội lỗi, rồi từ đó giúp họ quay trở về cùng Đức Kitô mà làm lại cuộc đời. Bởi vì nếu không phải là người tội lỗi, thì cần chi đến Đức Kitô.
Từ khởi điểm này, hôm nay chúng ta cùng nhau bước vào mùa Chay, là thời gian đặc biệt Chúa tuôn đổ muôn vàn ơn sủng và giúp chúng ta cải thiện đời sống. Nếu như mùa Chay trở về, chúng ta biết cố gắng cải thiện đời sống, uốn nắn lấy một thói hư tật xấu mà thôi, thì có lẽ lúc này chúng ta đã trở nên một con người khác, đạo đức hơn, thánh thiện hơn, yêu thương hơn.

Suy Niệm 2: Nơi hoang dã

Có một vở kịch mang tựa đề là nơi hoang dã, kể lại câu chuyện như sau: Chàng thanh niên yêu say đắm cô gái hàng xóm. Thế nhưng cha nàng không ưng vì cuộc sống có phần bê bối của chàng. Ông ra sức dập tắt mối tình của chàng. Thất vọng, chàng đâm ra rượu chè bê bối. Ngày kia, sau khi đã uống rượu, chàng gây lộn và đánh nhau với một người trong quán, nên bị chủ quán tống cổ ra ngoài đường. Cha chàng rất hiểu và cảm thông với con mình. Ông từ từ giúp chàng lấy lại thế quân bình. Sau khi biết được cô gái hàng xóm cũng yêu chàng, thế là chàng quyết định hối cải và làm lại cuộc đời.
Vở kịch được trình diễn một cách rộng rãi và đã thu hút được nhiều người đến xem vì nó đưa ra một hoàn cảnh chung, vừa nhân bản, lại vừa gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Nó vẽ lên phần nào cảnh hoang dã mà chúng ta đang sống.
Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay. Thực vậy, trước khi bắt đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã vào sa mạc, nơi hoang dã để ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ suốt 40 đêm ngày. Theo Kinh Thánh, sa mạc hay nơi hoang dã đã là nơi trú ẩn của thần dữ, của thử thách.
Với chúng ta cũng vậy, chúng ta đang sống trong một nơi hoang dã, một thế giới tràn ngập những tạo vật man rợ dưới hình thức con người. Có gì hung dữ hoặc xấu xa cho bằng sự tàn bạo của con người thời đại. Giết người không gớm tay. Ngược đãi trẻ em cộng với những hành động gian tham, trộm cướp bất công. Có con thú dữ nào giết hại hằng triệu người mỗi năm? Thế nhưng, việc phá thai của con người thời nay còn vượt hơn con số đó rất nhiều.
Thú dữ mang hình người trong hoang địa của chúng ta đang phá huy không những sự sống thể xác, mà hơn nữa, còn đặc biệt phá huỷ sự sống tinh thần của chính chúng ta và của những người thân yêu. Chẳng hạn như những phim ảnh và sách báo đồi truỵ. Vậy liệu có phương cách nào để kềm chế những kẻ tàn phá thể xác và tâm hồn hay không?
Tôi xin thưa rằng có, đó là phương cách của Chúa Giêsu. Bởi vì chính Ngài đã đến để cứu chữa những gì đã hư đi. Cũng vì thế mà Ngài đã vào hoang địa để chiến thắng sự dữ bằng việc hãm mình và cầu nguyện. Chỉ trong đường lối của Chúa, chúng ta mới chiến thắng được sự dữ trong thế giới ngày hôm nay.
Đúng thế, chỉ bằng việc cầu nguyện và hy sinh, chúng ta mới có thể thuần hoá được những con thú tiềm ẩn trong cõi lòng chúng ta. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta hãy cầu nguyện và chấp nhận những hy sinh hãm mình, để nhờ đó chúng ta cũng sẽ chiến thắng được những cám dỗ suốt dọc cuộc đời chúng ta.

Suy Niệm 3: Chiến thắng lòng tham

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

Thông thường con người chúng ta thường hay ghen ghét, bất hoà, tranh chấp và có khi giết hại lẫn nhau vì những điều gì?
Thưa, về danh vọng và tiền tài. Ngay trong gia đình cũng có thể bị đảo lộn tất cả những nề nếp gia phong vì danh vọng và đồng tiền. Con cái bỏ cha mẹ, cha mẹ từ chối con cái. Vợ kết án chồng, chồng ruồng bỏ vợ, anh em bạn hữu chém giết nhau cũng chỉ vì đồng tiền, bát gạo, và người ta cũng có thể chà đạp nhau, bất kể là thân hay quen, là bạn hữu xa gần chỉ vì một ngai vàng là địa vị, là quyền lực trong xã hội.

Thực vậy, có những kẻ vì tiền mà mê muội. Có những người vì tình mà hoá dại. Có những người vì quyền lực mà đánh mất tính người. Nhưng có lẽ, cái cám dỗ lớn nhất của con người qua mọi thời đại chính là đồng tiền, vì có tiền là có tất cả.
Vì tham lam đồng tiền mà họ sẵn sàng đánh đổi tất cả: danh dự, phẩm giá và tình làng nghĩa xóm, tình cha nghĩa mẹ, tình nghĩa thầy trò cũng không bằng ma lực của đồng tiền, như cha ông ta đã từng nói: "Còn tiền còn bạc còn đệ tử - Hết tiền hết gạo hết ông tôi". Thật vậy, có biết bao kẻ đã bạc tình, bạc nghĩa chỉ vì đặt đồng tiền lên trên mọi mối quan hệ giữa người với người. Đồng tiền là đối tượng duy nhất để tôn thờ vì thế dân gian mới có câu: "Ông tiền , ông Phật, ông Tiên - Ba ông đứng lại, ông tiền cao hơn".
Ngày xưa, có người ở nước Tề thích vàng đến mê vàng. Sáng sớm thay áo quần đi ra chợ. Tới hàng đổi tiền, thì liền chộp vội một khối vàng rồi chạy đi. Người ta bắt anh ta lại và hỏi:
- Tại sao giữa đám đông mà anh lại dám cướp vàng của kẻ khác như thế?
Anh ta trả lời:
- Lúc thấy vàng, tôi đâu còn thấy thiên hạ chung quanh nữa. Trước mặt tôi, chỉ có vàng mà thôi.
Đồng tiền liền khúc ruột nên họ lao mình vào lửa, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, bất chấp mọi thủ đoạn mánh mung, cho dù phải chà đạp lên người khác bằng những phương thế bóc lột và bất công, miễn sao vơ vét, vun quén về cho đầy túi tham của mình.

Bài phúc âm hôm nay, thánh Marco nói về việc Chúa Giêsu chiến thắng cám dỗ. Vậy ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu điều gì? Thưa, ma qủy đã tìm cách lôi kéo Chuá Giêsu quay lưng lại với Chuá Cha. Từ khước sống vâng phục thánh ý Chúa để được thoả mãn cái bụng của mình. Nó hướng mở cho Chúa một tương lai đầy hứa hẹn không chỉ có của ăn dư đầy từ những hòn đất hòn đá cũng biến thành của ăn, từ sỏi đá cũng thành cơm, mà vượt xa hơn nữa là nắm gọn trong tay thiên hạ, kẻ hầu người hạ và thừa hưởng mọi vinh hoa lợi lộc trần gian. Năm xưa trong vườn địa đàng nó đã thắng ông bà nguyên tổ, khi nó đưa ra những lời dụ dỗ đầy ngọt ngào, đầy hấp dẫn, nhưng hôm nay, màn trình diễn này đã hoàn toàn thất bại bởi người Con duy nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu, Ngài không những đã khước từ những lời mời mọc của ma quỷ nhưng còn cho ma qủy nhận ra rằng không có gì cao qúy hơn là được sống trong tình nghĩa với Thiên Chúa, sống trong sự quy phục Thiên Chúa, vì người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
Những cám dỗ mà ma qủy tuy đã thất bại với Chúa Giêsu nhưng nó vẫn dùng những chiêu thức đó để tấn công con người hôm nay. Trước tiên nó gieo vào lòng ta mối nghi ngờ Thiên Chúa, về lòng thương xót và quan phòng của Thiên Chúa. Nó mở ra cho chúng ta một sự so sánh, tính toán thiệt hơn và cuối cùng là đưa ra một con mồi để quyến rũ chúng ta là: danh vọng, tiền tài, địa vị, thú vui. Kết quả là nhiều người vì ham tiền, ham lợi lộc đã trở thành tay sai cho ma qủy, không chỉ mình làm điều ác mà còn lôi kéo, dẫn dụ nhiều người khác đi vào con đường tội lỗi. Ma qủy đã thành công khi sai khiến chúng ta làm sự dữ, là những điều trái với luân thường đạo lý như: trộm cắp, đánh nhau, hận thù ghen ghét, tự cao tự đại .. . Đó là những mối tội đầu đã gây nên biết bao đau khổ cho chính mình và những người chung quanh.

Ở khởi đầu mùa chay khi cho chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu bị ma qủy cám dỗ, Giáo hội mời gọi chúng ta ý thức về thân phận tội lỗi của mình và sức mạnh của sự dữ, của ma qủy luôn rình rập để lôi kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa, đi trong tối tăm của đam mê lầm lạc. Vì thế, chúng ta luôn phải sám hối và tin vào tình yêu của Chuá. Sám hối để nhận ra sự khiếm khuyết của mình mà cầu xin ơn Chuá bổ túc những thiếu sót của chúng ta. Sám hối để canh tân đời sống sao cho phù hợp với tin mừng của Chuá. Sám hối để chúng ta nhận ra sự giới hạn của kiếp người để nhờ ơn Chúa giúp chúng ta sẽ hoàn thiện con người của mình nên thánh thiện tinh tuyền như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.
Lạy Chuá, Chuá đã dựng nên con giống hình ảnh Chuá. Xin cho con biết gìn giữ phẩm giá con người của mình bằng việc tránh xa những thói hư tật xấu, luôn nói không với tội lỗi và luôn giữ lòng trong sạch để xứng đáng nhìn xem Thiên Chuá. Amen.

Suy Niệm 4: Đức Giêsu chia sẻ thân phận con người

(Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)

Chúng ta đang ở trong Chúa Nhật thứ nhất mùa chay. Giáo Hội giúp chúng ta cảm nhận tình yêu Thiên Chúa với chúng ta qua việc nhìn ngắm Đức Giêsu sống thân phận con người.

I. Cám dỗ nơi con người và nơi Đức Giêsu

Đức Giêsu mà cũng bị cám dỗ sao?
Ngài chấp nhận sống với dã thú sao?
Là người, nghĩa là, với thể xác và tinh thần, con người luôn có thể bị cám dỗ. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về điều này.
Cám dỗ là khuynh chiều đòi thỏa mãn những đòi hỏi của thân xác và của tinh thần, không muốn đáp trả tiếng gọi từ trên. Chẳng hạn người ta nhận thấy nơi mình những đòi hỏi của thân xác về tính dục hay khuynh hướng muốn mình giầu hơn người khác, hoặc những đòi hỏi của tinh thần muốn mình trổi trang hơn người khác...
Khuynh chiều đi tìm và dừng lại nơi danh lợi tiền bạc địa vị, không muốn vươn lên điều tốt hơn nhưng dừng lại ở cái tầm thường, đó là những cám dỗ thường xảy ra trong đời mỗi người.
Muốn trổi trang, không là tội, nhưng còn là điều tốt. Chỉ xấu, chỉ là tội, khi mình coi mình là nhất, đòi mình trên người khác hoặc trên Thiên Chúa, và xúc phạm người khác.
Không ai thoát cám dỗ, nhưng con người tự do trước cám dỗ, con người có thể không thuận theo cám dỗ. "Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?". "Ơn Ta đủ cho con" (2Cor.12, 8-9).
Chúa không hứa cho chúng ta khỏi bị cám dỗ, nhưng Chúa hứa sẽ giải phóng chúng ta, nếu chúng ta bám vào Ngài: "cứ xin thì được, tìm sẽ gặp, gõ cửa thì sẽ được mở cho" (Mt.7,7).
Thiên Chúa là tinh thần, Ngài mời gọi con người vươn lên Ngài qua những giá trị tinh thần con người thấy được qua lý trí.

II. Phép rửa khởi đầu đời sống mới

Dù chúng ta có thuộc về thế gian và ma qủy trong những chọn lựa ở qúa khứ, thì bây giờ Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở lại, để chúng ta khởi đầu một đời sống mới, hầu chúng ta sống hạnh phúc.
Đức Giêsu đã chịu phép rửa ở sông Yordan (Mc.1, 9), và Ngài cũng đã chịu một phép rửa rất đặc biệt (Lc.12, 50). Mỗi người chúng ta cũng đã chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu, nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa (Mt.28, 19), chính phép rửa này đã làm chúng ta thành một thụ tạo mới.
Phép rửa đã làm chúng ta thuộc trọn về Thiên Chúa, chúng ta là tạo vật mới, được được Thiên Chúa cứu chuộc qua Đức Giêsu Kitô. Nhận phép rửa nhân danh Đức Giêsu, là dìm mình trong cái chết của Ngài và sống lại trong sự sống của Ngài.
Với phép rửa, Thiên Chúa ghi ấn tín trong tâm hồn chúng ta, dấu chỉ chúng ta thuộc về Thiên Chúa, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương.

III. Giao ước biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa

Con người là gì mà Thiên Chúa phải ký kết giao ước với! Chẳng lẽ người nặn bình gốm lại phải ký kết với bình gốm?
Thiên Chúa ký kết giao ước với con người, để không bao giờ tiêu diệt con người nữa! Ôi tình yêu của Thiên Chúa đối với con người thật tuyệt vời biết bao. Những gì Thiên Chúa đã nói, thì Ngài trung thành thực hiện, không bao giờ thất tín. Ngài vẫn trung thành dù con người có bất trung phản bội.
Tình thương của Thiên Chúa đối với con người, được thể hiện trong suốt dòng lịch sử. Lịch sử ghi dấu con người phản bội, nhưng lịch sử lại ghi dấu tình thương nhân từ tha thứ cho con người. Lịch sử, là lịch sử Thiên Chúa cứu độ con người.
Lịch sử đánh dấu những giao ước Thiên Chúa thực hiện đối với con người. Lịch sử cũng cho thấy Thiên Chúa điều khiển dòng lịch sử, can thiệp vào lịch sử dân Do thái để cứu dân, và qua đó cứu độ tất cả loài người.
Biến cố Đức Giêsu Kitô, là biến cố đỉnh cao cho thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Cũng với chính Đức Giêsu, con người tìm được con đường để nên thánh, con người được bảo đảm mình được yêu thương và sẽ là thánh, được thuộc trọn về Thiên Chúa.
Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể làm người. Ngài bị cám dỗ, Ngài vượt qua, "Ngài là đường, là sự thật và là sự sống". Ngài là thầy, và không có Ngài, không có ai là thầy đích thực. Nếu có ai trên trần gian này là thầy, là người đó được tham gia "chức thầy" của Đức Giêsu.
Chúa Giêsu là mẫu mực, là thầy dạy của chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được theo gương Ngài, được hoàn toàn tin tưởng và phó thác tất cả cho Ngài.

Suy Niệm 5: Sống là chiến đấu.

(‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Một buổi chiều, cha bề trên một tu viện kia hỏi một tu sĩ: - Hôm nay con đã làm gì?
- Cũng như những ngày khác, tu sĩ trả lời, con rất bận bịu mà nguyên sức con không thể nào làm nổi, ngoài sự giúp đỡ của Chúa. Thưa cha, ngày nào con cũng phải coi hai con chim ưng, giữ hai con nai, dạy hai con diều hâu, thắng một con cá sấu, trị một con gấu và chăm sóc một bệnh nhân.
- Con nói gì thế? Cha bề trên cười hỏi lại, những việc như thế làm gì có trong tu viện này?
- Thưa cha bề trên, thật đúng như thế. Hai con chim ưng là hai con mắt của con, con phải gìn giữ cho nó luôn trong sáng, không để nó thu giữ những hình ảnh xấu xa. Hai con nai là hai chân của con, con phải luôn trông coi từng bước đi, để chúng bước đi trên nẻo chính đường ngay. Hai con diều hâu là hai bàn tay của con, con phải luôn bắt nó làm những việc tốt. Con cá sấu là cái lưỡi của con, con phải kìm hãm hằng ngày để nó khỏi thốt ra những lời nói thâm độc và thô bỉ. Con gấu là trái tim của con, con phải trừng trị để khỏi ích kỷ và phô trương. Còn bệnh nhân là chính thân xác con, con phải canh phòng ráo riết để nhục dục không xâm nhập và luôn lành mạnh.

Tu sĩ này có lý, thưa anh chị em, vì sống là chiến đấu. Đời là một cuộc trường kỳ chiến đấu, và cuộc chiến cam go nhất chính là cuộc chiến cam go nhất chính là cuộc chiến với bản thân. Địch thù ẩn núp ngay trong bản thân mình chứ không ở đâu xa. Chúa Giêsu trong cuộc đời trần thế cũng không thoát khỏi cuộc chiến đấu này. Ngài đã quyết liệt chiến đấu và chiến thắng vẻ vang. Tin Mừng hôm nay đã kể lại, lúc khởi đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã được Chúa Thánh Thần đưa vào sa mạc để chịu thử thách –tương tự như Ađam khi xưa ở vườn Eden- Địa đàng, hay dân Do Thái 40 năm trong sa mạc để chịu thử thách. Nhưng Ađam khi xưa trong vườn địa đàng đã nghe theo lời xúi giục của Satan đội lốt con rắn, đã bất tuân lệnh Thiên Chúa, đã ăn trái cấm, vì không muốn làm người mà muốn làm Thiên Chúa. Ông đã sa ngã trước thử thách, kéo theo hậu quả khốc hại muôn đời cho con cháu loài người. Bốn mươi năm trong sa mạc cũng là thời gian thử thách lâu dài đối với dân Do Thái. họ cũng đã sa ngã trước thử thách: bao lần phản loạn, chống đối ông Môsê, kêu trách Thiên Chúa, muốn quay trở lại Ai Cập với kiếp nô lệ hơn là tiến về Đất Hứa.
Còn Chúa Giêsu trong sa mạc 40 đêm ngày đã cương quyết trung thành với Thiên Chúa, dứt khoát chọn lựa đứng về phía Thiên Chúa. Theo Thánh Matthêu và Luca thì Satan đã dùng cơm bánh, quyền phép, danh vọng để cám dỗ Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã dùng lời Kinh Thánh để cương quyết khước từ cám dỗ và nói lên ý muốn dứt khoát chọn lựa con đường của thánh ý Chúa Cha, con đường khổ nạn thập giá. Cuối cùng Satan phải chịu rút lui, nhường chỗ cho các thiên thần đến phục vụ Ngài. Chúa Giêsu đã chiến thắng cám dỗ. Sức mạnh làm cho Ngài chiến thắng chính là Lời Chúa trong Kinh Thánh và thái độ cương quyết đứng về phía Thiên Chúa, thực thi ý muốn của Chúa Cha.

Anh chị em thân mến,
Là tín hữu, chúng ta cũng có thể chiến thắng như Chúa Giêsu, nếu chúng ta biết chọn đứng về phía Thiên Chúa, lắng nghe Lời Chúa và để Chúa hướng dẫn đời sống chúng ta. Cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu đã chứng tỏ: con người có thể thắng được những chước mê hoặc dụ dỗ của Satan, nếu biết dựa vào sức mạnh của Chúa. Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta không chấp nhận thách thức Thiên Chúa, chúng ta không theo Chúa chỉ vì miếng ăn, chỉ vì cơm bánh. Chúng ta không theo Chúa để bắt Chúa phục vụ đời sống thể xác hay vật chất của chúng ta. Chúng ta không coi Thiên Chúa như một sức mạnh phù phép để làm những việc phi thường, để biểu diễn những pha ngoạn mục. Chúng ta cũng không lòn cúi, quy lụy Satan để được làm chúa thiên hạ. Chính Thiên Chúa mới là Chủ tể vũ trụ, là Chúa của chúng ta.

Hôm nay cùng với Chúa Giêsu, chúng ta đi vào sa mạc của chúng ta. Không phải sa mạc của muôn thú và quỷ ma, nhưng là sa mạc của tâm hồn chúng ta. Theo Kinh Thánh, sa mạc là nơi thoát tục để con người gặp gỡ và sống thân mật với Thiên Chúa tình yêu. Ngôn sứ Hôsê đã diễn tả ý nghĩa của sa mạc rất đúng khi ông viết: “Thiên Chúa phán: Ta sẽ dẫn người yêu của Ta vào sa mạc, để ở đó Ta thủ thỉ với nàng” (Hs 2,16). Sa mạc là nơi sống gần gũi với Thiên Chúa, sống trong tình thân mật của Ngài. Vì thế, chúng ta hãy bịt tai trước những tiếng ồn ào bên ngoài, những lời xúi giục, dụ dỗ của Satan. Ngày nay và hằng ngày vẫn luôn có những tiếng xúi giục như vậy. Đừng tưởng chỉ có tiếng nói bên ngoài, tiếng của Satan có thể nói lên ngay trong tâm hồn chúng ta. Nó xúi giục chúng ta đừng sống theo Lời Chúa. Sống theo Tin Mừng sẽ thiệt thòi lắm! Sống như người ta, làm như người đời, dễ biết bao, lợi biết mấy! Nhưng nghe theo những tiếng xúi giục ấy là phản bội Chúa, là từ bỏ Chúa, là lựa chọn không đi theo Chúa nữa. Như thế là lại rơi vào số phận khốn khổ của Ađam khi xưa, của dân Do Thái ngày trước. Tất cả đã sa ngã trước thử thách. Chúng ta hãy theo gương Chúa Giêsu, chọn tình Chúa làm hạnh phúc, lấy Lời Chúa làm lẽ sống, làm sức mạnh, để chiến thắng tội lỗi và sống gắn bó với Thiên Chúa.

Thưa anh chị em,
Thử thách và sa mạc là để thanh luyện tâm hồn, để chuẩn bị cho một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, trong tương quan với Chúa và với anh chị em. Trong sứ điệp Mùa Chay năm 1997, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Mùa Chay nhằm giúp các tín hữu sống lại lộ trình 40 năm dân Israel đã trải qua trong sa mạc trên đường về Đất Hứa, với một nỗ lực thanh luyện bản thân, ý thức tình trạng nghèo khó và bấp bênh của cuộc sống và khám phá ra sự can thiệp quan phòng của Chúa. Ngài mời gọi người tín hữu hãy mở đôi mắt để nhìn thấy nhu cầu cấp bách nhất của anh em chúng ta. Bằng cách ấy, Mùa Chay cũng trở thành mùa liên đới với những con người và với những dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới đang sống trong hoàn cảnh bấp bênh, tạm bợ, không cửa không nhà”. Đức Thánh Cha còn nói: “Hãy đón nhận lời mời gọi hoán cải của Đức Kitô để gắn bó bền chặt hơn với Thiên Chúa, Đấng Thánh và giàu lòng thương xót, cách riêng trong Mùa Chay, mùa ân sủng này. Ước gì Mùa Chay sẽ giúp cho mỗi người biết lắng nghe tiếng Chúa mà mở tâm hồn ra tiếp rước tất cả những người đang sống túng thiếu”… “Chính lúc tỏ ra cởi mở và quảng đại mà Kitô hữu, với tính cách riêng rẽ hoặc tập thể, có thể phục vụ Đức Kitô hiện diện trong người nghèo và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Đức Kitô đã đi trước chúng ta trên con đường này. Sự hiện diện của Ngài là một sức mạnh và là một khích lệ: Ngài cho ta được tự do và trở thành những chứng nhân của tình yêu thương”

Suy Niệm 6: Vào hoang địa

(TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Ai yêu bóng đá đều say mê theo dõi những trận đấu đỉnh cao giữa các đội ngoại hạng Anh, hoặc giữa các đội tranh Cúp C1. Ta say mê vì các cầu thủ siêu hạng phô diễn kỹ thuật cá nhân điêu luyện, các đội bóng di chuyển chiến thuật kỳ ảo, các bài bản tinh vi của các huấn luyện viên bậc thầy, các pha phối hợp đẹp mắt giữa các cầu thủ. Không phải tự nhiên mà các cầu thủ chơi bóng giỏi đến mức độ nghệ thuật như thế. Họ phải mất nhiều thời gian tập luyện. Tập luyện để đạt được kỹ thuật cá nhân điêu luyện. Tập luyện để có thể lực dẻo dai. Tập luyện để có những xử lý thông minh theo tình huống. Tập luyện để hiểu nhau tiến đến những pha phối hợp nhịp nhàng ăn ý. Những buổi tập rất nghiêm ngặt, đòi hỏi cầu thủ phải có quyết tâm cao, có tinh thần kỷ luật nghiêm túc. Ai không chịu nổi các bài tập khó, sẽ bỏ cuộc. Ai vượt qua được những buổi tập nghiêm túc sẽ trở thành những cầu thủ giỏi.
Đời sống tâm linh là một cuộc chiến đấu. Chiến đấu với ba thù: ma quỷ, xác thịt, thế gian. Để có đủ khả năng chiến đấu, ta phải được rèn luyện, phải trải qua những thử thách. Đức Giêsu, sau khi chịu phép rửa, được Thánh Thần đưa vào hoang địa để chịu thử thách.

Hoang địa là nơi hoang vu không nhà không cửa, không người thân, không cây cối, tức là không có một tiện nghi tối thiểu nào, không có một nguồn trợ lực nào. Chỉ có cát đá, thú dữ, ma quỷ, tức là chỉ có những khó khăn thách đố bắt ta phải chiến đấu, phải đương đầu.
Cuộc chiến đấu thứ nhất mà Đức Giêsu phải trải qua là cuộc chiến đấu với thiên nhiên. Người sống trong hoang địa phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Tại các sa mạc cát phủ, đêm thì lạnh thấu xương, ngày thì nóng như thiêu. Hầu như không có thực phẩm. Người sống trong hoang địa phải chịu đói, chịu khát, chịu cái nóng nung người, chịu cái lạnh cắt da, chịu tất cả mọi thiếu thốn của đời sống thường ngày. Xưa, dân Do Thái được Chúa đưa vào nơi hoang địa để huấn luyện trước khi đưa họ vào Đất Hứa. Trong hoang địa, người Do Thái không chịu nổi những thiếu thốn, nên đã nhiều lần nổi loạn chống lại Chúa, chống lại ông Môsê, muốn quay trở lại làm nô lệ bên Ai cập để được ăn no ngủ kỹ. Trái lại, tổ phụ Abraham đã chấp nhận vượt qua hoang địa, nên đã tới Đất Hứa, tiên tri Êlia đã vượt qua hoang địa 40 đêm ngày, nên đã đi đến núi của Thiên Chúa. Và hôm nay, Đức Giêsu đã thắng được cái lạnh, cái nóng và nhất là đã thắng được cái đói cái khát, đã hoàn toàn làm chủ được bản thân trước những nhu cầu của thân xác.

Cuộc chiến đấu thứ hai mà Đức Giêsu phải trải qua là cuộc chiến đấu chống lại ma quỷ. Thiên Chúa cho phép ma quỷ thử thách con người. Từ tạo thiên lập địa, hai ông bà nguyên tổ đã bị ma quỷ cám dỗ và đã thua cuộc. Ông thánh Gióp cũng đã bị ma quỷ thử thách, mất hết tài sản, mất hết con cái, mất hết danh dự. Nhờ kiên quyết trung thành với Chúa đến cùng, ông đã thắng được ma quỷ. Đức Giêsu đã thắng vượt mọi cơn cám dỗ ma quỷ đưa tới nhờ Người vững lòng tin ở Thiên Chúa. Những cơn cám dỗ của ma quỷ thường là cám dỗ về đức tin. Adong và Evà không vững lòng tin nên đã sa ngã. Ông thánh Gióp vững lòng tin nên luôn đứng vững qua mọi thử thách. Đức Giêsu luôn vững niềm tin vào Chúa Cha, nên đã chiến thắng mọi cơn cám dỗ thâm độc nhất của ma quỷ.
Cuộc chiến đấu thứ ba mà Đức Giêsu đã trải qua là cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để tìm thánh ý Chúa Cha. Hai ông bà nguyên tổ đã tìm ý riêng hơn ý Chúa, nên đã đi trệch đường. Đức Giêsu luôn tìm thánh ý Chúa Cha, nên Người đã từ bỏ con đường rộng để đi vào con đường hẹp, từ bỏ con đường dễ để đi vào con đường nghèo hèn, từ bỏ con đường riêng tư để đi vào con đường Chúa Cha đã định. Nên Người đã toàn thắng trong cuộc chiến đấu.

Hoang địa không phải chỉ là nơi thử thách. Hoang địa còn là nơi gặp gỡ Chúa. Sau khi đã thắng vượt tất cả các cuộc thử thách, ta sẽ gặp được Chúa, sẽ sống thân tình với Chúa và sẽ hoàn toàn thuộc về Chúa. Ông Môsê, sau 40 đêm ngày ở trên núi Sinai, đã trở nên bạn nghĩa thiết của Chúa. Mặt ông trở nên sáng láng đến nỗi dân Do Thái không dám nhìn thẳng vào. Tiên tri Êlia, sau khi đi 40 đêm ngày, đã tới núi của Chúa và đã gặp được Chúa. Đức Giêsu đã gặp gỡ Chúa Cha, đã tìm được ý Chúa Cha và đã kết hiệp mật thiết với Chúa Cha đến độ từ nay Người trọn vẹn thuộc về Chúa Cha. Thánh ý Chúa Cha đã trở thành kim chỉ nam hướng dẫn đời Người. Thi hành thánh ý Chúa Cha trở thành lương thực nuôi dưỡng Người. Người sẽ hy sinh tất cả, kể cả mạng sống để cho thánh ý Chúa Cha được nên trọn. Chính vì thế mà Người đã được gọi là “Con yêu dấu” của Chúa Cha.
Trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi ta hãy vào hoang địa với Đức Giêsu để chịu thử thách, để rèn luyện đời sống tâm linh cho vững mạnh, kiên cường. Ta không có điều kiện để vào nơi hoang vắng, nhưng ta vẫn có thể vào hoang địa của cuộc đời.

Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thiếu thốn trong đời sống, dù đói nghèo vẫn giữ được tâm hồn tự do, không chịu nô lệ vật chất.
Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là kiên cường chống trả mọi cơn cám dỗ ma quỷ đưa tới, luôn vững niềm tin vào Chúa dù gặp những khó khăn thử thách.
Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là từ bỏ những ý riêng để luôn tìm thánh ý Chúa, sẵn sàng thực hành thánh ý Chúa, dù có phải đau đớn, thiệt thòi.
Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là giữ tâm hồn bình an thanh thản để gặp gỡ Chúa, tiếp xúc thân mật với Chúa, hoàn toàn thuộc về Chúa để trở nên “Con yêu dấu” của Chúa.
Nếu ta chuyên tâm rèn luyện trong suốt mùa Chay, tâm hồn ta sẽ trở nên vững mạnh chống lại được những cám dỗ ma quỷ đưa tới; nhanh nhẹn dấn thân vào những việc đạo đức không ngại khó khăn vất vả; quen từ bỏ ý riêng để tuân theo ý Chúa và sẽ trở nên Con hiếu thảo của Chúa.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Bạn có quen chấp nhận những điều khó chịu không?
2- Bạn đã bị cám dỗ bao giờ chưa? Bạn đã chống trả thế nào?
3- Mùa Chay này, bạn sẽ sống thế nào để thêm lòng mến Chúa yêu người?
4- Bạn có thường từ bỏ ý riêng để theo ý Chúa không?

Suy Niệm 7: Vào hoang địa

(‘Manna’)

Mỗi khi bắt đầu mùa Chay, Hội Thánh lại mời chúng ta vào hoang địa với Đức Giêsu. Chính Thánh Thần đã dẫn đưa Ngài đến nơi đó, ngay sau khi Ngài chịu phép rửa của Gioan và nhận được Thánh Thần để lên đường đi sứ vụ.
Bốn mươi ngày sống trong cô tịch và cầu nguyện. Một cuộc tĩnh tâm để định hướng tương lai, qua đó Đức Giêsu thấy rõ con đường Ngài phải đi, và qua đó Ngài cũng thấy mình bị Xatan cám dỗ.
Mùa Chay là thời gian trở lại với Chúa và nhận ra những cám dỗ đang bủa vây tôi, những cám dỗ mới hay cám dỗ cũ dưới lớp áo mới. Nếu đời tôi là một chuỗi những chọn lựa, thì nó cũng là một chuỗi những cám dỗ.

Tôi có tự do để chọn giữa cái tốt và cái xấu. Giữa những cái tốt, tôi có tự do để chọn cái tốt hơn. Biết mình đã lạc hướng hay lệch hướng là điều cần thiết.
Con người hôm nay không yếu đuối hơn ngày xưa. Nhưng có lẽ nó bị cám dỗ nhiều hơn xưa, vì cuộc sống tiến bộ cho người ta nhiều chọn lựa. Tôi phải chọn kênh truyền hình, chọn băng video, chọn một loại vải, một kiểu áo, chọn chỗ giải trí tối nay.
Có những áp lực đè nặng trên chọn lựa của tôi: áp lực của quảng cáo, khuyến mãi, áp lực của mode, của bạn bè, của dư luận... Có những mời mọc nhắm vào các giác quan của tôi. Các giác quan như những cánh của mở của căn nhà trống trải. Bao kích thích khêu gợi như luồng gió lùa vào nhà. Thắng được những đòi hỏi vô độ của thân xác đòi hỏi một sự tự chủ lớn lao. Thắng được những đam mê mù quáng của con tim cần có một thái độ anh hùng từ bỏ. Thắng được sự cứng cỏi, cố chấp của trí tuệ cần có một lòng khiêm tốn mở ra trước chân lý.
Cuộc đời là một cuộc chiến đấu không ngừng, vì con người vẫn nghiêng như tháp Pizza. Cần phải tập nghiêng về điều ngược lại để tạo lập được sự quân bình trong cuộc sống.
Nói cho cùng, cám dỗ nào cũng khiến con người khép kín, chỉ nghĩ đến mình và sống cho mình. Cám dỗ im lặng vì sợ liên lụy. Cám dỗ giả mù trước sự thật rành rành. Cám dỗ thỏa hiệp với sự dữ để được yên thân. Cám dỗ sống một đời sống tầm thường và buông thả. Cái cao cả của con người là chiến đấu và chiến thắng. Chỉ khi nhận Thiên Chúa và tha nhân làm trung tâm, con người mới thành người trọn vẹn.

Ước gì mỗi Kitô hữu đều có bản lãnh của Đức Giêsu để chiến thắng sự nặng nề, nhỏ mọn của mình. Nhưng trước hết, chúng ta cần ăn chay và cầu nguyện.
Gợi Ý Chia Sẻ
Khoa học kỹ thuật càng tiến bộ, con người càng cần có bản lãnh để làm chủ. Bạn thấy khi nào con người bị coi là làm nô lệ cho của cải vật chất?
Không những phải chống lại cơn cám dỗ, mà còn phải xa tránh những nơi, những con người có thể đưa đến cám dỗ. Theo ý bạn, người trẻ hay bị cám dỗ ở đâu? Với ai?

Cầu Nguyện

Như đoá sen trong đầm lầy, xin giữ tâm hồn con thanh khiết.
Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục, xin gìn giữ mắt con.
Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc, xin dạy con biết trân trọng thân xác.
Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục, xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.
Xin nâng con lên cao vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt, để biết tự hiến trong yêu thương.
Xin đừng để con phung phí sức lực vào những chuyện tình cảm chóng qua, nhưng giúp con tự rèn luyện mình để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.
Như đóa sen trong đầm lầy, xin giữ thân xác con thanh khiết.

Suy Niệm 8: Hãy sửa đổi đời sống và tin vào Tin Mừng.

Một đôi vợ chồng đã sống với nhau 25 năm và xem ra họ là một cặp xứng đôi vừa lứa hoan hỷ long phụng. Hai vợ chồng có việc làm tốt. Họ cùng nhau đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật và cầu nguyện mỗi tối trước ngày họ về hưu. Song giữa họ có một vấn đề xem ra khó mà vượt qua, đó là cứ mỗi lần nói chuyện là một lần họ cãi nhau. Cuối cùng, bà vợ như đã ứ tới cổ, đương nhiên vì đạo giáo họ không thể ly dị, nên bà mới nghĩ ra một cách. Vào buổi tối kia khi hai người bắt đầu buổi cầu nguyện chung thì bà nói với ông chồng, "Tôi và ông không thể tiếp tục sống mà cứ cãi cọ với nhau như thế này mãi được, chúng mình phải chấm dứt tình trạng này ngay. Nhân đây là ngày đầu tiên của mùa Chay, tại sao tôi và ông không cầu xin Chúa làm ơn thay đổi cách sống này. Vợ chồng mình hãy cầu xin Chúa gọi một người trong chúng ta về với Ngài".

Với lối ý kiến như thế ai cũng thấy điều bà vợ nói là sai với tinh thần của mùa Chay, bởi vì điều thiết yếu của mùa Chay là hồi tâm để canh tân thay đổi chiều hướng ý tưởng cũ của cuộc sống để đời sống tương lai tốt lành hơn. Chúng ta nghe Chúa gọi ta đi một hướng, còn ma quỉ thì quyến rũ ta về lối khác; câu hỏi là "ta theo ai", sự quyết định lệ thuộc vào ta hoàn toàn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nghe Chúa Cha gọi Ngài theo một hướng sau khi chịu phép rửa và rồi ma quỉ quyến rũ Ngài theo hướng khác. Chúa Giêsu ở một mình nơi hoang địa, sau bốn mươi ngày dài ăn chay thì sức Ngài yếu đi và là dịp may cho Satan cám dỗ bởi khi ấy Ngài rất đói. Ngay lập tức những hình ảnh cám dỗ thoả mãn tính xác thịt theo đuổi Ngài. "Tại sao không biến những hòn đá kia thành bánh? Ta có thể làm điều đó và hơn nữa khỏi phải đói!" Sau những ngày một mình trong hoang địa làm Ngài cảm thấy cô đơn. "Tại sao Ta không làm cái gì đó kỳ lạ để mọi người chú ý? Chẳng hạn nhảy từ ghềnh đá cao này xuống dưới vực sâu mà không bị thương tổn? Chà chà, người ta sẽ nhìn thấy và kéo đến đông biết chừng nào, khi ấy Ta hết cô đơn!" Bốn mươi ngày Ngài tự xét đã nhìn thấy những ý tưởng về công cuộc truyền bá của Ngài. "Tại sao Ta không là một anh hùng dũng sĩ như người ta mong chờ nơi Đấng Thiên Sai? Ta sẽ đầy quyền hành và giàu có. Ta có thể làm điều ấy và sẽ không còn nỗi sợ bất an nữa!" Những quyền lực hung mãnh trên sa mạc thế giới cho chúng ta biết rằng đơn hành trên sa mạc mà thiếu các dự bị thiết yếu thì chỉ có hai cách chọn: một là cố tự bảo vệ cho đến khi trợ giúp tới, hai là để cho sự sợ hãi chiếm lĩnh. Một chuyên gia thám hiểm sa mạc đã viết: "Chỉ có người đã tự chuẩn bị cho mình đầy đủ mới có thể sống sót qua sa mạc". Chúa Giêsu đã không hoảng sợ khi mình Ngài đi qua hoang mạc và Ngài cũng chẳng lo âu khi đối mặt với sức mạnh cám dỗ ghê gớm của ma quỉ. Ngài đã tự chuẩn bị cho mình cách hoàn hảo nhất, như Thánh Kinh đã cho ta biết "Ngài đã ăn chay cầu nguyện bốn mươi đêm ngày". Theo truyền thống của Cựu Ước, ăn chay là một cử chỉ tôn giáo cao cả với ý muốn tăng thêm sức mạnh ý chí qua cầu nguyện và chiêm ngắm. Như thế, bằng cách tự thanh luyện tâm hồn mình qua ăn chay cầu nguyện, Chúa Giêsu đã chọn lựa cách hành động luân lý rõ ràng với chủ ý theo tiếng gọi và chiều hướng trong công cuộc truyền bá Tin Mừng của Ngài. Ngài đã nói, "Hãy xéo đi Satan! Vì có lời Thánh Kinh đã viết: Ngươi chỉ tùng phục một Thiên Chúa mà thôi, và chỉ tôn thờ một mình Ngài" (Mt 4,10).

Đời sống là những chuỗi dài của núi cao và thung lũng. Chẳng ai trong chúng ta có thể trốn tránh hết những kinh nghiệm hoang mạc, đó là những giờ phút ta cảm thấy tâm hồn bơ vơ trống vắng, lạnh lẽo cô đơn. Chắc chắn rằng, vào những giờ phút đó, cầu nguyện là điều cần thiết nhất cho chúng ta.
Mặc dầu chúng ta có sợ hãi trong cô đơn lẻ loi và thất bại trong cuộc tìm kiếm để thoát cảnh lạnh giá của cuộc sống, nhưng chúng ta đừng thất đảm. Chúng ta cần cầu nguyện, cần phải thôi nói với chính mình để có thể nghe được tiếng của Chúa là Cha nói trong tâm hồn chúng ta. Trong hoang mạc của đời sống vô nghĩa xem ra mọi cái đều trở nên tiêu tan, vô mục đích, vô ý nghĩa, nó tựa như một trò đùa ghê tởm bao bọc chúng ta bởi quyền lực bên ngoài mà chúng ta không hiểu nổi. Chỉ có một lối thoát, một lối tìm ra ý nghĩa xác thực và cùng đích của cuộc sống của chúng ta; chỉ có một con đường để tìm ra ta là ai và ta phải làm gì, đó là lắng nghe và lắng nghe tiếng Chúa Kitô trong tâm hồn ta. Có thể sẽ phải trải qua bốn mươi ngày đêm hoặc sẽ lâu hơn thế nữa để Tin Mừng của Chúa thấu nhập tâm hồn, nhưng điều quan trọng cần thiết là ta phải tiếp tục lắng nghe không nản lòng. Khi ta ngừng nghe tiếng Chúa thì là lúc ta thiếu chuẩn bị để xua đuổi sự nguy hiểm của thất đảm, nỗi trống rỗng sẽ bao bọc và là dịp thuận tiện để ma quỉ tiến vào đánh giết chúng ta.

Cơn cám dỗ có thể là ước muốn một mình ra đi, ta có thể đi qua ánh sáng không cần Chúa. Nó là sự cám dỗ khi nói rằng chúng ta có thể tự tìm ra câu trả lời "tại sao" cho cuộc sống; và nó là sự cám dỗ làm chúng ta tự hình thành những "thần tượng" nhỏ bé trong tâm hồn chúng ta. Ta phải tự nói với chính mình rằng, "Tôi cần Thiên Chúa nói cho tôi biết tôi là ai, tại sao tôi như vầy và tôi sẽ đi về đâu? Tôi cần Thiên Chúa dẫn đưa tôi ra khỏi sự trống rỗng đến ánh sáng tạo dựng của Ngài và Ngài nói cho tôi biết sự toàn hảo của tôi nằm ở đâu? Hãy tránh xa ta đồ quỉ dữ Satan, vì ngay từ đầu Thiên Chúa là Đấng tạo dựng trời đất, tất cả... Ta chỉ tôn thờ một mình Ngài".
Gặp gỡ và theo Chúa Kitô trong việc tìm kiếm Nước Chúa trước tiên là một sự thay đổi tính chất cuộc sống của chúng ta, nó không đơn giản chỉ là tăng thêm cái gì đó vào đời sống; song đúng hơn là một tính chất mới mẻ nảy sinh trong tâm hồn. Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết là chúng ta đón nhận nguyên cuộc sống mới, một quà tặng từ Quyền Năng của tương lai đó chính là Thiên Chúa Cha của chúng ta. Mỗi giây phút ta sống không chỉ là cái gì nối tiếp từ quá khứ song là một sự tạo dựng mới. Mỗi hơi ta thở không chỉ là hoạt động sinh lý tự nhiên nhưng là hành động đón nhận từng món quà từ chính sự sống. Món quà của sự sống mới này, chúng ta có được từ cuộc chiến thắng khải hoàn của Chúa Kitô, vĩnh viễn bất tận ngay cả sự chết cũng không làm gì được.
Đó chính là sự thành quả hy vọng, công chính được thoả mãn, tình yêu được tràn đầy, chân lý sẽ toàn thắng.

Suy Niệm 9: Tin là chấp nhận đường thập giá

(Noel Quesson)

“Anh em phải sám hối và tin vào Tin Mừng”

Vào đầu thế kỷ 20, một văn sĩ người Anh đã kể lại trong cuốn tiểu thuyết “Bầu trời và Thập giá” của ông, truyện một người thù ghét thập giá. Thấy thập giá ở đâu là anh ta tìm cách phá huỷ. Gặp một bức vẽ có hình thập giá là anh xé bỏ. Vợ anh mang một thập giá nhỏ bằng vàng, anh cũng lừa giật được và ném đi. Anh bảo: “Thập giá là biểu tượng sự độc ác dã man đối nghịch với niềm vui và cuộc sống".
Lòng căm ghét thập giá ăn sâu và tâm tư anh, đến mức thấy bóng thập giá là anh như điên dại. Không chịu nổi, có lần anh leo lên tận tháp chuông nhà thờ để phá huỷ cây thập giá trên đó. Lần khác, anh đập tan cái ban công nhà vì ở đó anh thấy nhiều chỗ có hình thập giá… Anh nhìn đâu cũng thấy thập giá. cuối cùng anh nổi giận đốt luôn căn nhà của mình và bị chết cháy.
Câu chuyện cốt đi tới một kết luận: Kể từ cái chết của Chúa Giêsu, thập giá đã nên biểu tượng của chiến thắng, đó là chiến thắng của tình yêu. Dẹp bỏ thập giá là chối bỏ tình yêu, nâng cao hận thù và đưa thế giới tới chết chóc, diệt vong.
Thập giá là biểu tượng niềm tin Kitô hữu và cũng là một thử thách lớn lao cho niềm tin mỗi người. ngắm nhìn Chúa Giêsu trên thập giá, con người không nhìn ra tình yêu cao cả của Thiên Chúa mà chỉ thấy vô lý khó chịu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá đi” (Mt 27, 40). Thử thách này còn theo dõi mỗi người chúng ta, còn tác động trên cả Giáo hội. Người ta vẫn tiềm tàng ý định đưa Chúa xuống khỏi thập giá, muốn Thiên Chúa biểu lộ quyền năng thống trị, chứ không dấu ẩn, vì “Nhập thể” là hình thức “Yếu đuối” (1 Cr, 1, 25). Một Thiên Chúa quyền uy là thông thường, là hợp lý, thích hợp với mọi tôn giáo…. Nhưng không phải Thiên Chúa chịu đóng đinh. Thật khác xa với chủ trương của Thánh Phaolô Tông đồ: “Người Do Thái đòi phép lạ, người Hy Lạp tìm sự khôn ngoan, còn chúng ta rao giảng Chúa Cứu Thế chịu đóng đinh, đó là gương xấu cho người Do Thái và là điên rồ trước mặt dân ngoại “ (1 Cr. 1, 22-23)
Chúa cứu chuộc chúng ta bằng thập giá, nói thế cũng có nghĩa là Chúa cứu chuộc bằng tình yêu. Và Chúa đòi hỏi chúng ta đi vào con đường Thập giá như Chúa, nghĩa là sẵn sàng hy sinh, chịu đau khổ để biểu lộ tình yêu đối với Chúa và đối với anh em (Mt 16, 24-25).
Đó là con đường tốt nhất và duy nhất. đôi lúc ta ngại đón nhận thập giá, thì đó là thử thách lớn cho niềm tin Kitô hũư của ta “Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.

Suy Niệm 10: Nơi hoang địa

(ĐGM. Arthur Tonne)

Richar Miller là một học sinh cấp ba vào thập niên đầu của thế kỷ 20. Chàng là một thanh niên hay chống đối, coi thường quyền bính. Chàng yêu say đắm một cô gái lối xóm tên là Muriel Mc. Comber. Cha nàng sợ lối sống lập dị của Richar nên cố gắng dập tắt mối tình lãng mạn ấy.
Thất vọng, Richar lui tới một quán rượu, chàng gặp một phụ nữ tên Belle. Theo ngôn ngữ thời ấy người ta gọi là “Flirt” (gái giang hồ). Một người đàn bà đùa dỡn với tình yêu không đứng đắn. Richar uống rượu và đánh lộn với một thương gia và bị tống cổ ra khỏi quán rượu. Cha của Richar hiểu và thông cảm với con mình. Ông từ từ giúp chàng lấy lại quân bình. Nhờ một tin mật, Richar được biết Muriel thực sự yêu chàng. Chàng quyết định hối cải và đợi nàng.
Đó là cốt truyện một vở hài kịch Eugne - O’neil viết vào năm 1933 tựa đề “Ah Wilderness “ (Nơi hoang tàn) vở kịch được trình diễn rộng rãi vì nó phát hoạ một hoàn cảnh chung, rất nhân bản trong đời sống hàng ngày, nó vẽ nên phần nào cảnh hoang dại mà chúng ta đang sống.

Bài Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta rằng Đức Giêsu đã ở trong sa mạc, nơi hoang dã 40 ngày đêm. Đó là lý do cho 40 ngày mùa chay. Sa mạc là nơi trú ẩn của thần dữ. Thú dữ, tượng trưng cho sự dữ mà Đức Kitô đã đến chế ngự. Tại sao chúng ta đọc bài Tin Mừng này vào Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay. Có gì liên hệ giữa nơi hoang dã Chúa Giêsu đã sống trong Mùa chay đầu, với bạn và tôi trong Mùa chay này. Đơn giản thôi, chúng ta đang sống trong một nơi “hoang dã” một thế giới ngập những tạo vật man rợ dưới hình thức con người. Có gì hung dữ hoặc xấu xa hơn sự tàn bạo của con người thời đại - sát nhân không gớm tay cướp giật, đốt nhà, ngược đãi trẻ em. Có con thú dữ nào giết hại hàng triệu người mỗi năm? việc phá thai làm đúng như thế đó. Thú dữ hình người trong hoang địa của chúng ta đang phá huỷ không những sự sống thể xác, mà còn đặc biệt sự sống tinh thần của những người gần chúng ta và thân yêu của chúng ta nữa; Xin kể một vài con thú xấu xa đó: người quảng cáo ma tuý, người xuất bản sách báo đồi truỵ, những tác giả chuyện phim và chương trình truyền hình.
Không có cách nào để kiềm chế những kẻ tàn phá thể xác và tâm hồn này sao? Dạ có, phương cách của Đức Giêsu có nhiều sự dữ Chúa Kitô đến cứu chữa. Lý do chính Chúa vào nơi hoang địa là để chiến thắng những sự dữ này bằng đền tội và cầu nguyện. Chỉ trong đường lối của Chúa, chúng ta mới chiến thắng sự dữ trong thế giới ngày nay. Chỉ bằng lời cầu nguyện xin Chúa giúp, bằng sự hy sinh để tỏ lòng mến Chúa. Chúng ta có thế kiềm chế, thuần hoá những thú dữ ở giữa chúng ta. Chúng ta cũng có thể kiềm chế những thú tính trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Thời gian bắt đầu việc này là mùa chay. Trong tinh thần chúng ta hãy cùng sống với Đức Giêsu trong “hoang địa” ngày nay. Với Người, chúng ta thống hối và cầu nguyện. Như thế, cũng như người đã chiến thắng sự dữ trong thời của Người, chúng ta cũng sẽ chiến thắng sự dữ trong hoang địa hiện đại của chúng ta. Xin Chúa chúc lành bạn.

Suy Niệm 11: Chiến thắng cám dỗ với Chúa Giêsu

(‘Cùng Đọc Tin Mừng’ - Lm Trần Ngà)

Người Eskimo nghĩ ra một cách bẫy chó sói rất độc đáo để lấy da chúng làm y phục.
Người ta dùng một con dao cực bén và nhúng lưỡi dao ấy vào máu súc vật, rồi đem dang ra ngoài trời tuyết lạnh cho máu đông lại chung quanh. Họ lặp lại động tác đó nhiều lần cho đến khi con dao được bọc quanh bằng khối máu lớn như quả xoài.
Đợi đến khi trời tối, thợ săn đem con dao bọc máu đó ra cắm giữa đồng hoang. Với tài đánh hơi bén nhạy, loài sói sẽ phát hiện rất nhanh mùi máu tươi và sẽ chạy đến liếm tới tấp vào cục máu đông đó cho đến khi lưỡi dao lộ ra cứa đứt lưỡi chúng. Một khi lưỡi bị cứa đứt nhiều đường, máu từ lưỡi ứa ra và chúng tiếp tục liếm cách điên cuồng hơn chính dòng máu của mình mà không hay biết. Càng liếm hăng, lưỡi càng bị cứa sâu hơn và nhiều hơn khiến máu chảy thành dòng kết thúc cuộc đời lũ sói tham ăn.

Cám dỗ trong đời người

Có thể nói: con người là con vật phải đương đầu với nhiều cơn cám dỗ nhất. Cám dỗ của miếng ăn, cám dỗ của thức uống (rượu, bia), của thuốc lá, ma tuý, cần sa, cám dỗ của thú vui nhục dục, của tiền bạc, của địa vị, công danh và vô vàn hình thức cám dỗ khác.
Người ta bị thu hút, bị lôi cuốn vào các cơn cám dỗ như con sói tham lam lao vào liếm cục máu bọc lưỡi dao, như những con thiêu thân lao vào lửa và hậu quả là con người trở nên mềm yếu, bạc nhược, bị lôi cuốn vào dòng thác dục vọng như cánh bèo nhỏ bé bị cuốn phăng phăng giữa dòng nước lũ hung tàn.
Không rõ con sói một khi biết có lưỡi dao bén ẩn dấu trong cục máu đông có còn dám tiếp tục liếm cục máu đó nữa không, nhưng đối với nhiều người thì dù biết chắc chắn rằng đằng sau những lạc thú có ẩn dấu lưỡi dao thần chết thì họ vẫn cứ tiếp tục hưởng thụ những thứ đó đến cùng rồi mượn lời thơ Xuân Diệu để tự biện minh rằng: "thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm" (Xuân Diệu)

Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ như chúng ta.

"Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa... nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. (Philip 2, 6-7)
Vì trở nên người phàm như chúng ta, "Chúa Giêsu đã từng chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta' (Do-thái 4,15).
Qua đoạn Tin Mừng được trích đọc trong thánh lễ hôm nay, thánh sử Mác-cô cho biết Chúa Giêsu đã vào hoang địa bốn mươi ngày và Người đã thực sự bị Xa-tan cám dỗ. (Mác-cô 1, 12-13)
Điều đặc biệt là dù phải bị cám dỗ trăm bề về mọi phương diện như chúng ta, Chúa Giêsu không bao giờ thua cuộc, không bao giờ sa chước cám dỗ. Người đã chiến thắng vẻ vang trước mọi cơn cám dỗ và luôn trung thành đi theo đường lối của Thiên Chúa Cha cho đến cùng.

Cùng chiến đấu chống lại cám dỗ với Chúa Giêsu.

Trâu bò tuy to khoẻ nhưng dễ dàng bị chế ngự bởi một đứa bé cỏn con khi người ta xỏ mũi được chúng. Con người dù có hùng mạnh đến đâu, nhưng một khi bị "xỏ mũi" bởi các đam mê tội lỗi, thì cũng phải ngoan ngoãn lội xuống bùn, sa xuống vực vì sức kéo của những đam mê và dục vọng xấu xa đen tối.
Mỗi người có một tử huyệt, một chỗ hiểm riêng. Nơi người nầy là lỗ miệng tham ăn tham uống, nơi người khác là bệnh háo sắc hay thói tham danh hám lợi, nơi người khác nữa có thể là lòng ích kỷ, hận thù, ghen ghét, kiêu căng...
Người đi câu luôn biết lựa mồi hợp sở thích của cá; cũng vậy ma quỷ có thừa khôn ngoan để chọn những mồi bả phù hợp "khẩu vị" của từng người và nhắm tấn công vào đúng tử huyệt của chúng ta.
Trong mùa chay, Chúa Giêsu và Giáo Hội kêu mời chúng ta đi vào cõi thinh lặng của tâm hồn để nhìn lại lòng mình, rà soát tâm tư mình, xét xem những đam mê nào, những xu hướng tội lỗi nào đang chi phối đời ta mạnh nhất (đó là những tử huyệt cần canh phòng che chắn). Chính những đam mê và xu hướng đó là động cơ xô đẩy con sói tham ăn lao vào chỗ chết; và cũng chính những động cơ đó đã huỷ hoại cuộc đời ta, làm mất thanh danh phẩm giá cũng như giá trị cao đẹp của đời ta.
Nguyện xin Chúa Giêsu cùng chiến đấu với chúng con trong mặt trận nguy khó nầy và ban ơn giúp sức để chúng con không bao giờ lùi bước trước bất kỳ cơn cám dỗ nào, nhưng kiên cường chiến đấu để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và những đam mê xấu xa đồng thời lập được nhiều chiến công vẻ vang như Chúa.

Suy Niệm 12: Cám dỗ

Để bắt đầu phần chia sẻ hôm nay, tôi xin kể lại trường hợp vượt ngục rất đặc biệt của một tù nhân. Đúng thế, ông ta bị nhốt trong một ngọn tháp thật cao và trong phòng thì lại không có một phương tiện nào để có thể leo xuống. Vậy ông ta đã làm gì?
Để vượt ngục, mỗi ngày ông ta chỉ nhổ có hai sợi tóc và xe lại với nhau. Sau một thời gian, ông ta đã làm được một sợi dây bằng tóc khá dài. Ông ta thả sợi dây tóc ấy xuống qua cửa sổ nhà tù. Ở dưới, một người bạn thân đã chờ sẵn. Người bạn này đã buộc một sợi chỉ dài vào đầu sợi dây tóc. Rồi cuối sợi chỉ, người ấy lại buộc thêm một sợi dây vải dài. Cuối sợi dây vải, người ấy buộc một dây thừng nhỏ và cuối sợi dây thừng nhỏ, người bạn ấy buộc một dây thừng to. Sau đó, tù nhân ở trên ngọn tháp cao bắt đầu kéo lên. Hết sợi dây tóc, thì nắm lấy sợi dây chỉ. Hết sợi dây chỉ thì nắm lấy sợi dây vải. Hết sợi dây vải, thì nắm lấy dây thừng nhỏ. Hết dây thừng nhỏ thì nắm lấy dây thừng lớn và ông ta đã dùng dây thừng lớn này để mà vượt ngục cách an toàn trong một đêm trời tối.

Kể lại câu chuyện này, tôi thấy đó cũng chính là đường lối ma quỉ vốn thường dùng để cám dỗ chúng ta. Thực vậy, rất ít khi ma quỉ cám đỗ chúng ta phạm tội trọng ngay từ lúc đầu. Nếu làm thế, ma quỉ sẽ khiến cho chúng ta sợ hãi. Nó cứ từ từ mà tiến. Lúc đầu nó chỉ cám dỗ chúng ta phạm một lỗi nhỏ, rồi sau đó một lỗi lớn hơn và cuối cùng nó mới dẫn chúng ta đến tội trọng.
Chẳng hạn một anh chàng ghiền sì ke. Đâu có phải chỉ trong một sớm một chều mà đã ghiền như dân chuyên nghiệp. Lúc đầu nó cám dỗ anh ta lân la với những người bạn xấu, rủ rê anh làm thử một điếu cho biết mùi đời. Sau một điếu, rồi hai điếu, rồi ba điếu, để cuối cùng trở thành dân ghiền lúc nào cũng không hay biết. Chợt tỉnh và hối tiếc thì cũng đã quá muộn: Trót vì tay đã nhúng chàm, dại rồi còn biết khôn làm sao đây.

Ma quỉ cũng cứ từ từ mà tiến. Nó không bao giờ cám dỗ chúng ta làm hai điều xấu cùng một lúc. Trai lại, sau khi cám dỗ chúng ta làm điều này, nó vẫn còn đủ thời giờ cám dỗ chúng ta lài điều kia. Từ cám dỗ này, nó đưa chúng ta đến cám dỗ khác và những cám dỗ khác nữa. Cứ thế tiếp tục cho đến khi chúng ta phạm tội trọng.
Chẳng hạn nó cám dỗ một người rơi vào vòng cờ bạc. Sau khi đã mê cờ bạc, thì về nhà sẽ đánh vợ chửi con, làm cho gia đình bị tan nát. Và nếu gia đình nghèo, không có tiền để tiếp tục cuộc chơi, thì sẽ sinh ra gian tham và trộm cắp.

Suy nghĩ về trường hợp của Chúa Giêsu, chúng ta thấy ma quỉ cũng áp dụng một chiến thuật như thế. Nó không cám dỗ Ngài quì xuống thờ lạy Satan ngay lúc đầu. Trái lại, cám dỗ thứ nhất nó bảo Ngài làm phép lạ khiến những hòn đá trở nên bánh, để khơi dậy những ước muốn về của cải vật chất. Cám đỗ thứ hai nó bảo Ngài gieo mình xuống khỏi nóc đền thờ, để khơi dậy những ước muốn về quyền hành. Và sau cùng nó mới bảo Ngài quì xuống thờ lạy nó, để khơi dậy sự chối bỏ Thiên Chúa.
Đối với chúng ta cũng vậy, nó không cám dỗ chúng ta ăn cắp một món tiền lờn, khi chưa đưa chúng ta vào thói quen ăn cắp lặt vặt, như tục ngữ đã bảo: Bé không vin, cả gẫy ngành. Bé ăn cắp một trái trứng, thì lớn lên sẽ ăn cắp một con bò.
Bởi đó, đừng khinh thường những sai lỗi nhỏ mọn. Rất có thể vì những sai lỗi nhỏ mọn hôm nay mà ngay mai chúng ta sẽ quay phản bội cùng Chúa.

Suy Niệm 13: Hoang địa

Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa, Ngài ở đó suốt 40 đêm ngày và chịu Satan cám dỗ. Hoang địa hay sa mạc là một chủ đề quen thuộc trong Kinh Thánh. Vậy thì nó có ý nghĩa gì?
Trước hết, hoang địa hay sa mạc là nơi thử thách. Thực vậy, đọc lại Cựu ước, chúng ta thấy dân Do Thái, trên đường trở về miền đất hứa, đã phải lang thang trong sa mạc suốt bốn mươi năm. Trong thời gian này, trước những gian nan thử thách, họ đã bị cám dỗ rời bỏ Chúa để chạy theo những thần tượng ngoại lai. Và rất nhiều lần họ đã bị khuất phục, đã chịu thua để rồi quỳ gối thờ lạy con bò vàng, như chúng ta đã thấy.

Còn Chúa Giêsu thì khác, chính tại hoang địa, ngài đã bị Satan cám dỗ, nhưng cả ba lần Ngài đều chiến thắng. Sự chiến thắng của Ngài là một bài học, là một mẫu gương cho chúng ta suy nghĩ và bắt chước. Hãy khiêm nhường, hãy tin tưởng vào quyền năng Chúa và hãy sám hối ăn năn để chúng ta cũng sẽ vượt qua được những cám dỗ mà chúng ta gặp phải.
Charles de Foucauld đã tâm sự với cha Huvelin như sau: Từ ngày lên 15 tuổi, tôi đã mất đức tin. Cha Huvelin nhìn con người từ sa mạc trở về và nói: Anh hãy quỳ gối xuống và xưng thú tội lỗi đã. Charles de Foucauld đã vâng lời, khiêm tốn làm việc sám hối. Và từ đó, cuộc đời của vị sĩ quan bê tha tội lỗi này đã hoàn toàn đổi mới.Khi tôi vừa hiểu rằng có một Thiên Chúa, thì tôi cũng hiểu rằng tôi không thể làm gì khác hơn là chỉ sống vì Ngài. Không phải chỉ là nơi thử thách, hoang địa hay sa mạc còn là nơi để chúng ta sống thân tình với Chúa.
Thực vậy, suốt bốn mươi năm trong sa mạc, dân Do Thái đã được Thiên Chúa thương, thực hiện biết bao nhiêu việc kỳ diệu, chẳng hạn hướng dẫn họ bằng áng mây cột lửa, đưa họ qua biển đỏ, trao ban cho họ mười điều răn làm giao ước, nuôi sống họ bằng manna bởi trời, chữa họ khỏi hiểm họa rắn độc… Thế nhưng, dân Do Thái rất nhiều lần đã không hiểu được tình thương tuyệt vời ấy, để rồi đã quay lưng chống lại Chúa.

Còn Chúa Giêsu hôm nay, Ngài vào hoang địa để sống gắn bó mật thiết với Chúa Cha trong tâm tình cầu nguyện và chay tịnh. Còn chúng ta thì sao, Thiên Chúa thường nói với chúng ta trong thinh lặng và chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới nghe được tiếng nói của Ngài. Đồng thời chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới tâm sự kết hiệp với Ngài. Bởi đó, giữa dòng đời huyên náo, chúng ta hãy biết dành lấy những khoảnh khắc thinh lặng để vào sa mạc, để vào hoang địa, bằng cách sống tâm tình cầu nguyện để kín múc được nguồn sinh lực, nhờ đó chúng ta sẽ vượt qua được những cám dỗ và thử thách của cuộc đời.

Suy Niệm 14: Cám dỗ

Buổi chiều ngày cuối tháng 10 thường được người Mỹ và các nước có ảnh hưởng của Mỹ gọi là Halloween, có nghĩa là ngày mừng lễ các thánh. Có lẽ đã là điều còn rơi rớt lại của những ngày lễ ngoại giáo bắt nguồn từ thời của những người Santies trước Công Nguyên mà ngày lễ vọng các thánh mang một màu sắc ảm đạm ma quái. Trong các cửa tiệm, trưng bày những mặt nạ quái dị, những hình nộm được tô vẽ với một bộ mặt của thần chết, những màng nhện trắng xóa giăng ra khắp nơi, các đồ chơi của trẻ em cũng được khoác lên những nét ma quái, kinh dị, trên màn ảnh truyền hình cũng như tại các rạp chiếu bóng, đa số các phim trình chiếu đều mang nội dung quái đản, kinh dị.

Buổi tối ngày Halloween, thanh niên thiếu nữ thường cải trang thành ma quái để đi từng nhà ca hát và kể cho nhau nghe những chuyện ma quái. Phải chăng mỗi năm, người ta muốn dành một ngày để nhắc nhớ đến sự hiện hữu và tác quái của thần dữ? Nhưng ngày nay người ta còn ý thức được tội lỗi và sự tác động của thần dữ, tức là ma quỷ hay không? Thi sĩ Bô-đơ-le của Pháp đã có lần nói: “Sự thành công của ma quỷ là thuyết phục được con người rằng chúng không hề hiện hữu”. Với những khám phá mới trong ngành tâm lý học cũng như bệnh lý học, người ta cho rằng tất cả những vụ quỷ ám mà Thánh Kinh nói đến đều chỉ là những hiện tượng tâm lý bệnh hoạn mà ngày nay con người có thể tìm ra nguyên nhân.

Với luận điệu ấy, con người ngày nay tự hào là đã loại trừ được ma quỷ ra khỏi cuộc sống. Rất tiếc con người ngày nay ít được chứng kiến những vụ quỷ ám nhãn tiền mà Kinh Thánh đã ghi lại. Tuy nhiên, dù muốn dù không, tất cả đều không thể từ chối có một sức mạnh luôn tác động trong tâm trí con người, lôi kéo con người đến chỗ hành động xấu xa, tội lỗi, mãi mãi câu nói của thánh Phaolô vẫn đúng trong kinh nghiệm của mỗi người: “Điều thiện tôi muốn làm thì tôi không làm, điều ác tôi không muốn làm thì tôi lại làm”. Có một sức mạnh vô hình nào đó luôn lôi kéo, xúi giục con người vào tội ác, sức mạnh vô hình đó chính là Satan, là ma quỷ, và chiến thuật hay phương thế ma quỷ sử dụng để lôi kéo, xúi giục chúng ta phạm tội là cám dỗ.
Ma quỷ thường cám dỗ chúng ta thế nào?Ma quỷ rất khôn khéo, quỷ quyệt và kiên nhẫn, vì chúng là các thiên thần sa ngã. Chúng áp dụng nhiều chiến thuật và nhiều cách thế khác nhau, tùy tuổi tác, tính tình, tùy hoàn cảnh để xúi giục chúng ta nghe theo chúng mà phạm tội. Rất ít khi ma quỷ cám dỗ chúng ta phạm tội ngay từ đầu, vì làm thế chúng ta sẽ sợ hãi không dám phạm, nhưng chúng cám dỗ chúng ta phạm một lỗi nhỏ trước, rồi mới dẫn chúng ta đến chỗ phạm tội trọng. Đàng khác, không bao giờ ma quỷ cám dỗ chúng ta làm hai điều một trật, để chúng còn đủ thời giờ cám dỗ chúng ta phạm tội kia, nghĩa là chúng cám dỗ thế nào để từ cơn cám dỗ này đưa đến một cơn cám dỗ khác, rồi một cơn cám dỗ khác nữa, và cứ thế tiếp tục cho đến khi chúng ta sa ngã và phạm tội.

Về chiến thuật cám dỗ của ma quỷ,người ta thường kể câu chuyện sau: ma quỷ khôn khéo như một phạm nhân bị giam trên một cái tháp rất cao, không thể nào trèo xuống được, vậy mà anh ta đã thoát thân được bằng một cách rất tài tình: mỗi ngày anh nhổ hai sợi tóc và xe lại với nhau, sau một thời gian anh đã có một sợi dây tóc dài, anh thả xuống qua cửa sổ, bên dưới, người bạn của anh buộc một sợi dây lụa rất nhẹ vào đầu sợi dây tóc, cuối sợi dây lụa lại buộc một sợi dây gai, cuối sợi dây gai lại buộc một sợi dây thừng nhỏ, cuối sợi dây thừng nhỏ là một sợi dây thừng lớn, bằng sợi dây thừng này, phạm nhân đã tụt xuống đất trốn thoát được. Đó chính là đường lối cám dỗ mà ma quỷ áp dụng, chúng ta giam các dục vọng của chúng ta, nhưng ma quỷ giúp các dục vọng đó vượt ngục dần dần. Trong thực tế chúng ta không thấy rõ thứ tự hay tiến trình tuần tự như thế, nhưng nói chung, tất cả các cám dỗ phạm tội đều như vậy.
Chúng ta phải xử trí ra sao khi bị cám dỗ?Đành rằng ma quỷ cám dỗ chúng ta, nhưng chúng chỉ là kẻ thù nguy hiểm thứ hai sau xác thịt của chúng ta: thế gian, ma quỷ và xác thịt, đó là ba kẻ thù ghê gớm. Ma quỷ chỉ là kẻ xách động, cám dỗ, thúc đẩy, xúi giục chúng ta phạm tội, nhưng chúng có gặp được sự đồng tình, đồng ý của chúng ta hay không? Tức là chúng ta có chấp nhận hay ngả theo những chước cám dỗ hay không, đó là chính ý chí của chúng ta. Vậy, trước hết, chúng ta phải đề phòng và xa tránh các dịp nguy hiểm, các cơ hội, các lý do, các hoàn cảnh, những người, những vật… có thể đưa đẩy chúng ta đến chỗ phạm tội. Rồi, nếu bị cám dỗ, chúng ta phải mau lẹ chống trả ngay từ đầu, chống trả cách cương quyết, đừng chần chừ, trì hoãn, và nhất là phải cầu nguyện nhiều để xin Chúa ban ơn trợ giúp. Nếu chẳng may thất bại, nghĩa là sa chước cám dỗ, phạm tội, chúng ta phải lập tức đứng dậy ngay, nghĩa là hối hận, ăn năn, xưng tội, xin Chúa tha thứ và cố gắng hơn nữa để khỏi tái phạm.

Chúng ta chẳng ai thoát khỏi cám dỗ, chỉ khác nhau ở chỗ có sa chước cám dỗ hay không, vì vậy, trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải luôn cầu xin cho khỏi sa chước cám dỗ. Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi ác thần, xin giúp chúng con khỏi sa chước cám dỗ. Chúng ta phải luôn cầu xin Chúa như thế, nhất là khi gặp chước cám dỗ.

Suy Niệm 15: Yếu tố con người

Khi mẹ Têrêxa thành Calcutta, vị sáng lập dòng nữ thừa sai bác ái, khởi sự công cuộc phục vụ những người hấp hối tại thành phố Calcutta bên An độ, thì vấn đề lớn nhất gặp phải đó là tìm cho ra nơi chốn để chăm sóc họ. Chính quyền địa phương chỉ có thể dành cho công việc xã hội này khu nhà trọ của khách hành hương tại đền thờ kính thần Kali, mà lúc bấy giờ đang là nơi chứa chấp bọn trộm cắp và xì ke.
Thế rồi một nguồn tin bất lợi được tung ra:
- Người đàn bà ngoại quốc này có ý đồ lôi kéo những người nghèo An độ theo Công giáo.
Trước nguồn tin này, một nhóm người đã kéo đến tòa thị chính để phản đối, còn một nhóm khác thì đến trụ sở cảnh sát để yêu cầu trục xuất người đàn bà đó.
Viên cảnh sát trưởng hứa sẽ giải quyết vụ này. Đích thân ông tới xem xét ngôi nhà. Ông thấy mẹ Têrêxa đang chăm sóc một bệnh nhân có những vết thương, vì lâu ngày không được chạy chữa, nên xông ra mùi hôi thối chịu không nổi. Thế mà vị nữ tu này vẫn nghiêng mình cặm cụi rửa ráy, lau chùi và băng bó như cho chính mình vậy.
Trở về trụ sở, ông gặp lại những người biểu tình và nói:
- Tôi hứa sẽ trục xuất người đàn bà ngoại quốc này ra khỏi khu vực đền thờ kính thần Kali, nhưng trước khi hành động, tôi chỉ xin mỗi người hãy đem theo mẹ hoặc chị em tới chăm sóc cho những người hấp hối đáng thương kia, thay thế cho người mà tôi được yêu cầu để trục xuất.
Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào phần kết của đoạn Tin mừng hôm nay, qua đó Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người chúng ta:
- Hãy sám hối và tin vào Phúc Am.
Thế nhưng chúng ta phải sám hối như thế nào?
Nói tới sám hối là chúng ta nghĩ ngay tới việc ăn năn những lầm lỗi mình đã phạm để rồi quay trở về cùng Chúa.
Tuy nhiên quay trở về cùng Chúa mà thôi chưa đủ, tâm tình sám hối còn đòi hỏi chúng ta phải quay trở về cùng anh em. Hòa giải với Chúa mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải hòa giải với người khác, vì tất cả chúng ta đều là anh em, con cùng một cha, sống trong cùng một gia đình, đó là cộng đồng nhân loại.

Thực vậy, trong toàn thể các tạo vật thì con người được Thiên Chúa đặc biệt chú ý đến…Bởi vì con người luôn mang trong tâm hồn mình một khát vọng sâu thẳm.
Với tư cách là thụ tạo, vì được dựng nên cho Thiên Chúa, nên con người sẽ luôn thao thức cho tới khi được an nghỉ nơi Ngài. Đằng khác, vì được dựng nên do cùng một nguồn gốc, con người không thể khước từ đồng loại của mình.
Chính vì thế mà việc sám hối đòi chúng ta vừa hòa giải với Chúa, lại vừa hòa giải với anh em. Vừa trở về cùng Chúa lại vừa trở về với anh em đồng loại.
Mẹ Têrêxa thành Calcutta chăm sóc cho những người hấp hối cũng chỉ làm một công việc bình thường, đó là sống trung thực ơn sám hối toàn diện nói trên.
Hãy hòa giải cùng Chúa và hòa giải cùng người khác. Hãy trở về với Chúa và hãy trở về với anh em mình. Đó chính là sứ điệp chúng ta cần phải làm ngay trong mùa chay này.

Suy Niệm 16: Chiến thắng cám dỗ

Năm nào cũng vậy, cứ vào Chúa nhật thứ nhất Mùa chay, Giáo hội cho chúng ta nghe đọc đoạn Tin Mừng kể về việc Chúa Giêsu bị cám dỗ và chiến thắng Satan. Năm A và C, đọc Tin Mừng của thánh Matthêu và thánh Luca, kể lại sự kiện này khá dài, kể rõ ba chước cám dỗ và ba lần Chúa Giêsu chiến thắng cám dỗ. Năm nay năm B, đọc Tin Mừng của thánh Marcô, kể lại rất vắn tắt, chỉ cho biết: “Thần khí thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa. Người ở đó 40 ngày, chịu Satan cám dỗ”. Tuy thánh Marcô không trực tiếp cho biết Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan, đã xua đuổi nó, nhưng suốt sách Tin Mừng, thánh Marcô sẽ cho thấy Chúa Giêsu đi tới đâu thì Satan bị đánh bại đến đấy. Giáo hội cho chúng ta nghe đọc đoạn Tin Mừng này để mời gọi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Chúa Giêsu như kiểu mẫu và bảo đảm cho chúng ta trong cuộc chiến đấu với Satan và những cám dỗ của nó.

Đời người được ví như một đấu trường, ở đó con người phải luôn chiến đấu: chiến đấu với ngoại cảnh, chiến đấu với nhiều thứ, nhất là chiến đấu với chính mình. Tại sao vậy? Bởi vì mang thân phận con người, ai ai cũng bị giằng co, xâu xé bởi hai khuynh hướng mâu thuẫn nhau: một cái kéo con người lên và một cái lôi con người xuống. Hai khuynh hướng đó đều nội tại trong con người, khiến cho nội tâm con người trở thành chiến trường, đôi khi rất cam go làm con người đau khổ.
Khuynh hướng đi lên là khuynh hướng căn bản của ý chí con người. Ai cũng muốn mình là người tốt, ai cũng muốn mình làm điều thiện, chứ không ai muốn mình xấu hay làm điều ác cả. Nhưng muốn là một chuyện, còn có làm điều tốt hay không lại là chuyện khác. Thánh Phaolô đã nói: “Tôi không hiểu nổi việc tôi làm: điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm”. Vì thế, muốn đi lên, con người phải cố gắng, phải dùng chính sức mạnh của mình, phải hao tổn năng lực của mình.
Còn khuynh hướng đi xuống cũng ở trong nội tâm, nhưng kể từ khi nguyên tổ phạm tội, khuynh hướng này đã được ma quỉ tăng cường làm cho mạnh lên, khiến con người muốn đi lên phải chiến đấu rất vất vả. Còn muốn đi xuống thì chẳng cần phải cố gắng gì cả, chỉ cần buông thả, không cố gắng nữa là tự động đi xuống. Chính vì thế làm thiện khó hơn làm ác rất nhiều. Và cái lực hấp dẫn mọi người làm ác hoặc không làm thiện là lực của ma quỉ.

Đúng vậy, đàng sau bối cảnh chiến trường mà con người phải chiến đấu, ẩn hiện chập chờn một nhân vật rất nguy hiểm mà Kinh thánh gọi là kẻ thù, ấy là satan. Satan là quỉ, nó là “xếp xòng” của loài quỉ. Satan hay quỉ trước kia là các thiên thần, nhưng vì làm loạn cùng Thiên Chúanên bị tống cổ ra khỏi thiên đàng và bị đày xuống hỏa ngục. Từ ngày thất thế, Satan và bè lũ trở nên những kẻ thù nguy hại của loài người. Chúng chuyên môn áp đảo, quấy phá để làm cho người ta hư hỏng theo chúng. Chúng đã làm hư hỏng biết bao nhiêu người. Chúng đã du nhập vào trần gian đủ thứ gian tham, lừa lọc, tội ác, bất công và những lối sống lố bịch, nham nhở, nhăng nhít… Tất nhiên có người sẽ nói: có thấy Satan hay quỉ nào công khai làm những chuyện đó đâu? Đúng thế, ngày nay chúng ta ít được chứng kiến những vụ quỉ ám nhãn tiền mà Kinh Thánh đã ghi lại. Ngày nay rất ít trường hợp Satan hiện nguyên hình trực tiếp tác oai tác quái nữa, nhưng gián tiếp điều khiển trong bóng tối. Đó là một sức mạnh vô hình luôn tác động trong tâm trí chúng ta: lôi kéo, xúi bẩy chúng ta đến chỗ hành động xấu xa, tội lỗi. Chiến thuật hay phương thế ma quỉ sử dụng là cám dỗ. Chúng không kiêng nể ai hay buông tha ai. Vì thế, không ai thoát khỏi cám dỗ của chúng.

Theo nghĩa thông thường chúng ta quen hiểu, cám dỗ là dịp phạm tội. Bị cám dỗ là khi chúng ta thấy mình hướng chiều về một điều ưa thích thuộc phạm vi cấm đoán. Chẳng hạn: một vẻ quyến rũ từ bên ngoài lôi cuốn, một sự xôn xao, rạo rực, thèm khát từ bên trong thúc đẩy; một âm mưu hay thủ đoạn bày vẽ ra trong trí khôn thúc đẩy chúng ta hành động; một sự nhắm mắt làm liều, một hành động nổi loạn của toàn thân từ chối ép mình trong trật tự… Đó là những phát hiện của cơn cám dỗ. Như vậy, bị cám dỗ, bất cứ là cám dỗ về phương diện gì, không phải là tội. Khi chúng ta bị cám dỗ thì chỉ có nghĩa là chúng ta bị thử thách thôi. Và chỉ khi nào chúng ta bị thua chước cám dỗ thì mới có tội.

Đành rằng ma quỉ cám dỗ chúng ta. Nhưng chúng chỉ là kẻ thù nguy hiểm thứ hai sau xác thịt của chúng ta: thế gian, ma quỉ và xác thịt. Đó là ba kẻ thù ghê gớm. Ma quỉ chỉ là kẻ xách động, cám dỗ, thúc đẩy, xúi giục chúng ta phạm tội, nhưng chúng có gặp được sự đồng tình đồng ý của chúng ta hay không? Tức là chúng ta có chấp nhận và chiều theo chước cám dỗ hay không? Nói khác đi, ma quỉ chỉ có thể cám dỗ được chúng ta khi chúng ta có nhu cầu, ham thích, đam mê đối với những thực tại trần gian. Chúng ta có làm chủ được những nhu cầu thể chất ấy chúng ta mới dễ dàng thắng lướt được những cám dỗ, và không để cho khuynh hướng xấu làm chủ mình. Từ ngày có trí khôn cho đến giờ, ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về việc cám dỗ. Chúng ta đã bị cám dỗ nhiều lần. Có lần chúng ta đã vượt qua được, và nhiều lần đã bị vấp ngã. Đó chính là thân phận của con người yếu hèn và bất toàn. Không bao giờ vấp ngã, đó là chuyện khác thường, đặc biệt, vô cùng tạ ơn Chúa. Còn hay bị vấp ngã, đó là chuyện bình thường. Và điều quan trọng là chúng ta phải ăn năn sám hối ngay.

Nguồn: Giáo Phận Long Xuyên