Dân Chúa Âu Châu

Mc 7 31-37Thứ Sáu Tuần V Mùa Thường Niên Năm B

"Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".

Lời Chúa: Mc 7, 31-37
Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem đến cho Người một kẻ điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Ðoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: Ephata, nghĩa là "hãy mở ra", tức thì tai anh được sõi sàng. Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục, mà rằng: "Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".

Suy Niệm 1: Hãy mở ra

Michel-Angelo là một trong những danh họa đã để lại nhiều tác phẩm bất hủ nhất, bất hủ vì giá trị nghệ thuật siêu vượt thời gian đã đành, mà còn bất hủ vì sự sống động mà ông đã mặc cho các tác phẩm của ông, điển hình là bức tượng Môsê. Người ta kể lại rằng sau khi hoàn thành bức tượng này, Michel-Angelo đứng chiêm ngắm một cách say sưa, và sự sống động của pho tượng làm ông ngây ngất đến độ ông đã cầm búa gõ vào và thốt lên: "Hãy nói đi".
Quả thật, lời nói là một trong những biểu lộ sống động nhất của sự sống. Khi chúng ta mở miệng thốt ra lời, là lúc chúng ta muốn biểu lộ sự sống, đồng thời nói lên rằng chúng ta đang sống cùng và sống với người khác. Sự hiện diện của chúng ta trong thế giới này cần phải được xác nhận bằng tiếng nói của chúng ta. Những người câm điếc một phần nào bị hạn chế trong sự liên lạc với thế giới xung quanh, sự hiện diện của họ dễ bị người khác quên lãng. Nhưng đáng thương hơn, có lẽ là những người thấp cổ bé miệng, những người mà tiếng nói không được nhìn nhận, những người bị tước đoạt quyền được lên tiếng, quyền sống của họ gần như bị khước từ.

Sống xứng với phẩm giá con người, đó là phải được có tiếng nói. Có lẽ đó cũng là điều mà Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể cũng muốn khẳng định với chúng ta qua cuộc sống và cái chết của Ngài. Phép lạ chữa người câm điếc như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, không chỉ là một chữa lành bệnh tật thân xác, mà còn là dấu chỉ của một thực tại cao siêu hơn, đó là sự sống đích thực mà Chúa Giêsu muốn mang lại cho con người. Khi phục hồi người câm điếc trong khả năng nghe và nói, có lẽ Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng Lời Chúa nữa; con người chỉ có thể sống thực, sống trọn phẩm giá con người, khi nó biết mở rộng tâm hồn đón nhận và sống Lời Hằng Sống của Chúa.

Cử chỉ Chúa Giêsu trong phép lạ chữa lành người câm điếc, đã có một thời được Giáo Hội lặp lại khi cử hành Bí tích Rửa tội. Thật thế, Bí tích Rửa tội cũng là một phép lạ trong đó chúng ta được chữa lành và tái sinh trong đời sống mới. Trong phép lạ này, Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta: Ephrata, Hãy mở ra. Hãy mở lớn đôi tai để nghe được tiếng Ngài trong từng biến cố, từng giây phút của cuộc sống. Hãy mở rộng con tim và đôi tay để cảm thông và chia sẻ với người khác. Hãy mở miệng để cảm tạ, chúc tụng và loan báo tình thương Chúa; để nói những lời của yêu thương và hòa bình, của cảm thông và tha thứ.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Hằng Sống của Chúa, chính Ngài là lương thực mang lại sự sống đích thực cho chúng ta. Xin cho sự sống ấy tràn ngập tâm hồn chúng ta để chúng ta lớn lên trong tình yêu Chúa và không ngừng yêu thương, liên đới, chia sẻ với mọi người xung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Với một chút nước miếng

Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh ta. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. (Mc. 7, 32-33)

Các thánh sử thích những phép lạ chữa lành những người câm và điếc; ta đếm được ít nhất sáu câu chuyện được kể lại tỉ mỉ và Chúa Giêsu thì coi những phép lạ ấy như những dấu chỉ về Đấng Thiên sai đã được các ngôn sứ loan báo. Dầu sao đó cũng là những phép lạ nhỏ khi so sánh với những phép lạ về phục sinh và hóa bánh ra nhiều.
Maccô dùng lại chủ đè của Cựu ước vốn coi tật câm, điếc và sự thiếu lòng tin như có liên hệ với nhau. Ta thấy nhiều lần Chúa Giêsu than phiền về điều người ta có tai mà không nghe. Việc mở tai và tháo cởi cho lưỡi như thế không chỉ đơn thuần là việc chữa khỏi, mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn, nếu không các thánh sử đã chẳng gán cho một tầm quan trọng như thế trong các sách Phúc âm.
Trình thuật của Maccô hình như bắt nguồn từ nghi thức đầu tiên trong nghi lễ thọ giáo trong đó có việc đặt tay lên mặt, mũi, tai. Theo quan niệm của Kinh thánh, nước miếng được coi như hơi thở đã đông đặc lại nên có đặc tính ám chỉ ơn ban của Thần Khí thực hiện ơn tái tạo trong con người. Tác giả còn giữ tiếng “Eppheta” vì trong phụng vụ phép rửa lúc buổi đầu người ta đã giữ lại lời này.

Nên nhớ rằng ông Mô-sê có tật nói ngọng và Thiên Chúa đã chữa ông khỏi tật và nói: “Giờ đây, ngươi hãy ra đi, Ta ở với môi miệng ngươi và sẽ dạy cho ngươi biết phải nói gì” (Xh. 4, 10-12). Ngôn sứ I-sai-a kể lại việc Chúa kêu gọi ông như sau: “Một trong những thiên thần Xê-ra-phim bay đến với tôi, tay cầm một cục than hồng… cham vào miệng tôi và nói: khi cục than hồng này đã chạm tới môi ngươi, thì lỗi của ngươi được cất khỏi” (Is. 6,6). Giê-rê-mi-a trỏ thành ngôn sứ khi “Thiên Chúa giơ tay ra chạm vào miệng tôi và nói: đây Ta đặt lời Ta trong miệng ngươi.”
Người ta dùng những lối nói như trên để ám chỉ rằng người ngôn sứ không thể tự mình nói Lời-Cứu-độ được, rằng ông phải loan truyền điều ông nhận được từ AI đó.
Nếu Chúa không mở tai tôi, không tháo cởi cho lưỡi tôi, tôi sẽ không biết nghe, lại càng không biết loan báo Lời Chúa. Khi tôi trưởng thành, người ta đưa tôi đi chịu phép rửa tội, lúc ấy vú bõ tôi như đưa đến một người điếc và không có thể nói được; người ta đã xin linh mục nhân danh Chúa đặt tay trên người ấy.Phép lạ chữa người điếc và câm đã được lặp lại và một ngôn sứ khác đã gia nhập Giáo hội vậy.

Nguồn: Giáo Phận Long Xuyên