Dân Chúa Âu Châu

tn3 t2Ngoan cố, tội phạm đến Chúa Thánh Thần.

28/01 – Thứ Hai tuần 3 thường niên – Thánh Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Satan phải diệt vong".

* Sinh năm 1225 trong một gia đình quý tộc ở Aquinô, rồi theo học tại đan viện Montê Cátxinô, tiếp đến tại đại học Napôli, cuối cùng Tôma nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo và hoàn tất việc học tại Pari và Côlônhơ, dưới sự dẫn dắt của một bậc thánh sư là Anbêtô Cả. Thánh Tôma đã thể hiện trọn vẹn lý tưởng dòng thánh Đaminh là chiêm niệm và truyền đạt cho tha nhân điều mình đã chiêm niệm. Vừa là triết gia, vừa là thần học gia, trong vai trò giáo sư, thánh nhân đã suy nghĩ, giảng dạy và viết rất nhiều. Nhưng trước hết và trên hết, thánh nhân là người chiêm niệm, người đã cầu nguyện nhiều và đã tuân thủ một kỷ luật nghiêm khắc để có thể đạt tới ánh sáng tinh tuyền. Thánh nhân qua đời ngày 7 tháng 3 năm 1274 tại đan viện Xitô ở Phốtxanôva. Ngày 28 tháng Giêng là ngày thi hài thánh nhân được cải táng đưa về Tuludơ năm 1369.

LỜI CHÚA: Mc 3, 22-30

Khi ấy, những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: "Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám", và nói thêm rằng: "Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ".

Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: "Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y.

Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời". Ðó là vì họ nói "Người bị thần ô uế ám".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Tội ngoan cố

Hoạt động của Chúa Giêsu ở Capharnaum, miền Bắc Galilê, đã có một tiếng vang đến Yêrusalem, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel thời Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các luật sĩ từ Yêrusalem đến chẳng có gì là tốt đẹp, mà chỉ phơi bày sự ngoan cố của các kẻ thù của Chúa. Sự ngoan cố khước từ đó đạt tới cao điểm khi họ giải thích sai lạc việc Chúa Giêsu dùng quyền năng của mình xua trừ ma quỷ ra khỏi con người, mang lại sức khỏe cho con người.

Chúa Giêsu đã rao giảng một cách có uy tín trong vùng Galilê, quanh thành Capharnaum, cùng với những dấu chỉ kỳ diệu chứng tỏ lòng nhân từ của Chúa đối với con người, đồng thời chứng minh quyền năng thần linh của Ngài. Các luật sĩ từ Yêrusalem đến, lẽ ra hơn ai hết, họ phải hiểu được những dấu chỉ kỳ diệu này, vì họ là những con người tôn giáo chuyên môn về Lời Chúa. Nếu Chúa Giêsu chỉ nói suông mà thôi, thì sự ngoan cố của các kẻ chống đối Chúa có thể còn tha thứ được, nhưng đàng này, Ngài đã thực hiện những dấu lạ để chứng tỏ quyền năng thần linh của Ngài: Ngài đã chữa người bại liệt để chứng minh Ngài có quyền tha tội; Ngài đã ra lệnh cho quỷ dữ ra khỏi nhiều người và chúng đã vâng phục.

Trước những hành động kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa, những kẻ chống đối Ngài nói rằng Ngài đã bị quỷ Beelzebul ám và đã dùng quyền của quỷ vương để trừ quỷ. Thật không có sự ngoan cố nào nặng nề hơn: một vị Thiên Chúa mà lại bị các nhà thông luật gán cho tước hiệu đầu mục của quỷ. Ðó là một sự xúc phạm không thể tha thứ được, vì là tội phạm đến Thánh Thần. Thiên Chúa quyền năng có thể tha thứ mọi tội lỗi nhưng Ngài không thể cứu con người, nếu con người cứ đóng kín tâm hồn mình trước ân sủng và sự soi sáng của Thiên Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta xác tín vào chương trình cứu rỗi yêu thương của Ngài được thực hiện qua Chúa Giêsu Kitô, để chúng ta đáng được hưởng ơn cứu độ của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Nguyên tắc sống không mâu thuẫn

Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Sa tan làm sao trừ Sa tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền.” (Mc. 3, 20. 23-24)

Chúa Giêsu vẫn có những kẻ luôn rình mò Người, họ không ngại đẩy Người vào những cuộc tranh luận ở nơi công cộng. Hôm nay, các kinh sư từ Giêrusalem xuống đả kích chính tư cách bản thân Người: “Ông ấy bị thần ô uế ám”.

Tố cáo

Theo cái nhìn của những kinh sư, Chúa Giêsu là con người có nhiều mâu thuẫn. Người cho mình là Thiên Chúa mà lại không tôn trọng luật giữ ngày sa-bát? Người giao du quá dễ dàng với những người tội lỗi và quân thu thuế. Người giảng dạy và chữa bệnh với uy quyền như vậy mà lại không giữ được tư cách đàng hoàng. Tại sao và tại sao? Tóm lại, những kinh sư cho rằng Chúa Giêsu chẳng có gì phù hợp với quan niệm hay mô hình về một ngôn sứ hoặc người công chính theo như họ tưởng.

Bào chữa

Đáp lại những lời tố cáo của các kinh sư, Chúa Giêsu cho họ thấy nơi Người không có gì là mâu thuẫn cả, viện lẽ rằng không ai lại tự hủy diệt chính mình. Khi giao tiếp với ác thần, Người có tiêu diệt được nó không? Khi can thiệp để chữa cho một người bị qủy ám, chẳng phải vì Người có quyền trên thần ô uế đó sao?

Chúng ta có liên đới vơi Người không?

Đến lượt mình, người tín hữu cũng sẽ bị người đời chất vấn: bạn theo ai? Người tín hữu cũng như bất cứ ai hằng gắn bó với một giáo thuyết hay một mẫu gương nào đó và muốn sống trọn với điều ôm ấp ấy, sớm muộn gì cũng sẽ phải trả lời cho biết hành động của mình có đi đôi với giáo thuyết mình tán dương không.

Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, ngày nay chúng ta phải chịu nhiều tố cáo và phê phán, là bởi tại đời sống làm chứng của ta không thật trong sáng, vả chăng lại còn nhiều cách biệt và mâu thuẫn giữa việc ta làm và lời Chúa dạy. Ta vẫn biết cầu nguyện là cần thiết và phải dành thời giờ cho việc ấy, nhưng sự cần thiết và thời gian được dành có phù hợp với nhau không? Ta có phấn đấu và tẩy sạch những lu mờ để đời sống bác ái của ta là tấm gương sáng phản ảnh Chúa, và trở nên Thân thể Chúa Kitô không?

Tóm lại, các kinh sư là những người hay chất vấn. Những kinh sư của thời nay cũng vẫn còn dựa vào nguyên tắc “Ngôn hành tương ứng” nói sao làm vậy để đo lường giá trị con người của ta: cây tốt thì sinh quả tốt…. Cây tốt không thể sinh quả xấu. Họ không lầm để kiểm tra ta trong vấn đề này.

Suy Niệm 3: THÍCH ỨNG ĐỂ TRUYỀN GIÁO (Lc 10, 1-9)

Đọc lại lịch sử truyền giáo của các nhà thừa sai trên Miền Thượng (Tây Nguyên – Việt Nam) trong cuốn: “Dân Làng Hồ”, tác giả cho thấy rất rõ yếu tố sống còn, thành công hay thất bại, phụ thuộc rất nhiều vào việc thích ứng hay không thích ứng của các thừa sai!

Khi nói đến truyền giáo, yếu tố thích ứng là điều rất quan trọng, vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhấn mạnh đến yếu tố này khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng và truyền cho họ đừng mang theo bao bị, giày dép, túi tiền... Người ta cho ăn thức ăn gì thì hãy ăn. Điều này ngược lại với quan niệm của người Pharisêu, vì mỗi khi họ đi đâu xa, thường thì họ luôn chuẩn bị cho mình những thứ căn bản như tiền, bao bị và thức ăn để đảm bảo sự thanh sạch, vì nếu không có những thứ đó, họ e sợ bị nhiễm uế nơi dân ngoại...

Người môn đệ của Đức Giêsu phải khác! Khác để hiệp nhất, hiệp thông, hòa đồng; khác để sống tình huynh đệ, bác ái; khác để thích ứng và hội nhập; khác để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa; khác để sống phó thác trong sự an bài của Thiên Chúa.

Điều quan trọng là nhà thừa sai phải là người cảm nghiệm được sự bình an sâu xa từ trong nội tâm khi phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa và sống hết mình với anh chị em mình, có thế, món quà quý giá mà người thừa sai trao ban cho con người chính là sự bình an, niềm vui và hạnh phúc.

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người được trao phó trách nhiệm làm ngôn sứ cho Chúa. Tức là chúng ta có trách nhiệm giới thiệu Chúa cho người khác. Trở nên chứng nhân trong cuộc sống đời thường của mình. Đây là sứ mạng mà Chúa tin tưởng, ủy thác cho chúng ta. Vậy, chúng ta đã ý thức và thi hành sứ vụ đó ra sao?

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con bình an của Chúa, để chúng con biết chia sẻ sự bình an đó cho người khác. Amen.

Ngọc Biển SSP

Suy Niệm 4: Vào nhà một người mạnh

Suy niệm:

Thân nhân của Đức Giêsu đã tưởng Ngài bị mất trí (c. 21),

nhưng có thể họ không nghĩ Ngài bị quỷ ám,

dù trong thế giới ngày xưa, mất trí thường bị coi là do quỷ ám.

Các kinh sư đến từ thủ đô Giêrusalem có thái độ quyết liệt hơn nhiều.

Họ tố cáo Đức Giêsu là người bị quỷ ám,

không phải quỷ thường, mà là quỷ vương Bêendêbun.

Hơn nữa, họ cho rằng Ngài trừ quỷ nhờ dựa thế của quỷ vương (c. 22).

Lời tố cáo trên đây của những kinh sư thật là nghiêm trọng,

vì ai dựa thế như vậy là thông đồng với quỷ, có thể bị xử tử.

Đức Giêsu đã trả lời tố cáo này bằng hai hình ảnh về Nước và Nhà.

Đức Giêsu nhìn nhận sự hiện diện

và hoạt động của Nước Xatan trong thế gian này.

Nước này có tôn ti trật tự, được lãnh đạo bởi quỷ vương,

đó là Xatan hay Bêendêbun, kẻ cầm đầu các quỷ nhỏ (c. 22).

Xatan muốn bành trướng Nước của mình trong thế giới loài người.

Nó sai các quỷ nhỏ đi khắp nơi lôi kéo mọi người chẳng trừ ai.

Theo thánh Inhaxiô, Xatan thường cám dỗ ta theo ba bước:

từ sự ham muốn của cải, đến hư danh thế gian, và cuối cùng là kiêu ngạo,

rồi sau đó đi đến mọi nết xấu khác (Linh Thao 142).

Như thế Xatan khôn khéo đánh bẫy và trói buộc con người.

Đức Giêsu đã không bắt tay với Xatan để đuổi các quỷ cấp dưới.

Ngài tấn công trực diện vào Nước của Xatan,

phá đổ Nước này và khai mở Nước Thiên Chúa (Lc 11, 20).

Cuộc chiến không dễ dàng và còn kéo dài đến tận thế.

Thế giới hôm qua cũng như hôm nay được ví như một ngôi nhà.

Tiếc thay ngôi nhà đó ít nhiều đã bị Xatan cưỡng đoạt.

Xatan chính là kẻ mạnh đã biến ngôi nhà đó thành của mình (c. 27).

Nhưng Đức Giêsu lại là người mạnh hơn (Mc 1, 7).

Người mạnh hơn đã trói kẻ mạnh lại và tước đoạt những gì nó đã chiếm.

Tước đoạt chính là giải thoát những ai bị Xatan cầm giữ,

và trả lại cho họ quyền làm chủ đời mình, quyền sở hữu căn nhà của họ.

Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục tấn công Xatan.

Ngài không ngừng chinh phục thế giới này cho Thiên Chúa,

và mời chúng ta cộng tác để xây dựng Nước Chúa trên trần gian.

Nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa mà Đức Giêsu trừ quỷ (Mt 12, 28),

nên ai bảo Ngài trừ quỷ nhờ quỷ vương Xatan hay Bêendêbun,

thì xúc phạm đến Thánh Thần, coi Thánh Thần như thần ô uế (c. 30).

Đức Giêsu không phải là người có thần ô uế.

Ngài có đầy ắp Thánh Thần trong mọi lời nói việc làm.

Chỉ ai cố chấp, bướng bỉnh mới không nhận ra điều đó.

Mọi tội lỗi đều có thể được thứ tha (c. 28),

trừ tội khép lòng từ chối ơn tha thứ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.

Làm sao giúp con người hôm nay mềm mại mở ra

để nhận thấy Thánh Thần vẫn đang hiện diện trong Giáo Hội ?

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nazareth đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.