Dân Chúa Âu Châu

Lc 1717Biết Tạ Ơn Thiên Chúa.

Thứ tư tuần 32 thường niên.

"Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".

Lời Chúa: Lc 17, 11-19

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch.

Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Thể Hiện Của Tự Do Thực Sự

Trong suốt nhiều thế kỷ, người Do thái đã phải còng lưng dưới sức nặng của lao động khổ sai bên Ai Cập. Dưới sự lãnh đạo của Môsê, Thiên Chúa đã giải phóng họ và đưa họ vào vùng đất tự do. Ðể đánh dấu cuộc giải phóng khỏi các thứ khổ sai đó, Thiên Chúa đã thiết lập một ngày trong tuần như ngày Hưu Lễ. Ðó là lý do tại sao người Do thái đã trân trọng tuân giữ ngày Hưu lễ. Nó chính là biểu trưng của tự do, bởi vì thời nô lệ, bẩy ngày trên bẩy ngày, người Do thái không thể có được một ngày nghỉ ngơi. Như vậy, nghỉ ngơi là dấu chỉ của tự do, và đó là ý nghĩa nguyên thủy của ngày Hưu lễ.

Thế nhưng, dần dà qua dòng thời gian các nhà thần học Do thái đã thay đổi ý nghĩa ấy của ngày Hưu lễ: thay vì là biểu tượng của tự do, họ đã biến ngày Hưu lễ thành một gánh nặng đầy đọa và trói buộc con người; họ đã kéo dài ngày Hưu lễ thành một bản kê khai tỉ mỉ những gì không được phép làm trong ngày Hưu lễ và như vậy dấu chỉ của tự do giờ đây chỉ còn là một hình thức nô lệ mới đối với người Do thái: thay vì là dấu chỉ của tự do đưa con người vào gặp gỡ với Thiên Chúa, ngày Hưu lễ đã trở thành một gánh nặng chồng chất trên vai con người, nhất là làm cho con người xa cách Thiên Chúa.

Ðó cũng là tình trạng của lề luật nói chung thời Chúa Giêsu. Luật lệ không còn là vì con người, nghĩa là giải phóng con người, mà trở thành gánh nặng đè bẹp con người và tách lìa con người khỏi Thiên Chúa; con người chú tâm thi hành lề luật hơn là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Thái độ của 9 người phong cùi người Do thái trong Tin Mừng hôm nay phản ánh tâm thức chung của người Do thái thời đó. Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi, trong đó chỉ có một người Samari không phải tuân hành luật Do thái. Theo đúng đòi hỏi của lề luật, Chúa Giêsu đã yêu cầu 9 người Do thái đến trình diện các tư tế để được xác nhận là đã khỏi bệnh, riêng người Samari không phải tuân giữ điều đó, nhưng đây lại là người duy nhất trở lại cám ơn Chúa Giêsu và ngợi khen Thiên Chúa.

Câu truyện trên cho chúng ta thấy luật lệ đã cản trở con người đến gặp gỡ Chúa Giêsu và cảm tạ Thiên Chúa. Người Samari vì không bị chi phối bởi lề luật, nên đã được tự do để nói lên tình cảm chân thật của mình, người này gần với tôn giáo đích thực bởi vì ông có tự do hơn. Thiên Chúa thi ân một cách nhưng không thì con người cũng phải đáp trả một cách tự do. Một tương quan như thế không thể có được trong một xã hội lề luật, trong đó con người chỉ biết tính toán theo thứ công bình hoán đổi. Người Do thái vốn quen thuộc với tâm thức ấy, họ tính toán chi ly về công đức của mình, họ lượng giá phần thưởng dựa trên công nghiệp của mình. Chúa Giêsu đã đánh đổ một quan niệm như thế về tương quan giữa con người và Thiên Chúa: ơn cứu rỗi mà Ngài loan báo và thực hiện là ơn cứu rỗi nhưng không, đến độ con người chỉ được cứu độ nhờ lòng tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa, đến độ những kẻ tội lỗi là những người đầu tiên được vào Nước Chúa.

Ngày nay, có lẽ nhiều người chúng ta cũng giống như 9 người phong cùi Do thái trong Tin Mừng hôm nay. Họ đã bị lề luật giam hãm trong Ðền thờ để không còn có thể nói lên lời tạ ơn đối với Ðấng đã thi ân cho mình; họ xem lề luật trọng hơn điều thiết yếu của niềm tin là lòng biết ơn và niềm tín thác. Cũng như họ, có lẽ chúng ta đã tỏ ra trung thành một cách chi ly với luật Hội Thánh, nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn còn tự hỏi: Tôi phải đọc bao nhiêu kinh? Tôi phải lần bao nhiêu chuỗi? Tôi phải ăn chay bao nhiêu lần? Tôi phải bố thí cho bao nhiêu người nghèo khó? Tính toán như thế là quên rằng Thiên Chúa như Chúa Giêsu mạc khải là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài ban ơn cho chúng ta hơn cả những gì chúng ta chờ đợi và tính toán. Một Thiên Chúa như thế, con người không thể có một tâm tình nào xứng hợp hơn là lòng tri ân, niềm tín thác. Ðó là sự thể hiện của một tâm hồn tự do đích thực, nhờ đó con người có thể vượt qua bốn bức tường nhà thờ để không ngừng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống mỗi ngày.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Dâng Lời Tạ Ơn

Chờ đợi Chúa đến là một trong những chủ đề trọng tâm của Kinh Thánh. Vì không nắm bắt và sống sứ điệp này nên chúng ta thường thiếu kiên nhẫn và do đó hầu hết những khó khăn của cuộc sống đều là kết quả của thái độ vội vã của chúng ta. Chúng ta thường không chờ đợi cho cây trái được chín muồi nhưng lại vội vã hái lấy khi nó còn xanh.

Chúng ta không thể chờ đợi sự đáp trả của Chúa cho lời cầu nguyện của chúng ta, bởi vì chúng ta quên rằng Chúa muốn chúng ta phải mất nhiều ơn thánh để chuẩn bị đón nhận ơn Ngài. Chúng ta được mời gọi để tiến bước với Chúa nhưng Chúa thường đi những bước rất chậm rãi. Thật ra, không phải chúng ta chờ đợi Chúa mà chính Chúa đang chờ đợi chúng ta. Lắm khi chúng ta không muốn đón nhận ơn Chúa đã dọn sẵn bởi vì chúng ta không muốn đến với Ngài. Có những lúc chúng ta phải sẵn sàng tiến tới với những bước đi đầy tin tưởng. Tất cả những lời hứa của Chúa đều có điều kiện. Chúa chờ đợi sự đáp trả của chúng ta. Chúng ta chỉ cần nhìn lại cuộc đời của tổ phụ Abraham để thấy rõ điều đó. Chúa đã hứa ban cho Abraham rất nhiều điều cả thể nhưng chắc chắn không một lời hứa nào sẽ được thực hiện nếu tổ phụ vẫn ở lại xứ Canđê. Abraham phải lên đường, ông phải bỏ lại đàng sau nhà cửa, bạn bè, xứ sở và dấn bước vào cuộc hành trình mà ông không thể nào lường trước được những gì có thể xảy ra. Hành trang duy nhất của tổ phụ Abraham là lời hứa của Chúa và lòng tin tưởng của ông.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta mặc lấy thái độ tin tưởng phó thác ấy của tổ phụ Abraham. Chúa Giêsu quả thật là người đã chữa trị cho mười người phong cùi, nhưng khác với những phép lạ khác, ở đây thay vì sờ vào những người phong cùi hoặc nói một lời, Chúa Giêsu sai họ đi trình diện với các tư tế theo như luật Môisen qui định. Thánh Luca ghi lại rõ ràng rằng trong khi họ đi, họ được lành sạch. Quả thật, nếu họ đứng yên tại chỗ để chờ đợi, họ sẽ chẳng bao giờ được lành bệnh. Chúa chờ đợi để chữa trị họ và chính lúc họ tin tưởng để ra đi, ơn Chúa mới đến. Chúa luôn chờ đợi lòng tin, sự kiên nhẫn và cả sự chờ đợi của chúng ta. Có khi ơn Ngài chỉ đến sau nhiều năm tháng chờ đợi và nhất là sau nhiều năm tháng chiến đấu hy sinh của chúng ta. Một sự thất bại, một nỗi mất mát lớn lao, một căn bệnh bất trị, bao nhiêu đau khổ là bấy nhiêu tiến tới và chờ đợi để ơn Chúa được chín muồi.

Thật ra, đối với những ai có lòng tin thì tất cả mọi sự đều là ân sủng của Chúa. Có điều gì thuộc về chúng ta mà không do Chúa ban tặng, có điều gì chúng ta làm được mà không là hồng ân của Chúa, và ngay cả những thất bại, rủi ro và đau khổ trong cuộc sống cũng đều là những cơ may của muôn ơn lành Chúa không ngừng tuôn đổ trên chúng ta. Con người vốn chỉ vô ơn bạc nghĩa. Trong mười người phong cùi được chữa lành chỉ có một người biết quay trở lại để cám ơn Chúa Giêsu. Biết ơn, xem ra không phải là điều tự nhiên của con người. Tâm tình ấy cần được dạy dỗ trau dồi ngay từ lúc con người vừa bập bẹ biết nói và nuôi dưỡng trong suốt cuộc sống. Tâm tình cảm mến tri ân cũng cần phải được trao dồi trong cuộc sống của người tín hữu Kitô. Trong một kinh Tiền Tụng, Giáo Hội dạy chúng ta cầu nguyện rằng: "Dâng lời tạ ơn Chúa cũng là một hồng ân Chúa ban tặng cho chúng ta". Cầu nguyện trong tin tưởng phó thác và không ngừng dâng lời tạ ơn, đó phải là tâm tình cơ bản và thường hằng của người tín hữu Kitô chúng ta.

Nguyện xin Chúa gìn giữ chúng ta luôn được sống trong tâm tình ấy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 3: Lòng tin chữa khỏi phong cùi

Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc. 17, 12-13)

Vẫn còn trên đường đi Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đi qua làng biên giới Sa-ma-ri, Người gặp những kẻ bị loại ra khỏi xã hội vì mắc bệnh ngoài da, người ta gọi là phong cùi.

Một thứ bệnh mất hết vẻ đẹp.

Những người cùi hủi đứng đàng xa đón gặp Người. Họ kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu”. Như thế họ đã nhận biết Đức Giêsu là Đấng tỏ quyền phép và lòng thương xót của Thiên Chúa. Họ xin Người thương xót. Người không thể từ chối trước lời van xin này, vì Người đến để giải thoát những kẻ bị ngược đãi, áp bức bởi bệnh tật và xã hội.

Đức Giêsu nhìn họ với ánh mắt bốc lửa tình yêu và đầy thương cảm. Người bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế, để chứng nhận cho họ đã sạch như luật buộc. Trong khi đi thì họ được lành bệnh”.

Chín người là Do thái, rất thỏa thích vì họ đã lại được thuộc về dân tuyển chọn của Thiên Chúa. Họ cho mình là đáng được Thiên Chúa trả công. Sự lành bệnh của họ đã trả lại quyền cho họ.Nhưng chỉ có một người được hưởng niềm vui nhất trong tâm hồn.

Chỉ có người thứ mười là dân Sa-ma-ri thấy mình được khỏi, là kẻ tội lỗi đáng thương, bị Do thái khinh tởm, anh thấy mình được lành sạch nhất là trong tâm hồn mình, anh ý thức Thiên Chúa đang ngự trong con tim anh, vì anh đã nhận được sứ điệp tình yêu của Đức Giêsu. Anh trở lại và sấp mình xuống chân Người mà tạ ơn, vì Thiên Chúa đang hiện diện trước mặt anh. Gặp gỡ được Thiên Chúa, lòng anh xúc động khôn tả, ăn sâu vào tận căn tính của anh, tận bản chất hữu thể của anh, anh chỉ có thể tôn vinh Thiên Chúa bằng cất cao lời xin thương xót tha thứ tội lỗi của anh với hết lòng khiêm tốn. Đó là một bài ca giải phóng, một bài ca trong sáng phát ra từ đáy con tim. “Anh đứng dậy đi về! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Lòng tin nhờ lời Người gọi anh, nhờ ánh mắt Người nhìn anh làm bừng dậy đức tin này. Đức tin này đã cứu chữa anh cả thân xác lẫn tâm hồn anh.

RC

Suy Niệm 4: HÃY TẠ ƠN CHÚA (Lc 17, 11 - 19)

Xem lại CN 28 TN C.

Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu trước khi được lành bệnh, ông là một người ngoại đạo. Lúc thập tử nhất sinh, ông đã được giới nghệ sĩ chuẩn bị tang lễ cho ông cách chu đáo. Tuy nhiên, khi có người Công Giáo đến thăm và gợi ý đưa ông đến đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của Dòng Chúa Cứu Thế để cầu khấn Đức Mẹ, ông đã đồng ý. Khi đến nơi, kỳ lạ thay, ông không xin cho mình được khỏi bệnh, nhưng ông lại xin đức tin. Thật nhiệm mầu, không những ông được ơn đức tin, mà ông còn được lành luôn căn bệnh xơ gan cổ trướng của mình. Sau đó, ông đã được đón nhận Bí tích Thánh Tẩy và dành thời gian còn lại để tạ ơn Chúa bằng việc sống đạo thật tốt, làm nhiều việc từ thiện bác ái.

Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay, hẳn ít có ai dán can đảm để xin ơn đức tin như Lê Vũ Cầu! Bởi vì khi xin ơn đức tin, chúng ta phải thay đổi đời sống, dám chấp nhận lội ngược dòng để làm chứng cho đức tin mà mình đã lãnh nhận.

Ngược lại, chúng ta thường chạy đến với Chúa, Mẹ và các thánh để xin cho mình những ơn như: giàu sang, chức vị, sức khỏe... Xin những điều đó là tốt, tuy nhiên, xét về cấp độ trong ân sủng thì ơn đức tin là cao trọng nhất, vì nếu có đức tin, chúng ta dễ dàng an vui và hạnh phúc trong hoàn cảnh hiện tại, miễn sao danh Chúa được cả sáng và thánh ý Chúa được thực hiện.

Thật vậy, khi có đức tin, chúng ta sẽ nhận ra tất cả là hồng ân, vì thế, cần phải tạ ơn Chúa và yêu thương anh chị em mình.

Lời Chúa hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy mẫu gương đức tin của người phong cùi xứ Samaria. Chính nhờ lòng tin mà ông được chữa lành. Cũng nhờ lòng tin mà tâm tình đầu tiên của ông là tạ ơn Chúa. Thái độ này của người Samaria ngược lại hẳn với 9 người cùng bị phong cùi Dothái. Họ đã được lành bệnh, nhưng không một ai quay lại để cám ơn Chúa!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có thái độ yêu mến Thiên Chúa, tin tưởng vào Ngài. Mặt khác, Lời Chúa còn nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng: nếu những người trong Tin Mừng hôm nay đã mắc phải những căn bệnh ghê sợ là bệnh cùi, thì hẳn mỗi người chúng ta cũng có những căn bệnh cùi tâm linh đáng sợ hơn rất nhiều, vì cùi tâm linh nó có thể hủy diệt cả tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên, nhờ đức tin, chúng ta có hy vọng được lòng nhân từ của Thiên Chúa chữa lành và ban ơn cứu độ cho chúng ta.

Tuy nhiên, khi được Thiên Chúa yêu thương, chúng ta phải biết cám ơn Ngài và thay đổi đời sống nhờ hồng ân đức tin soi dẫn.

Thực ra, Thiên Chúa đâu cần con người phải cám ơn thì Ngài mới được vinh dự, nhưng việc chúng ta tạ ơn Ngài lại đem lại ơn cứu độ cho mình và mọi người nữa. Đồng thời, khi cám ơn Chúa, chúng ta đón nhận được lòng khiêm tốn và tôn nhận Thiên Chúa là Đấng quyền năng. Như vậy, khi ta biết tỏ lòng tri ân Thiên Chúa thì “ơn lại thêm ơn”. Còn khi không biết cám ơn Chúa, thì “ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi” vì đã không biết sử dụng ơn Chúa cho hữu ích...

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con ơn sám hối để đáng được Chúa chữa lành bệnh cùi tâm linh của chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

Suy Niệm 5: Sấp mình tạ ơn

Suy niệm:

Giáo dục cho trẻ em về lòng biết ơn là điều quan trọng.
Cha mẹ thường dạy con cám ơn người làm ơn cho mình.
Cám ơn là đi từ món quà đến người trao tặng.
Mỗi người chúng ta đã nhận biết bao quà tặng trong đời,
nên chẳng ai là người trọn vẹn nếu không có lòng biết ơn.
Bản thân tôi là một quà tặng do nhiều người cho :
cha mẹ, ông bà tổ tiên, các anh hùng dân tộc…
Chỉ cần để lòng biết ơn đi lên mãi, lên tới nguồn,
tôi sẽ gặp được Thiên Chúa như Người Tặng Quà viết hoa.
Đức Giêsu đã làm bao điều tốt đẹp cho người thời của Ngài.
Nhưng ít khi Tân Ước nói đến chuyện họ cám ơn,
mà Đức Giêsu cũng chẳng bao giờ đòi ai cám ơn mình sau phép lạ.
Bởi đó bài Tin Mừng hôm nay thật độc đáo.
Mười người phong ở với nhau trong một ngôi làng.
Họ biết tiếng của Đức Giêsu và biết cả tên của Ngài.
Họ vui mừng thấy Ngài vào làng, nhưng họ chỉ được phép đứng xa xa.
Tiếng kêu của họ vừa bi ai, vừa đầy hy vọng được chữa lành:
“Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (c. 13).
Đức Giêsu đã chẳng chữa lành cho họ ngay lập tức,
như từng làm với một người phong khác trước đây (Lc 5, 12-16).
Dù họ chưa được sạch, Ngài đã bảo họ đi trình diện với các tư tế
để cho thấy là mình đã khỏi rồi.
Họ đã tin tưởng, vâng phục, ra đi, và được khỏi bệnh.
Chỉ có một người, khi thấy mình được khỏi, liền quay lại.
Anh ấy lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, và sấp mình tạ ơn Đức Giêsu.
Đó là một người Samaria, thời đó bị coi như người nước ngoài (c. 18).
Anh được ơn lành bệnh, và hơn nữa anh có lòng biết ơn.
Tôn vinh Thiên Chúa thì làm ở nơi nào cũng được.
Nhưng anh muốn trở lại để gặp người Thiên Chúa dùng để thi ân cho mình.
Cám ơn, biết ơn, tạ ơn, là mở ra một tương quan riêng tư mới mẻ.
Người phong xứ Samaria không chỉ được chữa lành.
Anh còn có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và người thi ân là Thầy Giêsu.
Ơn này còn lớn hơn ơn được khỏi bệnh.
Đức Giêsu có vẻ trách móc khi hỏi ba câu hỏi liên tiếp (cc. 17-18).
Ngài ngạc nhiên vì không thấy chín người Do thái kia trở lại cám ơn.
Đôi khi người Kitô hữu chúng ta cũng thiếu thái độ tạ ơn khi cầu nguyện.
Dường như chúng ta ít mãn nguyện với những ơn đã được tặng ban.
Chúng ta chỉ buồn Chúa về những ơn xin mãi mà không được.
Nhận ra ơn Chúa ban cho đời mình và biết tri ân: đó là một ơn lớn.
Người có lòng biết ơn bao giờ cũng vui.
Họ hạnh phúc với những gì Chúa ban mỗi ngày, vào giây phút hiện tại.
Biết ơn là con đường đơn sơ dẫn đến kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa.
Khi tôi biết đời tôi là một quà tặng nhận được,
thì tôi sẽ sống nó như một quà tặng để trao đi.

Cầu nguyện:

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ