Dân Chúa Âu Châu

yeu thuong ke thuBắt chước Thiên Chúa Cha.

Thứ năm tuần 23 thường niên – Thánh Gioan Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót".

* Thánh nhân sinh quãng năm 349 tại An-ti-ô-khi-a. Người học cao hiểu rộng, cuộc sống khắc khổ. Sau khi làm linh mục, người nhận nhiệm vụ giảng thuyết, thu hoạch được kết quả khả quan. Năm 397, người được chọn làm giám mục Công-tăng-ti-nốp. Người là mục tử tận tụy, lo chấn chỉnh phong hóa cho giáo sĩ và giáo dân. Vì can đảm làm chứng cho Tin Mừng và bênh vực người nghèo trước cảnh xa hoa vô tâm của người giàu, người đã bị hoàng gia ghen ghét và hai lần bị đi đày, rồi chết ở Cô-ma-na, Pon-tô nơi lưu đày, ngày 14 tháng 9 năm 407. Người đã giảng dạy nhiều và viết nhiều tác phẩm để giải thích giáo lý công giáo và huấn luyện đời sống Kitô hữu. Vì thế người được mệnh danh là “Kim Khẩu”.

Lời Chúa: Lc 6, 27-38

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.

Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng. Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác. Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Yêu Thương Kẻ Thù

Thiên Chúa là Tình Yêu, ai sống trong Tình Yêu là sống trong Thiên Chúa; ai sống trong hận thù, người đó cũng chối bỏ Thiên Chúa. Ðã đi vào cuộc sống là đặt mình vào tương quan với Thiên Chúa: hoặc là sống cho và với Thiên Chúa; hoặc là chối bỏ Ngài.

Chúa Giêsu không đến trần gian để thiết lập một hệ thống luân lý, Ngài đến trước hết là để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa và đặt con người vào mối tương quan với Thiên Chúa. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu nên con người cũng phải sống như Thiên Chúa Tình Yêu. Chỉ có một tình yêu đúng nghĩa nhất, đó là tình yêu của Thiên Chúa, và cũng chỉ có một cách yêu đúng đắn nhất, đó là yêu như Thiên Chúa yêu. Qua cuộc sống của Ngài, qua các quan hệ của Ngài với tha nhân, và nhất là qua cái chết của Ngài trên thập giá, Chúa Giêsu đã tỏ cho con người thấy được tình yêu của Thiên Chúa. Yêu như Thiên Chúa yêu là trao ban và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu; yêu như Thiên Chúa yêu là yêu mọi người, ngay cả kẻ thù mình.

Chúa Giêsu sẽ không mặc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa, nếu từ Thập giá, Ngài không tha thứ cho chính những kẻ đang hành hạ Ngài. Tuyệt đỉnh của yêu thương chính là đang lúc giang tay ra cho kẻ thù đóng đinh vào Thập giá mà vẫn có thể thốt lên: "Lạy Cha! Xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm". Chúa Giêsu đã không rao giảng bất cứ điều gì mà chính Ngài không sống và minh chứng trước: dạy chúng ta tha thứ cho kẻ thù, Ngài đã chứng minh đó là điều nằm trong khả năng của con người.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về ơn gọi cao cả của người Kitô hữu: Như Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ hành hạ Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để yêu thương và tha thứ không ngừng, bởi vì chỉ có lòng tha thứ, chúng ta mới thực sự trở thành nhân chứng tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Tiến Mãi Không Ngừng

Ghi lại kinh nghiệm sống của mình trong tập nhật ký có tựa đề là Những người bạn muôn thuở, bà Ressa Marita, vợ của triết gia công giáo người Pháp Jack Maritain đã viết như sau:

"Trong cuộc sống thiêng liêng, chúng ta không nên so sánh mình với ai cả, mà chỉ so sánh mình với mẫu gương trọn lành của Chúa mà thôi. So sánh mình với kẻ khác, ta sẽ thấy mình dễ bị cám dỗ, thấy những điểm tiêu cực nơi anh chị em và trở nên tự kiêu, luôn cho mình là tốt hơn. Nhưng nếu nhìn vào mẫu gương trọn lành của Chúa, ta được mời gọi canh tân liên lỉ, tiến mãi không ngừng, vì Chúa là Ðấng trọn tốt trọn lành vô cùng".

Những lời tâm sự của bà Ressa Marita hướng chúng ta đến những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ mà tác giả Phúc Âm thánh Luca đã ghi lại nơi chương 6.

Mức độ đo lường của tình yêu thương chúng ta là không có mức độ nào cả, hay đúng hơn là chính mẫu gương trọn tốt trọn lành vô cùng của Thiên Chúa Cha. Bao lâu còn sống trên trần gian này, chúng ta còn cần tiến thêm mãi trên con đường yêu thương. Không ai dám tự phụ cho rằng mình đã thành toàn, đã đạt đến mức độ trọn lành như Thiên Chúa rồi. Những hành động yêu thương được Chúa Giêsu nhắc đến mà tác giả Phúc Âm theo thánh Luca ghi lại là những hành động yêu thương thiết thực, yêu thương kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.

"Hãy ra đi mà không tính toán hơn thiệt, đừng xét đoán, hãy tha thứ". Ðó là những chân trời mới, bao la, rộng mở tình yêu thương nơi tâm hồn người môn đệ Chúa. Chúng ta không thể nào chỉ nói ngoài môi miệng mà còn cần phải thực hiện tình yêu thương như Chúa đã nêu gương bằng những hành động cụ thể. Nếu không, ta sẽ bị xét xử như là những kẻ giả hình, nói mà không làm, không sống thật Lời Chúa dạy.

Một cô giáo nọ ra bài cho các học sinh như sau: "Chiều nay về nhà, mỗi em phải làm một việc tốt đối với người thân nào đó trong gia đình".

Ngày hôm sau, một em học sinh đến trường than phiền với cô giáo như sau: "Thưa cô, con không thể tiếp tục làm công tác này được nữa".

Trước sự ngạc nhiên của cô giáo, học sinh này giải thích như sau: Bữa cơm tối qua con đã khen mẹ nấu ngon. Thay vì vui mừng, mẹ con nổi giận nói con chọc tức và gián tiếp chê bữa ăn không ngon. Con giải thích với mẹ nhưng mẹ không tin, và nổi giận ra lệnh con phải rửa chén để chứng minh cụ thể bữa ăn ngon.

Tiếc thay, em bé thành tâm khen ngợi mẹ, nhưng người mẹ thì ngược lại không tin, cho rằng em giả vờ khen và có hậu ý nào khác. Thay vì yêu thương thật tình và cảm nhận tình thương của anh chị em đối với mình, thì nhiều lúc ta cũng hành động như người mẹ trong câu chuyện vui trên. Ta nghi ngờ tình thương của anh chị em vì có bao giờ ta yêu thương thật sự anh chị em đâu, có chăng chỉ là những lời nói xã giao bên ngoài cho qua lúc. Thật là, suy bụng ta ra bụng người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 3: Yêu người tột độ

“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù va làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc. 6, 27-28)

Qua đoạn Tin Mừng này, Đức Kitô dẫn chúng ta tới đỉnh cao của bác ái, càng đi theo Người càng dốc hết hơi, leo lên cao mãi, cao mãi liên tục.

“Hãy yêu thương kẻ thù”, Chúa dạy thế, không lý thuyết xuông nhưng rất cụ thể. Người cho thấy những công việc rõ ràng trước mắt, không để chúng ta phải tưởng tượng. “Hãy làm ơn cho kẻ ghét anh em, chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em...”. Tất cả những kẻ đó không phải là ảo ảnh ma quái, nhưng là con người bằng xương bằng thịt mà lý tự nhiên mình phải xa lánh, ghét bỏ. Chính những kẻ đó phải được nâng đỡ, phải sẵn lòng mỉm cười với họ.

Đức Kitô nói thêm: “Ai vả má bên này, thì hãy giơ má bên kia. Ai đoạt áo ngoài đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin hãy cho, ai lấy gì của anh thì đừng đòi lại...”.

Có lẽ chúng ta sẽ thẳng thắn trả lời: “Lạy Chúa, Chúa đã đi quá mạnh, không thể tới được”. Nhưng, Đức Kitô vẫn tiếp tục không khoan nhượng: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì còn gì là ân nghĩa? ngay cả những kẻ tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình thì còn gì là ân nghĩa? ngay cả những người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân nghĩa? cả kẻ tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay để được trả lại sòng phẳng.

Không thể tới được bác ái Kitô giáo, chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ. Làm sao sống vượt mức như thế! sống yêu thương tột độ! nhiều môn đệ của Chúa đã sống vượt mức như thế và còn sống vượt mọi mức tới tột độ nữa. Họ đã theo Đức Kitô Đấng giầu lòng thương xót và tha thứ. Đức Kitô sẽ hài lòng và âu yếm nhìn Phê-rô và tất cả mọi người đã nên giống Người.

GF

Suy Niệm 4: THA THỨ SẼ ĐƯỢC THỨ THA (1 Cr 8, 1b-7, 11-13; Lc 6, 27-38)

Xem lại CN 7 TN A và C - thứ bảy tuần 1 và thứ Hai tuần 2 C, thứ Ba tuần 11 TN.

“Hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình”. Đây là lệnh truyền của Đức Giêsu và là nội dung của Luật Thiên Chúa. Khi sống theo tinh thần này của Đức Giêsu, chúng ta đã đi vào cốt lõi của tình yêu, bởi vì nếu yêu thì đâu còn ranh giới giữa bạn và thù!

Hôm nay, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ của mình yêu thương kẻ thù. Lấy cái thiện mà thắng cái ác.

Đức Giêsu không chấp nhận sự dữ, lòng gian ác, cũng như tội lỗi. Tuy nhiên, không vì thế mà Ngài loại bỏ họ, vì sứ mạng của Ngài đến để cứu người tội lỗi ra khỏi sự gian ác, biến người tội lỗi thành người công chính. Điều này đã được chứng minh qua hình ảnh nhân từ của Đức Giêsu với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, hay như Giakêu, người thu thuế, như Phêrô kẻ chối Chúa, như người trộm lành bị đóng đinh cùng... Đỉnh cao của sự tha thứ chính là lời cầu xin Chúa Cha tha tội cho kẻ giết mình.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta một định luật căn bản rằng: muốn được yêu thế nào thì hãy yêu người khác như vậy. Ai lại không muốn được kẻ khác yêu thương? Ai lại muốn kẻ khác ghét mình bao giờ?

Nếu yêu được cả kẻ thù thì hẳn sẽ không còn chuyện mắt đền mắt, răng đền răng... Không còn ranh giới giữa bạn và thù, không còn chuyện phe tả phe hữu. Đồng thời, khi có tình yêu với ngay cả kẻ thù, chúng ta sẽ không rơi vào tình trạng mong muốn ơn huệ theo kiểu có qua có lại như: “Ông mất chân giò, bà thò nậm rượu”. Mặt khác, chúng ta sẽ dễ vượt qua chuyện xét đoán, vì ý thức rằng mình cũng đâu hơn gì người khác, thế mà mình đã được Chúa yêu thương bỏ qua, đến lượt mình, hãy tha thứ để được thứ tha, đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn can đảm cho chúng con, để chúng con sẵn sàng đi vào và sống tận căn của Lề Luật, đó là yêu kẻ thù và làm ơn cho những người ghét chúng con. Xin cũng cho chúng con hiểu rằng, đây là điều kiện cần để được Thiên Chúa thứ tha. Amen.

Ngọc Biển SSP

Suy Niệm 5: yêu kẻ thù

Suy niệm :

Khi đọc lời nhắn nhủ trên đây của Ðức Giêsu,

chúng ta thường thấy đó là chuyện không thể làm nổi,

hay nếu làm được, ắt sẽ sinh ra những hậu quả tồi tệ.

Chắc chắn Ðức Giêsu không dạy ta bao che cho kẻ ác,

hay đòi hủy bỏ luật hình sự để phạt các phạm nhân.

Ngài không cổ vũ việc ăn xin khi nói: “Ai xin, con hãy cho.”

Ngài cũng không biến chúng ta thành người bạc nhược.

Bài Tin Mừng hôm nay là một viên ngọc,

vì nó cho thấy nét đặc trưng của người Kitô hữu.

Nó vén mở một lý tưởng mà ta phải vươn tới.

Chúng ta cần vượt lên trên nghĩa đen của mặt chữ

để cảm được tinh thần mà Chúa muốn ta sống.

Không sống lời Ngài, ta vẫn là kẻ đứng ngoài Kitô giáo.

“Hãy yêu kẻ thù”: câu này được nhắc lại hai lần.

Theo bài Tin Mừng này thì kẻ thù của tôi là ai?

Ðó là kẻ ghét tôi, kẻ nguyền rủa tôi và vu khống.

Ðó là kẻ tát vào mặt tôi và đoạt áo ngoài của tôi.

Như thế kẻ thù tôi chẳng đâu xa, ngày ngày tôi vẫn gặp.

Họ là những người hay làm phiền và lợi dụng tôi,

là những kẻ xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của tôi.

Họ là những người tự nhiên tôi không ưa, hay không ưa tôi.

Ðức Giêsu không đòi tôi yêu kẻ thù như yêu người thân:

về mặt tình cảm, chuyện đó khó thực hiện.

Nhưng Ngài mời tôi yêu bằng hành động.

Yêu là làm ơn, là chúc lành, là cho vay.

Yêu là cầu nguyện điều lành cho kẻ thù (cc. 27-28).

Khi làm điều tốt cho kẻ thù,

tôi được giải phóng khỏi cái tôi ăn miếng trả miếng,

và nhờ đó chính kẻ thù tôi cũng có thể được giải phóng

khỏi cái tôi ích kỷ của họ.

Khi yêu kẻ thù bằng những hành động tử tế,

tôi không còn coi họ là kẻ thù của tôi nữa.

Dần dần, tình cảm của tôi đối với họ cũng biến đổi.

Cần can đảm biết bao khi chào hỏi, bắt tay

một người làm tôi vô cùng đau khổ.

Ðó chẳng phải là một hành động giả hình,

nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên.

Ðó chẳng phải là một hành vi của kẻ yếu,

nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng.

Kitô hữu được mời gọi vượt lên trên cái tự nhiên.

Suy nghĩ tự nhiên, tình cảm tự nhiên, phản ứng tự nhiên...

Phải ra khỏi cái tự nhiên, thường tình,

mới vào được thế giới siêu nhiên,

thế giới của những người con, sống nhân hậu như Cha.

Sống nhân hậu như Cha là trở nên hoàn thiện.

Thế giới văn minh không chỉ nhờ tiến bộ của khoa học,

nhưng chủ yếu nhờ những chiến thắng trên lòng ích kỷ

của từng người cũng như của mọi tập thể lớn nhỏ.

Trái đất chỉ tồn tại nhờ tha thứ yêu thương.

Kitô giáo chỉ sống còn nhờ yêu thương tha thứ.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi oán hờn nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)