Dân Chúa Âu Châu

thuong xotCông Việc Của Cha.

Thứ tư tuần 4 Mùa Chay.

"Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Người làm cho ai sống là tuỳ ý Người".

Lời Chúa: Ga 5, 17-30

Khi ấy, Chúa Giêsu trả lời dân Do-thái rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy". Bởi thế, người Do-thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày Sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng:

"Quả thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Ðiều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán phục. Bởi vì, cũng như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tuỳ ý Ngài. Vì hơn nữa, Chúa Cha không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, để cho mọi người tôn trọng Chúa Con cũng như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng Chúa Con thì không tôn trọng Chúa Cha, Ðấng đã sai Ngài. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Ai nghe lời Ta và tin Ðấng đã sai Ta, thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, vì đến giờ và ngay bây giờ, kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ được sống. Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi chính mình thế nào, thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, và Người đã ban cho Chúa Con quyền xét xử, vì Ngài là Con Người. Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều này, vì đến giờ mọi kẻ trong mồ sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa và ra khỏi mồ; kẻ đã làm việc lành thì sống lại để được sống, còn kẻ đã làm việc dữ thì sống lại để bị xét xử. Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy. Và án Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý riêng Ta, mà tìm ý Ðấng đã sai Ta".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Công Việc Của Cha.

Một họa sĩ chuyên vẽ chân dung nọ di chuyển đến một thành phố nhỏ với hy vọng tìm được nhiều khách hàng. Vừa đến trước cửa thành, ông gặp ngay một người say rượu. Hai bên trao đổi với nhau và người say rượu đồng ý cho người họa sĩ vẽ chân dung của mình. Dù say túy lúy, gương mặt hốc hác, quần áo xốc xếch, người say rượu vẫn còn có thể ngồi yên để nhà họa sĩ làm việc. So với những khách hàng khác, thì đây là bức chân dung mà nhà họa sĩ phải tốn nhiều thời giờ nhất để vẽ. Đứng ngắm tác phẩm vừa được hoàn thành, người say rượu không thể cầm được sự ngạc nhiên: thay cho gương mặt chán đời của mình, anh thấy trong vức chân dung một nụ cười tươi tỉnh lạc quan; thay cho cách ăn mặc cẩu thả của mình, anh thấy mình được khoác lên một bộ quần áo lộng lẫy. Nhìn vào bức chân dung một lúc, anh lắc đầu và nói: “Người trong hình không phải là tôi”. Nhà nghệ sĩ trả lời một cách khéo léo vì đã biết nhìn xuyên qua bề ngoài để thấy vẻ đẹp nội tâm: “Thưa ông, đây là con người mà ông phải đạt đến”.

Mùa chay là mùa của thanh luyện, của hoán cải. Giáo Hội mời gọi chúng ta trở về: trở về với Chúa, với anh em, với bản thân. Tựu trung tội lỗi là một chối bỏ Thiên Chúa, khước từ anh em, đánh mất bản thân. Qua những việc làm của Mùa chay, như cầu nguyện, sám hối, hãm mình, thực thi bác ái. Giáo Hội muốn chúng ta tìm lại được chính bản thân như Thiên Chúa mong muốn. Bản thân ấy chúng ta chỉ có thể nhận ra khi nhìn ngắm Chúa Giêsu.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy chân dung của Chúa Giêsu, Đấng hoàn toàn sống cho Thiên Chúa: “Ta đến không phải để làm theo ý Ta, nhưng là làm theo ý Đấng đã sai Ta”. Nên một với Thiên Chúa, thể hiện sự nên một ấy đến cùng, đó là con đường mà Chúa Giêsu đã chọn lựa và đi cho đến cùng. Thực thế, cái chết của Chúa Giêsu gắn liền với mầu nhiệm Ba Ngôi. Người Do Thái kết án Ngài không những vì Ngài không tuân giữ ngày hưu lễ, mà còn vì Ngài tự cho mình ngang hàng với Chúa Cha. Cái chết của Chúa Giêsu là một mạc khải về Chúa Cha. Cái chết của Chúa Giêsu nói lên tiếng xin vâng trọn vẹn với Chúa Cha. Qua cái chết ấy, quyền năng và tình yêu của Chúa Cha được tỏ bày.

Mùa chay thường gợi lại một thực hành có tính truyền thống trong Giáo Hội, đó là hãm dẹp thân xác, tức là tham dự vào cái chết của Chúa Giêsu từng ngày qua những hy sinh, quên mình, để cũng được chia phần vinh quang Phục Sinh của Ngài, nghĩa là mỗi ngày một biến đổi để trở thành con người mới cho đến khi đạt được tầm mức viên mãn của Ngài. Đó là bức chân dung mà mỗi Kitô hữu đều mang trong mình và mỗi ngày họ cố gắng họa lại bằng cả cuộc sống của họ. Cùng với Chúa Kitô, Đấng đã nên một với Chúa Cha trong tất cả mọi sự cho đến chết, xin cho từng giây phút cuộc sống chúng ta luôn là một thể hiện thánh ý của Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Không ngừng yêu thương

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã trả lời cho những người biệt phái cách Ngài chữa lành cho người đang làm việc gần bên giếng nước rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy". Thiên Chúa Cha nhân từ luôn luôn trao ban điều tốt cho con người mà Ngài đã tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Giờ đây đến phiên mình xuống trần để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng muốn liên lỉ làm việc, làm điều tốt cho con người, bất luận đó là ngày Sabát hay không. Ngày Sabát là cho con người chứ không phải con người cho ngày Sabát.

Cũng trong dịp này Chúa Giêsu mạc khải cho những kẻ chống đối Ngài mối tương quan giữa Thiên Chúa Cha và Chúa Con, tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động nhân từ mà Chúa Con thực hiện cho con người, cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã mạc khải chân tính tình yêu đời đời đó và mời gọi con người hãy đáp trả, hãy cộng tác với chương trình yêu thương này để được sống đời đời: "Ai nghe lời Ta và tin Ðấng đã sai Ta thì được sống đời đời, khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống".

Hãy nhìn mọi sự với đôi mắt của Thiên Chúa, ta sẽ thấy giá trị khác, kích thước khác: "Cha Ta làm việc liên lỉ và Ta cũng làm việc như vậy". Chúa Giêsu đã không bao giờ ngừng yêu thương con người, cả khi con người chống đối Ngài.

Lạy Chúa, xin cho con luôn hướng mắt nhìn lên Chúa, đặt đời con vào trong viễn tượng cuộc sống đời đời để con được luôn can đảm, kiên trì chu toàn thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 3: Lời Hằng Sống

Thật, tôi bảo thật các ông:

Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi,

Thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử,

Nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống

Thật, tôi bảo thật các ông:

Giờ đã đến- và chính là lúc này đây-

Giờ các kẻ chết nghe tiến Con Thiên Chúa

Ai nghe thì sẽ được sống. (Ga. 5, 24-25)

Người Do thái không tha thứ cho Đức Giêsu về sự vi phạm ngày Sa-bát khi Người chữa kẻ tê liệt. Người còn nói cho họ nghe Người làm như Cha Người hằng làm việc. Nên Người cũng không nghỉ làm việc dù là ngày Sa-bát.

Lời quả quyết đó càng làm họ tức giận hơn. Làm sao Đức Giêsu dám tự cho mình là Thiên Chúa nếu như Thiên Chúa không phải là Cha mình. Họ càng không ngớt nổi giận vì Đức Kitô nói thêm rằng: “Cha Tôi và Tôi cũng nhất tâm làm tất cả, và ai không tôn vinh Con thì không tôn vinh Cha”. Người còn chủ trương rằng lời Người có sức mạnh ban sự sống đời đời cho những ai nghe theo, như thế là tột bậc rồi.

Thật là một chủ trương đầy phấn khởi và hào hùng! Tuy nhiên, lời Đức Giêsu không chỉ là lời Thiên Chúa, mà còn là lời nhập thể hoàn toàn. Lời Người nói với chúng ta như anh em, như bạn tri kỷ, như sư phụ hoàn toàn biết rõ thân phận con người xác thịt của chúng ta. Người còn phối hiệp toàn diện với xác thân này ngay từ khi xuống thế. Do đó lời Người nắm bắt được mọi tâm tư nguyện vọng của chúng ta và thấy được tiếng lòng rung động kỳ diệu của con tim, khối óc của những ai nghe lời Người. Người cũng biết rõ những hoàn cảnh của mọi người nam nữ chúng ta trở lại với cái gì.

Lời hằng sống đã được công bố trong bài giảng trên núi chứa đựng toàn bộ kế hoạch của Phúc âm về sự gắn bó của chúng ta vào Đức Kitô và được làm thành bản hiến chương nước Thiên Chúa. Lời hằng sống đầy thương xót tha thứ làm sáng lên niềm hy vọng và tình yêu cho mọi người và được thốt ra từ miệng lưỡi của Đức Giêsu trước người đàn bà ngoại tình làm cho Ma-đa-lê-na thống hối, phụ nữ Sa-ma-ri bị chinh phục, ông Gia-kêu thấp bé hoán cải và người trộm lành ăn năn trở về. Cũng như Phê-rô khóc lóc vì chối Thầy. Lời hằng sống chứa đựng trong những dụ ngôn đầy hình ảnh tiêu biểu giáo huấn soi sáng, dẫn dắt chúng ta đến với Thiên Chúa.

Lời hằng sống loan báo những đau khổ để chuẩn bị các môn đệ và mọi người biết can đảm mạnh mẽ theo Đức Kitô qua mọi thời đại, sẵn sàng chịu vác thập giá khổ nạn như là nguồn hy vọng được sống lại vinh quang. Lời hằng sống nhất là đã trở thành lời hứa hấp dẫn của tế lễ Thánh Thể đưa lại sự hiện diện và tình yêu của Đức Kitô tồn tại mãi mãi.

G.F

SUY NIỆM 4: “TIN VÀ GIỮ LỜI TA THÌ ĐƯỢC SỐNG ĐỜI ĐỜI” (Ga5,17-30)

Tin Mừng hôm qua cho chúng ta thấy Đức Giêsu chữa người bệnh bại liệt ba mươi tám năm. Sau khi chữa anh được khỏi, Đức Giêsu truyền cho anh vác chõng mà về. Điều đáng chú ý là khi trên đường về, những người không ưa Đức Giêsu đã chặn anh lại và hỏi nguyên cớ làm sao mà anh được khỏi bệnh, ai là người đã chữa anh?

Hỏi như thế, không phải để chia vui với anh, cũng không phải cùng anh tạ ơn Chúa! Nhưng hỏi như vậy là để tìm cho rõ xem ai dám cả gan chữa bệnh ngày Sabát?

Tin Mừng hôm nay cho thấy giữa Đức Giêsu và người Dothái trở nên gây cấn hơn khi Ngài tuyên bố: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc". Nói như thế, Ngài minh định rằng: Thiên Chúa không nghỉ ngày Sabát thì Ngài không có lý do gì nghỉ và không làm việc thiện trong ngày này cả! Nhưng điều quan trọng hơn là Ngài mặc khải cho biết: Ngài đến để thực thi thánh ý của Cha Ngài. Cuối cùng, điều làm cho người Dothái chói tai, khiếm họ không chịu nổi, khi nghe Đức Giêsu nói: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết hướng tới sự sống đời đời. Khi hướng về sự sống đời đời, mọi việc chúng ta làm hay nói đều được tình yêu chi phối chứ không chỉ vì luật mà làm cho chúng ta xa rời tình yêu!

Xin Chúa ban cho chúng ta biết khiêm tốn để tin tưởng vào Đức Giêsu, yêu mến và trung thành với Ngài. Hãy biết ăn năn sám hối để được tha thứ và đáng hưởng sự sống đời đời. Amen.

Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 5: Không thể làm gì tự mình

Suy niệm :

Văn Cao chẳng những là một nhạc sĩ tài hoa,

mà còn là một họa sĩ, một văn sĩ, một thi sĩ.

Có một bài thơ rất ngắn ông làm năm 1967, mang tựa đề là Không Đề.

Con thuyền đi qua

để lại sóng

đoàn tàu đi qua

để lại tiếng

đoàn người đi qua

để lại bóng

tôi không đi qua tôi

để lại gì?

Theo Văn Cao, chỉ ai đi qua mình, dám vượt qua cái tôi của mình,

người ấy mới có gì để lại cho hậu thế.

Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm vượt qua suốt đời.

Ngài không sống cho mình, nhưng cho Thiên Chúa Cha.

Giới lãnh đạo Do Thái giáo coi Đức Giêsu là kẻ phạm thượng

vì Ngài đã dám nói: “Cha tôi vẫn làm việc, và tôi cũng làm việc” (c. 17).

Thật ra Đức Giêsu chẳng bao giờ phạm thượng đến Cha.

Ngài không hề tự coi mình là Thiên Chúa (c. 18).

Đơn giản Ngài là Con, vâng phục Cha.

Đơn giản Ngài là người được Cha sai, chẳng hề làm theo ý riêng.

Sống tùy thuộc trọn vẹn vào Thiên Chúa Cha,

đó là nét nổi bật nơi con người của Đức Giêsu.

Con không thể làm hay nói bất cứ điều gì tự mình.

Con chỉ làm điều mình thấy Cha làm (c. 19).

Con chỉ nói điều mình nghe Cha nói (Ga 8, 26).

Người ta tưởng Con bị vong thân,

nhưng chính khi lệ thuộc vào Cha mà Con được tự do trọn vẹn.

Con thật là mình khi sống đúng bản chất của Con là quy hướng về Cha.

Mà bản chất của Cha là trao cho Con tất cả những gì Cha có.

Cha chẳng giữ cho riêng mình những gì có thể trao được.

Đơn giản vì Cha yêu Con (c. 20).

Cha cho Con được quyền tùy ý ban sự sống như Cha (c. 21).

Cha cho Con được như Cha, nghĩa là có sự sống nơi chính mình (c. 26).

Cha cho Con có toàn quyền xét xử (cc. 22. 27),

và có quyền gọi kẻ chết ra khỏi mồ để chịu phán xét (c. 28).

Cha muốn mọi người phải tôn kính Con như tôn kính Cha (c. 23).

Con được quyền năng như Cha là vì Con đã nhận tất cả từ Cha.

Tuy được chia sẻ mọi giàu sang của Cha,

nhưng Con chẳng quên Cha là nguồn cội, là cùng đích.

Mùa Chay, ta hãy đến với Giêsu, người Con yêu dấu, người được Cha sai.

Hãy sống lệ thuộc vào Thiên Chúa để được tự do hoàn toàn như Giêsu.

Tôi không đi qua tôi, để lại gì?

Ta sẽ để lại được nhiều điều cho đời, nhờ biết vượt qua mình như Giêsu.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

ai trong chúng con cũng thích tự do,

nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự :

tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

tự do trước đam mê của trái tim,

tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con được tự do như Chúa.

Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

và chữa bệnh ngày Sabát.

Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.