Dân Chúa Âu Châu

Lời Ban Sự Sống Đời Đời
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXI – B
(Ga 6, 61 – 70)
Khởi đi từ tình mục tử ấp ủ đoàn chiên bơ vơ không người chăn
dắt (x. (Mc 6, 30­34), Chúa Giêsu đã "chạnh lòng thương", làm phép
lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng (x. Ga 6, 1­15). Từ của ăn vật,
Chúa gợi lên trong họ sự khát vọng trường sinh, muốn được họ phải
đi tìm Chúa, tin vào Chúa, ăn chính thịt và uống máu Chúa là bánh
hằng sống từ Trời xuống (x. Ga 6, 16­60).
Với diễn từ của Chúa Giêsu về bánh hằng sống tại Hội đường Do
thái ở Capharnaum, nhiều người bỏ Chúa, còn các môn đệ không chấp
nhận điều ấy, họ nói : "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" (Ga 6,
60) Tại sao họ lại có thái độ khước từ Chúa đến như vậy? Còn chúng
ta ngày hôm nay thì sao ?
Có người khước từ
Vấn đề ở đây là "ăn thịt và uống máu" (Ga 6,54) một con người có
tên là Giêsu, đồng hương với họ để được sống đời đời. Chúa Giêsu cố
tình nói như thế, đây là một vấn đề rất cam go, một khúc quanh trong
cuộc đời công khai của Chúa. Dân chúng, và cả các môn đệ, trước đây
rất phấn khởi đi theo Chúa, thấy Chúa làm phép lạ; cả việc hóa bánh
ra nhiều cũng là một sự mạc khải về Ðấng Messia, khiến họ muốn
tung hô và tôn Chúa Giêsu làm vua Israel, nhưng chắc chắn ý Chúa
Giêsu không như vậy. Với diễn từ dài, Chúa làm dịu bớt sự phấn khởi
trong dân và tạo nên sự bất đồng nơi nhiều người. Chúa giải thích
hình ảnh bánh ấy chính là Chúa và khẳng định Người đã được Chúa
Cha sai đến để hiến mạng sống, ai muốn theo Người, thì phải kết hiệp
mật thiết với Người, và tham gia vào hy tế tình thương của Người.
Khi nghe những lời ấy, dân chúng hiểu rằng ông Giêsu này không
phải là Đấng Messia như họ tưởng. Người không tìm kiếm sự đồng
thuận để chinh phục thành Giêrusalem; trái lại, Người muốn vào
Thành để chia sẻ số phận của các vị ngôn sứ : hiến mạng sống trở nên
tấm bánh vì Thiên Chúa và cho loài người. Những tấm bánh đó, được
bẻ ra cho hàng ngàn người, không muốn khơi lên một hành trình đắc
thắng, nhưng tiên báo hy tế trên Thập Giá, trong đó Chúa Giêsu trở
thành Bánh được bẻ ra nuôi nhiều người, trở thành mình và máu được
dâng hiến để đền tội cho thế gian được sống. Chúa muốn đám đông
dân chúng tỉnh ngộ, nhất là khơi lên nơi các môn đệ một quyết định.
Và thực tế là : "Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo
Người nữa " (Ga 6, 66)
Có người quyết tâm theo Chúa
Nếu có môn đệ nói : "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" (Ga 6,
60) trước sự hiến thân trọn vẹn của Chúa, là vì họ không muốn từ bỏ
bản thân, để cho mình tham dự và biến đổi đến độ sống nhờ Chúa khi
đón nhận hồng ân nay.
"Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" (Ga 6, 60), khó nghe vì
người ta lẫn lộn tự do với không bị ràng buộc, coi Thiên Chúa như
một giới hạn tự do, gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài. Chính ảo tưởng này
tạo ra lo âu sợ hãi và dẫn tới sự tiếc nuối quá khứ. Người Do thái
trong sa mạc đã nói : "Ước gì chúng tôi được chết vì tay Chúa ở đất
Ai Cập..." (Xh 16, 3); còn Êlia thì thưa : "Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất
mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con" (1V 19, 4).
Tại thung lũng Sikhem, nơi tổ phụ Abraham và Xara trú ngụ.
Giôsua kêu mời dân ra đứng trước tôn nhan Thiên Chúa và làm một
quyết định dứt khoát : "Nếu các người không muốn tôn thờ Thiên
Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn ... tôn thờ ai hơn : hoặc là các thần
cha ông đã tôn thờ...hoặc các thần của người xứ Amôrê, nơi các
ngươi đang ở, về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa".
Dân trả lời "Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ
những thần Ngoại, Chúa là Thiên Chúa chúng tôi " (x. Jos 24, 15­17).
Bài Tin Mừng hôm nay cũng đòi hỏi thính giả của Chúa Giêsu làm
một quyết định tương tự sau khi nghe giảng về Bánh hằng Sống là
máu thịt Chúa. Nhưng vì lời chướng tai của mình, họ đã bỏ đi, chỉ còn
lại Phêrô và nhóm Mười hai. Phêrô mạnh dạn thưa : "Lạy Thầy chúng
con biết sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời"
(Ga 6, 68).
Hôm nay, chúng ta thưa với Chúa Giêsu rằng, lạy Chúa, trong sự
khiêm nhường thẳm sâu, tin tưởng vào Chúa là Lời cuối cùng và
chung kết của Thiên Chúa nhập thể, đến gặp gỡ chúng con. Chúa là
Lời vĩnh cửu, trở thành manna đích thực, là bánh sự sống (x. Ga 6,32­
35), chúng con muốn trung thành với Chúa bây giờ và mãi mãi, cũng
như Phêrô : "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những
lời ban sự sống đời đời" (Ga 6, 68).
Chúa có lời ban sự sống
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy : Những ai ăn Đức Kitô
trong Thánh Thể không cần phải chờ đến đời sau mới đón nhận được
sự sống vĩnh cửu, nhưng họ đã chiếm hữu sự sống đó ngay đời này,
như những hoa quả đầu tiên của sự viên mãn mai sau, sự viên mãn
liên quan đến toàn thể con người. Trong Thánh Thể, chúng ta cũng
nhận được bảo đảm là thân xác chúng ta sẽ được sống lại trong ngày
tận thế : "Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ
cho người ấy sống lại vào ngày sau hết" (Ga 6,54). Sự bảo đảm này
về sự sống lại mai sau bắt nguồn từ sự kiện thân xác của Con Người,
được trao ban làm của ăn, là chính thân xác trong tình trạng vinh hiển
sau khi sống lại. Với Thánh Thể, chúng ta như thể biết được "bí mật"
của sự sống lại. Vì thế, Thánh Inhatiô thành Antiokia đã định nghĩa
cách xác đáng Bánh Thánh như là "linh dược đem lại sự bất tử, một
phương thuốc diệt trừ sự chết".
Chiều hướng cánh chung được gợi lên trong Thánh Thể...Khi cử
hành hy tế của Con chiên, chúng ta được liên kết với "phụng vụ" trên
trời và trở nên thành phần của một đoàn người đông đảo lớn tiếng
tung hô : "Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính
Con Chiên đã cứu độ chúng ta" (Kh 7,10). Thánh Thể quả thật là một
thoáng hiện của thiên đàng trên trái đất. Thánh Thể là một tia sáng
huy hoàng của Giêrusalem thiên quốc xuyên qua lớp mây mù của lịch
sử chúng ta và soi sáng cho cuộc hành trình của chúng ta. (Trích
Thông Điệp Ecclesia De Eucharistia số 18­19)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ