Dân Chúa Âu Châu

Ngày 23 tháng 12 MV

Bài đọc: Mal 3:1-4, 23-24; Lk 1:57-66.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Gioan là sứ giả dọn đường cho Thiên Chúa.

Hôm nay là ngày cuối cùng chuẩn bị cho Mùa Vọng, trước khi chúng ta vui mừng đón Chúa sinh ra trong Thánh Lễ Nửa Đêm. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta chú trọng đến Gioan, vì ông là Sứ-giả dọn đường cho Con Thiên Chúa tới. Ông là nhân vật quan trọng vì nếu ông không chuẩn bị cho dân đón Chúa, dân sẽ không gặp được Ngài. Ông phải chỉ đường thì con người mới biết đường đi. Ông phải hướng dẫn thì con người mới không đi lạc.

Trong Bài đọc I, Tiên-tri Malachi nói trước về nhiệm vụ của sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Truyền thống Do-Thái tin sứ giả này chính là Tiên-tri Elijah. Chính Chúa Giêsu cũng cho các Tông-đồ biết Gioan Tẩy Giả chính là Tiên-tri Elijah.

Trong Phúc Âm, Thánh-sử Luca tường thuật về biến cố sinh ra của Gioan Tẩy Giả và những điều ngạc nhiên chung quanh biến cố này: Cả hai cha mẹ đều muốn đặt tên con mình là Gioan, mặc dù không đàm thọai được với nhau trước; vì ông Zechariah bị Chúa phạt câm. Nhưng sau khi cho biết tên con, miệng lưỡi ông mở ra và nói được.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tiên-tri Elijah phải đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

1.1/ Sứ-giả và Đấng Cứu Thế: Sách Tiên-tri Malachi được viết sau Thời Lưu Đày, khỏang 515 BC. Cũng như nhiều các Tiên Tri khác, Tiên-Tri Malachi tin triều đại của Đấng Thiên Sai đã gần đến: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, Đức Chúa các đạo binh phán.” Theo lời tiên tri này, một Sứ-giả sẽ đến trước để dọn đường trước khi Đấng Thiên Sai tới; và khi đã dọn đường xong, Đấng Thiên Sai sẽ đến bất cứ lúc nào.

1.2/ Vai trò của Sứ-giả: Truyền thống Do-Thái tin: Ngày Đấng Thiên Sai tới sẽ là ngày kinh hòang của kẻ dữ, nhưng sẽ mang hy vọng cho những người Israel còn sót. TT Malachi nói về Ngày này như sau: “Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc.”

Hai nhiệm vụ chính của Sứ-giả dọn đường cho Đấng Thiên Sai là thanh tẩy và tinh luyện tâm hồn dân chúng để họ sẵn sàng cho Ngày của Thiên Chúa. Hai chất liệu được dùng là lửa của người luyện kim và thuốc tẩy của người thợ giặt. Lửa được dùng để thử cho biết vàng nào là vàng thực và tinh luyện nó khỏi mọi vết dơ bẩn. Thuốc tẩy được dùng để tẩy sạch những vết dơ bám vào trong quần áo. Điều Sứ-giả cần thanh tẩy và tinh luyện chính là tâm hồn con người, sao cho xứng đáng để có thể đứng vững trong Ngày của Đức Chúa.

Tiên-tri Malachi lên án những lỗi lầm của hàng tư tế vì họ lười biếng và khinh thường Thiên Chúa trong việc thờ phượng. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa không nhận lễ vật của họ, Ngài sẽ chọn lễ vật trong sạch hơn (Mal 1:1-2:17). Vì thế, đối tượng chính mà tác giả nhắm tới là hàng tư tế Levi và tâm hồn của họ: “Bấy giờ, đối với Đức Chúa, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính. Lễ vật của Judah và của Jerusalem sẽ làm đẹp lòng Đức Chúa như những ngày xa xưa, như những năm thuở trước.”

1.3/ Tiên-tri Elijah là Sứ-giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế: “Này Ta sai Ngôn-sứ Elijah đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, Ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt.”

Song song bổn phận của con người đối với Thiên Chúa là bổn phận của con người đối với tha nhân; nhất là những người trong gia đình. Một khi mối liên hệ chiều dọc với Thiên Chúa bị lơ là thì mối liên hệ chiều ngang với tha nhân cũng bị thiệt hại. Sứ-giả dọn đường cho Thiên Chúa cũng phải chú trọng đến sứ vụ hòa giải giữa con người với con người, trong gia đình cũng như ngòai xã hội.

2/ Phúc Âm: Sinh Nhật của Gioan Tẩy Giả

2.1/ Niềm vui khi Gioan chào đời: Có nhiều lý do để vui mừng chung quanh biến cố chào đời của Gioan Tẩy Giả: (1) Cha mẹ của Gioan vui mừng vì họ được Thiên Chúa cho có con trong lúc cao niên. (2) Niềm vui của ông bà được gấp đôi vì không những có con, mà lại có con trai để nối dõi tông đường. (3) Bên cạnh niềm vui có con, còn một niềm vui khác là ông Zechariah khỏi bệnh câm. (4) Trên hết mọi niềm vui là Gioan được tuyển chọn là Sứ-giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Tất cả bà con và láng giềng biết Thiên Chúa đã quá thương ông bà, nên đến chia vui, và họ tự hỏi “tương lai của trẻ này sẽ ra sao,” vì quả thực “bàn tay của Thiên Chúa đặt trên con trẻ.”

2.2/ Sự lạ chung quanh việc đặt tên: Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và đặt tên cho em. Giống như truyền thống Việt-Nam quan niệm “tên là người,” vì thế, phải đặt tên làm sao để mỗi khi nhắc tới tên, người ta nhớ tới hòan cảnh em được sinh ra, hay ước mơ cha mẹ muốn em trở thành. Có 3 ý kiến khác nhau trong việc đặt tên cho con trẻ hôm nay:

(1) Họ hàng tính lấy tên cha là Zechariah mà đặt cho em, vì ông Zechariah không nói được. Đây là điều thông thường vì truyền thống Do-Thái có thói quen lấy tên người cha đặt cho con trẻ; nhất là những gia đình hiếm hoi.

(2) Ý của người mẹ: Bà Elizabeth phản đối: "Không, phải đặt tên cháu là Gioan (John)." Họ bảo bà: "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả." Tên John là tên viết tắt của tiếng Do-Thái, Jeho-hannah, có nghĩa: quà tặng của Thiên Chúa. Nếu xét về hòan cảnh của bà Elizabeth, em đúng thực là quà tặng của Thiên Chúa cho gia đình Bà.

(3) Ý của người cha: Vì có xung đột ý kiến, nên họ làm hiệu hỏi ý kiến người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gioan." Đây là tên mà Sứ-thần Gabriel truyền cho ông phải đặt tên cho con trẻ (Lk 1:13).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Mỗi người chúng ta đều là sứ giả dọn đường cho Chúa đến, nơi những người Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta trong gia đình cũng như ngòai xã hội.

- Bổn phận của chúng ta là làm gương, rao giảng, dạy dỗ, an ủi, và chỉ đường cho họ về với Chúa. Chúng ta chỉ có thể chu tòan những bổn phận này nếu chúng ta đã có Chúa. Làm sao chúng ta có thể hướng dẫn họ đến với Chúa nếu bản thân chúng ta chưa có Ngài?

- Chúng ta phải học hỏi nơi Gioan về cách sống đơn giản, tính thành thật, khiêm nhường, và cách ông chuẩn bị cho dân đến gặp Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế