Dân Chúa Âu Châu

Chúa Nhật 2 Mùa Vọng, Năm C

Bài đọc: Bar 5:1-9; Phi 1:4-6, 8-11; Lk 3:1-6.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời con người.

Tình thương và uy quyền của Thiên Chúa vẫn ấp ủ và bảo vệ con người; nhưng để cảm nhận được, con người cần có con mắt đức tin và trái tim đầy tình yêu. Nhiều người nghĩ họ có thể đi tìm vinh quang cho cuộc đời mà không cần biết đến Thiên Chúa; nhưng thực tế đã chứng minh đó chỉ là vinh quang nhất thời, giả tạo, và không mang lại niềm vui cũng như bình an đích thực cho con người.

Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật tầm quan trọng sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống con người và sự cần thiết phải sửa dọn tâm hồn để có thể lãnh nhận Ngài. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Baruch nhận ra sự khờ dại của toàn thể con cái Israel khi họ từ bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại bang và vinh quang giả tạo của trần thế. Hậu quả là mất nước, Đền Thánh bị phá hủy, và vua quan cũng như dân chúng phải chịu lưu đày cực khổ. Tiên-tri cũng nhận ra tình thương và uy quyền của Thiên Chúa: nếu toàn dân chịu xám hối và ăn năn trở lại, Thiên Chúa sẽ hủy bỏ tang phục mà họ đang mặc trên mình. Ngài sẽ mặc cho họ áo choàng công chính, đội triều thiên vinh quang, và chiếu dọi ánh vinh quang vĩnh cửu của Ngài trên họ. Trong Bài Đọc II, Phaolô, sau khi đã có kinh nghiệm về hạnh phúc của một người được Thiên Chúa hoàn toàn chiếm hữu, đã chia sẻ niềm vui và cầu nguyện cho các tín hữu cũng sẽ được hưởng niềm vui và hạnh phúc như ông; nhưng họ phải hoàn toàn đặt trọn niềm tin yêu nơi Đức Giêsu Kitô và cố gắng sống tinh tuyền thánh thiện trong khi chờ đợi ngày Ngài đến. Trong Phúc Âm, Gioan Tiền Hô được Thiên Chúa trao sứ vụ dọn đường cho Đấng Thiên Sai tới bằng việc kêu gọi con người sửa dọn tâm hồn và thay đổi cuộc sống. Khi Đấng Thiên Sai xuất hiện, chỉ những người đã chuẩn bị tâm hồn sẽ được "nhìn thấy" ơn cứu độ của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi.

1.1/ Thiên Chúa là Đấng giải thoát con cái Israel: Tác giả của Sách tiên-tri Baruch được nhiều học giả cho là thư ký của tiên-tri Jeremiah. Sách này có thể được viết trong Thời Lưu Đày hay sau đó, khi tác giả có cơ hội suy nghĩ nhiều về tình thương của Thiên Chúa dành cho con cái Israel, dù họ đã bất trung phản bội Ngài.

(1) Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót thương: Tác giả nhìn lại lịch sử Israel và cảm nhận được uy quyền của Thiên Chúa. Ngài điều khiển các thế lực chính trị để sửa phạt và bắt con cái Israel đi lưu đày trước khi cho họ trở về. Mục đích của việc sửa phạt là để mở mắt cho họ nhìn thấy tình thương và uy quyền của Ngài dành cho họ. Sách Baruch có nhiều tư tưởng tương tự với Sách tiên-tri Jeremiah, một trong những điều tương tự là tác giả ví Jerusalem như một người vợ mất chồng là Thiên Chúa, và mất con cái là tất cả dân chúng bị lưu đày. Sự khổ nhục này bị các Dân Ngoại chê trách làm cho niềm đau càng quặn thắt hơn.

Trình thuật hôm nay nói về việc Thiên Chúa sẽ đổi ngược số phận hoàn toàn của bà mẹ Jerusalem trong ngày Ngài ra tay cứu độ. Ngài sẽ cho toàn thể địa cầu nhìn thấy vinh quang của Jerusalem: "Hỡi Jerusalem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi; hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa, và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng. Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi."

Hai bài học quí giá Ngài dạy cho con cái Israel: Thứ nhất, "vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa." Tất cả các vinh quang ngoài Thiên Chúa chỉ tạm thời và gây ra mọi nỗi ô nhục cho họ. Thứ hai, "bình an xây dựng trên công chính." Nếu họ không tuân hành những Lề Luật Thiên Chúa dạy và đối xử công bằng với mọi người, chiến tranh sẽ lan tràn và nhân loại không bao giờ được bình an.

(2) Con cái Israel được trở về vinh quang từ nơi lưu đày: Có hai áp dụng cho lời tiên tri này. Thứ nhất, là cuộc hồi hương của con cái Israel vào năm 538 BC theo chiếu chỉ của hoàng-đế Ba-tư là Cyrus. Cuộc trở về này tuy vui mừng, nhưng không vinh quang huy hoàng như trình thuật diễn tả hôm nay: "Xưa chúng bị quân thù áp giải, phải rời ngươi, không xe không ngựa. Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi, chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng." Thứ hai, tác giả có lẽ muốn nói tới vinh quang của Israel trong ngày Đấng Thiên Sai ngự đến.

1.2/ Israel phải chuẩn bị để đón Đấng Thiên Sai: Để những điều này xảy ra, con cái Israel phải chuẩn bị tâm hồn, ăn năn xám hối về những lỗi lầm họ đã xúc phạm tới Thiên Chúa, và đặt trọn vẹn niềm tin yêu nơi Ngài. Tác giả viết: "Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Israel tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa."

Khi Đức Chúa lãnh đạo dân Người trở về, Israel sẽ được thịnh vượng và bình an: "Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại quế trầm sẽ toả bóng che rợp Israel, vì Thiên Chúa sẽ dẫn Israel đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người."

2/ Bài đọc II: Thiên Chúa hoàn tất những gì Ngài đã khởi sự nơi con người.

2.1/ Thiên Chúa khởi sự mọi điều nơi con người: Lá thư gởi cho các tín hữu Philip được viết từ nơi lao tù. Đây là cộng đoàn có thể nói rất được yêu mến bởi thánh Phaolô. Hai điều ngài muốn chia sẻ với họ: Thứ nhất, Thiên Chúa là Đấng bắt đầu hành trình đức tin nơi con người, khi Ngài ban cho con người hiểu được những gì thánh Phaolô rao giảng về Đức Kitô để họ tin vào Ngài. Không những thế Ngài còn nuôi dưỡng và nâng đỡ đức tin của các tín hữu để họ có thể trung thành cho đến hơi thở cuối cùng. Thánh Phaolô xác tín với họ điều này: "Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Giêsu Kitô quang lâm." Nói cách khác, từ khởi sự cho đến hoàn thành niềm tin của con người đều do bởi ơn thánh của Thiên Chúa. Thứ hai, Thiên Chúa cho con người tham gia vào công cuộc rao giảng Tin Mừng. Theo kinh ngiệm của Phaolô, sứ vụ rao giảng Tin Mừng không phải là một bổn phận; nhưng là một ân huệ Thiên Chúa ban cho các tín hữu được cộng tác với Ngài trong việc làm cho Nước Chúa trị đến.

2.2/ Đời sống công chính là hiệu quả ơn thánh của Thiên Chúa và sự cộng tác của con người: Thánh Phaolô cầu xin 2 điều cho các tín hữu Philipphê:

(1) Thiên Chúa ban lòng mến: Tình yêu của Đức Kitô là động lực thúc đẩy thánh Phaolô và các tín hữu làm mọi sự, ngài nói: "Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Giêsu Kitô. Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, cùng với kiến thức và tất cả mọi thấu hiểu."

Lòng mến là điều kiện tiên quyết thúc đẩy việc học hỏi: khi yêu ai hay thích điều gì, con người sẽ tìm mọi cơ hội để tìm hiểu, để biết về điều đó hay người đó hơn. Nếu không có sự thúc đẩy của tình yêu, con người sẽ không bận tâm để tìm hiểu. Càng tìm hiểu bao nhiêu, con người càng có kiến thức nhiều. Khi các tín hữu càng yêu mến Đức Kitô, họ sẽ ra sức tìm hiểu để biết Ngài, và càng hiểu về Đức Kitô bao nhiêu, họ càng thấu hiểu những gì liên quan tới Ngài. Điều này sẽ giúp cho con người nhận ra những sai lầm giả trá của thế gian.

(2) Các tín hữu sống thánh thiện: Đức tin không bao giờ ở mức độ thuần tri thức, nhưng thúc đẩy con người tới chỗ hành động. Lại một lần nữa, thánh Phaolô chứng tỏ ơn cứu độ đến với con người không chỉ bởi niềm tin, nhưng còn tùy thuộc vào việc làm để chứng tỏ niềm tin của các tín hữu. Hai điều các tín hữu phải làm trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm là phải giữ mình sạch tội, và phải cố gắng để càng ngày càng trở nên tinh tuyền thánh thiện hơn. Chỉ như thế, các tín hữu mới có thể "đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa."

3/ Phúc Âm: Tất cả phải chuẩn bị đường cho Đức Kitô đến.

3.1/ Tình hình chính trị và tôn giáo trong thời Đức Kitô nhập thể: Phần đầu của trình thuật hôm nay, thánh Luca muốn nhấn mạnh đến tính cách lịch sử của biến cố Đức Kitô Nhập Thể trong hậu trường của thế giới:

- Tình hình thế giới: Toàn vùng Cận Đông thời đó đều nằm dưới sự cai trị của đế quốc Rôma, năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tiberius.

- Tình hình nước Palestine: Khi Herode Cả chết, ông chia vương quốc thành 3 miền cho 3 con của ông cai trị: Herode Antipas làm tiểu vương miền Galilee, người em là Philíp làm tiểu vương miền Ituraea và Trachonitis, Herode Archelaus điều khiển miền Judah, cùng với Pontius Pilate làm tổng trấn miền Judah.

- Tình hình tôn giáo: Hannah là thượng tế về hưu, nhưng có thế lực rất mạnh. Caiaphas, con rể của Hannah là thượng tế đương quyền; nhưng bị lệ thuộc rất nhiều vào Hannah.

Sống dưới sự đô hộ của đế quốc Rôma, trong thời kỳ đất nước bị chia ba, lại thêm bè phái trong hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo; con dân Israel mong đợi Đấng Thiên Sai tới để giải phóng họ khỏi những thế lực này.

3.2/ Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả: Trong thời kỳ khó khăn như vậy, Thiên Chúa vẫn nhớ tới con người, Ngài sai Gioan Tẩy Giả tới để mang Tin Mừng cho con người, như trong trình thuật hôm nay: "Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Zachariah là ông Gioan trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Jordan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội."

Bổn phận của Gioan Tẩy Giả được sai tới là để chuẩn bị tâm hồn cho mọi người đón nhận Thiên Chúa. Sứ vụ của ông đã được loan báo trước trong sách ngôn sứ Isaiah: "Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng."

Không phải ai cũng có khả năng đón nhận món quà vô giá Thiên Chúa gởi đến là Người Con Một của Ngài. Để có thể nhận ra và đón nhận Ngài, con người phải chuẩn bị tâm hồn cùng với ơn thánh của Thiên Chúa. Điều Gioan khuyên dân chúng đây không phải là những chuẩn bị bề ngoài, mà là tâm hồn bên trong. Con người phải loại trừ những kiêu căng, ích kỷ, mọi thứ tham lam... trước khi họ có thể nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa có uy quyền làm mọi sự cho con người. Để được vinh quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trong cuộc đời, chúng ta cần phải biết kính sợ và tin tưởng hoàn toàn nơi Ngài.

- Để có thể đón nhận Thiên Chúa, con người cần biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng: tránh xa tội lỗi, luyện tập nhân đức để càng ngày càng trở nên tinh tuyền thánh thiện.

- Ơn cứu độ không chỉ dành cho một dân tộc hay một số người; nhưng mở rộng đến cho mọi dân tộc và mọi người. Chúng ta được mời gọi để cộng tác với Thiên Chúa trong việc mang ơn cứu độ đến cho mọi người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP