Dân Chúa Âu Châu

Thứ Tư Tuần 33 TN1

Bài đọc: II Mac 7:1, 20-31; Lk 19:11-28.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúng ta phải trả lại cho Thiên Chúa cả vốn lẫn lời.

Những ngày cuối năm là thời gian tính sổ sách của các xí nghiệp, công ty, trường học ... để xem lời lỗ thế nào, điều gì mạnh và sinh lời cần phát triển thêm nữa, điều gì yếu và lỗ lã cần phải bỏ đi. Đây cũng là thời gian để mỗi người chúng ta tính sổ với Thiên Chúa, để xem năm vừa qua chúng ta đã làm lợi hay gây thiệt hại cho Nước Chúa: điều gì lợi chúng ta sẽ tìm cách phát triển thêm, điều gì hại chúng ta phải chấm dứt ngay.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những mẫu gương tốt cũng như xấu của con người trong việc họ dùng các quà tặng Thiên Chúa ban. Trong Bài Đọc I, bà mẹ anh hùng đã can đảm khuyên nhủ và chứng kiến bảy đứa con của mình hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa; trong khi vua Antiochus đã lạm dụng uy quyền Chúa ban để sát hại các tín hữu của Ngài. Trong Phúc Âm, ông chủ, sau một thời gian vắng bóng, gọi các đầy tớ đến để tính sổ với ông về những món tiền mà ông đã trao cho họ để đầu tư sinh lời cho ông.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.

1.1/ Bà mẹ đạo đức và 7 đứa con anh hùng: Có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua Antiochus cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Moses cấm.

(1) Lời khuyên của bà mẹ: Phúc đức tại mẫu, con cái biết kính sợ Thiên Chúa là do sự dạy dỗ và khuyên bảo của các người mẹ. Bà mẹ của bảy anh em nhà Maccabees chứng tỏ một niềm tin chắc chắn và một niềm trông cậy vững vàng vào Thiên Chúa khi Bà khuyên các con: "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình."

(2) Chí khí can trường của người con út: Sau khi đã chứng kiến những cái chết đau thương của các người anh, nghe những lời dụ khị phóng thích và ban chức tước vinh quang của vua Antiochus, và nghe những lời khuyên khôn ngoan của mẹ; người con út nói lớn tiếng: "Các người còn chờ đợi gì nữa, tôi chẳng nghe theo lệnh vua đâu, nhưng tôi chỉ vâng theo lệnh của Lề Luật Thiên Chúa đã ban cho cha ông chúng tôi qua ông Moses. Còn vua đã bày ra đủ thứ trò độc ác để hại người Do-thái; vua sẽ chẳng thoát khỏi bàn tay Thiên Chúa.''

1.2/ Kế hoạch bắt đạo của vua Antiochus: Ngược lại với niềm tin của bà mẹ và bảy anh em nhà Maccabees, vua Antiochus ngông cuồng tin ông có quyền trên sự sống con người, và nghĩ ông có thể thay đổi niềm tin của con người vào Thiên Chúa qua việc đe dọa, tra tấn bằng những cực hình dã man, khen thưởng, ban chức tước, và giết chết; nhưng ông đã thất bại, vì họ không những đã chọn trung thành với Thiên Chúa, mà còn cảnh cáo ông về bản án đã dành sẵn cho ông ở đời sau.

2/ Phúc Âm: Ngày Chúa Phán Xét

Dụ ngôn này cũng giống như trình thuật của (Mt 25:14-30). Điểm khác biệt giữa 2 trình thuật là Lucas cho biết lý do tại sao nhà quí tộc trẩy đi phương xa: để "lãnh nhận vương quyền;" và thái độ của dân chúng: "Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: "Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi."" Sự kiện lịch sử của dụ ngôn này là sau khi vua Herôđê Cả chết, ông chia vương quốc thành 3 miền cho 3 con: Antipas, miền Galilê; Philip, miền Jordan; và Archelaus, miền Judah. Quyết định này phải được phê chuẩn bởi hoàng-đế Augustus bên Rôma. Khi Archelaus rời bỏ Judah đi Rôma để thuyết phục Hoàng-đế, người Do-Thái cũng gởi một phái đoàn gồm 50 người đến Rôma để nói lên nguyện vọng: "Họ không muốn Archelaus cai trị họ." Hậu quả là hoàng-đế Augustus phê chuẩn Archelaus làm vua cai trị Judah. Khán giả của Chúa Giêsu biết rõ sự kiện lịch sử này.

Dụ ngôn muốn làm sáng tỏ 3 điều:

(1) Thiên Chúa tin tưởng con người: Ngài không ấn định mức phải sinh lời; nhưng Ngài để con người tùy khả năng và sáng kiến để làm việc sinh lời. Ngài cũng không ở gần bên để xem xét, chỉ trích; nhưng trẩy đi phương xa để con người hòan tòan tự do để quyết định và làm việc.

(2) Thiên Chúa đòi con người phải tính sổ với Ngài: Tài sản được ban để sinh lời, không phải để hoang phí. Điều quan trọng hơn là để con người chứng tỏ niềm tin và tình yêu của mình cho Thiên Chúa: Người thứ nhất đến trình: "Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén." Ông bảo người ấy: "Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành." Người thứ hai đến trình: "Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén." Ông cũng bảo người ấy: "Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành."

Người thứ ba đến trình: "Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo." Ông nói: "Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!" Rồi ông bảo những người đứng đó: "Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén." Họ thưa ông: "Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi!" "Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi."

(3) Phần thưởng và hình phạt: Hậu quả thu được chứng tỏ khả năng của mỗi người với Thiên Chúa. Nếu ai chứng tỏ mình xứng đáng với niềm tin của Thiên Chúa như người thứ nhất và thứ hai, Ngài sẽ tin tưởng và trao cho những trách nhiệm nặng nề hơn; vì Ngài biết họ có thể hoàn thành trách nhiệm. Còn ai không chứng tỏ mình xứng đáng với niềm tin của Thiên Chúa, lại còn tìm cách biện minh cho sự lười biếng của mình bằng cách đổ tội cho Thiên Chúa như người thứ ba, làm sao Thiên Chúa có thể tin tưởng mà trao cho sứ vụ khác? Hậu quả là Ngài sẽ lấy lại hết tất cả những gì anh có mà trao cho những người biết sinh lợi cho Ngài. Kinh nghiệm cuộc sống là một bằng chứng cho lời Chúa nói: Nếu con người không chịu chăm chỉ thực hành những tài năng đã có, chúng sẽ dần dần mất đi; nhưng nếu con người biết "văn ôn võ luyện," tài năng càng ngày càng phát triển và đem lại nhiều lợi ích cho con người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa dựng nên con người và mọi sự trong trời đất. Ngài trao cho con người để thay Ngài điều khiển vũ trụ. Con người không phải là chủ, họ chỉ là người quản lý, và sẽ phải tính sổ với Thiên Chúa trong Ngày Phán Xét.

- Chúng ta cần biết lý do tại sao Thiên Chúa cho chúng ta sống trên đời này: để chúng ta chứng tỏ niềm tin và tình yêu của chúng ta dành cho Ngài qua những gì chúng ta làm cho mình và cho tha nhân. Chắc chắn chúng ta sẽ phải tính sổ với Ngài trong Ngày Phán Xét.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP