Dân Chúa Âu Châu

Thứ Ba Tuần 25 TN1

Bài đọc: Ezr 6:7-8, 12, 14-20; Lk 8:19-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm theo thánh ý Thiên Chúa.

Nhiều người cho mọi sự xảy ra trong trời đất này là ngẫu nhiên tình cờ, không có chuyện gì liên hệ đến chuyện gì cả; nhưng lịch sử và đức tin chứng minh chẳng có sự gì ngẫu nhiên xảy ra cả, mọi sự xảy ra đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Dù có biết hay không biết, mọi người trong cuộc đời đều làm theo ý định của Thiên Chúa. Nếu con người ý thức được điều này, họ sẽ thấy cuộc đời có ý nghĩa và tìm được niềm vui khi thi hành ý Thiên Chúa; nếu không, con người sẽ phản kháng, khó chịu, và có thể đi lạc đường.

Các Bài Đọc hôm nay muốn chứng minh mọi người: Do-thái hay Dân Ngoại đều làm theo thánh ý Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, các vua Ba-tư, bắt đầu từ vua Cyrus, vâng lệnh Thiên Chúa cho dân Do-thái hồi hương, và giúp họ tái thiết Đền Thờ. Lý do của sự vâng lời này vì Thiên Chúa đã giúp vua Ba-tư đánh bại quân đội của vua Babylon. Các kỳ-mục Do-thái vâng lời Thiên Chúa trở về tái thiết Đền Thờ, thiết lập lại hàng tư tế và Lêvi, chuẩn bị các lễ nghi, và cử hành lễ Vượt Qua đầu tiên sau Thời Lưu Đày vào năm 515 BC. Tất cả những điều này đều đã được Thiên Chúa báo trước qua các tiên-tri. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố mở rộng gia đình Thiên Chúa: tất cả những ai nghe và thi hành ý Thiên Chúa đều là mẹ, là anh/chị/em của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Các vua Ba-tư thi hành ý định của Thiên Chúa.

1.1/ Các vua Ba-tư, Cyrus và Darius, làm theo thánh ý Thiên Chúa: Các vua Ba-tư là Dân Ngoại, hoàn toàn không biết Thiên Chúa, nhưng sẵn sàng làm theo thánh ý của Thiên Chúa, vì Ngài giúp các vua đánh bại quân Babylon. Điều này chứng minh Thiên Chúa quan phòng mọi sự trong vũ trụ: Thiên Chúa dùng vua Babylon như chiếc roi để đánh phạt dân Do-thái, rồi lại dùng vua Ba-tư như chiếc roi để trừng phạt vua Babylon, kế đến lại dùng vua Ba-tư để phóng thích dân Do-thái. Sau khi đã thắng trận, vua Ba-tư là Cyrus thực hành như Thiên Chúa đã truyền cho ông. Người kế vị Cyrus là Darius, ông cũng thi hành như thế.

(1) Xây dựng lại Đền Thờ (520-515 BC): Vua Darius ra sắc chỉ: ''Hãy để cho tổng trấn của người Do-thái và các kỳ mục Do-thái lo việc xây cất Nhà Thiên Chúa, họ phải tái thiết Nhà Thiên Chúa ở chỗ cũ.''

(2) Đài thọ chi phí xây dựng Đền Thờ: Không những vua Darius cho tái thiết Đền Thờ, Vua lại còn cung cấp chi phí để xây dựng Đền Thờ bằng tiền thuế thu được của dân Babylon. Vua Darius ra lệnh: ''Phải lấy tiền bạc của nhà vua trích từ thuế thu được ở Vùng bên kia sông Euphrate, mà cung cấp đầy đủ các chi phí cho những người đó, không được gián đoạn.''

(3) Hình phạt cho những ai dám phá hủy Đền Thờ: Để bảo vệ Đền Thờ không bị các vua khác tàn phá, vua Darius ra chiếu chỉ: ''Chớ gì Thiên Chúa, Đấng đã đặt Danh Người ngự tại đó, lật đổ bất cứ vua hay dân nào dám vi phạm sắc chỉ này mà tra tay phá huỷ Nhà Thiên Chúa ở Jerusalem. Chính ta, Darius, đã ban lệnh này. Sắc chỉ phải được thi hành chu đáo!"

1.2/ Hàng kỳ mục của Do-thái thi hành ý định của Thiên Chúa.

(1) Hoàn tất việc xây cất Đền Thờ (515 BC): ''Hàng kỳ mục Do-thái tiếp tục xây cất và thành công trong việc đó, theo lời sấm của ngôn sứ Haggai và của ông Zechariah con ông Iddo. Họ hoàn thành công việc xây cất đúng theo lệnh của Thiên Chúa Israel và lệnh của vua Cyrus, vua Darius, và vua Artaxerxes của Batư. Nhà đó được xây xong ngày mồng ba tháng Ada, năm thứ sáu triều vua Darius.'' Con cái Israel ở các nơi, các tư tế, các thầy Lêvi, và những người lưu đày trở về, hân hoan cử hành lễ khánh thành Nhà Thiên Chúa.

(2) Thiết lập lại các lễ nghi trong Đền Thờ: Đã khoảng gần 70 năm kể từ khi Đền Thờ thứ nhất bị phá hủy; giờ hàng kỳ mục phải giúp thiết lập trở lại các lễ nghi trong Đền Thờ và hàng tư tế cũng như Lêvi. Điều này rất quan trọng để có sự chuyển tiếp dễ dàng cho các thế hệ theo sau.

+ Dâng lễ vật hy sinh và đền tội: Để khánh thành Nhà Thiên Chúa, họ đã dâng một trăm con bò, hai trăm con cừu đực, bốn trăm con chiên, và bắt mười hai con dê đực, theo số các chi tộc Israel, làm lễ tạ tội cho toàn thể Israel.

+ Thiết lập hàng tư tế và Levi: ''Họ thiết lập hàng tư tế theo các phẩm trật của họ, và các thầy Lêvi theo các cấp bậc của họ, để phục vụ Thiên Chúa tại Jerusalem, như đã chép trong sách Moses.''

+ Mừng lễ Vượt Qua (515 BC): ''Những người đi đày trở về cử hành lễ Vượt Qua ngày mười bốn tháng thứ nhất. Các thầy Lêvi, trăm người như một, đã thanh tẩy mình: tất cả đều thanh sạch, nên họ đã sát tế chiên Vượt Qua cho những người đi đày trở về, cho anh em của họ là các tư tế, và cho chính họ.''

2/ Phúc Âm: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."

2.1/ Ai là mẹ tôi và anh em tôi? Trình thuật kể: ''Mẹ và anh em Đức Giêsu đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Người ta báo cho Người biết: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy."

Chúa Giêsu đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành." Thoạt nghe câu trả lời, nhiều người sẽ dễ dàng đi đến kết luận: Chúa Giêsu không có tình nghĩa gia đình hay bất hiếu với Đức Mẹ. Điều này hoàn toàn thiếu cơ sở, vì ý của Chúa Giêsu là muốn mở rộng gia đình của Thiên Chúa tới mọi người cho tất cả những ai thi hành thánh ý Thiên Chúa; chứ không phải chỉ giới hạn trong vòng gia đình của Ngài mà thôi.

2.2/ Đức Mẹ và các anh em của Chúa Giêsu: Đức Mẹ không những là Mẹ vì đã sinh ra Chúa Giêsu; nhưng còn là Mẹ theo tiêu chuẩn mà Chúa Giêsu tuyên bố: "nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành." Đức Mẹ nghe và vâng lời Thiên Chúa suốt cuộc đời: khi khấn giữ mình đồng trinh; khi thưa lời "Xin Vâng" với sứ thần Gabriel; tại tiệc cưới Cana cũng như khi tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thờ; khi đứng dưới chân Thập Giá; và khi giữ lời trăn trối của Chúa Giêsu để trở thành Mẹ các môn đệ và loài người. Nói tóm, Mẹ là gương mẫu cho những ai "nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."

Các anh em của Chúa Giêsu: Nhiều người dựa vào câu này để chứng minh Chúa Giêsu có anh em và Đức Mẹ không thể đồng trinh vì có nhiều con khác. Tiếng Hy-lạp chỉ có một danh từ "adelphos" để chỉ anh em ruột, anh em họ, anh em kết nghĩa, hay anh em cùng chí hướng như trong quân đội, dòng tu, hay bất cứ hiệp hội nào. Vì thế, không thể dựa vào từ ngữ "adelphos" để kết luận như thế. Anh em của Chúa đề cập đến ở đây có thể là anh em họ với Chúa, như Giacôbê và Gioan; hay có thể là các tông-đồ, những người đồng chí hướng với Ngài. Các ông là anh em của Chúa không những theo tiêu chuẩn tự nhiên, mà còn là anh em theo tiêu chuẩn là người "nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành;" vì các ông sẵn sàng bỏ mọi sự để đi theo Chúa rao giảng Tin Mừng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong vũ trụ và trong cuộc đời chúng ta. Một niềm tin như thế sẽ giúp chúng ta chấp nhận mọi chuyện xảy ra trong cuộc đời.

- Bổn phận của chúng ta là tìm ra và thực hành ý định của Thiên Chúa. Ý định hiển nhiên nhất là lo sao cho chúng ta và mọi người đều được hưởng ơn cứu độ mà Đức Kitô đã sắp sẵn.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP