Dân Chúa Âu Châu

Thứ Ba Tuần 11 TN1, Năm lẻ

Bài đọc: 2 Cor 8:1-9; Mt 5:43-48.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bổn phận trở nên hoàn thiện

Có nhiều lý do khiến con người từ chối ơn gọi trở nên hoàn thiện: (1) Họ đang sống giữa thế gian, và phải bon chen với đời để sống còn; (2) Ơn gọi nên hoàn thiện chỉ dành riêng cho một số người, chứ không phải cho tất cả mọi người. Họ muốn khiêm nhường làm người ẩn dật bình thường; và (3) Đức Kitô đòi con người phải làm những điều vượt quá sức lực và khả năng của con người! Làm sao con người có thể trút bỏ mọi sân si để trở nên hoàn thiện đang khi mang trong mình một thân xác?

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những đòi hỏi mà người tín hữu phải cố gắng hoàn thành. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu nhiệt thành đóng góp cho Giáo Hội Mẹ tại Jerusalem, để giúp cho Giáo Hội có phương tiện rao giảng Tin Mừng đến mọi nơi. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi các môn đệ phải vượt quá tiêu chuẩn của thế gian để yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại các ông.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Bổn phận phải đóng góp để giúp đỡ Giáo Hội.

Tuy Jerusalem là Giáo Hội Mẹ, nhưng rất nghèo vì hoàn cảnh địa dư, và chưa có sự tổ chức đóng góp từ các giáo hội địa phương như chúng ta có bây giờ. Vì thế, Phaolô tổ chức cuộc quên góp từ các giáo hội địa phương để giúp Giáo Hội tại Jerusalem.

1.1/ Gương đóng góp của Hội Thánh ở Macedonia: Để khích lệ các tín hữu Corintô biết nhiệt thành đóng góp, Phaolô lấy gương sáng của hội thánh ở Macedonia để làm gương cho họ.

(1) Người nghèo là người quảng đại đóng góp: Macedonia là một vùng không giầu có và gặp nhiều thiên tai đau khổ, nhưng khi nghe chương trình của Phaolô muốn lạc quên giúp Giáo Hội Mẹ, ''họ đã tự nguyện theo sức họ, và tôi xin làm chứng là quá sức họ nữa; trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại.''

Thông thường, người giàu có là người có phương tiện để đóng góp nhất, nhưng thực tế chứng minh không luôn luôn như vậy; càng giàu càng giữ chặt của. Những người nghèo là những người quảng đại hơn cả, như chúng ta thường nói: "Lá rách đùm lá tả tơi;" vì họ có kinh nghiệm sống thiếu thốn nên dễ cảm thông với những ai đồng cảnh ngộ.

(2) Lòng yêu thương Giáo Hội đàng sau việc đóng góp: Không những sẵn sàng đóng góp, ''họ khẩn khoản nài xin chúng tôi cho họ được phúc tham dự vào việc phục vụ các người trong dân thánh. Họ đã vượt quá điều chúng tôi mong ước là tự hiến mình phụng sự Chúa trước, rồi phục vụ chúng tôi theo ý Thiên Chúa." Đức tin con người có được là món quà vô giá Thiên Chúa ban qua tay của các môn đệ và các nhà truyền giáo. Nếu không có Giáo Hội Mẹ, chẳng bao giờ có các giáo hội con. Vì thế, như những người con thảo sẵn sàng giúp cha mẹ khi về già, các tín hữu cũng phải đóng góp cho Giáo Hội Mẹ để cùng chung mối lo làm sao cho Tin Mừng được rao truyền khắp cùng bờ cõi trái đất.

1.2/ Phaolô muốn Hội Thánh ở Corintô cũng quảng đại đóng góp cho Hội Thánh ở Jerusalem: Vì vậy chúng tôi đã xin anh Titô hoàn thành công việc lạc quyên đó nơi anh em, như anh ấy đã bắt đầu làm. Thánh Phaolô nêu bật 2 lý do nữa để khuyến khích các tín hữu Corintô nên nhiệt thành đóng góp:

(1) Đã nhận nhiều, cũng phải rộng lượng cho đi nhiều: ''Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa.''

(2) Gương của Đức Kitô: ''Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.'' Con người không thể so sánh với Đức Kitô; nhưng gương sáng của Ngài phải trở thành mẫu gương cho chúng ta noi theo.

2/ Phúc Âm: Bổn phận phải yêu thương kẻ thù.

2.1/ Luật người xưa: ''Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.'' Luật Đức Kitô: ''Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.''

(1) Phân tích từ ngữ: Có ba động từ yêu trong Hy-lạp: erein, philein, agapan. Động từ yêu dùng ở đây là "agapan'' động từ này chỉ được dùng trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Đức Kitô không đòi chúng ta yêu kẻ thù với tình yêu tự nhiên dành cho người yêu, hay dành cho những người trong gia đình (erein, philein). Nếu Chúa đòi như thế, Ngài bắt chúng ta đi ngược lại tự nhiên. Điều khác biệt giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tự nhiên là ở chỗ khi yêu cách tự nhiên, con người dùng trái tim; nhưng khi yêu kẻ thù với tình yêu Thiên Chúa, con người phải dùng tới ý muốn của mình, nó là một thỏa thuận giữa trí tuệ và lòng muốn.

(2) Con người chỉ có thể yêu kẻ thù khi con người đã được thấm nhuần đạo lý và tình yêu của Đức Kitô: Theo Gioan, tình yêu này phát xuất từ Thiên Chúa và được thông ban cho con người qua Đức Kitô. Chúa Giêsu luôn đòi các môn đệ phải ở lại trong tình yêu này qua việc giữ các giới răn, trước khi truyền cho các ông phải "yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em."

(3) Theo lời dạy của Đức Kitô: Để có thể yêu kẻ thù, con người cần cầu nguyện cho họ. Khi con người có thể cầu nguyện cho họ, Chúa sẽ giúp con người có thể tha thứ hoàn toàn cho kẻ thù. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu cầu nguyện: "Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm." Noi gương Đức Kitô, thánh Stephanô, vị tử đạo tiên khởi, cũng cầu nguyện cho những người ném đá mình: ''Lạy Chúa! Xin đừng chấp họ tội này.'' Và còn biết bao gương của các vị tử đạo khác nữa; điều này chứng minh đời hỏi của Đức Kitô không vượt quá giới hạn của con người.

2.2/ Những lý do tại sao phải yêu kẻ thù: Chúa Giêsu đưa ra 4 lý do:

(1) Để trở nên con cái của Thiên Chúa: Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Điều làm con người nên giống Thiên Chúa nhất là yêu thương. ''Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.''

(2) Người môn đệ phải khác với người thường: ''Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?''

(3) Người có đạo phải khác với người vô đạo: ''Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?''

(4) Để trở nên hoàn thiện: "Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.'' Hoàn thiện là mục đích của Thiên Chúa khi dựng nên con người, như Sách Sáng Thế viết: "Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa" (Gen 1:27).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải trả lại cho Thiên Chúa những hồng ân Ngài đã ban tặng chúng ta. Chúng ta cũng phải giúp đỡ Giáo Hội vì niềm tin chúng ta có được là do tình yêu và lòng nhiệt thành truyền giáo Tin Mừng của Giáo Hội và các nhà truyền giáo.

- Chúng ta là những con cái của Thiên Chúa, và có bổn phận sống theo tiêu chuẩn của những công dân Nước Trời; chứ không được bằng lòng với những tiêu chuẩn của trần thế. Một trong những tiêu chuẩn làm chúng ta giống Thiên Chúa là yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP