Thứ Năm Tuần 33 TN2
Bài đọc: Rev 5:1-10; Lk 19:41-44.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khóc!
Con người khóc vì nhiều lý do: (1) Vì tiếc, vì không đạt được điều mình muốn: Em bé muốn xem tivi; bố mẹ bắt vào đi ngủ. (2) Vì thương, thân nhân và bạn hữu khóc thương người chết; vì họ không còn được sống nữa. (3) Vì tội nghiệp, khi thấy một người chịu quá nhiều đau khổ, nhất là chịu đau khổ cho mình. (4) Vì vui sướng, khi nhìn thấy kết quả vinh quang sau khi đã trải qua bao hy sinh gian khổ để đạt được (cầu thủ TVH khi đạt huy chương vàng). Trong Bài đọc I, Thánh Gioan khóc nức nở vì sợ không đạt được ý muốn. Ngài muốn biết những gì trong Cuộn Sách, vì nó liên quan đến lịch sử của nhân lọai sắp xảy ra; nhưng không tìm được ai xứng đáng để mở 7 ấn niêm phong của Cuộn Sách. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khóc vì tội nghiệp cho dân Thành Giêrusalem, vì họ không nhận ra ý nghĩa và mục đích sự thăm viếng của Ngài. Chúa cũng khóc vì Ngài biết Thành sẽ bị phá hủy bình địa (70 AD), và dân Thành sẽ tan tác như chiên không người chăn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thị kiến Cuộn Sách và 7 ấn niêm phong
“Tôi thấy trong tay hữu Đấng ngự trên ngai một Cuộn Sách viết cả trong lẫn ngoài, được niêm bảy ấn. Rồi tôi thấy một thiên thần dũng mãnh lớn tiếng công bố: "Ai xứng đáng mở cuốn sách và tháo ấn niêm phong?" Nhưng không ai ở trên trời, dưới đất hay trong lòng đất, có thể mở Cuộn Sách và nhìn vào đó.”
- Cuộn Sách chứa đựng ý muốn kỳ diệu của Thiên Chúa liên quan đến mọi biến cố sẽ xảy ra trong thời kỳ sau hết như đã nói từ ban đầu (x/c Rev 1:9). Nội dung của Cuộn Sách có những gì? Có nhiều ý kiến khác nhau; nhưng đa số các học giả đồng ý nội dung của Cuộn Sách là những gì được viết trong (Rev 6:1-8:1).
- Gioan khóc nức nở, vì không ai được coi là xứng đáng mở cuốn sách và nhìn vào đó. Nếu không ai mở Cuộn Sách, làm sao con người biết được những gì sẽ xảy ra? Gioan muốn biết, đó là lý do tại sao ông khóc.
- Một trong các vị Kỳ Mục bảo tôi: "Đừng khóc nữa! Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giuđa, Chồi Non của Đavít đã chiến thắng, Người sẽ mở cuốn sách và bảy ấn niêm phong." Truyền thống Do-Thái tin Đấng Thiên Sai sẽ xuất thân từ chi tộc Giuđa và là chồi non của Nhà Đavít.
- “Con Chiên, trông như thể đã bị giết; Chiên đó có bảy sừng và bảy mắt, tức là bảy thần khí của Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt đất. Con Chiên đến lãnh cuốn sách từ tay hữu Đấng ngự trên ngai.” Con Chiên là danh hiệu chính thức của Đức Kitô, được dùng 28 lần trong Sách Khải Huyền. Ngài được gọi là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (Jn 1:29).
- Khi Con Chiên đã lãnh cuốn sách từ tay của Đấng ngự trên Ngai, thì bốn Con Vật và 24 vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Con Chiên, mỗi vị tay cầm đàn, tay nâng chén vàng đầy hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của dân thánh.
- Các vị hát một bài ca mới: Bài ca mới tương xứng với tên mới được tặng cho Người chiến thắng, cho Jerusalem mới, cho trời mới đất mới, và cho vũ trụ được đổi mới.
- Ngài xứng đáng lãnh nhận Cuộn Sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa: Bằng Cuộc Thương Khó, cái chết, và sự Phục Sinh vinh hiển, Đức Kitô đã bắt đầu một vương quốc mới cho Thiên Chúa.
- Muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân: 4 danh từ này có ý nói tất cả mọi dân tộc trên địa cầu. Sách Khải Huyền giới hạn trong vòng các Kitô hữu trên địa cầu, những người đã đáp trả lời mời gọi và tháp tùng Con Chiên mà thôi.
- Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này: Những người đi theo Con Chiên là dân của Con Chiên, họ trở thành những tư tế để ca ngợi và phụng thờ Thiên Chúa; và cùng với Con Chiên, họ sẽ làm chủ mặt đất.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu khóc thương Thành Jerusalem.
2.1/ Chúa Giêsu khóc: Mang thân xác con người, Chúa Giêsu có đầy đủ cảm xúc như một con người. Tin Mừng đã tường thuật 2 lần Chúa khóc:
(1) Vì thương Thành Jerusalem như trình thuật hôm nay (Lk 19:41). Trong Cuộc Thương Khó, chặng thứ 8 của 14 Đàng Thánh Giá, Chúa Giêsu đứng lại yên ủi dân Thành Jerusalem vì họ khóc thương Ngài. Chúa Giêsu yên ủi họ: “Đừng khóc thương Ta, nhưng hãy khóc thương các ngươi và con cháu của các ngươi” (Lk 23:28). Chúa Giêsu biết rõ mục đích tại sao Ngài chịu đau khổ, nhưng dân Thành không biết. Điều có lẽ Chúa muốn nhấn mạnh cho họ biết ở đây là họ hãy khóc thương cho chính họ và cho con cháu của họ; vì tội lỗi của họ và con cháu mà Chúa đã phải gánh lấy Cuộc Thương Khó mà Ngài đang chịu.
(2) Vì tiếc thương Lazarô (Jn 11:35)? Nhiều người tin Chúa khóc vì thương Lazarô không còn sống nữa; nhưng suy nghĩ này cần được xét lại vì không có căn bản vững chắc. Có lẽ việc ông đừng trở lại thế gian có lẽ hạnh phúc cho ông hơn vì ít lâu nữa ông sẽ cùng được chung phần vinh quang với Chúa, và kẻ thù không có lý do để giết Chúa Giêsu. Ngài khóc là vì thấy sự chết gây đau khổ cho con người. Ngài muốn Mary và mọi người hiểu: “Ai sống và tin vào Ngài, sẽ không chết bao giờ” (Jn 11:25). Nếu ai cũng hiểu như thế, cái chết sẽ là một niềm vui.
2.2/ Hai lý do tại sao Chúa khóc:
(1) Vì dân Thành Jerusalem không nhận ra Chúa: Khỏang lưng chừng Đồi Olive, ngày nay có một nguyện đường gọi là Nguyện Đường Chúa Khóc. Truyền thống tin chính tại đây, Chúa Giêsu đã nhìn thấy tòan bộ Đền Thánh Jerusalem và sự huy hòang của nó, và Ngài đã khóc vì thương dân Thành. Lý do Ngài khóc vì tội nghiệp họ đã không nhận ra Đấng đem bình an: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất mắt ngươi không thấy được.” Nguyên ngữ Jerusalem ghép bởi 2 chữ: động từ yrw, có nghĩa là “thiết lập,” và danh từ salem, có nghĩa là “bình an.” Chúa Giêsu là Đấng từ Trời xuống thiết lập bình an và chính Ngài đang ở giữa họ; nhưng họ đã không nhận ra Ngài.
(2) Vì Thành sẽ bị phá hủy tan tành: “Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.” Lời tiên tri này ứng nghiệm năm 70 AD, khi quân đội Rôma đem quân vây hãm và phá hủy bình địa Đền Thờ và Thành. Cho tới ngày nay Đền Thờ vẫn chưa được xây lại và vết tích của hoang tàn đổ nát vẫn còn cho các du khách viếng Jerusalem.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Con người khóc vì tiếc và vì thương. Cái khóc của con người có thể sai vì lý do tiếc hay thương có thể sai. Cái khóc của Chúa Giêsu luôn luôn đúng vì lý do tại sao Ngài khóc là sự thật. Chúng ta cần tìm hiểu rõ lý do tại sao mình khóc.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP