Thứ Hai Tuần 3 TN, Năm B
Bài đọc: Heb 9:15, 24-28; Mk 3:22-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu đến để tiêu diệt tội lỗi và các việc làm của ma quỉ.
Trong hành trình đi tìm sự thật, con người phải để tâm hồn rộng mở, suy xét cẩn thận, và theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là nguồn mạch mọi sự thật. Điều nguy hiểm nhất là tội ngoan cố trong sự sai trái của mình, tin hay tố cáo người khác những gì ngược lại với sự thật.
Các Bải Đọc hôm nay tập trung trong những gì Chúa Giêsu làm để tiêu diệt tội lỗi và chuẩn bị cho con người được xứng đáng lãnh nhận Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Do-Thái so sánh hiệu quả của Giao Ước cũ và mới. Giao Ước cũ không thể cất đi các tội của con người vì máu chiên bò không đủ mạnh để làm chuyện đó. Giao Ước mới có thể tẩy sạch tội của con người vì máu Chúa Giêsu, dù chỉ đổ một lần; và làm cho con người được giao hòa với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, các Kinh-sư tố cáo Chúa Giêsu “bị quỷ vương Beezebul ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” Chúa Giêsu vạch ra sự sai trá của lời tố cáo này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.
1.1/ Sự khác biệt giữa hai Giao Ước: Tác giả đã nói lý do tại sao Giao Ước mới hòan hảo hơn Giao Ước cũ; giờ đây ông chỉ lặp lại những gì đã nói: (1) Chúa Giêsu là trung gian của một Giao Ước Mới; (2) Ngài lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ; và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa; (3) Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta.
1.2/ Chúa Giêsu chỉ hiến tế một lần là đủ: Theo Giao Ước cũ, vị thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài vật mà vào cung thánh để đền tội cho mình và cho dân. Theo Giao Ước mới, Thượng Tế Giêsu không phải dâng chính mình làm của lễ nhiều lần. Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.
Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét. Cũng vậy, Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu phải có quyền năng mạnh hơn Satan.
Trình thuật hôm nay của Marcô tiếp tục trình thuật “Chúa Giêsu bị thân nhân bắt đem về nhà,” vì họ nghĩ Ngài đã hóa điên. Chúng ta đã nói tới lý do Chúa Giêsu đã quá yêu thương con người, nên Ngài dành hết mọi thời gian để dạy dỗ và chữa lành dân chúng, đến nỗi Ngài không còn thời giờ ăn uống. Các Kinh-sư trong trình thuật hôm nay đến từ kinh-đô Jerusalem, có lẽ đã được nghe báo cáo từ các Kinh-sư địa phương, buộc tội Ngài: “Người bị quỷ vương Beelzebul ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”
2.1/ Chúa Giêsu trả lời 2 tố cáo của họ:
(1) Người bị quỷ vương Beelzebul ám: Beelzebul là Syriac phiên dịch của chữ Do-Thái Baalzebub. Trong Phúc Âm Nhất Lãm, từ này được dùng để chỉ tướng quỉ, Satan. Từ này được dùng ở đây và trong Mt 10:25, không thông dụng bằng Satan.
Chúa Giêsu dùng lý luận triệt tam ở đây: một vật không thể vừa có vừa không một lúc. Satan không thể vừa là quỉ, vừa không là quỉ được. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với họ: "Satan làm sao trừ Satan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Satan mà chống Satan, Satan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.” Chúa Giêsu không thể nào bị đồng hóa với Satan, vì Ngài luôn luôn đối chọi chúng. Ngài đến để tiêu diệt chúng và giải thóat con người khỏi mọi tội lỗi do chúng gây ra.
(2) Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ: Trong một nước, người có quyền hành nhất là Vua, người cai trị dân chúng. Nếu một người nước khác tới bắt nạt dân chúng, người đó phải đương đầu với quyền lực của nhà Vua. Chúa Giêsu cũng đưa một ví dụ tương tự: “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.”
Tương tự, quỉ vương hay Satan, là người lãnh đạo các quỉ. Nếu Chúa Giêsu động đến các quỉ nhỏ là động đến chính Satan. Chúa Giêsu có quyền lực mạnh trên cả Satan, nên Ngài không sợ ngay cả chính Satan, huống hồ gì là các thần ô uế của nó. Vì thế, các tố cáo của các Kinh-sư không có lý do vững chắc.
2.2/ Tội phạm đến Chúa Thánh Thần: "Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời."
(1) Tội nào là tội phạm đến Chúa Thánh Thần? Trước tiên, Chúa Thánh Thần là sự thật; vai trò của Ngài là giúp cho con người nhận ra sự thật từ sự giả trá. Nếu sau khi đã được Chúa Thánh Thần dạy bảo nhiều lần, một người vẫn ngoan cố không nhận ra sự thật, hay tệ hơn, cho sự gian trá là sự thật; người đó đã phạm đến Chúa Thánh Thần. Ví dụ: trong cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với các Kinh-sư, Chúa Giêsu đã lấy quyền năng của Thiên Chúa khai trừ thần ô uế ra khỏi con người. Sau khi đã được Chúa Giêsu cắt nghĩa cẩn thận bên ngòai và Chúa Thánh Thần soi sáng bên trong, mà các Kinh-sư vẫn chối từ sự thật và ngoan cố cho Chúa Giêsu là “bị các thần ô uế ám;” họ đã phạm đến Chúa Thánh Thần.
(2) Tại sao tội phạm đến Chúa Thánh Thần không được tha? Điều kiện để được tha tội là con người phải nhận ra những tội của mình, ăn năn xám hối, và thú nhận tội lỗi của mình. Vì người phạm đến Chúa Thánh Thần không nhận ra mình có tội, nên cũng chẳng cần ăn năn xám hối và thú tội. Với một thái độ như thế, làm sao tội có thể được tha?
Vấn đề của nhiều người thời nay là thái độ tự cho mình là công chính; họ mất hết ý thức về tội lỗi, và không còn cho điều gì là tội nữa. Nếu những người này cứ giữ thái độ ngoan cố như thế cho tới chết, họ đã phạm đến Chúa Thánh Thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu là Thượng Tế đã dâng hy lễ là chính thân thể Ngài để tiêu diệt tội lỗi và gánh tội cho con người; nhờ đó, con người đã được hòa giải với Thiên Chúa.
- Chúng ta phải suy xét cẩn thận trước khi phán xét kẻ khác để tránh những mâu thuẫn và phán xét không có cơ sở. Phải tránh xa những phán xét vì ghen tương và sợ người khác hơn mình.
- Chúng ta phải luôn mở rộng tâm hồn để đón nhận sự thật; và nhất là theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần bên trong.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế