Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần II MV
Bài đọc: Isa 41:13-20; Mt 11:11-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đường lối và tiêu chuẩn của Thiên Chúa.
Đường lối và tiêu chuẩn của Thiên Chúa xem ra có vẻ nghịch lý với đường lối và tiêu chuẩn của thế gian: trở nên cao trọng bằng khiêm nhường, trở nên quan trọng bằng phục vụ, có được sức mạnh bằng tin tưởng, sửa phạt là xót thương. Chúng nghịch lý vì thế gian cậy sức mình; trong khi các công dân Nước Trời cậy vào sức của Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh những nghịch lý này. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót thương Israel, bắt chịu đau khổ cùng cực rồi lại ban sức mạnh khôn lường. Làm như thế, Chúa muốn dạy dân một bài học: Trong tất cả mọi sự, phải đặt trọn vẹn niềm tin nơi Ngài. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả được Chúa Giêsu khen là nhân vật quan trọng nhất trong số các phàm nhân, nhưng kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót thương.
1.1/ Thiên Chúa xót thương Israel: Tiên Tri Isaiah muốn làm nổi bật 2 điểm: sự uy quyền thánh thiện của Thiên Chúa và sự hèn hạ của Israel, lòng thương xót của Thiên Chúa và sự bất trung của họ:
- Thiên Chúa xót thương Israel và làm cho họ được mạnh sức: “Vì Ta, Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Đấng cầm lấy tay phải ngươi và phán bảo: "Đừng sợ, chính Ta phù trợ ngươi.””
- Israel chỉ là lòai sâu bọ: Danh từ Do-Thái được dùng ở đây là “tôlaat,” có nghĩa là lòai dòi bọ ở trong rượu hay trong trái cây, danh từ này được dùng để chỉ sự nhỏ bé và tội lỗi của dân tộc Israel. Thiên Chúa thương họ vì lòng thương xót; chứ tự họ không có gì đáng yêu cả: “Đừng sợ, hỡi Jacob, loài sâu bọ, hỡi những người Israel, chính Ta phù trợ ngươi, sấm ngôn của Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi là Đức Thánh của Israel.”
1.2/ Thiên Chúa tăng sức mạnh cho Israel: Mặc dù Israel yếu đuối và vô dụng như lòai giòi bọ, nhưng Thiên Chúa sẽ làm cho họ được mạnh sức và uy quyền để chinh phục quân thù: “Này đây Ta sẽ biến ngươi thành một cái bừa vừa sắc vừa mới và đầy mũi nhọn. Ngươi sẽ dày đạp và nghiền nát núi non, sẽ làm cho các đồi nên như trấu. Ngươi sẽ rê chúng, gió sẽ cuốn đi và bão táp sẽ phân tán chúng.”
1.3/ Thiên Chúa làm cho Israel được vui mừng: “Còn ngươi, vì Đức Chúa, sẽ mừng vui hoan hỷ, vì Đức Thánh của Israel, sẽ hãnh diện, tự hào.” Điều Tiên Tri muốn nhấn mạnh ở đây cho dân Do-Thái biết: Tất cả là do uy quyền của Thiên Chúa chứ không do công sức của họ; nếu họ biết tin tưởng và cậy trông nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ làm mọi sự cho họ.
(1) Thiên Chúa xót thương kẻ nghèo hèn, khốn khổ: “Những ai nghèo hèn, khốn khổ, tìm nước không ra, lưỡi khô vì khát, Ta, Đức Chúa, Ta sẽ đáp lời, Ta, Thiên Chúa của Israel, Ta sẽ không bỏ rơi chúng.”
(2) Thiên Chúa làm được mọi sự: Không có sự gì là không thể với Thiên Chúa, ngay cả việc biến sa mạc thành đồng bằng phì nhiêu: “Ta sẽ khai mở sông ngòi trên các đồi trọc, và khe suối dưới các lũng sâu. Ta sẽ biến hoang địa thành hồ ao, biến đất khô nên mạch nước dồi dào. Và trong vùng hoang địa, Ta sẽ trồng bá hương, keo, sim với ô-liu; trên những dải đất hoang, Ta sẽ cho mọc lên một trật nào trắc bá, nào du, nào hoàng dương.”
(3) Điều quan trọng là phải tin vào uy quyền của Thiên Chúa: Khi nhìn thấy những điều này xảy ra, thiên hạ đều nhìn ra và nhận biết, nghiền ngẫm và hiểu rằng: “Điều ấy, bàn tay Đức Chúa đã làm nên, điều ấy, Đức Thánh của Israel đã tạo thành.”
2/ Phúc Âm: Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả.
2.1/ Sự cao trọng của Gioan Tẩy Giả: Chúa Giêsu khen: "Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.” Tại sao Gioan Tẩy Giả quan trọng như thế?
(1) Ông được thánh hiến ngay từ lòng mẹ: Lời thiên thần mặc khải cho Zechariah, thân sinh của Gioan: “Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần” (Lk 1:15).
(2) Ông được Thiên Chúa chọn để dọn đường cho Đấng Tối Cao: Thiên thần nói tiếp: “Em sẽ đưa nhiều con cái Israel về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlijah, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lk 1:16-17).
(3) Ông là người đầu tiên nhận ra Chúa và chỉ cho dân biết: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Jn 1:29-30).
2.2/ Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.
(1) Phải mạnh sức mới vào được Nước Trời: “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu vớisức mạnh, ai mạnh sức thì thắng.” Đây là câu khó hiểu; tại sao cần sức mạnh mới vào được Nước Trời? Nếu nhìn lại cuộc đời của Gioan Tẩy Giả, chúng ta thấy ông phải đương đầu với sức mạnh: Vua Herode bắt bỏ tù và giết chết ông. Chúa Giêsu cùng chịu chung số phận. Rồi đến các thánh tử đạo ở mọi thời. Vì thế, ai không mạnh sức hơn các quyền lực thế gian, người ấy sẽ không vào được Nước Trời. Kẻ nào vào được Nước Trời, kẻ ấy chứng tỏ mình mạnh sức và cao trọng hơn các kẻ ở ngòai, cho dù là vua chúa trần gian. Dĩ nhiên, Gioan Tẩy Giả cũng là người của Nước Trời, vì ông đã chiến thắng sức mạnh của thế gian.
(2) Gioan Tẩy Giả chính là Tiên Tri Elijah: Truyền thống Do-Thái tin Elijah không chết; ông sẽ trở lại trước thời Đấng Cứu Thế đến để dọn đường cho Ngài. Chúa Giêsu tuyên bố: “Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Elijah, người phải đến. Ai có tai để nghe thì hãy nghe.” Châm ngôn có câu: “Người ta có thể mang ngựa đến giòng suối để uống nước, nhưng người ta không thể bắt nó uống.” Thiên Chúa đã sai Gioan đến làm chứng cho Chúa Giêsu, và chính Chúa Giêsu đã chứng thực lời chứng của Gioan. Nếu sau khi đã nghe cả Gioan và Chúa Giêsu mà họ vẫn không tin, Thiên Chúa còn làm được gì cho họ nữa!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Là con của Cha trên trời, chúng ta cần học tiêu chuẩn và đường lối của Thiên Chúa.
- Chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa, sẵn sàng từ bỏ ý riêng, và làm theo thánh ý của Ngài.
- Chúng ta phải có thái độ: thà được làm công dân Nước Trời còn hơn được hưởng mọi vinh hoa phú quí ở đời này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần II MV
Bài đọc: Isa 40:25-31; Mt 11:28-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa yêu thương và săn sóc mọi người.
Con người thường có khuynh hướng lấy những gì mình suy nghĩ và áp dụng cho Thiên Chúa; chẳng hạn, cha mẹ chỉ có thể yêu thương và chăm sóc cho vài con (chỉ 2 con với cha mẹ thời nay). Đem áp dụng suy nghĩ này cho Thiên Chúa, họ không tin Thiên Chúa có thể biết, yêu thương, và chăm sóc cho từng người một trong nhân lọai.
Các Bài đọc hôm nay muốn chứng minh: với quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài yêu thương và săn sóc từng người một. Trong Bài đọc I, người Do-Thái kêu trách Thiên Chúa: "Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?" Tiên Tri Isaiah sửa sai quan niệm này: Nếu Thiên Chúa có thể gọi đích danh từng ngôi sao một, Ngài cũng có thể gọi đích danh từng người một. Nói cách khác, vì Thiên Chúa gọi, nên tất cả được tạo thành. Tiên tri nói: “Thiên Chúa không mệt mỏi, cũng chẳng nhọc nhằn, trí thông minh của Người khôn dò thấu. Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kêu mời mọi người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng.
1.1/ Chúa biết và yêu thương từng cá nhân một: Tiên Tri Isaiah dùng công cuộc sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa để chứng minh sự quan phòng của Thiên Chúa cho con người: “Các ngươi so sánh Ta với ai, để Ta phải ngang hàng với nó? Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó? Đấng tung ra toàn bộ đạo binh các tinh tú, Người gọi đích danh từng ngôi một, khiến không thiếu vắng một ngôi nào.”
Nếu Thiên Chúa đã dựng nên từng ngôi sao một và sắp xếp vị trí của chúng trong trời đất, Người cũng dựng nên và quan phòng cho từng con người một trong thế gian này. Vì thế, Tiên Tri chất vấn những người không tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “Hỡi Jacob, sao ngươi nói, hỡi Israel, sao ngươi bảo: "Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?" Ngươi chẳng biết, chẳng nghe thấy sao? Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu, là Đấng sáng tạo toàn cõi đất.”
1.2/ Chúa săn sóc từng cá nhân: Vì Thiên Chúa uy quyền, khôn ngoan, và thông biết mọi sự, nên Người không mệt mỏi cũng chẳng nhọc nhằn trong việc quan phòng con người. Những ai trông cậy vào Người, thì được Người ban sức mạnh: “Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân.” Người ban sức mạnh cho những ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. Còn những ai không biết trông cậy nơi Người, cho dẫu là thanh niên cũng mệt mỏi, nhọc nhằn; cho dẫu là trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo.
2/ Phúc Âm: Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
2.1/ Chúa Giêsu biết “nỗi vất vả” và “gánh nặng nề” của từng người: Ngài kêu gọi: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Trong đời người, chắc ai cũng đã trải qua những kinh nghiệm như Chúa Giêsu mô tả hôm nay: mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn không gánh nổi những đau thương của cuộc sống. Trong những lúc như thế, con người chỉ muốn buông xuôi, nói theo kiểu của thi hào Nguyễn Du, “thử xem Con Tạo xoay vần đến đâu!” Chúa Giêsu cũng đã từng trải qua những kinh nghiệm đau thương như chúng ta, và còn hơn chúng ta nữa. Bị nhân lọai khước từ mặc dù đã làm không biết bao nhiêu điều ích lợi cho con người: mặc khải, dạy dỗ, chữa lành. Một mình Ngài đã vác Thập Giá nặng lên Đồi Canvê dưới bao nhiêu những roi đòn của lính; và đã 3 lần gục ngã dưới sức nặng của cây Thập Giá. Sau cùng, Ngài phải chịu một cái chết đau thương, cô đơn, nhục nhã; đến nỗi đã phải thốt lên: “Cha hỡi, Cha ơi! Sao Cha bỏ con!” Một người đã trải qua những gánh nặng như thế của kiếp người, Ngài chắc chắn biết chia sẻ những gánh nặng của con người. Ngài mời gọi con người hãy đến với Ngài để được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
2.2/ Chúa Giêsu giúp từng người giải quyết vấn đề của mình.
(1) Chúa không hứa con người sẽ không phải đau khổ; nhưng Ngài sẽ giúp con người vượt qua đau khổ: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi… Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” Tĩnh từ Hy-Lạp dùng để mô tả chữ êm ái ở đây là “crhsto.j,” nó còn có nghĩa “vừa vặn.” Bên Palestine, ách của bò được làm bằng gỗ, con bò được mang tới xưởng để thợ mộc đo kích thước trước khi làm ách. Sau khi đã làm xong, con bò được mang tới để thử; ách được cẩn thận thêm bớt sao cho nó có thể vừa khít cổ con bò mà không gây đau đớn cho nó. Truyền thuyết cho rằng Chúa Giêsu nổi tiếng về nghề làm ách khi Ngài lớn lên ở Nazareth với Giuse. Ngài biết cách giúp con người mang ách làm sao cho êm ái, và mang gánh làm sao cho nhẹ nhàng.
(2) Chúa giúp con người vượt qua đau khổ bằng dạy dỗ hai bài học quan trọng trong cuộc đời: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”
- Bài học hiền hậu: Đây là đức tính giúp con người thực sự có bình an trong tâm hồn. Người hiền hậu không dễ bị tức giận vì lời nói, thái độ, hay việc làm của người khác. Vì thế, họ sẽ không cảm thấy đau khổ khi bị chọc tức, bị khinh thường, hay bị đối xử bất công.
- Bài học khiêm nhường: Đây là đức tính giúp con người biết chấp nhận mọi hòan cảnh xảy ra trong cuộc đời. Người khiêm nhường không ghen tị, không bon chen để tìm cách cho bằng hay hơn người khác. Họ biết mình và biết người. Vì họ luôn tìm chỗ hèn hạ, và nhường cho người khác chỗ cao trọng hơn; nên họ không lo phải đối chọi với phong ba, bão táp của những người ham hố quyền hành, chức vụ.
(3) Chúa giúp con người vượt đau khổ bằng sức mạnh của Ngài: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Lời Chúa hướng dẫn và Bí-tích Thánh Thể cung cấp cho con người sức mạnh để đương đầu với mọi đau khổ có thể xảy đến trong cuộc đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần xác tín mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa là mối liên hệ cá nhân; và Chúa muốn chúng ta dùng tình yêu cá nhân để đáp trả lại.
- Chúa biết chúng ta còn hơn chúng ta biết chúng ta. Chúng ta đừng sợ khi đối diện với Chúa, vì Ngài đã biết mọi vấn đề, và quan tâm giúp chúng ta giải quyết vấn đề.
- Nhiều khi chúng ta cảm thấy cô đơn, mệt mỏi, chán chường, thất vọng, vì chúng ta muốn chiến đấu một mình; nhưng nếu chúng ta biết chạy đến với Chúa để xin Ngài giúp sức, mọi sự sẽ trở nên dễ dãi, nhẹ nhàng; và chính Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trở ngại bằng chính sức mạnh của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần II MV
Bài đọc: Isa 40:1-11; Mt 18:12-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tha thứ
Con người thường có khuynh hướng yêu những người đáng yêu và lọai bỏ những người đáng ghét; nhưng nếu con người cứ theo khuynh hướng này, thì chẳng mấy chốc con người sẽ hết người để yêu, vì người nào cũng là tập hợp của cả cái đáng yêu và cái đáng ghét. Một tình yêu chân thật đòi mọi người phải biết yêu thương tha thứ cho tha nhân như Thiên Chúa luôn yêu thương tha thứ cho con người.
Các Bài đọc hôm nay đều xoay quanh chủ đề yêu thương và tha thứ. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah ví Thiên Chúa như Mục Tử: Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho khán giả: “Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?” Một con chiên lạc có thể không gây sự quan tâm cho con người, nhưng là một quan tâm cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là Mục Tử Tốt Lành, Ngài xuống trần để tìm những chiên lạc về cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Mọi người đã xúc phạm đến Thiên Chúa.
1.1/ Dân chúng bị lưu đày vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa: Đền Thờ bị phá hủy, Thành Jerusalem bị san phẳng, vua quan và dân chúng bị lưu đày vì đã phạm tội và khinh thường những lời Chúa cảnh cáo qua các tiên tri. Chúa có quyền ngỏanh mặt để kẻ thù trừng trị đích đáng dân phản nghịch; nhưng Ngài không nỡ để dân phải chết, vì Ngài là Thiên Chúa yêu thương. Ngài phải sửa phạt để thanh luyện tội lỗi, nhưng luôn quan tâm và gởi các sứ giả đến khích lệ dân trong thời gian lưu đày, như trình thuật của Tiên Tri Isaiah hôm nay: “Thiên Chúa anh em phán: "Hãy an ủi, an ủi dân Ta: Hãy ngọt ngào khuyên bảo Jerusalem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm."” Thành ở đây là Jerusalem, được nhân cách hóa để chỉ Israel.
1.2/ Tội sẽ được tha nếu dân biết ăn năn xám hối:
(1) Dân phải chuẩn bị đường cho Chúa tới: Vì dân đã phạm tội nên Thiên Chúa rời xa họ. Để được Thiên Chúa trở lại, họ phải thanh tẩy mọi tội lỗi đã xúc phạm đến Ngài; vì Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện, Ngài không thể ở trong những tâm hồn tội lỗi. Thiên Chúa gởi sứ giả của Ngài tới tận nơi lưu đày để kêu gọi và giúp dân ăn năn trở lại. TT Isaiah tường thuật: “Có tiếng hô: "Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán."”
(2) Tội nặng nhất là tội không biết kính sợ Thiên Chúa: Trong hầu hết các Sách Khôn Ngoan, các tác giả đều tuyên xưng: “Kính sợ Đức Chúa là nguồn gốc mọi khôn ngoan.” Vì thế, không biết kính sợ Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi điên rồ. Đọan văn kế tiếp nói lên sự rồ dại của con người: “Có tiếng nói: "Hãy hô lên!" Tôi thưa: "Phải hô lên điều gì?" "Người phàm nào cũng đều là cỏ, mọi vẻ đẹp của nó như hoa đồng nội. Cỏ héo, hoa tàn khi thần khí Đức Chúa thổi qua. Phải, dân là cỏ: cỏ héo, hoa tàn, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững."”
Con người là cỏ hoa mà nghĩ mình sống không cần đến Thiên Chúa. Ngay từ đầu Sách, Tiên Tri đã kết án sự rồ dại này, và coi dân phản nghịch còn thua lòai bò lừa: “Trời hãy nghe đây, đất lắng tai nào, vì Đức Chúa phán: "Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta. Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì” (Isa 1:2-3).
1.3/ Thiên Chúa sẽ đón nhận và chăn dắt dân nếu họ biết ăn năn trở lại: Thời gian Lưu Đày là thời gian thuận tiện để Israel biết ăn năn xét mình, và nhận ra họ không thể sống mà không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi họ biết phục tùng Thiên Chúa, Ngài sẽ làm cho họ những điều mà họ không bao giờ ngờ tới; vì Ngài nắm trong tay mọi chủ quyền. Tiên Tri Isaiah nhìn thấy trước 2 điều sẽ xảy ra khi dân biết ăn năn trở lại:
(1) Tương lai gần: Chúa sẽ cho dân hồi hương để tái thiết lại Đền Thờ và xứ sở: “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Jerusalem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh. Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Judah rằng: “Kìa Thiên Chúa các ngươi!" Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên.”
(2) Tương lai xa: Chúa sẽ gởi Đấng Thiên Sai đến để cai trị dân Ngài: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.”
2/ Phúc Âm: Cha của anh em không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.
Con người có thể đặt câu hỏi: Làm sao Thiên Chúa có thể biết và quan tâm đến tất cả mọi người trong thế giới này? Chỉ trong 3 câu ngắn ngủi của Tin Mừng Matthêu, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy quyền năng và sự quan tâm của Thiên Chúa đến tất cả mọi người.
2.1/ Thiên Chúa luôn tìm kiếm, dù chỉ một con chiên lạc: Chúa Giêsu đặt câu hỏi với con người: "Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?” Đối với con người, một con chiên lạc không đáng kể gì, vì vẫn còn 99 con chiên khác; nhất là đối với những con chiên không chịu vâng lời, cố tình đi lạc. Nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài để 99 con chiên lại để đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được.
2.2/ Ngài vui mừng khi tìm thấy con chiên lạc: Không những đi tìm con chiên lạc, “và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thế giới hôm nay đề cao chủ nghĩa cá nhân: chỉ quan tâm đến những gì ích lợi cho mình, và gạt bỏ những gì gây gánh nặng cho cuộc sống: người già, bệnh nhân, kẻ thù. Nếu Thiên Chúa cũng lọai bỏ như con người, làm sao chúng ta có cơ hội được cứu độ?
- Như lời Kinh Lạy Cha chúng ta đọc hằng ngày: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con;” chúng ta phải tha thứ cho nhau trước khi xứng đáng được Thiên Chúa tha thứ.
- Cách tốt nhất để dễ tha thứ cho tha nhân là năng lãnh nhận Bí-tích Hòa Giải. Mỗi khi xét mình trước khi xưng tội, chúng ta nhận ra rất nhiều cái đáng ghét nơi con người của mình. Điều này làm chúng ta nhìn lỗi lầm của tha nhân với lòng bao dung hơn, vì họ cũng yếu đuối tội lỗi như mình. Người không năng xét mình xưng tội rất dễ kết án tha nhân, vì họ tưởng mình không có tội.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Bài đọc: Gen 3:9-15, 20; Eph 1:3-6, 11-12; Lc 1:26-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khiêm nhường và vâng phục Thiên Chúa là hai chìa khóa chiến thắng tội lỗi và sự chết.
Nhiều tác giả đã ví cuộc đời con người như một giao tranh giữa sự thiện và sự ác, giữa sự thật và sự gian manh, giữa ánh sáng và bóng tối, và giữa sự sống và sự chết. Điều quan trọng nhất là làm sao con người có thể chiến thắng trong cuộc chiến tại thế gian này?
Các Bài Đọc hôm nay muốn chúng ta học hỏi cẩn thận hai mẫu gương chiến bại và chiến thắng của các tiền nhân. Trong Bài Đọc I, ông Adong và bà Evà đã bị thảm bại vì những lời cám dỗ điêu ngoa của con rắn. Nó khơi dậy tính kiêu ngạo để ông bà bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Hậu quả là ông bà phải xa cách và lẩn trốn Thiên Chúa. Trong Bài Đọc II, nhờ sự khiêm nhường và vâng phục Thiên Chúa của Đức Kitô qua biến cố Nhập Thể, con người đã nhận được hết ơn này đến ơn khác: được tha tội, được trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, và được hưởng đầy tràn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Phúc Âm, nhờ sự khiêm cung và vâng phục Thiên Chúa của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ được Vô Nhiễm Nguyên Tội, được làm Mẹ Thiên Chúa, và qua Mẹ, lời hứa ban Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa được thành tựu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.
1.1/ Tội của Adam và Eve làm con người xa cách Thiên Chúa: Khi con người chưa phạm tội, con người có mối liên hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, với tha nhân, và với các tạo vật của Thiên Chúa. Khi con người phạm tội, các mối liên hệ này đều bị thiệt hại.
(1) Con người sợ hãi và lẩn tránh Thiên Chúa: Khi Ngài đi tìm con người sau khi họ đã phạm tội, Ngài hỏi họ: "Ngươi ở đâu?" Con người thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn." Sự trần truồng làm cho con người bị xấu hổ và lẩn tránh Thiên Chúa; điều này đã không xảy ra trước khi con người phạm tội. Tội lỗi làm cho con người xấu hổ và sợ hãi khi phải đối diện với Thiên Chúa. Đức Chúa tiếp tục hỏi con người: "Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?" Tội nguyên tổ là tội kiêu ngạo và không vâng phục Thiên Chúa. Con người muốn được như Thiên Chúa để khỏi phải vâng phục những lệnh truyền của Ngài.
(2) Tội lỗi làm tổn thương đến mối liên hệ giữa con người với tha nhân: Trước khi phạm tội, con người yêu thương và tin tưởng lẫn nhau; nhưng sau khi phạm tội, con người nghi ngờ và đổ lỗi cho nhau. Con người thưa với Thiên Chúa lý do của sa ngã: "Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn." Điều này cũng bao gồm việc con người đổ lỗi cho Thiên Chúa: vì Ngài cho con người đàn bà, con đã nghe theo và phạm tội.
(3) Tội lỗi làm rạn nứt mối liên hệ giữa con người với các tạo vật của Thiên Chúa: Theo thánh Thomas Aquinas, trình thuật hôm nay giả định sự sa ngã của các thiên thần. Tác giả muốn dùng hình ảnh của rắn để tượng trưng cho Satan, vì những gian manh và lừa đảo của nó. Ngay từ đầu chương, tác giả đã nói lên điều này: "Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng'' (Gen 3:1). Sự gian manh này cũng được tỏ bày hai lần trong việc con rắn bẻ cong sự thật trong mẩu đối thoại với bà Evà: Lần thứ nhất, rắn hỏi thử người đàn bà: "Có thật Thiên Chúa bảo: Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không'' (Gen 3:2)? Tội lỗi bắt đầu bằng việc bẻ cong sự thật. Lần thứ hai, rắn thuyết phục người đàn bà bằng hai ngụy thuyết: thứ nhất, không có sự chết chóc; thứ hai, phần thưởng khi ăn được là sẽ trở nên như những vị thần biết điều thiện, ác, mà không cần tùy thuộc vào Thiên Chúa.
Đây là cám dỗ muôn đời của nhiều người, họ không muốn nghe ai giảng về luân lý hay bắt họ phải làm gì, tránh gì; nhưng muốn tự họ có quyền xác định điều thiện ác, theo tiêu chuẩn và lề lối suy nghĩ của họ. Bà Evà bị xiêu lòng vì dáng vẻ bên ngoài hấp dẫn của trái cây và ước mong được biết thiện ác như Thiên Chúa, nên đã ăn và đưa cho ông Adong cùng ăn. Khi ông bà nhận ra đã bị rắn lừa dối thì đã quá muộn màng (Gen 3:4-7). Khi Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: "Ngươi đã làm gì thế?" Người đàn bà đổ lỗi cho rắn: "Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn."
1.2/ Mối thù giữa Satan và con người: Trước tiên, Thiên Chúa tuyên án phạt cho con rắn, vì nó là nguyên nhân của tội: "Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.'' Sau đó, là án phạt cho con người, qua sự giao chiến liên tục giữa rắn và con người. Sự giao chiến này được xảy ra trong hai lãnh vực:
(1) Giữa rắn và Người Phụ Nữ: Trình thuật hôm nay có liên quan đến con Mãng Xà và Người Phụ Nữ trong Sách Khải Huyền (Rev 12:1-18). Các học giả dễ đồng ý con Mãng Xà là hiện thân của Satan; nhưng bất đồng trong việc nhận diện Người Phụ Nữ, khi phân tích đoạn văn của Sách Khải Huyền. Một số cho Người Phụ Nữ là Đức Mẹ Maria, số khác cho là Mẹ Giáo Hội. Chúng tôi không thấy có gì mâu thuẫn cả, vì cả hai đều có thể chấp nhận được: Mẹ Maria luôn đồng hành với Giáo Hội trong việc giao chiến với quyền lực của Satan.
(2) Giữa dòng giống của rắn và dòng giống người ấy: "Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." Tuy luôn phải giao chiến; nhưng Thiên Chúa đã ngụ ý phần chiến thắng sẽ về phía miêu duệ của Người Phụ Nữ qua việc ám chỉ "dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi;" và sự vô vọng của rắn "và mi sẽ cắn vào gót nó." Miêu duệ của Người Phụ Nữ trước tiên ám chỉ Đức Kitô, và sau đó, những ai thuộc về Ngài.
2/ Bài đọc II: Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô.
2.1/ Đức Giêsu Kitô là Adam mới.
(1) Nguồn gốc của ơn thánh: Tác giả Thư Ephêsô cho chúng ta biết nguồn gốc và ý nghĩa của ơn thánh, khi ông tuyên xưng: "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần." Ơn thánh phát xuất từ Thiên Chúa, được ban qua Đức Kitô, nhờ công nghiệp của Người. Ơn thánh cũng chính là muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần: ơn bảy nguồn là nguyên nhân sinh ra mười hai hoa quả của Thánh Thần.
(2) Những đặc quyền con người được thừa hưởng: Vì công nghiệp của Đức Kitô qua biến cố Nhập Thể, Thương Khó và Phục Sinh của Người, con người được thừa hưởng những đặc ân như sau:
+ Được trở nên tinh tuyền, thánh thiện: "Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người."
+ Được trở nên các nghĩa tử của Thiên Chúa: "Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô."
+ Được ngợi khen Thiên Chúa: "Để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu."
2.2/ Đức Kitô mang lại vinh quang cho con người: Vì sự sa ngã của ông Adong, con người bị luận phạt và bị chết; nhưng nhờ sự tuân phục của Đức Kitô vào Thiên Chúa, con người được tha thứ mọi tội, được hưởng tràn đầy ơn thánh, và được sống muôn đời. Đây là Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa có từ trước muôn đời, chỉ được mặc khải cho con người khi Đức Kitô xuống thế. Tác giả Thư Ephêsô diễn giải như sau: "Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người."
3/ Phúc Âm: Đức Kitô nhập thể nhờ lời thưa "Xin Vâng" của Đức Trinh Nữ Maria.
3.1/ Thiên Chúa chọn Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế: Trước tiên, chúng ta cần xác định câu 26 trong trình thuật hôm nay là Lời Giới Thiệu tổng quát của Luca trước khi đi vào chi tiết của biến cố Truyền Tin. Điều này giúp chúng ta tránh được việc thắc mắc: Tại sao Mẹ trả lời "không biết đến chuyện vợ chồng" trong câu 34, lại còn "đã thành hôn với một người tên là Giuse" trong câu 26.
Có thể nói hầu hết các danh hiệu của Đức Mẹ mà Giáo Hội tuyên xưng qua các thời đại, có nguồn gốc trong các chi tiết của biến cố Truyền Tin:
(1) Mẹ Maria là Đấng đầy tràn ân sủng và Thiên Chúa luôn ở cùng Mẹ, như lời sứ thần Gabriel chào Đức Mẹ: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."
(2) Mẹ Maria luôn đẹp lòng Thiên Chúa: Sứ thần nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa." Điều này chứng tỏ Mẹ luôn sạch tội.
(3) Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa: "Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao." Hiển nhiên Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu là Con Đấng Tối Cao.
(4) Mẹ là người đem lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ tới chỗ thành tựu: "Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Jacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."
3.2/ Xung đột giữa ý của Thiên Chúa và của Maria: Khi được biết ý của Thiên Chúa qua sứ thần Gabriel, Mẹ Maria cũng trình bày cho sứ thần ý muốn của Mẹ là muốn sống cuộc đời thánh hiến: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Sứ thần mặc khải cho Mẹ Maria biết cuộc thụ thai kỳ diệu, không giống như bất cứ cuộc thụ thai nào trong lịch sử nhân loại: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.''
Điều này có nghĩa Mẹ mang thai mà vẫn còn đồng trinh, như đã được tiên báo trước bởi tiên tri Isaiah 7:14, và được nhắc lại bởi Matthew 1:23. Thánh Luca xác định điều này bằng chứng từ của sứ thần Gabriel: "Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được." Nếu Thiên Chúa có thể cho một người sinh con trong lúc tuổi gìa như Abraham và Sarah, như mẹ của Thủ-lãnh Sampson, như mẹ của Tiên-tri Samuel, hay như Zachariah và Elisabeth trong trình thuật hôm nay, Ngài cũng có thể làm cho Mẹ Maria mang thai con của Ngài và vẫn đồng trinh.
3.3/ Lời thưa "Xin Vâng" của Đức Maria: Câu trả lời của Mẹ dạy chúng ta hai điều: Thứ nhất là thái độ khiêm nhường của Mẹ Maria khi nói với sứ thần: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa!'' Thứ hai là thái độ vâng lời làm theo ý Chúa của Mẹ Maria: "xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Với hai thái độ thích đáng này, Mẹ đã cưu mang Đức Kitô và khai mào kỷ nguyên cứu độ cho nhân loại.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hậu quả của tội lỗi là do lòng kiêu ngạo và sự bất tuân lệnh Thiên Chúa của ông Adong và bà Evà. Chúng ta phải cố gắng hết sức khử trừ hai tội nguy hiểm này.
- Hiệu quả của ơn phúc tuôn tràn trên con người là do tình thương của Thiên Chúa, sự khiêm nhường và làm theo thánh ý Thiên Chúa của Đức Kitô và Mẹ Maria.
- Chúng ta vẫn còn đang phải chiến đấu với Satan và đồng bọn của hắn, vì đó là mối thù truyền kiếp; nhưng chúng ta được hứa sẽ chiến thắng, nếu chúng ta khiêm nhường và làm theo thánh ý Thiên Chúa như Đức Kitô và Mẹ Maria.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật II Mùa Vọng, Năm B
Bài đọc: Isa 40:1-5, 9-11; II Pet 3:8-14; Mk 1:1-8
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Chúa.
Thông điệp chính của Chủ Nhật I Mùa Vọng là nhìn lại cuộc đời mỗi người để nhận ra sự cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời. Thông điệp chính của Chủ Nhật này, tuần II Mùa Vọng: Phải chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Chúa, để dọn đường cho Chúa vào nhà của mỗi người. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah đòi dân Do-Thái điều mà tác giả một bài hát Mùa Vọng của Việt Nam sắp xếp lại cho dễ nhớ: “quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống.” Trong Bài đọc II, Thánh Phêrô đòi các tín hữu: “trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an.” Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả lặp lại lời Tiên Tri Isaiah: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” Ông kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa an ủi dân Người.
Bài đọc hôm nay, bắt đầu chương 40, là phần giới thiệu của Sách thứ hai của Tiên Tri Isaiah. Sách này được viết trong Thời Lưu Đày (721-538 BC). Lưu đày nơi xứ lạ quê người, dân Do-Thái phải đương đầu với nhiều đau khổ, và có nguy hiểm đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa.
1.1/ Tin Mừng được loan báo: Thiên Chúa, mặc dù phải sửa phạt để thanh luyện dân, vẫn không ngừng theo dõi và quan tâm đến cuộc sống của họ. Ngài sai các tiên tri đến để sống với, an ủi, và khích lệ dân đừng đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa, như Tiên Tri Isaiah nói: Thiên Chúa anh em phán: "Hãy an ủi, an ủi dân Ta. Hãy ngọt ngào khuyên bảo Jerusalem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm." Qua những lời an ủi này, Tiên Tri muốn nói với dân: Chúa sửa phạt vì muốn cho họ trở nên tốt, chứ không phải vì ghét bỏ và muốn tiêu diệt họ.
1.2/ Chuẩn bị đường cho Chúa tới: Thời gian Lưu Đày được ví như thời gian mà Môsê hướng dẫn dân suốt 40 năm trong sa mạc trước khi vào Đất Hứa. Thời gian này cần vì nó giúp dân thanh tẩy những thói hư tật xấu: càm ràm, than trách, so đo, mê ăn uống, vô ơn, thờ bụt thần.
Cũng thế, trước khi Thiên Chúa phóng thích dân khỏi lưu đày và cho hồi hương để kiến thiết xứ sở, Ngài đòi dân phải thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi tính hư tật xấu, tượng trưng bằng hình ảnh chuẩn bị “một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta.” Tiên Tri đưa ra cách cho dân lưu đày cần phải chuẩn bị:
- Quanh co uốn cho ngay: cần dẹp bỏ những mưu mẹo gian manh để đánh lừa người khác.
- Gồ ghề san cho phẳng: cần san phẳng những ghen ghét, tị hiềm, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian.
- Hố sâu lấp cho đầy: cần lấp đầy những lòng tham không đáy về những sự thế gian: tiền của, uy quyền, danh vọng, thỏa mãn xác thịt.
- Núi đồi phải bạt xuống: những kiêu ngạo khinh thường Thiên Chúa và tha nhân phải bạt xuống; đồng thời biết khiêm nhường thực thi những lời Chúa dạy bảo qua các tiên tri.
1.3/ Thiên Chúa sẽ viếng thăm Dân Ngài: Sau khi con người đã thanh tẩy tâm hồn, “Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người sẽ cùng được thấy miệng Đức Chúa đã tuyên phán." Điều Tiên Tri nhìn thấy trước ở đây không phải chỉ là Ngày dân Do-Thái được giải phóng, hồi hương; nhưng còn là Ngày Đấng Cứu Thế xuất hiện và dạy dỗ họ.
Tiên Tri nói về Đấng Cứu Thế như sau: “Kìa Thiên Chúa các ngươi! Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên.” Đấng Cứu Thế sẽ lập nhiều chiến công hiển hách; tất cả những chiến công Người đạt được, dân chúng sẽ được hưởng những chiến công này.
Tiên Tri nói tiếp: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.” Đấng Cứu Thế không những là Vua, Người còn là Mục Tử Nhân Lành. Người sẽ tận tình dẫn dắt cả chiên mẹ và chiên con. Đây là hình ảnh Đức Kitô khi Người tuyên xưng: “Ta là Mục Tử Nhân Lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Jn 10:14).
2/ Bài đọc II: Phải kiên nhẫn chờ đợi!
2.1/ Điều Chúa hứa chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng phải kiên nhẫn chờ đợi: Các tín hữu tiên khởi cũng hiểu sai về Ngày của Thiên Chúa. Họ tưởng Ngày Chúa đến lần hai sẽ xảy ra ngay trong thời đại của họ; nhưng khi thấy chờ mãi không xảy ra, họ chán nản và nhiều người quay về nếp sống cũ. Cả hai Thánh Phêrô và Phaolô (Thư gởi các tín hữu Thessalonica) cùng khuyên dân phải kiên nhẫn đợi chờ. Các Ngài cắt nghĩa các lý do như sau:
(1) Thời gian của Thiên Chúa khác với thời gian của con người: Thánh Phêrô nói: “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ.”
(2) Lý do tại sao phải tỉnh thức chờ đợi: Ngày của Chúa chưa tới, vì:
- Chúa muốn mọi người đều có cơ hội ăn năn: “Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người ăn năn hối cải.”
- Sự bất ngờ của Ngày Chúa đến: “Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ.”
2.2/ Phải chuẩn bị xứng đáng để đón nhận Chúa: Cũng một tư tưởng như Tiên Tri Isaiah trong Bài đọc I và Marco trong Phúc Âm, Thánh Phêrô khuyên các tín hữu trong khi chờ đợi Ngày Chúa đến, họ phải sống đạo đức, công chính, và thánh thiện tinh tuyền: “Anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an.” Nếu không chuẩn bị, họ sẽ phải chung số phận với sự tiêu tan của vũ trụ: “Muôn vật phải tiêu tan như thế, thì anh em phải là những người tốt dường nào, phải sống đạo đức và thánh thiện biết bao, trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng.”
3/ Phúc Âm: Tin Mừng được loan báo.
3.1/ Gioan Tẩy Giả dọn đường cho Đức Kitô: Bắt đầu từ hôm nay, Tin Mừng của Marco sẽ được dùng trong suốt Năm Phụng Vụ B. Thánh Marco mở đầu Tin Mừng của ngài bằng câu: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.”
(1) Tin Mừng và người loan báo Tin Mừng: Tin Mừng là chính Đức Kitô, Người Con của Thiên Chúa. Người loan báo Tin Mừng có thể là chính Đức Kitô, khi Người mặc khải về Thiên Chúa Cha; hay các tiên tri, như Tiên Tri Isaiah trong Bài đọc I, các môn đệ của Chúa Giêsu; và ngay cả mọi tín hữu khi chúng ta rao giảng Tin Mừng.
(2) Sứ giả đi trước để dọn đường: Thánh Gioan Tẩy Giả là sứ giả đi trước để dọn đường cho Đức Kitô. Chúng ta biết sau Thời Lưu Đày (538 BC) cho đến thời Đấng Cứu Thế, cả hơn 500 năm, không có một tiên tri nào trong Israel cho đến thời của Gioan Tẩy Giả, ông được coi là tiên tri sau cùng của Cựu Ước, và là tiên tri giao thời giữa Cựu và Tân Ước. Sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả là ứng nghiệm lời của các tiên tri đã nói về ông:
- Ứng nghiệm lời tiên tri Malachi: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con” (Mal 3:1). Đúng theo lời đó, ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, ông đi trước để dọn đường cho Đức Kitô.
- Ứng nghiệm lời tiên tri Isaiah trong Bài đọc I hôm nay: “Có tiếng hô trong sa mạc.” Tiếng hô trong sa mạc là chính Gioan Tẩy Giả. Ông Gioan sống trong sa mạc, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Cuộc sống đơn giản của Gioan Tẩy Giả giúp chúng ta suy nghĩ về lối sống của người môn đệ Chúa: chúng ta có cần lệ thuộc quá nhiều vào vật chất như cuộc sống của mỗi người chúng ta hiện nay không?
(3) Sứ điệp của sứ giả dọn đường: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” Sứ điệp này cũng đã được Isaiah đề cập chi tiết trong Bài đọc I.
(4) Phép Rửa để tha tội: Theo truyền thống Do-Thái, Phép Rửa này chỉ dành cho những người muốn trở lại đạo Do-Thái: người tân tòng phải chịu cắt bì – dâng của lễ đền tội – và chịu thanh tẩy bằng nước. Điểm đặc biệt trong trình thuật hôm nay, Gioan bắt ngay cả những người Do-Thái gốc cũng phải lãnh nhận Phép Rửa này: “Mọi người từ khắp miền Judah và thành Jerusalem kéo đến với ông.” Sở dĩ Gioan Tẩy Giả bắt họ cũng phải qua tiến trình này vì có những người Do-Thái chỉ có đạo trên danh nghĩa mà không thực sự biết kính sợ Thiên Chúa. Cũng như có những người Công Giáo mà không bao giờ thực hành đạo của mình.
(5) Phải thú tội trước khi làm phép rửa: “Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Jordan.” Một cuộc hóan cải đòi hối nhân phải nhận ra tình trạng tội lỗi của mình, sự tốt lành của Thiên Chúa, và thành tâm thú nhận tội lỗi trước khi xứng đáng được hưởng ơn tha thứ. Tất cả những gì được mô tả trong trình thuật hôm nay, là căn bản cho thần học về 2 Bí-tích: Rửa Tội và Giao Hòa (hay Giải Tội).
3.2/ Gioan Tẩy Giả nói về Đấng Cứu Thế: một cách vắn tắt như sau:
(1): Người trổi vượt hơn tôi: Ông rao giảng rằng: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.” Một câu rao giảng cũng là một lời tuyên xưng cho mọi người biết: ông biết uy quyền cao cả của Chúa Giêsu, và đồng thời cũng biết sự hèn hạ thấp kém của mình. Ông không muốn ai lẫn lộn ông với Chúa Giêsu.
(2) Phép Rửa để tha tội và Phép Rửa ban ơn thánh: “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.” Phép Rửa của Chúa Giêsu không chỉ tha thứ mọi tội lỗi, nhưng còn ban các ơn của Chúa Thánh Thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải biết chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa. Cách chuẩn bị thích hợp nhất là xét mình để nhận ra các tội của mình đã xúc phạm đến Chúa và tha nhân; sau đó phải thú nhận tội lỗi để xứng đáng lãnh nhận ơn tha thứ.
- Chúng ta phải biết kiên nhẫn đợi chờ Ngày Chúa đến. Trong khi chờ đợi Ngày đó, chúng ta phải biết sống đạo, thực hành công chính, và giữ cho con người luôn tinh tuyền thánh thiện.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Bảy Tuần I MV
Bài đọc: Isa 30:19-21, 23-26; Mt 9:35-38, 10:1, 6-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa lo lắng mọi sự cho Dân Ngài.
Trong cuộc đời, nếu muốn biết ai là người thực sự yêu thương mình, chúng ta cứ việc nhìn vào những công việc họ đã làm cho mình; vì yêu thương thực sự phải bày tỏ qua việc làm. Để có thể nhìn ra những công việc đó, chúng ta phải có thời giờ để nhìn lại quá khứ; đồng thời cũng cần nghe những người khác chia sẻ kinh nghiệm của họ qua sách vở hoặc lời giảng.
Các Bài đọc hôm nay giúp cho con người nhận ra tình thương Thiên Chúa qua những gì Ngài đã, đang, và sẽ làm cho con người. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah muốn nói cho con người biết: Chúa yêu thương con người ngay cả trong khi Ngài sửa dạy con người. Mục đích của việc sửa dạy không phải là để tiêu diệt, làm nhục, hay hành hạ con người; nhưng là để thanh luyện, để con người nhận ra sự sai trái lầm lạc của mình, và quay về với tình yêu thực sự của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không những thân hành dạy dỗ và chữa lành bệnh tật cho dân; nhưng còn chọn và huấn luyện các môn đệ, ban quyền hành cho các ngài, và sai đi tới những nơi mà Chúa không thể đi tới. Các môn đệ, và những người kế vị các ngài trong Giáo Hội, vẫn tiếp tục làm những gì Chúa làm: rao giảng sự thật, chữa lành, và đem mọi người về cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa yêu thương sửa dạy và chuẩn bị tương lai cho dân.
1.1/ Thiên Chúa sửa dạy vì yêu thương: Con người khó chấp nhận lý do phải sửa dạy vì yêu thương; nhưng bậc làm cha mẹ hiểu rõ điều này, nên các ngài thường nói, “yêu cho roi cho vọt; ghét cho ngọt cho bùi.” Một em bé với trí khôn non nớt không thể hiểu điều này, em cho cha mẹ sửa phạt là vì ghét bỏ em; nhưng khi lớn lên rồi và nhìn lại cuộc đời, em mới thấy những lợi ích của việc sửa phạt. Nếu cha mẹ cứ để em làm những gì em muốn, em sẽ không thành công như ngày hôm nay; và có khi còn bị lãnh nhận những hậu quả xấu nữa.
Tiên tri Isaiah nhìn thấy trước những tai họa mà Israel sắp phải chịu vì phản nghịch Thiên Chúa, và tiên tri cũng hiểu tâm trạng của dân sẽ phản ứng khi phải đương đầu với nghịch cảnh; nên ông an ủi và cắt nghĩa cho dân biết mục đích của việc sửa phạt và tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân: “Phải, hỡi dân Sion đang ở Jerusalem, ngươi sẽ không còn phải khóc nữa. Khi ngươi kêu cứu, Người sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi; nghe tiếng ngươi kêu là Người đáp lại. Chúa Thượng sẽ cho ngươi chút bánh đau thương và ít nước khốn cùng; nhưng Đấng dạy dỗ ngươi sẽ không lìa bỏ ngươi, và mắt ngươi sẽ thấy Đấng dạy dỗ ngươi.”
Bản dịch của Nhóm PVCGK dịch không đúng câu Isa 30:20 khi dịch: “Chúa Thượng sẽ ban cho ngươi bánh ăn trong lúc ngặt nghèo, và nước uống trong cơn khốn quẫn. Đấng dạy dỗ ngươi sẽ không còn lánh mặt, và mắt ngươi sẽ thấy Đấng dạy dỗ ngươi.” Theo Bản Bảy Mươi và Bản Do-Thái, chúng ta phải dịch như trên. Ngay cả theo nội dung, chúng ta phải chấp nhận lối dịch này: Chúa sẽ để cho quân thù cho dân ăn bánh đau thương và uống nước khốn quẫn. Điều này làm dân cảm thấy Chúa đã bỏ họ; nhưng tiên tri khích lệ họ: Thiên Chúa không lìa bỏ dân. Sau khi sửa phạt và dân biết ăn năn, Chúa sẽ tiếp tục chăm sóc cho dân.
1.2/ Mọi người sẽ được Chúa dạy dỗ: “Khi ngươi lưỡng lự không biết quẹo phải hay trái, tai ngươi sẽ được nghe một tiếng nói từ phía sau: "Đây là đường, cứ đi theo đó!"” Tiên Tri Isaiah và Jeremiah của Cựu Ước đã nhìn thấy trước ngày “mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ” (x/c Isa 54:13, Jer 31:33). Thánh Gioan cũng lặp lại lời tiên tri ám chỉ Chúa Giêsu (Jn 6:45), và Thánh Thần (I Jn 2:27). Lời Chúa và ơn của Thánh Thần sẽ soi sáng cho con người biết đi đúng đường.
1.3/ Sau cơn mưa, trời lại sáng: Tòan cõi Israel chỉ còn lại đống tro tàn sau khi Assyria và Babylon xâm lấn, nhưng Thiên Chúa sẽ cho dân Do-Thái còn xót lại hồi hương và tái thiết lại xứ sở và phồn thịnh hơn xưa. Tiên Tri Isaiah quả quyết: “Chúa sẽ làm mưa trên hạt giống ngươi gieo trồng, cho lương thực, sản phẩm của đất đai, thật dồi dào béo bổ. Ngày đó, súc vật ngươi chăn nuôi sẽ ăn trên những đồng cỏ xanh bát ngát. Bò lừa cày ruộng sẽ được ăn cỏ khô trộn muối, cỏ người ta đã lấy xẻng và chĩa mà rải ra. Vào ngày Đức Chúa băng bó vết thương cho dân Người, và chữa lành những chỗ nó bị đánh, ánh sáng mặt trăng sẽ nên như ánh sáng mặt trời, và ánh sáng mặt trời sẽ tăng gấp bảy - ánh sáng của bảy ngày.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu yêu thương, chăm sóc mọi sự cho dân.
2.1/ Ngài chăm sóc dân chúng cả phần hồn lẫn phần xác: Tất cả những điều này đã được tường thuật bởi cả 4 Thánh Ký:
(1) Ngài dạy dỗ dân chúng: “Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời.”
(2) Ngài chữa lành mọi vết thương hồn xác: “Chúa Giêsu chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.”
(3) Ngài cho dân ăn: bằng làm phép lạ Bánh hóa nhiều.
2.2/ Ngài lo cho tương lai của dân: Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Vì thế, Chúa Giêsu chọn và huấn luyện các môn đệ để tiếp tục công việc của Ngài vì: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.” Giáo Hội vẫn tiếp tục công việc của Đức Kitô bằng việc mời gọi, chọn lựa, huấn luyện, và sai các thợ gặt đi để hướng dẫn các thế hệ tương lai.
Sau khi đã chọn và huấn luyện các môn đệ, Đức Giêsu gọi 12 môn đệ lại, ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền, và sai các ông đi với lệnh truyền: “Hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” Lý do tại sao Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đến với các chiên lạc nhà Israel trước vì họ là Dân Riêng. Một lý do khác nữa là muốn rao giảng thành công phải bắt đầu từ nhóm nhỏ; rồi từ từ lan rộng ra. Sau khi Chúa về trời, các môn đệ tản mác khắp nơi và rao giảng Tin Mừng cho mọi người.
Đức tin là quà tặng vô giá được cho không bởi Thiên Chúa và sự rao giảng của những nhà truyền giáo; vì thế, người đã lãnh nhận đức tin cũng phải cho không thời gian, sức lực, tài năng cho việc rao truyền Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Bằng việc quan sát các hiện tượng trong trời đất, đọc Kinh Thánh và các tài liệu lịch sử, và nhìn lại quá khứ mỗi người; chúng ta nhận thấy rõ ràng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Không ai yêu chúng ta bằng Thiên Chúa.
- Vì yêu thương nên Thiên Chúa phải sửa phạt con người. Nếu Thiên Chúa không sửa phạt và để con người tự do làm theo những gì mình muốn, con người sẽ xa Thiên Chúa và không thể đạt tới đích điểm của cuộc đời.
- Hình phạt Thiên Chúa dùng không phải để tiêu diệt, nhưng để thanh tẩy con người. Hình phạt giúp con người nhận ra những sai trái lầm lỗi của mình, để biết quay trở về với tình yêu đích thực của Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần I MV
Bài đọc: Isa 29:17-24; Mt 9:27-31.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải kiên nhẫn trước khi đạt được điều hy vọng.
Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Giáo Hội muốn các tín hữu mong đợi không chỉ môt ngày hay chỉ ít giờ trước Thánh Lễ Nửa Đêm; nhưng là cả 4 tuần lễ. Tại sao cần một thời gian dài chuẩn bị như thế? Lý do là để con người có dịp đọc lại lịch sử ơn cứu độ qua Lời Chúa, hồi tâm và suy xét cuộc đời mình để nhìn ra sự khác biệt giữa một người có Chúa và một người không có Chúa; những gì được hưởng và những gì bị thua thiệt. Một khi nhìn ra những điều đó, con người sẽ nhận thấy sự cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời; và sẽ nhiệt thành chuẩn bị để có được Chúa trong cuộc đời. Các Bài đọc hôm nay giúp con người nhận ra sự cần thiết đó. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah cho dân thấy những lợi ích con người sẽ được hưởng khi Đức Chúa can thiệp vào đời sống của dân Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không phải chỉ chữa lành người mù, nhưng giúp các ông nhận ra lợi ích của việc đặt trọn vẹn niềm tin và hy vọng nơi Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thị kiến về Ngày Đấng Thiên Sai sẽ đến.
1.1/ Những lợi ích Đấng Thiên Sai sẽ mang đến cho dân Ngài:
(1) Con người thu thập mùa màng hoa trái: “Chỉ còn chút nữa, chút ít nữa thôi, núi Liban sẽ lại thành vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ sum sê như một cánh rừng.”
(2) Mọi bệnh nhân sẽ được chữa lành: “Ngày ấy, kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy.”
(3) Kẻ nghèo hèn sẽ được sống: “Nhờ Đức Chúa, những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn khởi, và vì Đức Thánh của Israel, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng.”
(4) Ác nhân sẽ bị tiêu diệt: “Thật vậy, loài bạo chúa đã không còn nữa, quân ngạo mạn sẽ phải tiêu vong, và mọi kẻ rắp tâm làm điều ác ắt sẽ bị diệt trừ: đó là những kẻ dùng lời nói làm cho người ta bị kết tội, và cho người xử án tại cửa công phải mắc bẫy; chúng dùng những lời lẽ vô căn cứ mà làm cho người công chính bị gạt ra ngoài.”
1.2/ Nhà Israel sẽ nhận ra quyền năng Thiên Chúa và biết kính sợ Ngài: Sở dĩ Thiên Chúa để quân ngọai bang giầy xéo Israel là vì họ đã không còn kính sợ và nghe theo Lời Chúa; nhưng nếu họ biết ăn năn trở lại, họ sẽ nhìn thấy quyền năng Thiên Chúa được tỏ hiện trên quân thù. Tiên Tri xác quyết một khi đã được Thiên Chúa chăm sóc, họ sẽ không còn bị nhục nhã xấu hổ với quân thù: “Từ nay Jacob sẽ không còn phải xấu hổ, từ nay nó sẽ không còn bẽ mặt thẹn thùng, vì khi Jacob nhìn thấy nơi nó những công trình tay Ta đã làm, nó sẽ tuyên xưng danh Ta là thánh, sẽ tuyên xưng Đấng Thánh của Jacob là thánh, và sẽ kính uý Thiên Chúa của Israel. Những người tâm trí lầm lạc sẽ có được sự hiểu biết, và những kẻ ương ngạnh sẽ chấp nhận lời răn dạy.”
2/ Phúc Âm: Các anh tin thế nào thì được như vậy.
2.1/ Chúa thử 2 người mù: Trình thuật kể: “Đang khi Đức Giêsu ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: "Lạy Con Vua David, xin thương xót chúng tôi!" Khi Đức Giêsu về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần.” Tại sao Chúa Giêsu không chữa 2 người mù ngay khi còn trên đường, mà bắt họ chờ cho tới khi về đến nhà? Thời gian chờ đợi làm cho con người biết đánh giá đúng những gì mình cần; vì điều gì nhận được quá nhanh chóng và quá dễ dàng thường sẽ không giúp con người đánh giá đúng điều mình nhận được, và dễ dàng coi rẻ hay hoang phí quà tặng. Chẳng hạn, số tiền góp nhặt được do mồ hôi nước mắt làm ra sẽ làm con người cẩn thận trong việc tiêu xài hơn là số tiền được thừa hưởng.
2.2/ Tuyên xưng đức tin: Trước khi ban ơn như họ xin, Chúa Giêsu nói với họ: "Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?" Họ đáp: "Thưa Ngài, chúng tôi tin." Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: "Các anh tin thế nào thì được như vậy." Mắt họ liền mở ra. Chúa Giêsu đến không chỉ để làm phép lạ, nhưng để khơi dậy niềm tin của con người vào Ngài. Rất nhiều người đến với Chúa chỉ vì để được phép lạ, mà quên đi Đấng có uy quyền làm phép lạ. Họ quên đi phép lạ họ được hưởng chỉ xảy ra một lần, nhưng cuộc đời họ còn cần biết bao những phép lạ khác nữa. Hơn nữa, họ đã không nhìn ra được tình yêu và bao nhiêu ơn lành của Thiên Chúa đã dành sẵn cho họ.
Tin Mừng Gioan chú trọng nhiều hơn đến những gì xảy ra sau phép lạ, nhất là những phản ứng khác nhau của con người.
2.3/ Bí mật của Đấng Thiên Sai: Trong Tin Mừng Marco, rất nhiều lần Chúa Giêsu muốn những người được chữa lành phải giữ “bí mật của Đấng Thiên Sai.” Trường hợp hôm nay là một ví dụ điển hình, Chúa Giêsu nghiêm giọng bảo họ: "Coi chừng, đừng cho ai biết!" Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng. Thông thường, những người nổi tiếng có thói quen muốn nhiều người biết đến mình; tại sao Chúa Giêsu muốn họ giữ bí mật phép lạ? Hơn nữa, ca tụng sự tốt lành của Thiên Chúa là điều cần nói ra để mọi người được biết, tại sao Chúa lại ngăn cản? Có ít nhất 2 lý do tại sao Chúa làm như thế:
(1) Lý do chính là vì Chúa không muốn con người quen thuộc với hình ảnh một Đấng Thiên Sai uy quyền, có sức mạnh làm được mọi sự, và sẽ giải phóng dân chúng, như truyền thống Do-Thái tin về Đấng Thiên Sai. Vì chẳng bao lâu nữa, Chúa sẽ phải chịu mọi cực hình trong Cuộc Thương Khó, và ngay cả chịu chết trên Thập Giá để chuộc tội cho con người. Khi nhìn thấy một Đấng Thiên Sai chịu mọi cực hình như thế, liệu họ còn tin nơi Ngài nữa không? Họ cần học để biết Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa qua con đường đau khổ.
(2) Một lý do nữa là Chúa không muốn con người đến với Chúa chỉ vì được ơn bởi phép lạ, nhưng muốn họ đến với người vì thành thật tin yêu. Tình yêu đặt căn bản trên lợi nhuận không phải là tình yêu thành thật. Ví dụ, không ai trong con người muốn người khác yêu mình vì có nhiều tiền, có quyền lực để ban ơn …, nhưng muốn họ yêu như mình là và trung thành đến cùng cho dù mình bị mất tất cả.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hy vọng phải có thời gian chờ đợi để giúp con người nhận ra sự quan trọng của điều mình mong muốn. Nếu mọi sự được ban quá dễ dàng và nhanh chóng, chúng ta sẽ không đánh giá đúng được món quà nhận được và sẽ dễ dàng hoang phí nó.
- Món quà nhiều khi chỉ mang những giá trị bên ngòai, nhưng tình yêu của người cho còn có giá trị hơn bội phần. Rất nhiều lần trong cuộc đời, chúng ta đã không nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, cha mẹ, và tha nhân; mà chỉ để ý đến quà tặng.
- Thiên Chúa không muốn chúng ta đến với Ngài chỉ để xin ơn; một khi đã đạt được điều mong muốn là không nhớ gì đến Ngài nữa, và chạy theo đủ mọi thứ bụt thần chóng qua. Ngài muốn chúng ta đến với Ngài bằng một tình yêu chân thật, học hỏi để có khôn ngoan của Thiên Chúa, và biết sống thế nào để được hưởng hạnh phúc chân thật và bình an đời đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần I MV1
Bài đọc: Isa 26:1-6; Mt 7:21, 24-27.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cuộc đời chúng ta phải được xây trên tảng đá vững chắc là Thiên Chúa.
Tất cả các mối liên hệ trong cuộc đời đều đòi phải có hai chiều: chiều cho đi và chiều nhận lại. Ví dụ, Thánh Phaolô dạy, để có hạnh phúc trong mối liên hệ vợ chồng: vợ phải vâng lời chồng và chồng phải yêu thương vợ. Càng đúng hơn trong mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Nếu Ngài đã thương yêu, lo lắng, mặc khải mọi sự cho con người được an bình hạnh phúc; con người phải biết tin tưởng, cậy trông, và làm theo những gì Lời Chúa mặc khải. Nếu con người không chịu đáp trả tình thương, vâng lời những gì Thiên Chúa dạy, và cứ làm theo những gì họ muốn; làm sao họ có thể đạt được bình an và sống hạnh phúc?
Các Bài đọc hôm nay đều liên quan tới mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Bài đọc I nói lên tất cả những gì Chúa đã chuẩn bị cho con người để có một cuộc sống vững chắc. Phúc Âm nhấn mạnh tới bổn phận con người cần đáp trả lại; phải thực hành Lời Chúa thì đời sống con người mới vững vàng, và không có chi lay chuyển được.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thương yêu và bảo vệ Dân Ngài.
1.1/ Thiên Chúa là thành trì kiên cố: Jerusalem chính là tiêu biểu của thành trì này. Mặc dù Thiên Chúa đã để cho quân đội Babylon xâm lấn và phá hủy Đền Thờ vì dân không chịu nghe theo những gì Thiên Chúa dạy; nhưng chính Ngài sẽ cho tái thiết lại Đền Thờ và Thành Jerusalem sau cuộc Lưu Đày. Tiên tri nói trước về ngày này: “Ngày ấy, trong xứ Judah, người ta sẽ hát bài ca này: Chúng ta có thành trì vững chắc, Chúa đã đặt tường trong luỹ ngoài để chở che.” Đền Thờ và tường Thành được hòan tất khoảng 20 năm sau khi dân Do-thái từ nơi lưu đày trở về.
Thiên Chúa đã chuẩn bị cho dân một thành trì vững chắc, nhưng dân phải tin tưởng và làm theo những gì Ngài dạy, thì họ mới được sống an vui và hạnh phúc. Tiên tri nói tiếp: “Mở cửa ra cho dân tộc công chính bước vào, một dân tộc trọn niềm trung nghĩa. Lạy Chúa, Ngài quyết giữ cho dân được an cư lạc nghiệp, vì họ tin vào Ngài.”
1.2/ Đức Chúa là Núi Đá bền vững ngàn năm: Núi Đá thường được dùng để chỉ Núi Sion nơi mà Đền Thờ và Thành Jerusalem được xây dựng trên đó; là một biểu tượng thường xuyên Cựu Ước dùng để chỉ sự vững bền của Thiên Chúa. Chẳng hạn, trong Thánh Vịnh 18:2-3: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.” Tiên tri Isaiah khuyến khích dân đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Thiên Chúa: “Đến muôn đời, hãy tin vào Đức Chúa: chính Đức Chúa là núi đá bền vững ngàn năm.”
Không những xây dựng thành trì vững chắc cho dân ẩn náu, Thiên Chúa còn triệt hạ quân thù, những kẻ mưu đồ ức hiếp dân. Quân thù này bao gồm cả những vua quan của Do-Thái, những người lợi dụng quyền thế để ức hiếp dân nghèo. Đọan văn kế tiếp có lẽ tiên tri ám chỉ biến cố xảy ra vào năm 587 BC, khi Babylon triệt hạ Jerusalem và bắt vua quan của Judah đi lưu đày: “vì Người đã lật nhào dân sống ở núi cao, thành trì kiên cố, Người đã triệt hạ, triệt hạ cho bình địa chỉ còn là bụi đất. Nó sẽ bị chà đạp dưới chân, dưới chân người cùng khổ, dưới gót kẻ yếu hèn.”
2/ Phúc Âm: Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.
2.1/ Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người không chỉ tòan lời nói: Nhiều người thích nói lời yêu thương mặc dù những lời yêu thương không chân thành; nhiều người cũng thích nghe những lời yêu thương mặc dù đó là những lời yêu thương giả dối, như lời của một bài hát: “Tôi xin người cứ gian dối, cho tôi tưởng người cũng yêu tôi… Tôi xin người cứ gian dối, nhưng xin người đừng lìa xa tôi!” Chuyện đó không thể xảy ra với Thiên Chúa, vì Ngài yêu mến sự thật và có thể nhìn thấu suốt tâm hồn của từng người. Chúa Giêsu cảnh cáo mọi người: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! Lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”
2.2/ Mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa phải được biểu tỏ qua việc nghe và giữ Lời Chúa: Vì yêu thương, Thiên Chúa săn sóc và quan tâm đến đời sống con người; Ngài muốn con người được hạnh phúc và không muốn con người phải đau khổ. Là Đấng tạo thành con người và điều khiển vũ trụ, Thiên Chúa biết rõ những gì lợi ích và những gì gây đau khổ cho con người. Đó là lý do tại sao Ngài ban Lề Luật như hàng rào để gìn giữ con người đừng vượt rào kẻo phải chịu đau khổ. Nhưng nếu con người dùng tự do để không làm theo những gì Chúa dạy, con người phải lãnh nhận mọi khổ đau của việc dùng tự do không đúng cách.
Ngòai Lề Luật, Thiên Chúa còn mặc khải cho con người những sự khôn ngoan của Thiên Chúa qua tòan bộ Kinh Thánh. Con người cần phải học cho biết tất cả những Lời này, và đem ra áp dụng trong cuộc sống, thì sẽ thóat mọi hiểm nguy cuộc đời và được sống hạnh phúc. Chúa Giêsu dùng 2 hình ảnh trái ngược: xây nhà trên đá và xây nhà trên cát để chỉ người khôn ngoan hay người ngu dại mà khán giả của Ngài hiểu ngay:
(1) Người khôn ngoan: "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.”
(2) Người ngu dại: “Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mùa Vọng là thời gian cho mỗi người chúng ta nhìn lại mối liên hệ của mình với Thiên Chúa, để xem coi mối liên hệ này đã tiến triển tới đâu, và làm thế nào để cải tiến mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
- Một cách để nhìn lại là xét mình theo Lời Chúa dạy, chúng ta đã thực hành những gì Chúa dạy chúng ta phải làm chưa: Mến Chúa trên hết mọi sự? Yêu tha nhân và giúp đỡ họ như chính mình? Làm chứng cho Chúa bằng rao giảng Tin Mừng và cuộc sống tốt lành?
- Nếu không sống mối liên hệ với Thiên Chúa, làm sao cuộc đời chúng ta có thể an bình và hạnh phúc được? Đừng lạ khi thấy cuộc đời chúng ta đầy dẫy những bi quan, đổ vỡ gia đình, chán người và chán đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần I MV
Bài đọc: Isa 25:6-10; Mt 15:29-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chính Chúa sẽ chăm sóc dân Người.
Sống trong cuộc đời, con người thường xuyên bị đe dọa bởi đói khát, bệnh tật, chiến tranh, hận thù, chết chóc. Con người ước mơ một “thiên đàng trần gian,” khi tất cả những đe dọa này không còn nữa. Nỗi ước mơ này có thể thực hiện hay không? Các Bài đọc hôm nay cho thấy ước mơ này có thể hiện thực trong tương lai. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah nhìn thấy trước Ngày đó, Ngày mà chính Thiên Chúa sẽ thân hành chăm sóc dân chúng, lau khô mọi giòng lệ, và nhất là vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, được sai tới để làm những việc này. Ngài chữa lành mọi tật nguyền và làm phép lạ để có của ăn nuôi dân chúng theo Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông.
Tiên tri Isaiah là tiên tri đã thấy trước 2 cuộc lưu đày của dân Do-Thái: vương quốc miền Bắc bị thất thủ và lưu đày tại Assyria vào năm 721 BC, và vương quốc miền Nam bị thất thủ và lưu đày tại Babylon vào năm 587 BC. Nước mất, nhà tan, Đền Thờ bị phá hủy, nhưng tiên tri được Thiên Chúa cho thấy trước Ngày Thiên Chúa sẽ giải phóng Israel, cho nhóm người còn sót lại được hồi hương, tái thiết quốc gia, và xây dựng lại Đền Thờ. Hơn nữa, Tiên Tri còn được Thiên Chúa cho thấy trước Ngày Đấng Thiên Sai sẽ tới cai trị dân. Thị kiến hôm nay tường thuật những gì Đấng Thiên Sai sẽ thực hiện:
(1) Ngài sẽ cho dân ăn uống: không phải là những thức ăn tầm thường, nhưng là những cao lương mỹ vị và rượu ngon tinh chế: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.”
(2) Ngài sẽ vĩnh viễn tiêu diệt thần chết: Kẻ thù lớn nhất của con người là sự chết vì nó lấy đi tất cả những gì con người có. Đối diện với cái chết, con người không thể làm gì khác là đành chấp nhận. Nhưng khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài sẽ đánh bại thần chết, và đem lại sự sống muôn đời cho con người như Tiên Tri tuyên bố: “Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.” Bằng việc chấp nhận cái chết trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã sống lại khải hòan, và cho mọi người chết sống lại.
(3) Ngài sẽ tiêu diệt mọi khổ đau: “Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô giòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. Đức Chúa phán như vậy.” Đau khổ của con người có nhiều nguyên nhân: bệnh tật, tội lỗi, phân ly. Người sẽ tiêu diệt mọi nguyên nhân gây đau khổ cho con người.
(4) Ngài sẽ tiêu diệt mọi kẻ thù: Tiên tri chỉ đề cập đến Moab ở đây: “Còn Moab sẽ bị giày đạp ngay tại chỗ, như rơm bị nghiền nát trong hố phân.” Có lẽ Moab chỉ là một biểu tượng được dùng để chỉ tất cả các địch thù của con người.
Khi chứng kiến tất cả các điều trên xảy ra, người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ." Và chỉ khi nào hòan tất mọi sự, “Bàn tay Đức Chúa sẽ đặt trên núi này mà nghỉ.”
2/ Phúc Âm: Triều đại của Thiên Chúa đã đến: Đấng Thiên Sai chính là Chúa Giêsu.
Tất cả những gì Tiên Tri Isaiah loan báo hơn 700 năm trước được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Hai điều Chúa Giêsu làm được tường thuật trong Tin Mừng hôm nay:
2.1/ Chúa Giêsu chữa mọi bệnh họan tật nguyền cho dân: Thánh sử Matthêu tường thuật: “Đức Giêsu xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ Galilee. Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Israel.” Không có bệnh gì Chúa Giêsu không chữa lành được; cũng không có một quyền lực nào ngăn cản Ngài không được chữa bệnh.
2.2/ Chúa Giêsu cho dân ăn: Sau khi đã dạy dỗ dân chúng 3 ngày trong nơi hoang vắng, Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường." Các môn đệ thưa: "Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?" Đức Giêsu hỏi: "Anh em có mấy chiếc bánh?" Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ." Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.
2.3/ Bàn tiệc Thánh Thể: Phép lạ “Hóa Bánh ra nhiều” là phép lạ duy nhất được tường thuật bởi cả 4 Thánh Sử (x/c Mt 14:13-21, Mk 6:30-44, Lk 9:10-17, Jn 6:1-15); và được Thánh Sử Gioan dùng để làm chất liệu cho Bài Giảng về Thánh Thể trong chương 6. Theo Gioan, Chúa Giêsu chính là Bánh Hằng Sống từ trời xuống để trở thành của ăn uống nuôi sống muôn dân; ai ăn thịt và uống máu Ngài sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời (Jn 6:53-58).
Một điều cần đề cập tới nữa là việc Chúa Giêsu thành lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly: Cả ba Thánh Sử tường thuật biến cố này đều tường thuật lời Chúa Giêsu nói sau cùng: “Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (x/c Mt 26:29, Mk 14:25, Lk 22:18). Lời tường thuật này nhắc nhở Bữa Tiệc trong Vương Quốc Thiên Chúa mà Tiên Tri Isaiah đã có thị kiến trong Bài đọc I.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đối diện với những đau khổ và bất tòan trong cuộc sống, chúng ta trông mong sẽ có một ngày con người sẽ không còn phải đói khát, đau khổ, chiến tranh, hận thù, chết chóc.
- Chỉ nơi Đấng Thiên Sai là Chúa Giêsu, chúng ta mới tìm được tất cả những gì Tiên Tri Isaiah đã loan báo trong Bài đọc I.
- Chúa Giêsu sẽ chữa lành chúng ta khỏi mọi tật bệnh hồn xác, và chính Ngài sẽ nuôi dưỡng chúng ta bằng chính thân thể của Người. Nhờ Ngài, chúng ta được tham dự vào cuộc sống thần linh của Thiên Chúa ngay từ đời này, và sẽ được hưởng trọn vẹn tất cả trong cuộc sống mai sau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần I MV
Bài đọc: Isa 11:1-10; Lk 10:21-29.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa làm những chuyện không thể đối với con người.
Trong Bài đọc I, tiên tri Isaiah cho dân một hy vọng: Khi Đền Thờ Jerusalem bị phá hủy và vương quốc Judah thất thủ, các vua quan của Judah bị lưu đày qua Babylon. Sau gần 50 năm lưu đày, họ được Vua Batư, Darius, cho hồi hương để xây dựng lại Đền Thờ và kiến thiết xứ sở. Câu hỏi được đặt ra là ai sẽ lãnh đạo dân để tái thiết xứ sở? Người lãnh đạo này phải thuộc giòng dõi của David; và Zerubbabel hội đủ điều kiện để lãnh đạo dân (x/c Hag 1:1, Zech 4:9). Từ giòng dõi Zerubbabel sẽ xuất hiện Đấng Thiên Sai (Mt 1:12). Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải Kế Họach Cứu Độ cho các môn đệ và chỉ cho các ông cách làm sao để đạt đích điểm của cuộc đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Làm sao kiếm được Vua công chính cai trị dân?
1.1/ Làm sao kiếm được Vua cai trị Israel sau Thời Lưu Đày? Tiên tri Isaiah nói về Đấng Thiên Sai như sau: “Từ gốc tổ Jesse, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thánh Thần của Thiên Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và can đảm, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa.” Ông Jesse là cha của Vua David. Vương quốc Judah được ví như một cây, bị chặt sát gốc trong thời gian lưu đày, tưởng chừng như đã chết; nhưng Thiên Chúa đã phục hồi và làm cho sống. Bắt đầu từ một nhánh nhỏ, sẽ mọc lên một mầm non, mầm non này chính là Đấng Thiên Sai.
Thánh Thần của Thiên Chúa là hơi thở ban sự sống (ruah) mà Thiên Chúa trao tặng cho con người. Hơi thở này kèm theo những năng lực vô biên: khôn ngoan, minh mẫn, mưu lược, can đảm, hiểu biết, và kính sợ Thiên Chúa. Những năng lực vô biên này, Bản Bảy Mươi và Vulgate thêm vào năng lực “đạo đức” thay cho một “kính sợ Thiên Chúa,” đã trở thành 7 quà tặng của Chúa Thánh Thần. Người tín hữu lãnh nhận 7 quà tặng này khi chịu Bí-tích Thêm Sức.
1.2/ Vua công minh, thương yêu, can đảm: Với Thánh Thần của Thiên Chúa hướng dẫn, Đấng Thiên Sai có đầy đủ mọi đức tính cần thiết để cai trị dân:
(1) Ngài sẽ xét xử công minh: “Lòng kính sợ Đức Chúa làm cho Người mãn nguyện, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói.”
(2) Ngài sẽ bênh vực kẻ nghèo hèn: “Ngài xét xử công minh cho những người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư cho kẻ nghèo trong xứ sở.”
(3) Ngài sẽ trừng trị kẻ ác: “Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.”
Hai đức tính cần thiết một vị anh quân cần có được tiên tri ví như dây thắt lưng và miếng vải buộc trong mình: “Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành.”
1.3/ Vua đem lại hòa bình: Sau khi đã trải qua biết bao gian khổ đau thương do chiến tranh và lưu đày gây ra, điều con người mong ước nhất là có được nền hòa bình. Mong ước này chỉ có được khi tất cả mọi người trên thế giới biết dẹp bỏ mọi khác biệt để cùng nhau chung sống và xây dựng hòa bình: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.” Viễn tượng hòa bình này chỉ có thể đạt được trong triều đại của Đấng Thiên Sai, khi Ngài chiến thắng mọi quyền lực thế gian và thu thập mọi người về cho Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Làm sao biết được thánh ý Thiên Chúa?
2.1/ Thánh ý Thiên Chúa: Thiên Chúa khôn ngoan và uy quyền, con người yếu đuối và giới hạn; làm sao con người hiểu được những chương trình và thánh ý của Thiên Chúa? Trong Cựu Ước, Thiên Chúa dùng các tiên tri để nói với con người; nhưng họ chỉ mặc khải được phần nào những gì Thiên Chúa muốn bằng ngôn ngữ lòai người. Khi Chúa Giêsu đến, Ngài mặc khải cho con người tất cả những gì nơi Thiên Chúa. Những mặc khải của Đức Kitô chính xác và tòan hảo vì Ngài ở với Thiên Chúa ngay từ ban đầu khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ. Mặc khải quan trọng nhất của Đức Kitô cho con người là Mầu Nhiệm Cứu Độ; nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được Mầu Nhiệm này như Chúa Giêsu nói hôm nay: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. Rồi Đức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!”
(1) Kẻ nghèo hèn được mặc khải: Khác với những khôn ngoan của thế gian, Mầu Nhiệm Cứu Độ chỉ được hiểu bởi những kẻ nghèo hèn, những người không cậy vào sức riêng mình, nhưng hòan tòan trông cậy nơi Thiên Chúa.
(2) Bậc khôn ngoan không hiểu: Cũng như tòan bộ Tin Mừng, Mầu Nhiệm Cứu Độ được rao giảng cho tất cả mọi người. Bậc khôn ngoan không hiểu là vì họ cậy vào sức mình. Nếu họ dùng lý luận và sự khôn ngoan của con người, Mầu Nhiệm Cứu Độ là chuyện điên rồ không thể hiểu được. Thánh Phaolô đã trưng dẫn điều này về Thập Giá của Đức Kitô.
(3) Các vua chúa không thấy: “Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”
2.2/ Làm sao để đạt đích của cuộc đời? Chúa Giêsu không chỉ mặc khải cho con người biết đích điểm của cuộc đời, mà còn cả cách thức đạt tới đích điểm này:
(1) Mến Chúa, yêu người: Chúa Giêsu chứng thực câu trả lời của người Kinh-sư: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình."
(2) Thực hành giới luật yêu thương: Tuy nhiên, Chúa Giêsu nhắc nhở ông không phải chỉ biết cách mà thôi, nhưng còn phải ra sức thực hành hai giới răn này: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Không gì là không thể đối với Thiên Chúa. Trong Chương Trình Cứu Độ, Ngài đã chuẩn bị mọi sự cho con người.
- Ngài cho Chúa Giêsu, Người Con của Ngài xuống để mặc khải Mầu Nhiệm Cứu Độ cho con người. Chính Người Con này sẽ là Vua cai trị dân trong công minh, yêu thương; và sẽ đem lại bình an cho con người.
- Điều kiện để hiểu Mầu Nhiệm Cứu Độ: phải khiêm nhường nhỏ bé mới có thể nhìn thấy Đấng Thiên Sai và hiểu biết Kế Họach Cứu Độ Ngài mặc khải. Phải thực thi 2 giới răn “Mến Chúa yêu người” như Chúa dạy.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP