Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần 3 TN, Năm B
Bài đọc: Heb 10:19-25; Mk 4:21-25.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu là trung gian giữa Thiên Chúa và con người.
Làm sao con người có thể tiến gần tới Thiên Chúa? Phải chăng bằng kiến thức bí mật? Phải chăng bằng máu chiên bò? Phải qua Đức Kitô, Người Con của Thiên Chúa?
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh Chúa Giêsu, Người là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-thái so sánh Bức Màn trong Đền Thờ, ngăn cản giữa con người với Thiên Chúa, với Bức Màn mới, là chính thân thể của Đức Kitô. Ngài đã xé tan bức màn trong Đền Thờ để con người có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa ở mọi nơi và mọi thời. Trong Phúc Âm, Thánh Marcô dẫn chứng một số những câu nói của Chúa Giêsu về ánh sáng, về sự thật, về sự liên hệ giữa việc cho đi và nhận lại; và về sự cần thiết phải luôn cố gắng trau dồi thêm.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúa Giêsu đã mở toang bức màn ngăn cản giữa con người và Thiên Chúa.
1.1/ Bức màn ngăn cản giữa Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh trong Đền Thờ: Để hiểu ý tác-giả, chúng ta cần phải trở về với cấu trúc trong Đền Thờ của Cựu-Ước. Để phân biệt Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh, một “bức màn” che kín từ trên xuống dưới được dựng nên, để ngăn cách con người khỏi sự hiện diện của Thiên Chúa. Chỉ có Thầy Thượng Tế mới được vượt qua bức màn này để dâng của lễ đền tội mỗi năm một lần mà thôi.
Khi Chúa Giêsu trút hơi thở trên Thánh Giá, các tác giả của Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật sự kiện “bức màn này trong Đền Thờ bị xé ra làm đôi từ trên xuống dưới” (Mat 27:51, Mk 15:38, Lk. 23:45).
1.2/ Ý nghĩa của biến cố này: Tác giả Thư Do-Thái chú giải: “Vậy, thưa anh em, nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người.” Nhờ Chúa Giêsu, từ nay con người có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa bất cứ lúc nào.
2/ Phúc Âm: Những thực tại trần gian và trên trời.
Trong Tin Mừng hôm nay, Marcô tường thuật một lúc những câu dạy dỗ của Chúa Giêsu ở nhiều biến cố khác nhau. Một người có thể nhận ra điều này khi đối chiếu với Tin Mừng của Matthew. Vì thế, chúng ta sẽ phân tích từng câu một; vì mỗi câu tự nó đã đầy đủ ý nghĩa; sau đó chúng ta sẽ tìm xem nếu các câu có liên hệ với nhau.
2.1/ Mục đích của đèn là để soi sáng: Chúa Giêsu nói: "Chẳng lẽ đèn được mang tới để bị đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để được đặt trên trụ đèn sao?” Ai ai cũng đều hiểu công dụng của đèn là để soi sáng cho mọi người; vì thế, cần phải đặt trên trụ cao để soi sáng một diện tích lớn chung quanh. Đèn để dưới sàn chỉ có thể soi sáng một diện tích nhỏ. Lấy thùng úp vào đèn hay đặt dưới gầm giường là làm mất công dụng của đèn.
Sự Thật được ví như đèn; mục đích của sự thật là để hướng dẫn đời sống con người. Vì thế, con người cần phải học, nói, và sống theo sự thật. Con người không được che đậy hay ẩn giấu sự thật, cho dẫu “sự thật mất lòng.” Sống theo sự thật có thể làm một người bị chê bai, ghét bỏ, thiệt hại, ngay cả mất mạng sống; nhưng chỉ có sự thật mới thực sự giải thóat con người. Các thánh tử đạo là những ví dụ của những người dám sống theo sự thật.
2.2/ Sự Thật không thể bị che giấu: “Vì chẳng có gì che giấu mà không phải tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải đưa ra ánh sáng. Ai có tai nghe thì nghe!" Con người có thể làm ngơ, từ chối, đàn áp, hay tiêu diệt sự thật; nhưng sau cùng, họ cũng phải đương đầu với sự thật: không ở đời này cũng ở đời sau. Ví dụ: Giáo Hội, trong quá khứ, đã từ chối không chấp nhận nguyên lý “trái đất xoay chung quanh mặt trời” của Copernicus và Galileo (thế kỷ 16 và 17); nhưng sau cùng Giáo Hội cũng phải chấp nhận sự kiện khoa học này. Vì thế, con người phải rất cẩn thận khi sống ngược với sự thật, vì phải lãnh mọi hậu quả của nó. Sức mạnh có thể làm cho người ta sợ; nhưng không thể nào bưng bít sự thật. Hơn nữa, cho dẫu con người có thể giấu sự thật khỏi tất cả mọi người, nhưng họ không thể giấu khỏi Thiên Chúa, Đấng nhìn xem và thấu suốt mọi bí ẩn trong lòng.
2.3/ Cho đi bao nhiêu sẽ nhận lại bấy nhiêu: Chúa Giêsu dạy: "Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.” Điều này phải trở thành nguyên tắc làm việc cho con người: hậu quả hay phần thưởng có được tùy thuộc vào cố gắng hay nỗ lực một người bỏ ra. Nếu một người chuẩn bị và cố gắng nhiều, họ sẽ thu thập nhiều; và nếu một người chuẩn bị và cố gắng ít, họ sẽ thu thập ít.
Ví dụ, trong lãnh vực học hỏi, nếu một người chịu bỏ thời gian nghiên cứu học hỏi, người đó sẽ càng ngày càng có kiến thức rộng rãi về lãnh vực chuyên môn người đó theo đuổi. Tương tự trong lãnh vực thờ phượng, nếu một giáo dân chịu khó chuẩn bị đọc các bài đọc ngay từ lúc còn ở nhà, họ sẽ dễ dàng hiểu và thâu thập được nhiều hơn khi vị linh mục chia sẻ Tin Mừng. Điều này càng đúng trong lãnh vực phục vụ, nếu vị chủ chiên chịu bỏ thời giờ để dạy dỗ và huấn luyện đòan chiên, giáo dân sẽ hiểu biết và hăng say tích cực trong việc giữ đạo hơn. Ngược lại, nếu con người không chịu bỏ thời gian chuẩn bị, và cố gắng; làm sao con người có thể đòi kết quả như mình mong ước được?
2.4/ Phải biết dùng thời gian, tài năng, và của cải Chúa ban: “Ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy mất.” Đây cũng là một nguyên lý sống cho con người: phải năng dùng tài năng mình đang có, sẽ càng ngày càng tinh luyện hơn; nếu không, sẽ mất dần những tài năng mình có. Ví dụ, việc học ngọai ngữ: Nếu một người tiếp tục học hỏi và áp dụng những gì học ở trường, người đó sẽ dần dần thông thạo về ngọai ngữ đó; nhưng nếu người đó không chịu tiếp tục học hỏi, vốn liếng đã thâu nhận ở trường cũng từ từ mất đi. Tương tự với món quà vô giá là đức tin: Nếu một tín hữu chịu khó đào sâu và tìm cơ hội để sống đức tin, người đó sẽ sở hữu một đức tin vững chắc, không gì có thể lay chuyển được; nhưng nếu người đó không chịu đào sâu và tìm dịp sống đức tin, người đó sẽ có ngày mất niềm tin đã được trao ban.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Kitô là Vị trung gian đem Thiên Chúa đến cho con người, và đem con người về cho Thiên Chúa.
- Chúng ta phải là những ngọn đèn soi cho thế gian bằng cuộc sống thực theo Tin Mừng, để soi sáng cho mọi người nhìn thấy và tin tưởng vào Chúa.
- Những gì chúng ta sẽ nhận lãnh tùy thuộc vào những gì chúng ta cho đi. Thiên Chúa và tha nhân sẽ bù đắp lại tất cả những gì chúng ta đã hy sinh cho đi, và còn hơn thế nữa. Nếu chúng ta chỉ ích kỷ giữ lại cho mình, chúng ta sẽ mất dần những gì chúng ta đang sở hữu.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Wis 7:7-10; 15-16; Jn 17:11b-19
Thánh Thomas Aquinas Tiến Sĩ
Bài đọc: Wis 7:7-10; 15-16; Jn 17:11b-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự quí trọng của Đức Khôn Ngoan
Nếu một người muốn biết thánh sư Thomas Aquinas khôn ngoan dường nào, người đó cứ đọc bộ Tổng Luận Thần Học (Summa Theologiae) là sẽ biết ngay. Để thưởng công cho thánh nhân, một ngày kia Đức Kitô hiện ra với ngài và nói: “Thomas! Con viết rất hay về cha. Con cứ việc xin bất cứ sự gì Cha sẽ ban cho con.” Không một chút do dự, thánh nhân nói với Đức Kitô: “Không điều gì khác ngoại trừ chính Cha.”
Để có thể viết về Chúa hay đến thế, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh tất cả cho việc tìm kiếm khôn ngoan. Ngài thuộc dòng họ quí tộc, Landulph, cha của ngài là Quận Công (Count) của Aquino; mẹ của ngài là Theodora, Quận Chúa (Countess) của Teano. Gia đình của ngài có họ hàng với hoàng-đế Henry VI và Frederick II. Khi quyết định trở thành một tu sĩ Đa-minh, ngài đã gặp nhiều chống cự gay gắt từ phía gia đình đến nỗi cha và các anh chặn đường bắt giam ngài vào trong cây tháp San Giovanni ở Rocca Secca. Họ còn cho cả gái làng chơi vào để quyến dũ ngài bỏ ý định trở thành một tu sĩ nghèo hèn. Sau cùng, Thomas Aquinas đã vượt qua tất cả để tận hiến cuộc đời cho việc cầu nguyện và tìm kiếm sự khôn ngoan.
Hai bài đọc trong ngày lễ kính ngài hôm nay muốn nêu bật sự quan trọng và ích lợi của khôn ngoan. Trong bài đọc I, trình thuật hôm nay là hậu quả của cuộc đàm thoại giữa Thiên Chúa và vua Solomon. Vua Solomon đã xin cho được khôn ngoan và Thiên Chúa đã ban cho Nhà Vua khôn ngoan đến nỗi trước và sau Vua, không ai được khôn ngoan đến thế. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trước khi chịu chết và về trời đã không xin Chúa Cha điều gì khác hơn là xin thánh hiến các môn đệ của Ngài trong Sự Thật. Ngài cầu nguyện để xin Cha ban cho các môn đệ hiểu biết và sống theo Lời của Thiên Chúa, để có thể hoàn thành nhiệm vụ Ngài trao và đạt đến quê Trời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi.
1.1/ Hiểu biết khôn ngoan đáng quí trọng hơn mọi sự: Theo truyền thống Do-thái, vua Solomon là "tác giả" của các Sách Khôn Ngoan; vì vua Solomon được coi là người khôn ngoan nhất trong lịch sử của nhân loại. Truyền thống kể lại truyện khi Thiên Chúa hỏi nhà vua muốn xin bất cứ gì, thì Thiên Chúa cũng ban cho. Vua Solomon không xin cho có uy quyền, cũng chẳng xin cho được giầu có, sức khỏe, sống lâu, hay bất cứ điều gì khác; nhưng chỉ xin cho được khôn ngoan để biết sống và cai trị dân. Thiên Chúa rất hài lòng với điều nhà vua xin; nên Ngài hứa sẽ ban cho vua Solomon được khôn ngoan đến độ không có ai trước và sau vua được khôn ngoan như thế.
+ Khôn ngoan quí trọng hơn vương quyền: Nắm giữ vương trượng, ngai vàng, mà không biết cách cai trị dân chúng; sớm muộn gì rồi vương quyền cũng vào tay người khác. Nếu có Đức Khôn Ngoan, vua sẽ biết lòng dân mong ước gì, và cai trị họ theo những điều họ mong ước, thì vương quyền sẽ tồn tại lâu dài, và vua không phải chịu trách nhiệm trước tòa phán xét.
+ Khôn ngoan quí trọng hơn của cải: Vua Solomon thú nhận: ''Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất.'' Có giàu có đến đâu chăng nữa, mà không biết cách sống sao để được bình an và hạnh phúc, có lợi gì cho người sở hữu nó đâu. Thực tế chứng minh: nhiều người giàu có, nhưng vẫn không muốn sống, và có người còn tìm cách kết liễu đời mình nữa.
+ Khôn ngoan quí trọng hơn sức khỏe và sắc đẹp: Đây phải là bài học khôn ngoan cho nhiều người trong xã hội chúng ta, quá chú trọng đến việc tập luyện và nhịn ăn uống để có một thân thể cân đối đẹp đẽ và khỏe mạnh. Dĩ nhiên chúng ta không đả kích những điều đó không quan trọng; nhưng không đủ để mưu cầu hạnh phúc cho con người. Có đẹp đẽ khỏe mạnh đến đâu chăng nữa, rồi cũng úa tàn theo thời gian. Vua Solomon cho biết lý do ông quí trọng Đức Khôn Ngoan hơn: ''Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi.''
Nói tóm, vua Solomon đã suy nghĩ rất nhiều khi xin cho được Đức Khôn Ngoan, vì khi có Đức Khôn Ngoan là có tất cả: ''Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể.''
1.2/ Làm sao để có Đức Khôn Ngoan? Khác với khôn ngoan của thế gian, ai muốn có phải cố gắng luyện tập; Đức Khôn Ngoan mà vua Solomon có được là do Thiên Chúa ban: "Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.''
2/ Phúc Âm: Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.
2.1/ Chúa Giêsu biết sự nguy hiểm cho các môn đệ khi sống trong thế gian: Chúa Giêsu biết đã đến giờ Ngài phải bỏ thế gian, nên Ngài tâm sự với Chúa Cha: "Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha." Giờ Chúa Giêsu phải rời bỏ các môn đệ, cũng là giờ mà các ông phải đương đầu với quyền lực của thế gian một mình. Ngài biết hậu quả sẽ nghiêm trọng chừng nào, như Ngài đã từng nói với các môn đệ: "Họ sẽ tiêu diệt chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan tác." Nhìn lại kết quả việc chăn chiên của mình, Chúa Giêsu hãnh diện nói với Chúa Cha: "Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh."
Thế gian sẽ ghét bỏ và truy tố các môn đệ như họ sắp ghét bỏ và truy tố Chúa Giêsu. Lý do là vì cả Chúa Giêsu và các môn đệ không thuộc về thế gian. Ngài muốn cho các ông biết rõ điều này; để các ông không ngạc nhiên khi điều đó xảy đến.
2.2/ Chúa Giêsu cầu xin cho các môn đệ: Biết những nguy hiểm sẽ xảy đến cho các môn đệ như thế, Ngài cầu xin Chúa Cha ban cho các ông những điều quan trọng sau:
(1) Xin Chúa Cha bảo vệ các môn đệ khỏi ác thần: "Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian." Chúa Giêsu không xin "cất các môn đệ khỏi thế gian;" nhưng Ngài xin "gìn giữ họ khỏi ác thần." Các ông phải ở lại thế gian để tiếp tục sứ vụ rao giảng của Ngài.
(2) Xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ trong sự thật: Giống như Phaolô, Chúa Giêsu biết nguy hiểm của sự sai lạc: "Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật." Sự thật đây là Lời Kinh Thánh và những lời tâm huyết Chúa Giêsu vừa dạy dỗ họ. Ngài biết mọi hành động sai bắt đầu từ sự hiểu biết sai; vì thế, hiểu biết sự thật là điều không thể thiếu cho các môn đệ của Chúa.
Cả hai điều cầu xin này đều được Chúa Cha ban cho các môn đệ qua việc ban Thánh Thần. Ngài là thần sự thật, Ngài sẽ giúp các ông nhận ra sự thật và sẽ hướng dẫn các ông tới tất cả sự thật. Ngài cũng là người bảo vệ và giúp các ông có sức mạnh làm chứng nhân cho Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu đã xin với Chúa Cha để Ngài gởi tới cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Ngài là Thần Sự Thật, Ngài sẽ giúp chúng ta hiểu sự thật và dẫn chúng ta tới chân lý toàn vẹn.
- Chúng ta phải biết quí trọng sự thật và cầu xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta thấu hiểu những lời dạy dỗ của Thiên Chúa, và có can đảm sống theo những gì Thiên Chúa dạy.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Heb 10:1-10; Mk 3:31-35
Thứ Ba Tuần 3 TN, Năm B
Bài đọc: Heb 10:1-10; Mk 3:31-35.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thi hành thánh ý Thiên Chúa.
Có một câu truyện dẫn chứng sự quan trọng của việc làm theo thánh ý Thiên Chúa như sau: Một vị vua kia muốn trao tài sản cho các con; nhưng để dạy các con một bài học phải tránh xa sự hào nhóang bên ngòai, nhà vua cho gói những thứ thật quí vào những hộp trông có vẻ tầm thường, và những thứ tầm thường vào những hộp trông rất lộng lẫy bên ngòai. Sau đó, vua cho gọi các con vào để lựa chọn, bắt đầu từ hòang tử lớn nhất. Đa số các hòang tử đều chọn các hộp lộng lẫy. Đến phiên hòang tử út, chàng tần ngần một lát, rồi nói nhỏ với cha: Con không biết cách chọn; nhờ cha chọn cho con. Nhà vua đã chọn của quí nhất cho hòang tử út.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh chủ đề sự quan trọng của việc làm theo thánh ý Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái tiếp tục so sánh giữa 2 lễ vật hy sinh: máu chiên bò theo Lề Luật của Cựu Ước và Máu Đức Kitô của Tân Ước. Máu chiên bò không thể xóa sạch tội cho con người, nên phải tái diễn mỗi năm. Máu Đức Kitô chỉ cần đổ ra một lần là đủ xóa sạch tội cho con người, vì là máu đổ ra tự nguyện để làm theo thánh ý Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa không đặt căn bản trên liên hệ ruột thịt, nhưng trên căn bản làm theo thánh ý của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lạy Thiên Chúa! Này Con đây, Con đến để thực thi ý Ngài.
1.1/ Lề Luật và hy lễ chiên bò: “Lề Luật chỉ là hình bóng của những gì tốt đẹp hơn sẽ tới, chứ không phải là phản ánh chính xác những thực tại đó. Lề Luật không bao giờ có thể làm cho những người tiến lại gần Thiên Chúa được nên hoàn thiện, nhờ những hy lễ người ta dâng năm này qua năm khác.” Điều tác-giả muốn nói ở đây, trong sự quan phòng của Thiên Chúa, cái hòan hảo đến sau sẽ thay thế cho cái bất tòan đến trước. Lề Luật chỉ là hình bóng của những gì tốt đẹp hơn mà Đức Kitô sẽ mang đến cho con người.
Tác giả lý luận: Nếu các hy lễ mà Lề Luật đòi buộc có thể cất đi tội lỗi của con người, họ đâu cần phải dâng đi dâng lại mỗi năm. Hay nếu máu chiên bò thực sự thanh tẩy tội lỗi trong tâm hồn, con người đâu còn ý thức mình có tội nữa. Hơn nữa, hy lễ dâng hàng năm nhắc nhở cho con người ý thức tội lỗi của họ. Vì vậy, con người cần có một lễ tế hy sinh hòan hảo hơn.
1.2/ Điều đẹp lòng Thiên Chúa: Tác giả dẫn chứng Thánh Vịnh 40:6-9 với ít nhiều sửa đổi, “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy sinh và lễ tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ đền tội.” Những thứ Thiên Chúa không thích này lại là những thứ mà Lề Luật truyền. Thực ra, không phải chỉ tác-giả Thư Do-Thái tin những điều này, rất nhiều tác giả khác của Cựu Ước cũng đã nói tới sự bất tòan của hy sinh và của lễ; họ cũng nhấn mạnh đến những điều khác quan trọng hơn như: Ông Samuel nói: "Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu” (I Sam 15:22). Hay như lời Tiên-tri Hosea: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hos 6:6).
Tác giả nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa đã ban cho Chúa Giêsu một thân thể để Ngài có thể chịu đựng đau khổ và dâng nó như một hy lễ để đền tội cho con người. Đồng thời tác giả cũng nhấn mạnh tới việc vâng lời làm theo ý Thiên Chúa như lời Thánh Vịnh 40: “Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa! Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” Khi con người phạm tội là họ đã bất tuân thánh ý Thiên Chúa; làm sao họ có thể bắt những chiên bò đổ máu để xóa tội cho họ được? Để có thể xóa đi tội bất tuân của con người, Con Thiên Chúa đã tình nguyện mang thân xác con người và đổ máu của chính mình. Chỉ có lễ hy sinh tự nguyện và cao đẹp này mới có thể xóa đi tội lỗi của con người, và làm cho con người được giao hòa với Thiên Chúa mà thôi.
2/ Phúc Âm: Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.
2.1/ Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự: Thọat đọc trình thuật hôm nay, một người không tránh được bất mãn với Chúa Giêsu, vì đã khinh thường Đức Mẹ và anh em của Ngài; và đã không giữ giới răn thứ bốn. Nhưng Chúa Giêsu có vi phạm những điều này không? Một trong những sứ vụ của Chúa Giêsu là dạy dỗ và sửa chữa những hiểu biết sai lầm. Trong bài học hôm nay, Chúa Giêsu không đi ra ngòai 2 giới răn quan trọng nhất: trước tiên, mến Chúa; sau đó, yêu người. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến thứ tự ưu tiên của 2 giới răn, mà con người rất nhiều lần đã đảo lộn thứ tự ưu tiên của nó. Việc Chúa Giêsu đang rao giảng Tin Mừng là Ngài đang làm theo thánh ý Thiên Chúa; và Ngài phải đặt nó lên trên tất cả các việc khác. Ngài không thể hy sinh việc rao giảng để tiếp chuyện với thân nhân. Tuy nhiên, khi nào không làm việc Thiên Chúa, Ngài vẫn yêu thương và săn sóc Đức Mẹ; như khi Chúa Giêsu trao Đức Mẹ cho Thánh Gioan chăm sóc dưới chân Thập Giá.
2.2/ Yêu mến Thiên Chúa là làm theo thánh ý Ngài: Bài học thứ hai Chúa Giêsu muốn dạy con người hôm nay: tình yêu phải biểu tỏ cụ thể bằng hành động. Con người thường nghĩ mình có thể yêu Thiên Chúa bằng lời nói, hay bằng những hành động bên ngòai như tham dự Thánh Lễ, đọc kinh, cầu nguyện. Những điều này tốt, nhưng không quan trọng bằng việc tìm ra và làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Cuộc đời Chúa Giêsu là một mẫu mực cho con người học thế nào là yêu thương Thiên Chúa: Ngài muốn nhập thể để thi hành Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong những năm ở trần gian, thánh ý Thiên Chúa là động lực sống của Ngài đến nỗi Ngài thốt lên những câu phải là châm ngôn cho chúng ta như: “Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta, và chu tòan các việc của Ngài” (Jn 4:34). “Điều Ta tìm kiếm không phải ý Ta, nhưng là ý của Đấng đã sai Ta” (Jn 5:30). “Ý của Chúa Cha là hễ ai thấy Chúa Con và tin vào Ngài, sẽ có sự sống đời đời” (Jn 6:40). Những giờ phút sau cùng trong vườn Ghetsemane, Chúa Giêsu bị giằng co giữa đau khổ sắp đến và thánh ý Thiên Chúa, nhưng sau cùng Ngài đã thốt lên: “Lạy Cha! Nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha” (Mt 26:42).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa không hài lòng về hy sinh và lễ vật chúng ta dâng, nhưng hài lòng về những cố gắng của chúng ta tìm ra và làm theo thánh ý Ngài.
- Thánh ý của Thiên Chúa, cách tổng quát, là lo sao cho chính bản thân chúng ta và mọi người đạt được ơn Cứu Độ.
- Để tìm ra thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta phải học hỏi Kinh Thánh để hiểu biết Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa; và làm hết sức có thể để làm cho Ơn Cứu Độ lan rộng đến mọi người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN NĂM B (01/02/2015)
[1 Sm 3,3b-10.19; 1 Cr 1, 6-15.17-20; Ga 1, 35-42]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trong dân Chúa và cộng đồng con người, thời xưa cũng như thời nay, bao giờ cũng có những kẻ không muốn nghe lời Thiên Chúa sống giữa những người khát khao nghe lời Thiên Chúa. Cả hai loại người này đều cần đến những người nói lời Thiên Chúa. Thời Cựu ước những người được chọn nói lời Thiên Chúa là các ngôn sứ như A-mốt, I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en v.v... Thời Tân Ước, Chúa Giê-su Ki-tô là lời Thiên Chúa đã thành xác phàm và cư ngụ giữa loài người để nói lời của Thiên Chúa. Nhờ Người chúng ta chẳng những được nghe lời Thiên Chúa mà còn trở thành những người nói lời Thiên Chúa, như các ngôn sứ, vì khi được thanh tẩy trong Đức Ki-tô là chúng ta đã được tham dự vào 3 chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Người.
Chúng ta hãy đọc kỹ và tìm hiều các bài Sách Thánh để học cùng Chúa Giê-su về cách nói lời Thiên Chúa cho loài người ngày hôm nay.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Đnl 18,15-20): Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ và Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy.
(15) Khi ấy ông Mô-sê nói với dân chúng rằng: “Từ giữa anh (em), trong số các anh em của anh (em), Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh (em); anh (em) hãy nghe vị ấy. (16) Đó chính là điều mà anh (em) đã xin với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), tại núi Khô-rếp, trong ngày đại hội; anh (em) đã nói: "Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết." (17) Bấy giờ Đức Chúa phán với tôi: "Chúng nói phải. (18) Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. (19) Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. (20) Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết."
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 7,32-35): Người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa để thuộc trọn về Người.
(32) Thưa anh chị em, tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. (33) Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, (34) thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. (35) Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.
2.3 Trong Bài Tin Mừng (Mc 1,21-28): Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.
(21) Tại thành thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. (22) Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.
(23) Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên (24) rằng: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !" (25) Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" (26) Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. (27) Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!" (28) Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa:
1o) trong Sách Đệ nhị luậtlà một Đấng Thiên Chúa quan tâm đến nguyện vọng và trình độ của dân Ít-ra-en là dân riêng của Chúa. Thiên Chúa đã dùng Mô-sê mà hướng dẫn, bảo vệ và cứu thoát dân. Rồi Người đã dùng nhiều người khác nữa, cũng xuất thân từ trong hàng ngũ con dân Ít-ra-en làm “phát ngôn viên” hay ngôn sứ cho Người. Nhiệm vụ và cũng là sứ mạng của ngôn sứ là nói lời Thiên Chúa!
Vị ngôn sứ mà đoạn Thánh Kinh này loan báo là chính Đức Giê-su Na-da-rét là Đấng sẽ đến trần gian vào ngày giờ Thiên Chúa đã định. Người chính là Lời Thiên Chúa nên Người là Đại Ngôn Sứ, Ngôn Sứ Số Một của Thiên Chúa!
2o) trong đoạn thư 1 Cr 7,32-35Thánh Phao-lô không nói trực tiếp về Thiên Chúa mà nói về cách tốt nhất mà con người có thể sống với Thiên Chúa là toàn tâm toàn ý với Thiên Chúa, trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa! Thánh Phao-lô rút từ kinh nghiệm đời thường: một người có vợ có chồng thì thường khó toàn tâm toàn ý với Thiên Chúa vì người đó phải dành thời giờ và công sức để làm đẹp lòng người phối ngẫu của mình. Còn những người không có vợ có chồng thì dễ toàn tâm toàn ý với Thiên Chúa hơn, dễ thuộc trọn về Thiên Chúa hơn.
3o) trong đoạn Tin Mừng Mác-cô 1,21-28là Chúa Giê-su Na-da-rét, Đấng giảng dậy có uy quyền và dẹp trừ thần ô uế cách hiệu quả, khiến những người chứng kiến phải kinh ngạc và trầm trồ khen ngợi: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!"
Sở dĩ Chúa Giê-su Na-da-rét làm được như thế là vì Người là Vị Đại Ngôn Sứ của Thiên Chúa và Người được Thánh Thần ngự trị và xức dầu tấn phong để Người thực hiện sứ mạng nói tiếng nói của Thiên Chúa cũng như rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, cứu giúp những người khốn khổ, giải phóng những người bị áp bức, giam cầm và công bồ năm hồng ân của Thiên Chúa (xem Lc 4,18-19).
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa:
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay gồm hai phần:
- Một là tin và lắng nghe Chúa Giê-su nói lời Thiên Chúa cho mỗi người/cộng đoàn chúng ta và cho toàn nhân loại.
- Hai là đến lượt mình, mỗi người chúng ta cũng phải nói lời Thiên Chúa với/cho những người xung quanh, cả với những người không muốn và những người muốn nghe tiếng nói của Thiên Chúa.
Muốn nói tiếng nói của Thiên Chúa, ngôn sứ phải có một đời sống kết hiệp mật thiết với Người, chìm sâu trong mầu nhiệm của Người, thấu hiểu tư tưởng của Người như Thánh Phao-lô mà chúng ta hết lòng ngưỡng mộ.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng trước đây đã dùng các ngôn sứ và trên hết là chính Con Một là Đức Giê-su Ki-tô, để nói lời của Người cho loài người thời xưa; còn ngày nay Thiên Chúa dùng tất cả mọi Ki-tô hữu, không phân biệt giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân, để nói lời của Người cho người thời nay.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Để thực thi sứ điệp Lời Chúa Chúa nhật IV Thường Niên Năm B, chúng ta cần thực hiện hai việc sau:
* Một là khám phá ra Chúa Giê-su là tiếng nói của Thiên Chúa + Đón rước Người và lắng nghe Người nói + Để Người đào tạo và hành động nơi/trong chúng ta bằng Thánh Thần để chúng ta trở thành những kẻ nói tiếng nói của Thiên Chúa.
* Hai là tập sống dũng cảm, bất khuất, chấp nhận thua thiệt, mất mát để trở thành tiếng nói của Thiên Chúa trong gia đình, khu xóm và cộng đồng.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.» Chúng ta hãy cầu xin cho hết mọi người trên thế gian này để ai nấy được nghe Lời Chúa từ miệng các ngôn sứ của Người mà biết cách sống đẹp lòng Thiên Chúa.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 «Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền.»Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi người biết nói lời Chúa một cách thuyết phục, nhờ tràn đầy Thần Khí và chứng tá đời sống cá nhân của họ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 «Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này được ơn siêng năng và tích cực nghe giảng và tìm học Lời Chúa!
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 «Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó.»Chúng ta hãy cầu nguyện cho các mục tử và các bậc làm cha làm mẹ không dám nói lời Chúa cho những người không muốn nghe lời Chúa, để họ ý thức sứ mạng ngôn sứ của mình mà nỗ lực chu toàn.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- Viết bởi Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
THEO CHÚA ĐỂ LÀM CÔNG VIỆC CỦA CHÚA
CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM B (25/01/2015)
[Gn 3,1-5.10; 1 Cr 7,29-31; Mc 1, 14-20]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Nếu Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật II Thường niên năm B khẳng định rằng mỗi Kitô hữu đều được Thiên Chúa gọi và chọn để phục vụ Chương trình Cứu độ của Thiên Chúa thì Lời Chúa của Chúa Nhật III hôm nay tiếp tục và đào sâu chủ đề Ơn Gọi, nhưng với một xác định rõ hơn là mỗi Ki-tô hữu được gọi và được chọn để làm công việc của Người. Công việc đó là kêu gọi tội nhân ăn năn trở lại (Gio-na), là giúp người ta hiểu điều quan trọng nhất của cuộc sống là gì (Phao-lô) và là chinh phục người đời như ngư phủ thả lưới bắt cá (An-rê, Si-mon, Gio-an và Gia-cô-bê). Vì sứ mạng này vừa hấp dẫn vừa khó khăn, nên rất cần chúng ta xác tín về sứ mạng và tin tưởng vào sự hỗ trợ của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy lắng chăm chú nghe các bài Sách Thánh và mở rộng tâm hồn đón nhận sứ mạng Chúa muốn giao cho chúng ta và hãy học cùng các môn đệ đầu tiên mà đáp lại sự mong đợi của Thiên Chúa.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Gn 3,1-5.10): Dân Ni-ni-vê bỏ đường gian ác mà trở lại.
(1) Có lời Đức Chúa phán với ông Giô-na lần thứ hai rằng: (2) "Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi." (3) Ông Giô-na đứng dậy và đi Ni-ni-vê, như lời Đức Chúa phán. Ninivê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. (4) Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ." (5) Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. (10) Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 7,29-31): Bộ mặt thế gian nay đang biến đi.
(29) Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; (30) ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; (31) kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 1,14-20): Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
(14) Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (15) Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."
(16) Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-mon với người anh là ông An-rê, đang quang lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. (17) Người bảo các ông: "Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá." (18) Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.
(19) Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. (20) Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền, với những người làm công, mà đi theo Người.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa:
3.1.1 Thiên Chúa mà Sách Gio-na tường thuật là một Đấng Thiên Chúa thánh thiện và yêu thương. Vì thánh thiện nên Chúa không thể chấp nhận được tội lỗi của dân thành Ni-ni-vê. Vì yêu thương nên Chúa muốn cứu dân thành ấy bằng cách giao cho ngôn sứ Gio-na sứ mệnh cảnh cáo và kêu gọi sám hối. Nếu dân Ni-ni-vê không thay đổi cách sống thì hình phạt sẽ giáng xuống. Còn nếu họ biết sám hối bỏ điều gian ác mà quay về nẻo chính đường ngay thì Thiên Chúa sẵn sàng thứ tha cho tội lỗi của họ và không giáng hình phạt xuống nữa.
Ngôn sứ Gio-na đã thuyết phục được dân thành Ninivê bỏ đàng tội lỗi quả là một kỳ công đáng chúng ta cảm phục!
3.1.2 Thiên Chúa mà Thánh Phao-lô muốn cho tín hữu Cô-rin-tô và hết thẩy các tín hữu cảm nhận được là một Đấng Thiên Chúa siêu việt đến nỗi đối diện với Người thì mọi thứ trên đời này chẳng đáng kể là gì nữa: vợ/chồng, của cải, sung sướng/đau khổ đều chỉ là những thực tại tương đối. Cả thế gian này chỉ là chốn tạm bợ. Chỉ có Thiên Chúa mới là tuyệt đối! Chỉ có đời sau mới là vĩnh hằng, trường cửu và bất di bất dịch!
Thuyết phục được người ta tin và sống như Thánh Phao-lô dạy quả là vô cùng khó khăn! Ngay tự bản thân chúng ta tin và sống như Thánh Phaolô dạy cũng đã là khó khăn lắm rồi! huống chi thuyết phục người khác.
3.1.3 Thiên Chúa mà Thánh Mác-cô muốn giới thiệu với thế giớilà Chúa Giê-su Na-da-rét, Đấng đến trần gian để rao giảng Tin Mừng Nước Trời và kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng Cứu độ. Tin Mừng ấy trước hết là chính Chúa Giê-su vì Người là Ơn Cứu độ của Thiên Chúa. Tin Mừng ấy cũng là thông tin mà Người đem đến cho nhân loại: “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần”!
Để có người cộng tác với mình trong việc thực hiện sứ mạng rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su tìm kiếm và chiêu mộ các môn đệ. Bốn vị đầu tiên được gọi và được chọn là hai cặp anh em: An-rê và Si-mon (tức Phê-rô), Gia-cô-bê và Gio-an. Cả bốn đều là dân chài lưới, sinh sống bằng nghề đánh cá. Nghề nghiệp của họ giúp họ hiểu ngay công việc mà Chúa Giê-su muốn giao cho họ: “Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá." Nói cách khác đó là những kẻ chinh phục lòng người cho Triều Đại và Vinh Quang Thiên Chúa!
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa:
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay có hai phần:
* Một là: Thiên Chúa muốn giao cho mỗi người Ki-tô hữu sứ mạng kêu gọi người có tội ăn năn sám hối bỏ đường tội lỗi để được ơn tha thứ của Thiên Chúa.
* Hai là Thiên Chúa muốn mỗi người Ki-tô hữu trở thành người chinh phục người khác cho Triều Đại Thiên Chúa, cho Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Giê-su Ki-tô!
IV. SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
Để sống Sứ Điệp Lời Chúa của Chúa nhật III Thường Niên Năm B này, chúng ta cần thực hiện ba điều sau đây:
* Thứ nhất là xác tín mình được giao sứ mạng chinh phục lòng người trong thời đại hôm nay.
* Thứ hai là tha thiết cầu xin và để cho Chúa Thánh Thần huấn luyện và nhào nặn mình thành “những kẻ lưới người như lưới cá” mà Chúa Giêsu mong đợi.
* Thứ ba là biết tận dụng mọi cơ hội và hoàn cảnh để trau dồi những gì cần thiết cho sứ mạng chinh phục lòng người, nhất là vun đắp cho mình có một đời sống chứng tá hiệu quả. Vì “chứng tá Ki-tô đích thực là hết sức cần thiết cho ngày hôm nay, vì con người thời nay tin các chứng nhân hơn các thày dậy” (Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông huấn “Giáo Hội tại Châu Á”, số 42).
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ." Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ.»Chúng ta hãy cầu nguyện cho hết mọi người trên thế gian để họ biết lắng nghe lời kêu gọi cải tà quy chính của các nhà lãnh đạo tôn giáo mà ăn năn trở lại với Thiên Chúa là Đấng muốn cứu vớt họ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 «Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi người đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa mà làm công việc lôi kéo các tâm hồn về với Thiên Chúa.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 «Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!» Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, có được lòng sám hối chân thành và lòng tin sâu sắc vào Tin Mừng!
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 «Các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền, với những người làm công, mà đi theo Người.»Chúng ta hãy cầu nguyện cách riêng cho các linh mục và tu sĩ nam nữ biết hy sinh từ bỏ trong đời sống thánh hiến, để theo Chúa cách triệt để.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- Viết bởi Heb 9:15, 24-28; Mk 3:22-30
Thứ Hai Tuần 3 TN, Năm B
Bài đọc: Heb 9:15, 24-28; Mk 3:22-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu đến để tiêu diệt tội lỗi và các việc làm của ma quỉ.
Trong hành trình đi tìm sự thật, con người phải để tâm hồn rộng mở, suy xét cẩn thận, và theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là nguồn mạch mọi sự thật. Điều nguy hiểm nhất là tội ngoan cố trong sự sai trái của mình, tin hay tố cáo người khác những gì ngược lại với sự thật.
Các Bải Đọc hôm nay tập trung trong những gì Chúa Giêsu làm để tiêu diệt tội lỗi và chuẩn bị cho con người được xứng đáng lãnh nhận Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Do-Thái so sánh hiệu quả của Giao Ước cũ và mới. Giao Ước cũ không thể cất đi các tội của con người vì máu chiên bò không đủ mạnh để làm chuyện đó. Giao Ước mới có thể tẩy sạch tội của con người vì máu Chúa Giêsu, dù chỉ đổ một lần; và làm cho con người được giao hòa với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, các Kinh-sư tố cáo Chúa Giêsu “bị quỷ vương Beezebul ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” Chúa Giêsu vạch ra sự sai trá của lời tố cáo này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.
1.1/ Sự khác biệt giữa hai Giao Ước: Tác giả đã nói lý do tại sao Giao Ước mới hòan hảo hơn Giao Ước cũ; giờ đây ông chỉ lặp lại những gì đã nói: (1) Chúa Giêsu là trung gian của một Giao Ước Mới; (2) Ngài lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ; và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa; (3) Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta.
1.2/ Chúa Giêsu chỉ hiến tế một lần là đủ: Theo Giao Ước cũ, vị thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài vật mà vào cung thánh để đền tội cho mình và cho dân. Theo Giao Ước mới, Thượng Tế Giêsu không phải dâng chính mình làm của lễ nhiều lần. Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.
Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét. Cũng vậy, Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu phải có quyền năng mạnh hơn Satan.
Trình thuật hôm nay của Marcô tiếp tục trình thuật “Chúa Giêsu bị thân nhân bắt đem về nhà,” vì họ nghĩ Ngài đã hóa điên. Chúng ta đã nói tới lý do Chúa Giêsu đã quá yêu thương con người, nên Ngài dành hết mọi thời gian để dạy dỗ và chữa lành dân chúng, đến nỗi Ngài không còn thời giờ ăn uống. Các Kinh-sư trong trình thuật hôm nay đến từ kinh-đô Jerusalem, có lẽ đã được nghe báo cáo từ các Kinh-sư địa phương, buộc tội Ngài: “Người bị quỷ vương Beelzebul ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”
2.1/ Chúa Giêsu trả lời 2 tố cáo của họ:
(1) Người bị quỷ vương Beelzebul ám: Beelzebul là Syriac phiên dịch của chữ Do-Thái Baalzebub. Trong Phúc Âm Nhất Lãm, từ này được dùng để chỉ tướng quỉ, Satan. Từ này được dùng ở đây và trong Mt 10:25, không thông dụng bằng Satan.
Chúa Giêsu dùng lý luận triệt tam ở đây: một vật không thể vừa có vừa không một lúc. Satan không thể vừa là quỉ, vừa không là quỉ được. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với họ: "Satan làm sao trừ Satan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Satan mà chống Satan, Satan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.” Chúa Giêsu không thể nào bị đồng hóa với Satan, vì Ngài luôn luôn đối chọi chúng. Ngài đến để tiêu diệt chúng và giải thóat con người khỏi mọi tội lỗi do chúng gây ra.
(2) Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ: Trong một nước, người có quyền hành nhất là Vua, người cai trị dân chúng. Nếu một người nước khác tới bắt nạt dân chúng, người đó phải đương đầu với quyền lực của nhà Vua. Chúa Giêsu cũng đưa một ví dụ tương tự: “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.”
Tương tự, quỉ vương hay Satan, là người lãnh đạo các quỉ. Nếu Chúa Giêsu động đến các quỉ nhỏ là động đến chính Satan. Chúa Giêsu có quyền lực mạnh trên cả Satan, nên Ngài không sợ ngay cả chính Satan, huống hồ gì là các thần ô uế của nó. Vì thế, các tố cáo của các Kinh-sư không có lý do vững chắc.
2.2/ Tội phạm đến Chúa Thánh Thần: "Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời."
(1) Tội nào là tội phạm đến Chúa Thánh Thần? Trước tiên, Chúa Thánh Thần là sự thật; vai trò của Ngài là giúp cho con người nhận ra sự thật từ sự giả trá. Nếu sau khi đã được Chúa Thánh Thần dạy bảo nhiều lần, một người vẫn ngoan cố không nhận ra sự thật, hay tệ hơn, cho sự gian trá là sự thật; người đó đã phạm đến Chúa Thánh Thần. Ví dụ: trong cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với các Kinh-sư, Chúa Giêsu đã lấy quyền năng của Thiên Chúa khai trừ thần ô uế ra khỏi con người. Sau khi đã được Chúa Giêsu cắt nghĩa cẩn thận bên ngòai và Chúa Thánh Thần soi sáng bên trong, mà các Kinh-sư vẫn chối từ sự thật và ngoan cố cho Chúa Giêsu là “bị các thần ô uế ám;” họ đã phạm đến Chúa Thánh Thần.
(2) Tại sao tội phạm đến Chúa Thánh Thần không được tha? Điều kiện để được tha tội là con người phải nhận ra những tội của mình, ăn năn xám hối, và thú nhận tội lỗi của mình. Vì người phạm đến Chúa Thánh Thần không nhận ra mình có tội, nên cũng chẳng cần ăn năn xám hối và thú tội. Với một thái độ như thế, làm sao tội có thể được tha?
Vấn đề của nhiều người thời nay là thái độ tự cho mình là công chính; họ mất hết ý thức về tội lỗi, và không còn cho điều gì là tội nữa. Nếu những người này cứ giữ thái độ ngoan cố như thế cho tới chết, họ đã phạm đến Chúa Thánh Thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu là Thượng Tế đã dâng hy lễ là chính thân thể Ngài để tiêu diệt tội lỗi và gánh tội cho con người; nhờ đó, con người đã được hòa giải với Thiên Chúa.
- Chúng ta phải suy xét cẩn thận trước khi phán xét kẻ khác để tránh những mâu thuẫn và phán xét không có cơ sở. Phải tránh xa những phán xét vì ghen tương và sợ người khác hơn mình.
- Chúng ta phải luôn mở rộng tâm hồn để đón nhận sự thật; và nhất là theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần bên trong.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Jon 3:1-5, 10; I Cor 7:29-31; Mk 1:14-20
Chúa Nhật III Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Jon 3:1-5, 10; I Cor 7:29-31; Mk 1:14-20
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thời kỳ đã mãn, hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Thời gian có sức biến đổi con người trở nên tốt hay xấu hơn. Nếu biết dùng thời gian mà nắm lấy cơ hội, con người sẽ đạt được kết quả mong muốn; nếu không biết nắm lấy thời gian, cơ hội qua đi, con người phải gánh chịu mọi hậu quả xấu, ngay cả cái chết.
Các Bài Đọc hôm nay đều chỉ cho thấy sự thúc đẩy nghiêm trọng của thời gian. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa truyền cho Tiên-tri Jonah phải đi rao giảng cho dân Thành Nineveh biết cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống trên họ. Tiên tri mua vé tàu qua Tarshish, với hy vọng có thể trốn khỏi thiên nhan Đức Chúa. Hậu quả xảy ra là ông bị ném xuống biển. May phước cho ông là được thóat chết. Thiên Chúa truyền lần thứ hai, lần này ông vâng lệnh đi rao giảng. Dân Thành Nineveh tin vào sứ điệp ông rao giảng. Họ tuyên bố thời gian chay tịnh trên tòan nước: vua cũng như dân, từ con người đến súc vật, với hy vọng Thiên Chúa sẽ đình chỉ những hình phạt mà Ngài sắp giáng xuống trên họ. Hy vọng của họ được Thiên Chúa nhận lời. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô cũng khuyên các tín hữu Corintô: Vì thời gian chẳng còn bao lâu nữa là đến Ngày Chúa Quang Lâm, mọi người hãy chú trọng đến những giá trị vĩnh cửu đời sau, đừng quá chú trọng đến những giá trị đời này; hãy dùng chúng như không hưởng thụ, vì bộ mặt của thế gian đang qua đi. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu loan truyền sứ điệp: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Dân Nineveh tin vào Thiên Chúa.
1.1/ Đức Chúa phán với ông Jonah lần thứ hai: Điều này giả sử phải có lần thứ nhất.
(1) Đức Chúa phán với Jonah lần thứ nhất: "Hãy đứng dậy, đi đến Nineveh, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta." Ông Jonah đứng dậy nhưng là để trốn đi Tarshish, tránh nhan Đức Chúa. Ông xuống Joppa và tìm được một chiếc tàu sắp đi Tarshish. Ông trả tiền, xuống tàu để cùng đi Tarshish với họ, để tránh nhan Đức Chúa. Lý do ông bất tuân lệnh Thiên Chúa là vì ông ghét người ngọai bang, nhất là người Babylon, người mà Chúa truyền cho ông đi tới. Hậu quả là thuyền ông bị đắm, ông bị thủy thủ quăng xuống biển, và bị một con cá voi lớn táp. Như một phép lạ, ông ở trong bụng cá 3 ngày 3 đêm, ông tha thiết cầu nguyện với Thiên Chúa, Ngài đã nhận lời và làm cho cá vào bờ và nhả ông ra (Joh 1:1- 2:11).
(2) Đức Chúa phán với Jonah lần thứ hai: "Hãy đứng dậy, đi đến Nineveh, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi." Có kinh nghiệm lần trước, ông Jonah không dám bất tuân, ông đứng dậy và đi Nineveh, như lời Đức Chúa phán. Nineveh là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường.
1.2/ Thời gian khẩn cấp: Ông Jonah bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa!” Hậu quả xảy ra: “Nineveh sẽ bị phá đổ.” Khi nghe tin này, “Dân Nineveh tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho Nineveh Vua Nineveh; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro. Vua cho rao tại Nineveh: "Do sắc chỉ của đức vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước. Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết."
Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người đình chỉ về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.
2/ Bài đọc II: Thời gian quá ngắn ngủi … Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.
Có lẽ Thánh Phaolô viết Thư này khi ngài tin tưởng Ngày Chúa Quang Lâm đã gần kề, nên các tín hữu hãy dồn hết nỗ lực chuẩn bị cho Ngày Chúa Quang Lâm. Tuy nhiên, đọan văn này cũng có giá trị của nó, cho dẫu Ngày Chúa Quang Lâm chưa tới. Thánh nhân khuyên:
(1) Người có vợ hãy sống như không có: Vợ chồng là chuyện hệ trọng khi con người còn sống trong thế gian mà thôi; một khi con người về với Chúa, chuyện vợ chồng không còn cần thiết nữa. Chúa Giêsu cũng dạy cho con người biết như thế, khi người ta hỏi Ngài: Trong Ngày Quang Lâm, ai sẽ là chồng của người phụ nữ nếu cả 7 anh em đều kết hôn với người phụ nữ khi còn sống? Chúa trả lời: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” (Lk 20:34-35, Mt 22:30).
Xã hội chúng ta đang sống có khuynh hướng quá chú trọng đến chuyện vợ chồng, và tìm đủ mọi cách để quảng cáo và đề cao nó. Họ quên đi điều quan trọng hơn là làm sao đạt được mục đích của đời người. Ngay cả trong đời sống gia đình, chuyện hai người yêu thương nâng đỡ nhau phần linh hồn trong cuộc đời còn quan trọng hơn những liên hệ vợ chồng phần xác thịt.
(2) Ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui: Cảm xúc vui buồn cũng là những cảm xúc nhất thời, đến rồi đi. Con người đừng đặt quá nhiều chú ý đến cả việc tìm vui lẫn nỗi lo sợ phải u buồn. Mối phúc thứ ba của Bát Phúc còn nhấn mạnh: “Phúc cho ai khóc lóc vì họ sẽ được yên ủi.”
Con người thời đại, nhất là giới trẻ hôm nay quá chú trọng đến những party hội hè. Họ sợ cô đơn thinh lặng một mình; họ chực sẵn điện thọai, chỉ chờ khi nào nghe tiếng gọi đến party là đi. Họ quên đi một điều là “tiệc vui nào rồi cũng có lúc tàn.” Họ không thể party cả ngày và đêm, sức khỏe con người có giới hạn, sớm muộn rồi họ cũng phải đối diện với con người thật của mình. Hơn nữa, sự thinh lặng sẽ giúp con người thư giãn bình an; thời giờ để tìm hiểu học hỏi sẽ giúp con người biết nhận ra những giá trị đích thực của cuộc đời.
(3) Ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả: Mua sắm là khi con người cần đến những gì mình không có; không phải để tích trữ những gì lỡ ra mình cần đến. Con người hôm nay hầu như không còn hiểu thế nào là cuộc sống đơn giản để đừng làm nô lệ cho vật chất. Những nguy hiểm của thái độ mua sắm hôm nay:
- Thấy người khác có, mình cũng phải có, hay phải có thứ sang hơn: Mỗi tuần rủ bạn bè đến nhà mình, hay đi party nhà bạn bè, là lúc để so sánh tài sản của nhau. Nếu thấy mình thua kém bạn bè, sẽ tìm mọi cách cho bằng hay hơn nữa; nhiều khi mua mà chẳng nghĩ mình có cần xử dụng nó hay không. Một cuộc chạy đua như thế sẽ làm giàu cho giới con buôn; và làm cho con người càng ngày càng trở nên nô lệ cho vật chất: muốn có tiền mua phải kéo cày, cày ngày không đủ tranh thủ cày đêm; cho đến ngày con người sẽ sáng mắt ra nhìn thấy: hạnh phúc không tùy thuộc những gì con người có, nhưng trong những gì con người là.
- Mua hàng on sale: Mua sắm đã trở thành thú giải trí: một cuộc đấu trí giữa con buôn và khách hàng. Khi hàng mới ra, con buôn ra giá kinh hồn; mục đích là để cho khách hàng biết giá trị của món hàng. Khi nào hàng đã lỗi thời, họ bán với giá thấp hơn hay giá vốn; lúc đó khách hàng vui mừng vì mua được giá chỉ còn một nửa. Họ có biết đâu, nhiều khi đó mới là giá trị thật của món hàng.
(4) Kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng: Của cải vật chất Thiên Chúa dựng nên là để phục vụ con người, không để con người làm nô lệ cho vật chất. Điều rất nguy hiểm cho con người hôm nay là họ không còn chú trọng đến những niềm vui tinh thần nữa, chỉ còn chú trọng đến những thú vui vật chất. Ví dụ, nghỉ hè là dịp để thân xác được nghỉ ngơi và tinh thần được thư giãn. Để đạt được 2 mục đích này, nhiều khi con người chỉ cần đi cắm trại trong rừng vài ngày, cảnh trí thiên nhiên và bầu khí thinh lặng sẽ giúp con người dễ nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa. Ngược lại, có nhiều người nghĩ nghỉ hè là phải đi chơi xa, phải tốn tiền để mua những tiện nghi hưởng thụ; nhiều khi phải tiêu quá nhiều tiền và tốn quá nhiều thời giờ, làm con người càng lo lắng và mệt mỏi hơn là lúc chưa đi nghỉ.
3/ Phúc Âm: Lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
3.1/ Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa: Tin Mừng này gói ghém trong 3 điều chính sau đây:
(1) Thời kỳ đã mãn: Lịch sử Cựu Ước là một chuỗi những thời gian để chuẩn bị cho Đấng Messiah ra đời. Các Tiên-tri đã loan báo những điều này và chuẩn bị dân chúng để đón mừng Ngài. Qua lời rao giảng của Chúa Giêsu hôm nay, Ngài muốn nói cho mọi người biết: thời gian chuẩn bị và chờ đợi đã hết, Ngài chính là Đấng Messiah mà muôn dân đang mong đợi.
(2) Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần: Truyền thống Do-Thái tin: Khi Đấng Messiah tới, Ngài sẽ thiết lập triều đại của Thiên Chúa. Chính Ngài sẽ là Vua cai trị mọi người và dẫn đưa mọi người về với Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn họ hiểu: khi Ngài đến, triều đại Thiên Chúa bắt đầu.
(3) Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Phần con người, để được hưởng những gì Thiên Chúa hứa, họ phải ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng Đức Kitô rao giảng.
3.2/ Chúa Giêsu gọi 4 môn đệ đầu tiên: Để Tin Mừng được lan rộng đến mọi người, Chúa Giêsu mời gọi những môn đệ đầu tiên để huấn luyện họ:
(1) Simon và Anrê: Thấy các ông đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá, Chúa Giêsu mời gọi: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
(2) Giacôbê và Gioan: Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Zebedee, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Zebedee ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
Phản ứng mau lẹ và dứt khóat của các ông chứng tỏ các ông đã nhận ra tầm quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng và thời gian cấp bách đòi hỏi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đời người chúng ta chỉ giới hạn trong một thời gian ngắn. Hãy tìm ra mục đích cuộc đời và cố gắng sống làm sao để đạt được mục đích đó.
- Thiên Chúa dựng nên mọi sự trong trời đất là vì yêu thương con người, và Ngài đặt muôn sự dưới chân con người. Tôn thờ vật chất như một vị thần là đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa.
- Chinh phục linh hồn con người về cho Thiên Chúa quí trọng hơn tìm kiếm của cải vật chất. Chúng ta hãy mau mắn cộng tác với tiếng gọi của Thiên Chúa để làm việc trong cánh đồng truyền giáo.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Heb 9:2-3, 11-14; Mk 3:20-21
Thứ Bảy Tuần 2 TN, Năm B
Bài đọc: Heb 9:2-3, 11-14; Mk 3:20-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu vô biên của Chúa Giêsu
Khi yêu, con người làm những việc bị người khác coi là điên khùng; chẳng hạn, đứng chờ người yêu dưới mưa, hay sẵn sàng chết vì người mình yêu. Nhưng đối với người đang yêu, nó được thúc đẩy phải biểu lộ để chứng tỏ tình yêu. Chính Chúa Giêsu đã từng rửa chân cho các Tông-đồ và căn dặn các ông cũng phải rửa chân cho nhau. Ngài cũng đã nói với các ông: “không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình của người chết vì yêu.” Ngài không chỉ nói, nhưng đã vác Thập Giá lên Đồi Golgotha để chết cho con người, để chứng tỏ tình yêu của Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những biểu lộ tình yêu của Chúa Giêsu dành cho con người. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái so sánh máu của Chúa Giêsu đổ ra để xóa tội cho con người với máu của chiên bò rảy trên con người của Cựu Ước. Nếu máu chiên bò có thể cất đi tội cho con người, huống hồ gì là máu của Con Thiên Chúa! Trong Phúc Âm, vì quá yêu thương dân chúng, Chúa Giêsu và các môn đệ làm việc không ngơi nghỉ đến nỗi không có giờ ăn uống. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Máu của Đức Kitô đổ ra có sức thanh tẩy hiệu quả hơn máu của chiên bò.
1.1/ Lều Hội Ngộ và Lều của Đức Kitô: Sau khi đã so sánh phẩm trật Thượng Tế và lễ vật hy sinh, tác giả Thư Do-Thái muốn so sánh nơi chốn mà Thượng Tế dâng lễ vật. Lều Hội Ngộ, nơi mà các Thượng Tế dâng lễ hy sinh trong Ngày Đền Tội mỗi năm, được dựng nên bởi con người theo kiểu mẫu Thiên Chúa mặc khải cho Moses. Lều này chỉ là hình bóng của một thực tại, Lều lớn và hòan hảo hơn, không do bàn tay con người xây dựng và không thuộc về thế giới này, nhưng do chính Thiên Chúa tạo dựng.
(1) Lều Hội Ngộ: Trong Cựu-Ước, Lều này được cấu trúc theo mô hình mà Thiên Chúa đã mặc khải cho Moses. Tác giả mô tả vắn tắt như sau: “Lều này được gọi là Nơi Thánh, có cây đèn bảy ngọn, có bàn và bánh dâng tiến. Đằng sau bức màn thứ hai, có một cái lều gọi là Nơi Cực Thánh.” Các tư tế có thể vào Nơi Thánh để dâng lễ vật hàng tuần; nhưng chỉ có Thượng Tế mới được vào Nơi Cực Thánh, mỗi năm một lần, để dâng lễ vật cho mình và cho dân.
(2) Lều lớn và hòan hảo hơn: “Nhưng Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này.” Có học-giả cho rằng, Lều này chính là thân xác Chúa Giêsu, nhưng thân xác Chúa Giêsu được cưu mang và thành hình bởi Đức Mẹ, một con người. Lối giải thích hợp lý hơn cho Lều này chính là con người Chúa Giêsu, kết hợp bởi cả thiên tính và nhân tính, như Thánh Ambrosio nói: “Bàn thờ tượng trưng thân thể Chúa Kitô, và thân thể của Chúa Kitô ở trên bàn thờ” (GLCG trưng Ambrosio, Sacer. 4, 7). Hiểu như thế, Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế, vừa là Lễ Hy Sinh, vừa là Bàn Thờ.
1.2/ Máu của Đức Kitô và máu của chiên bò: Tác giả đã so sánh lễ hy sinh của Cựu Ước với Lễ Hy Sinh của Thượng Tế Giêsu; giờ đây, tác giả so sánh về hiệu quả của máu đổ ra của hai lễ hy sinh này. Trong Cựu Ước, máu đổ ra là máu của chiên, dê, bò; trong Tân Ước, máu đổ ra là chính máu của Thượng Tế Giêsu, Người Con của Thiên Chúa. Máu của Đức Kitô đem lại cho con người những hiệu quả sau:
(1) Sự vững bền: Máu súc vật phải đổ mỗi lần con người phạm tội. Máu Đức Kitô đổ một lần là đủ: “Người chỉ đổ máu một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.”
(2) Hiệu quả: Theo truyền thống Do-Thái, máu súc vật chỉ có thể lấy đi những tội phạm vì vô tình; những tội cố ý phạm, không máu súc vật nào có thể lấy đi được. Máu của Đức Kitô vì là máu của tự nguyện, của yêu thương, của Con Thiên Chúa, có thể tha thứ tất cả các tội: “Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu và các môn đệ quên mình để lo cho dân chúng.
2.1/ Lòng yêu thương của Chúa Giêsu dành cho con người: “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.” Những việc này xảy ra là vì Chúa Giêsu và các môn đệ quá thương dân chúng. Nếu Chúa Giêsu không muốn những điều này xảy ra, Ngài chỉ cần đình chỉ việc chữa lành hay lánh đi một nơi hẻo lánh, là giải quyết được vấn đề. Chỉ có tình yêu mới thúc đẩy Chúa Giêsu và các môn đệ vào hòan cảnh này; tuy vậy, các ngài vẫn vui vẻ phục vụ.
2.2/ Thân nhân không thể hiểu nổi những gì Chúa Giêsu làm: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.” Theo thói thường, người không yêu không thể hiểu nổi lý lẽ của tình yêu. Các thân nhân của Chúa Giêsu không thể nào hiểu nổi tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha và cho con người. Theo họ, cuộc sống như Chúa Giêsu đang sống là một điên khùng và thất bại, vì:
(1) Lang thang khắp nơi, nay đây mai đó, không có nghề nghiệp gì nhất định; trong khi theo họ, con người phải có mái nhà an tòan và nghề nghiệp vững chắc để sinh sống.
(2) Kết bạn với những người nghèo khổ và thất học; trong khi theo họ, phải có kiến thức và địa vị cao trọng trong xã hội.
(3) Dám đương đầu với quyền lực của giới cai trị tôn giáo như Biệt-phái, Kinh-sư, Cao-niên. Theo họ, làm như thế là tự mang án tử cho mình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nhìn vào những gì Chúa Giêsu đã, đang, và sẽ làm cho con người, chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài dành cho chúng ta.
- Không ai dám hy sinh tính mạng cho người khác; họa chăng có người dám chết vì người công chính. Đức Kitô đã chết cho chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân.
- Vì Đức Kitô đã yêu thương và hy sinh tất cả cho chúng ta, chúng ta không được ích kỷ để chỉ biết sống cho mình; nhưng phải yêu thương và hy sinh cho người khác như Đức Kitô đã dạy chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Heb 8:6-13; Mk 3:13-19
Thứ Sáu Tuần 2 TN, Năm B
Bài đọc: Heb 8:6-13; Mk 3:13-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu là trung gian của giao ước mới hoàn hảo hơn.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh sự quan trọng của những gì Chúa Giêsu làm. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Do-Thái so sánh hai giao ước cũ và mới mà Thiên Chúa thiết lập với dân. Vì giao ước cũ bất tòan nên mới có giao ước mới. Giao ước mới hòan hảo hơn giao ước cũ vì đặt căn bản trên những lời hứa tốt đẹp hơn của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thiết lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài và được huấn luyện, trước khi Ngài sai các ông đi rao giảng Tin Mừng và tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúa Giêsu là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn.
1.1/ Quan niệm về giao ước: Thông thường, giao ước là một hợp đồng giữa hai bên, đồng ý thỏa thuận về một số những điều mà hai bên đồng ý giữ. Nếu một bên không chịu giữ hợp đồng, giao ước ấy sẽ trở nên vô hiệu. Từ ngữ Hy-Lạp thường dùng để chỉ giao ước là suntheke. Điều đáng chú ý trong đọan văn này, tác giả không dùng suntheke, mà dùng diatheke; từ ngữ này được dùng để chỉ một lời hứa mà một người ở cấp bậc cao hơn hứa với một người dưới mình. Trong giao ước của Thiên Chúa với con người, Thiên Chúa là nguồn gốc và là nguyên nhân của những lời hứa.
1.2/ Giao ước cũ và mới:
(1) Giao ước cũ: là giao ước Thiên Chúa thiết lập với Israel qua trung gian của Moses trên Núi Sinai. Theo giao ước này, Thiên Chúa hứa sẽ thương yêu và săn sóc Israel nếu họ tuân giữ cẩn thận các giới răn của Ngài (Deut 4:23).
(2) Giao ước mới:
- Đặc điểm: hòan hảo hơn giao ước cũ. Tác giả dẫn chứng lời đã được tiên báo bởi Tiên-tri Jeremiah 31:31-34: “Quả thật, Thiên Chúa khiển trách Dân rằng: Đức Chúa phán: Này sắp đến những ngày Ta hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Israel và nhà Judah. Giao ước đó sẽ không như giao ước Ta đã thiết lập với cha ông của chúng, trong ngày Ta cầm tay dẫn chúng ra khỏi Ai-cập. Bởi vì chúng đã không trung thành với giao ước của Ta, nên Ta cũng đã bỏ mặc chúng, Đức Chúa phán.” Tác giả dùng tĩnh từ kainos để chỉ mới cả về thời gian lẫn phẩm giá: “Nhưng hiện nay, Đức Giêsu được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn.”
- Lý do hiện hữu: là vì sự bất tòan của giao ước cũ. “Thật vậy, giả như giao ước thứ nhất đã hoàn hảo rồi, thì chẳng cần phải tìm giao ước thứ hai để thay thế.” Tác giả lý luận: “Khi Thiên Chúa nói đến Giao Ước Mới, Người làm cho giao ước thứ nhất hoá ra giao ước cũ; và cái gì cũ kỹ, lỗi thời, thì sắp tan biến đi.”
- Sự khác biệt nền tảng giữa 2 giao ước: Thập Giới của giao ước cũ được khắc ghi trong 2 bia đá; trong khi Lề Luật của giao ước mới sẽ được Thiên Chúa: “ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là Dân của Ta.”
Con người giữ Lề Luật không chỉ vì bắt buộc, nhưng vì yêu thương Đấng dạy dỗ mình.
- Mọi người đều biết Thiên Chúa: không còn chỉ giới hạn trong vòng dân Do Thái mà thôi. “Không ai còn phải dạy đồng bào mình, không ai còn phải dạy anh em mình rằng: "Hãy học cho biết Đức Chúa", vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta.”
- Hòan tòan tha thứ mọi tội lỗi cho dân: “Ta sẽ dung thứ những điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu thành lập Nhóm Mười Hai.
1.1/ Sứ vụ của Nhóm Mười Hai: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.” Tại sao phải lập Nhóm Mười Hai?
(1) Để tiếp tục thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng: Chúa Giêsu biết rõ những gì sẽ xảy đến cho Ngài trong tương lai, vì thế Ngài cần những người tiếp tục công việc của Ngài. Người lãnh đạo giỏi là người biết nhìn đến tương lai, và biết huấn luyện những người có khả năng để thay thế mình sau này; vì nếu không huấn luyện người để thay thế, tất cả những cố gắng của mình, cho dù hay đến đâu chăng nữa, cũng sẽ rơi vào quên lãng.
(2) Để Tin Mừng đựơc loan báo sâu rộng và nhiều người được chữa lành hơn: Phương tiện truyền thông duy nhất thời đó là loan báo bằng miệng, và phương tiện di chuyển thịnh hành nhất là đi bộ. Chúa Giêsu băn khoăn làm sao để Tin Mừng có thể đạt tới mọi người, và không còn cách nào hiệu quả hơn là mời gọi nhiều người cộng tác để huấn luyện, và rồi sai họ đi thi hành sứ vụ. Đó là lý do tại sao Ngài không chỉ huấn luyện một, mà 12 Tông-đồ; bên cạnh đó, Ngài còn huấn luyện rất nhiều các môn đệ đi theo Ngài. Điều này dạy chúng ta, để Tin Mừng có thể lan tràn đến mọi người, chúng ta cần sự cố gắng và cộng tác của rất nhiều người, chứ không giới hạn trong một thiểu số có tài năng hay kiến thức mà thôi.
(3) Chúa Giêsu gọi các ông để ở với Ngài: Cách huấn luyện hiệu quả nhất của người thời xưa là cho ở với Thầy; mục đích không những là để cho các trò học tất cả những gì nơi Thầy: sự khôn ngoan cũng như cách cư xử, nhưng còn là cơ hội cho Thầy quan sát các trò của mình và sửa sai những tính xấu cho họ.
1.2/ Thành phần của Nhóm Mười Hai: “Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Simon là Phêrô, rồi có ông Giacôbê con ông Zebedee, và ông Gioan em ông Giacôbê - Người đặt tên cho hai ông là Boarneghese, nghĩa là con của thiên lôi - rồi đến các ông Anrê, Philípphê, Barthôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simon thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa Iscariot là chính kẻ nộp Người.” Nhìn qua danh sách của 12 Tông-đồ, một người có những nhận xét như sau:
(1) Không có ai nổi bật: về danh giá, quyền thế, cũng như về kiến thức. Ngược lại, đa số là những ngư phủ thất học tầm thường. Các ông có thành công và trung thành với sứ vụ hay không là do cách Chúa Giêsu huấn luyện.
(2) Là những con người yếu đuối, tội lỗi: Matthew là người thu thuế, và được xem là tội lỗi thường xuyên và công khai. Judah Iscarioth là người sẽ nộp Chúa. Hai con ông Zebedee, Gioan và Giacôbê, là người nhắm địa vị “ngồi bên tả và bên hữu” Chúa Giêsu trong vương quốc của Ngài. Phêrô chối Chúa 3 lần, và hầu hết các Tông-đồ đều bỏ Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài. Điều này cho chúng ta thấy việc huấn luyện con người không dễ.
(3) Tính khí rất khác nhau: Simon, người thuộc Nhóm Quá Khích, có khuynh hướng bảo vệ quốc gia Do-Thái, rất ghét những người cấu kết với ngọai bang để bóc lột dân như Matthew, người thu thuế. Thế mà Chúa Giêsu chọn hai ông để sống chung với nhau, dẹp bỏ sự khác biệt, và cùng chung lo một sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Phêrô rất nhanh nhẩu đến nỗi làm mà không chịu suy nghĩ, để ở với Gioan, người luôn thâm trầm và cẩn thận suy nghĩ trước khi làm. Nói tóm, sự huấn luyện của Chúa Giêsu và cuộc sống chung đã làm các ông phải dẹp bỏ những khác biệt cá nhân để cùng hy sinh cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
Chúng ta hãy tin tưởng hòan tòan nơi Chúa Giêsu, vì Ngài là trung gian của một giao ước hòan hảo.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Heb 7:25 - 8:6; Mk 3:7-12
Thứ Năm Tuần 2 TN, Năm B
Bài đọc: Heb 7:25 - 8:6; Mk 3:7-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu là sự tòan hảo của Thiên Chúa.
Trong cuộc sống, con người phải trải qua nhiều giai đọan thử thách và vấp ngã, trước khi đạt tới chỗ tòan hảo. Tục ngữ Việt Nam cũng nói lên điều này trong câu: “Thất bại là mẹ thành công.” Tác giả Thư Do-Thái đề cập đến quan niệm này ngay từ đầu Thư: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.” Khi cái hòan hảo tới thì cái tạm thời qua đi. Điều quan trọng là con người cần nhận ra cái hòan thiện và tin theo, chứ không ngoan cố giữ lại cái cũ.
Các Bài Đọc hôm nay nói lên vai trò quan trọng của Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Tác-giả Thư Do-Thái nhấn mạnh đến 3 yếu tố quan trọng trong việc Chúa Giêsu hiến mình làm của lễ đền tội cho con người: Ngài vừa là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek, vừa là của lễ tòan hảo, và nơi Ngài dâng của lễ lên Thiên Chúa là ngai vàng nơi Thiên Chúa ngự trên trời. Trong Phúc Âm, khi nghe những gì Chúa Giêsu đã làm, dân chúng từ khắp nơi kéo đến để được nghe giảng và chữa lành bởi Chúa Giêsu; ngay cả các thần ô uế cũng khiếp sợ Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế thập tòan, vừa là của lễ hy sinh tòan hảo.
1.1/ Của lễ của Thượng Tế Giêsu dâng thánh thiện và vẹn tòan hơn của lễ của Cựu Ước: Để chứng minh điều này, tác giả Thư Do-Thái đề cao những đặc tính của Chúa Giêsu: “Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời.”
(1) Chỉ dâng hy lễ một lần là đủ: “Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.” Để hiểu ý tác giả, chúng ta cần so sánh vai trò của Chúa Giêsu là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek với vai trò của Thượng Tế theo phẩm trật Aaron:
- Các Thượng-tế: có vai trò nổi bật trong Ngày Xá Tội, mỗi năm một lần. Trong ngày này, ông được quyền vào trong nơi Cực Thánh để dâng lễ đền tội cho dân. Trước khi có thể dâng lễ đền tội cho dân chúng, ông phải dâng lễ đền tội cho ông trước bằng lễ vật của chính ông. Sau đó, ông dâng lễ vật của dân để đền tội cho họ. Ngày Xá Tội cứ tiếp diễn mỗi năm như thế.
- Thượng Tế Giêsu: Vì Ngài thánh thiện vẹn tòan, nên Ngài không cần dâng của lễ đền tội cho mình. Để đền tội cho dân, Ngài dâng chính thân mình làm của lễ đền tội. Đây là lễ vật hy sinh thánh thiện và tinh tuyền nhất, không một của lễ nào có thể so sánh được. Chính vì vậy, Ngài chỉ cần dâng một lần là đủ. Vì thế, Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế, vừa là lễ vật hy sinh; và vì Ngài sống mãi, nên biến cố hy sinh của Ngài trên Đồi Golgotha thay thế của lễ đền tội trong Ngày Xá Tội. Con người không cần lễ vật hy sinh của theo Luật Cựu Ước nữa.
(2) Chúa Giêsu là Thượng Tế của Thiên Chúa và của con người: Tác gỉa kết luận: “Vì Luật Moses thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.” Nói cách khác, Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế tòan hảo, và của lễ Ngài dâng để đền tội cho dân cũng tòan hảo vì là chính bản thân của Ngài.
1.2/ Thánh Điện để dâng của lễ là ngai vàng Thiên Chúa trên trời: Sau khi đã đề cập tới chức vụ Thượng Tế, và của lễ hy sinh đề tội, tác giả tiến đến chỗ dâng của lễ. Trong Cựu Ước, chỗ dâng của lễ là nơi Cực Thánh trong Đền Thờ. Trong Tân Ước, chỗ dâng của lễ là chính ngai vàng Thiên Chúa ngự: “Điểm chủ yếu trong những điều đang nói ở đây là điểm này: chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả như thế ngự bên hữu ngai Đấng uy linh ở trên trời.”
(1) Nơi Cực Thánh trong Đền Thờ dưới đất: là nơi Thiên Chúa hiện diện với con người. Nơi này được xây cất bởi con người theo một kiểu mẫu mà Thiên Chúa đã chỉ dạy cho Moses trên núi, nhưng nơi này “chỉ là hình ảnh lu mờ mô phỏng thánh điện trên trời.”
(2) Ngai Thiên Chúa trong Thánh Điện trên trời: Khi Chúa Giêsu dâng lễ vật hy sinh, Ngài dâng “trong lều trại thật, do Thiên Chúa chứ không phải do người phàm dựng lên.”
Nói tóm, “Đức Giêsu được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn.”
2/ Phúc Âm: Mọi người từ khắp nơi kéo đến với Chúa Giêsu.
Bước đầu trong hành trình rao giảng của Chúa Giêsu thành công tốt đẹp: phần vì những lời giảng dạy của Ngài, phần vì những phép lạ Ngài làm cho dân chúng. Tiếng lành đồn xa, nên như trình thuật hôm nay kể, mọi người trong khắp vùng Cận Đông tuôn đến với Chúa Giêsu: “Đức Giêsu cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Galilee, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Judah, từ Jerusalem, từ xứ Idumea, từ vùng bên kia sông Jordan và vùng phụ cận hai thành Tyre và Sidon, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.”
(1) Chúa Giêsu chữa con người khỏi mọi bệnh họan tật nguyền: Điều có sức hấp dẫn con người nhất là được chữa lành khỏi mọi bệnh họan tật nguyền. Dân chúng kéo đến với Chúa Giêsu để được chữa bệnh. Ngài có năng lực của Thiên Chúa đến nỗi “ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.” Nếu cứ để họ chen lấn xô đẩy nhau để được đến gần và sờ vào Chúa, không khéo sẽ có nhiều tai nạn không may xảy ra. Hơn nữa, Chúa đến không phải chỉ để chữa bệnh, mà còn giảng dạy và mặc khải về Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu đã khôn ngoan “bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ.”
(2) Các thần ô uế biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa: Danh xưng “con Thiên Chúa” không nhất thiết chỉ bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu, vì danh xưng này được dùng để chỉ nhiều người như: các thiên thần (Gen 6:2), dân Do-Thái là con Thiên Chúa (Hos 11:1), vua của Do-Thái là con Thiên Chúa (II Sam 7:14), người công chính là con Thiên Chúa (Sir 4:10)… Các thần ô uế có thể nhận thấy một thứ quyền lực thánh thiện từ Chúa Giêsu đối chọi với sự ô uế của chúng, làm cho chúng không thể tồn tại, nên hỏang sợ kêu lên: "Ông là Con Thiên Chúa!" Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu là sự tòan hảo của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tin tưởng và học hỏi nơi Ngài để biết về Thiên Chúa.
- Vì chúng ta không có thời gian nhiều để học hỏi mọi điều hay trong vũ trụ; điều quan trọng và cần thiết nhất chúng ta phải học là kiến thức về Thiên Chúa.
- Chỉ một người duy nhất có thể mang đến cho chúng ta Ơn Cứu Độ là Chúa Giêsu qua hiến lễ hy sinh của Ngài trên Thập Giá.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Đức Kitô là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek
- Con người quí trọng hơn luật lệ
- Cũ và mới
- Nhận ra thánh ý Thiên Chúa
- Hiệu quả của Lời Chúa
- Phải lắng nghe, hiểu thấu, và thực hành Lời Chúa
- Bất tuân lệnh Thiên Chúa sẽ phải lãnh nhận hậu quả
- Chúa Giêsu là Thựơng-tế nhân-từ và trung-tín
- Uy quyền của Chúa Giêsu
- Cùng nhau làm việc