Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng Năm B
Bài đọc: Gen 49:2, 8-10; Mt 1:11-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đấng Cứu Thế được sinh ra trong lịch sử.
Niềm tin của con người vào Đấng Cứu Thế không phải là một niềm tin trừu tượng; ví dụ, tin vào một vị thần không có nguồn gốc; nhưng là một niềm tin vào Đấng có gia phả trong lịch sử con người. Đấng Cứu Thế đã được Thiên Chúa hứa ngay từ thuở ban đầu, và được nhắc đi nhắc lại cho con người nhớ theo giòng lịch sử. Kinh Thánh gọi đó là Kế Họach Cứu Độ.
Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa đã có sẵn từ thuở ban đầu, và đã được mặc khải cho con người ngay từ khi Ông Adong và Bà Evà sa ngã trong Vườn Địa Đàng, khi Thiên Chúa tuyên án con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa giòng dõi mi và giòng dõi người ấy; giòng dõi đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (Gen 3:15).
Trải qua giòng lịch sử của Do-Thái, Thiên Chúa không ngừng chuẩn bị cho Kế Họach Cứu Độ này. Trong Bài Đọc I từ Sách Sáng Thế Ký, Tổ-phụ Jacob đã chúc lành đạc biệt cho giòng dõi Judah; vì Tổ-phụ đã nhìn thấy trước ngày giòng dõi này sẽ làm vua và cai trị các anh em mình. Đồng thời, Tổ-phụ cũng tiên đóan Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra từ giòng dõi Judah. Trong Phúc Âm, Thánh-sử Matthêu tường thuật gia phả của Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Bắt đầu từ thời các Tổ-phụ Abraham, Isaac, và Jacob cho đến thời Vua David là 14 đời; từ thời Vua David cho đến Thời Lưu Đày Babylon là 14 đời; sau Thời Lưu Đày cho đến thời Đấng Cứu Thế sinh ra cũng 14 đời. Trình thuật Matthêu hôm nay chỉ tường thuật từ Thời Lưu Đày cho đến khi Đấng Cứu Thế sinh ra.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tổ phụ Jacob chúc lành cho giòng dõi Judah.
Chương 49 của Sách Sáng Thế Ký là những lời chúc lành và trăn trối của Tổ-phụ Jacob (Israel) cho 12 con mình, tượng trưng cho 12 chi tộc của Israel. Nhà Giuse được chia thành 2 chi tộc: Benjamin và Manasseh. Tổ phụ Jacob kêu các con đến trước khi chúc lành: “Hỡi các con của Jacob, hãy tụ tập lại mà nghe, hãy nghe Israel, cha các con.” Trình thuật hôm nay chỉ chú ý đặc biệt đến chi tộc Judah; vì từ chi tộc này sẽ phát sinh Đấng Cứu Thế.
1.1/ Giòng dõi Judah sẽ cai trị các anh em: Judah là đứa con duy nhất được khen ngợi trước khi chúc lành. Tổ-phụ Jacob chúc lành và nói tiên tri về chi tộc Judah: “Con sẽ được anh em con ca tụng, tay con sẽ đặt trên ót các địch thù, anh em cùng cha với con sẽ sụp xuống lạy con. Judah là sư tử con. Con ơi, săn mồi xong con lại trở về. Nó quỳ xuống, nằm phục như sư tử và như sư tử cái: ai sẽ làm cho nó đứng dậy?”
1.2/ Giòng dõi Judah sẽ làm vua: Thời của Tổ-phụ Jacob là thời của Bộ-tộc, Israel chưa có vua. Hàng ngũ lãnh đạo gồm các thượng tế, bô lão, và thủ lãnh. Israel chỉ có vua sau thời Moses gần 200 năm, bắt đầu với Vua Saun, sau đó tới David, Solomon. Thế mà tổ phụ Jacob đã được Thiên Chúa cho nhìn thấy trước ngày giòng dõi Judah sẽ làm vua: “Vương trượng sẽ không rời khỏi Judah, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục.”
1.3/ Từ giòng dõi Judah sẽ phát sinh Đấng Cứu Thế: Không những nhìn thấy ngày giòng dõi Judah sẽ nối nhau làm vua, tổ phụ Jacob còn được Thiên Chúa cho nhìn thấy Ngày Đấng Cứu Thế ra đời. Ngài tuy xuất thân từ giòng dõi Judah, nhưng lại là chủ của vương trượng. Ngài không chỉ cai trị dân Do-Thái, nhưng muôn dân phải vâng phục quyền bính của Ngài.
2/ Phúc Âm: Đấng Cứu Thế sinh ra từ giòng dõi Judah.
2.1/ Từ thời cực thịnh của vương triều David đến thời Lưu Đày Babylon: “Josiah sinh Jechoniah và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Babylon.” Trong lịch sử Do-Thái, thời của Vua David được coi là thời cực thịnh; vì Vua David thống nhất tòan lãnh thổ, tất cả 12 chi tộc Jacob, và lên làm vua. Tuy nhiên, điểm yếu của Vua David là biến cố ngọai tình với Bà Bathsheba và sinh ra Vua Solomon. Vì biến cố này, mà vương quốc bị chia đôi, và giòng họ Nhà Vua bị suy thóai dần dần cho đến thời Lưu Đày. Trong thời Lưu Đày, nước Israel bị xóa sạch trên bản đồ, giòng họ Judah bị đày sang Babylon, và dân Do-Thái hầu như không còn hy vọng gì nơi lời chúc lành của Tổ-phụ Jacob. Họ kêu cầu Thiên Chúa:
“Đâu cả rồi, lạy Thiên Chúa, nghĩa cũ với tình xưa Ngài hứa cùng David nhân danh chữ tín thành? Lạy Chúa, xin nhớ rằng: các tôi tớ Ngài bị thoá mạ, những lời phỉ báng của chư dân, con đây vẫn chất chứa trong lòng. Vâng, lạy Chúa, kẻ thù Ngài thoá mạ, theo sát gót mà buông lời thoá mạ đấng Ngài đã xức dầu tấn phong” (Psa 89:50-52).
2.2/ Sau thời Lưu Đày Babylon: Trong hòan cảnh hầu như tuyệt vọng tại nơi lưu đày, Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm việc, và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa vẫn trên đường tiến tới. Theo trình thuật của Tin Mừng Matthêu: “Sau thời lưu đày ở Babylon, Jechoniah sinh Shealtiel; Shealtiel sinh Zerubbabel; Zerubbabel sinh Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Zadok; Zadok sinh Achim; Achim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Matthan; Matthan sinh Jacob; Jacob sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đức Kitô. Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Abraham đến vua David, là mười bốn đời; từ vua David đến thời lưu đày ở Babylon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời.
Nhìn lại gia phả của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, chúng ta học được nhiều bài học: (1) Tổ tiên của Chúa Giêsu gồm cả người thánh thiện (các Tổ-phụ Abraham, Isaac, và Jacob) và kẻ tội lỗi (Bà Tamar giả làm gái điếm để được có con với Judah, Vua David ngọai tình với Bà Bathsheba); cả những người thờ phượng Thiên Chúa và người thờ nhiều thần (Bà Ruth); cả những người Do-Thái và Dân Ngọai. (2) Tuy có những lúc cực thịnh (triều đại của David và Solomon) và những lúc cực suy (thời Lưu Đày), lời hứa của Thiên Chúa và lời chúc lành của Tổ-phụ Jacob vẫn tiếp tục ứng nghiệm. Ngài vẽ đường thẳng của Kế Họach Cứu Độ trên những đường cong của lịch sử Do-Thái. Thiên Chúa là Đấng Trung Thành: những gì Ngài đã hứa, Ngài sẽ thực hiện.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, không phải là niềm tin trừu tượng và mơ hồ, nhưng được bám rễ sâu trong lịch sử con người qua gia phả của Chúa Giêsu.
- Đấng Cứu Thế đã được Thiên Chúa hứa ban cho con người ngay từ khởi thủy, và Ngài đã không ngừng chuẩn bị và mặc khải cho con người qua các thời đại. Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục họat động trong thời đại chúng ta cho đến Ngày Phán Xét.
- Chúng ta hãy đặt hòan tòan niềm tin nơi Thiên Chúa trong mọi khúc quanh của cuộc đời. Cho dù trời đất có thay đổi, nhưng những gì Thiên Chúa đã hứa không bao giờ đổi thay.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Giáo Phận Long Xuyên
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần III MV
Bài đọc: Zeph 3:1-2, 9-13; Mt 21:28-32.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải sống theo sự thật.
Khi con người phải đối diện với sự thật, có nhiều phản ứng khác nhau: Có những người dửng dưng với sự thật, vì không nhìn ra được sự quan trọng của nó. Có những người sợ sự thật, vì sự thật mất lòng. Nếu họ biết, họ phải thi hành sự thật. Ví dụ, nhiều người biết những gì Chúa nói là sự thật; nhưng họ không muốn tin, vì nếu tin họ phải giữ những gì Chúa dạy. Có những người muốn tiêu hủy sự thật, vì nó phơi bày những giả dối của họ ra ánh sáng cho mọi người nhìn thấy. Sau cùng, có những người yêu mến sự thật và nhiệt thành tìm kiếm; vì sự thật giúp họ nhận ra những lầm lỗi khuyết điểm để sửa chữa thành những người tốt đẹp hơn. Điều quan trọng con người cần biết là sự thật giải thóat. Dù con người không có tội vì không biết sự thật, họ vẫn phải lãnh nhận mọi hậu quả vì tội dửng dưng, quay lưng, hay tiêu diệt sự thật.
Các Bài đọc hôm nay xoay quanh vấn đề cần biết và sống theo sự thật. Trong Bài Đọc I, Tiên Tri Isaiah vạch ra cho dân thấy tai hại của việc quay lưng lại với Thiên Chúa, nguồn gốc của sự thật; và chạy theo những ảo tưởng như tin vào sức mình hay các thần ngọai bang. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vạch ra cho các Kinh-sư và Biệt-phái biết: Các người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Trời trước họ; vì mặc dù tội lỗi, nhưng họ biết ăn năn hối cải để lãnh nhận ơn tha thứ và làm lại cuộc đời. Nếu họ không chịu tin và thi hành những gì Gioan Tẩy Giả và chính Ngài nói với họ, họ sẽ không được hưởng Nước Trời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Giống nòi phản lọan không nghe tiếng kêu mời, cũng chẳng tiếp thu lời sửa dạy.
1.1/ Dân Israel không nghe lời Thiên Chúa: Tiên Tri Sophonia là tiên tri sống trong Thời Lưu Đày, ông cho dân biết lý do tại sao Jerusalem bị thất thủ và dân bị lưu đày: “Khốn cho thành phản loạn và ô uế, khốn cho thành tàn bạo, không nghe tiếng kêu mời, chẳng tiếp thu lời sửa dạy, không cậy trông vào Đức Chúa, chẳng đến gần Thiên Chúa của mình.” Thành Jerusalem là Thành Thánh của Thiên Chúa ngự; thế mà nay trở nên Thành phản lọan, ô uế, và tàn bạo. Lý do là vì dân Thành đã làm ngơ trước những lời kêu mời và sửa dạy của các tiên tri Chúa gởi tới. Họ không còn trông cậy vào Thiên Chúa nữa, nhưng tin tưởng vào sức mạnh của mình, và chạy theo các thần ngọai bang.
1.2/ Chúa sửa sọan một dân mới: Mục đích Thiên Chúa sửa phạt không phải để tiêu diệt, nhưng để thanh luyện làm cho dân biết nhận ra và sống theo sự thật, theo ý muốn và đường lối của Ngài. Dân mới Thiên Chúa sửa sọan để mang trở về Jerusalem sẽ gồm 2 lọai người: những người không phải là dân Do-Thái, nhưng tin tưởng vào Thiên Chúa và phục vụ Ngài; những người Do-Thái còn sót lại, họ nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và ăn năn trở lại với Ngài. TT viết: “Bấy giờ, Ta sẽ làm cho môi miệng chư dân nên tinh sạch để tất cả đều kêu cầu danh Đức Chúa và kề vai sát cánh phụng sự Người. Từ bên kia sông ngòi xứ Kush, những kẻ tôn thờ Ta, những kẻ đã bị Ta phân tán, sẽ mang lễ vật đến kính dâng Ta. Ngày ấy, ngươi sẽ không còn phải hổ thẹn vì mọi hành vi ngang trái chống lại Ta. Bấy giờ, Ta sẽ đuổi cho khuất mắt ngươi những kẻ kiêu căng đắc thắng, và ngươi sẽ không còn nghênh ngang trên núi thánh của Ta nữa.”
1.3/ Dân còn sót lại sẽ nghe lời và làm theo ý Thiên Chúa: Thời gian Lưu Đày làm cho người Do-Thái nhận ra những sai trái của họ vì đã không tin tưởng và cậy trông nơi Thiên Chúa; đồng thời cũng khích lệ họ biết khiêm nhường và sống theo những gì Thiên Chúa dạy. Khi dân đã nhìn ra điều này, Thiên Chúa sẽ tiếp tục chăm sóc họ: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa. Số dân Israel còn sót lại sẽ không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt. Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ.”
2/ Phúc Âm: Nói nhưng không làm theo ý Thiên Chúa.
2.1/ Dụ ngôn hai người con: Để dạy cho các Kinh-sư và Biệt-phái một bài học về sự thật, Chúa Giêsu đưa ra cho họ một dụ ngôn: “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho." Nó đáp: "Con không muốn đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?" Họ trả lời: "Người thứ nhất."
2.2/ Hai người con tượng trưng cho hai hạng người:
(1) Những người thu thuế và gái điếm: Chúa Giêsu ví những người này như người con thứ nhất. Nếu xét theo bề ngòai, họ là những người tội lỗi, và không để tâm đến những gì Chúa dạy bảo. Nhưng khi họ được cơ hội nghe những gì Gioan Tẩy Giả rao giảng hay được Chúa Giêsu kêu mời, họ lập tức thay đổi cuộc sống, và tin vào Tin Mừng. Như lời Đức Giêsu nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy." Những người đã ăn năn và tin theo Chúa Giêsu cũng không thiếu. Tin Mừng kể ra những người như: Matthêu và Jachaeus là những người thu thuế; Mary Magdalene là gái điếm; người trộm lành tin vào Chúa Giêsu trong những giây phút cuối của cuộc đời anh ta.
(2) Những Biệt-phái và Kinh-sư: Chúa Giêsu ví những người này như người con thứ hai. Nếu chỉ xét bề ngòai: thẻ kinh và những tua áo họ đeo, thông biết Lề Luật, đọc kinh sách nhiều lần trong ngày; họ là những người tốt lành vì họ giữ cẩn thận những gì Chúa dạy. Nhưng Thiên Chúa không chỉ nhìn và xét theo dáng vẻ bên ngòai, Ngài thấu suốt và phán xét theo tâm tình bên trong. Ngài nhìn thấy họ chỉ thờ Thiên Chúa bằng môi miệng nhưng lòng họ xa Thiên Chúa vạn dặm, đeo thẻ kinh lớn và mang nhiều tua áo để được tiếng khen, thông biết Lề Luật nhưng không thi hành, đọc kinh nhiều để nuốt trọn gia tài các bà góa. Gioan Tẩy Giả nghiêm khắc răn bảo họ hãy thật lòng ăn năn xám hối, vì cây rìu đã chờ sẵn dưới gốc cây; nhưng họ vẫn cứng lòng không chịu trở lại. Chúa Giêsu nhìn thấu tận đáy lòng và mắng họ như những mồ mả tô vôi, bên ngòai trông rất đẹp, nhưng bên trong tòan những giòi bọ rúc rỉa. Họ không những không ăn năn trở lại, mà còn tìm cách để giết luôn Chúa Giêsu.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không chỉ cần biết sự thật, nhưng còn phải thi hành sự thật.
- Phải biết nhìn nhận tội lỗi và sửa sai kịp thời. Chúng ta đừng bao giờ có thái độ tự nhận mình là người công chính và khinh thường người khác; nhưng phải luôn biết khiêm nhường xét mình và thú nhận tội lỗi với Thiên Chúa.
- Chúng ta phải lãnh nhận mọi tai hại và thiệt thòi của việc khinh thường và không sống theo sự thật.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần III MV
Bài đọc: Num 24:2-7, 15-17; Mt 21:23-27.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải yêu mến sự thật.
Khao khát được biết và sống theo sự thật là một trong những khát vọng được Thiên Chúa phú bẩm vào trong con người; vì thế, con người luôn tìm kiếm để nhận biết sự thật. Nhưng trong hành trình đi tìm sự thật, có rất nhiều kẻ thù đe dọa và ngăn cản con người không cho tìm ra sự thật như: lười biếng, sợ hãi, và sai lạc. Tính lười biếng làm con người ngại khó khăn và không kiên trì trong hành trình đi tìm sự thật. Tính sợ hãi làm con người chùn chân, không có can đảm chấp nhận sự thật. Sự sai lạc ngăn cản và đánh lạc hướng, không cho con người đạt tới sự thật.
Các Bài đọc hôm nay tập trung vào việc biết và sống theo sự thật. Trong Bài đọc I, Vua Balak mặc dù đã hai lần được Tiên Tri Balaam cho biết sự thật, vẫn hy vọng sẽ nhận được những gì ngược lại với sự thật: Nhà Vua muốn Thiên Chúa chúc dữ cho dân tộc Israel. Trong Phúc Âm, các Thượng-tế và Kỳ-mục, mặc dù biết rõ Phép Rửa của Gioan và uy quyền của Chúa Giêsu bởi Trời; nhưng vẫn gian dối nói không biết; vì sợ phải tin và giữ những gì Chúa Giêsu truyền dạy.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tiên Tri Balaam biết kính sợ Thiên Chúa và dám nói sự thật.
Khi Vua Balak của Moab thấy quyền lực của Israel bành trướng khắp vùng sông Jordan, Nhà Vua sợ Israel sẽ thôn tính Moab nữa. Nhà Vua sai sứ giả đến cầu cứu với Tiên Tri Balaam trong vùng, để ông này chúc dữ cho dân Israel, với hy vọng khi Vua đem quân giao chiến thì sẽ thắng. Tiên Tri Balaam được Thiên Chúa báo trước cho biết: ông có thể đi tới với Vua, nhưng chỉ được nói những gì Thiên Chúa muốn ông nói mà thôi (Num 22:20, 35, 38). Sau hai lần thất bại để kiếm lời chúc dữ của Thiên Chúa từ miệng TT Balaam (Num 23:7-10, 18-24), Vua Balak vẫn kiên nhẫn với Tiên Tri Balaam để chờ Thiên Chúa thay đổi.
Trình thuật hôm nay tường thuật lần thứ ba những gì TT Balaam nói với Vua Balak: “Sấm ngôn của Balaam, con Beor, sấm ngôn của người mắt vẫn mở. Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa, người ngắm nhìn thị kiến Đấng Toàn Năng, của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần.” Phần đầu của thị kiến nói về sự chúc lành của Thiên Chúa cho Israel, phần sau nói về những gì sẽ xảy ra cho Vua và dân tộc Moab:
(1) Thiên Chúa chúc lành cho Nhà Israel: “Hỡi Jacob, lều bạt của ngươi đẹp biết mấy! Hỡi Israel, đẹp biết mấy doanh trại của ngươi! Như thung lũng trải dài, như vườn cạnh bờ sông,
như trầm hương Đức Chúa đã trồng, như hương nam mọc bên dòng nước. Từ các bồn của nó, nước tràn ra, và hạt giống nó được tưới dồi dào. Vua của nó cao cả hơn Agag, và vương quốc nó được tôn vinh.”
(2) Moab sẽ bị phá hủy bởi Nhà Israel: “Rồi ông cất tiếng đọc bài thơ của mình như sau:
"Sấm ngôn của Balaam, con Beor, sấm ngôn của người mắt vẫn mở. Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa, và biết những tư tưởng của Đấng Tối Cao, được Đấng Toàn Năng cho nhìn thấy, của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần. Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Jacob, một vương trượng trỗi dậy từ Israel sẽ đập vào màng tang Moab, đánh vỡ sọ tất cả con cái Seth.”
Nhiều thánh Giáo-Phụ đã cho “một vì sao xuất hiện từ Jacob” là lời tiên tri nói về Đấng Cứu Thế, nhưng lời tiên tri này không được dẫn chứng trong Tân-Ước. Tuy nhiên, nó được trích dẫn trong các Sách của Qumran (1QM 11:5-7, CD 7:19-20) để nói lên niềm hy vọng vào Đấng Cứu Thế.
2/ Phúc Âm: Các Thượng-tế và Kỳ-mục không dám trả lời Chúa Giêsu vì sợ hậu quả của sự thật.
2.1/ Đương đầu với sự thật: Trình thuật hôm nay kể: Đức Giêsu vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?"
(1) Họ thách thức quyền năng thanh tẩy Đền Thờ của Chúa Giêsu: Những điều mà họ đang thắc mắc là việc Chúa Giêsu vào Đền Thờ và xua đuổi tất cả các kẻ buôn bán ra khỏi đó (x/c Mt 21:12-13) và việc Chúa chữa lành các bệnh nhân (Mt 21:14-15). Lý do tại sao Chúa làm, vì: "Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp."
(2) Chúa Giêsu thách thức họ về Phép Rửa của Gioan: Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời câu hỏi của họ, nhưng Ngài đòi họ phải trả lời câu hỏi của Ngài trước khi Ngài trả lời câu hỏi của họ. Ngài thách thức: "Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?”
2.2/ Thái độ chạy trốn sự thật: Chúa Giêsu biết rõ những gì họ đang nghĩ: Nếu họ thật tâm muốn đi tìm sự thật, họ phải nhận ra những gì Gioan Tẩy Giả và Ngài làm là đến từ Thiên Chúa. Gioan Tẩy Giả dọn đường cho con người để đón nhận Đấng Cứu Thế, và tòan dân chạy đến với ông để được chuẩn bị. Việc thanh tẩy Đền Thờ và các phép lạ Chúa Giêsu làm không thể đến từ con người, vì không ai có can đảm và quyền năng để làm những chuyện đó.
(1) Giới lãnh đạo chạy trốn sự thật vì sợ phải lãnh nhận hậu quả: Họ chạy trốn sự thật không phải vì họ không đủ khôn ngoan để nhìn ra sự thật; nhưng vì họ không muốn phải lãnh nhận những hậu quả do sự thật gây ra. Hậu quả trước mắt là họ sợ phải tin vào Chúa Giêsu và làm những gì Ngài muốn. Họ có đủ khôn ngoan con người để lý luận như sau:
- Nếu mình nói: "Do Trời," thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại không tin ông ấy?"
- Còn nếu mình nói: "Do người ta," thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ."
(2) Từ chối chấp nhận sự thật: Vì sợ phải lãnh nhận hậu quả, nên họ phải dối trá trả lời Chúa Giê-su: "Chúng tôi không biết." Người cũng nói với họ: "Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải yêu mến sự thật vì chỉ có sự thật mới giải thóat và làm cho con người đạt tới đích điểm của cuộc đời.
- Chúng ta phải ao ước và tìm tòi để biết sự thật. Khi đã tìm được sự thật, chúng ta phải sống những gì mà sự thật đòi hỏi.
- Chúng ta phải có can đảm làm chứng cho sự thật; vì sợ hãi làm con người quay đầu và từ chối sự thật.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN RA ĐỨC GIÊ-SU VÀ THIÊN CHÚA?
CHÚA NHẬT THỨ III MÙA VỌNG NĂM B (14/12/2014)
[Is 61,1-2a.10-11; 1 Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Giới lãnh đạo Do-thái giáo đã phải vất vả mà không sao nhận ra Đấng Mêsia mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân riêng Người là Đức Giêsu Na-da-rét. Họ cử người đến gặp và hạch hỏi Gioan Tẩy giả đủ điều mà không có kết quả. Lý do là họ bị mù quáng và thành kiến trong suy nghĩ và nhận thức hẹp hòi của mình.
Còn chúng ta ngày nay, chúng ta có nhận ra Đức Giêsu Ki-tô và Thiên Chúa không? Mỗi người phải cố gắng trả lời được câu hỏi ấy.
Trong các bài Sách Thánh của Phụng Vụ Chúa nhật III Mùa Vọng hôm nay chúng ta được Ngôn sứ Isaia, Thánh Gioan Baotixita và Thánh Phaolô Tông đồ dân ngoại, chia sẻ kinh nghiệm của họ về cách họ nhận ra Thiên Chúa và Đức Giê-su Kitô.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Is 61,1-2a.10-11): Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa.
(1) Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, (2a) công bố một năm hồng ân của Đức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta…
(10) Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn gói, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang (11) Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nổ hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Tx 5, 16-24): Thần trí, tâm hồn và than xác anh em phải được giữ gìn vẹn toàn trong ngày Chúa quang lâm.
(16) Anh em hãy vui mừng luôn mãi (17) và cầu nguyện không ngừng (18) Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.. (19) Anh em đừng dập tắt Thần Khí. (20) Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. (21) Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; (22) còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa. (23) Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta quang lâm. (24) Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 1,6-8.19-28): Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.
(6) Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gio-an (7) Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. (8) Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
(19) Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy Thầy Lê-vi đến hỏi ông: "Ông là ai?" (20) Ông tuyên bố thẳng thắn: "Tôi không phải là Đấng Ki-tô." (21) Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?" Ông nói: "Không phải." - "Ông có phải là một vị ngôn sứ chăng?" Ông đáp: "Không." (22) Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?" (23) Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.” (24) Trong nhóm được cử đi có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. (25) Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?" (26) Ông Gio-an trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết (27) Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người."(28) Các việc đó đã xẩy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sống Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong 3 Bài Sách hôm nay chúng ta biết Thiên Chúa nhờ/qua ba tôi tớ lỗi lạc của Người là ngôn sứ I-sai-a, Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta và Thánh Phao-lô, Tông Đồ Dân Ngoại:
(1)Thiên Chúa mà ngôn sứ I-sai-a làm chứng là Đức Chúa đã xức dầu tấn phong cho sứ giả của Người là Đức Giê-su Na-da-rét. Thiên Chúa đổ tràn Thần Khí trên Người để Người thực thi sứ mạng được giao là loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân và năm hồng ân của Thiên Chúa. Sau này chính Đức Giê-su đã xác định sứ vụ của Người khi long trọng tuyên bố trong hội đường Na-da-rét: "Hôm nayđã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe." (Lc 4,21). Lời Kinh Thánh ấy là câu 1 và 2 trong Chương 61 của Sách Ngôn sứ I-sai-a ở trên.
(2) Thiên Chúa mà Gio-an Tiền Hô làm chứng là Đấng đang ở giữa dân mà người ta không nhận ra Người. Người làm Phép Rửa trong Thánh Thần trong khi Gio-an Tẩy Giả chỉ làm phép rửa trong nước. Người cao trọng vượt xa Gio-an đến độ Gio-an không xứng được cởi quai dép cho Người. Chính Người mới là ánh sáng trong khi sứ mạng của Gio-an chỉ là làm chứng về ánh sáng, chỉ là dọn đường cho Người mà thôi.
(3) Thiên Chúa mà Thánh Phao-lô Tông đồ cảm nghiệm là Thiên Chúa rộng lòng rộng tay ban phát muôn hồng ân, nhất là Thần Khí cùng với ơn nói tiên tri, ơn khôn ngoan và ơn thẩm định (tốt/xấu) cho người tín hữu. Thiên Chúa còn là nguồn mạch bình an và là Đấng thánh hóa toàn diện con người. Vì thế Người đáng được chúng ta đón rước với tâm tình biết ơn và lời cảm tạ.
3.2 Giáo Huấn của Thiên Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?)Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là chúng ta hãy vui mừng và cất tiếng tạ ơn vì THIÊN CHÚA ĐÃ BAN CON CỦA NGƯỜI CHO CHÚNG TA! Đó chính là Đức Giê-su Na-da-rét, Vị Sứ Giả của Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa của chúng ta. Người đã đến trần gian cách đây hơn hai ngàn năm và Người vẫn ở lại giữa loài người, vẫn ở bên và ở trong chúng ta.
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn sống với Đấng ban ơn, như tạo vật sống với Đấng Tạo Hóa, như ngôn sứ I-sai-a, như Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta và như Thánh Phao-lô tông đồ dân ngoại đã và đang sống với Thiên Chúa.
4.2 Thực thi sứ điệp (hay giáo huấn) của Lời Chúa
gồm 3 phần hay ba việc sau:
- Thứ nhất là chúng ta vui mừng cảm tạ Thiên Chúa giầu lòng thương đã ban cho chúng ta Con của Người là Đức Giê-su Na-da-rét,
- Thứ hai là chúng ta đón rước Chúa Giê-su Ki-tô vào trong tâm hồn và đời sống của chúng ta.
- Thứ ba là chúng ta cộng tác với Chúa Giê-su trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho người nghèo và cứu chữa những người đau yếu, bệnh tật, tù tội, bị gạt ra ngoài lề xã hội.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.»Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu cho các dân tộc và các nhóm người đang phải sống trong đau khổ, bất công, đàn áp để các dân tộc và nhóm người ấy sớm đón nhận Tin Mừng và nhận ra Thiên Chúa là Đấng yêu thương và giải thoát.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 «Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri.»Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu cho mọi thành phần Dân Chúa, nhất là cho các vị lãnh đạo trong hàng giáo phẩm và giáo sĩ, để mọi Ki-tô hữu sống đúng như lời giáo huấn của Thánh Phao-lô Tông Đồ Dân Ngoại.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 «Ông Gio-an đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.» Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu cho các tín hữu và các gia đình thuộc giáo xứ chúng ta để mọi người, mọi nhà làm chứng cho ánh sáng là Chúa Ki-tô trong gia đình và khu xóm của mình.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 «Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.» Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu cho những người trẻ đang gặp khó khăn trong cuộc sống và nhiều lúc không biết phải làm gì, để các bạn ấy biết cân nhắc, phân định và chọn lựa cho đúng với lương tâm và phẩm giá làm người và làm con Chúa.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật III Mùa Vọng, Năm B
Bài đọc: Isa 61:1-2, 10-11; I Thes 5:16-24; Jn 1:6-8, 19-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy vui mừng lên!
Tại sao phải vui mừng? Con người vui mừng vì nhiều lý do: Có thể vui mừng vì đạt được những gì mình hy vọng như: học sinh ra trường, nhà nông thu họach mùa màng, mục đồng được báo tin vui Đấng Cứu Thế đã ra đời, Ba Vua đi tìm và được gặp Đấng Cứu Thế. Có thể vui mừng vì tìm lại được những gì đánh mất như: tình yêu, sức khỏe, mù được thấy, qùe được đi, câm được nói. Có thể vui mừng vì làm được những gì mình đã không thể làm: như người đàn bà mang thai và có con trong lúc tuổi già, linh mục có quyền trừ quỉ và tha tội.
Các Bài Đọc của Chủ Nhật III Mùa Vọng xoay quanh chủ đề “Hãy vui mừng lên,” vì Đấng Cứu Thế sắp tới; Ngài mang theo tất cả những gì con người đang thiếu thốn và mong đợi. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah kêu gọi dân Do-Thái hãy vui mừng lên vì Năm Tòan Xá sắp tới, niềm vui vì sắp hết Thời Lưu Đày (50 năm, từ 587 BC đến 538 BC). Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô không những kêu gọi các tín hữu vui mừng lên, mà còn phải vui mừng luôn mãi. Lý do là vì Ngày Chúa Quang Lâm sắp tới; và mọi người sẽ được nhìn thấy ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả báo cho dân biết Đấng Cứu Thế đã xuống và ở giữa con người; nếu họ đi tìm thì họ sẽ gặp Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tuyên bố Năm Hồng Ân (hay còn gọi là Năm Tòan Xá)
1.1/ Năm Tòan Xá: Để hiểu những gì Tiên Tri Isaiah nói tới hôm nay, chúng ta cần hiểu về Năm Tòan Xá. Theo truyền thống Do-Thái, cứ 50 năm một lần, con người có quyền làm lại từ đầu. Trong năm này, ruộng vườn nhà cửa được trả lại cho người bán, ân xá hay gỉam án cho kẻ bị giam cầm, phóng thích cho những tù nhân, nô lệ. Nói tóm, Năm Tòan Xá là năm mà mọi tội lỗi hay nợ nần được tha, để tất cả mọi người có thể làm lại cuộc đời (x/c Lev 25:8-55, Isa 49:8-26). Sở dĩ có năm này là vì Thiên Chúa yêu thương con người; Ngài không muốn tội lỗi và hậu quả của nó đè bẹp con người, nhưng cho con người có cơ hội để làm lại cuộc đời.
1.2/ Tiên Tri Isaiah loan báo Năm Hồng Ân: “Thánh Thần của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một Năm Hồng Ân của Đức Chúa, một Ngày Tòan Thắng của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than.” Nếu so sánh những lời Tiên Tri nói tới trong đọan văn này, với những gì được mô tả ở trên về Năm Tòan Xá, chúng ta có thể nhìn thấy những điều giống nhau như: loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, yên ủi mọi kẻ khóc than, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, công bố ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một Năm Hồng Ân của Đức Chúa, công bố Ngày Tòan Thắng của Thiên Chúa chúng ta.
Hơn nữa, đọan văn này là chương 61 của Sách Tiên Tri Isaiah III, gồm các chương từ 60 tới 66. Sách Isaiah III được viết sau Thời Lưu Đày; và Thời Lưu Đày được kéo dài đúng 50 năm (587-538 BC). Một số chi tiết quan trọng trong đọan văn cần được lưu ý:
- Thánh Thần được đề cập thường xuyên, bắt đầu chương 60, nhưng đã được hứa trước trong (Isa 11:1-2). Sự hiện diện của Thánh Thần bắt đầu triều đại Đấng Cứu Thế. Sau này, tất cả mọi người thuộc về Đấng Cứu Thế, sẽ được hưởng Thánh Thần (x/c Joel 2:28).
- Ai là người được xức dầu tấn phong? Theo truyền thống Isaiah (Isa 40:11, 54:1-17, 55:3), người được xức dầu tấn phong bởi Thánh Thần chính là Người Tôi Tớ của Yahveh, Đấng Cứu Thế!
- Điều Tiên Tri Isaiah muốn nhấn mạnh đến trong trình thuật hôm nay là Ơn Cứu Độ tòan diện, bao gồm mọi khía cạnh: thể lý, tâm linh, cá nhân, và xã hội (x/c Mt 11:4-6).
1.3/ Niềm vui vì được Thiên Chúa ghé mắt thương đến: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang. Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.”
Điều quan trọng nhất để hiểu đọan văn này là phải xác nhận: Ai là người được Thiên Chúa ghé mắt thương đến trong đọan văn này? Theo Targum, người được Thiên Chúa ghé mắt thương đến là Jerusalem. Bản Targum thêm câu, “Vì thế Jerusalem nói.” Jerusalem được nhân cách hóa để chỉ Israel, Dân Chúa. Jerusalem cử hành tình yêu trọn vẹn giữa Dân Thành với Thiên Chúa (Isa 54:5-8, Jer 33:10-11, Rev 19:7, 9, Jn 2:1-11). Jerusalem cũng có thể chỉ Giáo Hội, Jerusalem mới, Hiền Thê của Đức Kitô. Sau cùng, Jerusalem cũng có thể được áp dụng cho Đức Trinh Nữ Maria.
- Mấy điểm quan trọng của đọan văn này:
(1) Mặc cho tôi hồng ân cứu độ: Ơn Cứu Độ đến từ Thiên Chúa và được ban tặng cho con người.
(2) Choàng cho tôi đức chính trực công minh: Nhờ tin vào Đức Kitô, con người được hòa giải với Thiên Chúa, và vì thế, được trở nên công chính trước mặt Ngài.
(3) Ngày Cứu Độ được ví như Ngày Hôn Lễ: Đức Kitô là Chú Rể, Giáo Hội là Cô Dâu: “như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.”
(4) Một khi đã được Thiên Chúa ghé mắt thương đến, con người sẽ không còn khô cằn sỏi đá, nhưng kết trái đâm bông, sinh hoa kết quả; và xứng muôn lời ca ngợi.
(5) Vinh quang của Đấng Thiên Sai bắt đầu từ trái đất – với và qua con người – nhưng Thiên Chúa vẫn là nguồn của mọi đời sống (Isa 45:8, 53:2).
2/ Bài đọc II: Ngày Chúa Quang Lâm đã gần đến.
Đây là những lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô cho các tín hữu Thessalonica. Căn bản của những lời khuyên nhủ là Ngày Quang Lâm sắp tới, làm việc gì cũng phải nhắm tới ngày đó.
2.1/ Tinh thần của các Kitô hữu: “Phải vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. Anh em đừng dập tắt Thánh Thần. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.”
- Vui mừng, cầu nguyện, và tạ ơn trong mọi hòan cảnh: đây chính là cách để chu tòan bổn phận đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.
- Phải nhận ra các ân huệ khác nhau được ban bởi cùng một Thánh Thần cho các người trong cộng đòan (I Cor 12-14). Đừng dập tắt những biểu lộ trung thực của Thánh Thần (Acts 7:51, Isa 63:10), mặc dù sự phân biệt những biểu lộ cũng là một ân sủng cần thiết (I Cor 12:10, 14:29), cần phân biệt sự nguy hiểm của quỉ thần và các thần gian dối (II Thes 2:2).
- Chớ khinh thường ơn nói tiên tri: biểu tỏ qua những lời rao giảng, dạy dỗ, và an ủi. Ơn này đánh dấu một ân huệ chuyển tiếp, không phải là một lọai đặc biệt của Kitô hữu (I Cor 14:31).
- Cân nhắc mọi sự: các biểu lộ ân huệ của Thánh Thần, không chỉ là lời khuyên nên làm lành lánh dữ.
2.2/ Ngày Chúa Quang Lâm đã gần đến: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó.”
- Ngày Chúa Quang Lâm là đích điểm. Cuộc sống các tín hữu phải xoay quanh Ngày này.
- Chúa là nguồn mạch bình an: Ngài sẽ đưa tất cả những lời hứa đến chỗ vẹn tòan cho những ai tin tưởng và cậy trông nơi Ngài. Chúa là Đấng trung thành: Chúa hứa và Ngài sẽ thực hiện.
- Tòan diện gồm: trí tuệ, linh hồn, và thân xác của con người. Thánh hóa tòan diện không phải chỉ là một lời hứa, nhưng còn là công việc của Thiên Chúa làm (Exo 31:13, Lev 21:8, Eze 37:28, Jn 17:19). Con người được thánh hiến bằng Lời Chúa, ơn thánh, và Chúa Thánh Thần.
3/ Phúc Âm: Tin Mừng: Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.
3.1/ Gioan là sứ giả loan báo Tin Mừng: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.” Nhiều người cho rằng: sở dĩ Thánh-sử Gioan phải viết những lời này vì có giáo phái coi trọng Gioan Tẩy Giả hơn Đức Kitô. Điều này xảy ra không phải tự Gioan muốn như thế, nhưng có thể là môn đệ hay những người quí trọng ông. Thánh-sử Gioan muốn làm sáng tỏ quan niệm này, khi ngài nhấn mạnh:
- Chỉ có Đức Kitô là ánh sáng của thế gian (Jn 8:12).
- Gioan Tẩy Gỉa không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.
3.2/ Lời chứng của Gioan Tẩy Giả: Khi một số người gồm các Kinh-sư, Biệt-phái, từ Jerusalem đến chất vấn, ông trả lời họ như sau:
(1) Gioan không phải là Đức Kitô: Họ hỏi: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn: “Tôi không phải là Đấng Kitô.” Gioan không muốn ai lẫn lộn mình với Đấng Kitô.
(2) Gioan không phải là Elijah: Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Elijah không?” Ông nói: “Không phải.” Ông có lý do để trả lời như thế, mặc dù trong Tin Mừng Nhất Lãm, chính Chúa Giêsu đã cho các môn đệ biết Gioan chính là Elijah phải tới. Ông chu tòan sứ vụ của TT Elijah, chứ không phải là hiện thân của Elijah như người Do-Thái tin.
(3) Gioan không phải là một ngôn sứ: Họ lại hỏi: “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Có lẽ vì biết trách vụ của mình chỉ là người dọn đường, nên Gioan đã khiêm tốn thú nhận mình không phải là một ngôn sứ.
(4) Gioan là tiếng kêu trong hoang địa: Họ chất vấn ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaiah đã nói.”
(5) Gioan phân biệt 2 Phép Rửa: Phép Rửa của ông và của Đấng Cứu Thế. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisees. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Elijah hay vị ngôn sứ?” Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hãy vui mừng lên! Vì ơn cứu độ của chúng ta đã tới.
- Đấng Cứu Thế đã tới và đang ở giữa chúng ta. Mọi tội lỗi của chúng ta sẽ được tha.
- Chúng ta có niềm vui của người bắt đầu cuộc đời mới với bao nhiêu ơn lành. Chúng ta phải vui mừng luôn, cầu nguyện với Thiên Chúa, và tạ ơn trong mọi hòan cảnh vì Ngày Chúa Quang Lâm đã gần tới.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần II MV
Bài đọc: Isa 48:17-19; Mt 11:16-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đừng bắt người khác phải làm mọi sự theo ý mình.
Thiên Chúa dựng nên mỗi người khác nhau: về nhân vị, về sở thích, về cách thức suy nghĩ. Những khác biệt này làm cho mỗi người có ơn gọi, cách sống, và cách làm việc khác nhau. Lý do Thiên Chúa dựng nên con người khác nhau là vì Ngài muốn mọi người bổ xung cho nhau, đòan kết với nhau, để cùng nhau sinh sống.
Vấn đề tranh chấp xảy ra là khi có những con người độc tài, họ bắt những người khác phải theo sự suy nghĩ, cách sống, và cách làm việc của họ. Thiên Chúa, Đấng có thể bắt buộc, nhưng Ngài vẫn để tự do cho con người hành động; nhưng ngược lại, con người nhiều khi bắt ngay cả Thiên Chúa phải làm theo ý muốn của mình.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh vấn đề này. Trong Bài Đọc I, Tiên Tri Isaiah khuyên con người phải nghe theo sự dạy dỗ của Thiên Chúa để được hưởng muôn ơn phúc lộc Ngài ban cho. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nêu lên lối phê bình không có nền tảng của con người: “Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: "Ông ta bị quỷ ám." Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hạnh phúc thay những ai đi trong đường lối của Thiên Chúa!
1.1/ Phải vâng nghe những lời dạy dỗ của Thiên Chúa: Tiên Tri Isaiah nói thay Chúa: “Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, Đức Thánh của Israel, phán thế này: Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng dạy ngươi những điều bổ ích, Đấng hướng dẫn ngươi trên đường ngươi đi.” Nghe lời Thiên Chúa là dấu hiệu của con người khôn ngoan; vì có ai trong trần gian này khôn ngoan hơn Thiên Chúa: Ngài biết những gì có lợi và những gì gây thiệt hại cho con người.
1.2/ Ân huệ dành cho những ai làm theo ý Chúa: Có rất nhiều ích lợi cho những ai đi sống theo đường lối của Thiên Chúa; Tiên Tri liệt kê 3 điều chính:
(1) Tâm hồn được bình an: Người làm theo ý Chúa có bình an trong tâm hồn vì biết mình đã làm đúng, và biết chắc sẽ có kết quả tốt như lời bảo đảm của TT Isaiah: “Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như giòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển.”
(2) Con đàn, cháu đống: “Giòng dõi ngươi sẽ đông như cát, con cái ngươi sinh ra sẽ hằng hà sa số.” Người xưa quan niệm: con cái là hồng ân Thiên Chúa ban, nhưng tâm trạng của con người thời nay khác hẳn với những gì Chúa dạy: họ sợ con đàn cháu đống. Tâm trạng này cần được xét lại vì Thiên Chúa chẳng nói hay làm điều gì sai.
(3) Được Thiên Chúa nhớ tới muôn đời: “Tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt, chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt Ta.” Người không nghe lời Thiên Chúa là tự mình khai trừ tên tuổi mình ra khỏi số những người con của Thiên Chúa. Ngài luôn để ý đến những ai kêu cầu và bước đi trong đường lối của Ngài.
2/ Phúc Âm: Những bất tòan của đường lối con người.
Thiên Chúa trình bày sự thật và để con người có tự do chọn lựa sống theo đường lối Ngài; ai theo, sẽ được hưởng muôn vàn ân huệ. Khác với tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa, nhiều người chẳng có sự thật hay ân huệ; nhưng lại bắt người khác làm theo ý muốn và cách thức của mình. Chúa Giêsu lên án 2 tật xấu của con người đương thời:
2.1/ Muốn mọi sự theo ý mình: Chúa Giêsu nói: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: "Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than."”
(1) Muốn mọi sự phải theo ý mình: Người ích kỷ không quan tâm đến ý của người khác nghĩ gì; đối với họ, chỉ có ý của họ là nhất. Họ quên đi họ phải theo ý của Thiên Chúa; và tùy trường hợp, họ phải theo ý của người có trách nhiệm.
(2) Muốn mọi người phải theo ý mình: Làm việc gì cũng phải có nơi chốn, hợp thời gian; chứ không phải khi mình muốn là mọi người phải làm theo ý mình. Chúa tạo dựng con người có đầy đủ trí khôn và ý muốn, chứ không phải là người máy hay những con múa rối để mình muốn điều khiển cách nào thì điều khiển. Trong ví dụ hôm nay, Chúa Giêsu muốn vạch ra những cái phi lý của người đương thời: Ngòai chợ chứ có phải đám đình đâu mà nhảy múa! Ngòai chợ tòan người sống chứ có người chết đâu mà đấm ngực than khóc!
2.2/ Thói luôn phê bình người khác: Người đương thời phê bình cả lối sống khắc khổ của Gioan Tẩy Giả và lối sống phóng khóang của Chúa Giêsu. Sự phê bình của họ được Chúa Giêsu tóm tắt như sau: “Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: "Ông ta bị quỷ ám." Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi." Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hậu quả của nó."” Con người thích phê bình vì nhiều lý do:
(1) Muốn chứng tỏ mình hay hơn: Nhiều người thích phê bình để chứng tỏ mình biết nhiều, và không muốn chấp nhận cái hay của người khác. Họ quên đi một điều là trong thế gian luôn có người hay hơn và họ cần phải học hỏi.
(2) Vì ghen tị và không muốn ai hơn mình: Nhiều người phê bình vì sợ bị mất ảnh hưởng nơi dân chúng. Điều này rất đúng với các Kinh-sư và Biệt-phái. Họ không muốn chấp nhận những dạy dỗ của Chúa Giêsu không phải vì họ không biết đó là sự thật, nhưng vì họ sợ mất ảnh hưởng và quyền lợi trên dân chúng. Họ muốn triệt hạ Chúa Giêsu vì họ sợ dân chúng sẽ chạy theo Ngài.
(3) Không muốn chấp nhận sự thật để khỏi phải thi hành điều sự thật đòi hỏi: Đây là điều thường xảy ra cho những người vô thần. Họ không tin không phải vì họ không nhận ra Thiên Chúa, nhưng vì sợ nếu tin, họ phải giữ những điều Chúa dạy.
2.3/ Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hậu quả của nó: Để biết ý nào là ý khôn ngoan, cần phải xem vào hậu quả thì mới biết được. Nếu hậu quả tốt thì là ý khôn ngoan, hậu quả xấu là ý điên rồ. Mọi người tuôn đến với Gioan Tẩy Giả vì biết ông là người thánh thiện và ông chuẩn bị tâm hồn con người để đón nhận Thiên Chúa. Mọi người tuôn đến với Chúa Giêsu vì biết Ngài có quyền năng chữa bệnh, khôn ngoan, và yêu thương họ thực sự; chứ không như các Biệt-phái và Kinh-sư.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải học hỏi để tìm ra tiêu chuẩn và đường lối của Thiên Chúa; sau đó, chúng ta phải có can đảm để sống theo tiêu chuẩn và đường lối của Ngài.
- Hậu quả của việc sống theo đường lối Thiên Chúa là chúng ta sẽ có bình an thực sự trong tâm hồn, đạt được kết quả tốt và vững bền, nhất là luôn được Thiên Chúa ghé mắt trông coi.
- Chúng ta cần suy xét cẩn thận về tiêu chuẩn và đường lối của con người. Chúng ta cần nhận ra tất cả những nguyên nhân đen tối ẩn núp đàng sau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần II MV
Bài đọc: Isa 41:13-20; Mt 11:11-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đường lối và tiêu chuẩn của Thiên Chúa.
Đường lối và tiêu chuẩn của Thiên Chúa xem ra có vẻ nghịch lý với đường lối và tiêu chuẩn của thế gian: trở nên cao trọng bằng khiêm nhường, trở nên quan trọng bằng phục vụ, có được sức mạnh bằng tin tưởng, sửa phạt là xót thương. Chúng nghịch lý vì thế gian cậy sức mình; trong khi các công dân Nước Trời cậy vào sức của Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh những nghịch lý này. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót thương Israel, bắt chịu đau khổ cùng cực rồi lại ban sức mạnh khôn lường. Làm như thế, Chúa muốn dạy dân một bài học: Trong tất cả mọi sự, phải đặt trọn vẹn niềm tin nơi Ngài. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả được Chúa Giêsu khen là nhân vật quan trọng nhất trong số các phàm nhân, nhưng kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót thương.
1.1/ Thiên Chúa xót thương Israel: Tiên Tri Isaiah muốn làm nổi bật 2 điểm: sự uy quyền thánh thiện của Thiên Chúa và sự hèn hạ của Israel, lòng thương xót của Thiên Chúa và sự bất trung của họ:
- Thiên Chúa xót thương Israel và làm cho họ được mạnh sức: “Vì Ta, Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Đấng cầm lấy tay phải ngươi và phán bảo: "Đừng sợ, chính Ta phù trợ ngươi.””
- Israel chỉ là lòai sâu bọ: Danh từ Do-Thái được dùng ở đây là “tôlaat,” có nghĩa là lòai dòi bọ ở trong rượu hay trong trái cây, danh từ này được dùng để chỉ sự nhỏ bé và tội lỗi của dân tộc Israel. Thiên Chúa thương họ vì lòng thương xót; chứ tự họ không có gì đáng yêu cả: “Đừng sợ, hỡi Jacob, loài sâu bọ, hỡi những người Israel, chính Ta phù trợ ngươi, sấm ngôn của Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi là Đức Thánh của Israel.”
1.2/ Thiên Chúa tăng sức mạnh cho Israel: Mặc dù Israel yếu đuối và vô dụng như lòai giòi bọ, nhưng Thiên Chúa sẽ làm cho họ được mạnh sức và uy quyền để chinh phục quân thù: “Này đây Ta sẽ biến ngươi thành một cái bừa vừa sắc vừa mới và đầy mũi nhọn. Ngươi sẽ dày đạp và nghiền nát núi non, sẽ làm cho các đồi nên như trấu. Ngươi sẽ rê chúng, gió sẽ cuốn đi và bão táp sẽ phân tán chúng.”
1.3/ Thiên Chúa làm cho Israel được vui mừng: “Còn ngươi, vì Đức Chúa, sẽ mừng vui hoan hỷ, vì Đức Thánh của Israel, sẽ hãnh diện, tự hào.” Điều Tiên Tri muốn nhấn mạnh ở đây cho dân Do-Thái biết: Tất cả là do uy quyền của Thiên Chúa chứ không do công sức của họ; nếu họ biết tin tưởng và cậy trông nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ làm mọi sự cho họ.
(1) Thiên Chúa xót thương kẻ nghèo hèn, khốn khổ: “Những ai nghèo hèn, khốn khổ, tìm nước không ra, lưỡi khô vì khát, Ta, Đức Chúa, Ta sẽ đáp lời, Ta, Thiên Chúa của Israel, Ta sẽ không bỏ rơi chúng.”
(2) Thiên Chúa làm được mọi sự: Không có sự gì là không thể với Thiên Chúa, ngay cả việc biến sa mạc thành đồng bằng phì nhiêu: “Ta sẽ khai mở sông ngòi trên các đồi trọc, và khe suối dưới các lũng sâu. Ta sẽ biến hoang địa thành hồ ao, biến đất khô nên mạch nước dồi dào. Và trong vùng hoang địa, Ta sẽ trồng bá hương, keo, sim với ô-liu; trên những dải đất hoang, Ta sẽ cho mọc lên một trật nào trắc bá, nào du, nào hoàng dương.”
(3) Điều quan trọng là phải tin vào uy quyền của Thiên Chúa: Khi nhìn thấy những điều này xảy ra, thiên hạ đều nhìn ra và nhận biết, nghiền ngẫm và hiểu rằng: “Điều ấy, bàn tay Đức Chúa đã làm nên, điều ấy, Đức Thánh của Israel đã tạo thành.”
2/ Phúc Âm: Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả.
2.1/ Sự cao trọng của Gioan Tẩy Giả: Chúa Giêsu khen: "Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.” Tại sao Gioan Tẩy Giả quan trọng như thế?
(1) Ông được thánh hiến ngay từ lòng mẹ: Lời thiên thần mặc khải cho Zechariah, thân sinh của Gioan: “Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần” (Lk 1:15).
(2) Ông được Thiên Chúa chọn để dọn đường cho Đấng Tối Cao: Thiên thần nói tiếp: “Em sẽ đưa nhiều con cái Israel về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlijah, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lk 1:16-17).
(3) Ông là người đầu tiên nhận ra Chúa và chỉ cho dân biết: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Jn 1:29-30).
2.2/ Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.
(1) Phải mạnh sức mới vào được Nước Trời: “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu vớisức mạnh, ai mạnh sức thì thắng.” Đây là câu khó hiểu; tại sao cần sức mạnh mới vào được Nước Trời? Nếu nhìn lại cuộc đời của Gioan Tẩy Giả, chúng ta thấy ông phải đương đầu với sức mạnh: Vua Herode bắt bỏ tù và giết chết ông. Chúa Giêsu cùng chịu chung số phận. Rồi đến các thánh tử đạo ở mọi thời. Vì thế, ai không mạnh sức hơn các quyền lực thế gian, người ấy sẽ không vào được Nước Trời. Kẻ nào vào được Nước Trời, kẻ ấy chứng tỏ mình mạnh sức và cao trọng hơn các kẻ ở ngòai, cho dù là vua chúa trần gian. Dĩ nhiên, Gioan Tẩy Giả cũng là người của Nước Trời, vì ông đã chiến thắng sức mạnh của thế gian.
(2) Gioan Tẩy Giả chính là Tiên Tri Elijah: Truyền thống Do-Thái tin Elijah không chết; ông sẽ trở lại trước thời Đấng Cứu Thế đến để dọn đường cho Ngài. Chúa Giêsu tuyên bố: “Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Elijah, người phải đến. Ai có tai để nghe thì hãy nghe.” Châm ngôn có câu: “Người ta có thể mang ngựa đến giòng suối để uống nước, nhưng người ta không thể bắt nó uống.” Thiên Chúa đã sai Gioan đến làm chứng cho Chúa Giêsu, và chính Chúa Giêsu đã chứng thực lời chứng của Gioan. Nếu sau khi đã nghe cả Gioan và Chúa Giêsu mà họ vẫn không tin, Thiên Chúa còn làm được gì cho họ nữa!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Là con của Cha trên trời, chúng ta cần học tiêu chuẩn và đường lối của Thiên Chúa.
- Chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa, sẵn sàng từ bỏ ý riêng, và làm theo thánh ý của Ngài.
- Chúng ta phải có thái độ: thà được làm công dân Nước Trời còn hơn được hưởng mọi vinh hoa phú quí ở đời này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần II MV
Bài đọc: Isa 40:25-31; Mt 11:28-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa yêu thương và săn sóc mọi người.
Con người thường có khuynh hướng lấy những gì mình suy nghĩ và áp dụng cho Thiên Chúa; chẳng hạn, cha mẹ chỉ có thể yêu thương và chăm sóc cho vài con (chỉ 2 con với cha mẹ thời nay). Đem áp dụng suy nghĩ này cho Thiên Chúa, họ không tin Thiên Chúa có thể biết, yêu thương, và chăm sóc cho từng người một trong nhân lọai.
Các Bài đọc hôm nay muốn chứng minh: với quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài yêu thương và săn sóc từng người một. Trong Bài đọc I, người Do-Thái kêu trách Thiên Chúa: "Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?" Tiên Tri Isaiah sửa sai quan niệm này: Nếu Thiên Chúa có thể gọi đích danh từng ngôi sao một, Ngài cũng có thể gọi đích danh từng người một. Nói cách khác, vì Thiên Chúa gọi, nên tất cả được tạo thành. Tiên tri nói: “Thiên Chúa không mệt mỏi, cũng chẳng nhọc nhằn, trí thông minh của Người khôn dò thấu. Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kêu mời mọi người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng.
1.1/ Chúa biết và yêu thương từng cá nhân một: Tiên Tri Isaiah dùng công cuộc sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa để chứng minh sự quan phòng của Thiên Chúa cho con người: “Các ngươi so sánh Ta với ai, để Ta phải ngang hàng với nó? Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó? Đấng tung ra toàn bộ đạo binh các tinh tú, Người gọi đích danh từng ngôi một, khiến không thiếu vắng một ngôi nào.”
Nếu Thiên Chúa đã dựng nên từng ngôi sao một và sắp xếp vị trí của chúng trong trời đất, Người cũng dựng nên và quan phòng cho từng con người một trong thế gian này. Vì thế, Tiên Tri chất vấn những người không tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “Hỡi Jacob, sao ngươi nói, hỡi Israel, sao ngươi bảo: "Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?" Ngươi chẳng biết, chẳng nghe thấy sao? Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu, là Đấng sáng tạo toàn cõi đất.”
1.2/ Chúa săn sóc từng cá nhân: Vì Thiên Chúa uy quyền, khôn ngoan, và thông biết mọi sự, nên Người không mệt mỏi cũng chẳng nhọc nhằn trong việc quan phòng con người. Những ai trông cậy vào Người, thì được Người ban sức mạnh: “Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân.” Người ban sức mạnh cho những ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. Còn những ai không biết trông cậy nơi Người, cho dẫu là thanh niên cũng mệt mỏi, nhọc nhằn; cho dẫu là trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo.
2/ Phúc Âm: Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
2.1/ Chúa Giêsu biết “nỗi vất vả” và “gánh nặng nề” của từng người: Ngài kêu gọi: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Trong đời người, chắc ai cũng đã trải qua những kinh nghiệm như Chúa Giêsu mô tả hôm nay: mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn không gánh nổi những đau thương của cuộc sống. Trong những lúc như thế, con người chỉ muốn buông xuôi, nói theo kiểu của thi hào Nguyễn Du, “thử xem Con Tạo xoay vần đến đâu!” Chúa Giêsu cũng đã từng trải qua những kinh nghiệm đau thương như chúng ta, và còn hơn chúng ta nữa. Bị nhân lọai khước từ mặc dù đã làm không biết bao nhiêu điều ích lợi cho con người: mặc khải, dạy dỗ, chữa lành. Một mình Ngài đã vác Thập Giá nặng lên Đồi Canvê dưới bao nhiêu những roi đòn của lính; và đã 3 lần gục ngã dưới sức nặng của cây Thập Giá. Sau cùng, Ngài phải chịu một cái chết đau thương, cô đơn, nhục nhã; đến nỗi đã phải thốt lên: “Cha hỡi, Cha ơi! Sao Cha bỏ con!” Một người đã trải qua những gánh nặng như thế của kiếp người, Ngài chắc chắn biết chia sẻ những gánh nặng của con người. Ngài mời gọi con người hãy đến với Ngài để được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
2.2/ Chúa Giêsu giúp từng người giải quyết vấn đề của mình.
(1) Chúa không hứa con người sẽ không phải đau khổ; nhưng Ngài sẽ giúp con người vượt qua đau khổ: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi… Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” Tĩnh từ Hy-Lạp dùng để mô tả chữ êm ái ở đây là “crhsto.j,” nó còn có nghĩa “vừa vặn.” Bên Palestine, ách của bò được làm bằng gỗ, con bò được mang tới xưởng để thợ mộc đo kích thước trước khi làm ách. Sau khi đã làm xong, con bò được mang tới để thử; ách được cẩn thận thêm bớt sao cho nó có thể vừa khít cổ con bò mà không gây đau đớn cho nó. Truyền thuyết cho rằng Chúa Giêsu nổi tiếng về nghề làm ách khi Ngài lớn lên ở Nazareth với Giuse. Ngài biết cách giúp con người mang ách làm sao cho êm ái, và mang gánh làm sao cho nhẹ nhàng.
(2) Chúa giúp con người vượt qua đau khổ bằng dạy dỗ hai bài học quan trọng trong cuộc đời: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”
- Bài học hiền hậu: Đây là đức tính giúp con người thực sự có bình an trong tâm hồn. Người hiền hậu không dễ bị tức giận vì lời nói, thái độ, hay việc làm của người khác. Vì thế, họ sẽ không cảm thấy đau khổ khi bị chọc tức, bị khinh thường, hay bị đối xử bất công.
- Bài học khiêm nhường: Đây là đức tính giúp con người biết chấp nhận mọi hòan cảnh xảy ra trong cuộc đời. Người khiêm nhường không ghen tị, không bon chen để tìm cách cho bằng hay hơn người khác. Họ biết mình và biết người. Vì họ luôn tìm chỗ hèn hạ, và nhường cho người khác chỗ cao trọng hơn; nên họ không lo phải đối chọi với phong ba, bão táp của những người ham hố quyền hành, chức vụ.
(3) Chúa giúp con người vượt đau khổ bằng sức mạnh của Ngài: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Lời Chúa hướng dẫn và Bí-tích Thánh Thể cung cấp cho con người sức mạnh để đương đầu với mọi đau khổ có thể xảy đến trong cuộc đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần xác tín mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa là mối liên hệ cá nhân; và Chúa muốn chúng ta dùng tình yêu cá nhân để đáp trả lại.
- Chúa biết chúng ta còn hơn chúng ta biết chúng ta. Chúng ta đừng sợ khi đối diện với Chúa, vì Ngài đã biết mọi vấn đề, và quan tâm giúp chúng ta giải quyết vấn đề.
- Nhiều khi chúng ta cảm thấy cô đơn, mệt mỏi, chán chường, thất vọng, vì chúng ta muốn chiến đấu một mình; nhưng nếu chúng ta biết chạy đến với Chúa để xin Ngài giúp sức, mọi sự sẽ trở nên dễ dãi, nhẹ nhàng; và chính Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trở ngại bằng chính sức mạnh của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần II MV
Bài đọc: Isa 40:1-11; Mt 18:12-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tha thứ
Con người thường có khuynh hướng yêu những người đáng yêu và lọai bỏ những người đáng ghét; nhưng nếu con người cứ theo khuynh hướng này, thì chẳng mấy chốc con người sẽ hết người để yêu, vì người nào cũng là tập hợp của cả cái đáng yêu và cái đáng ghét. Một tình yêu chân thật đòi mọi người phải biết yêu thương tha thứ cho tha nhân như Thiên Chúa luôn yêu thương tha thứ cho con người.
Các Bài đọc hôm nay đều xoay quanh chủ đề yêu thương và tha thứ. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah ví Thiên Chúa như Mục Tử: Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho khán giả: “Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?” Một con chiên lạc có thể không gây sự quan tâm cho con người, nhưng là một quan tâm cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là Mục Tử Tốt Lành, Ngài xuống trần để tìm những chiên lạc về cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Mọi người đã xúc phạm đến Thiên Chúa.
1.1/ Dân chúng bị lưu đày vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa: Đền Thờ bị phá hủy, Thành Jerusalem bị san phẳng, vua quan và dân chúng bị lưu đày vì đã phạm tội và khinh thường những lời Chúa cảnh cáo qua các tiên tri. Chúa có quyền ngỏanh mặt để kẻ thù trừng trị đích đáng dân phản nghịch; nhưng Ngài không nỡ để dân phải chết, vì Ngài là Thiên Chúa yêu thương. Ngài phải sửa phạt để thanh luyện tội lỗi, nhưng luôn quan tâm và gởi các sứ giả đến khích lệ dân trong thời gian lưu đày, như trình thuật của Tiên Tri Isaiah hôm nay: “Thiên Chúa anh em phán: "Hãy an ủi, an ủi dân Ta: Hãy ngọt ngào khuyên bảo Jerusalem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm."” Thành ở đây là Jerusalem, được nhân cách hóa để chỉ Israel.
1.2/ Tội sẽ được tha nếu dân biết ăn năn xám hối:
(1) Dân phải chuẩn bị đường cho Chúa tới: Vì dân đã phạm tội nên Thiên Chúa rời xa họ. Để được Thiên Chúa trở lại, họ phải thanh tẩy mọi tội lỗi đã xúc phạm đến Ngài; vì Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện, Ngài không thể ở trong những tâm hồn tội lỗi. Thiên Chúa gởi sứ giả của Ngài tới tận nơi lưu đày để kêu gọi và giúp dân ăn năn trở lại. TT Isaiah tường thuật: “Có tiếng hô: "Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán."”
(2) Tội nặng nhất là tội không biết kính sợ Thiên Chúa: Trong hầu hết các Sách Khôn Ngoan, các tác giả đều tuyên xưng: “Kính sợ Đức Chúa là nguồn gốc mọi khôn ngoan.” Vì thế, không biết kính sợ Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi điên rồ. Đọan văn kế tiếp nói lên sự rồ dại của con người: “Có tiếng nói: "Hãy hô lên!" Tôi thưa: "Phải hô lên điều gì?" "Người phàm nào cũng đều là cỏ, mọi vẻ đẹp của nó như hoa đồng nội. Cỏ héo, hoa tàn khi thần khí Đức Chúa thổi qua. Phải, dân là cỏ: cỏ héo, hoa tàn, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững."”
Con người là cỏ hoa mà nghĩ mình sống không cần đến Thiên Chúa. Ngay từ đầu Sách, Tiên Tri đã kết án sự rồ dại này, và coi dân phản nghịch còn thua lòai bò lừa: “Trời hãy nghe đây, đất lắng tai nào, vì Đức Chúa phán: "Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta. Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì” (Isa 1:2-3).
1.3/ Thiên Chúa sẽ đón nhận và chăn dắt dân nếu họ biết ăn năn trở lại: Thời gian Lưu Đày là thời gian thuận tiện để Israel biết ăn năn xét mình, và nhận ra họ không thể sống mà không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi họ biết phục tùng Thiên Chúa, Ngài sẽ làm cho họ những điều mà họ không bao giờ ngờ tới; vì Ngài nắm trong tay mọi chủ quyền. Tiên Tri Isaiah nhìn thấy trước 2 điều sẽ xảy ra khi dân biết ăn năn trở lại:
(1) Tương lai gần: Chúa sẽ cho dân hồi hương để tái thiết lại Đền Thờ và xứ sở: “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Jerusalem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh. Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Judah rằng: “Kìa Thiên Chúa các ngươi!" Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên.”
(2) Tương lai xa: Chúa sẽ gởi Đấng Thiên Sai đến để cai trị dân Ngài: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.”
2/ Phúc Âm: Cha của anh em không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.
Con người có thể đặt câu hỏi: Làm sao Thiên Chúa có thể biết và quan tâm đến tất cả mọi người trong thế giới này? Chỉ trong 3 câu ngắn ngủi của Tin Mừng Matthêu, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy quyền năng và sự quan tâm của Thiên Chúa đến tất cả mọi người.
2.1/ Thiên Chúa luôn tìm kiếm, dù chỉ một con chiên lạc: Chúa Giêsu đặt câu hỏi với con người: "Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?” Đối với con người, một con chiên lạc không đáng kể gì, vì vẫn còn 99 con chiên khác; nhất là đối với những con chiên không chịu vâng lời, cố tình đi lạc. Nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài để 99 con chiên lại để đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được.
2.2/ Ngài vui mừng khi tìm thấy con chiên lạc: Không những đi tìm con chiên lạc, “và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thế giới hôm nay đề cao chủ nghĩa cá nhân: chỉ quan tâm đến những gì ích lợi cho mình, và gạt bỏ những gì gây gánh nặng cho cuộc sống: người già, bệnh nhân, kẻ thù. Nếu Thiên Chúa cũng lọai bỏ như con người, làm sao chúng ta có cơ hội được cứu độ?
- Như lời Kinh Lạy Cha chúng ta đọc hằng ngày: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con;” chúng ta phải tha thứ cho nhau trước khi xứng đáng được Thiên Chúa tha thứ.
- Cách tốt nhất để dễ tha thứ cho tha nhân là năng lãnh nhận Bí-tích Hòa Giải. Mỗi khi xét mình trước khi xưng tội, chúng ta nhận ra rất nhiều cái đáng ghét nơi con người của mình. Điều này làm chúng ta nhìn lỗi lầm của tha nhân với lòng bao dung hơn, vì họ cũng yếu đuối tội lỗi như mình. Người không năng xét mình xưng tội rất dễ kết án tha nhân, vì họ tưởng mình không có tội.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Bài đọc: Gen 3:9-15, 20; Eph 1:3-6, 11-12; Lc 1:26-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khiêm nhường và vâng phục Thiên Chúa là hai chìa khóa chiến thắng tội lỗi và sự chết.
Nhiều tác giả đã ví cuộc đời con người như một giao tranh giữa sự thiện và sự ác, giữa sự thật và sự gian manh, giữa ánh sáng và bóng tối, và giữa sự sống và sự chết. Điều quan trọng nhất là làm sao con người có thể chiến thắng trong cuộc chiến tại thế gian này?
Các Bài Đọc hôm nay muốn chúng ta học hỏi cẩn thận hai mẫu gương chiến bại và chiến thắng của các tiền nhân. Trong Bài Đọc I, ông Adong và bà Evà đã bị thảm bại vì những lời cám dỗ điêu ngoa của con rắn. Nó khơi dậy tính kiêu ngạo để ông bà bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Hậu quả là ông bà phải xa cách và lẩn trốn Thiên Chúa. Trong Bài Đọc II, nhờ sự khiêm nhường và vâng phục Thiên Chúa của Đức Kitô qua biến cố Nhập Thể, con người đã nhận được hết ơn này đến ơn khác: được tha tội, được trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, và được hưởng đầy tràn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Phúc Âm, nhờ sự khiêm cung và vâng phục Thiên Chúa của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ được Vô Nhiễm Nguyên Tội, được làm Mẹ Thiên Chúa, và qua Mẹ, lời hứa ban Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa được thành tựu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.
1.1/ Tội của Adam và Eve làm con người xa cách Thiên Chúa: Khi con người chưa phạm tội, con người có mối liên hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, với tha nhân, và với các tạo vật của Thiên Chúa. Khi con người phạm tội, các mối liên hệ này đều bị thiệt hại.
(1) Con người sợ hãi và lẩn tránh Thiên Chúa: Khi Ngài đi tìm con người sau khi họ đã phạm tội, Ngài hỏi họ: "Ngươi ở đâu?" Con người thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn." Sự trần truồng làm cho con người bị xấu hổ và lẩn tránh Thiên Chúa; điều này đã không xảy ra trước khi con người phạm tội. Tội lỗi làm cho con người xấu hổ và sợ hãi khi phải đối diện với Thiên Chúa. Đức Chúa tiếp tục hỏi con người: "Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?" Tội nguyên tổ là tội kiêu ngạo và không vâng phục Thiên Chúa. Con người muốn được như Thiên Chúa để khỏi phải vâng phục những lệnh truyền của Ngài.
(2) Tội lỗi làm tổn thương đến mối liên hệ giữa con người với tha nhân: Trước khi phạm tội, con người yêu thương và tin tưởng lẫn nhau; nhưng sau khi phạm tội, con người nghi ngờ và đổ lỗi cho nhau. Con người thưa với Thiên Chúa lý do của sa ngã: "Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn." Điều này cũng bao gồm việc con người đổ lỗi cho Thiên Chúa: vì Ngài cho con người đàn bà, con đã nghe theo và phạm tội.
(3) Tội lỗi làm rạn nứt mối liên hệ giữa con người với các tạo vật của Thiên Chúa: Theo thánh Thomas Aquinas, trình thuật hôm nay giả định sự sa ngã của các thiên thần. Tác giả muốn dùng hình ảnh của rắn để tượng trưng cho Satan, vì những gian manh và lừa đảo của nó. Ngay từ đầu chương, tác giả đã nói lên điều này: "Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng'' (Gen 3:1). Sự gian manh này cũng được tỏ bày hai lần trong việc con rắn bẻ cong sự thật trong mẩu đối thoại với bà Evà: Lần thứ nhất, rắn hỏi thử người đàn bà: "Có thật Thiên Chúa bảo: Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không'' (Gen 3:2)? Tội lỗi bắt đầu bằng việc bẻ cong sự thật. Lần thứ hai, rắn thuyết phục người đàn bà bằng hai ngụy thuyết: thứ nhất, không có sự chết chóc; thứ hai, phần thưởng khi ăn được là sẽ trở nên như những vị thần biết điều thiện, ác, mà không cần tùy thuộc vào Thiên Chúa.
Đây là cám dỗ muôn đời của nhiều người, họ không muốn nghe ai giảng về luân lý hay bắt họ phải làm gì, tránh gì; nhưng muốn tự họ có quyền xác định điều thiện ác, theo tiêu chuẩn và lề lối suy nghĩ của họ. Bà Evà bị xiêu lòng vì dáng vẻ bên ngoài hấp dẫn của trái cây và ước mong được biết thiện ác như Thiên Chúa, nên đã ăn và đưa cho ông Adong cùng ăn. Khi ông bà nhận ra đã bị rắn lừa dối thì đã quá muộn màng (Gen 3:4-7). Khi Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: "Ngươi đã làm gì thế?" Người đàn bà đổ lỗi cho rắn: "Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn."
1.2/ Mối thù giữa Satan và con người: Trước tiên, Thiên Chúa tuyên án phạt cho con rắn, vì nó là nguyên nhân của tội: "Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.'' Sau đó, là án phạt cho con người, qua sự giao chiến liên tục giữa rắn và con người. Sự giao chiến này được xảy ra trong hai lãnh vực:
(1) Giữa rắn và Người Phụ Nữ: Trình thuật hôm nay có liên quan đến con Mãng Xà và Người Phụ Nữ trong Sách Khải Huyền (Rev 12:1-18). Các học giả dễ đồng ý con Mãng Xà là hiện thân của Satan; nhưng bất đồng trong việc nhận diện Người Phụ Nữ, khi phân tích đoạn văn của Sách Khải Huyền. Một số cho Người Phụ Nữ là Đức Mẹ Maria, số khác cho là Mẹ Giáo Hội. Chúng tôi không thấy có gì mâu thuẫn cả, vì cả hai đều có thể chấp nhận được: Mẹ Maria luôn đồng hành với Giáo Hội trong việc giao chiến với quyền lực của Satan.
(2) Giữa dòng giống của rắn và dòng giống người ấy: "Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." Tuy luôn phải giao chiến; nhưng Thiên Chúa đã ngụ ý phần chiến thắng sẽ về phía miêu duệ của Người Phụ Nữ qua việc ám chỉ "dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi;" và sự vô vọng của rắn "và mi sẽ cắn vào gót nó." Miêu duệ của Người Phụ Nữ trước tiên ám chỉ Đức Kitô, và sau đó, những ai thuộc về Ngài.
2/ Bài đọc II: Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô.
2.1/ Đức Giêsu Kitô là Adam mới.
(1) Nguồn gốc của ơn thánh: Tác giả Thư Ephêsô cho chúng ta biết nguồn gốc và ý nghĩa của ơn thánh, khi ông tuyên xưng: "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần." Ơn thánh phát xuất từ Thiên Chúa, được ban qua Đức Kitô, nhờ công nghiệp của Người. Ơn thánh cũng chính là muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần: ơn bảy nguồn là nguyên nhân sinh ra mười hai hoa quả của Thánh Thần.
(2) Những đặc quyền con người được thừa hưởng: Vì công nghiệp của Đức Kitô qua biến cố Nhập Thể, Thương Khó và Phục Sinh của Người, con người được thừa hưởng những đặc ân như sau:
+ Được trở nên tinh tuyền, thánh thiện: "Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người."
+ Được trở nên các nghĩa tử của Thiên Chúa: "Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô."
+ Được ngợi khen Thiên Chúa: "Để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu."
2.2/ Đức Kitô mang lại vinh quang cho con người: Vì sự sa ngã của ông Adong, con người bị luận phạt và bị chết; nhưng nhờ sự tuân phục của Đức Kitô vào Thiên Chúa, con người được tha thứ mọi tội, được hưởng tràn đầy ơn thánh, và được sống muôn đời. Đây là Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa có từ trước muôn đời, chỉ được mặc khải cho con người khi Đức Kitô xuống thế. Tác giả Thư Ephêsô diễn giải như sau: "Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người."
3/ Phúc Âm: Đức Kitô nhập thể nhờ lời thưa "Xin Vâng" của Đức Trinh Nữ Maria.
3.1/ Thiên Chúa chọn Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế: Trước tiên, chúng ta cần xác định câu 26 trong trình thuật hôm nay là Lời Giới Thiệu tổng quát của Luca trước khi đi vào chi tiết của biến cố Truyền Tin. Điều này giúp chúng ta tránh được việc thắc mắc: Tại sao Mẹ trả lời "không biết đến chuyện vợ chồng" trong câu 34, lại còn "đã thành hôn với một người tên là Giuse" trong câu 26.
Có thể nói hầu hết các danh hiệu của Đức Mẹ mà Giáo Hội tuyên xưng qua các thời đại, có nguồn gốc trong các chi tiết của biến cố Truyền Tin:
(1) Mẹ Maria là Đấng đầy tràn ân sủng và Thiên Chúa luôn ở cùng Mẹ, như lời sứ thần Gabriel chào Đức Mẹ: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."
(2) Mẹ Maria luôn đẹp lòng Thiên Chúa: Sứ thần nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa." Điều này chứng tỏ Mẹ luôn sạch tội.
(3) Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa: "Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao." Hiển nhiên Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu là Con Đấng Tối Cao.
(4) Mẹ là người đem lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ tới chỗ thành tựu: "Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Jacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."
3.2/ Xung đột giữa ý của Thiên Chúa và của Maria: Khi được biết ý của Thiên Chúa qua sứ thần Gabriel, Mẹ Maria cũng trình bày cho sứ thần ý muốn của Mẹ là muốn sống cuộc đời thánh hiến: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Sứ thần mặc khải cho Mẹ Maria biết cuộc thụ thai kỳ diệu, không giống như bất cứ cuộc thụ thai nào trong lịch sử nhân loại: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.''
Điều này có nghĩa Mẹ mang thai mà vẫn còn đồng trinh, như đã được tiên báo trước bởi tiên tri Isaiah 7:14, và được nhắc lại bởi Matthew 1:23. Thánh Luca xác định điều này bằng chứng từ của sứ thần Gabriel: "Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được." Nếu Thiên Chúa có thể cho một người sinh con trong lúc tuổi gìa như Abraham và Sarah, như mẹ của Thủ-lãnh Sampson, như mẹ của Tiên-tri Samuel, hay như Zachariah và Elisabeth trong trình thuật hôm nay, Ngài cũng có thể làm cho Mẹ Maria mang thai con của Ngài và vẫn đồng trinh.
3.3/ Lời thưa "Xin Vâng" của Đức Maria: Câu trả lời của Mẹ dạy chúng ta hai điều: Thứ nhất là thái độ khiêm nhường của Mẹ Maria khi nói với sứ thần: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa!'' Thứ hai là thái độ vâng lời làm theo ý Chúa của Mẹ Maria: "xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Với hai thái độ thích đáng này, Mẹ đã cưu mang Đức Kitô và khai mào kỷ nguyên cứu độ cho nhân loại.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hậu quả của tội lỗi là do lòng kiêu ngạo và sự bất tuân lệnh Thiên Chúa của ông Adong và bà Evà. Chúng ta phải cố gắng hết sức khử trừ hai tội nguy hiểm này.
- Hiệu quả của ơn phúc tuôn tràn trên con người là do tình thương của Thiên Chúa, sự khiêm nhường và làm theo thánh ý Thiên Chúa của Đức Kitô và Mẹ Maria.
- Chúng ta vẫn còn đang phải chiến đấu với Satan và đồng bọn của hắn, vì đó là mối thù truyền kiếp; nhưng chúng ta được hứa sẽ chiến thắng, nếu chúng ta khiêm nhường và làm theo thánh ý Thiên Chúa như Đức Kitô và Mẹ Maria.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Chúa
- Thiên Chúa lo lắng cho Dân Ngài
- Phải kiên nhẫn trước khi đạt được điều hy vọng
- Cuộc đời chúng ta được xây trên tảng đá vững chắc
- Chính Người là Đức Chúa
- Thiên Chúa làm những chuyện không thể
- Mọi người đều tìm Chúa
- Hy vọng Chúa sẽ ghé mắt thương
- Thanh tẩy Đền Thờ
- lý do tại sao Chúa khóc