Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần V MC
Bài đọc: Jer 20:10-13; Jn 10:31-42.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ngôn sứ của Thiên Chúa bị truy tố và bị ném đá.
Quyền hành đến từ Thiên Chúa. Khi con người nắm quyền hành, họ phải biết dùng quyền được trao để phân xử công minh: trừng trị kẻ gian ác và bảo vệ quyền lợi cho kẻ vô tội. Thế nhưng nhiều người khi có quyền, đã không làm như thế. Họ nghĩ họ có thể bắt mọi người làm theo lệnh truyền của họ, bất chấp sự thật và công bình.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc lạm dụng uy quyền để đấu tố người công chính. Trong Bài Đọc I, tư tế Pathhur lạm dụng uy quyền của mình để bắt bớ, đánh đập, và bỏ tù tiên-tri Jeremiah, vì ông đã tuyên sấm tội lỗi và hình phạt của dân thành Jerusalem. Trong Phúc Âm, những người Do-thái lượm đá ném Chúa Giêsu vì cho Ngài phạm thượng, là người mà dám cho mình ngang hàng với Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng Kinh Thánh để cắt nghĩa và dùng các việc làm để chứng minh Ngài được Thiên Chúa thánh hiến và sai đến thế gian; nhưng họ vẫn ngoan cố không tin vào Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ngôn sứ Jeremiah bị truy tố.
1.1/ Jeremiah bị tư tế Pathhur chống đối: Là ngôn sứ của Đức Chúa, tiên-tri Jeremiah phải tuyên sấm những gì Thiên Chúa muốn nói cho vua Judah, các tư tế, và dân thành Jerusalem. Tư tế Pathhur, con ông Immer, tổng quản đốc Nhà Đức Chúa, chẳng những đã không nghe lời Jeremiah tuyên sấm, lại còn cho đánh đòn ngôn sứ Jeremiah và cho cùm ông tại cửa Bengiamin, tức là Cửa Trên trong Nhà Đức Chúa. Lão “Tứ phía kinh hoàng” là tên của Jeremiah đặt cho tư tế Pashhur, sau khi ông này bắt bớ, đánh đập, và giam cầm tiên tri (Jer 20:3).
Jeremiah nói tiên tri về vận mạng của Pathhur và của tòan dân: “Quả thật, Đức Chúa phán như sau: Này Ta sẽ biến ngươi thành nỗi kinh hoàng cho chính ngươi và tất cả bạn bè của ngươi. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm quân thù, chính mắt ngươi sẽ chứng kiến điều đó. Ta sẽ trao nộp toàn thể Judah vào tay vua Babylon; nó sẽ bắt chúng đi lưu đày ở Babylon; sẽ dùng gươm tàn sát chúng. Tất cả của cải thành này cùng với mọi công lao vất vả và mọi đồ quý giá, cũng như tất cả kho tàng của các vua Judah, Ta sẽ nộp vào tay quân thù chúng; bọn này sẽ cướp phá, tịch thu đem về Babylon. Còn ông, hỡi Pathhur, chính ông và tất cả những người ở trong nhà ông sẽ phải đi lưu đày. Ông sẽ đi Babylon, sẽ chết tại đó và sẽ phải chôn tại đó; ông cũng như tất cả bạn bè, tức là những người đã nghe ông tuyên sấm láo!"
1.2/ Ngôn sứ Jeremiah tìm sức mạnh nơi Thiên Chúa: Một mình phải đương đầu với bao nhiêu chống đối từ gia đình, bạn bè, các tư tế, và triều đình nhà vua, tiên-ri Jeremiah biết mình sẽ không thể địch nổi với bè lũ hung tàn, nếu không có sức mạnh của Thiên Chúa. Tiên tri tin tưởng và cầu nguyện: “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, chúng sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.”
Tiên-tri biết Thiên Chúa có uy quyền để trừng phạt và sức mạnh để giải thóat người công chính: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài. Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu bị người Do-thái ném đá.
2.1/ Lý do Chúa Giêsu bị ném đá: Chúa Giêsu chất vấn người Do-thái tại sao ném đá Ngài, người Do-thái cho Chúa Giêsu biết lý do: "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa." Lời mà họ vịn vào để ném đá Chúa Giêsu là “Tôi và Chúa Cha là một” (Jn 10:30). Chúa Giêsu biết rất khó để cắt nghĩa cho họ hiểu câu này, nên Ngài dùng cách cắt nghĩa bằng việc làm. Chúa Giêsu dùng lời Thánh Vịnh 82:6: “Ta đã phán: Hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh (elohim), là con Đấng Tối Cao (benê Elyôn).” Trong Cựu Ước, Thiên Chúa thường chọn các Quan Án và gởi họ đến cho dân để họ xét xử dân theo lẽ công bình. Các Quan Án này thường được coi như các vị thần của dân chúng. Ý tưởng này rõ ràng hơn trong Sách Xuất Hành khi Đức Chúa phán với ông Moses: "Coi này, Ta làm cho ngươi nên một vị thần (elohim) đối với Pharao, còn Aaron, anh ngươi, sẽ là ngôn sứ của ngươi” (Exo 7:1). Chúa Giêsu kết luận: “Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: "Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: "Tôi là Con Thiên Chúa?"”
2.2/ Chúa Giêsu chứng minh bằng việc làm: Chúa Giêsu không chỉ chứng minh cho họ bằng lời Kinh Thánh, mà còn bằng các việc Người đã làm: nuôi dân chúng ăn, chữa lành mọi bệnh tật, trục xuất quỷ, cho người chết sống lại … Những việc này chứng minh Ngài có uy quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu hỏi họ: “Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha." Không thể tranh luận với Ngài lời, cũng không thể bắt lỗi Ngài bằng việc làm; lẽ ra họ phải phục thiện và tin vào Ngài, nhưng họ lại chọn dùng vũ lực để uy hiếp Người vô tội như trình thuật kể: “Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.”
Chúa Giêsu trở về chỗ Ngài đã chịu Phép Rửa bởi Gioan và Ngài ở lại đó: Tại sao Chúa Giêsu tìm đến nơi này? Ngài biết giờ của Ngài trên dương gian sắp hết và Ngài muốn tìm lại nguồn sức mạnh nơi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng để có đủ sức đương đầu với những người chống đối. Đây là chỗ mà Thiên Chúa Cha đã làm chứng cho Ngài bằng tiếng vọng từ Trời: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người.” Nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: "Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng." Họ nhận ra sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và Gioan: Ông Gioan là ngôn sứ nói cho họ biết về Chúa Giêsu, nhưng không làm một phép lạ nào cả. Chúa Giêsu chứng minh những gì Gioan nói về Ngài là sự thật bằng các việc Ngài làm. Tổng hợp cả hai lời chứng và việc làm, “Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải sáng suốt để nhận ra sự thật, cho dù sự thật có phũ phàng và thiệt hại đến đâu đi nữa; vì chỉ có sự thật mới thực sự giải thóat con người.
- Làm ngôn sứ cho Thiên Chúa là phải đương đầu với quyền lực của thế gian và ma quỉ; chúng ta không được khiếp sợ những quyền lực này đến độ không dám nói và làm chứng cho sự thật.
- Chúng ta phải tôn trọng những người dám nói và làm chứng cho sự thật. Đừng bao giờ lạm dụng uy quyền để bịt miệng, đàn áp, bỏ tù, và thủ tiêu họ. Thiên Chúa là Đấng Chí Công, Ngài sẽ bảo vệ, giải thóat, và trả thù cho những người công chính.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Lễ Truyền Tin, Năm ABC
Bài đọc: Isa 7:10-14; Heb 10:4-10; Lk 1:26-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự vâng phục mang lại ơn cứu độ cho con người.
Con người được Thiên Chúa ban cho có tự do để làm quyết định; nhưng khi con người quyết định chọn điều gì, là con người phải lãnh nhận hậu quả do quyết định ấy mang lại. Thói quen của con người là không muốn phải vâng lời ai, muốn tự mình có thể quyết định mọi sự. Trong cuộc cám dỗ đầu tiên tại Vườn Địa Đàng, con rắn gian manh biết Bà Evà không muốn vâng phục Thiên Chúa, nên cám dỗ Bà ăn trái cây “biết lành biết ác” mà Thiên Chúa đã cấm không được ăn. Hậu quả của cuộc bất tuân là ông bà mất nghĩa cùng Thiên Chúa, và truyền nọc độc của tội Tổ Tông cho con cháu.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc tuân phục hay bất tuân lời Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, mặc dù đã được tiên-tri Isaiah truyền chỉ tuân phục một mình Thiên Chúa, vua Ahaz của Judah vẫn bất tuân sang cầu viện Ai-cập. Hậu quả là nước mất nhà tan, từ vua đến dân bị lưu đày qua Babylon. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái so sánh các hy lễ đền tội của Cựu Ước với sự vâng phục của Đức Kitô, và đưa đến kết luận: Thiên Chúa trân quí sự vâng phục của Đức Kitô hơn ngàn vạn chiên cừu, và cái chết của Ngài trên Thập Giá có sức mạnh xóa sạch tội và mang lại ơn cứu độ cho con người. Trong Phúc Âm, lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria trong biến cố Truyền Tin đã bắt đầu kỷ nguyên cứu độ: Chúa Thánh Thần đã rợp bóng trên Mẹ, và hài nhi Giêsu, Con Một của Thiên Chúa, đã hình thành trong lòng Mẹ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vua Ahaz bất tuân lời Thiên Chúa.
1.1/ Vua Ahaz nghi ngờ Thiên Chúa: Rezin là vua sau cùng của Damascus. Năm 732 BC, vua Assyrian, Tiglath-pileser III phá hủy Damascus và giết vua Rezin. Sự liên hiệp giữa Assyria và Israel làm vua Judah khủng hỏang, vua sợ liên hiệp này sẽ đem quân thôn tính Judah. Liên hiệp hai nước phác họa kế họach truất phế vua Ahaz, và thay thế ông với hòang tử của Bet Tabel, một lãnh thổ của Aram, miến Bắc của khu vực Transjordan. Hoàng tử này có lẽ là người Judah, con trai của Jotham hoặc Uzziah với công chúa của Tabel.
(1) Sự bất trung của vua Ahaz: Tiên-tri Isaiah được Thiên Chúa sai đến với vua Ahaz để khuyên nhà vua tin tưởng vững mạnh vào Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài mới có thể bảo tòan lãnh thổ của nhà Judah. Vua Ahaz không tin tưởng vào sự can thiệp của Thiên Chúa, và vào lời khuyên của tiên tri Isaiah; ông cầu viện với vua Ai-cập để xin sự bảo vệ. Hậu quả là Chúa để cho vương quốc của ông rơi vào tay vua Babylon.
1.2/ Tiên tri Isaiah được Thiên Chúa sai đến với vua Ahaz lần thứ hai.
(1) Hãy xin một dấu lạ để Thiên Chúa làm cho: “Một lần nữa Đức Chúa phán với vua Ahaz rằng: "Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh." Vua Ahaz trả lời: "Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa." Vua không xin một dấu từ Thiên Chúa vì vua ngoan cố, không muốn nghe những lời khuyên của tiên-tri Isaiah.
(2) Dấu lạ Đấng Cứu Thế: Tiên-tri Isaiah bèn nói: "Nghe đây, hỡi nhà David! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel.”
- Isaiah không dùng chữ đặc biệt để chỉ trinh nữ (betula), nhưng dùng chữ (alma) để chỉ một phụ nữ trẻ tới tuổi thành hôn, có thể là trinh nữ kay không. Lời tuyên sấm này được loan báo trước hòang gia, có thể mang ý nghĩa giòng dõi của David sẽ bị tận diệt. Nếu điều ấy xảy ra, lời hứa của Thiên Chúa đã làm với giòng dõi David sẽ bị chấm dứt (2 Sam 7:12-16).
- Con trẻ sắp sinh ra có thể là trẻ Hezekiah, mà Judah đang hy vọng sẽ tiếp tục sự hiện diện của Chúa giữa dân Ngài, và là một canh tân của lời hứa đã được ký kết với vua David.
- Dẫu vậy, sự nghiêm trọng của lời tuyên sấm và tên con trẻ tương lai “Emmanuel” cho chúng ta thấy lời của tiên-tri Isaiah không chỉ dừng lại với sự sinh ra của Hezekiah; nhưng chỉ thẳng tới vị vua lý tưởng của giòng tộc David, mà qua vị vua này, Thiên Chúa mới thực sự ở với con người.
- Thánh sử Mathhew và Giáo Hội đã nhìn sự sinh ra của Đấng Cứu Thế bởi Trinh-Nữ Maria là sự hòan tất của lời tiên tri này.
2/ Bài đọc II: Thi hành ý muốn của Thiên Chúa cao trọng hơn các hy lễ tòan thiêu và hiến tế chiên bò.
2.1/ Máu thú vật không thể xóa bỏ tội lỗi con người: Trong Cựu Ước, mỗi khi con người muốn được Thiên Chúa tha tội, họ lên Đền Thờ, sát tế thú vật, và dâng cho Thiên Chúa như trong ngày lễ Day-at-onement. Nhưng những hy lễ này chỉ có thể tha những tội vô tình họ xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân; còn những tội cố tình, không một hy lễ nào có thể xóa được; đó là lý do tại sao tác giả Thư Do-thái nói: “Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi.” Vì thế, con người cần một cách khác để được tha tội; và Thiên Chúa đã chuẩn bị một cách thức hiệu quả để tha tội cho con người: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể.” Tạo cho Chúa Giêsu một thân thể để Ngài có tai để lắng nghe và vâng lời; có trí óc để hiểu và có ý chí để làm theo những gì Thiên Chúa muốn; và có một thân xác để có thể hy sinh, chịu đựng đau khổ, để đền tội thay cho con người.
2.2/ Đức Kitô thi hành thánh ý Thiên Chúa để mang lại ơn cứu độ cho con người: Tác giả trưng dẫn Thánh Vịnh 40:6-9: “Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.”
- Trước hết, Đức Kitô nói: “Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền.” Điều này hiển nhiên vì tất cả những điều này thuộc về Thiên Chúa. Con người có dâng tiến những lễ vật này cũng là lấy những của Thiên Chúa ban để dâng lại cho Ngài. Đó là chưa kể đến tội mà các tiên tri đã tố cáo con người nhiều lần: dâng của dư thừa, dâng cho qua lần chiếu lệ, dâng lễ vật mà vẫn đang toan tính phạm tội, dâng lễ vật mà lòng xa Thiên Chúa vạn dặm …
- Rồi Người nói: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.” Sự vâng phục của Chúa Giêsu là lễ hiến tế duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa, và máu của Người đổ ra chỉ một lần là đủ để Thiên Chúa tha thứ tất cả cho con người.
- Nếu chúng ta muốn thiết lập mối giao hòa với Thiên Chúa, vâng lời làm theo thánh ý Ngài là cách thức duy nhất. Thiên Chúa muốn con người tin và tuân phục những gì Đức Kitô đã mặc khải và dạy dỗ con người.
3/ Phúc Âm: Lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria bắt đầu Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa.
3.1/ Biến cố Truyền Tin: Khi Bà Elisabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilee, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David. Trinh nữ ấy tên là Maria.
- Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Thông thường, con người dễ hãnh diện khi được người khác khen mình; nhưng Mẹ là người rất khiêm nhường, Mẹ biết mình không xứng đáng với lời chào này; nên bối rối, băn khoăn về lời chào ấy.
- Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Jacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận." Bà Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh để lo việc của Thiên Chúa. Điều khó hiểu ở đây là thánh Luca đã đề cập tới việc Mẹ đã đính hôn với Giuse ở đầu trình thuật. Tại sao đã khấn giữ mình đồng trinh, lại còn đính hôn với Giuse? Điều này chỉ có thể giải nghĩa hoặc Luca lầm lẫn hoặc bản văn bị sắp xếp lẫn lộn thứ tự giữa 2 biến cố: truyền tin và đính hôn.
- Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.”
3.2/ Không điều gì là không thể đối với Thiên Chúa: Chúng ta không chắc Mẹ Maria có thể hiểu thế nào là sinh ra bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần; nhưng Mẹ tin những gì thiên thần Gabriel nói vì hai lý do:
(1) Không điều gì là không thể đối với Thiên Chúa: Nếu Ngài có thể làm cho bà Elisabeth, người họ hàng với Mẹ, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai; còn việc gì Thiên Chúa không làm được?
(2) Niềm tin của Mẹ vào Thiên Chúa: Mẹ biết Thiên Chúa là ai, và Mẹ biết mình là ai. Mẹ tuy không hiểu những gì Thiên Chúa nói, nhưng sự khôn ngoan dạy Mẹ cứ mau mắn vâng lời; vì tất cả những gì Thiên Chúa muốn đều tốt đẹp. Vì thế, Mẹ thưa với thiên thần: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải tuân phục Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa biết chắc các điều tốt đẹp cho con người. Bất tuân Thiên Chúa là cách dễ dàng nhất gây ra đau khổ cho con người.
- Vâng lời Thiên Chúa không lấy đi sự tự do của con người, nhưng chứng tỏ sự khôn ngoan. Giống như một con trẻ chưa đủ khôn ngoan để làm quyết định cho mình, em phải vâng lời cha mẹ là những người khôn ngoan hơn. Chúng ta cũng thế, khi chưa hiểu kế họach của Thiên Chúa cho cuộc đời, chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu và Đức Mẹ: xin vâng làm theo ý Thiên Chúa.
- Mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa. Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ những gì Thiên Chúa hứa ban cho tới khi thành sự thật.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần V MC
Bài đọc: Num 21:4-9; Jn 8:21-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết nắm lấy cơ hội để được sống.
Để thành công trong thương trường, một người cần 4 yếu tố: con người, cơ hội, thời gian, và sản phẩm; điều quan trọng hơn cả là cơ hội. Cơ hội sẽ đến với mọi người, nhưng để có thể sinh lợi ích, con người phải nắm lấy cơ hội. Khi cơ hội đã qua, có thể chúng sẽ không bao giờ trở lại. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế: con người không sống mãi, họ chỉ có nhiều nhất 100 năm để học hỏi và tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô. Ngài sẽ ban cho mọi người có cơ hội để học biết và tin tưởng vào Đức Kitô. Họ phải biết lợi dụng thời gian và nắm lấy cơ hội để học biết Đức Kitô và tin vào những gì Ngài rao giảng. Nếu họ không biết dùng thời gian và bỏ lỡ cơ hội để học biết và tin vào Ngài, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của họ: được cứu độ hay phải hư đi.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người phải biết nắm lấy cơ hội. Trong Bài Đọc I, Sách Dân Số tường thuật việc dân chúng không biết nắm lấy cơ hội luyện tập trong sa mạc. Họ kêu trách Thiên Chúa và Moses vì thiếu thức ăn hợp khẩu và nước uống. Hậu quả của việc kêu trách là họ bị rắn lửa tiêu diệt. Nhưng Thiên Chúa vẫn thương yêu và cho họ cơ hội thứ hai: ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng mà Moses giương cao trên cây, sẽ được cứu sống. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho người Do-thái ý nghĩa của biến cố trong Sách Dân Số: Họ phải tin vào Ngài, nếu không họ sẽ chết trong tội của họ. Nếu họ không tin vào Ngài khi còn sống, họ phải tin Ngài khi Ngài bị giương cao trên Thập Giá. Nếu họ bỏ lỡ cả hai cơ hội để tin vào Ngài, họ sẽ chết trong tội của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ông Moses giương cao “con rắn” trong sa mạc để cứu dân khỏi chết.
1.1/ Thiên Chúa thanh luyện dân 40 năm trong sa mạc: Mục đích của Thiên Chúa khi bắt dân phải lang thang trong sa mạc suốt 40 năm là để chuẩn bị cho dân trước khi vào Đất Hứa. Họ phải tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa bằng cách vượt qua những trở ngại trên đường đi: thức ăn, nước uống, khí hậu khắc nghiệt, mệt mỏi … Trong cuộc hành trình qua sa mạc, nhiều lần dân chúng Israel mất kiên nhẫn và kêu trách Thiên Chúa và Moses như trình thuật hôm nay. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Moses rằng: "Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này." Bấy giờ Đức Chúa cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Israel phải chết.
Mỗi năm, Giáo Hội đều cử hành biến cố này bằng cách kêu gọi các tín hữu ăn chay, cầu nguyện, và làm các việc lành trong 40 ngày của Mùa Chay. Mục đích là để các tín hữu có cơ hội luyện tập con người để đừng quá lệ thuộc vào vật chất, biết dành thời giờ để định vị lại cuộc đời và trau dồi cho đời sống thiêng liêng, xét mình và thú tội để lãnh nhận ơn tha thứ, và biết chia sẻ của cải với các người thiếu thốn. Nếu các tín hữu biết lợi dụng cơ hội, họ sẽ có sức mạnh để chế ngự các tính hư nết xấu, và thăng tiến trên đường thiêng liêng.
1.2/ Thiên Chúa cứu dân khỏi chết bằng nhìn lên rắn đồng: Rắn được nhiều dân tộc thờ như thần, nhất là các quốc gia Á Châu và Cận Đông. Ngành khảo cổ tìm ra nhiều hình ảnh con rắn đồng khắc trên các tấm bia tại Timnah, gần Biển Chết. Timnah, nằm trong vùng sa mạc Sinai, là vùng có nhiều đồng nhưng cũng rất nhiều rắn lửa, thợ đến đây tìm đồng thường bị rắn cắn chết nên họ rất tin và thờ phượng thần rắn. Rắn được coi như biểu tượng của cả thần chết và chữa lành. Rắn độc cắn người và làm cho chết, nhưng nọc độc của rắn được dân tộc Ân-độ dùng để chữa lành nhiều bệnh như tục ngữ Việt-nam nói “lấy độc trị độc.” Rắn cuộn tròn trên cây cột đã trở thành biểu tượng của ngành y khoa từ lâu đời. Câu truyện rắn cám dỗ bà Evà phạm tội và trình thuật hôm nay có thể có ít nhiều liên hệ với lịch sử của lòai rắn.
Khi dân Israel bị rắn cắn và nhiều người tử thương, họ đến nói với ông Moses: "Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi." Ông Moses khẩn cầu cho dân. Đức Chúa bảo ông: "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống." Ông Moses vâng lời Đức Chúa, làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu chịu giương cao trên Thập Giá để cứu chuộc con người.
2.1/ Cơ hội lần đầu để tin vào Đức Kitô khi Ngài còn sống: Chúa Giêsu đối thọai với người Do-thái và thuyết phục họ tin vào Ngài, bằng cách mặc khải cho họ những điều sau:
(1) Những gì sẽ xảy ra cho Ngài và cho họ trong tương lai: Ngài sẽ trải qua Cuộc Thương Khó và sẽ sống lại về cùng Chúa Cha. Họ sẽ hối tiếc và tìm Ngài, nhưng quá muộn; vì họ không thể lên Trời với Ngài. Họ phải tin Ngài, tội của họ mới được tha; vì họ không tin Ngài, tội của họ vẫn còn. Người Do-thái không hiểu những gì Ngài mặc khải, họ nghĩ chỉ khi nào Ngài tự tử, họ mới không trông thấy Ngài; và theo truyền thống, những ai tự tử sẽ bị giam cầm dưới địa ngục; và như vậy câu Ngài nói "Nơi Tôi đi, các ông không thể đến được," là đúng sự thật.
(2) Sự khác biệt giữa Ngài và họ: Ngài có nguồn gốc từ Trời, nguồn gốc của họ là ở thế gian này. Ngài không thuộc về thế gian này, nhưng họ thuộc về thế gian. Chúa Giêsu nhắc họ lần nữa: Họ phải tin Ngài để tội của họ được tha. Họ không hiểu những gì Ngài mặc khải, nên họ hỏi Người: "Ông là ai?"
(3) Sự liên hệ giữa Thiên Chúa và Ngài: Thiên Chúa Cha sai Ngài đến thế gian để chịu chết và gánh tội cho con người. Nếu họ không chịu tin vào Ngài, tội của họ vẫn còn, và họ sẽ chết trong tội của họ. Tất cả những điều này Thiên Chúa, Đấng Chân Thật, muốn Ngài loan báo cho họ, và Ngài đã loan báo; nhưng họ không tin vào lời Ngài.
2.2/ Cơ hội thứ hai để tin vào Đức Kitô khi Ngài bị giương cao: Ngài cho họ biết trước Ngài sẽ phải chết cách nào: Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu nói cho dân chúng biết Ngài sẽ phải chết cách nào trong Tin Mừng Gioan. Lần đầu tiên, khi Chúa Giêsu đàm đạo với Nicodemus, Ngài gợi lại cho họ về biến cố rắn lửa cắn người Do-thái trong sa mạc Sinai như chúng ta đọc trong Sách Dân Số hôm nay: “Như ông Moses đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Jn 3:14-15). Trong trình thuật hôm nay, Người bảo họ: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu, và biết Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy Tôi thế nào, Tôi nói như vậy. Đấng đã sai Tôi vẫn ở với Tôi; Người không để Tôi một mình, vì Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người."
Chúa Giêsu muốn nói với người Do-thái: Tuy các ông không tin Tôi bây giờ; nhưng các ông phải tin Tôi khi nhìn thấy những gì Tôi đã nói với các ông xảy ra: cách chính xác, khi các ông giương Tôi cao trên Thập Giá. Lúc đó, các ông sẽ biết tất cả những gì Tôi nói với các ông là sự thật: sự liên hệ giữa Chúa Cha và Tôi, Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, các ông phải tin Tôi thì tội của các ông mới được tha … Khi Đức Giêsu nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải biết nắm lấy cơ hội để học hỏi và để tin tưởng vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô; vì cơ hội có thể qua đi và không bao giờ đến nữa.
- Đừng bao giờ đợi đến khi về già, vì chúng ta không biết sẽ sống được bao năm; và có còn đủ trí khôn sáng suốt để hiểu, hay đủ nghị lực để học mà tin vào Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần V MC
Bài đọc: Dan 13:1-9, 15-17, 19-30, 33-62; Jn 8:1-11 or 8:12-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Không được kết án tha nhân.
Con người thường dễ phê bình và kết án tha nhân, hơn là nhìn vào chính mình để xét mình và để nhận ra những ước muốn sai trái và tội lỗi của mình. Nhiều khi vì ham muốn tình dục, uy quyền, danh vọng, hay của cải, con người có thể sẵn sàng làm chứng gian để kết án người vô tội, hay tìm đủ mọi cách để tha bổng kẻ đắc tội. Chúa Giêsu dạy các môn đệ không được kết án bất cứ ai, vì quyền phán xét là quyền của Thiên Chúa, và không ai sạch tội để có thể kết án tha nhân.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh vấn đề kết án tha nhân. Trong Bài Đọc I, TT Daniel phá vỡ âm mưu của hai vị thẩm phán làm chứng gian để kết án người vô tội. Họ ham muốn sắc đẹp của Bà Suzanna và lập mưu để thông gian với Bà. Khi Bà từ chối không chịu, họ đã tri hô Bà phạm tội ngọai tình với một thanh niên trẻ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng phá vỡ âm mưu của các kinh-sư và Biệt-phái khi họ đặt Ngài vào thế lưỡng nan: hoặc phải giữ luật Moses hoặc phải giữ luật yêu thương. Ngài trả lời họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Không được làm chứng gian để kết án người lành.
1.1/ Sự ác độc của hai vị thẩm phán:
(1) Lòng ham muốn tình dục của hai vị thẩm phán: Là những người xét xử dân chúng, lẽ ra họ phải giữ tâm hồn sáng suốt để xét xử công minh cho dân, hai vị thẩm phán này đã để “tâm trí ra đồi bại, quay mắt đi để khỏi nhìn lên trời cao và chẳng nhớ đến những phán quyết công minh của Thiên Chúa.” Họ ham muốn sắc đẹp của bà Suzanna, rình rập khi Bà tắm trong vườn, và sửa sọan sẵn một âm mưu để cưỡng bức Bà hoặc phải thông gian với họ, hoặc sẽ bị ném đá chết vì tội ngọai tình.
(2) Làm chứng gian khi âm mưu không thành: Hai kỳ lão đó đứng dậy đặt tay lên đầu bà, và làm chứng gian: "Chúng tôi đang dạo chơi một mình trong vườn, thì mụ này đã vào với hai tớ gái, đóng cửa vườn lại, rồi cho các tớ gái đi ra. Một gã thanh niên núp sẵn ở đó, đến bên mụ và nằm với mụ. Lúc ấy, chúng tôi đang ở một góc vườn, thấy chuyện đồi bại, liền chạy tới. Chúng tôi thấy chúng ăn nằm với nhau, nhưng không tóm được gã thanh niên, vì hắn khoẻ hơn chúng tôi, và đã mở cửa chạy mất. Còn mụ này, chúng tôi bắt được và hỏi mụ ta xem gã thanh niên kia là ai. Nhưng mụ không chịu nói cho chúng tôi. Chúng tôi xin làm chứng về những điều ấy."
1.2/ Thiên Chúa bảo vệ những ai biết kính sợ Người.
(1) Khác với hai vị thẩm phán, Bà Suzanna là người biết kính sợ Thiên Chúa. Cha mẹ bà là người công chính, đã dạy dỗ con gái theo Luật Moses. Khi bị cưỡng bức bởi hai vị thẩm phán, Bà Suzanna biết họ có quyền phán xét luận tội mình, nên phân vân: "Tôi bị khốn tứ bề! Quả thật, nếu làm thế, tôi sẽ phải chết; còn nếu không làm, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà không làm gì cả mà sa vào tay các ông, còn hơn là phạm tội trước mặt Chúa!" Vì thế, Bà Suzanna liền kêu lớn tiếng và hai kỳ lão cũng la lên để hại bà. Khi bị kết án oan uổng, Bà vừa khóc vừa ngước mắt lên trời, vì bà đầy lòng trông cậy vào Chúa. Bà Suzanna kêu lớn tiếng: "Lạy Thiên Chúa hằng hữu, Đấng am tường những điều bí ẩn và thấy hết mọi sự trước khi chúng xảy ra, Ngài biết là họ đã làm chứng gian hại con. Này con phải chết, tuy chẳng làm điều gì trong những điều họ đã vu cho con."
(2) Thiên Chúa gởi TT Daniel đến để xét xử cho Bà: Trời có mắt, Thiên Chúa đã nghe tiếng bà kêu. Trong lúc bà bị điệu đi hành hình, Thiên Chúa đã đánh động tâm trí thánh thiện của một thiếu niên tên là Daniel. Thiếu niên đó kêu lớn tiếng rằng: "Tôi vô can trong vụ đổ máu người phụ nữ này!" Toàn dân đều quay về phía cậu thiếu niên và hỏi: "Lời cậu vừa nói có nghĩa gì?" Cậu đứng giữa họ và nói: "Các người ngu xuẩn đến thế sao, hỡi con cái Israel? Các người đã lên án một người con gái Israel mà không xét hỏi và cũng không biết rõ sự việc ra sao! Hãy trở lại nơi xét xử, vì những người kia đã làm chứng gian để hại người phụ nữ này."
Cách xét xử của Daniel: Cậu ra lệnh: "Hãy tách riêng họ ra, rồi tôi sẽ xét hỏi." Câu hỏi của Daniel: Nếu đã thấy họ phạm tội, thì phạm tội dưới cây nào? Hai người làm chứng khác nhau:
* Người thứ nhất: "Dưới cây trắc."
* Người thứ hai: "Dưới cây dẻ."
Bấy giờ toàn thể cộng đồng lớn tiếng reo hò và chúc tụng Thiên Chúa, Đấng cứu những kẻ trông cậy vào Người. Rồi người ta quay lại chống hai kỳ lão, vì Daniel đã dựa vào lời chính miệng các ông nói mà thuyết phục họ là các ông đã làm chứng gian. Theo luật Moses, người ta giáng cho các ông hình phạt mà các ông định bắt người khác phải chịu, đó là giết các ông. Ngày ấy, máu người vô tội khỏi bị đổ oan.
2/ Phúc Âm: Không được kết án tha nhân vì không ai sạch tội.
2.1/ Bẫy giăng để hại Chúa Giêsu: Trình thuật của Gioan nói rõ: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.” Chúa Giêsu bị họ đặt vào giữa hai thế lưỡng nan: hoặc trung thành với giáo huấn Ngài dạy là luật yêu thương và không được kết án tha nhân, hoặc vi phạm Luật Moses dạy phải ném đá chết người bị bắt quả tang phạm tội ngọai tình.
2.2/ Chúa Giêsu muốn mọi người phải xét mình.
(1) Phải sạch tội trước khi tố cáo người khác: Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.
(2) Cách Chúa Giêsu đối xử với người phụ nữ: Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?" Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giêsu nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!" Qua những lời đối thọai này, Chúa Giêsu muốn chị nhận ra những điều sau:
a) Chúa cho chị cơ hội thứ hai để trở nên tốt đẹp hơn: Tôi biết chị đã phạm tội, nhưng cuộc đời chị vẫn còn thời gian để sửa đổi. Tôi cho chị cơ hội thứ hai để chị làm lại cuộc đời.
b) Chúa tha thứ lỗi lầm của chị: Không giống như những người biệt-phái và kinh-sư chỉ lo tìm dịp để luận tội và kết án chị, Chúa lợi dụng cơ hội để tha thứ và để chữa lành chị.
c) Chúa khuyến khích chị trở thành người tốt hơn: Tội lỗi hủy diệt con người. Chị hãy tránh xa tội lỗi để cuộc đời chị tốt đẹp hơn.
d) Chúa tin tưởng mọi người đều có thể trở nên tốt nếu được cho cơ hội: Tôi tin chị sẽ trở nên tốt nếu tôi cho chị cơ hội để sửa đổi.
e) Chúa cũng cảnh cáo chị hậu quả sẽ xấu hơn nếu chị không chịu thay đổi: Nếu chị không nắm lấy cơ hội để sửa đổi, chị sẽ phải lãnh nhận hậu quả nghiêm trọng hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không bao giờ được làm chứng gian để hại người khác (điều răn thứ 9).
- Quyền xét đóan thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta không có quyền xét đóan tha nhân nếu chúng ta không có bổn phận với họ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm B
Bài đọc: Jer 31:31-34; Heb 5:7-9; Jn 12:20-33.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự vâng phục và đau khổ mang lại ơn Cứu Độ cho con người.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà nhiều người khinh thường sự vâng phục và chạy trốn đau khổ. Nhiều người thời đại cho vâng lời là yếu đuối và giới hạn tự do của họ. Vì thích hưởng thụ, nên họ cũng trốn tránh mọi gian khổ và từ chối phải hy sinh cho người khác. Nhưng họ phải hiểu: Nếu một trẻ nhỏ chưa đủ trí khôn suy xét, em phải vâng lời cha mẹ để tránh được những hậu quả xấu sẽ xảy ra; tương tự như vậy cho mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa: vì con người không thể hiểu những bí nhiệm trong trời đất, vâng lời Thiên Chúa là chuyện tự nhiên phải làm, nếu họ không muốn gánh chịu các hậu quả không hay xảy đến. Hơn nữa, nếu cha mẹ hay những người đi trước cũng sống ích kỷ và trốn tránh đau khổ, làm sao họ có mặt trong cuộc đời, và được hưởng những tiện nghi và địa vị như họ có bây giờ.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta nhìn thấy những lợi ích do vâng lời và chịu đựng đau khổ mang lại. Trong Bài Đọc I, dân tộc Israel đã hủy bỏ giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với họ trên núi Sinai, khi họ không vâng phục Lề Luật của Thiên Chúa. Nhưng vì yêu thương nên Ngài sẽ ký kết họ một giao ước mới để giúp họ dễ nhớ và dễ làm hơn, bằng cách khắc ghi Lề Luật trong tâm trí của họ. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái xác quyết: Vì Chúa Giêsu vâng lời làm theo ý Chúa Cha và chịu đựng đau khổ, Ngài đã đem lại ơn cứu độ cho những ai vâng lời Người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng đưa ra ích lợi của việc vâng lời và chịu đau khổ qua hình ảnh của hạt giống: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự khác biệt giữa giao ước mới và cũ
1.1/ Lý do tại sao giao ước cũ ra vô hiệu: Giao ước là những cam kết giữa hai bên về những bổn phận và quyền lợi của mỗi bên. Nếu một bên không chu tòan bổn phận, giao ước sẽ trở nên vô hiệu và vị hủy bỏ. Trong giao ước Thiên Chúa ký kết với dân trên núi Sinai, Chúa hứa sẽ săn sóc và bảo vệ Israel nếu họ tuân giữ Lề Luật Ngài ban cho dân qua Moses. Dân đã hủy bỏ giao ước này vì họ đã không tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa. Tiên-tri Jeremiah nhìn thấy trước ngày Chúa sẽ thiết lập một giao ước mới với dân khi ông tuyên bố: “Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Judah một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Đức Chúa.”
1.2/ Sự khác biệt giữa giao ước mới và cũ: Có một sự khác biệt nhỏ giữa Bản Bảy Mươi và Bản Do-thái: Bản Bảy Mươi nói rõ “ghi trong trí não;” trong khi Bản Do-thái dùng chữ tổng quát “bên trong, kêreb.” Vì thế, điều khác biệt giữa hai giao ước là: Trong giao ước mới, Lề Luật được khắc trong trí và trong tim con người; trong giao ước cũ, Lề Luật được khắc trên bia đá, ở ngòai con người. Nếu Lề Luật được khắc ghi vào tận trí và tim con người, tất cả đều biết Thiên Chúa, và không cần phải dạy bảo nhau hay nói "Hãy học cho biết Đức Chúa."
Con người của giao ước cũ phải học cho biết Lề Luật, và sau khi đã biết Lề Luật, họ vẫn vi phạm, vì không có sức mạnh từ bên trong để thi hành. Con người của giao ước mới không cần phải học mới biết vì Lề Luật đã được ghi khắc vào tâm trí, và họ có sức mạnh từ bên trong để thi hành Lề Luật. Đa số các học giả Kinh Thánh và thần học đều cho Lề Luật đề cập ở đây là Giới Luật Yêu Thương của Tân Ước, cách cụ thể là hai giới luật “Mến Chúa yêu người.” Một khi con người có tình yêu, họ có sức mạnh từ bên trong để chu tòan mọi Lề Luật. Thánh Thomas Aquinô giải thích: Luật yêu thương không những giữ tay con người đừng phạm tội, mà còn kềm chế cả trí óc con người, để đừng ham muốn hay làm thiệt hại tha nhân.
2/ Bài đọc II: Sự vâng phục của Đức Kitô mang lại ơn Cứu Độ cho con người.
2.1/ Chúa Giêsu vâng lời Thiên Chúa Cha: Cả 3 Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu, khi Ngài kêu xin lên Thiên Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mt 26:39, Mk 14:36, Lk 22:42). Tác giả Thư Do-thái cũng tường thuật cuộc chiến đấu và sự vâng lời của Chúa Giêsu: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.” Sự kiện này cho ta thấy ngay cả Chúa Giêsu, trong thân phận con người, cũng không dễ để từ bỏ ý riêng mình, vâng lời và làm theo thánh ý Chúa Cha. Chỉ có một điều giúp Chúa Giêsu vượt qua cuộc chiến đấu là tình yêu Ngài dành cho Chúa Cha, và sự xác tín của Ngài vào Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa.
Nếu từ bỏ ý mình đã khó, ôm lấy đau khổ còn khó hơn. Tác giả Thư Do Thái cho thấy sự liên quan giữa vâng lời và đau khổ: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” Từ bỏ ý mình là đã phải chịu đau khổ rồi; từ bỏ ý mình và chấp nhận chịu đau khổ, còn đau khổ hơn nữa. Một cuộc đời vâng lời chịu đựng đau khổ như thế giúp con người hòan tòan tin tưởng nơi Thiên Chúa và sinh ích cho mọi người.
2.2/ Những ai vâng lời Chúa Giêsu sẽ được hưởng ơn Cứu Độ:
- Sự vâng lời của Đức Kitô mang lại ơn cứu độ cho con người: Nếu Chúa Giêsu không chấp nhận con đường Thập Giá, Ngài sẽ không thể mang lại ơn cứu độ cho con người.
- Để được hưởng ơn cứu độ, con người phải vâng phục Đức Kitô: Nếu con người không tin Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến để đổ máu cứu chuộc con người, con người sẽ không được hưởng ơn Cứu Độ.
3/ Phúc Âm: Khi Chúa Giêsu chịu giương cao trên Thập Giá, Ngài sẽ kéo con người lên theo.
3.1/ Vinh quang đạt được qua vâng lời và chịu đau khổ: Trình thuật mở đầu với sự mong muốn của mấy người Hy-lạp được gặp Chúa Giêsu. Đặc tính của người Hy-lạp là tìm kiếm sự khôn ngoan, họ lang thang bất cứ đâu họ nghĩ có sự khôn ngoan để học. Họ chắc chắn đã được nghe về Chúa Giêsu và hôm nay tìm đến để học sự khôn ngoan của Ngài. Họ không thất vọng, vì Chúa Giêsu dạy cho họ 3 điều khôn ngoan họ sẽ không tìm thấy ở bất cứ nơi nào:
(1) Phải chết đi mới đem lại sự sống: Con người ham sống và sợ chết; nhưng theo Luật Thiên Chúa, phải chết đi trước mới có thể sống và mang lại sự sống. Chúa Giêsu dạy: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” Nếu một người sợ chết, họ sẽ không bao giờ biết sống; nhưng nếu một người không sợ chết, họ sẽ sống và sống dồi dào. Họ sẽ không sợ bất cứ một quyền lực nào cả.
(2) Phải hy sinh cho đi mới mong được nhận lại: Tục ngữ Việt-nam dạy “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.” Nếu người khác đã hy sinh lo cho mình, mình phải hy sinh đền trả lại cho hợp lẽ công bằng. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn dạy các môn đệ phải bắt đầu trước bằng cách hy sinh cho người khác, và không cần trả ơn để Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời sẽ trả ơn. Những người ích kỷ chỉ biết vun quét cho mình, sẽ dần dần bị người khác nhận ra và khai trừ, và họ sẽ mất cuộc sống đời sau như lời Chúa nói: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”
(3) Phải phục vụ mới mong được quý trọng: Con người thích được phục vụ và được người khác quý trọng, nhưng Chúa Giêsu dạy: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.” Họ không thể thích cả hai; nếu muốn được quý trọng, họ phải hy sinh để phục vụ mọi người. Người hy sinh phục vụ mọi người sẽ được Thiên Chúa và mọi người quý trọng và thương yêu.
3.2/ Cuộc chiến đấu để từ bỏ ý mình của Chúa Giêsu:
(1) Vâng theo thánh ý để Thiên Chúa được vinh quang: Thánh-sử Gioan không tường thuật cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu, những gì Ngài tường thuật hôm nay thay thế cho biến cố đó. Chúa Giêsu bị đặt trước hai con đường: hoặc theo ý mình bằng cách xin Chúa Cha cứu cho thóat khỏi Cuộc Thương Khó tàn bạo sắp xảy ra, hoặc chấp nhận tiến tới để danh Cha được vinh quang. Ngài tâm sự với các mô đệ: "Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha."
Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: "Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!" Chúa Cha luôn làm chứng cho Chúa Con trước mặt mọi người, trong những biến cố quan trọng như khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, khi Chúa Giêsu Biến Hình, và trước Cuộc Thương Khó của Ngài. Dân chúng lẫn lộn khi nghe tiếng Chúa Cha làm chứng, có người nói: "Đó là tiếng sấm!" Người khác lại bảo: "Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!" Đức Giêsu đáp: "Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người.” Khi Cuộc Thương Khó xảy đến, họ biết đó là ý định của Thiên Chúa, chứ không do sức mạnh và quyền lực của thế gian.
(2) Chịu đựng đau khổ để con người được cứu độ: Ngòai việc vâng lời để làm vinh quang Thiên Chúa, Chúa Giêsu còn muốn chịu đau khổ để con người được cứu độ. Vì tội không vâng phục của con người, Adam cũng như tất cả mọi người, con người sống dưới quyền lực của ma quỉ và ách nô lệ của tội lỗi và sự chết. Bằng việc chấp nhận Cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu gánh tội cho con người, kéo họ ra khỏi quyền lực của Satan, tên thủ lãnh thế gian, và đưa mọi người về cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu tuyên bố: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi." Khi Chúa Giêsu chịu giương cao trên Thập Tự, đó là lúc Thiên Chúa đánh bại quyền lực của quỉ thần để giải thóat con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi có sự xung đột ý kiến, chúng ta phải từ bỏ ý mình và làm theo ý Chúa, vì chúng ta biết ý Thiên Chúa luôn là ý khôn ngoan hơn ý chúng ta và chắc chắn dẫn đến điều tốt lành.
- Như Chúa Cha và Chúa Con đã vì yêu thương, hy sinh chịu gian khổ để mang lại ơn cứu độ cho con người, chúng ta cũng phải yêu thương và chịu đựng gian khổ để mọi người nhận biết Danh Chúa và làm cho Nước Chúa mau trị đến.
- Bất tuân Thiên Chúa và sống ích kỷ là hai cách nhanh nhất đưa con người tới chỗ diệt vong.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Bảy Tuần V MC
Bài đọc: Eze 37:21-28; Jn 11:45-57.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa sẽ ban cho Dân Người một Đấng Cứu Độ.
Nhìn lại lịch sử nhân lọai và lịch sử Cứu Độ, chúng ta thấy có một sự khác biệt rất lớn giữa con người và Thiên Chúa: Con người gây thiệt hại tàn phá, Thiên Chúa xây dựng và tái tạo. Con người gây hận thù chia rẽ, Thiên Chúa tạo đoàn kết yêu thương. Con người gây chiến tranh chết chóc, Thiên Chúa ban hòa bình an lạc.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy hai thái độ tương phản giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Ezekiel tuy còn đang sống trong nơi lưu đày, nhưng đã nhìn thấy trước ngày mà Thiên Chúa sẽ làm hai việc cho dân Israel: (1) “Ta sẽ cứu chúng thoát khỏi mọi nơi chúng đã ở, đã phạm tội, và sẽ thanh tẩy chúng;” và (2) “Ta sẽ quy tụ chúng lại từ bốn phương và đưa chúng về đất của chúng.” Trong Phúc Âm, những người Pharisees triệu tập Thượng Hội Đồng để bàn tính kế họach giết Chúa Giêsu. Thượng Tế Caiaphas đã “vô tình” nói lên hai mục đích về cái chết của Chúa Giêsu: (1) Ngài phải chết thay cho tòan dân; và (2) cái chết của Ngài sẽ quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sẽ quy tụ dân thành một đoàn chiên, được chăn dắt bởi một Chúa Chiên.
1.1/ Thiên Chúa sẽ quy tụ dân Người về một mối: Ba điều tiên-tri Ezekiel tuyên sấm:
(1) Dân Do-thái sẽ được hồi hương: Vì không vâng lời Thiên Chúa dạy, dân tộc Do-thái bị mất quê hương và bị lưu đày: miền Bắc bị thất thủ và lưu đày sang Assyria năm 721 BC; miền Nam bị thất thủ và lưu đày sang Babylon năm 587 BC. Sống cực khổ nơi lưu đày, tiên-tri Ezekiel được Thiên Chúa cho thấy và tuyên phán: “Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Này chính Ta sẽ lấy con cái Israel từ giữa các dân tộc chúng đã đi tới. Ta sẽ quy tụ chúng lại từ bốn phương và đưa chúng về đất của chúng.”
(2) Dân Do-thái sẽ thống nhất: Dân tộc Do-thái bị chia đôi thành hai vương quốc Bắc và Nam trước Thời Lưu Đày. Tiên-tri Ezekiel cũng nhìn thấy cảnh đòan tụ hai miền Nam Bắc: “Ta sẽ làm cho chúng thành một dân tộc duy nhất trong xứ, trên các núi Israel; tất cả chúng chỉ có một vua duy nhất; chúng sẽ không còn là hai dân tộc, không còn chia thành hai vương quốc.”
(3) Dân Do-thái sẽ được thanh tẩy: Dân chúng bị lưu đày là vì họ đã quay lưng lại với Thiên Chúa và thờ phượng các thần ngọai, và các tội bất công xã hội. Thời gian lưu đày là để thanh luyện các tội của dân, và để Thiên Chúa tha thứ cho dân khi họ thật lòng quay trở về với Ngài: “Chúng sẽ không còn ra ô uế vì những ngẫu tượng, những đồ gớm ghiếc và mọi tội ác của chúng nữa. Ta sẽ cứu chúng thoát khỏi mọi nơi chúng đã ở và đã phạm tội; Ta sẽ thanh tẩy chúng. Chúng sẽ là dân của Ta; còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng.”
1.2/ Thiên Chúa sẽ cho David, lãnh đạo dân chúng đến muôn đời.
(1) Vua David lãnh đạo dân: Vua David được coi như một vị vua nổi tiếng nhất trong các vua của Do-thái. Thời của Vua, tất cả 12 chi tộc sống bình an và lãnh thổ được thái bình thịnh trị. Vị Vua sẽ lãnh đạo dân cũng thuộc giòng dõi và nổi tiếng như Vua David. Vị Vua này “sẽ làm vua cai trị chúng; sẽ chỉ có một mục tử duy nhất cho chúng hết thảy. Chúng sẽ sống theo các phán quyết của Ta, sẽ tuân giữ các thánh chỉ của Ta và đem ra thực hành. Chúng sẽ định cư trên đất Ta đã ban cho tôi tớ Ta là Jacob, phần đất mà tổ tiên các ngươi đã cư ngụ. Chính chúng và con cháu chúng sẽ định cư mãi mãi trên đó. David, tôi tớ Ta, sẽ là ông hoàng lãnh đạo chúng cho đến muôn đời.”
(2) Thiên Chúa sẽ thiết lập giao ước mới với nhà Israel: “Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an; đó sẽ là giao ước vĩnh cửu đối với chúng, Ta sẽ định cư chúng, cho chúng sinh sôi nảy nở ra nhiều và đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời. Nhà của Ta sẽ ở giữa chúng; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta.”
(3) Dân Chúa sẽ mở rộng đến các dân tộc: “Bấy giờ, các dân tộc sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Đấng thánh hoá Israel, khi Ta đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời.”
2/ Phúc Âm: Thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.
2.1/ Thiên Chúa dùng Chúa Giêsu để quy tụ dân Người về một mối: Việc Chúa Giêsu truyền cho Lazarus đã chết ba ngày sống lại làm cho nhiều người tin vào Ngài. Đây là lý do chính để những người Pharisees lập kế giết Ngài. Họ nói: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta." Những gì họ lo nghĩ đã thành hiện thực vào năm 70 AD, nhưng Chúa Giêsu không phải là lý do người Roma phá hủy nước Do-thái. Thượng Hội Đồng (Sandherin) bao gồm những người Pharisees, giữ cẩn thận Lề Luật, và những người Sadducees, quan tâm đến chính trị và xã hội.
(1) Chúa Giêsu chết thay cho tòan dân: Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caiaphas, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt." Có một sự trùng hợp giữa những gì Caiaphas nói và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa: Chúa Giêsu phải chết để tòan dân được hưởng ơn cứu độ.
(2) Chúa Giêsu chết để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối: Có một sự trùng hợp khác nữa giữa thánh ý của Thiên Chúa và những gì Caiaphas nói. Thiên Chúa dùng ông để mặc khải ý định của Ngài: “Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.” Như lời tiên-tri Ezekiel báo trước trong Bài Đọc I, Chúa Giêsu đến để quy tụ dân thành một đòan chiên, và Ngài chính là Mục Tử Tốt Lành duy nhất chăn giữ đòan chiên này.
2.2/ Chúa Giêsu chuẩn bị chết thay cho toàn dân: Chúa Giêsu biết ý định của họ và biết ngày của mình trên dương gian sắp hòan tất, nên Ngài không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ephraim (gần Bethel). Người ở lại đó với các môn đệ.
Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Jerusalem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. Họ tìm Đức Giêsu và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: "Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không?" Họ nghĩ Chúa Giêsu không có can đảm để đối đầu với các thế lực chính trị và tôn giáo. Họ đã lầm, vì Chúa Giêsu không những dám vào, mà còn long trọng vào Thành Jerusalem với dân từ Bethany, trong Chủ Nhật Lễ Lá mà chúng ta sẽ cử hành để nhớ lại biến cố này ngày mai.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta hãy học để làm như Thiên Chúa: xây dựng thay vì phá hoại, tạo đòan kết thay vì gây chia rẽ, yêu thương thay cho hận thù.
- Chúa Giêsu đã chết thay cho tất cả chúng ta. Ngài chết để đưa tất cả nhân lọai về cho Thiên Chúa. Đây là Tin Mừng mà chúng ta cần tin tưởng và loan báo cho mọi người.
- Thiên Chúa điều khiển mọi người và mọi sự. Tất cả những gì Ngài muốn sẽ hiện thực. Con người không thể làm bất cứ gì để vô hiệu hóa dù chỉ một kế họach của Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần IV MC
Bài đọc: Wis 2:1, 12-22; Jn 7:1-2, 10, 25-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin thế nào sẽ sống như vậy.
Nhu cầu học hỏi để biết phân biệt đúng, sai rất quan trọng. Lý do: Tin thế nào sẽ thực hành như vậy. Nếu một người biết đúng, người đó sẽ thực hành đúng; ngược lại, nếu người đó biết sai hay không biết, làm sao người đó có thể hành động đúng được? Vì thế, con người phải học hỏi và được dạy dỗ không ngừng để biết phân biệt phải, trái.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh các hành động sai lầm và độc ác của việc biết sai về Thiên Chúa và về Đấng Cứu Thế. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan phơi bày suy luận sai lầm và hành động ác độc của những người không tin nơi Thiên Chúa và cuộc sống đời sau. Họ truy tố và hành hạ người công chính để thử xem đức tin của người công chính có thắng vượt được những tra tấn dã man mà họ nghĩ ra! Trong Phúc Âm, vì không hiểu thực sự Đấng Thiên Sai là ai và cách cứu độ của Ngài, người Do-thái tìm cách bắt bớ và tiêu diệt Đức Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Niềm tin sai lầm về Thiên Chúa và về cuộc đời
1.1/ Niềm tin của những người vô thần dẫn tới hành động ác độc của họ:
(1) Niềm tin sai lầm: Họ nghĩ: “Đời ta thật buồn sầu, vắn vỏi: không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết, chẳng ai biết có kẻ nào thoát được cõi âm ty.” Theo truyền thống Do-thái, niềm tin về đời sau của họ rất mơ hồ; đa số chỉ tin phần thưởng Thiên Chúa ban cho những ai bước đi trong Lề Luật của Ngài là sống lâu, con đàn cháu đống, và hạnh phúc ở đời này. Mãi cho đến thời của tiên-tri Daniel và anh em nhà Maccabees (3rd tới 2nd BC), niềm tin vào sự sống lại và hạnh phúc đời sau mới rõ nét hơn. Sách Khôn Ngoan cũng được viết trong khỏang thời gian này. Đối với những người vô thần, họ tin chết là hết và không có đời sau. Họ không tin Thiên Chúa, Đấng có thể giải thóat người công chính và trừng phạt kẻ tội lỗi và bất công.
(2) Hành động ác độc của người vô thần: Tin thế nào sẽ sống như vậy. Vì không tin đời sau, nên bao nỗ lực của họ dành cả cho đời này. Họ ghét người công chính, không phải vì người công chính làm hại họ, nhưng vì lối sống của những người công chính làm cho lương tâm của họ bị cắt rứt. Họ nói: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.” Họ đâu biết chính nhờ lương tâm cắn rứt, sẽ giúp họ nhận ra điều sai trái họ làm mà quay trở về với đàng ngay nẻo chính! Nhưng vì họ đã ở trong bóng tối quá lâu, họ mất sức mạnh để ra ngòai ánh sáng.
Họ muốn tất cả mọi người phải sống như họ. Họ cảm thấy khó chịu và bất an khi thấy có người nào sống khác họ: “Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta, thấy mặt nó thôi là ta chịu không nổi. Vì nó sống thật chẳng giống ai, lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị. Nó coi ta như bọn lọc lừa, tránh đường ta đi như tránh đồ dơ bẩn.” Đây là thái độ của nhiều con người vô thần thời nay. Họ lạm dụng tự do ngôn luận để bắt ai cũng phải sống như họ: cấm không cho đọc kinh hay thinh lặng trước giờ học, bắt tất cả học sinh phải biết về vấn đề tình dục ở tuổi mới lớn, bắt người tin Thiên Chúa phải trợ phá thai hay bán uống thuốc phá thai …
1.2/ Cần phải học cho biết đúng về Thiên Chúa: Để tránh những hiểu biết sai lầm và những hành động ác độc giữa con người với con người, tất cả đều cần học biết về Thiên Chúa, Đấng dựng nên mọi sự và điều khiển muôn lòai. Điều trước tiên con người phải nhận ra là có Thiên Chúa qua những công trình tạo dựng và quan phòng của Ngài trong vũ trụ. Thứ đến, con người cần học để hiểu biết Ngài là ai và các ý định của Ngài khi dựng nên muôn lòai; nhất là các ý định cho con người cả đời này và đời sau.
Con người cũng cần phải học biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa: Giữa Thiên Chúa và con người có một sự khác biệt vô cùng, như tiên-tri Isaiah tuyên bố: tư tưởng và đường lối của Ta không phải là tư tưởng và đường lối của các ngươi; như Trời cao hơn đất thể nào, tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao hơn các ngươi như vậy. Vì thế, để thử xem có Thiên Chúa hay không bằng cách đánh đập những người công chính là chuyện khôi hài. Ngài có kế họach riêng cho con người phải theo, và Ngài không thay đổi kế họach đã có vì thách thức của con người.
Hơn nữa, ngay cả những cực hình mà những người vô thần dùng để thử thách những người công chính cũng nằm trong kế họach của Thiên Chúa. Chúng cần thiết để con người chứng tỏ niềm tin vào Ngài. Những người vô thần không chỉ thử thách Thiên Chúa, mà còn muốn nhìn thấy sự thay đổi niềm tin của người công chính vì sợ cực hình, như lời họ nói: “Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm."
2/ Phúc Âm: Niềm tin sai lầm về Đấng Cứu Thế cũng dẫn tới những hành động sai lầm.
2.1/ Niềm tin sai lầm vào Đấng Cứu Thế: Điều sai lầm trước tiên của người Do-thái là họ quá quan tâm đến nguồn gốc con người mà quên đi nguồn gốc Thiên Chúa của Ngài. Điều sai lầm thứ hai là họ lầm lẫn nơi Đức Kitô sinh ra và nơi Ngài lớn lên như trình thuật ngày mai sẽ đề cập tới. Điều một số người tuyên bố hôm nay chứng tỏ họ không rành rẽ Kinh Thánh: “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” Tiên-tri Micah đã tuyên bố đích danh nơi sinh của Đấng Thiên Sai: “Phần ngươi, hỡi Bethlehem Éphratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Judah, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mic 5:1).
Hành động sai lầm: Vì không hiểu rõ nguồn gốc cũng như Kế Họach Cứu Độ của Đấng Thiên Sai, nên những người Do-thái tìm vách bắt bớ và giết Ngài, chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.
2.2/ Cần học hỏi để biết Đấng Cứu Thế thực sự là ai: Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng: "Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi." Hôm qua, chúng ta đã nói về 5 chứng nhân của Đức Kitô; qua 5 chứng nhân này, con người đã có nhiều hơn 2 nhân chứng mà Lề Luật đòi hỏi để họ tin vào Ngài. Những ngày kế tiếp, Đức Kitô sẽ tiếp tục mặc khải về Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa qua Cuộc Thương Khó, cái chết và sự sống lại của Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Kiến thức về Thiên Chúa, về Chúa Kitô, và về các ý định của Thiên Chúa cho con người rất cần thiết cho chúng ta để đạt tới đích điểm mà Thiên Chúa đã tiền định cho con người. Nếu chúng ta không biết ý định và đường lối của Thiên Chúa, chúng ta sẽ tin và làm theo những gì chúng ta suy nghĩ.
- Tất cả những kiến thức này đã được mặc khải và viết lại trong Kinh Thánh. Chúng ta cần bỏ thời gian để học hỏi trước khi có thể thi hành Kế Họach Cứu Độ theo đường lối của Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Mùa Chay Năm B
Lễ Trọng Kính Thánh Giuse
Bài đọc: 2 Sam 7:4-5a, 12-14a, 16; Rom 4:13, 16-18, 22; Mt 1:16, 18-21, 24a.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Giuse trở nên công chính nhờ niềm tin vào Thiên Chúa.
Con người luôn bị giằng co giữa hai thái cực: một bên là đức tin tuyệt đối vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa, một bên là sự suy luận theo lý trí của con người. Khi có sự xung đột, con người phải chọn đàng nào? Nhiều người cho họ chỉ tin những gì lý trí con người có thể hiểu được; ngoài ra là mê tín dị đoan. Nhưng Thiên Chúa đã tuyên sấm qua miệng tiên tri Isaiah: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất thế nào, tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao hơn các người như vậy” (Isa 55:8-9). Lịch sử nhiều lần chứng minh: vâng lời làm theo ý Thiên Chúa mang lại những kết quả quá lòng mong đợi của con người; ngược lại, bất tuân thánh ý Thiên Chúa để làm theo ý riêng mình sẽ gây ra muôn vàn khổ đau cho con người.
Các Bài Đọc hôm nay nêu bật những mẫu gương của những người thi hành thánh ý Thiên Chúa cho dẫu họ không hiểu kế hoạch của Ngài. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa hứa với vua David dòng dõi ông sẽ làm vua cai trị tới muôn đời. Điều này được thực hiện qua Đức Kitô, Ngài thuộc dòng tộc David và sẽ cai trị tới muôn đời. Trong Bài Đọc II, Thiên Chúa hứa sẽ ban cho Abraham một dòng dõi đông như sao trên trời, trong khi ông chỉ có hai người con duy nhất: Isaac bởi Sarah và Ismael bởi Hagar. Lời hứa này cũng được làm trọn nơi Đức Kitô, tất cả những ai tin vào Đức Kitô, họ trở thành con cháu của tổ phụ Abraham. Trong Phúc Âm, thánh Giuse chấp nhận đón Đức Mẹ về chung sống; sau khi được sứ thần của Thiên Chúa cho biết việc Đức Mẹ chịu thai là do quyền năng của Thánh Thần.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta.
1.1/ Lời Thiên Chúa hứa với vua David: Sau khi đã ổn định đất nước, vua David nói với tiên tri Nathan ý định muốn xây nhà cho Thiên Chúa tại thành của David; nhưng ngay đêm ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Nathan rằng: "Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là David: Đức Chúa phán thế này: Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi - một người do chính ngươi sinh ra - và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.”
Không phải David sẽ xây nhà cho Thiên Chúa; nhưng chính Thiên Chúa sẽ xây nhà cho ông. Nhà ở đây ám chỉ dòng dõi của David; từ dòng dõi này sẽ xuất hiện Đấng Thiên Sai và uy quyền cai trị sẽ tồn tại đến muôn đời.
1.2/ Lời Hứa của Thiên Chúa: Thiên Chúa cho biết người sẽ xây nhà cho Ngài là Solomon, con kế vị của vua David: “Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi."
Lời Hứa của Thiên Chúa bị đe doạ bởi sự bất trung của hậu duệ của vua David. Có những lúc tưởng chừng như nhà David sẽ hết người nối ngôi, như thời kỳ bị lưu đày; nhưng Thiên Chúa vẫn quan phòng cách khôn ngoan, cho đến ngày Đấng Thiên Sai ra đời từ dòng dõi David.
2/ Bài đọc II: Abraham được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.
2.1/ Đe dọa của niềm tin: Khi Thiên Chúa hứa sẽ ban cho Abraham một dòng dõi, ông vẫn chưa có lấy một người con dù đã quá tuổi sinh con (Gen 15). Làm sao một người có thể có con đông như sao trên trời và như cát dưới biển, khi chưa có lấy một người con trong lúc tuổi già?
2.2/ Đức tin của tổ phụ Abraham: Nhưng Abraham hoàn toàn tin vào Lời Thiên Chúa hứa, và đó là lý do Abraham được trở nên công chính, như lời thánh Phaolô viết: “Thật vậy, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Abraham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.”
Thánh Phaolô muốn đả phá một quan niệm sai lầm của người Do-thái: con người trở nên công chính bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật. Ngài dùng chính những gì đã xảy ra cho Abraham để đả phá quan niệm này:
(1) Lời Hứa được Thiên Chúa ban cho Abraham cách nhưng không: Abraham không làm gì để xứng đáng được hưởng những gì Thiên Chúa hứa, như Phaolô xác tín: “Vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Abraham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông.” Hơn nữa Lề Luật được Thiên Chúa ban cho con người sau này, thời của Moses trong cuộc Xuất Hành ra khỏi Ai-cập. Thời của Abraham, làm gì đã có Lề Luật để tuân giữ!
(2) Dòng dõi Abraham được trở nên đông đúc không do di truyền; nhưng do bởi niềm tin của các tín hữu vào Đức Kitô. Phaolô viết: “Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.”
(3) Con người trở nên công chính bằng đức tin: Abraham không sống trên dương gian để nhìn thấy Lời Thiên Chúa được thực hiện; hơn nữa, Abraham còn chịu rất nhiều thử thách đe doạ niềm tin này. Ví dụ, việc Thiên Chúa muốn ông sát tế Isaac, con ông, trên núi Moriah. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn và thử thách, “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. Bởi thế, ông được kể là người công chính.”
3/ Phúc Âm: Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy.
3.1/ Đức tin của Giuse bị thử thách: Cuộc đính hôn của thánh Giuse với Đức Mẹ chắc chắn được Thiên Chúa quan phòng; nhưng Giuse không thể chấp nhận việc Đức Mẹ mang thai khi hai người chưa ăn ở với nhau.
(1) Tình trạng pháp lý: Truyền thống Do-thái về việc cưới hỏi cũng giống như phong tục của Việt-nam. Có ba giai đoạn trong việc cưới hỏi: thứ nhất là giai đoạn hứa hôn, được làm bởi cha mẹ hai bên khi hai trẻ vẫn còn nhỏ. Giai đoạn này không bị ràng buộc nếu sau này một trong hai trẻ không đồng ý tiến tới; thứ hai là giai đoạn đính hôn, thường kéo dài trong khoảng một năm. Theo Luật Do-thái, hai người chính thức thành vợ chồng tuy chưa ăn ở với nhau; nếu muốn ly dị phải theo thủ tục pháp lý. Thánh Giuse và Mẹ Maria ở trong giai đoạn này. Sau cùng là giai đoạn kết hôn, khi hai người ăn ở với nhau.
(2) Cách giải quyết: Một điều Giuse biết chắc chắn là bào thai Đức Mẹ đang cưu mang không phải là của mình. Là người công chính, Giuse không thể chấp nhận bào thai của Đức Mẹ, và ông có hai cách để giải quyết: hoặc tố cáo và Đức Mẹ sẽ bị ném đá vì tội ngoại tình, hoặc bỏ Đức Mẹ cách kín đáo. Vì có lòng nhân từ, Giuse không muốn Đức Mẹ bị ném đá, ông “định tâm bỏ bà cách kín đáo.”
3.2/ Đức tin của Giuse: Khi ông đang toan tính như vậy, thì sứ thần Thiên Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con cháu David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."
Để hiểu việc làm của Giuse, chúng ta cần tìm hiểu truyền thống Do-thái hiểu biết về Thánh Thần. Theo Kinh Thánh, Thánh Thần có ít nhất 4 nhiệm vụ như sau:
(1) Ngài là người mang sự thật từ Thiên Chúa đến cho con người (Exo 31:3; Num 11:25; 27:18; Deut 34:9; 1 Sam 10:10; 2 Sam 23:2; Job 32:8; Psa 32:2);
(2) Làm cho con người hiểu biết sự thật (Gen 41:38; Num 24:2; Psa 32:2; Joel 2:28; Lk 12:12; Jn 14:17; 15:26);
(3) Ngài cùng với Thiên Chúa tạo dựng (Gen 6:3; Jdg 14:6; 1 Sam 11:6; Job 27:3; 33:4; Psa 33:6; 104:30);
(4) Tái tạo dựng con người (Gen 1:2; Jdg 6:34; 11:29; 13:25; 15:9; 1 Sam 10:6; Psa 51:10; 143:10; Job 33:4; Eze 37:1-14; Acts 2:1-4).
Thấm nhuần truyền thống trên, Giuse chấp nhận bào thai của Đức Mẹ dẫu biết bào thai không phải là của mình, ông cũng không đòi cắt nghĩa “việc chịu thai bởi Chúa Thánh Thần;” nhưng tin Thánh Thần là nguyên nhân tạo dựng bào thai đó. Suốt cuộc đời chăm sóc Đức Mẹ và Chúa Giêsu, thánh Giuse luôn để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mọi việc và vâng lời làm theo những gì sứ thần truyền. Kinh Thánh tường thuật ba sự kiện: thứ nhất, thánh Giuse chấp nhận đính hôn với Đức Mẹ để trở thành cha nuôi của Đấng Cứu Thế; thứ hai, thánh Giuse chấp nhận đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu trốn sang Ai-cập lúc đang đêm; ngài không nại lý do đang đêm hay làm gì sinh sống nơi đất lạ quê người; sau cùng, ngài chấp nhận đưa gia đình hồi hương và lập nghiệp tại Nazareth; không than phiền phải di chuyển đến nơi ở mới một lần nữa.
Nói tóm, tuy thánh Giuse không để lại một lời nào cho hậu thế; nhưng ngài để cho chúng ta một tấm gương luôn biết lắng nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa. Ngài hoàn toàn tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa, và khiêm tốn thi hành những gì Thiên Chúa truyền, vì Ngài biết trí khôn của mình không thể hiểu nổi sự quan phòng của Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta được trở nên công chính nhờ niềm tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô; chứ không nhờ những việc chúng ta làm.
- Thử thách và đau khổ trong cuộc đời là những cơ hội giúp chúng ta chứng tỏ đức tin nơi Thiên Chúa. Chúng ta hãy biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
- Thiên Chúa luôn trung thành giữ những gì Ngài hứa; vì thế, chúng ta cần đặt trọn vẹn niềm tin tưởng nơi Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần IV MC
Bài đọc: Isa 49:8-15; Jn 5:17-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa yêu thương chăm sóc dân Người.
Tình yêu Thiên Chúa được các tác giả Sách Kinh Thánh so sánh với nhiều lọai tình yêu, nhưng không có hình ảnh nào diễn tả trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa. Ví dụ: Thân mật như tình yêu vợ chồng trong Hosea; nhưng trong tình yêu vợ chồng vẫn có sự phản bội. Bao la như tình mẫu tử trong Isaiah; nhưng vẫn có những bà mẹ bỏ và đang tâm giết hại con mình. Gần gũi và nói lên được sự quan trọng như cây nho và cành, nhưng không diễn tả được các khía cạnh khác như dạy dỗ và yêu thương.
Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm nơi tình yêu Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Isaiah muốn nói với dân đang sống cực khổ nơi lưu đày: Thiên Chúa vẫn hằng quan tâm săn sóc họ. Ngài đã có sẵn một kế họach giải phóng dân khỏi nơi lưu đày và đưa họ về quê hương để xây dựng lại tất cả. Thiên Chúa sẽ là Người Mục Tử để chăn dắt dân và lo cho họ có đủ mọi của ăn uống. Trong Phúc Âm, vì yêu thương nhân lọai, Thiên Chúa đã gởi cho nhân lọai Người Con Một của Ngài để yêu thương, chăm sóc, và chữa lành con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa hằng quan tâm đến đời sống của dân Người.
1.1/ Viễn tượng về ngày Thiên Chúa giải phóng dân Người: Trình thuật hôm nay nằm trong Sách Thứ Hai của Isaiah; Sách này được viết trong Thời Lưu Đày. Dù rằng dân chúng đang phải đền tội cực khổ trong nơi lưu đày, Thiên Chúa đã có kế họach để giải phóng và đưa dân trở về quê hương, như lời tiên tri loan báo: “Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Ta đã gìn giữ ngươi, đặt ngươi làm giao ước giữa Ta với dân, để phục hồi xứ sở, để chia lại những gia sản đã bị tàn phá, để nói với người tù: "Hãy đi ra," với những kẻ ngồi trong bóng tối: "Hãy ra ngoài."”
Thiên Chúa là Mục Tử, chính Ngài sẽ chăn dắt và lo lắng cho dân: “Như bầy chiên, chúng sẽ được nuôi ăn trên các nẻo đường, sẽ gặp được đồng cỏ trên mọi đồi hoang. Chúng sẽ không phải đói phải khát, không bị khí nóng và mặt trời hành hạ, vì Đấng thương xót chúng sẽ hướng dẫn và đưa chúng đến những suối nước tuôn trào.” Đây là hình ảnh báo trước Đấng Thiên Sai, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài là Mục Tử Tốt Lành, Ngài đến để đòan chiên được sống và sống dồi dào (Jn 10:10-11).
1.2/ Thiên Chúa không bao giờ lãng quên dân Người.
(1) Thiên Chúa vẫn nhìn xem dân Người trong Thời Lưu Đày: Khi phải sống trong cảnh cực khổ của nơi lưu đày, dân chúng có cảm tưởng như đã bị Thiên Chúa bỏ rơi, nhiều người đã từng thốt lên: "Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!"
Thực ra, Thiên Chúa vẫn nhìn thấy và quan tâm đến đời sống của dân. Một điều chứng minh tình thương Thiên Chúa là Ngài vẫn không ngừng gởi các ngôn sứ tới để an ủi, khuyến khích, và cho dân một niềm hy vọng là Thời Lưu Đày chỉ tạm thời. Nếu dân biết nhận ra tội lỗi mình và ăn năn hối cải, Thiên Chúa sẽ cứu dân khỏi chốn lưu đày. Dân mong muốn ngày đó, và Thiên Chúa còn mong ngày đó hơn dân. Ngày đó sẽ là ngày mừng vui, ngày mà “Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật tiếng hò reo, vì Đức Chúa ủi an dân Người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người.”
(2) Tình của Thiên Chúa thâm sâu hơn tình mẫu tử: Không có một tình yêu nào bao la hơn tình mẫu tử; nhưng ngày nay vẫn có những người mẹ nhẫn tâm giết con mình ngay khi còn là bào thai trong lòng. Thiên Chúa bảo đảm tình yêu của Ngài cho con người, khi Ngài nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.”
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa ban Người Con Một của Ngài cho con người.
2.1/ Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc: Người Do-thái tố cáo Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabbath khi truyền cho người bại liệt 38 năm vác chõng mà về trong ngày Sabbath. Nhưng Đức Giêsu đáp lại: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc."
Thiên Chúa đã không nghỉ trong ngày Sabbath; bất cứ nhà học giả Do-thái nào cũng hiểu điều này. Philo đã nói: “Thiên Chúa không bao giờ ngưng làm việc, nhưng như đặc tính của lửa là cháy và đặc tính của tuyết là đông lạnh, đặc tính của Thiên Chúa là làm.” Một người khác viết: “Mặt trời chiếu sáng, những giòng sông chảy; các tiến trình của sinh sản và chết chóc vẫn xảy ra trong ngày Sabbath cũng như các ngày khác; và đó là công việc của Thiên Chúa.” Sự thật Thiên Chúa ngưng tạo dựng trong ngày Sabbath; nhưng những việc khác như phân xử, thương xót, yêu thương, và quan phòng vũ trụ vẫn tiếp tục không ngừng. Điều Chúa Giêsu muốn nói với họ: Ngay cả trong ngày Sabbath, Thiên Chúa vẫn yêu thương và chữa lành, Ta cũng vậy, vì Ta được sai đến để yêu thương và chữa lành. Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật Sabbath, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
2.2/ Thiên Chúa ban cho Chúa Giêsu quyền ban sự sống và phán xét.
(1) Quyền ban sự sống: “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý.” Điều này được thể hiện qua những phép lạ Chúa Giêsu làm cho kẻ chết sống lại. Trong Tin Mừng Gioan, chương 11, phép lạ Chúa Giêsu làm cho Lazarus sống lại sau 3 ngày chứng minh quyền ban sự sống của Ngài.
Sự sống mà Chúa Giêsu mang trong mình không chỉ là sự sống thể lý, nhưng là sự sống thần linh mà Ngài nhận được từ Chúa Cha: “Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy.” Con người có thể lấy đi sự sống thể lý; nhưng không bao giờ có thể lấy đi sự sống thần linh của Ngài. Chính vì sự sống thần linh mà Ngài có thể ban cho kẻ chết sống lại, và tự mình sống lại sau ba ngày trong mộ.
(2) Quyền phán xét: “Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.”
Chúa Cha và Chúa Giêsu không phán xét con người, nhưng con người phán xét chính mình khi phải đối diện với Chúa Giêsu (Jn 3:18). Nếu họ không tin nơi Người Con mà Chúa Cha gởi tới, họ đã phán xét chính họ rồi. Nhưng nếu họ tin vào Ngài, như Chúa Giêsu xác quyết: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải xác tín một sự thật: Không ai yêu thương chúng ta bằng Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ trước tiên qua việc trao ban cho chúng ta Người Con Một, để Ngài diễn tả tình yêu Thiên Chúa bằng hành động: dạy dỗ, chữa lành, và chết cho chúng ta.
- Thiên Chúa không chỉ yêu thương mà còn có uy quyền làm mọi sự. Ngài muốn và có thể làm mọi sự tốt lành cho con người. Được một Thiên Chúa Tốt Lành như thế yêu thương, chúng ta còn chờ đợi gì nữa mà chưa trao trọn vẹn tình yêu của chúng ta cho Ngài?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần IV MC
Bài đọc: Eze 47:1-9; Jn 5:1-3a, 5-16.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự hiện diện của Thiên Chúa mang lại sự sống cho con người.
Nước không thể thiếu trong đời sống con người. Tại Jerusalem và miền nam của Israel, nước còn quan trọng hơn nữa vì nằm trên núi và sa mạc. Nếu không có nước, con người và muôn lòai không thể sống. Nước còn có một công dụng khác: rửa sạch mọi nhơ bẩn. Nước thánh từ Đền Thờ chảy ra là hình ảnh của Nước Rửa Tội trong đêm Vọng Phục sinh, có thể thanh tẩy mọi ô uế trong tâm hồn.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh sự cần thiết của nước trong đời sống. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Ezekiel, tuy sống trong nơi lưu đày, có một thị kiến về nước từ bên phải của Đền Thờ Jerusalem chảy ra. Nước này nhiều đến độ làm thành một con sông lớn và chảy về phía Biển Chết và sa mạc Arabah. Nước chảy đến đâu đem sự sống cho muôn lòai đến đó. Nước này cũng chữa lành mọi bệnh tật của con người. Trong Phúc Âm, một người bị liệt đã 38 năm, nằm bên hồ Bethzatha chờ mặt nước nối liền Đền Thờ được khuấy động là nhảy xuống hồ để được chữa lành. May mắn cho anh, Chúa Giêsu đi ngang, nhìn thấy, và chữa lành. Ngài truyền cho anh đứng dậy, vác chõng, và đi về nhà.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.
1.1/ Thị kiến “Nước từ Đền Thờ chảy ra” của tiên-tri Ezekiel: Nhiều tác giả đã dùng biểu tượng “Nước từ Đền Thờ chảy ra” (x/c Joel 3:18, Zech 14:8, Psa 36:8-9, Rev 22:1). Có tác giả cho đây có lẽ là một ám chỉ của giòng nước chảy ra từ Vườn Địa Đàng (Gen 2:10-14), ngưng chảy vì tội của Adam, xuất hiện trở lại trong cuộc Xuất Hành qua sa mạc qua biến cố “Nước chảy ra từ Tảng Đá,” và sau cùng tái xuất hiện trong thành Jerusalem vào Ngày Cánh Chung như một giòng sông. Phía Đông của Đền Thờ Jerusalem là thung lũng Kedron, thường thì khô cạn, và người ta có thể băng ngang để leo lên Vườn Cây Dầu như Chúa Giêsu và các môn đệ thường làm. Thị kiến của Ezekiel muốn nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa. Ngài có thể làm cho nước ngập tràn thung lũng Kedron, làm thành một giòng sông chảy vào Biển Chết như sông Jordan.
1.2/ Nước từ Đền Thờ mang lại sự sống và chữa lành con người: Nơi nào có nước là có sự sống. Cây trồng bên suối nước sẽ luôn xanh tươi và sinh nhiều hoa trái. Trong thực tế, Biển Chết là nơi nước sông Jordan chảy vào; vì không có lối thóat nên nước trở nên rất mặn, và không một sinh vật nào có thể sống nổi. Thị kiến của tiên-tri Ezekiel có lẽ muốn nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa trong tương lai. Ngài sẽ làm nước từ Đền Thờ chảy ra nhiều đến nỗi làm thành một giòng sông lấp đầy thung lũng Kedron, chảy vào Biển Chết và thông xuống vùng sa mạc Arabah. Khi Biển Chết được thông thương, nước sẽ trở nên tinh sạch hơn và làm cho nước biển hoá lành. Vì thế, “Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.” Một điều chắc chắn hơn, thị kiến này ám chỉ Nước Rửa Tội mà trong đêm Vọng Phục Sinh, khi chúng ta sẽ hát lên: “Tôi đã thấy nước từ bên phải Đền Thờ chảy ra; và nước ấy chảy đến những ai, thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên …”
2/ Phúc Âm: Người bệnh bất tọai chờ bên hồ nước Bethzatha để được chữa lành.
2.1/ Lịch sử của hồ nước Bethzatha: Trước thế kỷ 20, các học giả của Tin Mừng Gioan cho hồ nước này chỉ là biểu tượng, chứ không có thật tại Jerusalem, nhiều người còn chú giải 5 hành lang tượng trưng cho 5 Sách của Ngũ Kinh, 38 năm tượng trưng cho 38 năm dân Do-thái lang thang trong sa mạc. Trường Kinh Thánh và Khảo Cổ của Dòng Đa-minh, École Biblique, tìm ra tông tích của chiếc hồ này ở phía Tây của Đền Thờ, gần nhà thờ St. Ann hiện nay, cùng với các các di tích lịch sử của nó. Hai cái hồ tìm thấy nằm kế cận nhau được giải thích trong tờ hướng dẫn của các cha dòng White Friars như sau:
- Thời xa xưa, những hồ chứa nước được thiết lập trong thung lũng này. Một cái hồ đơn giản được đào để chứa nước chảy qua thung lũng như một cái hồ thiên nhiên. Sau này, cái hồ này được xây và biến thành hồ nhân tạo với chiều kích 40x50 m bằng cách dùng một ống dẫn nước rộng khỏang 6 m. Nước trong hồ được dẫn vào Đền Thờ bằng một con kênh nhỏ. Sách Isa 7:3 và 2 Kgs 18:17 ám chỉ con kênh nhỏ này.
- Vào cuối thế kỷ 3rd BC, một chiếc hồ thứ hai được thiết lập, có lẽ vào khỏang thời gian của Thượng Tế Simon (x/c Sir 50:3). Nó được xây ở phía Nam của ống dẫn nước, con kênh nhỏ được bao phủ và trở thành ống dẫn nước vào Đền Thờ.
- Vào giữa năm 150 BC và 70 AD, một trung tâm chữa bệnh nổi tiếng được phát triển về phía Đông của hai cái hồ này. Một giếng nước, chỗ tắm, và những bàn thờ cũng được thiết lập cho mục đích chữa trị và tôn giáo. Nơi đây là nơi tụ họp của nhóm người bị cấm không cho vào trong Đền Thờ vì bệnh tật. Họ chờ đợi khi thiên thần khuấy động nước là lăn xuống hồ để được chữa trị. Chính tại nơi Cửa Chiên này, Chúa Giêsu đã chữa lành người bại liệt.
- Vào thế kỷ 1st AD, một cái hồ lớn hơn, BIRKET ISRAEL, được xây gần Đền Thờ, làm cho những cái hồ ở Bethzatha không còn quan trọng nữa. Một tường thành mới được xây dựng về phía Bắc bởi Herod Agrippa vào năm 44 AD, ngăn cản không cho nước chảy vào Đền Thờ nữa.
2.2/ Chúa chữa lành người bại liệt đã 38 năm: Đức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: "Anh có muốn khỏi bệnh không?" Bệnh nhân đáp: "Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!" Với tình trạng bệnh tật của anh, không thể nào anh là người thứ nhất lăn xuống hồ. Chúa Giêsu biết anh đã chịu bệnh lâu năm, nên bảo: "Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!" Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được. Hôm đó lại là ngày Sabbath.
2.3/ Tranh luận về ngày Sabbath.
(1) Vi phạm ngày Sabbath: Vác chõng đi trong ngày Sabbath là vi phạm Lề Luật nặng nề, và có thể bị ném đá đến chết. Khi thấy anh vác chõng, người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: "Hôm nay là ngày Sabbath, anh không được phép vác chõng!" Anh đáp: "Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: "Anh hãy vác chõng mà đi!" Họ hỏi anh: "Ai là người đã bảo anh: "Vác chõng mà đi?" Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai.
(2) Cuộc gặp gỡ lần thứ hai: Sau đó, Đức Giêsu gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: "Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!" Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh. Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày Sabbath.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Như nước cần cho sự sống phần xác thế nào, nước từ Đền Thờ chảy ra cũng cần cho sự sống phần hồn như vậy. Nước Rửa Tội xóa sạch mọi tội của con người và mang lại cho người lãnh nhận nhiều ân sủng của Thiên Chúa.
- Không có sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, con người sẽ bị khô héo lâu năm như người bại liệt. Khi có sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc đời, Ngài sẽ chữa lành mọi bệnh tật cho con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- 16/3 Niềm tin vào Thiên Chúa có thể làm được mọi sự
- 15/3 Ân sủng & lòng tin
- 15/3 Tình thương Thiên Chúa cứu chuộc con người
- 14/3 Phải biết Thiên Chúa và biết mình
- 13/3 Mến Chúa và yêu người là hai cột trụ của cuộc đời
- 12/3 Biết nghe lời Thiên Chúa là điều kiện để đạt hạnh phúc
- 11/3 Lề Luật của Thiên Chúa bảo vệ đời sống con người
- 10/3 Tha thứ như đã được thứ tha
- 09/3 Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình
- 08/3 Nhiệt tâm lo việc nhà Chúa