Dân Chúa Âu Châu

DaminhTrachThánh Đa Minh Bùi Văn Úy, Thầy Giảng (1812-1839)

- Lễ ngày 19 tháng 12

Thánh Đa Minh Bùi Văn Úy sinh năm 1812 tại họ Tiền Môn thuộc láng Kẻ Rèm tỉnh Thái Bình ngày nay. Ngày từ nhỏ cậu được gia đình gửi vào nhà xứ làm cậu giúp lễ cho cha Phêrô Tự.Cha Phêrô Nguyễn Văn Tự rất quí mến cậu vì tính tình hiền lành ngoan ngoãn. Cha cho cậu học hành rồi sau đó mấy năm Cha gửi cậu về nhà trường học thành Thầy Giảng rồi Thầy lại trở về luôn sống bên Cha, giúp xứ Kẻ Danh rồi Kẻ Mốt thuộc tỉnh Bắc Ninh cho tới khi bị bắt, lúc ấy thầy mới 26 tuổi. 

Khi giúp xứ, giáo dân đều quí mến Thầy, khen Thầy có tính nết hiền hoà, chịu khó, nhiệt thành với công việc được trao phó. Thầy luôn luôn tỏ lòng quí mến và trung thành với Cha Phêrô Nguyễn Văn Tự là người đã nuôi dưỡng Thầy từ nhỏ. Trong thời kỳ đạo Chúa bị cấm cách và các đạo trưởng luôn bị truy nã, bắt bớ, Thầy Úy luôn ở bên cạnh để săn sóc, giúp đỡ Cha. Khi làm hầm trú ẩn, Thầy xin người ta làm hần 2 tầng, để Thầy ở tầng gần cửa, phòng khi quan quân bất thần tới thì nếu bị bắt thì họ sẽ bắt Thầy trước, hy vọng Cha có thời giờ để trón thoát.

Có lần ông trùm xứ đạo hỏi Thầy:

- Thưa Thầy, nếu Cha và Thầy bị bắt thì Thầy sẽ tính sao?

Nghe câu hỏi đột ngột quá, Thầy suy nghĩ một lát rồi thản nhiên đáp:

- Nếu quan quân tới bắt tôi thay vì bắt Cha thì tôi rất bằng lòng chịu thay cho Cha. Tôi sẽ yên lặng để họ bắt tôi. Tôi chỉ sợ sau này anh em có phải phiền lụy gì về tôi chăng.

Thầy rất lo sợ nếu Cha bị bắt thì con chiên bổn đạo sẽ bị nao núng, Đức Tin bị lung lay, thử thách, nhất là đối với những người còn yếu kém Đức Tin.

Thế rồi cuộc bách hại của vua Minh Mạng bùng nổ mỗi ngày một ghê sợ hơn. Ngày 29 tháng 6 năm 1838, theo cơn lốc kinh hoàng, quan quân đã tung quân về vây làng Kẻ Mốt với chủ đích là tới bắt cáo đạo trưởng trong vùng này. Cha Phêrô Nguyễn Văn Tự và Thầy Đa Minh Bùi Văn Úy bị sa lưới. Lúc đầu Cha Tự định chỉ khai Thầy là người giúp bếp để đỡ nguy hiểm hơn và hy vọng Thầy sẽ đuợc tha. Vì Cha nghĩ rằng Thầy còn quá trẻ trung, không biết Thầy có đủ sức mà chịu các hình khổ đau đớn và những trận đòn nát da xé thịt không, rồi Thầy lại nản chí mà quá khoá thì thật là tội nghiệp cho Thầy nên Cha Phêrô Tự hỏi Thầy:

- Con có muốn sống thì Cha sẽ liệu nói cách nhẹ cho con để con được tha và trở về sống với gia đình.Nghe Cha nói thế, Thầy chưa hiểu ý Cha nói thế là có nghĩa gì? Thầy hỏi lại thì Cha trả lời:

- Cha sẽ nói với các quan con chỉ là người nấu cơm cha Cha mà thôi. Xin các quan tha chết cho con.Thầy hiểu ý Cha sợ mình không dám chết vì Chúa nên Thầy lại nài nỉ xin Cha:

- Xin Cha cứ nói con là Thầy Giảng, là người đi rao giảng đạo Chúa cho nhiều người biết Chúa và theo Chúa. Như vậy may ra con sẽ được phúc tử đạo cùng với Cha.

Nghe Thầy nói cách can đảm và hăng hái như cậy thì Cha Phêrô Nguyễn Văn Tự vui mừng tạ ơn Chúa và nói với Thầy:- Như vậy Cha sẽ nói con là Thầy Giảng, là người đi giảng đạo cho nhiều người biết Chúa và theo Chúa. Như vậy thì chắc chắn con sẽ được phúc tử vì Đạo.

Nghe Cha nói như thế thì Thầy Đa Minh Úy vui mừng tạ ơn Chúa, cám ơn Cha rồi Thầy qùi xuống đất xin xưng tộiđể chuẩn bị tâm hồn trong sách, xứng đáng Chúa nhận lời cầu xin của Thầy. Khi quan ra lệnh đánh Cha thì Thầy thưa với các quan:

- Cha tôi già yếu, xin đừng đánh Ngài nhưng tôi xin tình nguyện chịu đòn thay cho Ngài. Xin các quan hãy đánh tôi. 

Thấy Thầy nói thế thì quan ra lệnh ngưng không đánh nữa nhưng ra lệnh bắt Cha Tự và Thầy Úy phải bước qua Thánh Giá. Cả hai cha con nhất định không bước qua. Bấy giờ họ cho lính áp giải cả hai cha con về nộp cho quan tổng đốc tỉnh Bắc Ninh. Về tới tỉnh Bắc Ninh, quan đốc tỉnh tra vấn Cha Phêrô Tự rồi Thầy Úy. Quan đốc hỏi cha Phêrô Tự:- Ông có biết rằng lệnh đức vua là cấm đạo Gia Tô và bắt tất cả các đạo trưởng phải bước qua Thập Tự để chứng tỏ là đã bỏ tà đạo ấy không?

Cha thản nhiên trả lời:

- Bẩm quan lớn, tôi biết.

- Ông biết, vậy bây giờ ông có bằng lòng bước qua Thập Tự bằng gỗ đặt ở trước mặt ông không?

Cha Tự trả lời với giọng nói cương quyết và dứt khoát:

- Bẩm quan lớn Không!

Quan trợn mắt nhìn Cha và quát lớn:

- Anh này láo! Ngoan cồ! cố chấp!

- không coi lệnh vua ra gì hả? Tống giam nó vào ngục. Còn thằng thanh niên kia, mày tên là gì, làm nghề nghiệp gì?

Thầy Đa Minh Bùi Văn Úy bình tĩnh ung dung bước tới trước mặt quan đốc và thưa:

- Bẩm lạy quan lớn! Con là Bùi Văn Úy, là Thầy Giảng, giúp việc cho Cha Tự và đi giảng đạo Chúa cho nhiều người.- Anh là Thầy Giảng à? Anh còn trẻ tuổi, tương lai còn rộng rãi thênh thang. Vậy bây giờ anh hãy bước qua Thập Tự này thì ta tha cho về, không phải tù tội gì nữa.

Thầy Úy lễ phép thưa lại:

- Bẩm lạy quan lớn! Con là Thầy Giảng, là người đi rao giảng về Thiên Chúa mà bây giờ quan lớn lại bảo con bước lên ảnh tượng Chúa thì con là kẻ phản bội, là người hèn nhát lắm sao? Dù có phải chết thì con cũng cương quyết. nhất định không bao giờ phản bội Chúa. Xin quan lớn thương xét xử thì con nhờ.

Sau cuộc tra vấn không thuyết phục được Cha Tự và Thầy Úy, quan cho lệnh tống giam vào ngục. Quan truyền lính bắt Cha và Thầy phải đeo gông nặng nề, chân tay bị xiềng xích, bắt nhịn đói. Nhưng Thầy Úy vẫn một lòng xin chịu mọi sự khốn khó vì đạo Chúa. Thầy luôn cầu nguyện và đọc kinh Mân Côi cùng với những anh em khác trong nhà tù. Sau ít ngày, quan lại truyền lệnh đem thầy Bùi Văn Úy ra hầu tòa. Lần này lúc đầu quan dùng những lời ngon ngọt dụ dỗ Thầy bỏ đạo. 

Quan cho bày những dung cụ ghê gớm như kìm, búa, lò lửa than, xích sắt v.v. trước mặt, khủng bố tinh thần người chiến sĩ kiên trung của Chúa. Quan ngọt ngào thuyết phục thầy bước qua Thập Giá. Thầy Giảng trẻ tuổi chẳng những không bước qua Thập Giá mà còn dám đối đáp lại với quan lớn một cách mạnh bạo:

- Bẩm quan lớn! Quan lớn có dám bước qua mặt vua không mà quan lại bảo con bước qua mặt Chúa Trời Đất?

Quan đốc giận quá, truyền đem chém. Thầy lại vui mừng hô lớn tiếng:

- A! Tôi sắp được chém vì đạo Chúa tôi thờ!

Quan đốc lắc đầu, chán nản vì không thuyết phục được chàng thanh niên 26 tuổi! Quan không hiểu do sức mạnh nào mà chàng thanh niên trẻ trung này không sợ chết, mà lại còn vui mừng khi nghe nói phải chém đầu? Thật là khó hiểu!Lần khác, quan gọi Thầy tới, tỏ dấu yêu thương và thông cảm. Quan tươi cười nói:

- Cụ Tự, thầy của anh đã quá khóa rồi. Cụ bước qua Thập Tự và tuyên bố sẵn lòng bỏ đạo rồi. Bây giờ tới anh, anh còn trẻ trung, đẹp trai, mới 26 tuổi đời. Tương lai còn dài còn rộng thênh thang. Anh đừng ngoan cố nữa, hay theo gương Thầy của anh mà bước qua Thập Giá rồi ta sẽ ban thưởng và cho trở về với gia đình, làm nghề thuốcThầy Đa Minh Úy cảm động về những lời chân tình của quan. Nhưng lòng tin sắt đá trước sau như một. Thầy bình tĩnh thưa lại:

- Tôi không tin Cụ Tự là Thầy tôi đã quá khóa, đã bước qua Thập Giá và tuyên bố bỏ đạo. Nhưng giả như Thầy tôi bỏ đạo thì tôi cũng cương quyết không bao giờ bỏ đạo. Tôi rất sẵn sàng chịu chết vì đạo Chúa tôi. Tôi xin lấy sự sống tôi để làm chứng đạo tôi tin theo là đạo thật.Quan lớn vẫn ôn tồn khuyên dụ:

- Anh hãy nghĩ đến cuộc sống lâu dài của anh. Anh còn trẻ lắm. Công ơn cha mẹ nuôi dưỡng sinh thành vất vả. Anh phải sống mà đền đáp chứ. Cuộc đời đẹp lắm, anh lại đẹp trai nữa!

- Bẩm quan lớn! lạy các quan! Từ khi còn trong lòng mẹ, tôi đã được Thiên Chúa yêu thương phù hộ nhiều bề. Bây giờ tôi khôn lớn, tôi không dám bỏ Chúa. Nếu tôi bước qua Thập Giá, tôi phạm tội với Chúa, với cha mẹ đã sinh ra tôi, đã dạy bảo tôi biêt Thiên Chúa và khuyên răn tôi phải thờ phượng kính mến Chúa. Đó cũng chính là lý do chính đáng mà tôi không thể phản bội Chúa, phản bôi công lao dây dỗ của cha mẹ tôi, của các Đấng bậc là Thầy của tôi.Quan lớn cười rồi nói:

- Anh này nói khéo lắm! Nhưng anh phải nghĩ. Chúa của anh thì ở trên trời, mà ở đây chỉ có khuc gỗ thôi. Anh bước qua khúc gỗ thôi mà!

- Bẩm quan lớn! Đúng như thế. Chúa ở trên trời mà ở đây chỉ là khúc gỗ, nhưng khúc gỗ này làm hình tượng của Chúa, vì vậy tôi không dám bước qua.

Quan lớn thất vọng vì không thuyết phục được chàng thanh niên 26 tuổi đời! Quan đứng lên tuyên bố:

- Anh không nghe theo Ta thì anh sẽ phải chết. Đó là lệnh của đức vua ban xuống.

- Lạy quan lớn! Con xin sẵn lòng chịu chết vì đạo Chúa. 

Thế rồi, lính lại dẫn Thầy về giam tiếp trong ngục. Ngày 27 tháng 7 năm 1838 quan đốc tỉnh đệ án về triều đình xin vua phê chuẩn. Căn cứ theo bản án phúc trình, vua Minh Mạng nói, nếu các chúng không bỏ đạo thì phải xử giảo hết.Được lệnh vua ban xuống, ngày 5 tháng 9 năm 1838, các quan ra án lệnh xử trảm quyết cha Phêrô Nguyển Văn Tự và ông trùm Họ Giuse Hoàng Lương Cảnh. Riêng thầy Đa Minh Bùi Văn Úy và các bạn của Thầy phải chờ đợi tới hơn một nam sau, trải qua nhiều thử thách, tra tấn, đòn vọt xé da nát thịt nữa mới được lãnh triều thiên tử đạo.

Ngày 19 tháng 12 năm 1839, thầy Đa Minh Bùi Văn Úy anh dũng tiến ra pháp trường cùng với bốn anh hùng tử đạo khác.Thầy Đa Minh Bùi Văn Úy bị án xử giảo. Pháp trường là một nơi ngoài làng Cổ Mễ. Tới nơi, người ta đã giải sẵn cho thầy một chiếc chiếu. Thầy bình tĩnh quì trên chiếu cầu nguyện ít phút rồi lý hình bắt Thầy nằm úp mặt trên chiếu, hai tay lý hình trói vào hai cọc, hai chân buộc chung lại rồi cột vào một chiếc cọc khác, cổ bị cuốn giây thừng, mỗi đầu giây có hai lý hình cầm giây sẵn sàng chờ đợi hiệu lệnh thì kéo xiết cổ cho tới khi tội nhân tắt thở. 

Mọi sự chuẩn bị sẵn sàng, chiêng trống ba hồi vang dội, đợi tới tiếng chiêng trống cuối cùng thì quan giám sát giơ tay phát lệnh, đội lý hình ở hai đầu giây thừng kéo thật mạnh. Kéo tới khi máu đã chảy ra đầy miệng và mũi. Tội nhân tắt thở thì lý hình lấy bông tấm dầu đốt hai đầu ngón chân cái để biết là tội nhân đã chết thật rồi.

Mọi sự đã hoàn tất, quan quân kéo nhau về, thì giáo hữu Đồng Tiến tới xin nhận xác Ngài về làm lễ an táng trong nhà thờ họ Đồng Tiến.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn Ngài lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 05 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

 

Nguồn: Hạnh tích các Thánh Tử Đạo Việt Nam