Dân Chúa Âu Châu

PheroVuTruatThánh Phêrô Vũ Văn Truật, Thầy Giảng (1817-1838)

- Lễ ngày 18 tháng 12

Thánh Phêrô Vũ văn Truật sinh năm 1817 tại làng Hà Trạch, họ Kẻ Thiếc, huyện Sơn Vy, trấn Sơn Tây. Cậu Phêrô Truật mồ côi cha từ lúc 9 tuổi. Gia đình rất nghèo nên mẹ cậu phải lam lũ rất vất vả để nuôi dưỡng ba con dại. Cậu Truật lại hay ốm yếu, thân xác gầy còm xanh xao trông thật đáng thương.

Tuy thân xác ốm yếu nhưng tinh thần cậu lại mạnh mẽ. Cậu thường xuyên tới nhà thờ đọc kinh cầu nguyện, chăm chú xem lễ sốt sắng. Năm 1831 lúc chú đã 15 tuổi thì Cha Tân là cha xứ Bầu Nọ để ý thấy chú ngoan ngoãn, có lòng đạo đức thì nhận chú vào Nhà Chung lo giúp các việc nhẹ trong Nhà Chung và tạo điều kiện để cậu đi học. Nhưng sau một năm, vì ốm yếu Cha Xứ lạ cho chú về với mẹ, lo làm ăn giúp mẹ.

Tới khi Cha Trạch về coi xứ Bầu Nọ, Cha để ý thấy chú Phêrô Truật lúc nào cũng buồn dầu thì Cha gọi hỏi chuyện rồI biết vì chú không được ở trong Nhà Chung nữa thì mến tiếc, không vui. Cha Trạch biết ý nên lại gọi chú vào cho ở trong Nhà Chung lo việc trong nhà rồi cho đi học tiếp. 

Mặc dầu được Cha Xứ tận tình giúp đỡ cho ăn học nhưng trí khôn hơi chậm lại hay đau yếu nên việc học tiến triển không được như mong muốn. Chú chỉ biết đọc biết viết mà thôi. Nhưng bù lại, chú có trí nhớ, học thuộc lòng rất nhanh. Nhờ vậy, chú rất thuộc các kinh và giáo lý. Cha Xứ trao cho chú trách nhiệm dạy kinh và giáo lý cho thiếu nhi và những người tân tòng. Chú thi hành nhiệm vụ rất đáng khen.

Năm 1836 cha Trạch phải đổi đi xứ khác thì chú Phêrô Truật được giao lại cho Cố Marette Phan nuôi và làm việc giúp các việc trong nhà, và trau dồi thêm chữ nghĩa.

Mãi tới khi bị bắt giam trong ngục tù rồi, Đức Cha Havard Du mới ban sắc phong cho chú Phêrô Vũ Văn Truật làm Thầy Giảng. Bây giờ trong tù Thầy Giảng Phêrô Truật không còn cơ hội để rao giảng Tin Mừng bằng lời nói nữa, nhưng Thầy tiếp tục rao giảng bằng lòng tin, bằng đời sống Đức Tin vững mạnh, bằng thái độ trung kiên trước mọi bạo lực cố tình ép buộc Thầy phải bỏ Chúa, phải chối đạo.Những bạn tù sau này là những chứng nhân đều nói rằng Thầy Phaolô Mỹ 40 tuổi, thầy Phêrô Đường 30 tuổi, Thầy Phêrô Truật 21 tuổi đều chịu tra tấn dữ dội. 

Đội lính lấy gai tre cột vào roi để đánh cho nát thịt nát da thật ghê sợ.Thầy Phêrô Truật chịu 60 roi. Lúc đầu các quan thấy thân xác ốm yếu của Thầy Truật thì nghĩ rằng chắc chắn Thầy sẽ chịu đòn không nổi và sẽ bỏ đạo, nên các quan không bắt Thầy đeo gông nặng và mang xiềng xích như hai Thầy kia. Nhưng tới khi thấy Thầy Truật hăng hái xưng đạo cách mạnh mẽ thì các quan ngạc nhiên rồi tức giận cũng ra lệnh xiềng xích tay chân và bắt đeo gông nặng nề như Thầy Mỹ và Thầy Đường.

Có lần quan gọi riêng Thầy Truật ra toà rồi khuyên du:

- Mày còn trẻ thế này, chết uổng lắm! Mày hãy bước qua Thập Tự và tuyên bố bỏ đạo thì sẽ được tự do, trở về với mẹ và các em.

Nghe các quan khuyên dụ như thế, Thầy Phêrô Truật hăng hái, lý sự hỏi ngược lại:- Các quan lớn có dám bước lên hình ảnh cha mẹ của các quan không? Sao các quan lớn lại xúi dại tôi làm những việc vô lễ, thất đức với Thiên Chúa là Chúa, là Cha của tôi như vậy? Dù có phải chết thì cũng không bao giờ tôi làm như vậy.

Các quan nổi giận quát mắng:

- A, thằng này bướng bỉnh lại còn dậy khôn chúng tao hả Tội bay đáng chết vì đã coi thường lệnh vua lại còn ngoan cố lý s ự v ới các quan. Tội này phải chết. Đem nhốt vào tù, Đánh chết nó đi! 

Thế là Thầy Phêrô Truật lại bị một trận đòn dừ tử rồi lại bị khiêng nhốt về nhà tù. Tới khi tỉnh lại, Thầy vẫn vui vẻ vì được chịu đòn đánh đau đớn vì đạo Chúa, rồi lại hăng hái khuyên bảo những bạn cùng bị giam tù cũng như những người tới thăm phải bền chí, vững lòng giữ đạo. Hãy luôn tin cậy Chúa và cầu nguyện với Chúa. Chớ nghe những người đã bỏ đạo mà bỏ Chúa rồi thờ cúng dối trá. Cha Triệu cũng lén vào thăm các Thầy và cho các Thầy rước lễ được một vài lần. Thầy cũng viết thư từ biệt Cố Marette Phan. Lời lẽ đơn sơ và chân thành như sau:

”Tháng 9 năm 1838, Thưa Cố! Con mọn là Phêrô Vũ Văn Truật xin dâng Cố ngàn vạn lạy. Con thật sung sướng được Chúa tiền định cho ơn phúc tử đạo. Con rất thành thật nói như thế, không phải để khoe khoang trước mặt Cố là người xét xử phải trái. 

Con không có ân hận vì phải từ bỏ cuộc sống này. Con chỉ buồn có một điều là cha con mình phải xa nhau. Trước đây con còn được ở bên Cố để giúp việc cho Cố, bây giờ con phải xa, mỗi người ở một nơi! Có ai ngờ rằng Cố và các Thầy và chúng con phải phân tán vì cơn bão táp như ong vỡ tổ, như bầy chim lạc đàn bay trong rừng núi! Có lẽ Thiên Chúa đã cho xẩy ra như thế để sửa phạt những lầm lỗi của chúng ta. Con biết chỉ trong ít ngày nữa con mọn của Cha sẽ chấm dứt cuộc đời ở dưới thế. 

Xin xin muôn vàn cám đội ơn Cha đã thương ban cho con chức Thầy Giảng, mặc dầu con biết mình thật không xứng đáng, con không dám nhận nhưng con chỉ vâng theo lòng tốt lành của các đấng Bề trên thương ban mà thôi. Con chẳng dám làm Thầy ai vì biết mình hèn hạ dốt nát. Xin Cố thêm lời cầu nguyện cho con để con bền vững theo Chúa tới cùng. Con mọn xin từ biệt Cố trước.

Đọc lại những dòng chữ đơn sơ, mộc mạc này của Thầy Phêrô Truật, chúng ta thấy đời sống Thầy tuy ít học nhưng Thầy rất khiêm nhường, thánh thiện. Thầy có một lòng tin sắt đá nơi Chúa và một ý chí quyết tâm dâng hiến sự sống của mình cho Chúa. mặc dầu đòn vọt, tra tấn đau đớn đã chết ngất đi nhiều lần, nhưng người chiến sĩ Đức Tin trẻ tuổi này không hề nao núng, không hề sợ hãi, một luôn vui mừng mong chờ giây phút được dâng hiến trọn vẹn cuộc sống của mình cho Chúa bằng sự lãnh nhận án tử hình để trở nên nhân chứng sống động cho đạo thánh Chúa.

Cũng như chuyện của hai thánh Thầy Giảng Phalô Mỹ và Phêrô Đường đã nói ở trên, mùa Thu năm 1838, triều đình cho xét lại các bản án và truyền lệnh xuống phải xử giảo cả ba Thầy. Khi án lệnh về tới Tây Sơn, quan giám sát và Cại đội coi tù vào báo tin và khuyên dụ Thầy Truật:

- Mày còn trẻ mà liều mình bỏ mất các thú vui đời này để mê theo những lời hứa hẹn vu vơ đưa tới cái chết như thế này thì thật là dại dột và đáng thương. Mày nghe theo chúng tao thì được sống.

Thầy Phêrô Truật thẳng thắn thưa lại:

- Người nào chịu chết vì đạo, vì Chúa thì chắc chắn sẽ được phúc thật trên trời. Sao các quan lại bảo tôi là dại dột?

Quan giám sát nghe Thầy nói thì lắc đầu, không nói thêm điều gì nữa. Riêng Thầy Truật thì tỏ vẻ vui mừng, chờ đội.Những nhân chứng có mặt, theo đoàn quân quan áp giải các Thầy ra pháp trường đều kể lại rằng, trên đường tiến ra pháp trường Thấy Phêrô Vũ Văn Truật tươi vui, không tỏ ra sợ hãi mà nét mặt còn hớn hở nhìn đám đông như muốn tìm kiếm ai. Khi Thầy nhận ra Cha Triệu đang chen chúc giữa đám đông giơ tay lên thì Thầy cúi đầu lãnh nhận phép giải tội cuối cùng.

Sau đó Thầy tiếp tục đi những bước đi vững chắc, nét mặt hân hoan thanh thản. Những người trong đám đông theo sau nhìn thấy Thầy Truật, một thanh niên 21 tuổi đời, trắng trẻo, tươi vui, không tỏ ra dấu gì sợ chết, người ta đã sửng sốt la lên:

- Thật tiếc quá! Một thanh niên trẻ tuổi, dễ thương như vậy mà phải chết, thật anh hùng thật!

Đoàn quân hùng hậu giờ này đã đi tới pháp trường. Ba chiến sĩ Đức Tin hiên ngang đứng sát bên nhau chờ đợi giờ hành quyết. Hơn 300 lính đứng thành vòng tròn, vây quanh các Thầy. Giáo dân dân đã giải sẵn ba chiếc chiếu nơi các Nhân Chứng của Chúa sẽ bị xử. Các Nhân Chứng Đức Tin dũng cảm quì cậu nguyện và nhìn Cha Triệu để lãnh nhận bí tích giải tội. Sau đó, đội lý hình tháo gông, xiềng xích v.v. 

các Ngài nằm úp mặt xuống trên mấy chiếc chiếu đã giải sẵn. Lý hình kéo hai tay Thầy Truật trói vào hai cọc, các ngón chân cái được cột chặt lại với nhau rồi lý hình lại kéo tới sát một chiếc cọc khác trói thật chắc vào cọc này. 

Có hai cọc lớn ở hai bên để cột hai đầu giây thắt cổ, ở giữa có nút thòng lòng mắc vào cỗ tử tội. Người Cai Đội cầm bản án đi tới trước mặt tội nhân, đợi khi hành quyết thì cắm xuống đầu tội nhân. Mỗi hai đầu giây có hai lý hình theo lệnh chiêng trống vang lên, quan ra hiệu thì kéo thật mạnh, kéo đi kéo lại cho tới khi tử tội vọt máu nơi mũi, nơi miếng và tắt thở. Khi tử tội đã chết thì lý hình đốt hai đầu ngón chân xem đã chết thật chưa.

Mọi sự đã hoàn tất, quan quân lũ lượt kéo nhau trở về, Giáo dân xứ Bạch Lộc tới xin xác ba Đầy Tớ Trung Kiên của Chúa rước về Kẻ Máy, nơi có Cố Marette Phan và hai linh mục cùng đông đảo giáo dân đang âm thầm chờ đợi để làm lể an táng cho các Thầy. Trong đêm tối âm u, quạnh quẽ. Bầu trời không phẳng lặng, không trăng sao, gió đổ về hơi lành lạnh. Cuộc lễ an táng ba Thầy được âm thầm cử hành trong đêm tối, không trăng sao và gió lạnh… Mãi tới gần 5 giờ sáng, ba Thầy mới được chân cất trong mảnh đất nhà bà Tín, một tín hữu sốt sắng, nhiềt thành, đã từng có nhiều dịp giúp đỡ các Thầy.

Tới khi việc cấm đạo và bắt bớ yên ổn thì giáo dân đã xin cải táng các Ngài và rước về đặt tại nhà thờ Kẻ Máy. Khi chuẩn bị lập hồ sơ xin phong thánh thì cố Đông lại đem xác Thầy Phêrô Vũ Văn Truật về Kẻ Sở cho tớI ngày nay.Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn Thầy Phêrô Vũ Văn Truật lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

 

Nguồn: Hạnh tích các Thánh Tử Đạo Việt Nam