Dân Chúa Âu Châu

Cajetan de thieneThánh Cajetan (1480-1547)

Năm 1523, Giáo Hội đang bị tục hóa, thánh Cajetan sáng lập một hội dòng để cổ võ đời sống tâm linh và chăm sóc người nghèo, người đau yếu bằng lời nói và gương mẫu anh hùng.

Lược sử

Vào năm 1523, Giáo Hội trong tình trạng tiêu điều.

Một người Công Giáo tốt lành phải phản ứng thế nào trước hoàn cảnh này? Thánh Cajetan đã có phảu ứng nhưng khác với cách thức của Luther. Ngài đến Rôma là để gia nhập Hội Ái Hữu Tình Yêu Thiên Chúa. Dần dà họ gây được ảnh hưởng khắp nước Ý.
Sau khi chịu chức linh mục, năm 1518 Cajetan trở về quê nhà ở Vicenza khi mẹ ngài sắp từ trần. Ở đây, ngài gia nhập Hội Dòng Thánh Giêrôme.
Năm 1523, ngài trở về Rôma, với sự tiếp tay của các bạn thân trong hàng giáo phẩm, ngài quyết định thành lập một tu hội. Tu hội mới này được gọi là Tu Sĩ Dòng Theatine.
Kiệt quệ vì các khó khăn trong Giáo Hội và ở quê nhà, Cajetan lâm trọng bệnh. Khi các y sĩ tìm cách khiêng ngài từ chiếc giường gỗ thô thiển lên chiếc giường nệm êm ấm, Cajetan thều thào, "Chúa Cứu Thế chết trên thập giá. Hãy để tôi được chết trên tấm gỗ này." Ngài từ trần ngày 7 tháng Tám 1547.Ngài được Đức Giáo Hoàng Clêmentê phong thánh năm 1671.

Suy niệm 1 Tiêu điều

Vào năm 1523, Giáo Hội trong tình trạng tiêu điều.
Tình trạng tiêu điều của Giáo Hội vào thời điểm đó được biểu hiện như sau: Đời sống tâm linh cần thiết của giáo dân không được chăm sóc bởi rất đông các mục tử thiếu học thức và thiếu đạo đức, họ chỉ biết đồng tiền mà không hoạt động gì cả. Khi các linh mục tốt lành và giáo dân chạy đến các đấng có quyền để xin giúp đỡ, họ cũng chỉ gặp sự thờ ơ lãnh đạm của các vị chủ chiên.
Một đầu máy xe trục trặc hoặc hư hỏng thì không thể nào vận chuyển được các toa dính liền đàng sau được. Thực tế này cho thấy giá trị tuyệt vời của lời Chúa cảnh báo: "Đánh chủ chăn thì đoàn chiên sẽ tan tác" (Mt 26,31), hoặc "Mù dắt mù thì cả hai sẽ lăn xuống hố" (Mt 15,14). Người đời cũng cho hay: Thượng bất chính thì hạ tất loạn.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các nhà lãnh đạo ý thức về tầm quan trọng của ảnh hưởng mình đến các thuộc hạ.

Suy niệm 2 Phản ứng

Một người Công Giáo tốt lành phải phản ứng thế nào trước hoàn cảnh này?
Tất cả chúng ta đều biết Luther và một số người khác đã phản ứng bằng cách tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo khi thỉnh cầu của họ không được lắng nghe.
Thánh Cajetan lại theo một phương cách khác. Cũng như Luther, khi lưu tâm đến những gì họ được thấy trong đời sống Giáo Hội, ngài đến Rôma năm 1523 -- không phải để trình lên đức giáo hoàng hay đấng có quyền nhưng để gia nhập Hội Ái Hữu Tình Yêu Thiên Chúa. Từ đó ngài làm linh mục và sáng lập một tu hội mới nhằm cải tổ và giúp nhiều người hối cải.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn có những phản ứng tích cực mang lại lợi ích chứ không gây thiệt hại Giáo Hội.

Suy niệm 3 _ Hội Ái Hữu Tình Yêu Thiên Chúa

Cajetan đến Rôma là để gia nhập Hội Ái Hữu Tình Yêu Thiên Chúa.

Đây là một tổ chức nhỏ bé, bán chính thức, tận tụy trong công việc bác ái. Họ chăm sóc người nghèo, người đau yếu, trẻ mồ côi và các tù nhân.
Sau khi mẹ chết, thấm nhuần tinh thần phục vụ ấy, ngài dùng tất cả tài sản để cứu giúp người đau yếu, đồng thời sáng lập một hội dòng tương tự ở Venice, là nơi ngài cổ võ đời sống tâm linh và chăm sóc người nghèo, người đau yếu không chỉ bằng lời nói mà còn bằng gương mẫu anh hùng.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo đuổi mục đích cải tổ Giáo Hội, không bằng việc chờ xem Giáo Hội đã phục vụ gì cho mình, mà hết mình phục vụ Giáo Hội và xem mình đã làm được gì cho Giáo Hội.

Suy niệm 4 Dần dần

Dần dần họ gây được ảnh hưởng khắp nước Ý.

Bài học trường đời vẫn luôn còn giá trị vượt cả không gian và thời gian: Dục tốc thì bất đạt. Hình ảnh bầy kiến tha lâu đầy tổ, cũng như lũ chim phải dần dần xây dựng mới hoàn thành được tổ ấm là những minh chứng hùng hồn.
Chính Thiên Chúa toàn năng cũng từng nêu gương khi khuyên bảo dân Ítraen trước biến cố vào xứ Canaan: "Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để giữ gìn ngươi khi đi đường, và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn... Ta sẽ thả ong bầu bay đi trước ngươi; chúng sẽ đuổi người Khivi, người Canaan và người Khết đi khuất mắt ngươi. Ta sẽ không đuổi các dân này đi khuất mắt ngươi ngay trong một năm, kẻo xứ ấy trở thành hoang vu, và dã thú sinh sôi nẩy nở làm hại ngươi. Dần dần Ta sẽ đuổi chúng đi khuất mắt ngươi, cho đến khi ngươi sinh sản ra nhiều, mà thừa hưởng xứ này". (Xh 23,20.28-30).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ghi nhận bài học giá trị này để canh phòng tài khéo của quỷ ma trong việc cám dỗ chúng con (2Cr 11,3).

Suy niệm 5 Tu hội

Tu hội mới này được gọi là Tu Sĩ Dòng Theatine.

Năm 1523, ngài trở về Rôma, với sự tiếp tay của các bạn thân trong hàng giáo phẩm, ngài quyết định thành lập một tu hội dựa trên đời sống của các tông đồ, với hy vọng rằng đời sống của các thánh sẽ khích lệ họ và người khác cố gắng sống một cuộc đời thánh thiện vì Đức Giêsu Kitô. Để hoàn thành mục đích này, họ nhắm đến đời sống luân lý, học hỏi Kinh Thánh, rao giảng và chăm sóc mục vụ, giúp đỡ người bệnh tật, và các nền tảng vững chắc của đời sống mục vụ. Tu hội mới này được gọi là Tu Sĩ Dòng Theatine.
Dĩ nhiên, các linh mục phóng túng và tham lam chẳng bao giờ đặt chân đến tu hội, nhưng Cajetan vẫn kiên trì chịu đựng sự chống đối từ các giáo sĩ và giáo dân không muốn cải tổ. Chính gương mẫu đời sống thánh thiện cũng như lời rao giảng của ngài mà nhiều người đã hoán cải. Có lần Thánh Cajetan nói với các anh em trong dòng: "Chúng ta cố gắng phục vụ Thiên Chúa qua sự thờ phượng trong hội dòng này; nhưng trong bệnh viện, chúng ta mới có thể nói là thực sự tìm thấy Ngài".

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con kiên trì chịu đựng sự chống đối để phục vụ tốt miễn là mang lợi ích cho Giáo Hội.

Suy niệm 6 Chết

Khi các y sĩ tìm cách khiêng ngài từ chiếc giường gỗ thô thiển lên chiếc giường nệm êm ấm, Cajetan thều thào: "Chúa Cứu Thế chết trên thập giá. Hãy để tôi được chết trên tấm gỗ này."
Một cuộc đời phục vụ vì Đức Kitô với chí nguyện nên giống Đức Kitô, ngài vượt thắng các chước cám dỗ của nhóm người theo phe Luther, cũng như chấp nhận bao chống đối, để giữ vững lập trường bênh vực và canh tân Giáo Hội. Nhất là ngài thành tâm tìm kiếm các chiên lạc không muốn để một ai phải hư mất.
Để rồi khi chết, ngài cũng chọn được chết trên một tấm gỗ gần giống như cái chết của Đức Kitô trên cây gỗ thập giá, dầu ngài không phải bị treo lên như một Phêrô, hoặc Phêrô Baptist và các bạn, cũng như Phaolô Miki cùng 25 vị tử đạo Nhật Bản đã bị treo trên thập giá ở một ngọn đồi nhìn xuống Nagasaki.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thật lòng yêu mến Thánh Giá Chúa dầu không phải theo cách chết đó, nhưng theo cách sống sẵn lòng vác lấy thánh giá hằng ngày chứ đừng trao cho người khác vác.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ