Dân Chúa Âu Châu

Thánh Giuse Marchand Du, Linh mục Thừa Sai (1803-1835)

- Lễ ngày 30 tháng 11

Thánh Giuse Marchand Du sinh ngày 17 tháng 8 năm 1835 tại làng Passavant tỉnh Doubs nước Pháp, con ông Augustinô Marchand và bà Gioanna Margarita Moine.

Gia đình sống tại miền quê, làm nghề nông, được tiếng là gia đình đạo hạnh nhất làng. Nhưng gia đình rất nghèo, nghèo quá nên không đủ tài chánh cho con theo học hết chương trình Trung học. Sau khi được xưng tội và rước lễ lần đầu, cậu Giuse Marchand đã bày tỏ với cha mẹ ước muốn được vào Chủng viện học để làm linh mục.

Khi mới nghe cậu nói, ông bà không đồng ý, vì cậu là con trai cả trong gia đình. Ông bà hy vọng cậu sẽ giúp đỡ ông bà làm việc để góp thêm tài chánh cho gia đình. Vâng lời cha me, cậu cố gắng ở nhà giúp việc cha mẹ nhưng trong thâm tâm thì luôn luôn mong ước được đi học và dâng mình cho Chúa. Đến năm 1821, lúc cậu Giuse Marchand 18 tuổi, cậu lại ngỏ ý xin “đi tu”, ông bà suy nghĩ sợ mắc tội cưỡng lại ý Chúa nên đã đồng ý để cậu lên đường vào Chủng viện ở Orsans theo học chương trình chuẩn bị làm linh mục.

Tháng 11 năm 1823, thầy Giuse Marchand được bề trên gọi về học triết lý tại Ecole rồi năm 1826 thì vào Đại chủng viện Besancon học thần hoc.Trong thời gian học Thần học, thầy Marchand luôn bị thôi thúc bởi tư tưởng xin đi truyền giáo tại Đông Dương. Thầy bàn chuyện với Cha Linh Hướng rồi viết thư xin gia nhập Hội Thừa Sai Paris. Được bề trên Hội chấp nhận, thầy vui mừng trở thành tu sĩ của Hội Thừa Sai Paris và sau đó ngày 4 tháng 4 năm 1829 thầy lãnh chức linh mục.

Ngày 24 tháng 4 cùng năm, Cha Giuse Marchand được lệnh đi tới hải cảng Nantes để lên đường đi Macao thi hành nhiệm vụ của nhà Thừa Sai tại Việt Nam như lòng mong ước của Cha. Cuộc hành trình kéo dài 5 tháng lênh đênh trên biển cả từ ngày 12 tháng 5 đến ngày 19 tháng 10 năm 1829.

Khi tới Macao, bề trên còn giữa Cha ở lại ít tháng để dò xét tình hình tại Việt Nam ra sao vì bề trên tại Macao vừa nhận được tin báo rằng ngày 18 tháng 2 năm 1825 vua Minh Mạng đã tuyên bố Sắc lệnh Cấm Đạo và tuyệt đối không cho các nhà truyền giáo Tây dương nhập cảnh.

Nhưng rồi sau ít ngày, Cha cũng cương quyết lên đường đi Việt Nam. Qua nhiều khó khăn và vất vả, tháng 3 năm 1830 nhà truyền giáo trẻ trung Marchand cũng đã tới Việt Nam! Cha vui mừng đặt chân trên phần đất truyền giáo và Cha được chỉnh định về Chủng viện Lái Thiêu để học tiếng Việt và nhận tên Việt Nam là Du, cha Giuse Marchand Du! Sau một thời gian ngắn ngủi học tiếng Việt, Cha Du được lệnh Bề trên sai đi Nam Vang, phục vụ cộng đoàn người Việt đang sinh sống tại đây.

Nhưng rồi vì mắc bệnh, Cha lại phải trở về Lái Thiêu. Khi đã khỏi bệnh, Đức Giám mục lại sai cha đi hoạt động tai Bình Thuận, vì khi ấy Bình Thuận đã có hơn bảy ngàn giáo dân, chia làm 25 Họ Đạo. Với tinh thần hăng say và trẻ trung, cha Marchand Du tích cực lo việc phục vụ các linh hồn. Cha hoạt động liên lỉ không kể ngày hay đêm, lăn xả vào mọi công việc, bất cứ nơi nào cần đến Cha.

Ngày 6 tháng Giêng năm 1833, vua Minh Mạng lại ra Sắc Chỉ gay gắt, cho lệnh bắt hết các đạo trưởng Tây dương, tiêu hủy trong một ngày hơn 300 ngôi thánh đường, 18 Tu viện Mến Thánh Giá bị san bằng, Chủng viện Lai Thiêu bị đóng cửa. Trước tình thế quá khó khăn, Đức Cha Taberd Từ, cha Cuénot Thể và một số linh mục Thừa Sai khác tạm thời lánh nạn sang Thái Lan, chỉ còn một mình Cha Giuse Marchand Du tình nguyện ở lại, ẩn tránh tại miền Lục Tỉnh giúp các họ Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi San, Giồng Rùm, Mặc Bắc và Vĩnh Long.

Trước tình thế đạo Chúa bị vua chúa cấm cách thì Lê Văn Khôi khởi loạn. Lê Văn Khôi nguyên là họ Nguyễn nhưng ông đã từng nổi loạn ở Cao Bằng và bị án tử hình, nhưng đã được Tả Quân Lê Văn Duyệt cứu sống rồi sau lại phong cho làm Võ quan nên ông tự đổi họ từ Nguyễn sang Lê. Tới khi Lê Văn Duyệt chết, vua Minh Mạng vốn ghét Tả Quân Lê Văn Duyệt nên ra lệnh đánh trên mộ Lê Văn Duyệt 100 roi, rồi đem xiềng xích lăn đi lăn lại trên mộ làm nhục người đã chết.

Lợi dụng việc nhà vua xử tệ với thầy mình, Lê Văn Khôi lấy cớ phò cháu đích tôn của vua Gia Long, con hoàng tử Cảnh tên là Đản. Nhưng việc bị lộ, Lê Văn Khôi bị bắt tống giam trong ngục cùng với 30 đồng chí. Ngày 5 tháng 7 ông cùng 30 đồng chí vượt ngục, giết các quan cai ngục, thả các tù nhân khác, rồi chiêu binh đánh chiếm Phiên An tức Saigòn ngày nay rồi tràn xuống chiếm Lục Tỉnh.

Lê Văn Khôi không theo Công giáo, nhưng ông hứa sẽ hủy bỏ lệnh cấm đạo cho nên một số giáo dân tin theo. Lê Văn Khôi tìm cách gặp Cha Marchand Du, nhưng nhất định Cha không gặp. Cha đã từng tuyên bố: “Tôi chỉ biêt việc đạo, còn nghề giặc giã binh lính, tôi không biết”.

Sau hơn 2 năm, tới ngày 8 tháng 9 năm 1835, quân triều đình đánh chiếm lại được thành Phiên An. Cha Marchand Du trong lúc vừa cử hành thánh lễ xong thì bị bắt, bị đánh đập và bị nhốt vào cũi. Một chiếc cũi nhỏ dài 1 mét, rộng 7 tấc, cao 8 tấc.

Cha bị nhốt trong chiếc cũi này cho tới ngày bị xử tử. Trong cuộc tiến chiếm này một ngàn chín trăm chín mươi bốn người dân lành bị giết, trong đó có 66 người tín hữu Công giáo. Cha Phước cũng bị bắt và xử lăng trì, tức bị chặt chân tay, rồi mổ bụng, chẻ thân ra làm bốn. Cha Marchand Du bị đưa ra xét xử. Quan hỏi:

- Giặc đưa thầy vào đây. Thầy đã làm gì giúp giặc?

- Tới đây tôi chỉ lo một việc duy nhất là giảng đạo mà thôi.

- Giảng đạo là gì?

- Là đọc kinh, làm lễ, dậy giáo lý về đạo.

- Thầy có biết làm thuốc mê để giúp giặc không.

- Tôi chỉ biết một điều là giảng đạo mà thôi.

Sau hai lần bị tra vấn, cha Giuse Marchand Du bị áp giải về kinh đô cùng với tổng Trăm, đồ Hoành, bốn Bang, phó Nhã và con trai của Lê Văn Khôi là Lê Văn Viện mới 7 tuổi. Đoàn người về tới Phú Xuân ngày 15 tháng 10. Cha Marchand Du bị giam trong cũi bên cạnh Võ Lâm gần tòa Tam Pháp. Ngày hôm sau, tức ngày 16 tháng 10 Cha Marchand Du bị gọi ra toà Tam Pháp. Các quan cố ý ép Cha phải nhận tội giúp Lê Văn Khôi làm loạn. Nhưng Cha cương quyết khẳng định:

- Tôi chỉ lo cầu nguyện cùng Chúa và làm lễ thôi. Tôi không liên hệ trực tiếp hay gián tiếp vào công việc của Lê Văn Khôi.

Quan hạch hỏi:

- Có phải ngươi gửi thư vô Xiêm, cùng gửi thư cho quân Gia Tô trong Đồng Nai biểu chúng nó đến giúp ngụy Lê Văn Khôi phải không?

Cha dứt khoát trả lời:

- Ông Khôi có sai người tới xin tôi biên thư, song tôi không viết và nói cho ông ấy hay: Đạo tôi cấm làm như vậy và tôi thà chết chứ không làm theo lời ông ấy. Dầu thế, ông Khôi còn mang mấy bức thư ra, biểu tôi ký tên vào thì tôi lấy cái thư ấy mà đốt đi trước mặt ông ấy.

Tối hôm sau, các quan dùng đủ mọi cực hình, kím kẹp để bắt Cha nhận tội. Các quan cho nung đỏ kìm sắt và cho kẹp hai lần vào hai đùi Cha, rồi giữ nguyên cho tới khi kìm nguội. Mỗi lần như vậy, mùi thịt cháy xông lên khét ghe sợ. Chính những người lính cũng phải quay mặt, không dám nhìn. Người chiến sĩ anh hùng của Chúa hai lần ngất xỉu nhưng vẫn giữ nguyên lời khai như trước.

Để tạo chứng gian buộc tội cho Cha, các quan dỗ dành con trai Lê Văn Khôi là Lê Văn Viện nói: “Ông Tây này đã giúp cha em khởi nghĩa”. Nhưng cậu bé 7 tuổi không dám nói dối. Cậu nói cha cậu xin Cha Du giúp nhưng Cha Du dứt khoát từ chối không giúp. Thấy việc buộc tội Cha không thành công, các quan lại quay sang chuyện giảng đạo. Các quan nhắc tới Sắc lệnh cấm đạo của vua rồi khuyên Cha, nếu Cha bước qua Thập Giá thì các quan tha. Cha Marchand Du dứt khoát tuyên bố:

- Tôi sẵn sàng chịu mọi hình khổ và chịu chết chứ nhất định không bỏ đạo.

Cha bị nhốt trong cũi suốt 6 tuần lễ như thế. Một số người lén lút vào thăm nuôi Cha. Ai nấy đều nói rầng: “Cha luôn vui vẻ nói chuyện và khuyên bảo mọi người hãy trung thành giữ đạo Chúa. Trên tay, Cha thuờng cầm cuốn sách nhỏ và cỗ trang hạt để đọc ngày đêm”.

Khi thấy không thể thuyết phục Cha bước qua Thập Giá, các quan thừa lệnh vua Minh Mạng làm án tử hình Cha Sáng ngày 30 tháng 11 năm 1935, 7 phát súng thần công nổ vang kêu gọi mọi người đến chứng kiến cuộc xử án. Cha Marchand Du, ba vị tướng của Lê Văn Khôi, và em Lê Văn Viên 7 tuổi. Phó Nhã đã chết trong tù, các người khác chỉ được đóng khố, rồi dẫn tới Ngọ Môn trình diện và phục lạy vua 5 lậy. Vua Minh Mạng giận dữ ném chiếc cờ hiệu xuống đất, tỏ dấu không ân xá cuối cùng cho các tội nhân. Các tội nhân được áp giải tới pháp trường.

Riêng Cha Marchand Du, theo mật lệnh được đưa vào toà Tam Pháp tra khảo một lần nữa. Các quan ngồi toà, 5 người lính cầm năm kìm nung đỏ kẹp vào đùi Cha. Phía sau là 5 người lính khác cầm roi sẵn sàng. Ba lần kìm kẹp, thân thể cha Marchand Du đã có đủ 15 vết thịt cháy. Các quan hỏi Cha:

- Tại sao đạo Gia Tô móc mắt người gần chết?

- Không có! Không bao giờ có điều đó.

- Tại sao mấy người kết hôn phải đến các thày trước bàn thờ?

- Họ đến để linh mục chúc phúc và chứng nhận trước mặt mọi tín hữu.

- Khi làm yến tiệc trong nhà thờ, bay làm những sự quái gở lắm phải không?

- Không. Chẳng có điều gì quái gở.

- Vậy sao có thứ bánh làm bùa mê để phân phát?

Cha Marchand Du đã kiệt sức không thể trả lời được nữa nên quan truyền đưa Ngài ra pháp trường tại họ Thọ Đúc bên sông Hương, cách kinh thành vài cây số.

Tại pháp trường, 5 cây cọc đã cắm sẵn, đội lý hình trói 5 người ngang lưng buộc vào cây thập giá, hai tay giang ra buộc vào hai cánh thập giá, còn chân thì để thõng xuống. Đứng hai bên mỗi tội nhân là hai đao phủ, một tên cầm kìm một tên cầm dao. Mỗi tiếng trống thì kẹp rồi cắt thịt ném xuống đất.

Cha Marchand Du bị đao phủ móc da trán kéo xuống trùm hai con mắt, lấy kìm bóc từng miếng thịt trên ngực quăng xuống đất, rồi sang phía sau lưng, rồi xuống phần ống chân, đầu gối v.v. Cha giẫy giụa, không còn đủ sức để kêu ra tiếng nữa, đàng khác miệng Cha đã bị khóa ngang rồi! Hành khổ kéo dài chừng 15 phút thì Cha Giuse Marchand Du gục đầu tắt thở.

Một tên đao phủ tới cầm tóc Cha kéo thẳng đầu lên để chém nhát gươm sau cùng! Sau đó họ tháo xác Cha xuống, đặt sấp Cha xuồng đất rồi bọn đao phủ theo lệnh lấy dao, kìm, búa xẻ thân xác Cha làm bốn phần như một khúc cây bổ dọc trưóc, chặt ngang sau. Sau đó họ thu lại từng miếng thịt to nhỏ, từng khúc xương đem dồn vào mấy cái thúng rồi đem ra ngoài khơi đổ xuống biển làm mồi cho cá biển.

Còn đầu Cha thì sau khi đã đem đi rêu rao khắp trong thành nêu gương cho dân chúng rồi đưa về cố đô Huế. Theo lệnh triều đình, họ bỏ đầu Cha vào cối nghiền nát ra tro trước khi ném xuống biển. Bởi vậy, ngày nay chúng ta không còn di tích gì về linh hài của Cha thánh Giuse Marchnad Du. Hôm đó là ngày 30 tháng 11 năm 1835, Cha thánh Marchand Du về trời cũng chính là ngày kính thánh Anrê tông đồ.

Đức Giáo Hoàng Lêọ XIII đã suy tôn Ngài lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên bậc Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Theo tài liệu của Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ ghi lại thì hai đời vua nhà Nguyễn là Minh Mạng và Tự Đức xưa nổi tiếng là hai ông vua cấm đạo khét tiếng, đã từng sát hại từng trăm ngàn người Công giáo. Nhưng các ông không đoán được rằng ba vị vua kế vị sau này cũng là dòng tộc nhà Nguyễn sẽ trở lại đạo Công giáo.

Ba vị hoàng đế ấy là:

. vua Khải Định năm 1925 trên giường bệnh trước khi chết đã xin cụ Phước Môn Nguyễn Hữu Bài Rửa Tội,

. Vua Thành Thái năm 1954 cũng xin chịu phép Rửa Tội trước khi lìa trần.

. và sau cùng, cựu hoàng đế Bảo Đại đã được Rửa Tội ngày 17 tháng 4 năm 1988, tức là hai tháng trước ngày đại lễ

tuyên phong Hiển Thánh cho 117 vị Chân Phước Tử Đạo Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Như vậy Giáo hội Việt Nam đã được vinh dự đón nhận ba cựu hoàng đế nhà Nguyện vào đại gia dình Giáo hội Công giáo Việt Nam. Chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Chúa.

Lm.Alexandre de Rhodes. S.J. (Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS)