Dân Chúa Âu Châu

cyril n methodiusThánh Ciryl và Thánh Methodius (c. 869, c. 884)

Lược sử

Vì thân phụ của hai thánh nhân là một sĩ quan trong phần đất của Hy Lạp nhưng có nhiều người Slav chiếm ngụ, do đó hai anh em thánh nhân đã trở nên nhà truyền giáo, thầy dạy và quan thầy của người Slav.
Sau thời gian học tập, Cyril (thường được gọi là Constantine cho đến khi ngài trở thành tu sĩ ít lâu trước khi từ trần) đã từ chối địa vị trong chính quyền mà anh ngài đã chấp nhận làm việc cho những người nói tiếng Slav. Ngài gia nhập một đan viện là nơi anh ngài, Methodius, đã là một đan sĩ sau thời gian giữ chức vụ trong chính quyền.

Một quyết định đã thay đổi cuộc đời của các ngài khi Công Tước của Moravia xin Hoàng Đế Micae của Đông Phương cho được độc lập về chính trị với nhà cầm quyền Đức, và được tự trị về phương diện tổ chức giáo hội (có giáo sĩ và phụng vụ riêng). Cyril và Methodius đã lãnh nhận công việc truyền giáo này.
Công việc đầu tiên của Cyril là sáng chế ra bản mẫu tự, giống như mẫu tự vẫn được dùng trong phụng vụ ở các phần của Nam Tư cũ. Những người theo ngài có lẽ đã hình thành mẫu tự Cyrillic từ các chữ cái của Hy Lạp. Ngày nay, họ dịch Phúc Âm, Thánh Thi, Thánh Thư và các sách phụng vụ sang tiếng Slav, và sáng tác phần phụng vụ bằng tiếng Slav rất đặc biệt.

Vì lý do đó và vì việc sử dụng tiếng mẹ đẻ đã dẫn đến việc chống đối của hàng giáo sĩ Đức. Các giám mục Đức từ chối việc tấn phong các giám mục và linh mục Slav, và Cyril buộc phải thỉnh cầu lên Rôma. Trong chuyến viếng thăm Rôma, hai anh em thánh nhân đã vui sướng khi thấy bản văn phụng vụ mới của họ được Đức Giáo Hoàng Adrian II chấp thuận. Nhưng Cyril không bao giờ trở lại Moravia nữa, ngài từ trần ở Rôma sau 50 ngày nhận áo dòng.
Methodius tiếp tục công cuộc truyền giáo trên 16 năm nữa. Ngài là đại diện giáo hoàng đối với toàn thể người dân Slav, được tấn phong giám mục và được giao cho trông coi một giáo phận cũ (thuộc Nam Tư). Khi lãnh thổ trước đây thuộc về họ nay bị tước khỏi quyền tài phán, vị giám mục Bavaria đã trả thù với hàng loạt điều cáo buộc Đức Methodius. Kết quả là Hoàng Đế Louis của Đức đã lưu đầy Đức Methodius trong ba năm. Sau đó Đức Giáo Hoàng Gioan VIII đã đảm bảo sự tự do cho ngài.

Hàng giáo sĩ người Frank vẫn còn ấm ức nên họ tiếp tục chụp mũ, và Đức Methodius phải sang Rôma để bảo vệ ngài khỏi điều cáo buộc về tội lạc giáo và xin duy trì việc dùng bản văn phụng vụ Slav. Một lần nữa ngài lại thành công.
Truyền thuyết nói: trong một giai đoạn cực kỳ hăng say, Đức Methodius đã chuyển dịch toàn bộ Phúc Âm sang tiếng Salv chỉ trong vòng 8 tháng. Ngài từ trần vào ngày thứ Ba Tuần Thánh, với các môn đệ tụ tập chung quanh. Sau khi ngài chết sự chống đối vẫn chưa dứt, và công trình của 2 anh em thánh nhân ở Moravia đã đi vào chỗ tận tuyệt, các môn đệ của 2 ngài phải phân tán khắp nơi. Nhưng sự trục xuất ấy đã có ảnh hưởng tốt đẹp trong việc phổ biến các công trình về phụng vụ, về tâm linh và văn hóa của 2 anh em thánh nhân đến các vùng Bulgaria, Bohemia và nam Ba Lan.

Là quan thầy của Moravia, và được đặc biệt sùng kính bởi người Công Giáo Czech, Slovak, Croatia, Chính Thống Giáo Serb và người Bulgaria, Thánh Cyril và Methodius thật xứng đáng là người bảo vệ sự hiệp nhất Đông và Tây, là điều được mọi người khao khát.

Suy niệm 1: Truyền giáo

Vì thân phụ của hai thánh nhân là một sĩ quan trong phần đất của Hy Lạp nhưng có nhiều người Slav chiếm ngụ, do đó hai anh em thánh nhân đã trở nên nhà truyền giáo, thầy dạy và quan thầy của người Slav.
Nhà truyền giáo chủ yếu là mang Tin Mừng Đức Kitô đến cho tha nhân, chứ không hẳn là tập tục và văn hóa của mình. Vì thế nhà truyền giáo hãy có cái nhìn sáng suốt để phân biệt đâu là nội dung Tin Mừng và đâu là những điều phụ tùy không chính yếu.
Do đó nhà truyền giáo chẳng những phải tôn trọng những điều hay lẽ phải trong truyền thống văn hóa của người dân bản xứ mà không phương hại đến đức tin chính thống. Nghĩa là nhà truyền giáo cần phải có tinh thần hội nhập văn hóa nữa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học lấy tinh thần các tông đồ xưa kia, khi cho phép dân ngoại chỉ cần được Rửa Tội là điều chủ yếu, chứ không cần phải chịu phép cắt bì như người Dothái (Cv 15tt; Gl 5,6; Cl 3,11).

Suy niệm 2: Địa vị

Cyril đã từ chối địa vị trong chính quyền mà anh ngài đã chấp nhận làm việc cho những người nói tiếng Slav. Ngài gia nhập một đan viện.
Danh vọng và quyền lợi thường là chước cám dỗ mãnh liệt đối với người đời mọi thời. Thấu hiểu điều đó nên ma quỷ cũng không ngần ngại dùng thủ đoạn này để tấn công Đức Giêsu (Mt 4,8-10).
Thắng vượt được chước cám dỗ này quả là một bước tối quan trọng, vì không thiếu người đã bị ngã gục trước mồi nhử đó. Theo gương Đức Giêsu, Cyril và Methodius đã làm được điều này cũng như tông đồ Matthêu (Mt 9,9).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng sa vào chước cám dỗ danh lợi và địa vị trần thế này.

Suy niệm 3: Mẫu tự

Công việc đầu tiên của Cyril là sáng chế ra bản mẫu tự, giống như mẫu tự vẫn được dùng trong phụng vụ ở các phần của Nam Tư cũ.
Thiên Chúa nhập thể làm người ở địa danh Ítraen, nhưng Thiên Chúa không phải chỉ là Thiên Chúa của Ítraen mà là của mọi người ở mọi dân mọi nước (2V 19,15; Et 4,17b; Ml 1,5).
Do đó việc dùng tiếng mẹ đẻ sẽ giúp người bản xứ tiếp thu dể dàng hơn các mặc khải của Thiên Chúa, cũng như cảm thấy gần gũi với Đấng mình tôn thờ hơn. Đó cũng là một thành quả của Công Đồng Vaticanô II.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tận dụng phương cách mẫu tự này, để đào sâu lòng hiểu biết và lòng yêu mến Thiên Chúa.

Suy niệm 4: Cáo buộc

Khi lãnh thổ trước đây thuộc về họ nay bị tước khỏi quyền tài phán, vị giám mục Bavaria đã trả thù với hàng loạt điều cáo buộc Đức Methodius. Kết quả là Hoàng Đế Louis của Đức đã lưu đầy Đức Methodius trong ba năm. Sau đó Đức Giáo Hoàng Gioan VIII đã đảm bảo sự tự do cho ngài.
Một thánh giá thường gặp là bị biểu lầm, bị cáo buộc cách bất công do lòng ganh ghét. Đức Giêsu đã từng bị các đầu mục người Do thái cáo buộc và kết án bất công, thậm chí phải bị xử án tử hình thập giá.
Cha thánh Gioan Maria Vianê cũng bị các địch thủ ngài gán cho cái tội là tác giả của một đứa con do một phụ nữ trắc nết ở gần nhà xứ Ars đi hoang sinh ra. Thật là một oan trái quá nặng đè lên thanh danh ngài.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con kiên tâm chịu đựng lúc bị hiểu lầm, chờ thời gian trả lời, vì thanh dã tự thanh. Và chớ bao giờ cáo oan người khác.

Suy niệm 5: Phụng vụ

Sự trục xuất ấy đã có ảnh hưởng tốt đẹp trong việc phổ biến các công trình về phụng vụ, về tâm linh và văn hóa của hai anh em thánh nhân đến các vùng Bulgaria, Bohemia và nam Ba Lan.
"Ngay cả trong phụng vụ, Giáo Hội không muốn áp đặt một sự đồng nhất cứng rắn nào trong các vấn đề không liên hệ đến đức tin hay không có lợi cho toàn thể cộng đoàn. Đúng hơn, Giáo Hội tôn trọng và khuyến khích những tinh hoa và những đặc tính riêng của các chủng tộc và dòng giống...
Miễn sao sự hợp nhất cốt yếu của nghi lễ Rôma vẫn được duy trì, việc tu chỉnh các sách phụng vụ phải được phép thay đổi và thích nghi với các tổ chức khác nhau, sự sùng bái và các dân tộc khác nhau, nhất là trong xứ truyền giáo" (Hiến Chế về Phụng Vụ, 37, 38).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có tâm hồn quảng đại và tôn trọng chân lý, để sống được tinh thần đại kết theo hướng của Công Đồng Vaticanô II.

Suy niệm 6: Hiệp nhất

Là quan thầy của Moravia, và được đặc biệt sùng kính bởi người Công Giáo Czech, Slovak, Croatia, Chính Thống Giáo Serb và người Bulgaria, Thánh Cyril và Methodius thật xứng đáng là người bảo vệ sự hiệp nhất Đông và Tây, là điều được mọi người khao khát.
Hiệp nhất theo mẫu gương Thiên Chúa Ba Ngôi có thể nói là ước mơ lớn nhất trong đời Đức Giêsu, để trở thành di chúc quan trọng của Ngài (Ga 17,11.21-23). Vì thế Ngài chấp nhận cái chết bị treo cao, để lôi kéo mọi người lên cùng Ngài, và qua Ngài đến cùng Thiên Chúa (Ga 12,32).
Một hỗ trợ và cũng là một nhắc nhở tiên khởi cho các tông đồ khi tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu, đó là sự hiệp nhất các dân tộc trên toàn thế giới (Cv 2,1-46). Tông đồ Phaolô hiểu ý nên không ngừng rao giảng và kêu mời mọi người thực hiện di chúc ấy (Ep 4,1-16).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hiệp nhất và đoàn kết với nhau để được sống, chứ đừng chia rẽ kẻo bị chết.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ