Dân Chúa Âu Châu

thereseThánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu

(1873-1897)


Lược sử


“Tôi thích sự buồn tẻ của việc hy sinh âm thầm hơn là những trạng thái xuất thần. Nhặt một cây kim vì tình yêu cũng có thể hoán cải một linh hồn.” Đó là những lời của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu dòng Camêlô thường được gọi là “Bông Hoa Nhỏ,” người đã sống một đời âm thầm trong tu viện ở Lisieux, nước Pháp. Và quả thật, những hy sinh âm thầm của ngài đã hoán cải các linh hồn. Không mấy vị thánh của Thiên Chúa nổi tiếng như vị thánh trẻ trung này.

Cuốn tự truyện của ngài, Chuyện Một Linh Hồn, được cả thế giới đọc và yêu chuộng. Tên thật của ngài là Thérèse Martin, gia nhập tu viện năm 15 tuổi và từ trần năm 1897 lúc 24 tuổi.

Đời sống tu viện dòng kín Camelô thật buồn tẻ và phần lớn chỉ gồm sự cầu nguyện và làm các công việc trong nhà. Nhưng Thánh Têrêsa có được sự hiểu biết sâu sắc thánh thiện để chuộc lại quãng thời gian ấy, bất kể có nhàm chán đến đâu. Ngài nhìn thấy sự đau khổ cứu chuộc trong sự đau khổ âm thầm, sự đau khổ là đời sống tông đồ của ngài.
Vào ngày 19-10-1997, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh, là người phụ nữ thứ ba trong Giáo Hội được công nhận về sự thánh thiện và về ảnh hưởng tinh thần của những gì ngài viết.
***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)
Suy niệm 1: Âm thầm
Tôi thích sự buồn tẻ của việc hy sinh âm thầm hơn là những trạng thái xuất thần.
Thánh Têrêsa có nhiều điều để dạy chúng ta về quan niệm, về thể diện, về cái “tôi.” Chúng ta bị nguy hiểm khi nghĩ nhiều về bản thân mình, bị đau khổ khi nhận thức những nhu cầu cần phải thỏa lấp, dù biết rằng không bao giờ chúng ta thỏa mãn. Thánh Têrêsa, cũng như bao vị thánh khác, đã tìm cách phục vụ người khác, thực hiện những gì không phải cho chính mình, và quên mình trong những hành động âm thầm của tình yêu. Ngài là một trong những thí dụ điển hình của sự mâu thuẫn trong phúc âm mà khi hiến thân là khi được nhận lãnh, khi chết đi là khi vui sống muôn đời.
Sự bận rộn với bản thân đã tách biệt con người thời nay với Thiên Chúa, với đồng loại và thực sự xa rời với bản thể. Chúng ta phải học cách quên mình, để suy niệm về một Thiên Chúa là Đấng mời gọi chúng ta thoát ra khỏi sự ích kỷ để phục vụ người khác. Đây là cái nhìn sáng suốt của Thánh Têrêsa Lisieux, và ngày nay cái nhìn ấy có giá trị hơn bao giờ hết.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấy được giá trị của sự âm thầm như hạt giống được gieo vào lòng đất (Mc 4,26-29).
Suy niệm 2: Bông Hoa Nhỏ
Têrêxa, một nữ tu dòng Camêlô thường được gọi là “Bông Hoa Nhỏ”.
Ngài được gọi là Bông Hoa Nhỏ vì thật đúng xét về nghĩa đen cũng như nghĩa bóng.
Xét về nghĩa đen, gia đình thân mẫu ngài có 9 người con, nhưng chỉ có 5 cô con gái Marie, Pauline, Léonie, Céline và Thérèse (Têrêxa) là sống sót đến tuổi trưởng thành, và Têrêxa lại là con út trong nhà, nên Têrêxa là người nhỏ nhất. Đàng khác, ở tuổi 15, Têrêxa xin gia nhập Dòng Cát Minh tại Lisieux thì bị từ chối vì còn quá nhỏ. Thân phụ ngài dẫn ngài đi hành hương Rôma, được yết kiến Đức Giáo Hoàng Lêô XIII và được trả lời: “Hỡi con, hãy làm theo ý bề trên quyết định”. Ít lâu sau, Giám Mục Bayeux ra quyền cho bề trên dòng nhận. Vào tháng 4 năm 1888, Têrêxa trở thành một nữ tu với đặc quyền ở tuổi 15, nghĩa là lứa tuổi nhỏ nhất dòng.
Xét về nghĩa bóng, Têrêxa được biết đến nhiều nhất nhờ linh đạo “Đường thơ ấu” của mình. Trong việc tìm kiếm sự thánh thiện, Têrêxa đã thấu hiểu rằng để đạt được điều ấy và bày tỏ tình yêu của mình đối với Chúa, thì không cần phải thực hiện những việc làm thật anh hùng hoặc “cao siêu”. Têrêxa viết: “Tình yêu chứng tỏ chính nó bởi việc làm, vì vậy làm sao con có thể chứng tỏ tình yêu của mình được? Con không thể làm chứng việc cao siêu được? Cách duy nhất để con chứng tỏ tình yêu của mình là bằng cách rắc hoa, những bông hoa này là tất cả những hy sinh bé nhỏ, mỗi cái nhìn, mỗi lời nói và thực hiện mọi việc làm bé nhỏ nhất với tình yêu”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy trở nên bé nhỏ để được vào Nước Trời (Mt 18,3).
Suy niệm 3: Hoán cải các linh hồn
Những hy sinh âm thầm của Têrêxa đã hoán cải các linh hồn.
Là một Bông Hoa Nhỏ, ngài đồng cảm với những người bé nhỏ hèn mọn được Chúa quan tâm ưu ái không muốn cho một người nào phải hư mất (Mt 18,14). Nên ngài hợp lực bằng việc dâng những hy sinh âm thầm để hoán cải các linh hồn, như ngài đã nói: “Tôi thích sự buồn tẻ của việc hy sinh âm thầm hơn là những trạng thái xuất thần. Nhặt một cây kim vì tình yêu cũng có thể hoán cải một linh hồn”. Thánh nữ còn nói ngài gia nhập tu viện Camêlô là “để cứu vớt các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục.” Và không lâu trước khi chết, ngài viết: “Tôi muốn dùng thời gian ở thiên đàng để làm những điều tốt lành cho trần gian.”
Không lạ gì vào năm 1927, ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XI nâng lên bậc hiển thánh và đặt ngài làm bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang hành với thánh Phanxicô Xavie. Đúng như nhận định của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong sứ điệp về ngày truyền giáo công bố 28/5/1997: “Không phải tất cả được gọi đi các xứ truyền giáo…Cái quyết định không phải “ở đâu” mà “như thế nào”. Chúng ta có thể là những tông đồ đích thực và trong cách hiệu nghiệm hơn cả, giữa những bức tường của nhà ở chúng ta, trong chính nơi làm việc, trên giường bệnh, trong Tu Viện Kín, như chính Thánh nữ Têrêxa”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nỗ lực hoán cải chính chúng con cũng như tha nhân bằng các hy sinh âm thầm.
Suy niệm 4: Chuyện Một Linh Hồn
Cuốn tự truyện của Têrêxa, Chuyện Một Linh Hồn, được cả thế giới đọc và yêu chuộng.
Têrêxa được biết đến hôm nay qua cuốn hồi ký thiêng liêng của mình: Chuyện Một Linh Hồn. Cuốn tự truyện này được viết theo lệnh của hai bề trên của tu viện. Têrêxa bắt đầu cầm bút vào năm 1895 để viết một hồi ký về thời thơ ấu của mình, dưới lệnh của chị Pauline (tên dòng là Mẹ Agnes Chúa Giêsu). Mẹ Agnes ra lệnh sau khi được người chị cả Marie (tên dòng là Mẹ Marie Thánh Tâm Chúa) giục.
Tháng 6 năm 1897, Mẹ Agnes nhìn thấy sự trầm trọng bệnh tình của Têrêxa, liền xin Mẹ Marie de Gonzague, người đã thế mình làm bề trên, cho phép Têrêxa viết một hồi ký khác với nhiều chi tiết hơn về đời sống tu trì của mình. Hồi ký này được xuất bản sau cái chết của Têrêxa và đã được sửa chữa một cách nặng nề bởi người chị Pauline. Ngoài việc sửa cách viết của Têrêxa, Mẹ Marie de Gonzague còn yêu cầu Pauline chỉnh sửa lại hai phần đầu tiên của bản viết tay như thể là chúng được viết cho Mẹ Marie.
Đây là một cuốn sách được bán chạy nhất của thế kỷ XX. Kể từ năm 1973, hai ấn bản của bài viết của Têrêxa, bao gồm “Chuyện Một Linh Hồn”, các thư, thơ, cũng như kinh nguyện và các kịch ngắn Têrêxa viết cho những buổi văn nghệ của tu viện đã được xuất bản.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con viết chuyện linh hồn chúng con không cần cho đời nhưng cho Chúa bằng cuộc sống lành thánh và đạo đức.
Suy niệm 5: Đau khổ
Ngài nhìn thấy sự đau khổ cứu chuộc trong sự đau khổ âm thầm, sự đau khổ là đời sống tông đồ của ngài.
Thánh Têrêsa phải chịu đau khổ vì bệnh hoạn trong suốt cả cuộc đời. Khi còn nhỏ, ngài phải trải qua ba tháng đau từng cơn, mê sảng và ngất xỉu. Sau đó, dù yếu ớt nhưng ngài làm việc vất vả trong phòng giặt quần áo và phòng ăn của tu viện. Về phương diện tâm linh, ngài phải trải qua một thời kỳ tăm tối khi ánh sáng đức tin dường như tắt ngúm. Năm cuối cùng của cuộc đời, ngài chết dần vì ho lao. Tuy nhiên, không lâu trước khi chết vào ngày 30-9, ngài thì thào, “Tôi không muốn bớt đau khổ.”
Thực sự ngài là một phụ nữ dũng cảm, không rên rỉ vì bệnh tật và lo âu. Đây là một người nhìn thấy sức mạnh của tình yêu, mà sự biến đổi của Thiên Chúa có thể thay đổi mọi sự–kể cả sự yếu đuối và bệnh tật–thành sức mạnh phục vụ và cứu chuộc cho người khác. Không lạ gì ngài là quan thầy của công cuộc truyền giáo. Còn ai có thể thay đổi thế giới ngoài những người ôm ấp sự đau khổ của mình với tình yêu?
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết biến đau khổ hằng ngày thành sức mạnh phục vụ và cứu chuộc cho chính mình và người khác.
Suy niệm 6: Tiến Sĩ Hội Thánh
Vào ngày 19-10-1997, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II tuyên xưng Têrêxa là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Với Tông thư Divini Amoris (khoa học tình yêu Chúa), ngày 19-10-1997, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II tuyên bố Têrêxa là một trong 33 Tiến Sĩ Hội Thánh của Hôi Thánh toàn cầu. 1 trong 3 người phụ nữ duy nhất được trao tặng danh hiệu này (hai vị kia là Thánh Têrêxa thành Avila và Catarina thành Siêna). Têrêxa là vị thánh duy nhất được công nhận là Tiến Sĩ Hội Thánh dưới đời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Dịp này, thông cáo của phòng báo chí Tòa Thánh đã nhận định như sau: 100 năm sau khi Thánh nữ Têrêxa, vị thánh trẻ tuổi và quan thầy của các xứ truyền giáo qua đời, Giáo Hội nhìn nhận giáo lý nổi bật và giá trị hiện đại của sứ điệp thiêng liêng của Thánh nữ, như là hồng ân đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội qua việc nhìn nhận Thánh Têrêxa, Tiến Sĩ của Hội Thánh, muốn tôn vinh Thiên Chúa Cha, Đấng mạc khải cho những kẻ bé nhỏ biết Mầu Nhiệm Nước Trời, là làm cho sự khôn ngoan của các thánh được chiếu tỏa mọi thời đại, ngỏ hầu Phúc Âm của Chúa Kitô có thể đến với mọi dân nước.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tìm đến Thánh Tiến Sĩ Hội Thánh này như là đối tượng của việc bình luận và nghiên cứu thần học.