Gương Thánh Nhân
- Viết bởi Hạnh các Thánh
Ngày 14-12: Thánh Gioan Thánh Giá
Linh Mục Tiến Sĩ (1542 – 1591)
Gioan de Yepes sinh tại Phontiveros, gần Avila. Tây Ban Nha ngày 24 tháng 6 năm 1542. Cha Ngài làm thợ dệt, bị gia đình giàu có làmnghề buôn bán loại trừ vì đã cưới một người vợ kém hơn. Mẹ Ngài là một người đàn bà thánh thiện, trở thành goá phụ sau khi sinh Gioan. Không nguồn lợi, với 3 đứa con, bà đã làm thuê cho một thợ dệt. Bé Gioan dần dần đã học nghề thợ mộc, may vá, điêu khắc, hội họa trong tình yêu mến Chúa Giêsu Kitô.
Trong mọi việc, Ngài có thói quen tự hỏi: – “Vào trường hợp tôi, Chúa Giêsu sẽ làm gì ?”
Ngài không trốn tránh một hy sinh nào. Lúc 12 tuổi, Gioan được học đọc, học viết với các nữ tu ở Medina del Campo. Đức bác ái của Ngài bao la: tư hồi còn niên thiếu, Ngài đã dùng giờ rảnh để phục vụ các bệnh nhân ở nhà thương, dầu vẫn theo học văm phạm và triết học nơi các cha dòng Tên.
Năm1563, Gioan gia nhập dòng Carmêlô và năm sau được gửi học tại đại học Salamanca. Năm 1567 Ngài thụ phong linh mục ở Medina và đã gặp thánh nữ Avila. Thánh nữ đã khuyên Ngài thực hiện việc cải tổ dòng Camêlô như thánh nữ đang làm. Thánh nữ nói với Ngài: – “Đây là công trình đòi hy sinh và máu. Tôi không biết cha sẽ phải chịu khổ tới đâu nhưng chắc chắn cha phải chịu khổ”.
Gioan trở thành người con thiêng liêng của người nữ tu Carmêlô này. Cha 25 tuổi và chị 52 tuổi. Chị gửi cha đến với hai người bạn ở Duruelô trong cảnh cô tịch và đây là nguồn gốc của dòng Carmêlô canh tân đi chân không, Ngài lấy tên là Gioan Thánh Giá. Sự nghèo túng thật khủng khiếp, Ngài chỉ sống bằng cỏ, nhưng vẫn dùng những khúc ca tạ ơn Chúa vì đã chỉ cho biết phải sống và cư xử cách nào. Ngài hành động cách khác thường trên những người chung quanh, giải thoát họ khỏi những việc hư hỏng, tạo cho họ một lòng yêu thích hy sinh.
Sau khi chống lại đoàn thể các tu sĩ Carmêlô ở Alcala de Hélenrés, Ngài trở thành tuyên úy của tu viện Avila trong 5 năm, thánh nữ Têrêxa giới thiệu với con cái mình: – “Cha là vị thánh”.
Sự thánh thiện của Gioan vượt quá nhiều người và trở nên khó hiểu, sự canh tân khiến Ngài bị tố cáo là nổi loạn. Các thày dòng Carmêlô chước giảm chống lại các thày dòng Carmêlô đi chân không. Cuối cùng, sau những nhục mạ dữ dội, Ngài bị cầm tù ở Tolêđô. Người ta đối xử cứng rắn với Ngài, ba lần mỗi tuần họ đưa Ngài tới nhà cơm và đánh đập không nương tay. Nhưng Ngài cảm thấy đang đi đúng đường Chúa muốn và tạ ơn Chúa vì đã chịu được hạ nhục và chịu khổ cực. Những bắt bớ tăng thêm đức tin và lý tưởng của Ngài. Đáp lại, Ngài yêu mến nhiều hơn và trong hầm tối thiếu khí trời, Ngài trước tác những vần thơ bí nhiệm làm thành cuốn “Thánh ca thiêng liêng” (cantiques spirituelles).
Được 9 tháng thánh nhân vượt ngục. Trước khi đến tu viện định tới, Ngài dừng lại trong một dòng nữ. Ngài nghe một nữ tu ca hát về “hạnh phúc của đau khổ” và bỗng Ngài phải bám chặt vào cửa sắt nhà khách. Ngài đã xuất thần. Ý tưởng được chịu khổ vì Chúa đã làm cho Ngài cả thấy dư tràn hạnh phúc. Phép lạ này trong tâm hồn, như muốn lôi kéo cả thân xác đổi mới theo… thánh Têrêxa nói: – “Không có cách gì để nói về Thiên Chúa với cha Gioan Thánh Giá. Ngài xuất thần ngay và lôi kéo người khác theo”.
Một ngày kia quỳ bên song sắt, thánh nữ nghe cha nói về Chúa Ba Ngôi, thì thánh linh như muốn nâng Ngài lên. Khiêm tốn, Ngài nắm lấy tay vào thành ghế. Nhưng hoạt động thần linh đã nâng Ngài lên tới trần nhà. Têrêxa ở trước mặt Ngài cũng xuất thần và bay bổng. Một nữ tu tiến vào, cảm kích và cảnh tượng vội đi gọi các nữ tu khác đến chiêm ngưỡng cả hai vị thánh được Chúa chúc phúc.
Đức Thánh cha và vua Philipphe II ủng hộ những cuộc cải cách và bây giờ Gioan phải nhận nhiều trọng trách. Ngài làm bề trên dòng Calvariô. Ngài lập cộng đoàn Carmêlô Baeza và 3 năm sau được chọn làm tu viện trưởng ở Grenade. Đi đường qua các thành Tây Ban Nha, Ngài chinh phục các linh hồn về cho Chúa Kitô, chính Ngài đã xây dựng một thủy lộ, một tu viện. Trong 15 ngày, Ngài đã viết cuốn “ngọn lửa tình yêu sống động” (la vive flamme d’amour). Cuối cùng Ngài trở thành Tổng đại diện Andalousia.
Sự trong trắng của thánh nhân đã tạo cho Ngài một quyền năng trên quỉ thần. Ngài đã giải thoát nhiều bị quỉ ám. Người ta nói rằng, bằng những dấu thánh giá Ngài dẹp tan cơn bão, bằng lời nguyện, Ngài dập tắt một hỏa hoạn. Các thú vật quí mến Ngài. Để giữ mình trong sạch, thánh nhân tự nhận lấy đau khổ nhưng lại rất thương cảm những đau khổ của người khác, Ngài còn tế nhị hơn nữa đối với những đau khổ tinh thần mà Ngài gọi là “đêm tối của tâm hồn”. Nhưng Ngài hiểu rằng, những đau khổ này thanh tẩy tâm hồn rất nhiều. Không kết hợp với Chúa được nếu không có khổ hạnh trong tâm hồn.
Thường nhà dòng nghèo khó đến độ có ngày không có bánh ăn. Tập họp ở nhà ăn, thánh nhân nói với các tu sĩ về hạnh phúc được chịu khổ vì Chúa Giêsu Kitô. Họ khóc vì nhiệt tâm và lui ra. Bỗng chuông reo, một người vô danh đã đem bánh cho nhà dòng. Các tu sĩ trở lại phòng ăn. Lần này, thánh nhân khóc và nói: – “Oi, vậy là Chúa đã thấy sự yếu đuối của chúng con không chịu thử thách được lâu. Ngài đã sớm thương hại chúng ta”.
Lần kia, Ngài đã trả lời Chúa Giêsu khi Ngài hỏi về phần thưởng Ngài muốn rằng: – “Lạy Chúa, xin cho con được chịu khổ và bị khinh miệt vì Chúa”.
Và Ngài đã xin ba ơn này là: đừng có ngày nào mà không được chịu đau khổ, đừng là bề trên vào lúc chết và được chết trong khiêm hạ. Thiên Chúa đã nhận lời Ngài.
Những tháng bị giam cầm, với bao đau khổ dữ dằn người ta đối xử, đã hủy hoại thân thể Ngài. Mệt nhọc vì du hành tới Andalousia, làm thánh nhân bị thiêu đốt ở chân, các vết thương mở rộng. Ngài chịu đau đớn kinh khủng đến nỗi lần kia Ngài nói với người đối thoại: – “Xin lỗi, tôi không trả lời nổi. Tôi bị đay nghiến và đau nhức”.
Thánh nhân được chọn một trong hai nơi để chữa bệnh, hoặc ở Baeza, nơi người ta qúi mến, hoặc ở Ubeda, nơi tu viện trưởng có ác cảm với Ngài. Ngài đã chọn tu viện Ubeda. Những cư xử nghiêm nhặt làm cho Ngài đau đớn thêm. Nhưng Ngài càng ôm chặt thánh giá vào lòng. Vị tu viện trưởng cảm động vì sự dịu dàng không mệt mỏi, vì lòng bác ái sâu xa của bệnh nhân, cuối cùng đã hiểu và xin Ngài tha thứ.
Gioan báo trước mình sẽ chết đêm 14 tháng 12 (năm 1591). Các tu sĩ đọc kinh phó linh hồn, Ngài xin đọc sách Diễn tình ca. Các cơn đau không ngừng gia tăng khi chuông reo giờ kinh sáng, Ngài cầm thánh giá nói: – “Lạy Chúa, con phó linh hồn trong tay Chúa”.
Ngài còn nhìn các tu sĩ, hôn Chúa Kitô và tắt thở. Ngài đã viết: – “Vào xế chiều cuộc sống này, bạn được phán xét về tình yêu”.
Gioan Thánh Giá để lại nhiều sách luôn được suy gẫm như: Đường lên Carmêlô, đêm tối tâm hồn, Ngọn lửa tình yêu sống động, thánh ca thiêng liêng. Ngài được tuyên thánh năm 1726. Và Đức Piô XI đã đăt Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1962.
Nguồn: daminhvn.net
- Viết bởi Hạnh các Thánh
Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo
- Lễ ngày 13.12
Theo lịch sử, chắc chắn là đã có một thánh nữ tử đạo tên là Lucia và mộ ngài được tìm thấy trong hang toại đạo của các Kitô hữu Syracusa. Sau đây là câu chuyện về cuộc tử đạo của ngài.
Lucia là một thiếu nữ quí phái người Syracusa tại thủ đô miền Sicily. Mẹ ngài gốc người Hy Lạp tên là Eutychia, có nghĩa là hạnh phúc.
Sớm thành goá phụ, bà đã gắng chuẩn bị cho Lucia một địa vị cao bằng cách dưỡng dục thánh nữ theo tinh thần Kitô giáo.
Bà thường nói với con gái mình về lòng can đảm của các vị tử đạo đã tưới máu trên đế quốc hai thế kỷ qua. Như ở Sicily, tại hải cảng Catana, nửa thế kỷ trước thánh nữ Agatha thay vì chối bỏ đức tin, đã khước từ tình yêu của quan cầm quyền và trung thành với Chúa Kitô giữa các cực hình.
Mẫu gương đáng phục này đã ám ảnh Lucia và khi Eutychia nhận lời cầu hôn cho con gái mình, Lucia khẩn cầu Chúa cất xa những cuộc cưới hỏi trần thế để dâng hồn xác phụng sự một mình ngài thôi.
Bỗng Eutychia ngã bệnh, Lucia lấy cớ này để đình hôn. Dầu vậy, ngài thấy buồn vì mẹ khổ lâu, nên khuyên bà kêu cầu với thánh nữ Agatha, ngài đưa mẹ đi Cathana để dưỡng bệnh.
Khi đó, ngài xem thường những sắc lệnh bách hại đạo của Điôclêtianô, khấn hiến mình hoàn tòan cho Thiên Chúa. Ngài đòi phân gia tài để phân phát cho người ghèo. Ngài nói: “Dâng cho Chúa điều người ta không mang theo sau khi chết thì cũng không có gì là nhiều”.
Nhưng người theo đuổi Lucia thấy ngài bán nữ trang và ruộng đất rồi phát cho người khổ cực, liền nổi giận và tố cáo với Paschse là người cầm quyền ở Syracusa. Lucia bị cầm tù. Trước toà, ngài đã trả lời cách đáng phục:
“Giờ thì tôi chẳng còn gì nữa để dâng, tôi dâng chính mình như bánh thánh lên Thiên Chúa tôi cao. Ông run rẩy trước mặt Thiên Chúa, còn tôi, tôi kính sợ Thiên Chúa.
Ông muốn làm đẹp lòng họ, còn tôi, tôi chỉ có một ước vọng là làm đẹp lòng Chúa Kitô thôi. Những người thiêu huỷ thân xác là những người bỏ niềm vui mau qua để đổi lấy những niềm vui đời đời.
Thánh Phaolô tông đồ đã nói: Ai sống trong sạch và đạo đức là đền thờ Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần ở trong họ. Thân thể chỉ ra nhơ uế nếu linh hồn đồng tình với nó”.
Nhà cầm quyền truyền trao Lucia cho bọn đâm đãng để làm nhục cho đến chết. Nhưng ngài đã thành một sức mạnh khủng khiếp khiến bao sức lực của họ cũng không thể kéo ngài đi được.
Người ta kêu các phù thuỷ, đưa bò đến kéo nhưng không nghĩa lý gì đối với sự bất động của Trinh nữ.
Người ta đốt lửa cũng không chạm tới ngài. Sau cùng, người ta dùng giáo đâm cổ ngài, nhưng ngài còn tiên báo một cách lạ lùng: “Tôi báo cho các ngươi biết rằng, Giáo hội Chúa được ơn bình an vì hôm nay Điôclêtiano bị đuổi khỏi đế quốc, Maximianô phải chết.
Và như Catana vui sướng được chị tôi là Agatha bảo trợ, thành Syracusa được Chúa ban cho tôi, nếu các ngươi hết lòng thực hiện thánh ý Chúa”.
Và dân Sicily thấy Paschase bị xiềng. César biết được rằng ông ta sẽ chiếm thành. Lucia trước khi chết đã được rước Mình Chúa do các linh mục đem đến.
Lucia là tên do từ ngữ Lux, nghĩa là ánh sáng. Như ánh sáng, gương mẫu đời ngài dẫn các linh hồn lên trời. Tên ngài khiến những ai đau mắt thường kêu cầu ngài.
- Viết bởi Guong Thanh Nhan
Ngày 12-12: Thánh Gioana Phanxica Chantal
(1572 - 1641)
Gioana Phanxica Fremyet chào đời ngày 23.01.1572 ở Dijon, là con của vị chủ tịch nghị viện. Thuộc một gia đình công giáo đạo đức, ông đã đào tạo con gái của mình nên một đứa trẻ có đời sống tín hữu mạnh mẽ. Học tập như các trẻ em khác, thánh nữ có một tinh thần sống động và tỏ ra vừa vui tươi vừa đứng đắn.
Dầu còn nhỏ, Gioana Phanxica quyết xa rời những người lạc đạo, Ngài la hét khi có ai trong số họ chạm tới Ngài. Khi đến tuổi hoà mình với đời sống đài các, sự dè giữ của thánh nữ chứng tỏ Ngài đã không ao ước một cuộc sống dễ dãi trống rỗng. Một trong những nhiệt huyết nơi Ngài là được thực hiện những công trình lớn cho Thiên Chúa: Ngài muốn được tử đạo. Ngài đã phát khóc khi thấy những người khốn cực, Ngài nói: - "Nếu không yêu thương người nghèo, tôi thấy mình như không yêu mến Thiên Chúa".
Vị bá tước de Chantal thấy rằng: Gioana Phanxica sẽ là người vợ quí nhất trên thế gian. Cuộc hôn nhân hoàn tất. Gioana Fremyet lúc ấy 20 tuổi trở thành Gioana De Chantal. Buổi đầu, vị nữ bá tước trẻ lo âu vì những món nợ cũ phải thanh toán. Nhưng GIOANA đã vui cười bắt tay vào việc. Ngài chỗi dậy từ 5 giờ sáng, dự thánh lễ, dùng ngựa để đi thăm nông trại và đất đai, kéo sợi và may vá với những người giúp việc, Ngài tỏ ra là một người quản lý danh tiếng, đồng thời cũng rất bác ái và dễ yêu đến nỗi người ta gọi Ngài là "bà phúc hậu".
Có người còn nói rằng: mình thích mang bệnh để được nữ bá tước viếng thăm, nhưng Ngài cũng biết rằng: săn sóc và mỉm cười chưa đủ, phải có Chúa giúp sức. Chẳng hạn đến với một bênh nhân xem như tuyệt vọng, Ngài thức đêm cầu nguyện và đến sáng thì bệnh nhân được lành. Vị bá tước nhiều lần thấy người vợ đầy lòng bác ái quì cầu nguyện .
Khi xảy ra nội chiến, cảnh khốn cùng lan rộng cắp làng quê. Vị nữ bá tước đón tiếp các người bị bỏ rơi. Bệnh tật và các trẻ sơ sinh. Đoàn người thiếu ăn trong vòng bảy dặm tuôn đến, Ngài tự tay múc cháo phục vụ mọi người. Thấy người đã được trợ cấp trở lại, Ngài không từ chối giúp đỡ họ và thưa với Chúa: - "Con đến gõ cửa van xin lòng thương xót của Chúa, nào là con có muốn đến lần thứ hai thứ ba mà bị xua đuổi đâu ?"
Bá tước de Chantal là một sị quan, thường vắng mặt để phục vụ nhà vua nơi triều đình hay trong quân đội. Khi ấy thánh nữ bỏ đồ trang sức và áo nhung, tự khép mình với sáu người con và các việc nội trợ, dành nhiều thời gian hơn để cầu nguyện. Khi bá tước trở về, Ngài tổ chức ăn mừng với nét mặt rạng rỡ vui tươi. Hạnh phúc chiếu sáng tổ ấm gia đình.
Nhưng trong một cuộc đi săn, bá tước bị tử thương. Ngườivợ trẻ thành góa bụa lúc 28 tuổi, đã đau đớn khóc lóc: - "Lạy Chúa, xin hãy cất đi mọi của cải và con cái, nhưng xin để lại người chồng yêu quí mà Chúa ban cho con".
Dầu vậy, trong cơn thất vọng, thánh nữ đã điều khiển được lòng mình và tìm vâng theo thánh ý Chúa. Gioanna Phanxica phải từ giã lâu đài để về sống gần cha chồng. Những người nghèo vây quanh xe Ngài khóc lóc vì họ đã mất người mẹ hiền. Một cảnh huống nặng nề đang đợi Gioanna nơi nhà cha chồng. Người quản gia già nắm mọi quyền bính, bắt Ngài nuôi nấng con cái bà với con cái của thánh nữ. Người đàn bà trẻ đã cố gắng để khỏi bị chống đối, Ngài luôn hiền hậu và không hề làm cha chồng nổi nóng. Ngài cũng tổ chức một phòng thuốc cấp cứu và săn sóc người nghèo. Bảy năm trôi đi trong nếp sống khó khăn và hãm mình.
Năm 164, Gioanna Phanxica gặp thánh Phanxicô Salesiô. Vị thánh quyết định đời Ngài. Thánh nhân giảng mùa chay tại Dijon và nhận thấy thánh nữ chăm chú nghe mình. Ngài hỏi thánh nữ có ý định tái gái không ? Thánh nữ kêu: - Không !
Và thánh nhân đã trả lời: - "Vậy phải kéo bảng hiệu xuống". Chỉ muốn Chúa thôi, đừng làm dỏm, dẹp bỏ tất cả chi tiết phong lưu lẫn lòng kiêu hãnh.
Gioanna tự lo cho mình, phục vụ người nghèo, lau rửa những người khốn klhổ đầy chấy rận. Mặc đồ sạch sẽ cho họ rồi nấu giặt và vá mạng áo quần cho họ. Thánh Phaxicô Salesiô dẫn Ngài tới sự Thánh thiện bằng đời sống ngày càng kết hiệp sâu xa hơn với Chúa. Thánh nhân cũng qủa quyết rằng: thời giờ đã đến để thánh nữ từ bỏ thế gian. Đường chân thực của thánh nữ là trở nên tu sĩ và thiết lập dòng thăm viếng.
Gioanna đã anh hùng từ giã gia đình, Ngài dẫn người con gái không lập gia đình là Fracoise để bổ túc việc giáo dục bên cạnh Ngài. Người con trai ở lại với ông nội đã chống lại việc Ngài ra đi và nằm ngang cửa ngăn cản. Cử chỉ của thánh nữ không theo tầm mức của chúng ta: Gioanna lau nước mắt bước qua mình con. Ngài biết rằng: con mình sẽ không bị bỏ rơi, vì Ngài đã trao phó cho người cậu là tổng giám mục Bourges. Và mỗi khi cần đến, Ngài sẽ đi thăm để lo cho lợi ích của các con.
Tháng 6 năm 1610, thánh nữ đã thiết lập tu viện dầu tiên ở Annecy và khẩn nguyện luôn thực hiện điều gì xem ra hoàn hảo hơn. Danh tiếng của các nữ tu dòng Thăm Viếng tận tâm phục vụ người nghèo, bệnh nhân và giáo dục các thiếu nữ lan rộng mau chóng. Suốt 30 năm, mẹ de Chanltal đã thiết lập nhiều tu viện, hiến mình làm nọi việc.
Vào cuối đời, Ngài kể lại: - "Tôi như những nữ tá thô kệch thời thu hoạch. Người cha gia đình nói với họ: hãy đến chỗ này, hãy đi chỗ nọ, hãy trở lại cánh đồng này, hãy đi tới chỗ khác. Chẳng hạn người cha diễm phúc của chúng tôi đã nói: hãy đi thiết lập ở Lyon , ở Grenoble, hãy trở lại để đi Bourges, hãy đi Paris, hãy từ giã Paris và trở lại Dijon. Chẳng hạn nhiều năm tôi chỉ đi và đến, khi thì ở một trong những cánh đồng, khi thì ở một nơi khác của cha thân yêu".
Nơi nào thánh nữ đi qua, Ngài đều để lại sự êm dịu, sự phấn khởi và niềm tin tưởng. Người ta thấy Ngài chống lại sự nhọc mệt bằng niềm vui và can đảm. Linh động trong công việc, Ngài nấu ăn và coi bò, giờ giải trí, Ngài vui vẻ với các nữ tu... khiến họ nói: "Khi Mẹ chúng ta không giải trí được là thiếu một phần vui tươi êm ái". Bệnh tật không ngăn cản Ngài săn sóc và nghĩ tới mọi sự .
Với một trí khôn nhanh nhẹn và chính xác, một lúc, Ngài đọc cho 3 nữ tu ghi chép.
Mười chín năm trước khi qua đời, Gioanna Phanxica mất người bạn, người cha, người nâng đỡ là thánh Phanxicô Salesio. Sự đau đớn của Ngài thực sự lớn lao. Rồi đến cái chết của người con trai để lại một cháu gái sẽ là nữ nam tước de Sévigné. Các tang lễ liên tiếp nơi các người thân. Nhưng thử thách lớn lao nhất của thánh nữ là những chán nản nội tâm, những cám dỗ kinh khủng nghịch lại đức tin. Ngài không hể tỏ lộ những đau đớn của mình và lấy sự bình thản để phủ lấp những lo âu. Mẹ de Claugy đã nói về những khô khan liên tục của Ngài: - "Chỉ trong cõi đời đời, người ta mới biết hết được".
Khi Ngài qua đời, cha giải tội nói: - "Suốt 23 năm, tôi đã thán phục nơi thánh nữ một lương tâm tinh ròng trong suốt và rõ rệt hơn cả pha lê".
Trong những hành trình cuối cùng mẹ de Chantal được reo mừng khắp nơi. Khi có dịch hạch ở Annecy, Ngài đã không từ chối bỏ nơi này và tăng gấp các việc bố thí và lời cầu nguyện . Ở St. Germain, hoàng hậu đưa hai người con tới gặp và xin Ngài chúc lành. Ngài hân hạnh được gặp thánh Vinh -sơn Phaolô, Dân Paris chen lấn để mong chạm tới Ngài và nghe Ngài nói. Trở về, Ngài ngã bệnh ở Monlins. Tới phút cuối Ngài vẫn còn lo lắng đến mọi việc. Và sau 3 lần kêu danh Chúa Giêsu, Ngài tắt thở năm 1641, năm 1767 Ngài được tuyên thánh.
(daminhvn.net)
- Viết bởi Guong Thanh Nhan
Đức Mẹ Guadalupe (Mexico)
- Lễ ngày 12 tháng 12
Năm 1501, Columbus và đoàn thám hiểm phiêu lưu của ông đặt chân lên hải đảo Bahamas. Từ đó Bahamas và khu vực lân cận lần lần trở thành thuộc địa Tây Ban Nha.
Năm 1511, Diego de Velázquez, vị Toàn Quyền đầu tiên của Tây Ban Nha ở Bahamas, khởi đầu kế hoạch bành trướng sang Mễ Tây Cơ. Việc này bắt đầu vào năm 1518 do Hernán Cortés, ông này được Toàn Quyền Diego de Valázquez chỉ định lãnh đạo cuộc bành trướng và đặt bản doanh tại Santo Domingo.
Mễ Tây Cơ ngày đó dưới quyền hoàng đế Montezuma II, quốc vương địa phương Aztec. Thời đó, thổ dân có tục lệ tế người sống cho các thần của dân Aztec. Dân bản xứ tranh đấu đẫm máu chống lại người Tây Ban Nha kéo dài nhiều năm.
Về phía tôn giáo, các nhà truyền giáo Tân Ban Nha cũng nhân cơ hội này đến truyền giáo tại đây, và việc truyền giáo tương đối khó khăn vì những hoàn cảnh này. Dẫu vậy, số người bản xứ tòng giáo ngày càng tăng thêm, nhưng tệ nạn xã hội về phía người Tây Ban Nha cũng như thổ dân cũng tăng thêm, về phía tôn giáo, các nhà lãnh đạo cũng gặp phải một số quyết định sai lầm.
Juan Diego, người được thị kiến, vốn tên là Cuautlatohuac (Con Phượng Hoàng hót), một thổ dân Aztec, đã đổi tên là Juan Diego khi tòng giáo.
Juan Diego sinh sống tại làng Cuautilan, gần Mexico City. Juan Diego lúc đó 57 tuổi, ngày ngày ông thường đi bộ 15 dặm (24 cây số) tới dự Thánh Lễ tại Tlaltelolco, phía bắc Mexico City.
Xin lược thuật 5 lần Nữ Trinh Rất Thánh Maria hiện ra cùng thổ dân Juan Diego (1474-1548) trên đồi Tepeyac. Lần đầu vào sáng thứ bảy 9-12-1531 và lần cuối vào ngày thứ ba 12-12-1531.
Lần hiện ra sau cùng, Đức Mẹ Maria tỏ lộ danh tánh là Đức Mẹ Guadalupe. Danh xưng Guadalupe trong tiếng thổ dân có nghĩa là "Người Nữ chiến thắng con rắn".
Các cuộc hiện ra đã được thổ dân Antonio Valeriano (1520-1605) kể lại tỉ mỉ. Thổ dân Antonio Valeriano sống đồng thời với thổ dân Juan Diego. Vào năm 1531, thổ dân Juan Diego đã 57 tuổi, và thuộc về một nhóm thổ dân thiểu số rất ít người.
Trước đó 7 năm, ông Juan Diego đã lãnh nhận bí tích rửa tội cùng với người vợ hiền đức là bà Maria Lucia. Bà Maria Lucia qua đời năm 1529.
... Lần hiện ra thứ nhất. Hôm đó là sáng thứ bảy 9-12-1531, ông Juan Diego đến nhà thờ Thánh Giá ở Tlatelolco để tham dự buổi học giáo lý.
Khi đến gần đồi Tepeyac, ông nghe tiếng líu lo êm ái, tiếng ríu rít nhẹ nhàng, với các cung trầm bổng tuyệt vời của muôn ngàn chim sẻ, như tiếng nhạc réo rắt vọng xuống từ trời cao.
Thổ dân Juan Diego vô cùng bỡ ngỡ. Ông dồn dập tự hỏi: "Mình đang ở nơi nào đây?".
Còn đang đảo mắt nhìn chung quanh, bỗng tiếng hót im bặt và ông nghe một tiếng nói xa xôi, vọng xuống từ trên cao và gọi rõ tên ông: "Juan Diego, Juan Diego nhỏ bé!".
Juan Diego không hề cảm thấy sợ hãi, trái lại, ông sung sướng tiến nhanh về hướng đồi cao. Khi leo lên tới đỉnh, ông trông thấy một Bà đang đứng đó. Bà ra hiệu mời Juan Diego tiến lại gần Bà. Khi đến trước mặt Bà, Juan Diego vô cùng bỡ ngỡ và kinh ngạc trước vẽ đẹp siêu thoát của Bà.
Áo Bà long lanh các tia sáng mặt trời. Tảng đá nơi Bà đặt chân như toàn bằng đá quí và mặt đất chung quanh Bà tỏa sáng như cầu vòng.
Thổ dân Juan Diego kính cẩn quì gối xuống và cảm động lắng nghe lời Bà nói cách êm ái dịu dàng rằng: "Hỡi Juan bé nhỏ, người con nhỏ bé nhất trong các con Ta, con đang đi đâu đó?".
Juan Diego trả lời: "Thưa Bà, con phải đến nhà thờ ở Messico-Tlatelolco để tiếp tục học về các mầu nhiệm của Thiên Chúa, do các linh mục dạy. Các linh mục là các thừa tác viên thánh của Chúa".
Đức Mẹ nói: "Con hãy cẩn trọng ghi khắc nơi lòng con rằng, con là người bé mọn nhất trong các con của Ta, và Ta chính là Nữ Trinh Rất Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa thật, Đấng là suối nguồn sự sống, là Đấng Tạo Dựng muôn loài.
Ngài là Chủ Tể trên trời và dưới đất. Ta hết sức mong ước người ta xây cất nơi đây một đền thánh, hầu Ta có thể minh chứng và trao ban cho mọi người tình thương của Ta, lòng cảm thông, sự trợ giúp và che chở của Ta.
Bởi vì, Ta là Mẹ Từ Bi của các con, Mẹ của riêng con, cũng như của toàn dân sống trên phần đất này và của tất cả những ai thành khẩn kêu cầu cùng Ta với trọn lòng tin tưởng.
Ta nghe rõ tiếng kêu than ai oán của họ. Ta muốn trao ban cho mọi người phương thuốc chữa trị các nổi đau đớn, các khó khăn cùng các sầu khổ buồn phiền.
Và để có thể thực hiện các nguyện ước khoan nhân của Ta, con hãy đi tới tòa Giám Mục Mêhicô và thưa với đức giám mục rằng, chính Ta sai con tới và Ta ước ao người ta xây cho Ta một ngôi đền trên ngọn đồi này. Con hãy kể lại tỉ mỉ cho đức giám mục tất cả những gì con thấy và nghe.
Bây giờ con hãy đi và dùng trọn sức lực để thi hành công tác". Thổ dân Juan Diego kính cẩn cúi mình thưa: "Thưa Bà, con sẽ đi ngay và thực hiện lệnh Bà truyền.
Ông Juan Diego mau mắn xuống khỏi đồi và trực chỉ thành phố Mêhicô. Vào thành, ông đi thẳng đến tòa Giám Mục. Vị Giám mục sở tại lúc bấy giờ là đức cha Juan de Zumárraga thuộc dòng Anh Em Hèn Mọn Thánh Phanxicô. Juan Diego xin gặp đức cha và thưa với ngài về sứ điệp của Bà Đẹp Thiên Quốc. Nhưng đức cha không tin lời ông nói. Juan Diego buồn bã ra về, lòng thất vọng vì nhiệm vụ giao phó không hoàn thành.
... Lần hiện ra thứ hai. Cùng ngày hôm ấy, tức thứ bảy 9-12-1531, thổ dân Juan Diego quay trở lại đồi Tepeyac. Khi lên tới đỉnh đồi, ông trông thấy Bà Đẹp Thiên Quốc đang đứng chờ mình. Ông quỳ sụp xuống và thưa: "Thưa Bà, con đã mang sứ điệp của Bà đến cho đức giám mục.
Ngài ưu ái lắng nghe con nói, nhưng ngài không tin lời con. Có lẽ ngài nghĩ là con bịa chuyện. Vì vậy, con tha thiết xin Bà, xin Bà hãy trao phó nhiệm vụ này cho một người khác quan trọng hơn.
Con chỉ là người yếu hèn, nghèo khổ, vậy mà Bà lại sai con đến một nơi quá cao xa đối với con, đến một chỗ mà con không bao giờ dám đặt chân tới. Xin Bà tha thứ cho con.
Trinh Nữ Rất Thánh Maria liền trả lời: "Hỡi người con bé nhỏ nhất của Ta, hãy lắng nghe lời Ta nói đây. Ta biết rõ là có nhiều người khác có thể thi hành mệnh lệnh Ta truyền.
Tuy nhiên, Ta rất cần đến sự giúp đỡ của con. Vậy thì, Ta truyền cho con trở lại tòa giám mục một lần nữa. Ngày mai, con đến tòa giám mục và thưa với đức cha rằng, con đến nhân danh Ta và xin ngài xây cất một đền thờ theo ý hướng của Ta.
Con lập lại với ngài lần nữa rằng, chính Ta là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, chính Ta đã đích thân sai con đến với ngài". Thổ dân Juan Diego khiêm tốn thưa: "Thưa Bà, con sẽ trung tín thi hành nhiệm vụ Bà trao phó.
Con không quản ngại đường xa cũng không lưu ý việc đức giám mục không tin lời con nói. Ngày mai, con sẽ mang đến cho Bà câu trả lời của đức giám mục.
Sáng hôm sau, Chúa Nhật 10-12-1531, thổ dân Juan Diego rời nhà thật sớm đi tới Tlatelolco để tham dự các buổi cử hành phụng vụ. Trong lòng, ông cương quyết tìm mọi cách gặp cho bằng được đức giám mục. Thánh lễ kết thúc, ông phải nài nĩ mãi, người ta mới cho ông được hầu chuyện với vị giám mục.
Ông quì gối trước mặt đức giám mục, vừa khóc ông vừa lập lại lệnh truyền của Bà Đẹp Thiên Quốc. Ông khẩn khoản xin đức giám mục tin lời ông. Ông tha thiết xin ngài chấp thuận thi hành ước nguyện của Đức Nữ Vô Nhiễm.
Với mục đích kiểm chứng thực hư, đức cha Juan de Zumárraga đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi. Thổ dân Juan Diego kiên nhẫn trả lời rõ ràng từng câu một, thật chính xác. Sau khi tỉ mỉ tra vấn, đức giám mục truyền cho ông phải xin Bà Đẹp Thiên Quốc tỏ lộ một "dấu chỉ".
Mặt khác, ngài còn cẩn thận sai một vài người giúp việc nơi tòa giám mục hãy đi theo Juan Diego xa xa, và theo dõi mọi hành động của ông. Thế nhưng, khi đến chân đồi Tepeyac thì những người này không còn trông thấy bóng dáng thổ dân Juan Diego đâu nữa.
... Lần hiện ra thứ ba. Cùng ngày Chúa Nhật 10-12-1531,
thổ dân Juan Diego lên đồi trình bày với Đức Mẹ về câu trả lời của đức giám mục. Nghe xong, Đức Mẹ liền nói: "Hỡi con nhỏ bé của Ta, con đã thi hành tốt đẹp lệnh truyền của Ta. Được rồi. Ngày mai con hãy trở lại đây để đón nhận "dấu chỉ" mà vị giám mục xin.
Như vậy, ngài sẽ tin lời Ta, sẽ không hoài nghi cũng không còn ngờ vực con nữa. Phần con, con luôn ghi nhớ rằng, Ta sẽ trả công bội hậu cho con, vì tất cả những khó nhọc con dành để phục vụ Ta. Ngày mai Ta đợi con cũng nơi ngọn đồi này".
Ngày hôm sau, thứ hai 11-12-1531, thổ dân Juan Diego không đến nơi hẹn với Đức Trinh Nữ. Lý do vì chiều Chúa Nhật hôm trước, khi về đến nhà, ông trông thấy người chú Juan Bernardino lâm bệnh nặng. Ông vội vã chạy đi tìm thầy thuốc đến chữa bệnh cho chú. Thầy thuốc đến ngay. Nhưng cơn bệnh đã đến hồi trầm trọng, vô phương cứu chữa. Biết thế, ông chú liền xin Juan Diego đi mời linh mục đến, để ông được lãnh nhận các phép Bí Tích sau cùng và dọn mình chết lành.
... Lần hiện ra thứ tư và thứ năm. Sáng tinh sương ngày thứ ba 12-12-1531, Juan Diego nhanh nhẹn đi đến Tlatecolco để mời linh mục cho chú. Ông cẩn thận chọn một con đường khác, đi vòng quanh ngọn đồi về hướng đông, để có thể vào ngay thành phố Mêhicô, và khỏi bị Bà Đẹp Thiên Quốc giữ lại nói chuyện.
Tuy nhiên, ông rất đỗi ngạc nhiên khi trông thấy Bà Đẹp từ trên đồi đi xuống. Khi đến gần, Bà hỏi Juan Diego: "Có chuyện gì xảy ra vậy con? Con đang đi đâu đó?". Thổ dân Juan Diego cảm thấy vừa sợ hãi vừa xấu hổ thẹn thùng. Ông nghiêng mình thưa: "Con biết Bà sẽ phật ý.
Chú con bị bệnh nặng vì bị lây bệnh dịch hạch. Con đi mời linh mục đến giải tội cho chú con. Xin Bà thứ lỗi cho con. Xin Bà vui lòng chờ đợi con. Con không đánh lừa Bà đâu. Ngày mai con sẽ đến đây thật sớm để gặp Bà".
Sau khi lặng lẽ nghe Juan Diego bào chữa một hơi dài, Nữ Trinh Rất Thánh Nhân Từ trả lời: "Con hãy lắng nghe và hiểu cho kỹ, hỡi đứa con bé nhỏ nhất của Ta. Con đừng xao xuyến trong lòng. Con đừng lo lắng về bệnh tình của chú con cũng như về bất cứ điều gì không may sẽ xảy ra.
Ta đang có mặt nơi đây, không như là người Mẹ của con sao? Con không tìm thấy an nghỉ dưới bóng rợp mát của Ta sao? Ta không phải là sức khỏe của con sao? Con không được Ta ấp ủ sao? Hãy nói cho Ta biết con đang cần gì? Con chớ nên âu lo và buồn phiền, ngay cả bệnh tình trầm trọng của chú con. Bởi vì chú con chưa chết bây giờ đâu. Con hãy tin tưởng vững chắc rằng, ngay chính lúc này đây, chú con sẽ được khỏi bệnh".
Bây giờ con cần leo lên đồi nơi con đã thấy Mẹ trước kia và ngắt đem xuống đây cho Mẹ thật nhiều bông hồng mà con có thể lấy được."
Trở lại nơi Juan Diego đã thấy Đức Mẹ những lần trước kia, ông ngỡ ngàng thấy rất nhiều hoa hồng thuộc đủ mọi loại, mọc giữa các khe đá, giữa những bụi xương rồng, và những bụi cây có gai khác. Juan thấy những bông hồng đó lóng lánh sương mai và hương thơm ngát. Ông muốn ngắt hết, nhưng có quá nhiều. Không có gì để đựng các bông hồng mới ngắt, Juan Diego cởi tấm áo choàng ra để bọc các bông hồng đó.
Juan Diego bọc những bông hồng trong áo choàng và trở lại nơi Đức Mẹ đang chờ. Đức Mẹ sắp lại những bông hồng trong áo choàng của Juan Diego. Rồi Đức Mẹ túm gọn lại và bảo Juan Diego đừng xáo trộn những bông hoa đó, và chỉ mở gói đó cho chính đức giám mục Zumárraga coi.
Đến tòa giám mục, Juan Diego lại phải chờ đợi, có một vài người muốn lấy một vài hoa hồng Juan Diego đang cầm, nhưng khi họ đưa tay ra thì hoa đó tan thấm vào vải áo Tilma của Diego chẳng khác gì được thêu vào áo đó.
Có người nào đó cấp tốc nói cho đức giám mục biết Juan Diego cần được tiếp tức thời. Đức giám mục Zúmarraga đang thảo luận với một số nhân vật quan trọng, có thể là với Don Sebastián Ramírez y Fuenleal, vị toàn quyền mới của Mễ Tây Cơ.
Juan Diego được dẫn vào gặp đức giám mục. Có thể Juan Diego đã nói đôi lời hoặc ông chỉ trao bọc hoa hồng đó cho đức giám mục hoặc để cho tấm áo choàng tự động mở ra. Những bông hồng tuyệt đẹp màu sắc rực rỡ và hương thơm ngào ngạt rơi xuống đất. Những hoa hồng trái mùa lạ lùng này không thể nào có cách tự nhiên vào thời tiết lạnh ngắt như thế được ở Mexicô vào thời đó. Vấn đề này được điều tra nhiều lần, nhưng vẫn không thể xác định Juan Diego lấy những bông hồng đó từ đâu. Trong số các bông hồng đó, đức giám mục và tân toàn quyền ngạc nhiên nhất vì có loại hoa hồng Castilian, thời đó chưa được đưa vào Mexicô.
Mọi người hiện diện còn ngạc nhiên hơn nữa vì từ tấm áo Tilma lúc này một hình ảnh từ từ hiện lên rõ ràng trước mắt họ. Juan Diego thoạt tiên không nhìn thấy hình ảnh này, vì mắt ông mải nhìn đức giám mục lúc này đến quì trước tấm áo choàng của ông. Khi Juan Diego nhìn xuống, thấy trên áo Tilma có hình ảnh y hệt Đức Mẹ hiện ra với ông trên đồi Tepeyac.
Vị giám mục cùng tất cả những người hiện diện liền sấp mình xuống đất, tôn kính hình ảnh lạ được Đức Mẹ in trên áo choàng.
Vị giám mục thật ân hận vì đã không tin ngay lời thổ dân Juan Diego nói. Ngài muốn giữ chiếc áo choàng lạ nơi nhà nguyện riêng của ngài ở tòa giám mục.
Lập tức tin này truyền khắp trụ sở đức giám mục và khắp phố phường. Đức giám mục Zumárraga khóc và đứng lêm ôm Juan Diego và rõ ràng là ngài xin lỗi vì trước kia đã không tin lời Juan Diego. Đức giám mục ân cần mời Juan Diego lưu lại như một thượng khách của tòa giám mục.
Ngày hôm sau, đức giám mục cùng với một đoàn người đông đảo, đi hành hương kính viếng nơi Đức Mẹ đã hiện ra trên đồi Tepeyac.
Đức giám mục Zumárraga cho rước ảnh Đức Mẹ và đặt trong nhà nguyện riêng trước khi đưa tới trưng bày trong nguyện đường nhỏ đầu tiên xây trên đồi Tepeyac. Hàng ngàn thổ dân Aztec kính viếng ảnh Đức Mẹ và tất cả những xáo trộn và tệ đoan sát tế người sống chấm dứt từ đó.
Trở lại với Juan Diego. Sáng hôm sau, đức giám mục Zumárraga để Juan Diego trở về nhà. Khi tới nhà, ông thấy ông cậu/chú, Juan Bernadino, đã lành bệnh đang ngồi phơi nắng, ông Juan Bernadino cho Juan Diego biết Đức Mẹ đã hiện ra với ông và cho ông biết mọi việc xảy ra.
Ông Berenadino cũng nói Đức Mẹ cho biết tước hiệu mà Người muốn người ta nói đến Người trong tương lai. Đức Mẹ muốn người ta gọi Người là: "Đức Thánh Maria, Toàn Vẹn Trinh Khiết, Đấng Sẽ Đạp Nát thần Rắn (Quetzalcoatl)."
"Con Rắn bằng Đá" ám chỉ rắn thần có lông vũ Quetzalcoatl, quái vật kinh khủng nhất trong các thần của thổ dân Aztec, mà mỗi năm, hàng ngàn người phải tế sống cho nó. Thổ dân Aztec dường như được thần ứng về điều này, và việc tế sống người đã thình lình chấm dứt. Vào năm 1539, có tới hơn tám triệu người Aztec nhận lãnh đức tin Công Giáo.
Chiếc áo choàng với hình Đức Mẹ được rước từ nhà nguyện riêng của đức giám mục ra nhà thờ chính tòa và được trưng bày cho các tín hữu đến kính viếng. Ngày 26-12-1531, chiếc áo choàng lạ lại được rước tới nhà nguyện nhỏ đầu tiên do chính các thổ dân xây cất dâng kính "Đức Mẹ Guadalupe" trên đồi Tepeyac.
Trong vòng 17 năm trời, tức cho đến ngày nhắm mắt từ trần vào năm 1548, thổ dân Juan Diego đã sống cạnh đền thánh tí hon này, làm người canh giữ đền thánh. Nhưng nhất là, ông đã trở thành người đầy tớ đơn sơ khiêm hạ, trở thành vị chứng nhân và tông đồ nhiệt thành của Đức Mẹ Guadalupe.
Cuộc hiện ra của Đức Mẹ Guadalupe với thổ dân Juan Diego đã ghi dấu ấn sâu đậm nơi cuộc sống người dân, đặc biệt là các thổ dân Mêhicô. "Đức Mẹ Guadalupe" trở thành biểu tượng sức mạnh của kẻ bé nhỏ, yếu đuối và là niềm hy vọng của tất cả những ai đang lo âu sầu khổ.
Hình ảnh Đức Mẹ in trên áo choàng vẫn còn trông thấy rõ ràng mãi cho đến ngày nay, sau hơn 470 năm. Chiếc áo choàng hiện được tôn kính nơi đền thánh trên đồi Tepeyac.
Đền thánh mang tên Đức Mẹ Guadalupe. Giờ đây, Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe là Trung Tâm Thánh Mẫu lớn nhất thế giới. Mỗi năm có 20 triệu tín hữu đến hành hương.
Đức Mẹ Guadalupe được tuyên xưng bổn mạng nước Mêhicô vào năm 1737, bổn mạng toàn Mỹ Châu vào năm 1910 và bổn mạng nước Phi Luật Tân vào năm 1935.
Ảnh Đức Mẹ trên áo choàng của Juan Diego ngày nay được bảo quản và trưng bày tại thánh đường Đức Mẹ Guadalupé, xây trên đồi Tepeyac theo lời Đức Mẹ. Giáo Hội nhìn nhận việc Mẹ Maria hiện ra với Juan Diego tại Gadalupé với tước hiệu "MẸ THIÊN CHÚA THỰC."
Tấm áo tilma và ảnh Đức Mẹ nhiều lần được để cho các khoa học gia khảo cứu. Các chất liệu trên áo vẫn còn nguyên phẩm chất tốt mặc dầu đã gần 500 tuổi, và mặc dầu loại vải bằng tơ xương rồng bình thường chỉ tồn tại được 20 năm.
Điều đặc biệt nhất là cặp mắt Đức Mẹ trong ảnh. Những ảnh chụp cặp mắt Đức Mẹ được các chuyên viên nhãn khoa nghiên cứu vào năm 1960, 1962, 1981. Cặp mắt có giác mạc y như mắt người sống.
Các chuyên gia dùng quang tuyến, lazer, máy vi tính, phóng đại lên và nhìn nhận rằng đây là mắt người sống, họ không thể giải thích rằng đây là ảnh vẽ. Và trong đáy mắt ảnh Đức Mẹ, người ta thấy hình của ít nhất là ba người rõ ràng. Nhiều người tin rằng đây là hình ảnh đức giám mục Zumárraga và toàn quyền Ramírez y Fuenleal.
Trong thánh lễ tôn phong chân phướng cho Juan Diego tại đền thánh Guadalupe ngay buổi chiều Chúa nhật khi vừa đến Mêhicô, Đức Gioan Phaolô II đã kêu gọi người dân Mêhicô hâm nóng lại tinh thần truyền giáo. Truyền giáo theo đúng nghĩa là được sai đi để mang sứ điệp đến cho người khác.
Cũng giống như tất cả những ai được diễm phúc gặp Đức Mẹ, chân phước Juan Diego đã được sai đi... Phải vất vả nhiều lần và dĩ nhiên, với sự trợ giúp của Đức Mẹ, Juan Diego mới có thể thuyết phục được vị Giám Mục...
Người Kitô tự bản chất là người được sai đi và sứ điệp của họ chính là sứ điệp của yêu thương... Cùng với những cánh hoa dâng tiến Mẹ trong tháng Năm này, chúng ta được mời gọi để mang những cánh hoa yêu thương đến cho mọi người. Tình thương, sự trợ giúp của Mẹ dành cho chúng ta cũng phải được chúng ta diễn đạt, cao rao qua cuộc sống dạt dào tình mến đối với mọi người.
Trong chuyến viếng thăm mục vụ lần thứ 5 tại Mêhicô, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 đã nâng thổ dân Juan Diego lên hàng hiển thánh vào ngày 31-7-2002.
(CSD 1009, "Contesto Storia e Significato della Apparizione Guadalupe", 13-7-2002).
I. Sự kỳ diệu của bức ảnh Ðức Mẹ Guadalupe
Một thách đố đối với khoa học kỹ thuật hiện đại
VATICAN CITY (Zenit 13/08/2002)- Với những kỹ thuật khoa học hiện đại còn trưng bày ra nhiều sự kỳ diệu về bức hình Ðức Mẹ Guadalupe được in trên áo choàng của Thánh Juan Diego vào ngày 12 tháng Chạp năm 1531: sự cấu kết của bức hình đến nay vẫn làm cho nhiều nhà chuyên môn kinh ngạc.
Vào năm 1936, Friz Hahn, giáo sư ở Mexico, lấy hai sợi chỉ từ tấm áo gởi cho Tiến sĩ Richard Kuhn, Khoa trưởng Phân khoa Hóa học Ðại Học Kaiser Wilhelm và là người được giải thưởng Nobel về Hóa học, sau khi nghiên cứu cùng với các giáo sư của phân khoa đã đi đến kết luận là màu sắc của các sợi chỉ không nằm trong danh sách những màu sắc mà họ đã nghiên cứu và hiểu biết.
Năm 1951, họa sĩ Charles Salinas de Chavez quan sát bằng kính lúp một bức hình được chụp lại. Bất chợt ông tìm thấy trong mắt phải của bức hình có hình bán thân của một người đàn ông.
Ông liền tin cho Bác sĩ Rafael Lavoignet Torija, một nhà giải phẫu, ông này đã quan sát, nghiên cứu bức hình trong hai năm liền từ tháng bảy 1956 đến tháng năm 1958.
Ông đã viết một bản tường trình chính thức là đã tìm thấy trong mắt của bức hình Ðức Mẹ Guadalupe, hình ảnh của một người đàn ông có râu đứng cách xa khỏang 40 centimet đúng theo như định luật quang học hiện đại.
Con mắt đã thâu hình ảnh với những nét cong phản chiếu trong con ngươi như trong mắt của một người thường đang sinh sống.
Hình ảnh trong mắt của bức hình cũng được bác sĩ Javier Torroella Bueno nghiên cứu kỷ lưởng và cũng đi đến kết luận là chiếc áo choàng của Thánh Juan Diego đã chớp lại hình của Ðức Mẹ theo như định luật quang học và chớp ảnh. Chiếc áo đã như tấm phim chớp lại hình ảnh Ðức Mẹ khi Thánh Juan Diego đứng trước mặt Ðức Mẹ.
Một chuyên viên về thần kinh hệ, Bác sĩ Jorge Alvarez Loyo, muốn dàn dựng lại khung cảnh, dùng môt người đóng vai trò thánh Juan Diego một người đóng vai Ðức Mẹ. Ông sắp đặt đúng hệt như trong bản nghiên cứu và xem chiếc aó như là tấm phim cuả máy hình để thử nghiệm công trình của mình và ông đã kết luận đây là một sự lạ huyền nhiệm.
Như cánh bướm có nhiều màu sắc rực rỡ. Những cuộc nghiên cứu tiếp theo sau này cho biết dưới những nét sơn tu sữa bức hình không có nét vẻ mà chỉ có những màu sắc được in vào như chớp ảnh. Với lọai vải dùng làm áo choàng thời đó thường không thể lưu giữ lâu hơn 20 năm. Riêng chỉ việc bền bỉ lâu dài của chiếc áo với thời gian đối với người Mexico cũng là một phép lạ.
Màu sắc của chiếc áo làm cho các khoa học gia ngỡ ngàng. Năm 1789, Bác sĩ Bartolache đã cho sao chép lại bức hình trên vào những áo chòang cùng một loai vải, dùng những màu sắc pha chế bằng khoáng chất, loài vật và thảo mộc.
Tất cả các bản sao được thực hiện bởi những họa sĩ tài danh khác nhau, xong đem so sánh với màu sắc chiếc áo nguyên thủy. Những màu sắc trên chiếc áo nguyên thủy luôn bền vững in hình Ðức Mẹ Guadalupe, trong khung cảnh ở Tepeyac và đã được giữ lại không phai lạt, hư hỏng qua nhiều thế kỷ, bởi vậy khoa học kỹ thuật tiến bộ cũng không thể nào giải thích được.
Năm 1975, bản tường trình của Bác sĩ Eduardo Turati thêm vào những nhận xét là ở những nơi vải bị mòn và rách vì đã dùng lâu ngày, người ta cũng tìm thấy màu sắc đã được in vào rất rõ ràng dù đã sờn rách. Màu sắc đó không phải được vẽ lên mà được in chụp vào.
Cuối cùng năm 1979, giáo sư Philip Serna và Jody Brant Smith dùng quang tuyến X để thí nghiệm. Dướì những nét vẽ tô chồng thêm bên ngoài ở những thời kỳ khác nhau đã bị nức nẻ với thời gian: những nét màu hồng trên áo, những vành trên giải thắt lưng và trên vòng cung mặt trăng cũng đã được tô thêm theo thời gian và những nét tô thêm đó đều bị nức nẻ. Tóm lại những nét tô thêm sau này rất dể nhận thấy, nhưng dưới lớp tô chồng thêm, những nét tiên khởi vẫn rõ ràng không thể giải thích được.
Màu xanh trên khăn chòang của Ðức Mẹ trông như mới, mặc dù sức nóng của khí hậu nhiệt đới, màu hồng của chiếc áo phản chiếu ánh sáng tuyệt đẹp, trên nét mặt có những nét hòa hợp của người bản xứ và Tây phương với những nét đậm đà và trắng trẻo, sáng láng và tỏa ra màu rực rở như cánh bướm. Ðôi mắt đen nhánh và làn tóc của người Mẹ bé nhỏ (Morenita) cũng đầy những huyền nhiệm.
Bức hình tự chính mình cũng có khả năng tự vệ chống lại những phá hoại vô ý, vụng về cũng như có ác ý. Ví dụ điển hình là khi lau chùi khung kính bao che bức hình họ đã làm đổ chất acít nitric ở góc trái áo choàng đến nay vẫn còn nhìn thấy được, nhưng chiếc áo không hề bị hư hại bởi chất acít mà dấu acít cứ mờ dần với thời gian.
Sáng ngày 14 tháng 11 năm 1921 váo lúc 10 giờ 30, Luciano Perez, một người thợ, mang đến một bó hoa đặt dưới bàn thờ trong thánh đường trước tượng Ðức Mẹ. Anh ta vừa bước ra khỏi thánh đường thì quả bom dấu trong bó hoa phát nổ.
Sức nổ làm sập bàn thờ, các chân đèn, các bình hoa và làm vở các cửa kính các dảy nhà lân cận, nhưng vòm kính bao che tượng Ðức Mẹ vẩn nguyên vẹn. Ðức Mẹ vẫn ở đó như lời Ðức Mẹ hứa qua bao thế hệ, Người Mẹ bé nhỏ của người Mexico, đày lòng thương xót, vẫn mãi bày tỏ lòng từ bi vô biên, và trở nên Ðấng Phù Trì che chở tòan lục địa Mỹ Châu.
Sự huyền nhiệm trong đôi mắt của bức hình Ðức Mẹ Guadalupe
Madrid, Spain, July 17,2002 (Zenit) – Vào năm 1929, những hình ảnh thật tinh vi nhỏ bé được tìm thấy trong đôi mắt trên bức hình của Ðức Mẹ Guadalupe. Từ đó đến nay sự huyền nhiệm trong đôi mắt của Ðức Mẹ là một thách thức đối với khoa học.
Một người đã dùng tất cả tài năng cũng như sức lực để tìm kiếm sự thật trong đôi mắt đó là khoa học gia José Aste Tonsmann người Peru, một chuyên viên của hãng IBM chuyên về hình ảnh vi tính.
Hai mươi hai năm trôi qua, Aste quyết định nghiên cứu những hình người phản chiếu trong đôi mắt Ðức Mẹ và ông đã tìm ra được 12 người cả thảy.
Vào ngày 31/7/02 Ðức Thánh Cha sẽ phong thánh cho Juan Diego, ngườI thanh niên Da Ðỏ chứng nhân trong việc Ðức Mẹ hiện ra ở Guadalupe.
Ông Aste giải thích, khi người ta đứng trước sự vật thì hình ảnh phản chiếu trên võng mạc. Bây giờ thì hình của tôi đang phản chiếu trong mắt anh, Aste nói với nguời đang phỏng vấn anh. Tùy theo vật gần hay xa hình ảnh hiện ra trong vỏng mạc lớn hoặc nhỏ.
Và sự việc đó đã xẩy ra trong đôi mắt của Ðức Mẹ Guadalupe. Những hình ảnh phản chiếu trong đôi mắt của Ðức Mẹ khi Ðức Mẹ in hình trên áo choàng của Juan Diego.
Hỏi: Những hình ảnh đó có thể là một công trình của con người không?
Aste: Không, vì có ba lý do. Trước tiên mắt người thường không thể xem thấy được, chỉ riêng người Tây Ban Nha (Spaniard) thì có thể thấy được vì lớn hơn cả và không một ai có thể vẽ những hình ảnh tinh vi nhỏ bé như thế được.
Thứ đến không ai biết đến màu sắc của những hình ảnh đó, cũng như về bức hình của Ðức Mẹ. Ðó không phải là một bức tranh được vẽ mà là một bức hình được in lên trên chiếc áo choàng của Diego.
Hỏi: Và điều thứ ba?
Aste: Hình ảnh được phản chiếu trên cả hai mắt, có nghệ sĩ nào có thể làm được việc ấy. Lại nữa kích tấc thay đổi trong đôi mắt tùy theo đứng gần mắt trái hay mắt phải.
Hỏi: Anh đã theo phương pháp nào trong việc nghiên cứu của anh?
Aste: Trước tiên là chụp hình đôi mắt bức hình Ðức Mẹ, rồi dùng máy vi tính mà xem những hình ảnh bằng cách phóng đại những hình ảnh đó.
Hỏi: Anh đã tìm thấy những ai trong đó?
Aste: Trước tiên là một người già giúp việc ở trần, Ðức Giám mục Juan de Zumarraga, người thanh niên thông dịch, một người Da Ðỏ Juan Diego, một người phụ nữ nô lệ da đen, cuối cùng một người Mễ có râu và gia đình ngừơi Da Ðỏ của ông là cha, mẹ, ba con nhỏ và hai người lớn có thể là anh em bà con của ông.
Hỏi: Làm sao anh có thể nhận biết đó là người nô lệ, thông dịch viên v.v.?
Aste: Lịch sử chứng minh điều đó. Người già giúp việc được thấy nhiều trong các bức vẽ thời Ðức Giám mục Zumarraga.
Cũng như trong chúc thư Ðức Giám mục có viết là trả tự do cho người nô lệ da đen. Bà ấy tên là Maria và trong hồ sơ cũng có ghi chép ngày Ðức Giám mục rời Ấn Ðộ để đến Tân Thế giới.
II. Sự kỳ diệu của bức ảnh Ðức Mẹ Guadalupe
Hình Original được chụp lại trên áo choàng của Thánh Juan Diego
Các khoa học gia chuyên nghiên cứu về mắt và những bệnh liên quan đến mắt đã làm những thí nghiệm sau đây trên hai mắt của Đức Mẹ:
Khi luồng ánh sáng chiếu thẳng vào mắt, các cơ bao quanh mống mắt (iris) co lại làm thu nhỏ đồng tử (pupil), do đó ánh sáng đi xuyên qua đồng tử để vào võng mạc (retina) bị giảm đi. Khi tắt luồng ánh sáng, cơ mống mắt mở rộng làm cho đồng tử mở to ra.
Hiện tượng trên đây xảy ra giống như mắt người còn sống vậy, nó giống như khẩu độ (aperture) của camera mở to bé tùy thuôc vào ánh sáng.
Nhiệt độ áo khoác ngoài Tilma của thánh Juan Diego (dệt bằng sợi lấy ra từ cây xương rồng) có nhiệt độ không thay đổi là 98,6 độ F (37ºC), giống như thân nhiệt ở người. Nói cách khác, áo Tilma của thánh Diego luôn phát ra độ ấm là khoảng 98,6 độ F.
Một vị bác sĩ trong nhóm đã đặt ống nghe ở cái nơ đen tại chỗ eo của Đức Mẹ và đếm được mạch tim là 115 nhịp mỗi phút, giống như mạch tim của em bé trong bụng mẹ.Không có bất cứ môt loại sơn nào ở trên trần gian này được dùng trên áo Tilma của thánh Juan Diego.
Nếu đưa hình gần lại mắt khoảng 3 tới 4 inches (8 tới 10 cm), người ta chỉ thấy vật liệu dệt bằng sợi của cây xương rồng, còn màu sắc của hình biến mất, khi đưa hình cách xa mắt khoảng 1 mét, ta thấy hình Đức Mẹ rõ trở lại.
Các nghiên cứu khoa học ngày nay không đủ khả năng để trả lời là: Màu sắc lấy ra từ đâu cũng như cách thức sơn. Họ không tìm thấy dấu vết lồi lõm của cọ sơn để lại trên hình hay bất cứ phương pháp sơn nào trên trần gian này để vẽ.
Các khoa hoc gia thuộc cơ quan Nasa (cơ quan hàng không và không gian Mỹ) xác định rằng vât liệu sơn dùng để vẽ không có mặt ở trên trái đất này (Có nghĩa rằng không có trong bảng hóa học phân loại tuần hoàn Periodic Table)
Không một quốc gia nào biết cách chế biến vật liêu đặc biệt (Laser gun, sơn không bị oxít hóa, vật chịu được nóng lanh, bền bỉ, vài trăm năm không bị hao mòn…) sẽ có khả năng kiểm soát thế giới, do đó Nasa gửi các nhà khoa học tới để nghiên cứu và bắt chước.
Khi vật liệu của áo Tilma được thử nghiêm dưới tia sáng Laser, (Vì đường kính của luồng ánh Laser rất nhỏ và sắc hơn dao cạo, nên người ta dùng nó để chẻ và tách ra bề dầy của khăn vải), thử nghiệm cho biết rằng không có lớp màu sắc nào ngấm hoặc dính chặt vào đằng trước hay đằng sau mặt của áo vải, đó là một lớp màu sắc mỏng như film layer, bay ở trạng thái lơ lửng (không dính vào khăn vải) và cách mặt khăn vải độ 3/10 milimét mà không tróc ra khỏi tấm vải áo. Chiếc áo đã như tấm phim chớp lại hình ảnh Ðức Mẹ. Bức hình không có nét vẽ mà chỉ có những màu sắc được in vào như chớp ảnh.
Thông thường, khăn vải dệt bằng sợi cây xương rồng chỉ chịu được thời gian là 20 tới 30 năm mà thôi, sau đó sẽ bị mục nát với thời gian.Cách đây vài thế kỷ, một tấm hình đã được họa lại trên một khăn vải giống hệt vât liệu nhưng nó bị tan nát bởi thời gian sau vài chục năm.
Trong suốt gần 500 năm, tấm khăn phép lạ với hình Đức Mẹ vẫn tồn tại tốt như những ngày đầu tiên. Khoa học không tài nào giải thích được tại sao vật liệu làm khăn vải không bị mục nát với thời gian.
Những màu sắc trên chiếc áo nguyên thủy luôn bền vững in hình Ðức Mẹ Guadalupe, trong khung cảnh ở Tepeyac và đã được giữ lại không phai lạt, hư hỏng qua nhiều thế kỷ, bởi vậy khoa học kỹ thuật tiến bộ cũng không thể nào giải thích được.
Màu xanh trên khăn choàng của Ðức Mẹ trông như mới, mặc dù sức nóng của khí hậu nhiệt đới, màu hồng của chiếc áo phản chiếu ánh sáng tuyệt đẹp, trên nét mặt có những nét hòa hợp của người bản xứ và Tây phương với những nét đậm đà và trắng trẻo, sáng láng và tỏa ra màu rực rỡ như cánh bướm. Ðôi mắt đen nhánh và làn tóc của Mẹ cũng đầy những huyền nhiệm.
Vào năm 1791, tai nạn làm đổ axít (muriatic acid hay clohiđric acid = HCl) vào phần trên phía tay phải của khăn vải và làm hư hại. Và khi đó, trong suốt 30 ngày, không có môt cuộc chữa trị đặc biệt nào, phần khăn vải cháy bởi axít từ từ “mọc lại” cách lạ lùng kỳ diệu.
Các ngôi sao trên hình áo choàng của Đức Mẹ phản ảnh giống hệt sự xếp đặt các vị trí mà chúng được thấy đúng như trên bầu trời trong lúc phép lạ xảy ra. Hay nói cách khác, các nhà thiên văn học dùng computer đi ngược lại thời gian để truy lùng các tên cùng vị trí các ngôi sao và nhận thấy rằng các ngôi sao hiện trên áo Đức Mẹ giống hệt các ngôi sao xuất hiện ở bầu trời Mễ Tây Cơ vào ngày Đức Mẹ hiện ra
.Về phía bên phải áo choàng của Đức Mẹ Đồng Trinh, ta thấy các chòm sao phía nam theo thứ tự sau đây:
- Cao nhất ta thấy 4 sao kết hợp thành chòm sao Orphiuchus.
- Dưới đó về phía trái, ta thấy nhóm sao hình cung Thiên Xứng Libra, và xít về phía phải, bắt đầu bằng chòm sao hình cánh cung Hổ Cáp Scorpio trông giống như hình mũi tên.
- Phần giữa là chòm sao Chó Sói Lupus và về phía trái, kết thúc bằng sao Thủy Tinh Vương Hydra.
- Xuống nữa, ta thấy rõ ràng chòm sao Thập Tự Nam Southern Cross; trên đó, nhóm sao Nhân Mã Centaurus xuất hiện giống hình thoi.
Còn về phía trái áo choàng của Đức Mẹ Đồng Trinh, người ta thấy các chòm sao phía bắc như sau đây:
- Chỗ vai của Đức Mẹ, có 4 sao thuộc phần của chòm sao Herdsman; Dưới đó và phía trái là chòm sao Gấu Lớn Great Bear; Xít về phía phải là sao Berenice’s Hair; dưới đó là Hunting Dogs gồm 2 sao, và về phía trái ta thấy có 1 vì sao Thuban sáng nhất trong chùm sao Draco.
- Dưới đó, có 2 sao song song với nhau và vẫn là thành phần của chòm sao Great Bear.
- Người ta còn tìm thấy những vì sao từ những 2 chòm sao khác như: 5 sao của chòm sao Auriga và 3 sao của chòm sao Thiên Ngưu Taurus.
Như thế, trong tổng số, 46 vì sao sáng nhất và vị trí của nó đã được nhìn thấy tại chân trời của vùng Thung Lũng Mễ Tây Cơ và đã đươc kiểm chứng bằng computer.
Năm 1921, một người (vô thần) dấu quả bom có sức công phá mạnh ở trong lùm hoa và đặt ở dưới chân hình áo Mẹ, bom nổ đã phá hủy hoàn toàn tất cả những gì chung quanh chỉ còn lại hình áo của Mẹ nguyện vẹn.
Mexico - Nơi hành hương lớn nhất thế giới
Hàng năm có từ 18 đến 20 triệu người đến hành hương tại đền thờ này.
MEXICO CITY
Các giới chức quản trị Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe tại Mexcio cho biết nội trong 4 ngày, từ ngày 8 đến 12 tháng 12 năm 2007, khoảng 7 triệu giáo dân Mexico sẽ đến đền thờ nói trên để tham dự lễ kính Đức Mẹ Guadalupe.
Đây là một con số mà không địa điểm hành hương nào trên thế giới có thể sánh kịp.
Ngày thứ Tư ngày 12 tháng 12 là ngày chính lễ kính Đức Mẹ Guadalupe. Ban tổ chức dự trù có 2 triệu người sẽ đến đền thờ trong ngày này. Đền thờ nẳm trên một ngọn núi của thành phố Mexico.
Nơi đây cách đây 476 năm, vào ngày 12 tháng 12, Đức Mẹ đã hiện ra lần cuối cùng với thánh Juan Diego. Thánh Juan Diego đã được ĐGH Gioan Phaolô II phong thánh năm 2002.
Hàng năm có từ 18 đến 20 triệu người đến hành hương tại đền thờ này. Và Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe đã trở thành nơi hành hương của Kitô Giáo có đông người nhất trên thế giới đến kính viếng.
Có nhiều ngày, 120,000 khách hành hương đã đến địa điểm này kính viếng Đức Mẹ.
Tập tục của giáo dân Mexico là khi họ đến kính viếng Đức Mẹ Guadalupe, họ thường đem theo bó hoa hồng vì khi Đức Mẹ hiện ra với thánh Juan Diego, Mẹ đã cho hoa hồng rơi trên chỗ thánh nhân quỳ.
Do vậy, trong ngày lễ mừng kính Đức Mẹ, tại các nhà thờ của người Mexico người ta thấy giáo dân đem tới một rừng hoa hồng đặt chung quanh nơi có hình Đức Mẹ Guadalupe.
- Viết bởi Guong Thanh Nhan
Thánh Đamasô I, Giáo hoàng
- Lễ ngày 11.12
- Phong Thánh ngày 10.11.1610
Đây là một vị giáo hoàng sáng chói trong Hội Thánh. Ngài đã xác nhận quyền tài thẩm trên toàn thể Giáo Hội là do Thánh Phêrô lãnh được bởi Chúa Kitô.
Đức Giáo hoàng Libêriô đã chú ý tới Linh mục Damasô gốc Tân Ban Nha và đặt ngài làm tổng phó tế cai quản Giáo Hội. Khi hoàng đế Constance ủng hộ phái Ariô bắt ĐGH Libêriô đi đày.
Damasô đi theo ngài. Nhưng Đức Libêriô cảm thấy mình sắp chết, và để chiều theo ý ngài, Damasô trở lại Roma, nơi ngài sẽ được chọn làm giáo hoàng.
Giữa những phiến động, phân ly và xáo trộn, triều đại giáo hoàng của ngài khổ não tột cùng. Dầu vậy, chính những điều đó làm nên vinh quang cho đức giáo hoàng.
Là nhà trí thức, khảo cổ và thi nhân, ĐGH Damasô đã lưu giữ những chứng liệu quý báu về Roma của Kitô giáo thời xưa, ngài đã sửa sang phần mộ các thánh tử đạo, trước tác những vần thơ để ở mộ bia. Những nét chữ đẹp trên các mộ mênh danh là “chữ Damasô”. Ngài cho xây nhiều đại thánh đường và nhiều nhà từ thiện.
Chúng ta phải biết ơn Thánh Damasô nhiều, vì ngài đã nhận thức được tài năng giá trị của thánh Hiêrônimô và đã trao phó trách nhiệm hiệu đính bản dịch Thánh Kinh. Chính ngài đã kết các thánh vịnh bằng kinh Sáng Danh.
Giữ cho đức tin được tinh ròng ở cộng đồng Nicêa chống lại phái Ariô, ĐGH Damasô đã triệu tập nhiều công đồng. Công đồng Constantinople đã đưa ngài tới danh hiệu cao cả nhất là “viên ngọc của đức tin”.
ĐGH Damasô đã viết nhiều vần thơ đề mộ bia. Có một tấm ngài viết về chính mình và đăt ở nghĩa trang Thánh Callistô: “Tôi, Damasô muốn được chôn cất tại đây, nhưng tôi sợ phàm tục hoá xương cốt các thánh nhân”.
Bởi vậy, ngài đã được chôn cất trong một thánh đường ở Via Ardeatina.
Nguồn: Chân dung các thánh nhân
- Viết bởi Hạnh tích các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Thánh Simon Phan Đắc Hòa, Y Sĩ (1774-1840)
- Lễ ngày 10 tháng 12
Thánh Simon Phan Đắc Hoà sinh năm 1774 trong một gia đình ngoại giáo tại làng Mai Vĩnh, xã Mông Thôn, tỉnh Thừa Thiên. Lúc còn nhỏ, gia đình gọi cậu là Thu.
Cha là quan Thượng Thư Phan Đắc Thục, mẹ tên là Đóa vợ lẽ của quan Thượng Thư. Sau khi quan Thương Thư Phan Đắc Thục chết, thì Bà ngoại tên là Can dẫn hai chị em cậu Thu bỏ làng Mai Vĩnh về Kim Long, tỉnh Quảng Trị. Tại Kim Long, bà cậu đổi tên cho cháu là Hoà.
Hai chị em cậu Hoà được một gia đình người Công giáo đạo hạnh tại làng Nhu Lý tên là Tảo nhận nuôi dưỡng, yêu thương và cho ăn học như con ruột thịt. Năm cậu Hoà được 12 tuổi thì gia đình ông Tảo xin cho cả hai chị em được rửa tội. Cậu Hoà nhận thánh Simon làm bổn mạng. Một thời gian sau, bà ngoại của chị em cậu Hoà cũng xin trở lại đạo Công giáo.
Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng cậu Hoà đã tỏ ra con người có tư cách, học chữ Nho rất giỏi, tư chất thông minh, lại có lòng đạo đức, sốt sắng việc nhà Chúa. Ông Tảo là người Công Giáo rất tốt lành nên ông ước muốn cậu Hoà trở thành linh mục trong tương lai. Ông xin cho cậu vào chủng viện An Ninh.
Cậu Hoà thông minh, học hành rất giỏi lại giầu lòng đạo đức. Nhưng khi các bề trên biết cậu Hoà là con vợ lẽ của Thương Thư Phan Đắc Thục thì cho cậu về. Trở về với gia đình người cha nuôi lúc ấy thầy Hoà đã 30 tuổi. Thầy đến học nghề làm thuốc ở nhà ông y sĩ Phương, sau này kết bạn với người con gái tên Yêm 18 tuổi con của ông y sĩ Phương. Hai người sinh được 12 người con, có 3 cô con gái đi tu.
Thầy Hoà sống đời sống gia đình rất gương mẫu. Hằng ngày thầy đưa con cái đi dự lễ và năng xưng tội rước lễ. Tối thì thầy đọc sách đạo hay chuyện các thánh cho cả gia đình nghe. Thầy là y sĩ, là thầy thuốc nên Thầy rất thương người, hay giúp đỡ và làm phúc cho những người nghèo khó. Thầy hành nghề Y sĩ “Lương Y như từ mẫu”. Rất nhiều người được chữa lành bệnh nên người ta chuyền miệng nhau là Thầy lương y rất giỏi nên người ta đến xin Thầy cứu chữa rất đông. Nhờ vậy Thầy có nhiều cơ hội giúp đỡ nhiều người nghèo khó và già yếu.
Thầy lương y Simon Phan Đắc Hoà sống đời giao dân rất gương mẫu nên được bầu làm Thủ Chỉ làng Nhu Lý, kiêm Trùm Họ Đạo và Chánh Trương Hàng Xứ Nhu Lý. Thầy thi hành chức năng rất nghiêm chỉnh. Những người đồng đạo ăn ở bất xứng, biếng nhác, Thầy tìm mọi cách giúp họ sửa chữa, đôi khi Thầy nghiêm khắc cảnh cáo, sửa trị cách khôn khéo, nên người ta không tức giận mà lại thêm lòng kính trọng và yêu mến Thầy. Đối với những người cao tuổi hay già yếu hoặc cô nhi quả phụ, ông chánh trương Phan Đắc Hoà còn tận tình săn sóc và giúp đỡ. Nhờ lòng đạo đức và gương sách của vị Chánh trương trong xứ mà mọi người trong xứ đạo đều vui vẻ, yêu thương như một đại gia đình.
Khi vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo. ông Chánh lương y Phan Đắc Hoà âm thầm làm nhà riêng, tường có hai lớp để cho các linh mục ẩn trốn. Linh mục Thừa Sai De la Motte từ khi về Nhu Lý thường xuyên ẩn tại nhà ông. Ông thường xuyên cho người thăm nuôi cha Jaccard khi bị giam trong tù và tới khi bị trảm quyết thì ông xin đem xác cha Jaccard về an táng tại Nhu Lý.
Đây là thời gian dân làng rất xôn xao và sợ hãi lệnh truy nã các vị Thừa sai rất khắt khe nên giáo dân không dám chứa chấp các Ngài nữa. Do đó, một mặt ông Chánh lương y Simon Phan Đắc Hoà viềt thư cho Đức Cha Cuénot Thể để lưu ý Đức Cha về hoàn cảnh cực kỳ khó khăn trong giai đoạn này, vi trước đây đã có thời gian Ngài đã trú ẩn ở nhà của ông, .Đàng khác, Ông vẫn âm thầm tìm mọi cách để che chở gíp đỡ các vị Thừa Sai khác đang trong lúc bị truy lùng rất kinh hoàng này.
Thế rồi một hôm vào tối ngày 13 tháng 4 năm 1840, trong khi ông dùng chiếc thuyền của một giáo dân An Ninh đưa Đức Cha De la Motte Y đến ẩn tại làng Hoà Ninh, trên thuyền có thầy Phê, bà Của và chi Hậu. Không may vì đã có người ngoại giáo theo dõi biết và đi báo cáo với quan huyện Dương Xuân nên thuyền vừa cập bến Hoà Ninh thì bị phát giác. Quân lính vây khám thuyền rồi bắt những người tên thuyền. Quan Cai hỏi:
- Thuyền của ai?
Thầy lương y Hòa trả lời:
- Thuyền của tôi là thầy lương y Phan Đắc Hoà.
Quan ra lệnh bắt Đức Cha De la Motte Y và thầy lương y Hoà giải về huyện Dương Xuân, rồi sau đó giải về Quảng Trị giam 2 tháng, cuối cùng giải về giam tại kinh đô Huế.
Trong suốt thời gian bị giam tù, thầy lương y Simon Phan Đắc Hoà đã tận tình giúp đỡ anh em bạn tù bằng cách bốc thuốc chữa các thứ bệnh, Thầy còn khuyên bảo, khích lệ anh em đồng đạo trung thành với Chúa và chuyên cần giữ đạo, không sợ hãi hình khổ, tra tấn. Nhiều lần thầy phải tra tấn rất dã man, bị kìm kẹp, máu thịt rơi rớt. Nhưng thầy Hoà luôn can đảm dâng lời cầu nguyện, xin thông hiệp với Chúa Kitô khổ nạn.
Thầy lương y Hoà bị tra tấn tới 20 lần. Các quan nghĩ rằng tra tấn nhiều lần như vậy thì Thầy Hoà sẽ cung khai danh tính các vị Thừa Sai. Nhưng vô ích, Thầy đã cương quyết không khai báo điều gì mà còn nhân cơ hội này để giảng giải về chân lý của đạo. Bi Thầy giảng giải về Đạo, các quan nổi giận, ra lệnh đánh đập, kìm kẹp đau đớn cho tới khi Thầy không thể gượng dậy nổi được nữa. Tuy thân xác hoàn toàn bị rũ liệt, nhưng đức tin sắt đá của thầy lương y Simon Phan Đắc Hoà không hề lung lay, hay bị ngã gục.
Có lần các con đến thăm nuôi. Thầy lương y Hoà khuyên:
- Cha luôn yêu thương và chăm sóc các con. Nhưng Cha phải yêu mến Chúa nhiều hơn. Các con hãy vui lòng theo ý Chúa, đừng buồn. Các con ở với mẹ, yêu thương nhau và chăm sóc việc nhà. Tử đây cha không thể lo gì cho các con được nữa, nhưng mọi sự cha phó dâng cho Chúa. Chúa sẽ lo cho mẹ và các con. Cha vui lòng chịu mọi hình khổ vì yêu mến Chúa. Cha xin vâng trọn thánh ý Chúa định.
Lần khác, có một người học trò cũ tới thăm Thầy Thầy ân cần khuyên nhủ người học trò cũ:
- Con đến thăm Thầy lần này là đủ, đừng đến nữa kẻo lính biết, họ sẽ bắt. Các con không chịu được các hình khổ ghê sợ này đâu. Sáng tối con hãy nhờ đọc kinh xin Chúa cho Thầy được trung thành với Chúa, được chịu chết vì Đạo. Khi đầu Thầy rơi xuống rồi thì các con hãy tới an ủi bà và các con cháu của Thầy. Thầy coi các trò như con của Thầy. Khi lên trời, thầy sẽ phù hộ cho các con còn ở trần gian này.
Chờ đợi mãi tới năm 1840 vua Minh Mạng châu phê án xử trảm quyết, bêu đầu 3 ngày. Khi áp giải thầy lương y Simon Phan Đắc Hoà đi xử, các quan còn cố tình bắt ép Thầy phải bước lên Thánh Giá, dụ dỗ bỏ đạo để khỏi phái chết. Nhưng cho tới giờ chót, Thầy lương y Simon Phan Đắc Hoà vẫn giữ một lòng hiếu trung sẵn lòng chịu mọi hình khổ, kể cả cái chết ghê sợ nữa để trọn niềm tôn vinh và yêu mến Chúa. Giờ phút cuối cùng, Thầy lương y danh tiếng kiêm trùm chánh xứ đạo Nhu Lý đã toàn thắng, hiên ngang cầm cành lá vạn tuế tiến vào quê hương đích thực là Nước Hằng Sống.
Tới pháp trường, nơi xử án là Cổng Chém, gần chợ An Hoà, đội lý hình trói hai tay Thầy lương y Simon Phan Đắc Hoà. Quan Giám sát tuyên đọc lại bản án viết trên thẻ gỗ và ra lệnh sau tiếng trống thứ 3 thì chém đầu. Nhưng khi chiêng trống vừa nổi lên 3 hồi 9 tiếng thì vừa tới tiếng chiêng trống thứ nhất, lý hình đã vội chém đầu Thầy gần rơi khỏi cổ. Đội lý hình lấy gươm cắt đứt đầu khỏi cổ rồi tung lên cao cho mọi người xem thấy.
Đầu rơi xuống đất ngay chỗ xác Thầy. Sau đó các quan và lính rút lui, còn lại một đội lính canh cái đầu. Quan ra lệnh trao thủ cấp Thầy cho dân làng Đức Sơ ngoại giáo để treo đủ 3 ngày cho mọi người chứng kiến. Gia dình Thầy và giáo dân Nhu Lý lấy vải cuốn xác Thầy, chờ đợi sau 3 ngày xin luôn thủ cấp rồi rước về an táng ở làng Nhu Lý. Hôm đó là ngày 10 tháng 12 năm 1840.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn Thầy lương y Simon Phan Đắc Hoà của làng Nhu Lý lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900. Và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên bậc Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Nguồn: Hạnh tích các Thánh Tử Đạo Việt Nam
- Viết bởi Guong Thanh Nhan
Thánh Gregory III
- Lễ ngày 10 tháng 12.
Thật là lạ lùng. Một linh mục người Syria đến giáo triều Roma để dự đám táng Ðức Giáo Hoàng Gregory II. Thánh Gregory III đến Roma như một khách bàng quan lạc lõng giữa hàng giáo phẩm cao cấp. Là một nhà thông thái và hùng biện nổi danh, ngài ước muốn được đọc diễn từ trong đám táng để nói về sự sống lại mà đấng Kitô đã hứa, nhưng chẳng dược ai chú ý mời hỏi. Là một linh mục thánh thiện, ngài cầu xin cho Ðức Gregory II và tất cả mọi người hiện diện tìm được an lạc trong tay Chúa sau khi đã qua đời.
Không một ai nhận biết vị linh mục thánh thiện nổi danh này giữa đám đông. Nhưng bất thình lình giữa đám táng họ nhận biết ngài và họ đem ngài ra riêng và bầu ngài lên kế vị Ðức Gregory II. Mọi sự thay đổi bất ngờ, cuộc sống của ngài không còn đứng bàng quan suy tư chiêm niệm mà phải hành động và bắt tay ngay vào công việc.
Sau khi vừa mới lên ngôi Giáo Hoàng với danh hiệu Gregory III, Hoàng đế Leo II chống đối việc tôn kính các ảnh tượng vì cho đó là thờ lạy ảnh tượng trái với diều răn Thiên Chúa, nên ra lệnh hủy bỏ và đập phá tất cả mọi tượng ảnh.
Gregory không đứng nhìn mà viết ngay một thông tư phản đối gởi cho Hoàng đế Leo II. Hoàng đế không nhận được thư vì vị linh mục đưa tin sợ hãi không dám trao thư. Thánh Gregory III liền triệu tập ngay Thượng Hội Đồng đưa ra những biện pháp mạnh chống lại những ai đòi hủy bỏ tượng ảnh Chúa Giêsu, Ðức Bà Maria và các Thánh.
Hoàng đế Leo II nghĩ đến việc phải dùng sức mạnh mới có thể hạ bệ Ðức Gregory III được mà thôi, nên đã gởi ngay một hạm đội chiến thuyền đến bắt Ðức Gregory III để đưa về Constantinople trị tội. Nhiều nhóm ở Roma cũng muốn dựa thời cơ tìm cách bứng ngài đi, nhưng ngài vẫn đứng vững vì Chúa muốn. Một cơn bão lớn đã đánh chìm tất cả chiến thuyền của Hoàng đế Leo. Sau đó điều mà Leo có thể làm được là đánh chiếm một ít đất đai của Tòa Thánh Roma. Gregory III vẫn đứng vững ở đó để làm những công việc mà Chúa đã giao phó.Thánh Gregory III ở ngôi Giáo Hoàng từ năm 731 cho đến khi được Chúa gọi về vào năm 741.
- Viết bởi Joseph Trương Văn Phúc
Thánh Juan Diego Một Mẫu Gương Khiêm Nhượng
(Saint Juan Diego, A Model of Humility)
Vào tháng Tư năm 1990, tại Vatican, Juan Diego được ÐTC Gioan Phaolô II nâng lên Bậc Ðáng Kính. Và một tháng sau, trong chuyến viếng thăm Ðền Thánh Ðức Mẹ Guadalupe lần thứ hai, ÐTC Gioan Phaolô II đã Chủ tế thánh lễ Phong Chân Phước cho Juan Diego.
Vào tháng Bảy năm 2002, ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm Ðền Thánh Ðức Mẹ Guadalupe một lần nữa, và tại đây, ngài Chủ tế Thánh Lễ Tôn Phong Hiển Thánh cho Juan Diego.
Thánh Juan Diego là ai?
Hầu hết các sử gia đều đồng ý rằng, Juan Diego sinh vào năm 1474, tại Calpulli hay còn gọi là Tlayacac ở Cuauhtitlan, nằm cách Tenochtitlan (Thành Phố Mexicô) khoảng 14 cây số về phía Bắc. Là một ngôi làng được các người của Bộ Lạc Nahua thiết lập vào năm 1168, và bị Lãnh Chúa Axayacalt của dân Aztec đánh chiếm vào năm 1467.
Tên thật của Juan Diego là Cuauhtlatoatzin, có nghĩa là " con người nói như đại bàng" hay "như đại bàng nói".
Tập tài liệu "Nican Mopohua" diễn tả ngài như là một "macehualli" nghĩa là "người thổ dân nghèo", một người không thuộc về bất cứ một tầng lớp xã hội nào, chẳng phải là Thực dân, Tư tế, Chiến sĩ hay Thương gia..., nhưng cũng không phải là một nô lệ; là một thành phần thấp nhất, loại cùng đinh trong thời đế quốc Aztec. Khi nói chuyện với Ðức Bà, ngài tự xưng mình là "một kẻ chẳng là gì" (a nobody), và để trả lời với Ðức Bà rằng ngài chẳng có địa vị gì đáng tín nhiệm để chuyển đạt mệnh lệnh của Ðức Bà tới Ðức Giám Mục.
Ngài là một người hăng say chăm lo làm việc tại nông trại chuyên sản xuất thảm cỏ. Ngài có một miếng đất nhỏ và ở trong một ngôi nhà nho nhỏ trên miếng đất đó. Ngài sống hạnh phúc bên người vợ hiền nhưng không có con.
Khoảng giữa năm 1524 đến 1525 ngài cùng với vợ gia nhập Giáo hội Công giáo và được Rửa tội với tên thánh là Juan Diego, và tên thánh của vợ là Maria Lucia. Ngài được Rửa tội bởi một cha thừa sai dòng Phanxicô nổi tiếng và rất đáng yêu tên là Fray Toribio de Benavente, và người thổ dân thường gọi cha với tên là "Motolinia", nghĩa là "kẻ nghèo hèn", vì ngài rất tốt lành và rất dễ mến với tất cả mọi người.
Dựa theo những nghiên cứu chính thức thủa ban đầu của Giáo hội về những sự lạ đã xảy ra, Những tài liệu về Ðức Bà Guadalupe vào năm 1666, Juan Diego là một tín đồ rất nhiệt thành, ngay cả trước khi ngài gia nhập Giáo hội Công giáo. Là một người đầy nghiêm nghị, trầm lặng và thường hãm mình đền tội và thường đi bộ từ nhà của ngài tới làng Tenochtitlan, cách xa khoảng 22 cây số, để được hướng dẫn về giáo lý.
Vợ của ngài bị bệnh và qua đời vào năm 1529. Sau đó, Juan Diego dọn nhà về ở với người chú tên là Juan Bernadino ở Tolpetlac, gần với nhà thờ ở Tlatilolco-Tenochtitlan hơn, chỉ cách khoảng 14 cây số.
Mỗi ngày thứ Bảy và Chúa Nhật, ngài đi bộ tới nhà thờ, thường đi từ sáng sớm, trước khi mặt trời mọc, để kịp tham dự Thánh Lễ và dự những giờ hướng dẫn giáo lý. Ngài đi bộ với chân không, giống như bao nhiêu người macehualli khác thuộc tầng lớp như ngài. Chỉ có những người thuộc những tầng lớp cao hơn của xã hội mới có giày hay xăng đan những loại được làm bằng sợi hay bằng da để mang, Vào những ngày lạnh giá, ngài thường mặc một chiếc áo "tilma" vải thô quấn choàng qua vai, loại vải bông thì chỉ có những người dân Aztec thuộc hạng cao cấp hơn mới có mà mặc.
Một trong những lần trên đường đi bộ tới Tenochtitlan, khoảng 3 tiếng rưỡi để đi từ làng và qua các ngọn núi, và ngài đã gặp Ðức Mẹ hiện ra vào lần thứ nhất tại một địa điểm mà ngày nay gọi là "Capilla del Cerrito", tại nơi này, Ðức Mẹ nói với ngài bằng tiếng thổ dân của ngài. Ðức Mẹ gọi ngài là "Juanito, Juan Dieguito", "Người con khiêm nhượng nhất của Ta", "người con bé mọn nhất của Ta", "người con bé nhỏ yêu dấu của Ta".
Lúc đó ngài đã 57 tuổi, chắc chắn đã là lứa tuổi đủ già đối với một người đàn ông đã trên 40 rồi.
Sau sự lạ Ðức Mẹ hiện ra tại Guadalupe, Juan Diego dọn đến ở trong một căn phòng sát với Nhà Nguyện có giữ Bức Ảnh Thánh, sau khi đã trao hết công việc làm ăn và của cải cho người chú; và ngài sống những ngày còn lại của cuộc đời để phổ biến sự lạ Ðức Mẹ hiện ra cho những người đồng hương của ngài.
Ngài qua đời vào ngày 30 tháng 5 năm 1548, hưởng thọ 74 tuổi.
Juan Diego là một người yêu mến Phép Thánh Thể, và được phép đặc biệt của Ðức Giám Mục cho phép ngài được lãnh nhận Phép Thánh Thể 3 lần trong một tuần, được nhiều hơn bình thường theo như quy định vào thời đó.
ÐTC Gioan Phaolô II ca tụng đức tin đơn sơ và việc chăm chỉ học giáo lý của Juan Diego, và đặt ngài (là người tự xưng với Ðức Mẹ: "con chỉ là một kẻ chẳng là gì, con chỉ là một sợi giây nhỏ, một chiếc thang tí hon, một mẩu đuôi, một chiếc lá") là mẫu gương của sự khiêm nhượng cho tất cả mọi người chúng ta.
(Rev. Joseph Trương Văn Phúc
chuyển dịch từ tài liệu về Ðức Mẹ Guadalupe bằng tiếng Anh
Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội
» Lễ ngày 8 tháng 12
Một trong những lễ đẹp lòng trái tim Mẹ Maria nhất, chắc chắn là lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thánh lễ này nhằm tôn kính đặc ân riêng cho Mẹ là đã được thụ thai trong lòng Thánh Anna một cách tinh tuyền không vương tì ố.
Thiên Chúa đã giữ gìn Mẹ khỏi tội tổ tông, tội mà vì mọi người chúng ta khi sinh ra đều vướng mắc vì thuộc dòng giống Adam.
Đức Maria, do một đặc ân duy nhất, từ lúc hình thai, vẫn luôn tinh tuyền xinh đẹp trước mặt Chúa.
Bởi vậy, do ơn thánh và do cuộc sống, Mẹ luôn là đối tượng đẹp mắt Chúa, theo như lời Thánh Kinh đã được quy về Mẹ: Mẹ tuyệt mỹ, không hề vương vấn tội tình.
Người ta có thể tự hỏi, làm sao lại có đặc ân này? Để trả lời cho trường hợp đặc biệt này, chúng ta chạy đến ơn phúc của Chúa Giêsu Kitô.
Ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã có sức mạnh toàn năng để cứu nhân loại khỏi tội nguyên tổ, cũng đã giữ gìn cho Mẹ khỏi tội tổ tông.
Chắc chắn đây là một phép lạ, nhưng phép lạ này không lạ lùng hơn các điều kỳ diệu trong cuộc đời Đức Mẹ. Hơn nữa, các dặc ân khác Đức Mẹ thụ hưởng mà chúng ta chấp nhận sễ dàng, đều là hiệu quả của ơn vô nhiễm nguyên tội và giả thuyết ơn huệ này, nếu chối bỏ ơn vô nhiễm nguyên tội, mỗi biến cố trong cuộc đời Đức Maria đều giả thiết một phép lạ mới, nhưng với ơn vô nhiễm nguyên tội, mọi điều đều có thể giải thích được dễ dàng, vì không vương mắc tội nguyên, Mẹ Maria vượt qua tất cả những gì là hiệu quả và hình phạt do tội gây nên, như tình tư dục, thống khổ và tan rữa sau khi chết.
Con người không mắc tội nguyên tổ là một bí ẩn không thể giải thích nổi. Đức Maria, nếu mắc tội nguyên tổ lại còn là một bí ẩn khó giải thích hơn nữa. Niềm tin vào sự vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria là một niềm tin không thễ thay đổi.
Các nhà thần học đã chứng minh điều đó, các giáo phụ giảng dạy, các nhà giảng thuyết phổ biến... nhưng thời đại của chúng ta được thấy sự vinh quang cao cả này trở thành tín điều trong đức tin Kitô giáo, ngày 8-12-1854, trước sự hiện diện của 54 hồng y, 42 tổng giám mục và 92 giám mục cùng đoàn người đông đảo, Đức Giáo hoàng Piô IX, vị đại diện Chúa Kitô, đã tuyên bố tín điều từ bao thế kỷ đợi trông.
Chúng ta kể ra một vài lý do khiến Giáo Hội công bố tín điều: Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.
1. Chúa Giêsu Kitô, vì sự thánh thiện của Ngài, phải được sinh ra bởi người mẹ vô nhiễm nguyên tội. Đấng thấy cả tì vết nơi các thiên thần, lại chịu sinh ra từ một thân thể bị nhơ nhớp vì tội lỗi được sao? Thân xác của Chúa Kitô là xác thân bởi Mẹ Maria.
Vậy nếu Mẹ Maria thụ thai trong tội, hẳn Ngài đã thông truyền cho Chúa Giêsu một xác thể bị nhơ uế vì tội lỗi. Quả là một điều ô nhục cho Chúa Giêsu một xác thể bị nhơ uế vì tội lỗi. Quả là một điều ô nhục cho Chúa!
2. Vinh quang của Chúa Giêsu phải giữ cho Mẹ Người khỏi vết nhơ tội nguyên. Mục đích của Chúa Con khi xuống trần gian này là để huỷ diệt sự uy quyền của quỷ dữ và tội lỗi. Người đã thắng ma quỷ khi nhờ phép rửa tội, đưa các Kitô hữu ra hỏi vòng tội lỗi, thanh tẩy các tội nhân nhờ phép giải tội.
Người đã thắng ma quỷ cả trước khi Người sinh ra, như khi thánh hoá từ lòng mẹ tiên tri Giêrêmia, Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Giuse bạn Đức Trinh Nữ.
Nhưng những chiến thắng này chưa hoàn toàn. Còn một lúc mà quyền lực hoả ngục khoe khoang rằng: có thể làm cho ơn thánh bị vô hiệu, đó là lúc thụ thai. Vậy sự chiến thắng sẽ hoàn hảo nếu Mẹ Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội, đặc ân này thể hiện lời hứa đã được loan báo từ trước: “Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp nát đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân” (St 3,15).
Niềm tin vào ơn vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria đã được chính Đức Mẹ chứng thực. Năm 1858, nghĩa là chỉ bốn năm sau ngày tuyên bố tín điều, Mẹ đã hiện ra tại Lộ Đức và tuyên bố: Ta là Đấng vô nhiễm nguyên tội ngay từ buổi đầu thai.
Việc mừng trọng thể lễ Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội vào Mùa Vọng có một ý nghĩa đặc biệt, như mừng “cuộc chuẩn bị căn bản cho Đấng Cứu Thế xuất hiện, vầng đông sáng tươi của một Hội Thánh không tì vết” (Marialis Cultus 3).
- Viết bởi Hạnh các Thánh
Thánh Ambrosiô, Giám mục, Tiến sĩ
- Lễ ngày 07 tháng 12.
Thánh Ambrôsiô chào đời khoảng năm 339 tại Augusta Trevororum. Cha ngài, ông Aurlio Ambrôsiô làm tổng trấn xứ Gauules và là nghị sĩ viện quí tộc.
Nhưng ông chết sớm, mẹ ngài trở về Roma với 3 người con: Ambrosiô. Marcellina và Satyra, cả 3 đều nên thánh.
Ambrôsiô chưa lãnh phép rửa tội như thói quen thời ấy hay chần chừ, sợ mất ơn phép rửa tội, nhưng ngài đã sống tuổi thơ ấu đạo đức.
Lớn lên, ngài tỏ ra thông minh đặc biệt, nổi tiếng về thơ văn, tài hùng biện và luật pháp. Thuộc dòng quí tộc, Ambrôsiô được đặt làm lãnh sự tỉnh Emilia và Liguria với thị trấn là Milan.
Probus, vị tổng trấn theo Kitô giáo đã khuyên ngài: “Hãy đi và hành động như một giám mục hơn là quan án”.
Và người ta thán phục nhà quí tộc Kitô giáo vì sự khôn ngoan tỉnh thức và hiền hậu của ngài. Giám mục Milan qua đời, một cộng đoàn tập hợp trong nhà thờ, người ta gây ồn ào xáo trộn tại đó vì chiahai phe: phe Công giáo và phe theo Ariô. Ambrôsiô với tư cách là nhà cầm quyền đã đến dàn xếp. Ngài diễn thuyết kêu gọi hoà bình và khuyên dân chúng khôn ngoan chọn lựa, ngài nói một cách đáng phục đến nỗi mọi tín hữu đều một tiếng kêu lớn: “Ambrôsiô làm giám mục”.
Hết còn phân ly, người ta ôm nhau khóc vì vui mừng. Hoàng đế Valentinô đã chuẩn nhận việc tuyển chọn bất ngờ này.
Lúc ấy, Ambrôsiô còn là một dự tòng, nên cảm thấy mình bất xứng để làm cha linh hồn của cả đoàn dân Ngài. Ngài đã có lần trốn thoát đến nỗi còn muốn gây cớ xúc phạm để tỏ ra bất xứng, nhưng vẫn không đánh lừa nổi ai. Ngài còn viết thư cho các giám mục và hoàng để xin cáo lui, nhưng hoàng đế còn bày tỏ lòng thán phục: “Không có một tinh thần nào ngay chính hơn, đây là một tay lái không thể uốn cong được”.
Ambrôsiô dành nhiều miễn cưỡng chấp nhận. Ngày 24-11, ngài chịu phép Rửa Tội. Ngày 7-12-374, ngài đã thụ phong linh mục và được thánh hiến giám mục. Ngài nói: “Tôi bắt đầu dạy dỗ điều mà tôi không được học”.
Ambrôsiô không coi mình như người thuộc thế gian nữa, ngài phân phát của cải cho người nghèo và dâng đất đai cho Giáo Hội. Một phần đêm khuya dành để cầu nguyện và học hỏi. Ngài học các tác phẩm Kitô giáo, nhất bằng tiếng Hy Lạp và đào sâu thần học. Buổi rạng đông, dâng lễ rồi vào bàn làm việc.
Ngài rao giảng để tái hồi giáo phận bị xáo trộn bởi phái Ariô. Ngài mở rộng cửa tiếp đón mọi người cần đến mình. Thánh Augustinô mà ngài góp phần cải hóa đã gọi ngài là thầy. Khi dạy dỗ, ngài tỏ ra hiền hậu mà người ta gọi là “sự ngọt ngào của Ambrôsiô”.
Khi ngồi toà, ngài đã khóc như chính mình là tội nhân. Không có giờ ăn, ngài như chay tịnh liên tiếp. Việc mục vụ nặng nề không ngăn cản ngài tỏ ra là một thủ lãnh quyết bảo vệ đức tin Công giáo.
Ở Roma, tại cung điện nữ hoàng Justina theo Ariô, muốn chiếm nhà thờ Milan, giám mục chống lại và quyết bảo vệ thánh đường. Từ Chúa Nhật Lễ Lá tới Thứ Năm Tuần Thánh, một đoàn người công hãm thánh đường. Ambrôsiô dùng việc giảng dạy và thánh ca để giữ tín hữu.
Những người yêu mến Ngài làm thành một hàng rào bao quanh ngài. Cuối cùng, chiến thắng về tay Ambrôsiô. Ngài vẫn luôn tỏ thái độ cương quyết như thế.
Đế quốc rơi vào tay Theodosiô. Vị tân hoàng đế rất quí chuộng và kính trọng giám mục. Đức giám mục cũng yêu mến ông bằng tình phụ tử, nhưng không vì thế mà thành ra yếu đuối bất công. Theodosiô trên đài vinh quang, để trừng phạt cuộc nổi loạn ở Thesalonica, đã ra lệnh tàn sát dã man.
Thánh Ambrôsiô viết thư quở trách, bắt ông hối cải và cấm vào thánh đường. Ít lâu sau, Theodosiô chiến thắng trở về Milan với binh sĩ muốn vào thánh đường, đức giám mục đứng ở cưả ngăn ông lại và trách cứ ông. Hoàng đế lui về hoàng cung thống hối trong tám tháng.
Ngày lễ Giáng Sinh, ông khóc lóc xin tha tội. Ông cởi áo bào, phục dưới thềm nhà thờ và xếp hàng giữa đám tội nhân công khai. Không bao giờ ông còn chiếm chỗ danh dự nơi cung thánh nữa. Dân Milan rất thán phục vị vua đã đền tội cách quảng đại như vậy.
Về sau, ông lại đi dẹp một cuộc nổi loạn mới. Thánh Ambrôsiô lại viết cho ông: “Chiến thắng của vua sẽ bất toàn nếu vua không tha cho các kẻ nổi loạn”.
Vua đã tha. Trở về, Ambrôsiô ôm ông và khóc vì vui mừng. Vua đã qua đời trong tay vị giám mục. Với hoàng tử kế vị. Thánh Ambrôsiô nói: “Ông không phải làm vua để phục vụ lợi ích gia đình mình thôi, nhưng là để cai quản mọi người”.
Và đối với vị vua băng hà, thánh Ambrôsiô nói: “Tôi yêu mến con người này, vì đã ưa người quở trách mình hơn bọn nịnh thần. Hoàng đế đã không mắc cỡ khi hoàn tất việc thống hối công khai và không ngày nào mà không khóc lỗi lầm mình”.
Thánh Ambrôsiô còn sống thêm hai năm sau cái chết của vua Theodosiô. Nghe loan báo về cơn bệnh của ngài, một viên chức của nhà vua tuyên bố: “Con người này mà chết đi thì Italia sẽ bị đe doạ tàn phá đến nơi”.
Danh tiếng của ngài vang dội đến nỗi rợ dân đã không dám chống lại ngài. Có những thủ lãnh tin rằng: ngài có thể ngưng mặt trời lại. Ngài đã hạnh phúc dùng thư tín mà cải hoá được nữ hoàng Marcômans.
Trước khi qua đời ngày 4-4-379, ngài đã tổ chức các tòa giám mục miền bắc Italia. Theo một tường thuật, ngài đã nằm, tay chéo lại như hình Thánh giá và người ta có thể thấy như môi ngài vẫn cầu nguyện không ngừng.
Gần mộ ngài sẽ đặt phần mộ Marcellina, người em mà ngài yêu quý hơn cả. Con người và sự sống của thánh nữ chính nhờ sự dẫn dắt của ngài đã hiến mình cho Thiên Chúa. Thánh Ambrôsiô đã để lại một công trình đáng kể.