Dân Chúa Âu Châu

LỄ KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

BÀI ĐỌC I: Cv 4, 32-35

"Họ đồng tâm nhất trí".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Lúc bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 117, 2-4. 16ab -18. 22-24

Đáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Đức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: "Đức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: "Đức từ bi của Người muôn thuở". - Đáp.

2) Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp tôi cho tử thần. - Đáp.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Đây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Ga 5, 1-6

"Mọi cái sinh ra bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa, và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Đấng đó. Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con cái Thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người. Vì chưng, lòng yêu mến Thiên Chúa là chúng ta tuân giữ giới răn Người, và giới răn của Người không nặng nề.

Vì những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Đấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Đức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa, có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 20, 29

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". - Alleluia.

 

PHÚC ÂM: Ga 20, 19-31

"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Đoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người. Đó là lời Chúa.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Chúa Giêsu sống lại củng cố niềm tin, và sai chúng ta đi làm chứng cho Người. Chúng ta hân hoan cảm tạ Chúa và phấn khởi cầu xin.

  1. 1. Trên đường làm chứng Chúa Giêsu phục sinh, Hội Thánh luôn gặp gian nan thử thách. Xin cho Hội Thánh vượt qua mọi khó khăn trở ngại, để đem tin vui Phục Sinh đến cho mọi người.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

  1. 2. Nhân loại ngày càng tin theo của cải vật chất hơn là tin Chúa. Xin cho mọi người tin theo Chúa là nguồn sống, và là nguồn hạnh phúc muôn đời.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

  1. 3. Ðời sống bác ái và đạo đức của các tín hữu sơ khai là chứng tá tuyệt vời Chúa Giêsu Phục Sinh. Xin cho các Kitô hữu biết hy sinh giúp đồng loại, và siêng năng cầu nguyện dự lễ để làm chứng cho Chúa.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

  1. 4. Chúa đã nhờ các tông đồ làm chứng Chúa sống lại. Xin cho các tín hữu họ đạo chúng ta biết làm chứng cho Chúa, bằng đời sống bác ái và gương mẫu hằng ngày.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa biết chúng con hèn kém tội lỗi. Xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con trung thành tin theo Chúa và làm chứng Chúa sống lại.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

08/04/2018 - CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS – B

KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Ga 20,19-31

DẤU VẾT RIÊNG CỦA MÔN ĐỆ

“Bình an cho anh em… Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em... Hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20,19.21.22)

Suy niệm: Chúa Phục Sinh hiện đến, trao ba điều: bình an, sứ mạng, và Thánh Thần. Chúa Phục Sinh hiện diện bằng xương bằng thịt nhưng chỉ tạm thời thôi. Rồi Người sẽ về cùng Cha. Người vẫn tiếp tục hiện diện với các môn đệ ‘mọi ngày cho đến tận thế’, nhưng là trong Thánh Thần, bảo chứng của bình an và nguồn lực của sứ mạng. Từ đây, ‘dấu vết riêng’ ghi trong căn cước của người môn đệ Chúa Giê-su sẽ là sự hiện diện của Thánh Thần. Không thể trực tiếp thấy Thánh Thần nơi tôi, nhưng thế giới có thể thấy dấu vết của Ngài nơi sứ mạng của tôi và nơi sự bình an sâu thẳm (phát tiết thành niềm vui sâu thẳm) trong tâm hồn tôi, cho dẫu bao thăng trầm, bao nghịch cảnh.

Mời Bạn: ‘Dấu vết riêng’ của người môn đệ Chúa có nơi bạn không? Tôi có đang thi hành sứ mạng (bằng hình thức nào đó) không? Tôi có đang thật sự cảm nếm niềm bình an sâu xa không? Nói cách khác: tôi có đang sống trong Thánh Thần của Chúa Phục Sinh không?

Chia sẻ: Bạn đã từng cảm nghiệm được niềm bình an sâu xa mà ngay giữa hoàn cảnh đầy bất an và tăm tối chưa? Sự bình an đó có gắn liền với sứ mạng và với kinh nghiệm của bạn về Chúa Thánh Thần không?

Sống Lời Chúa: Chu toàn bổn phận hằng ngày của bạn theo sự hướng dẫn của Thánh Thần và với tâm hồn bình an để những Tô-ma của ngày nay thấy được và sờ được sự hiện diện sống động của Chúa Phục Sinh qua cuộc sống của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin chiếm lĩnh trọn vẹn con người con, để con không bao giờ đánh mất bình an, và không bao giờ xa rời sứ mạng. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

8 THÁNG TƯ

Chia Sẻ Kinh Nghiệm Riêng Của Mình Cho Người Khác

“Thiên Chúa đã nâng Đức Giêsu dậy, và tất cả chúng tôi làm chứng về điều đó” (Cv 2,32).

Chứng từ của đức tin về Chúa Phục Sinh là một mối dây gắn kết tất cả các thành viên của Dân Thiên Chúa lại bằng một cách thế đặc biệt. Công Đồng đã đúc kết tiếng gọi này thành một lời hiệu triệu rõ ràng cho tất cả mọi giáo dân. Công Đồng tuyên bố rằng sứ mạng này đúng thực thuộc về mọi người giáo dân, do họ đã tháp nhập vào Đức Kitô qua Phép Rửa: “Mỗi người giáo dân phải là một chứng nhân cho thế giới về sự sống lại và về sự sống của Chúa Kitô” (GH 38).

Một cách thiết yếu, làm chứng nghĩa là chứng thực về sự chắc chắn của một sự thật – và sự chắc chắn này, một cách nào đó, là kết quả của kinh nghiệm bản thân. Một số phụ nữ đã là những người chứng đầu tiên về cuộc Phục Sinh của Chúa (Mt 28,5-8). Khi họ đến cửa mộ, họ không thấy Đức Giêsu, nhưng họ bắt đầu chắc chắn về sự Phục Sinh của Người vì ngôi mộ trống rỗng và vì thiên thần nói với họ rằng Người đã sống lại. Đó là cuộc hạnh ngộ nguyên sơ nhất của họ với mầu nhiệm Phục Sinh. Kinh nghiệm của họ về Chúa càng đạt thêm giá trị khi Đức Giêsu hiện ra với các Tông Đồ và các môn đệ trên đường về Emmau.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 08/4

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

(Chúa Nhật lòng thương xót của Thiên Chúa)

Cv 4, 32-35; 1Ga 5, 1-6; Ga 20, 19-31.

LỜI SUY NIỆM: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em! Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các ông vui mừng, vì được thấy Chúa.”

Chúa Giêsu Phục Sinh đến với các Tông Đồ không phải mang một thân xác vinh quang sáng chói như thân xác Người đã tỏ ra cho ba môn đệ trên núi cao, nhưng Người đến với thân xác có ghi dấu đinh, lưỡi đòng đâm thủng trên thân thể Người. Thân thể của tình yêu tự hiến  và vâng phuc Chúa Cha, để ban bình an cho các Tông Đồ và cho tất cả nhân loại đang nằm trong lo sợ.

Lạy Chúa Giêsu. Mão gai, dấu đinh nơi chân và tay và vết đâm ở cạnh sườn của Chúa chỉ có trên thân xác của Chúa. Chính những nơi này, tên của chúng con đã được Chúa ghi vào, và chính Chúa đã đưa ra cho chúng con thấy. Xin cho chúng con ghi sâu vào tâm hồn chúng con mà đền đáp tình yêu của Chúa đã yêu thương và tha thứ tất cả tội lỗi của chúng con, để được làm hòa lại với Chúa Cha, nhờ đó chúng con làm hòa lại với anh em mình.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

08 Tháng Tư

Cái Này Của Tôi

Hai hiền nhân đã chung sống với nhau dưới một mái nhà trải qua nhiều năm tháng, nhưng không bao giờ họ lớn tiếng cãi vã nhau. Một hôm kia, một người có ý nghĩ ngộ nghĩnh. Ông bảo bạn:

"Ít ra là một lần, tôi muốn chúng ta phải cãi vã nhau, như chúng ta thấy thiên hạ thường làm".

Ông kia không khỏi ngạc nhiên về ý nghĩ kỳ lạ này, nhưng chiều bạn, ông ta hỡm hờ hỏi: "Cãi vã thế nào được, ít ra chúng ta phải tìm ra một việc gì chính đáng để cãi nhau chứ". Người có ý kiến phải cãi nhau đề nghị: "Này nhé, dễ lắm! Tôi để một viên đá ra giữa sân và quả quyết viên đá này là của tôi. Ông phải phùng mang trợn mắt, đỏ mặt tía tai và lớn tiếng cãi lại: làm gì có chuyện đó, viên gạch là của tôi. Rồi sau đó chúng ta cãi nhau".

Nói xong ông ta bèn ra đường và tìm một viên đá to, khệ nệ khiêng ra đặt ở giữa sân. Ông bạn kia bắt đầu ngay, ông ta lớn tiếng:

"Viên đá đó của tôi mà mắc mớ gì ông lại mang ra giữa sân". Ông kia cãi lại: "Viên đá này là của tôi. Tôi vừa tìm được ở ven đường. Bộ ông mù rồi sao mà không thấy?". Nghe nói thế, ông kia đáp:

"À phải rồi, viên đá đó ông tìm được thì đúng là của ông rồi. Vả lại tôi cũng không cần có đá để làm gì".

Nói xong, ông ta bỏ đi làm việc khác. Thế là ý định cãi nhau của hai người không được thành tựu như ý muốn.

Ngay từ thuở bập bẹ nói được, con người đã học câu "Cái này là của tôi" để thể hiện quyền làm chủ của mình. Quan sát các cuộc cãi nhau của trẻ con, chúng ta nghe thấy câu nói đó được lặp đi lặp lại nhiều nhất.
Rồi trong xã hội của những người lớn, dù có những cách nói hoa mỹ hay những lý luận có vẻ hợp lý hơn, nhưng chung quy phần lớn những mối bất hòa vẫn xoay xung quanh câu xác quyết "Cái này là của tôi".

Trẻ con tranh nhau hòn bi, trái banh. Người lớn giành nhau địa vị, lợi lộc. Quốc gia tranh nhau đất đai, hòn đảo, vùng ảnh hưởng, môi trường tiêu thụ.

Trẻ con dùng lời vã cãi nhau, dùng thoi đánh đấm nhau. Người lớn dùng bạo lực, thủ đoạn thanh toán nhau. Quốc gia dùng khí giới, bom đạn giết hại, tàn phá nhau.

Ngược lại bẩm tính thích tranh nhau chiếm hữu này, sứ điệp của Giáo Hội luôn vang lên hai tiếng: Chia sẻ.

Ở Hoa Kỳ, mỗi gia đình công giáo được phân phát một hộp giấy, để trong suốt Mùa Chay, mỗi phần tử trong gia đình bỏ vào đấy những đồng tiền tiết kiệm do bớt ăn, bớt uống, bớt chi tiền vào những việc giải trí. Cuối Mùa Chay, những số tiền dành dụm đó được đóng góp vào quỹ dành cho việc tài trợ những chương trình cứu tế xã hội trong và ngoài nước.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật II Phục Sinh, Năm B

Bài đọc: Acts 4:32-35; I Jn 5:1-6; Jn 20:19-31.

 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hậu quả của niềm tin vào Chúa sống lại.

Tin thế nào sống thế ấy: Nếu không tin vào sự sống lại, con người sẽ chỉ biết sống theo những giá trị đời này; nhưng nếu tin vào sự sống lại của Đức Kitô, con người sẽ sống theo những giá trị mà Ngài răn dạy. Niềm tin vào sự sống lại không những giúp con người vượt qua những đau khổ của cuộc sống, mà còn biết giúp con người biết tuân giữ những gì Chúa dạy.

Các Bài Đọc hôm nay cho thấy sự quan trọng của niềm tin vào sự sống lại của Đức Kitô. Trong Bài Đọc I, niềm tin vào Chúa phục sinh giúp các tín hữu đầu tiên biết yêu thương nhau; họ bỏ mọi sự làm của chung, để không ai phải thiếu thốn gì cả. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Gioan I, xác nhận: Ai yêu mến Thiên Chúa, cũng yêu mến Đức Kitô, Con Thiên Chúa; và nếu ai yêu mến Thiên Chúa, cũng thắng thế gian, vì thế gian từ chối không nhận biết Ngài. Trong Phúc Âm, tác giả tường thuật hai lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ: Lần đầu không có sự hiện diện của Thomas, Chúa ban bình an và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Lần thứ hai, Chúa hiện đến với các tông đồ và có sự hiện diện của Thomas. Ngài thách thức ông hãy xỏ ngón tay ông vào các lỗ đinh đóng của Ngài, để ông tin Chúa vẫn sống.

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sức mạnh của niềm tin vào Chúa sống lại

1.1/ Các tín hữu bỏ mọi sự làm của chung: Chủ nghĩa cộng sản mơ ước có được một mô hình lý tưởng này; nhưng họ đã thất vọng ê chề, vì con người có thói quen vơ vét. Họ dám lấy ngay cả của chung để làm của riêng. Mấy chục năm qua, người cộng sản chẳng những đã không thực hiện được mơ ước “thiên đàng trần gian;” mà còn làm cho những bất công xã hội ra nặng nề hơn.

Trình thuật của Sách TĐCV đề cập tới mô hình lý tưởng của cộng đòan các tín hữu đầu tiên: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.” Để làm được điều này, các tín hữu phải có niềm tin vững mạnh nơi sự quan phòng của Thiên Chúa và nhất là niềm tin vào Đức Kitô sống lại. Nếu Thiên Chúa đã quan phòng mọi sự, tại sao phải lo lắng đến ngày mai? Nếu Đức Kitô đã chinh phục sự chết, còn uy quyền nào lớn hơn uy quyền của Thiên Chúa? Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.

1.2/ Mọi người đều có đủ dùng: “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.” Lý do chính giúp các tín hữu đầu tiên có thể làm được chuyện này là niềm tin vào sự sống lại. Truyền thống Do-thái tin hạnh phúc có được là chỉ ở đời này. Gần thời của Chúa, niềm tin vào đời sau bắt đầu được đề cập đến, nhưng chưa rõ ràng lắm (Sách Daniel và Macabbees). Khi Chúa Giêsu đến, Ngài làm sáng tỏ quan niệm này bằng dạy dỗ (Jn 6:39-40) và chứng minh bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài. Nếu các tín hữu tin có sự sống lại, họ sẽ không quyến luyến quá nhiều vào của cải vật chất nữa, nhưng biết sống làm sao để đạt hạnh phúc đời sau.

Trong xã hội con người, bất công xã hội thường xảy ra: Người giầu có, có quá nhiều, đến chỗ dư thừa; người nghèo khó, thiếu quá nhiều, đến nỗi hóa bần cùng. Cả hai hạng người đều có lý do để biện minh cho mình. Người giầu đưa lý do: tôi làm ăn lương thiện, không ăn cắp của ai, và xứng đáng được hưởng những gì do tay tôi làm ra. Người nghèo trả lời: “Ở đời muôn sự của chung.” Tất cả là của Thiên Chúa ban cho con người, và mọi người đều là con cái Thiên Chúa. Con người không phải là chủ nhân, nhưng chỉ là quản lý của những của cải. Chúng tôi nghèo, không phải vì chúng tôi lười biếng, nhưng vì không có cơ hội để làm ăn. Hãy cho chúng tôi cơ hội, chưa chắc chúng tôi đã túng nghèo như vậy. Thực ra, để giải quyết bất công xã hội và cho mọi người có cơ hội đồng đều, Thiên Chúa đã thiết lập năm Jubilee, xảy ra mỗi 50 năm (x/c Lev 25). Trong năm này, mọi ruộng đất tài sản phải được trả về cho chủ nhân cũ, vì quá túng nghèo mà phải bán đi. Mục đích của năm này là để mọi người đều có cơ hội làm lại cuộc đời.

2/ Bài đọc II: Yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người.

2.1/ Ai yêu mến Thiên Chúa, cũng yêu mến Đức Kitô: Có một sự hợp lý tòan vẹn trong đạo lý của Đức Kitô: Ai yêu Thiên Chúa, người đó cũng phải yêu những kẻ được Đấng ấy sinh ra, các con Thiên Chúa; cách riêng: Đức Giêsu Kitô. Vì thế, khi người nào nói mình yêu Thiên Chúa, người ấy cũng phải yêu Đức Kitô và tha nhân. Chúa Giêsu đã từng tranh luận với người Do-thái về điểm này khi Ngài nói: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi” (Jn 8:42).

Yêu Thiên Chúa không chỉ bằng lời nói, nhưng phải biểu tỏ bằng việc làm. Thánh Gioan khuyên nhủ các tín hữu: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người. Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu.”

2.2/ Ai tin vào Đức Kitô là thắng thế gian: Để hiểu điều này, chúng ta cần phải phân biệt các ý nghĩa khác nhau khi Gioan nói về thế gian (ko,smoj): (1) thế gian là trái đất, nơi con người sinh sống; (2) tất cả con người, nhất là những người chống lại Thiên Chúa; (3) cách sống hay tiêu chuẩn giá trị của thế gian, nhất là những tiêu chuẩn đối nghịch với Thiên Chúa; và (4) đồ trang sức (1 Pe 3.3). Theo văn mạch, tác giả có lẽ ám chỉ theo nghĩa (3) của thế gian ở đây: “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa? Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật.” Những người chống Thiên Chúa là những người không tin Đức Kitô được Thiên Chúa sai đến, hay những người chỉ tin vào thiên tính, hay vào nhân tính của Người. Hơn nữa, Gioan còn nhấn mạnh: “Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta.”

3/ Phúc Âm: Phúc thay những người không thấy mà tin.

3.1/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ, lúc không có Thomas.

(1) Bình an của Chúa Giêsu: Sự lo lắng và sợ sệt làm con người bất an, như trình thuật kể tâm trạng của các tông đồ vào những ngày sau khi Chúa chết: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái.” Đang khi các ông hoảng hốt lo sợ như thế, Đức Giêsu biết rõ các ông cần điều gì nhất. Ngài đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.”

Bình an các ông có được là nhờ tin Đức Kitô sống lại. Các ông tưởng sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy Ngài nữa, và còn đang bị khủng hoảng bởi những việc mới xảy ra; nhưng giờ đây các ông vui mừng vì được thấy Ngài bằng xương bằng thịt. Hơn nữa, Ngài còn chứng minh cho các ông biết tất cả những gì Ngài đã nói với các ông là sự thật, tất cả những gì Ngài tiên báo về Cuộc Khổ Nạn của Ngài đều hiện thực. Sự hiện diện của Đức Kitô mang lại cho các ông sự bình an đích thực trong tâm hồn, vì Ngài bảo đảm cho các ông uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa, được biểu lộ qua Đức Kitô.

(2) Lệnh được sai đi: Khi Đức Kitô chọn các tông đồ, Ngài muốn các ông tiếp tục thi hành sứ vụ Ngài đã khởi sự; nên Người lại nói với các ông: “"Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."” Sự bình an các tông đồ có được, không phải chỉ do sự hiện diện của Đức Kitô, nhưng còn do sự hiện diện và quyền năng của Thánh Thần, mà Đức Kitô đã thổi hơi vào các tông đồ. Với sự bình an và quyền năng của Thánh Thần, Ngài sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Trước đây, sự lo lắng và sợ hãi làm cho các ông không dám sống và làm chứng cho sự thật; nhưng giờ đây, sau khi đã cảm nhận được sự bình an qua niềm tin vào Chúa sống lại và sức mạnh của Thánh Thần; các tông đồ mở tung cửa đi vào thế giới và làm chứng cho Đức Kitô. Các ông biết nếu Đức Kitô đã chinh phục kẻ thù ghê gớm nhất là sự chết, còn gì phải sợ nữa.

3.2/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ, có cả Thomas.

(1) Sự cứng lòng của Thomas: “Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Thomas, cũng gọi là Didymus, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Thomas đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."        Chúng ta đừng vội trách Thomas, vì các tông đồ khác cũng từng cứng lòng như ông khi họ chưa nhìn thấy Chúa. Tuy nhiên, cách thức “khi nhìn thấy mới tin” chỉ là một trong nhiều cách thức con người dùng để tin một điều là sự thật.

(2) Phản ứng của Thomas khi nhìn thấy Chúa: "Tám ngày sau, các môn đệ của Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Thomas ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Thomas: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."

Ông Thomas thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. " Lời thưa của Thomas không đơn thuần chỉ là niềm tin vào Chúa sống lại; nhưng là lời tuyên xưng Đức Kitô là Thầy và là Thiên Chúa của ông. Tin khi đã thấy là cách thức thấp nhất con người dùng khi muốn tin điều gì là thật; nhưng Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến những cách thức cao hơn, khi Ngài nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” Con người có thể tin Thiên Chúa qua các việc Ngài làm trong vũ trụ, hay qua Kinh Thánh, hay qua lời chứng của các chứng nhân. Lề Luật Do-thái chỉ đòi lời của 2 chứng nhân có thế giá. Chúng ta đã có hàng triệu chứng nhân đã làm chứng cho sự phục sinh của Thiên Chúa.

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Tin thế nào, sống như vậy. Nếu chúng ta tin vào Đức Kitô, hãy sống những gì Ngài dạy; đừng sống như những người chỉ tin vào cuộc sống đời này.

- Niềm tin vào sự phục sinh của Đức Kitô phải giúp chúng ta vượt qua những lo lắng, buồn phiền, và sợ sệt của cuộc sống. Nếu một Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến độ ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài, còn gì quí giá hơn có thể ban mà Ngài từ chối không ban cho chúng ta. Nếu một Thiên Chúa uy quyền đến độ chinh phục được kẻ thù ghê gớm nhất của con người là sự chết, chúng ta còn phải sợ hãi gì nữa?

- Hãy đặt niềm tin hoàn toàn nơi Thiên Chúa, chúng ta mới có được sự bình an đích thực của Ngài. Sự bình an này sẽ giúp chúng ta biết sống và làm chứng cho Đức Kitô phục sinh.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP