Dân Chúa Âu Châu

Vị trí địa lý

Vịnh Hạ Long nằm ở Đông Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 165km, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Đây là vùng biển đảo được xác định trong tọa độ từ 106°56’ đến 107°37’ kinh độ Đông và 20°43’ đến 21°09’ vĩ độ Bắc với diện tích 1.553 km² gồm 1969 hòn đảo, trong đó 90% là đảo đá vôi. Phía Bắc và Tây Bắc Vịnh Hạ Long kéo dài từ thị xã Quảng Yên, qua thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, đến hết phần biển đảo huyện Vân Đồn; phía Đông Nam và phía Nam giáp bờ Tây Vịnh Bắc Bộ, phía Tây Nam giáp đảo Cát Bà (Hải Phòng). Vịnh Hạ Long bao gồm cả vịnh Bái Tử Long. Vịnh Bái Tử Long có giá trị tương đồng với khu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long về cảnh quan, địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và văn hóa lịch sử.

Nguồn gốc tên gọi

Tên Hạ Long nghĩa là “Rồng xuống”. Tên này chưa thấy được ghi chép trong các thư tịch cổ của nước ta từ trước thế kỷ XIX. Khi nói đến khu vực Vịnh Hạ Long ngày nay, sử sách xưa thường chép chung là biển Giao Châu, Lục Châu, Lục Thủy, Vân Đồn, Hải Đông, An Bang... mãi đến cuối thế kỷ XIX, tên Vịnh Hạ Long mới thấy xuất hiện trên bản đồ hàng hải Vịnh Bắc Bộ của Pháp.

Tên Hạ Long bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ? Trong dân gian từ bao đời nay vẫn lưu truyền câu chuyện huyền thoại gắn liền với sự ra đời tên gọi của Vịnh Hạ Long. Truyện kể rằng:

“Ngày xưa, khi người Việt mới lập nước, trong một lần nước Việt bị giặc ngoại xâm, trời sai rồng mẹ mang theo một đàn rồng con xuống giúp người Việt đánh giặc. Khi thuyền giặc từ biển cả ào ạt tấn công vào bờ thì đàn rồng cũng hạ giới. Đàn rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc, những châu ngọc ấy thoắt biến thành muôn vàn đảo đá sừng sững, liên kết lại như bức tường thành vững chãi, bất ngờ chặn bước tiến quân giặc. Thuyền giặc đang lao nhanh bị chặn lại đột ngột đâm vào các đảo đá, đâm vào nhau vỡ tan tành.

Sau khi giặc tan, rồng mẹ và rồng con không trở về trời, mà ở lại hạ giới - nơi vừa diễn ra trận chiến đấu. Chỗ rồng mẹ xuống là Hạ Long, nơi rồng con xuống là Bái Tử Long. Đuôi của đàn rồng quẫy lên trắng xóa là Long Vĩ  ( tức bán đảo Trà Cổ ngày nay)”.

Câu chuyện dân gian gắn liền với quan niệm về nguồn gốc của dân tộc Việt là “Con Rồng, cháu Tiên”. Rồng, Tiên chính là sức mạnh truyền thống của dân tộc đã được biểu tượng hoá và có lẽ người đặt cho vùng biển đảo cái tên thơ mộng ấy không ai khác ngoài dân gian nơi đây. Ngày nay, nhiều đảo núi trong Vịnh Hạ Long vẫn mang tên Rồng như: Đầu Rồng, Mắt Rồng, Hòn Rồng, Cái Rồng, ngoài xa có đảo Long Châu, đảo Bạch Long Vĩ.

Khí hậu hải văn

Vịnh Hạ Long có khí hậu cơ bản là nhiệt đới, nóng ẩm, chia làm 2 mùa chính và 2 mùa chuyển tiếp: Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Mùa hè từ tháng 5 đến tháng 9. Hai mùa chuyển tiếp: Mùa xuân vào tháng 4 và mùa thu vào tháng 10 có khí hậu mát mẻ ôn hoà. Mùa hè có nhiệt độ trung bình 26°C - 27°C. Mùa đông có nhiệt độ trung bình 15°C - 20°C. Nhiệt độ trung bình năm 18°C - 19°C.

Vịnh Hạ Long có lượng mưa trung bình năm từ 2.000mm - 2.200mm. Độ mặn của nước biển chia làm 2 mùa tương ứng: Mùa mưa đạt 21‰ - 22‰, mùa khô đạt 32‰ - 33‰. Địa hình đáy Vịnh tương đối bằng phẳng, với độ sâu trung bình 5 - 10m, một số luồng lạch có độ sâu từ 15 - 29m, như: Vùng trũng Cửa Lục sâu 20m, lạch Thẻ Vàng sâu 22 - 27m, các lạch khác có độ sâu trung bình 9 - 10m. Do có một hệ thống đảo phía ngoài che chắn nên sóng ở Vịnh Hạ Long tương đối nhỏ, ở đây có chế độ nhật triều thuần nhất với độ lớn từ 3,5m - 4m, triều thấp vào các tháng 3, 4, 8 và 9, triều cao vào các tháng 1, 6, 7 và 12.

Vịnh Hạ Long là một tác phẩm điêu khắc hùng vĩ và độc đáo của thiên nhiên với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ nhô lên từ mặt nước trong xanh. Các đảo đá Vịnh Hạ Long không phải đơn điệu, buồn tẻ mà là một thế giới sống động: Đảo giống như đôi gà hướng mỏ vào nhau (hòn Gà Chọi), đảo giống chú đại bàng đậu trên mỏm đá rình mồi (hòn Đại Bàng) hay ông già đang ngồi trầm ngâm câu cá (hòn Lã Vọng)... Cảnh đẹp Vịnh Hạ Long luôn thay đổi theo góc nhìn, thời gian và tâm trạng của người ngoạn cảnh. Cảnh đẹp Vịnh Hạ Long không chỉ thể hiện ở dáng núi, sắc nước mây trời, mà ẩn giấu trong lòng các đảo đá còn là hệ thống hang động vô cùng phong phú, mỗi hang động có một vẻ đẹp khác nhau tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn lạ lùng. Động Thiên Cung chau chuốt, lộng lẫy như được chạm khắc từ pha lê; hang Đầu Gỗ được mệnh danh là “động các kỳ quan” với kiến trúc khỏe khoắn và hoành tráng; hang Sửng Sốt như mở ra một thế giới cổ tích, thần thoại. Từ xưa, vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long đã là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho thơ, ca, nhạc, họa. Thế kỷ XV, đại thi hào Nguyễn Trãi trên đường tới Vân Đồn, khi qua Vịnh Hạ Long đã viết:

 

“Đường đến Vân Đồn lắm núi sao

Kỳ quan đất dựng giữa trời cao”

(Trích bài “Vân Đồn ”, Đào Duy Anh dịch) .

Vua Lê Thánh Tông, cảm tác trước cảnh đẹp của biển trời, mài đá đề thờ dưới chân núi Truền Đăng, có câu thơ viết rằng:

“Trăm dòng sông chảy mênh mông quanh núi

Quần đảo rải rác như bàn cờ, bể liền trời sắc xanh biếc”.

Du lich

 Là khu vực có môi trường cảnh quan đặc sắc, hệ thống hang động phong phú, bãi biển đẹp, còn lưu giữ nhiều giá  trị văn hoá truyền thống, các di tích lịch sử, đền, chùa, miếu... do vậy,Vịnh Hạ Long có lợi thế để phát triển nhiều dịch vụ du lịch như: du thuyền ngắm cảnh, thăm hang động, tắm biển, chèo kayak, nghỉ dưỡng, nghỉ đêm, lặn biển, leo núi, tham gia các lễ hội truyền thống, học tập, nghiên cứu...

    Nằm ở phía Tây Nam khu di sản thế giới Vịnh Hạ Long cách bến tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 11km. Với diện tích 8.7 ha, đảo có cấu tạo địa chất đặc biệt với hai phần ba bao phủ bởi đất feralit và đất phong hóa đỏ vụi. Đảo có 2 bãi tắm đẹp và điểm ngắm cảnh bao quát khu di sản thế giới ở phía Đông Nam và Tây Bắc.
     Trước kia người dân địa phương tìm thấy rừng trên đảo mọc rất nhiều cây Sim - một loài cây bụi có quả màu tím, vì vậy đảo được gọi tên là Soi Sim. Với hệ sinh thái phong phú và ở vị trí trung tâm khu vực di sản, hiện nay, đảo Soi Sim là địa điểm hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan thắng cảnh, tắm biển, du lịch sinh thái trên Vịnh Hạ Long. 
     Trong tương lai đảo Soi Sim sẽ được phát triển thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái với hệ thống các nhà nghỉ nhỏ bằng gỗ, vườn bảo tồn động thực vật, hệ thống lầu ngắm cảnh, nghỉ dưỡng hấp dẫn trong khu vực trung tâm di sản.

     Cách thị xã Cẩm Phả 26km về phía Đông Nam. Đảo có bãi cát tự nhiên dài tới hàng km.... Vào thế kỷ XII, đảo là trung tâm thương mại quốc tế sầm uất và quan trọng nhất của Việt Nam. Trên đảo hiện còn rất nhiều di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc giá trị như: Đình, miếu, chùa, nghè, bến cảng cổ...

     Cách thị xã Cẩm Phả 26km về phía Đông Nam. Đảo có bãi cát tự nhiên dài tới hàng km.... Vào thế kỷ XII, đảo là trung tâm thương mại quốc tế sầm uất và quan trọng nhất của Việt Nam. Trên đảo hiện còn rất nhiều di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc giá trị như: Đình, miếu, chùa, nghè, bến cảng cổ...

    Đặc biệt, nơi đây có hội làng Quan Lạn diễn ra từ ngày 10 – 20/6 âm lịch hàng năm với trò đua thuyền hấp dẫn và sinh động.   

Giao thông cảng biển

Là một vùng biển kín, ít sóng, an toàn cho việc neo đậu tàu thuyền; hệ thống luồng lạch tự nhiên dày đặc và cửa sông ít bị bồi lắng, tạo điều kiện thuận lợi cho phép xây dựng hệ thống giao thông cảng biển lớn mạnh nối liền tuyến vận tải thủy trong nước và thế giới. Đây là một trong những thế mạnh không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giao lưu văn hoá, thông thương với nước ngoài.

Giá trị địa chất

Khu vực Vịnh Hạ Long có chiều sâu lịch sử địa chất đến 3 tỷ năm và có những dẫn liệu rõ ràng ít nhất gần 500 triệu năm qua, với những hoàn cảnh cổ địa lý khác nhau. Vào kỷ Ordovic-Silur (485 - 419 triệu năm trước) khu vực Hạ Long đã từng là biển sâu, vào các kỷ Carbon-Permi (359 - 252 triệu năm trước) vịnh Hạ Long là biển nông, biển ven bờ vào cuối Paleogen – đầu Neogen (khoảng 26 - 20 triệu năm trước) và một số lần biển lấn trong kỷ Đệ tứ (khoảng 2,6 triệu năm trước đến nay). Lịch sử địa chất khu vực Vịnh Hạ Long cũng đã trải qua ba lần tạo sơn quan trọng. Lần đầu tạo sơn (Caledoni) vào cuối kỷ Silua (hơn 400 triệu năm trước), khu vực Vịnh Hạ Long là một vùng núi, chịu quá trình xâm thực bóc mòn mạnh mẽ trong điều kiện khô nóng; pha chuyển động tạo sơn lần thứ hai có tên là Indosini xảy ra vào cuối kỷ Trias (khoảng 200 triệu năm trước), đã tác động sâu sắc đến khu vực Vịnh Hạ Long, khu vực này tiếp tục duy trì chế độ lục địa. Lần tạo sơn thứ ba (Anpi) tạo nên sự phân dị giữa các dãy núi - địa lũy và các bồn trũng - địa hào làm tiền đề cho biển hiện đại lấn vào tạo nên Vịnh Hạ Long. Khu vực Vịnh Hạ Long có hai thời kỳ cổ địa lý rất đặc biệt. Kỷ Carbon (359 - 299 triệu năm trước) là thời gian nóng ẩm của trái đất phát triển môi trường đầm lầy thực vật thuận lợi hình thành các bể than đá khổng lồ ở Châu Âu thì ở Vịnh Hạ Long lại là chế độ biển nông - điều kiện khí hậu khô nóng để hình thành nên tầng đá vôi dày trên 1.200m là một điều kỳ diệu, hiếm thấy trong tự nhiên. Trái lại, vào kỷ Trias (252 - 201 triệu năm trước), khi trái đất nói chung, Châu Âu nói riêng có khí hậu khô nóng thì khu vực Vịnh Hạ Long lại là những đầm lầy ẩm ướt với những cánh rừng Tuế, Dương xỉ khổng lồ tích tụ nhiều thế hệ, bị chôn vùi tạo nên vùng than nổi tiếng.

Giá trị địa chất khu vực: Vịnh Hạ Long và vùng ven bờ bao gồm nhiều hệ tầng trầm tích lục nguyên và cacbonat có tuổi từ nguyên đại Cổ sinh đến Tân sinh. Đó là những trang sử đá ghi lại những biến cố vĩ đại của các quá trình địa chất khu vực xảy ra đã hàng trăm triệu năm. Nhiều hệ tầng trầm tích chứa đựng các vết tích cổ sinh vật dưới các dạng hoá thạch khác nhau, trong đó có những loài đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Đây là kho báu tìm hiểu về quá trình phát triển và tiến hoá của sự sống trên trái đất.

Giá trị địa chất Đệ tứ: Các hệ tầng trầm tích Đệ tứ, các bề mặt thềm biển nâng cao, các bề mặt đồng bằng phân bậc, các hệ thống thung lũng sông cổ được bảo tồn dưới dạng các luồng lạch kế thừa dưới đáy Vịnh. Hệ thống hang động và trầm tích hang động, các ngấn biển cổ dưới dạng các hàm ếch và các hệ hầu hà cổ bám trên vách đá là những tài liệu sống động về các sự kiện địa chất Đệ tứ. Đặc biệt, với thế Holocen (khoảng 11,7  nghìn năm trước), góp phần làm sáng tỏ quá trình dao động mực nước biển khu vực gắn liền với sự phát triển của các nền văn hoá khảo cổ khu vực như: Soi Nhụ, Cái Bèo, Hạ Long.

Dưới góc độ giá trị địa chất biển ven bờ, Hạ Long được ghi nhận như là một bồn tích tụ hiện đại, một vịnh biển được tạo nên không phải từ những mũi nhỏ của lục địa, mà nhờ sự tồn tại của hệ thống đảo chắn phía ngoài. Vịnh Hạ Long có hoàn lưu nước khá mạnh, chủ yếu do dòng triều và nằm ở vùng nhật triều đều có biên độ lớn điển hình của thế giới. Tại đây, quá trình bờ ăn mòn hoá học đá cacbonat rất phát triển trong môi trường nước biển kiềm tạo nên các ngấn hàm ếch sâu rộng làm tăng thêm dáng vẻ kỳ diệu cho các đảo đá vôi.

Đánh bắt nuôi trồng hải sản

Với điều kiện thuận lợi về địa hình, khí hậu, thuỷ văn, Vịnh Hạ Long có nguồn lợi hải sản rất phong phú. Đây là nơi quần tụ, sinh sống và phát triển của nhiều loại hải sản có giá trị cao như: Cá Song, cá Thu, cá Nhụ, Mực, Tôm, Cua, Bào ngư, Hải sâm  ... 

     Nghề đánh bắt hải sản đã được ngư dân  ở đây sử dụng làm phương thức sinh sống từ bao đời nay. Cùng với điều kiện lý tưởng nguồn nước giàu chất dinh dưỡng, biển lặng sóng, những bãi triều rộng đã tạo thuận lợi cho việc phát triển một nghề mới là nuôi trồng thuỷ hải sản trên Vịnh, đặc biệt là những loài vừa có giá trị kinh tế cao vừa có khả năng làm sạch môi trường như: Tu hài, Ngọc trai, Vẹm xanh, Sò, Ngán

Công nhận lần thứ nhất

   Năm 1987, Chính phủ Việt Nam chính thức phê chuẩn, tham gia Công ước quốc tế về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, mở đầu việc hoà nhập vào các hoạt động quốc tế về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Việt Nam.
     Năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) cho phép Ủy ban Quốc giaUNESCO của Việt Nam và Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du Lịch) phối hợp với một số địa phương xúc tiến lập hồ sơ khoa học giới thiệu 5 Di sản văn hoá và thiên nhiên trong đó có Vịnh Hạ Long trình UNESCO xem xét, công nhận vào danh mục Di sản thế giới.
     Tháng 10-1993, hồ sơ về Vịnh Hạ Long cơ bản được hoàn thành và trình Uỷ ban Di sản thế giới. Ngay sau khi nhận được hồ sơ, Uỷ ban Di sản thế giới đã cử các chuyên gia của tổ chức ICOM (Hiệp hội Bảo tàng thế giới) và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đến Hạ Long để thẩm định tính xác thực và những giá trị của di sản.

     Trong quá trình thẩm định của các chuyên gia quốc tế về Di sản (từ tháng 2 đến tháng 10-1994), hồ sơ Vịnh Hạ Long tiếp tục được hoàn tất để làm rõ hơn về ranh giới, tổ chức quản lý, bảo vệ di sản.
     Ngày 17-12-1994 tại kỳ họp thứ 18 tại thành phố Phu kẹt (Thái Lan), Uỷ ban Di sản thế giới đã chính thức công nhận Vịnh Hạ Long vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mỹ theo tiêu chuẩn thứ 3 (tức tiêu chuẩn iii ) của Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới với số phiếu biểu quyết 100% .

Công nhận lần thứ hai

     Theo nhận định của ông Hans Friederich - tiến sĩ địa chất học, Trưởng Văn phòng đại diện của tổ chức IUCN tại Hà Nội - giá trị địa chất của Hạ Long là hết sức đặc biệt và hiếm có trên thế giới, nó hoàn toàn đủ điều kiện để công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Theo đề nghị của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và IUCN, tháng 9 năm 1998, giáo sư, tiến sỹ Tony Whalham, chuyên gia địa chất của trường Đại học Trent Nottingham (Hoàng gia Anh) - đã tiến hành nghiên cứu địa chất vùng đá vôi Karst Vịnh Hạ Long

     Sau báo cáo của Giáo sư, Tiến sĩ Tony Walham về giá trị địa chất Vịnh Hạ Long, Trung tâm Di sản Thế giới tại Paris đã gửi thư tới UBND tỉnh Quảng Ninh, Uỷ ban Quốc gia UNESCOViệt Nam và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long yêu cầu xúc tiến việc chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận giá trị ngoại hạng mang tính toàn cầu về địa chất vùng Karst Vịnh Hạ Long. Tháng 7 năm 1999, hồ sơ đệ trình Uỷ ban Di sản Thế giới công nhận Vịnh Hạ Long lần thứ hai về giá trị địa chất đã được hoàn tất. Tháng 12-1999, Uỷ ban Di sản Thế giới đã chính thức xác nhận vấn đề này và đưa việc thẩm định hồ sơ và công nhận giá trị địa chất Vịnh Hạ Long vào năm 2000.
     Tháng 3-2000, giáo sư Elery Hamilton Smith, một chuyên gia nổi tiếng của Australia, thành viên của tổ chức IUCN được cử tới Hạ Long để thẩm định tính xác thực của hồ sơ, giá trị địa chất cũng như đánh giá về thực trạng quản lý và đưa ra một số khuyến nghị.
      Sau báo cáo của giáo sư Elery Hamilton Smith, tháng 7 năm 2000, kỳ họp giữa năm của văn phòng Trung tâm Di sản thế giới tại Paris đã chính thức đề nghị Uỷ ban Di sản Thế giới công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới bởi những giá trị ngoại hạng về mặt khoa học địa chất theo tiêu chuẩn (i) của Công ước về bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.
     Ngày 29-11-2000, tại kỳ họp toàn thể lần thứ 24 tại thành phố Cairns, Bang Qeensland, Australia, Uỷ ban di sản Thế giới đã công nhận Vịnh Hạ Long là di sản Thiên nhiên thế giới lần thứ 2 về giá trị địa chất địa mạo với số phiếu tuyệt đối.

Nguồn ban quản lý Vịnh Hạ Long