Dân Chúa Âu Châu

Mạn đàm chuyện Heo năm Hợi

*Theo cuốn “danh nhân đất Kinh Bắc”, Nguyễn Nghiêu Tư còn có tên gọi khác là Nguyễn Văn Trư và tên gọi dân gian là Trạng “Lợn”. Ông có hiệu là Tùng Khê người xã Phù Lương, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Tương truyền lúc nhỏ theo cha làm nghề thịt lợn, lại đẻ vào tháng 10 (tháng Hợi) nên đặt tên là Nguyễn Văn Trư và thường gọi là cậu Lợn (chữ Hán “trư” nghĩa là lợn). Từ nhỏ, Nguyễn Nghiêu Tư đã nổi tiếng là người ham học, hiểu sâu. Thời đó, ở cạnh làng ông là làng Yên Đinh đất học, một hôm có cụ đồ sang chơi và ra cho trạng vế đối, mang đề tài lợn:’Lợn cấn ăn cám tốn’. Nghĩa là lợn có chửa ăn hết nhiều cám nhưng Cấn và Tốn là hai quẻ trong bát quái. Trạng đối ngay:’Chó khôn chớ cắn càn’.

Câu đối xấc xược làm cụ đồ cay đắng, song vế đối chỉnh quá, chó khôn đừng cắn bậy, mà Khôn và Càn cũng là hai quẻ trong bát quái. Cụ đồ khuyên bố mẹ Trư cho Trư đi học. Chính cụ đồ bị ông đối xược ấy đã nhận dạy ông năm mới 8 tuổi, ông học rất giỏi, nghe một biết mười, lễ phép, chuyên cần. Khi ở nhà, lúc nào ông cũng chăm lo đèn sách, khi ra ao rửa bèo, ra vườn hái rau, tay vẫn cầm cái que nhọn vạch xuống đất hoặc viết vào lá chuối, lá khoai những chữ khó nhớ. Đến khi “biết chữ”, thầy đồ gửi ông ra học cụ Vũ Mộng Nguyên, người xã Đông Sơn, huyện Tiên Du, đỗ Thái học sinh và không làm quan nhà Hồ mà về dạy học. Ông là học trò tiêu biểu nhất của cụ Vũ Mộng Nguyên, đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1448) niên hiệu Thái Hòa năm thứ 6 đời vua Lê Nhân Tông. Ông được nhà vua đổi tên là Nguyễn Nghiêu Tư.

Năm 1459, Lê Nghi Dân giết vua tiếm vị, sai ông đi sứ cầu phong. Khi sang, Minh hạch rằng: Sao lại dám giết em mà tranh ngôi vua? Nghiêu Tư trả lời: Đường Thái Tông giết cả anh là Kiên Thành, em là Nguyên Cát là việc cũ của thiên triều, thì việc nước tôi ngày nay có gì là lạ? Thấy sứ thần Đại Việt trả lời rất đúng lý, vua nhà Minh đành nhận phong vương. Khi đoàn sứ thần ta tới ải Nam Quan, viên coi cửa ải nhà Minh ỷ thế nước lớn, ngạo mạn treo lên cửa quan một chữ thập lớn bằng gỗ mà không mở cửa đón tiếp. Trạng nói: Ý các người muốn coi người Minh là “tung hoành vũ trụ”. Đã vậy thì Đại Việt ta đây “bao quát càn khôn”, sai người bện một cái vòng tròn lớn bằng lụa tết mắc lên đầu chữ thập, cả chữ thập lọt trong vòng tròn ấy.

Viên quan coi ải khiếp phục, mở cửa nghênh tiếp sứ giả. Vào đến Yên Kinh, Trạng vào yết kiến vua Minh. Nhà vua muốn thử tài sứ giả, ngầm sai trong hoàng cung quán lịch sự, đề hai chữ Kính Thiên treo ở giữa, bày đôi sập thất bảo rất cao, xung quanh đặt nghi vệ sang trọng như chỗ giường ngủ của thiên tử, để xem Trạng có dám ngồi đó không. Khi sắp yến tiệc, họ đưa Trạng và phó sứ dạo thăm cung điện rồi mới đưa đến đấy. Trạng bèn bảo phó sứ cùng ngồi lên sập thất bảo. Thấy vậy, quan nhà Minh ra hoạch: Cớ sao sứ thần lại ngược ngạo, vô lễ đến như vậy? Không trông lên trên kia xem, chỗ này là chỗ gì? Trạng bình thản trả lời:

- Dám thưa, ngài lấy cớ gì cho sứ thần tôi là ngạo? Biển đề hai chữ Kính Thiên, chiết tự ra là kính nhị nhân (chữ thiên là trời, tách ra là hai chữ nhị nhân là hai người) thực hẳn là ý bản quốc muốn đem cái ngôi này mà hậu đãi sứ thần xa lạ. Ngài dạy thế chúng tôi quyết không chịu. Vả nghe cổ nhân có nói: Đãi người phương xa cốt lấy bụng thực. Tôi nghe Thánh triều lấy thành tín đãi người ngoại quốc. Thế mà sứ giả nước xa tới lại đem cái bụng trí thuật làm oai. Tôi sợ người ta nghe tiếng dẫu có lòng thực hướng mộ cũng sinh nghi mà không lại nữa.

Viên quan nhà Minh thấy Trạng nói chẻ hoe như đã rõ gan ruột từ trước, nên vội vàng:

- Xin quý ngài xá lỗi. Nghĩ là buổi ban đầu,thử xem ngài có phải là bậc tài giỏi không thôi. Nhưng quý ngài quả là bậc thông minh, đã giỏi mà biết trước được như thế còn hề chi?

*Đầu năm Kỷ Hợi đọc chuyện trên, ta thấy nước Việt Nam xưa thật lắm nhân tài.

Không chỉ những người học cao hiểu rộng, thi đỗ Trạng Nguyên vinh qui về làng, rồi làm quan lớn. Trong các Trạng văn có nhiều người nổi tiếng như Trạng Trình Nguyễn bỉnh Kiêm hay Trạng Quỳnh… Nhưng cũng có nhiều người đủ mọi giai tầng xã hội, không phân biệt tuổi tác, ít học nhưng nổi bật về bất cứ phương diện nào đều được trọng dụng như Trạng Võ Mạc đăng Dung với cây đại đao, đánh nam dẹp bắc sáng lập nhà Mạc. Trạng Ăn Lê như Hổ, ăn khỏe như hổ, sức mạnh vô địch làm đến chức thượng thư. Trạng Thần Đồng Nguyễn Hiền mới 12 tuổi, xuất khẩu thành thơ…Và trong số đó phải kể đến Trạng Lợn, học không nhiều nhưng thông minh, có tài đối đáp, nên được cử đi xứ khiến vua quan Tàu phải nể phục phong là Trạng Nguyên lưỡng quốc.

Thế mà nhiều người lại khinh chê những ai tuổi Hợi và bị gán ghép những tính xấu của Lợn nào là :

Ngu như lợn, bẩn như heo, tham ăn và lười biếng chỉ nằm ì một chỗ chưa đến giờ ăn đã réo gọi inh ỏi.

Nhưng trái lại theo tử vi tướng số thì người tuổi Hợi lại an nhàn, sung túc, hiền lành, tuy chậm chạp nhưng an phận dù về hạng chót trong cuộc thi marathon của 12 con giáp do Ngọc Hoàng tổ chức.

Và cũng vì những ưu điểm được con người cho sống gần gũi trong số Lục súc gia gồm : trâu, ngựa, chó, dê, gà và lợn.

Lợn còn gọi là heo, hợi, trư, thỉ, ủn. Hàng ngàn năm trước Công nguyên là heo rừng rất hung dữ, được người thuần hóa thành gia súc. Heo thường có 2 màu đen trắng, đôi khi điểm đốm vàng, nâu. Lông heo cứng làm bàn chải, da làm bóng bầu dục. Heo có giống chỉ nặng từ 10 đến 15 kg như heo mọi VN. Có giống 3 hay 400 kg như heo Mỹ Duroc, Yorkshire, Wattle…Kỹ nghệ nuôi heo tại Mỹ rất qui mô với hàng trăm ngàn trại chăn nuôi khắp các tiểu bang, cung cấp thịt trong nước và xuất khẩu heo sống hay thịt sang nhiều nước. Nên ‘đỉnh cao trí tuệ’ sợ mất thời cơ cho Công ty Kỹ nghệ Gia súc VN tháng 9/16 vội vàng nhập hơn 100 giống heo Mỹ, vì thấy heo VN quá nhỏ, như giống heo Ba Xuyên nặng nhất chỉ trên dưới 100kg thôi. Ngày nay nghề chăn nuôi heo đang phát triển và tiến bộ hơn trước kia khi các cán ngố mới chiếm được Miền Nam đã ‘tranh thủ’ nuôi heo trên cả các tầng trên chung cư và dội nước dơ bẩn ào ào xuống các căn nhà tầng dưới ! ( Viết đến đây, tôi mỉm cười nhớ đến trong chiến cuộc VN tôi thường sống gần quân đội Đồng Minh, có

một lần tôi thấy những chàng lính Mũ Nồi Xanh Hoa Kỳ cười vang lùa con heo Yorkshire kềnh càng như bê con lên trực thăng đưa đến tiền đồn Biên phòng trao tặng gia đình Biệt Kích Thượng để gây giống )

Thịt heo là thực phẩm khoái khẩu của nhiều nước và được biến chế làm xúc xích, dăm bông, lạp xưởng…

Riêng VN nghệ thuật ẩm thực cao hơn biến thành những món ăn đặc sắc như :

-Thịt ba chỉ xiên nướng- Thịt tai heo ướp ngũ vị hương- Thịt chiên dòn sốt dừa- Sườn nướng kiểu BBQ-

Thịt nấu chua ngọt. Cách pha chế các món này, chắc các bà nội trợ có chồng là những tay sành nhậu phải rành hơn- Đây là những món ngon làm tại nhà, còn đi nhà hàng tại VN ngày nay thì không bảo đảm, vì có thể là heo dịch bệnh đã bị chôn xuống hôi thối lại được đào lên, ngâm hóa chất, bôi màu, tẩm ngũ vị hương, trông hấp dẫn nhưng ăn vào rất nguy hại sức khỏe. Nói đến tuyệt kỹ pha chế các món ăn độc hại chết người thì không nước nào qua mặt được Trung Cộng. Vì thế, nước này có một món thịt độc đáo mang tên ‘Heo Avatar’ chiếu sáng màu xanh da trời như những nhân vật trong phim giả tưởng nổi tiếng

Avatar vài năm mới đây. Tin mới nhất đầu năm 2019, dịch bệnh sốt heo châu phi đã bung phát tại 24 tỉnh Trung cộng và còn tiếp tục lan qua các tỉnh khác. Những ngày gần Tết Kỷ Hợi hàng hóa Tàu cộng tràn ngập sang Việt Nam, nhất là thực phẩm chắc chắn trong đó có heo dịch bệnh được biến chế thành khô heo, thịt heo đóng hộp, xúc xích… nên bà con trong nước hay từ nước ngoài về vui Xuân phải đặc biệt lưu tâm.

Truyện về heo rất phong phú trong văn chương kim cổ Đông Tây :

-Trư Bất Giới trong Tây Du Ký xuất thân là nguyên soái trên thiên đình, vì mê sắc đẹp Hằng Nga làm vẩn đục Thiên đình, bị Thiên Hoàng đầy xuống trần mang hình nửa người nửa lợn, nhưng có phép thần thông biến hóa, phò sư phụ Đường Tăng đi thỉnh kinh bên Tây Trúc.

-Trong Hy lạp cổ đại, heo là vật được nữ thần Demeter yêu chuộng và thiên sử thi Odyssey mô tả đoàn thủy thủ bị nữ thần Cirle biến thành heo.

-Cũng trong thần thọai Hy Lạp, kể truyện anh hùng vô địch Hercules theo lệnh vua đi bắt con heo rừng có sức mạnh kinh hồn hổ báo đều né sợ. Anh chàng Hercules đã lập mưu bắt được quái thú hoàn thành sứ mệnh được trao phó.

-Chắc ít người biết đến tên viết tắt của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ US là Uncle Sam (Chú Sam), người đã tiếp tế nhiều thùng thịt heo cho Quân đoàn Mỹ.

-Trong truyện ‘Trại Súc Vật- Animal Farm’ của nhà văn Anh George Orwell heo trở thành thủ lãnh, tác giả ám chỉ trong một xã hội đầy thú tình, kẻ ngu đần và bẩn thỉu nhất lại tiếm quyền để lãnh đạo.

-Truyện cổ tích nổi tiếng Anderson, có truyện ‘Con lợn ống’ dạy đời là kẻ giàu sang thường tự phụ.

- Wang Yunmei với tác phẩm ‘Pigs on the Loose : Chinese Tour Groups’ (Lũ lợn xổng chuồng: Bọn du khách Tàu), dơ bẩn, ồn ào, bỉ ổi, đi đến quốc gia nào, nhất là tại Thái Lan,Việt Nam và mới đây tại các nước như Đức, Nhật, Pháp…tại các nhà hàng, tiệm ăn cũng viết cảnh báo bằng tiếng Trung Hoa như một cách chê bai khinh bỉ bị. Thật mỉa mai cay đắng nhưng chí lý !

-Nhà tranh đấu Lưu hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình 2010, trong tác phẩm ‘Triết lý con heo’, ông lên án giới trí thức Trung cộng bán linh hồn cho quỉ dữ, tự nguyện đi vào chuồng heo để được vỗ béo yên thân, trốn tránh trách nhiệm bênh vực người bị đàn áp.

-Việt Nam có truyện rất lý thú Lục Súc tranh công phản ảnh sự tranh chấp công trạng của 6 quan đứng đầu Lục bộ, trong đó quan Heo đã kể công trạng mình :

-Kìa những việc hôn nhân giá thú,

Không heo ra tính đặng được chi ?

Việc hòa giải heo đầu công trạng,

Trông mặt heo nguôi dạ oán thù.

-Cụ Nguyễn Khuyến vói lời thơ chân tình dân giả hỏi thăm bạn sau cơn lụt lội :

Ai lên nhắ hỏi bác châu Cầu,

Lụt lội năm nay bác ở đâu ?

Mấy ổ lợn con rày lớn bé,

Vài gian nếp cái ngập nông sâu ?

-Đặc biệt câu truyện ngụ ngôn dạy đời về ‘Ba chú heo con’ rời mẹ ra ở riêng :

Chú đầu làm nhà bằng rơm, bị con sói dữ đến phá và ăn thịt.

Chú thứ hai dựng nhà băng gỗ, cũng bị sói đến phá ăn thịt.

Chú thứ ba rút kinh nghiệm khôn hơn xây nhà gạch chắc chắn, nhưng sói ta vẫn không tha đến phá phách không làm gì được, liền chui ống khói đột nhập vào nhà. Nhưng sói ta bị mắc bẫy rơi vào chảo nước sôi mà chú heo ba đã đặt sẵn và bị ăn thịt. ( Thật là ‘quả báo nhãn tiền’, có thể làm bài học cho bọn tà quyền CSVN đã dùng nhiều âm mưu thâm độc hại người và các phe đối lập, rồi trước sau sẽ phải lãnh hậu quả thảm khốc.)

Heo còn xuất hiện trong tín ngưỡng và phong tục :

-Hy lạp thời thượng cổ, heo được tôn là nữ thần cai quản mùa màng.

-Heo là biểu tượng Nữ thần Diana quyền năng thời cổ La-Mã.

-Thần Visnu trong Ấn Độ giáo dạy heo hành hiệp cứu độ chúng sinh.

-Trong Kinh Thánh có 2 truyện liên quan đến heo : Truyện người con út bắt cha chia gia tài, rồi trảy đi phương xa ăn chơi phung phá hết tiền bạc phải đi chăn heo, đói khát thèm cả đồ ăn của heo, hối hận quay về và được cha tha thứ đón mừng- Và truyện Chúa chữa người bị quỉ ám, cho bày quỉ nhập vào đàn heo lao xuống biển.

-Đạo Hin-đu Ấn Độ, Do Thái giáo và trong kinh Co-ran Hồi Giáo đều cấm ăn thịt heo.

-Heo đất bỏ giành tiền tượng trưng tài chính lúc nào cũng có.

-Đội thể thao Đại học Arkansas lấy biểu tượng may mắn là Lợn Lòi (Sus scrofa)

-Đội bóng thiếu niên Thái Lan có biệt hiệu Lợn Rừng, bị nước dâng mắc kẹt trong hang Tham Luang làm xôn xao dư luận, đã được giải cứu sau 18 ngày nhờ sự giúp đỡ tận tình của nhiều nước.

-Tiểu quốc Belize nằm ở Bắc Trung Mỹ, dân số chưa được nửa triệu đã lấy biểu tượng là Lợn Vòi Baird, một loại lợn đặc biệt chỉ có ở Trung Mỹ.

-Nước Vanuatu gồm trên dưới 80 đảo nhỏ, nằm phía tây nam Thái Bình Dương. Người Việt xưa kia gọi là Tân Đảo, khi thực dân Pháp mộ phu Đông Dương (trong số đó có nhiều người Việt) đưa qua canh tác đồn điền. Người dân bản xứ rất tôn kính heo Kapia không có lông cho là rất linh thiêng, nên chiếc nanh heo nổi bật trên quốc kỳ và quốc huy.

Tại nước Cờ Hoa, mỗi tiểu bang đều có lá cờ biểu tượng riêng. Bang Cali đông dân nhất nên cũng nhiều chuyện lạ nhất, nên nhiều người nhìn vào lá cờ Cali có hình chú gấu, họ lại nói là giống chị heo hơn. Thiết tưởng muốn rõ trắng đen ta nên hỏi cao kiến của các cụ ông cụ bà Dân chủ trong lưỡng viện là tốt nhất.

-Người Miên tại VN đeo nanh được các pháp sư yểm bùa để hộ mênh- Tôi chợt nhớ đến anh hạ sĩ người Miên cùng đơn vị trước kia, luôn mang chiếc nanh heo như bùa hộ mệnh, vì thế mỗi khi chạm địch anh thường ôm khẩu trung liên xông lên phía trước ria xối xả về phía Cộng quân. Sau mỗi chuyến hành quân về hậu cứ dưỡng sức, chúng tôi thường ngồi vòng quanh bình ‘nước mắt quê hương’ với vài con khô mực. Kể cho nhau những chuyện vui buồn đời lính và mong ước đất nước sớm thanh bình về sống yên vui cùng gia đình. Anh hạ sĩ luôn khoe chiếc nanh heo đã được pháp sư yểm bùa đạn không thể bắn trúng. Nhưng buồn thay, một thời gian sau khi đổi qua đơn vị khác, tôi được tin anh đã gục ngã khi ước vọng chưa thành-

Trong nước ngày nay, các đại gia và bọn tư bản đỏ học làm sang, sưu tầm nanh heo vòng cong như ngà voi để hộ mệnh vì tin sẽ gặp nhiều điều may mắn.

-Tranh Đông Hồ vẽ lợn mẹ với bày con diễn tả cảnh sung mãn, thường được treo trong dịp Tết mong cuộc sống quanh năm được sung túc.

-Nhưng tục lệ không thể thiếu trong hôn lễ VN, khi các anh chàng nhà trai trịnh trọng khiêng mân bọc vải đỏ trên có con heo quay vàng bóng thật hấp dẫn tiến vào nhà gái.

-Có lẽ vì tục lệ này mà nảy sinh câu chuyện tình mộc mạc chân quê của đôi trai gái nơi hương đồng cỏ nội qua câu chuyện ‘giả vờ quên áo’ như sau :

-Hôm qua tát nước bên đình,

Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen,

Em được thì cho anh xin,

Hay là em để làm tin trong nhà,

Áo anh sứt chỉ đường tà,

Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu,

Áo anh sứt chỉ đã lâu.

Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng.

Khâu rồi anh sẽ trả công,

Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho,

Giúp em một thúng xôi vò,

Một con lợn béo, một bầu rượu tăm,

Giúp em đôi chiếu em nằm,

Đôi chăn em đắp, đôi vòng em đeo,

Giúp em quan tám tiền treo,

Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

Và cũng từ đó nhạc sĩ Hoàng thi Thơ đã ngẫu hứng sáng tác bản nhạc ‘Đám cưới trên đồng quê’ với lời thơ ý nhạc thật là vui nhộn :

Chà ! Nhà ai có ông rể quí,

Chà ! Nhà ai có cô dâu hiền,

Ồ ! Ngộ thay có con lợn quay…

-Còn đây là sự khác biệt về ngôn ngữ giữa 2 niền Bắc Nam mà Trần việt Hải đã so sánh dỉ dỏm như sau :

Heo sinh ở Miền Bắc còn lợn sinh tại Miền Nam- Heo ăn bắp lợn thì ăn ngô- Da heo không làm bánh ở Miền Bắc, nhưng da lợn Miền Nam lại làm bánh được ( bánh da lợn).

-Chúng ta đã từng nghe nói đến 1 sự kiện đặc biệt mang tên ‘Vinh con Heo’ tại Cuba. Ngày 17/4/1961, người dân Cuba sống lưu vong tại Hoa Kỳ đã được CIA huấn luyện và hỗ trợ đổ bộ lên Bay of Pigs (Vịnh Con Heo) để lật đổ tà quyền độc tài Fildel Castro nhưng không thành công.

-Những ngày trước Tết Quí Hợi năm nay, nhiều nước Á châu cho in tiền lì xì có hình con heo.

 

Tại đất Kỳ Hoa cũng phát hành tiền lì xì 2 đô chung niềm vui tuổi Xuân với chị Hợi.

Heo sống gần gũi với dân quê VN và đóng góp phần thu nhập trong cuộc sống nên xuất hiện đa dạng qua tục ngữ ca dao :

-Đầu gà má lợn – Nói toặc móng heo-Treo đầu heo, bán thịt chó.

- Lợn lành chữa thành lợn què- Giàu lợn nái, lãi gà con.

- Thao láo như mắt lợn luộc- Lấc cấc như quạ vào chuồng lợn.

-Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng- ----Chăn lợn ba năm, không bằng chăn tằm một lứa.

-Mèo ăn thịt mỡ ồn ào, cọp tha con lợn thì nào thấy ai !

-Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo cỗ lòng mới ngon.

-Con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.

-Tai heo riềng, thính, tỏi mè; các nguyên liệu chính mới nghe đã thèm.

- Nuôi heo thì phải vớt bèo. Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng.

-Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn, quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm.

-Người ta thách lợn thách gà, nhà em thách cưới một nhà khoai lang.

-Cưới em anh nghĩ cũng lo, con lợn chẳng có con bò thì không.

-Còn duyên anh cưới ba heo, hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi.

-Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ ra chuồng heo mà nằm.

-Ba bà đi bán lợn con, lon ton chạy về. Ba bà đi bán lợn xề, chạy về lon ton.

-Dịch heo nối tiếp dịch gà, bao giờ dịch Đảng cho bà con vui.

-Xuân này khác hẳn những xuân qua,

Tà quyền sốt vó khắp nước nhà,

Chó đi chị lợn tà tà đến,

Cơ đồ Việt cộng sắp ra ma ! (Ca dao ‘thời đồ đểu’ học đòi hồ tặc chúc Tết nhân dân miền Bắc năm xưa)

-Còn đây là câu đối người dân tặng ‘Đỗ Mười thời đại đồ đểu’ :

Hoạn lợn vào ‘hoạn lộ’ làm khổ lương dân,

Đỗ Mười quá ‘đỗ đạt’ bán đứng giống nòi.

……………………………

Xin trưng dẫn vài nhân vật tuổi hợi nổi tiếng lãnh đạo đất nước :

-Thomas Jefferson : sinh năm Quí Hợi 1743, Tổng thống thứ 3 Hoa Kỳ, đa tài, có sức lôi cuốn.

-Andrew Johnson : sinh năm Đinh Hợi 1767, Tổng thống thư 7 Hoa Kỳ, kiên trì và có đầu óc sáng tạo.

-Ronald Reagan : sinh năm Tân Hợi 1911, Tổng thống thứ 40 Hoa Kỳ, nhiều tuổi nhất và đa tài, cương trực, có công làm sụp đổ chế độ Cộng Sản cùng với Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II.

-Simon Perez : sinh năm Quí Hợi 1923, Tổng thống và 2 nhiệm kỳ Thủ tướng Israel, nhận giải Nobel Hòa bình 1994, một chính trị gia xuất sắc.

-Lý Quang Diệu : sinh năm Quí Hợi 1923, Thủ tướng Singapore, cha đẻ đất nước, người có công xây dựng từ 1 thành phố trở thành trung tâm kinh tế giàu có nhất Châu Á.

Nói đến heo, ta không thể quên những Năm Hợi nổi bật trong lịch sử Việt Nam :

-Năm Kỷ Hợi 39 : Hai vị Nữ Anh Hùng Dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị, mở đầu kỷ nguyên nổi dậy chống giặc ngoại xâm. Hai Bà xưng vương, đóng đô tại Mê Linh, được toàn dân hưởng ứng, phá tan đạo quân nhà Đông Hán do mãnh tướng Mã Viện cầm đầu, chiếm lại 65 thành trì do địch chiếm giữ.

-Năm Quí Hợi 543 : Lý Bôn còn gọi là Lý Bí, khởi nghĩa đánh tan quân xâm lược Tầu, lên ngôi là Lý Nam Đế, xưng quốc hiệu Vạn Xuân.

-Năm Kỷ Hợi 939 : Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng khai sáng nhà Ngô tức Tiền Ngô Vương.

-Năm Tân Hợi 951 : Đinh bộ Lĩnh dẹp yên 12 xứ quân, thống nhất sơn hà, lên ngôi tự Đinh Tiên Hoàng, lập đô tại Hoa Lư.

-Năm Ất Hợi 1275 : Vua Thánh Tông phá tan quân Nguyên Mông lần thứ hai.

-Năm Đinh Hợi 1287 : Chiến thắng oanh liệt của Hưng Đạo Vương phá tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng.

-Năm Tân hợi 1311 : Vua Trần Anh Tông thân chinh cùng 2 tướng là Trần Quốc Chân và Trần Khánh Dư

dẹp yên quân Chiêm Thành.

-Năm Đinh Hợi 1419 : Các sĩ phu Lam sơn khởi nghĩa do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo đánh đuổi quân Minh, giành độc lập cho Đại Việt mở đầu nhà Hậu lê.

-Năm Đinh Hợi 1911 : Ngày 5/6/1911 Nguyễn tất Thành tức Hồ chí Minh, lên làm bồi tàu Latouche Treville, rời bến Nhà Rồng qua Pháp, mở đầu hành động bán nước cho Nga Tàu, bôi nhọ trang sử VN.

Để kết thúc chuyện lan man về Heo năm Kỷ Hợi xin mượn những câu

nói nổi tiếng về heo sau đây :

-“ Bởi thằng dân ngu quá lợn,

Cho nên quân nó dễ làm quan.”

( Tản Đà Nguyễn khắc Hiếu )

-“ Chính trị cũng như lòng heo, phải có mùi phân, nhưng đừng nhiều quá !”

( Edounard Herriot )

-“ Con chó ngước lên nhìn chúng ta, con mèo nhìn xuống chúng ta, còn con lợn coi chúng ta là ngang hàng.”

( Thủ tướng Anh Winston Churchill )

-“ Mỹ không thể làm ống heo phát tiền cho cả thế giới.”

( TT Donald Trump phát biểu trong Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 năm 2018. )

-Đau buồn trùm phủ Quê Hương,

Xuân về Kỷ Hợi vấn vương đau lòng,

Cầu xin Thương Đế đoái trông,

An bình sớm đến muôn lòng chờ mong.

Kính chúc Quí Vị Xuân Kỷ Hợi An Khang Hạnh Phúc !

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG