Dân Chúa Âu Châu

Đối với khoa Khảo Cổ thì tất cả các công trình xây cất của nhân loại đều được đặc biệt quan tâm và đề cao, vì chúng là những kỷ vật quí báu chứng tỏ nền văn minh của một dân tộc trong một giai đoạn lịch sử. Thành Thăng Long, Cố đô của Việt Nam từ ngàn xưa, cũng được coi là một trong các công trình vĩ đại, không chỉ đối với dân tộc VN mà chung cho toàn thế giới.
Để tìm hiểu thêm về cố đô Thăng Long, chúng tôi lần lượt giới thiệu các mục dưới đây:
I- KẾT QUẢ CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHẢO CỨU CỔ THÀNH THĂNG LONG.
Trong những năm vừa qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (CSVN) đã cho khai quật khu cổ thành Thăng Long, trước khi thực hiện các công trình xây cất mới gồm: tòa nhà Quốc Hội và Hội trường Ba Đình. Chương trình khảo cổ này đã được thực hiện và đưa tới kết quả cụ thể như sau:
-Diện tích khu đất: 48.000 m2.
-Diện tích đã khai quật: 19.000 m2 với 51 hố.
-Độ sâu tầng văn hóa: 1 đến 4,5m.
-Số nhân công sử dụng lúc cao điểm: 1.500 người.
-Thời gian khai quật: tháng 12/2002 đến 12/2003.
-Số nhà khoa học Việt Nam tham gia công trình: 70 người.
-Số hiện vật phát hiện: trên 4.000.000 (bốn triệu).
-Nền móng công trình kiến trúc xuất hiện: 19.000m2. Theo tin tức VN thì 300 trong số hàng ngàn di vật đã được trưng bày tại viện bảo tàng lịch sử Sài Gòn. Cuộc trưng bày đó gồm một số di vật tiêu biểu như:
-Các loại gạch dùng trong thế kỷ 7-9, thời Đinh tới tiền Lê; gạch thềm, gạch xây trên đó có ghi chữ Chàm thời Lý và Trần; gạch thông gió thời tiền Lê;
-Các loại ngói như: ngói uyên ương, ngói chim phượng, ngói mũi hài, ngói hoa sen, ngói lá đề, ngói yếm …
-Các vật liệu trang trí khác ở chân tháp, phù điêu, đầu máng xối, bậc cửa, hoặc trang trí nền móng ở bậc cấp, chân cột bằng đá.
-Đồ gốm dùng trong Hoàng thành từ thế kỷ 7 về sau, như: Đồ dùng thời Đinh, tiền Lê; các thạp, bình, lọ, hũ, vò, chậu với men trắng, men ngọc, men hoa nâu thời Lý; các ống nhổ, liễn, đậu, đĩa chồng dính, bình vôi với men hoa nâu và xanh trắng thời Trần; lư hương, chén, hộp thời Lê; bình hoa, liễn và nhiều đồ đựng bằng gốm tráng men thời Nguyễn.
-Bát chiết yêu, đèn dầu tứ giác của Trung Quốc; mảnh bát, mảnh đĩa của Nhật Bản...
 -Vật dụng bằng kim loại gồm có: mũi tên hoặc đoản kiếm thời Trần, đồ gia dụng, ổ khóa thời Lê.
Ngoài những đồ vật người ta cũng tìm thấy nhiều hình ảnh di cốt và cổ vật khác, nhiều bản đồ cổ, bản vẽ giả định về cung điện thời Lý với cách thức trang trí trên mái điện.
Khi khai quật tại Hoàng thành, các nhà khảo cổ bất ngờ tìm thấy những mảnh gốm của dân Islam và gốm tại quần đảo Trường Sa. Số lượng thu thập được nhiều lần so với đồ gốm ở Cù Lao Chàm. Những bằng chứng này cho thấy từ thế kỷ IX, Thăng Long đã từng là một trung tâm thương mại trong vùng Đông Nam Á.
II- MỘT VÀI NGHI VẤN VỀ VỊ TRÍ THĂNG LONG THÀNH
Giáo sư Bùi Thiết nhận định rằng vòng tròn trên hình vẽ là toà chính điện của Thăng Long xây năm 1805, không gọi là Kính Thiên, vì Hà Nội lúc đấy không có vua. Hơn nữa, vị trí của toà chính điện này không nằm vào vị trí của điện Kính Thiên của Thăng Long cũ. Nhiều sách báo hiện nay vẫn viết đó là điện Kính Thiên, có lẽ do hiểu nhầm từ xuất xứ ở tấm bản đồ Hà Nội năm 1873 được biên vẽ lại vào năm 1910.
Ở bản đồ này, chữ Thăng Long bị vua Gia Long đổi Hán tự chữ Thăng Long (Rồng bay lên) thành Hưng Thịnh. Trong khi đó bản đồ vẫn ghi Thăng Long. Đoan Môn là một cổng chính của thành Thăng Long. Theo các nhà khoa học, Đoan Môn có từ thời Lý-Trần. Những dấu vết hiện còn ở Đoan Môn là của thời Lê và đã được Nhà Nguyễn tu sửa. Trong cuộc khai quật tại đây năm 1999, các nhà khảo cổ đã tìm thấy con đường đi lát gạch hình hoa chanh được làm vào thời Trần ở độ sâu 1,90m. Con đường này hướng về phía điện Kính Thiên.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại như sau: “Điện Kính Thiên được làm năm 1428, năm 1465 trùng tu điện Kính Thiên. Năm 1467 dựng lan can bằng đá ở điện Kính Thiên”. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Đến năm Gia Long thứ 4 đắp lại thành, trong thành đặt hành cung. Trước theo tên cũ thời Lê gọi là điện Kính Thiên. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1848) đổi ra là Long Thiên...”. Điện Kính Thiên đã bị thực dân Pháp phá năm 1886 để làm nhà cho ban chỉ huy pháo binh Pháp. Di tích chỉ còn lại bậc thềm đá với hai hàng lan can hình rồng ở phía Nam và một thềm trang trí rồng đá phía Bắc có niên đại muộn hơn trang trí ở phía Nam. Tam cấp điện Kính Thiên ở phía Nam có 10 bậc, mỗi bậc cao 0,22m, rộng 0,42m, do những viên đá lớn từ 0,64 đến 1,34m ghép lại. Tam cấp phía Bắc có 7 bậc đá. Nền điện còn hai con rồng đá có kích thước lớn, được làm từ thế kỷ XV và hai lan can đá chạm “long vân”.
III- NHẬN ĐỊNH CỦA LIÊN HIỆP QUỐC VỀ DI VẬT KHẢO CỔ CỦA VIỆT NAM
Theo tiến sĩ William Logan, giáo sư đại học Deakin tại Melbourne, Úc Đại Lợi, thành viên Ban bảo tồn di sản của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), thì cổ thành Thăng Long có giá trị không thua gì những di tích nổi tiếng tại nhiều nước, điển hình như di tích Mohenjo-daro của Ấn Độ đã có cách đây khoảng 3.000 năm. Sau chuyến thăm VN, Ts. Logan nhận xét các di vật khai quật được tại cổ thành Thăng Long có nhiều điểm nổi bật hơn ở chỗ nó có nhiều tầng lớp văn hóa chồng chất lên nhau và chính những lớp văn hóa này phản ảnh sự kế tục của các triều đại. Các di tích và hiện vật đào được phản ảnh rõ nền văn minh của người Việt. Những di vật đó cũng cho thấy trình độ nghệ thuật của dân ta ngày xưa cao hơn mức phỏng đoán của nhiều chuyên gia. Một số đồ gốm và chén bát có nước men tuyệt hảo, không kém gì đồ gốm sản xuất ở Trung Quốc. Công trình khảo cổ rất có ý nghĩa, vì Thăng Long là trung tâm của nền văn minh Việt Nam.
Ngoài ra, sáu chuyên gia khảo cổ Nhật Bản đã sang Việt Nam để thăm quan và nghiên cứu di tích khảo cổ Hoàng thành, theo lời mời của Viện Khoa học Xã hội VN. Trưởng đoàn, giáo sư tiến sĩ Inoue Kazuto nhận xét: Hoàng thành là công trình không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà còn với giới khảo cổ thế giới.
IV- MỘT DI TÍCH QUAN TRỌNG
Thành Cổ Loa, một công trình kiến trúc sáng tạo có một không hai trong lịch sử dân tộc VN và trên thế giới. Đây là toà thành cổ vào bậc nhất VN được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó), nay thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Thành được xây dựng kiểu vòng ốc (nên gọi là Loa thành). Thành Cổ Loa nguyên thủy có mấy vòng?
Sơ đồ thành Cổ Loa. Hiện tại, nhìn vào di tích Cổ Loa, ta thấy có ba vòng thành khép kín, thành nội (Kiển thành), thành trung và thành ngoài. Thế nhưng đâu là thành Cổ Loa nguyên thủy do An Dương Vương xây dựng? Các nhà sử học vẫn chưa thống nhất ý kiến.
Thành Cổ Loa đã được xây như thế nào?
Năm 257 trước Công nguyên, nước Âu Lạc được thành lập. An Dương Vương vừa định đô ở Cổ Loa đã bắt tay ngay vào việc xây đắp kinh thành. Theo cấu trúc còn lại hiện nay, Loa thành gồm có:
-Thành nội hình chữ nhật, cao trung bình 5 mét so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6-12 mét, chân rộng từ 20-30 mét, chu vi 1.650 mét và có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc Ngự triều di quy.
-Thành trung là một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500m, nơi cao nhất 10m, mặt thành rộng trung bình 10m, có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng.
-Thành ngoài cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000m, cao trung bình 3-4m (có chỗ tới hơn 8m). Phía ngoài thành này có hào bao bọc bốn phía. Riêng phía nam không có hào vì con sông Hoàng chảy qua đây. Sở dĩ tường thành cổ quái như vậy là vì người xưa đã biết tận dụng triệt để những gò đất tự nhiên, đắp nối chúng lại để làm tường thành. Tương tự như tường ngoài, tường giữa cũng được xây dựng theo cách đắp nối các gò đống tự nhiên thành một vòng tường không có hình dạng cụ thể, do vậy khoảng cách giữa hai vòng thành không đều nhau. Càng về phía nam hai vòng càng gần nhau, cuối cùng được nối liền, chừa một khoảng trống làm cửa thành (cửa Trấn Nam) - lối vào chính.Như vậy, gần 15.000m tường thành Cổ Loa có cùng một đặc điểm xây dựng là triệt để lợi dụng địa thế tự nhiên, đắp vòng nối với nhau nơi Trấn Nam môn, tạo thành một hình xoáy trôn ốc nên được gọi là Loa thành. Cách đắp này cổ kim, Đông Tây chưa hề có. Chính nhờ phương pháp đắp nối nên trong một thời gian rất ngắn, với nhân lực không đông, sử dụng công cụ bằng đồng, An Dương Vương Thục Phán đã xây dựng được một công trình đồ sộ hiếm thấy. Phương pháp đào hào của dân Âu Lạc cũng có tính sáng tạo đáng kể. Đất hào đắp lên tường vừa giải quyết vấn đề vật liệu, vừa tăng thêm một vòng chướng ngại. Người xưa đã đạt được thành công kép, giảm được phân nửa công sức và nhân đôi mức độ hiểm trở của tòa thành.
Vòng thành nào không do An Dương Vương xây?
Theo giáo sư Đỗ Văn Ninh, vòng thành trong cùng (Kiển thành) lâu nay vẫn bị nhiều người lầm tưởng là vòng thứ ba của kinh thành Cổ Loa được An Dương Vương xây vào khoảng năm 257 TCN. Sự thực, Kiển thành là do tướng Mã Viện của nhà Hán xây sau khi đánh thắng Hai bà Trưng. Cổ Loa thời An Dương Vương chỉ có hai chứ không phải ba vòng thành. Về mặt kiến trúc, Kiển thành được đắp thành hình chữ nhật, chu vi 1.600m, mặt thành cao 10m. Thành chỉ mở một cửa ở chính giữa mặt tường phía nam và cũng có hào bao quanh. Đáng chú ý là thành có đắp 12 hồi (ụ đất) nhô ra ngoài rất cân xứng, mỗi mặt có bốn hồi.
Bên trong Kiển thành, các nhà khoa học còn tìm thấy những khuôn giếng bằng đất nung. Đây cũng là những khuôn giếng quen thuộc của người Hán. Trong tiến trình lịch sử văn hóa, người Việt đã tiếp thụ khá nhiều yếu tố văn hóa của Trung Hoa nhưng ngói ống lợp nhà, khuôn giếng đất nung vừa kể là những yếu tố người Việt đã từ chối tiếp nhận.
Khi tiến hành khai quật ở Kiển thành, nhóm nghiên cứu của giáo sư Ninh đã đào được những ngôi mộ Hán xếp bằng gạch in chữ, có niên đại rất xa xưa như: Vĩnh Nguyên thập nhất niên trị (năm thứ 11, niên hiệu Vĩnh Nguyên - đời vua Hán Hòa Đế - năm 9); Vĩnh Nguyên thập thất niên trung tự (năm thứ 17, niên hiệu Vĩnh Nguyên - đời vua Hán Hòa Đế - năm 105) và Vĩnh Sơ ngũ niên trung trị đại hình chuyên (năm thứ 5, niên hiệu Vĩnh Sơ - đời vua Hán An Đế - năm 111). Như vậy, những viên gạch này cho chúng ta biết thời gian người Hán sống, cai trị, xây nhà và được an táng ở đây.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã chép: “Mã Viện sau khi đánh bại Hai Bà Trưng đã chia huyện Tây Vu làm hai huyện là Phong Khê và Vọng Hải. ở Phong Khê đắp Kiển thành làm trị sở”.
Kiển thành là thành hình con kén. Nhà sử học Đào Duy Anh cho rằng Kiển thành là nhân địa điểm cũ mà xây lên. Những phát hiện khảo cổ học cũng chứng minh điều đó. Vì địa thế vùng Phong Khê rất thuận lợi nên Mã Viện đã chọn Cổ Loa (nơi mà 300 năm trước đó, An Dương Vương đã định đô để đắp Loa Thành) làm trị sở, sửa sang hai bên vòng thành cũ của An Dương Vương làm “vỏ kén”, đồng thời đắp Kiển thành làm “con nhộng” của mình.
Vì giá trị lịch sử, cổ thành Thăng Long đang được nhà cầm quyền VN nghiên cứu để đệ trình Liên Hiệp Quốc xếp vào di sản văn hóa của thế giới.