Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

1- THIÊN MỤ, MỘT BIỂU TƯỢNG CỦA CỐ ĐÔ HUẾ
Khi nói về biểu tượng của Huế, người ta nghĩ ngay tới chùa Thiên Mụ. Khi nói tới ngôi chùa danh tiếng này, người dân Huế thường nhắc tới hai câu thơ:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương.Trước khi nói về chùa Thiên Mụ, chúng tôi nhận thấy cần tìm hiểu về lai lịch của hai câu thơ nêu trên.

 

1.1- Phải chăng hai câu thơ trên phát xuất từ miền Bắc? Đối với người dân Thăng Long, văn gia và thi sĩ của quê hương Ngàn Năm Văn Vật thì không ai quên bốn câu thơ:
Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Trấn Quốc canh gà Thọ Xương (1)
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,

Nhịp chầy Yên Thái mặt gương Tây Hồ.

(2)Để hiểu rõ bốn câu thơ trên, chúng ta cần biết qua danh xưng liên quan tới địa danh miền Bắc:

(1) Chùa Trấn Quốc (hay Trấn Võ, Trấn Vũ) được xây vào thời Lý Nam Đế (1010) với tên là Khai Quốc. Đến đời Hậu Lý (1225) danh hiệu Khai Quốc dành cho chùa Cổ Pháp; nên đổi chùa Khai Quốc thành Trấn Quốc. Đến Vua Thiệu Trị (1841-1847) chùa lại bị đổi thành Trấn Bắc. Ông vua này viện cớ Thăng Long không còn là kinh đô và không muốn người dân tưởng nhớ tới các triều đại cũ. Nhưng đối với dân chúng thì chùa Trấn Quốc đã in sâu vào tâm trí họ. Cảnh đẹp của chùa Trấn Quốc, một công trình được nhà sư Viên Thắng xây dựng trên Hồ Tây có thể đã tạo nên nguồn cảm hứng trong dân gian, nên mới xuất hiện bốn câu thơ được truyền tụng qua nhiều thế kỷ. Thọ Xương (có nơi viết là Thọ Sương) là huyện Thọ Xương ở Hà Nội, nơi có ngôi miếu ở số 222 phố Bạch Mai, thờ các bậc hiền sĩ tài cao đức trọng. Canh gà Thọ Xương có nghĩa là tiếng gà gáy ở Thọ Xương. Ngày xưa dân ta chưa có đồng hồ, nên tiếng gà gáy được dùng để chỉ giờ và mỗi giờ gọi là Canh. Canh gà Thọ Xương không phải là canh nấu bằng gà của huyện Thọ Xương, như có người đã hiểu lầm và dịch là “chicken soup!”
Chúng ta nên hiểu rằng Phật giáo “cấm sát sinh”, nếu câu thơ Tiếng chuông Trấn Quốc hay tiếng chuông Thiên Mụ đối với canh gà Thọ Xương là “Thọ Xương chicken soup” thì nghe không ổn hoặc có vẻ nhạo báng nhà chùa! Ngồi nghe tiếng chuông chùa để thưởng thức hay nhắc tới canh nấu bằng gà ở Thọ Xương thì nghe không ổn. Xét về luật đối trong thơ thì tiếng chuông là âm thanh phải đối với một âm thanh khác. Ở đây tiếng gà gáy đối với tiếng chuông rất hoàn hảo.Để tuổi trẻ hiểu thêm về “Canh gà”, chúng tôi xin ghi lại sau đây 4 câu ca dao nói về cảnh sống của người xưa đã dựa vào tiếng gà gáy khi chưa có đồng hồ báo thức.
Người phụ nữ Việt Nam vẫn được đề cao là trung thành, đạo đức và cần cù nhẫn nại. Người phụ nữ khi về làm dâu bên nhà chồng không chỉ lo bổn phận mình, làm lụng vất vả ngày cũng như đêm để nuôi chồng con, mà còn lo cho công danh của người chồng đang còn cắp sách tới trường như bài thơ dưới đây:

 

Canh một dọn cửa dọn nhà,
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.
Canh tư bước sang canh năm,
Trình anh dậy học, chớ nằm làm chi.
Nữa mai Chúa mở khoa thi,
Bảng vàng choi-chói kia đề tên anh.

 

Ngày xưa, để coi giờ ban ngày, người ta dựa vào bóng mặt trời; còn ban đêm thì dựa vào tiếng gà gáy gọi là Canh. Canh một là lúc gà gáy lần 1: khoảng 1 giờ sáng; Canh hai: khoảng 2 giờ sáng; Canh ba: khoảng 3 giờ sáng; Canh tư: khoảng 4 giờ sáng….
Chính vì vậy mà tiếng chuông chùa vang vọng cùng với tiếng gà gáy từng canh nói lên thời điểm và sự yên tĩnh, thanh thoát của cảnh vật trong đêm khuya. (2) Yên Thái còn gọi là Kẻ Bưởi ở phía Tây-Bắc Hà Nội là làng làm giấy Mật Hương nổi tiếng nhất VN. Theo sử liệu thì năm 284 các thương gia Ý đã mua hàng ngàn tấm giấy này làm quà dâng vua Tấn Vũ Đế. Nhịp chầy Yên Thái có nghĩa người dân phải dùng cối chầy để giã vỏ cây đó thành bột, đem nấu rồi mới đàn ra làm giấy. Khi lấy chầy giã vào cối đá nó phát ra tiếng vang cả vùng Yên Thái. 1.2-Có phải chúa Nguyễn Hoàng sau khi xây chùa Thiên Mụ (năm 1601) thì hai câu thơ mới dưới đây xuất hiện để ca tụng cảnh đẹp của chùa và cảnh yên tịnh trong đêm khuya không?
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương.
Để hiểu rõ vấn đề có lẽ chúng ta phải dựa vào sự kiện lịch sử của chiếc chuông phát ra câu ca dao nổi danh trên.
Theo sử thì chúa Nguyễn Phúc Chu rất mộ đạo Phật. Ông vua này đã trùng tu chùa chiền và quảng bá đạo Phật. Năm 1694 ông sai người sang Quảng Đông mời sư Thích Đại Sán (Thạch Liên Hòa Thượng) sang thuyết pháp đạo Phật cho quan quân và dân chúng. Năm 1710, Đại Hồng Chung của chùa Thiên Mụ được đúc,ï nặng 2.021kg, cao 2,5m, đường kính 1,2m. Tiếng Đại Hồng Chung khi đánh lên vang dội khắp kinh thành.
Phải chăng hai câu thơ trên xuất hiện vào thời điểm đó?

 

Tuy nhiên, theo tạp chí Nam Phong số 10 tháng 4 năm 1918, tức 208 năm sau, có ghi lại một nhà báo miền Bắc, nhân dịp dạo thuyền trên sông Hương vào đêm khuya, đã cao hứng viết hai câu thơ
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương.
Ông nhà báo miền Bắc dĩ nhiên thuộc lòng bốn câu thơ của miền Bắc và có lẽ để thích hợp với cảnh vật sông Hương, núi Ngự, ông ta đã thay chùa Trấn Quốc bằng chùa Thiên Mụ chăng?
Có người cho rằng, có thể nhà báo này đã nhớ tới hai câu thơ của cụ Dương Khuê:
Phất phơ ngọn cỏ trăng tà,
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương.
Ngoài ra, khi tra cứu các tự điển và địa danh VN chúng tôi không thấy chữ Thọ Sương. Chỉ có Thọ Xương, một huyện của Hà Nội, và cũng là tên của một xã, phường của tỉnh Bắc Giang.
Như vậy, Tiếng chuông Thiên Mụ ở Huế lại đối với Canh gà Thọ Xương ở Hà Nội thì nghe có vẻ giống như “Râu ông nọ cắm cằm bà kia!” Tiếng chuông Thiên Mụ không thể vọng tới Hà Nội và ngược lại, tiếng gà Thọ Xương không thể vang tới Huế.
Nếu hai câu ca dao phát xuất từ Huế thì tại sao không là:
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Hà Khê (hoặc Kim Long hay Thủy Xuân?) vì cả ba làng này nằm gần chùa Thiên Mụ.
Nếu dựa vào thời điểm lịch sử thì chùa Trấn Võ được Lý Nam Đế xây năm 1010, trong khi chùa Thiên Mụ được Nguyễn Hoàng xây vào năm 1601; như vậy tiếng chuông Thiên Mụ nếu có, xuất hiện sau 529 năm hoăïc 700 năm sau khi Nguyễn Phúc Chu cho đúc Đại Hồng Chung, vào năm 1710. Như vậy, hai câu thơ trên có thể “nhập cảng” từ miền Bắc và thay vì chùa Trấn Võ người ta đổi thành Thiên Mụ chăng?
Dù sao đi nữa, sự xuất phát của hai câu thơ trên vẫn còn chỗ khó hiểu!
Dù sao thì hai câu thơ đã trở thành ca dao và người dân Huế coi như đã thuộc lầu. Nó được nói trên miệng môi và xuất hiện trong văn chương, sách báo và thi ca mỗi khi nhắc tới kinh đô của một thời đã qua.

 

2- LỊCH SỬ CHÙA THIÊN MỤ

 

2.1- Về sự tích:

 

Về lịch sử của chùa Thiên Mụ thì có nhiều truyền thuyết kể lại như:-Theo Bách khoa Tự điển và các mạng lưới điện tử về Huế thì khi Nguyễn Hoàng được chúa Trịnh cho vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã có mưu đồ mở mang cơ nghiệp và xây dựng một giang sơn riêng cho mình. Trong một lần dạo mát bên bờ sông Hương, Nguyễn Hoàng gặp một ngọn đồi nhỏ có tên là Hà Khê nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Tiến thêm một đoạn đường, ông gặp dân địa phương và qua câu chuyện dân kể lại nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lam xuất hiện trên đồi. Bà ta nói cho họ biết: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập nghiệp và xây chùa trên đất long mạch, kết tụ linh khí thì nước Nam sẽ hùng mạnh.”
Nghe dân kể như vậy, Nguyễn Hoàng tự cho mình là chân chúa và xây ngôi chùa vào năm 1601 để cho phù hợp với câu chuyện. -Theo quyển “Từ điển địa danh văn hóa và thắng cảnh VN” thì sự tích có vẻ ly kỳ hơn:

 

“… Bấy giờ, sau hơn 6 năm ở kinh đô Thăng Long, giữ chức Thái Bảo, Nguyễn Hoàng trở về Thuận Hóa xây dựng thế lực để biệt lập với họ Trịnh. Một hôm, nhân rỗi việc, Nguyễn Hoàng đi thăm các nơi núi sông cảnh đẹp trong bản trấn. Khi đến xã Hà Khê, huyện Kim Trà, thấy giữa chốn đồng bằng đột khởi một đồi cao tựa đầu rồng, đang nhìn về núi mẹ. Đoan Quốc Công thầm khen là nơi danh thắng, bèn trèo lên đồi cao ngắm khắp xung quanh. Chợt thấy một đoạn hào cắt ngang dưới chân núi, chưa rõ nguyên do ra sao. Nguyễn Hoàng sai hỏi người địa phương. Các bô lão nói: “Tương truyền núi này rất linh thiêng, Cao Biền (nhà Đường) sang làm An Nam Sứ, từng đi khắp nơi ở nước ta xem nơi nào có vượng khí thì lập phép trấn yểm. Đêm hôm ấy, Cao Biền chiêm bao thấy một bà lão đầu tóc bạc phơ ngồi dưới chân núi này kêu gào than vãn, rồi cất tiếng nói to: “Đời sau nếu có bậc quốc chủ muốn bồi đắp mạch núi này để làm mạnh cho Nam triều, thì nên lập chùa thờ Phật, cầu linh khí trở về giúp nước yên dân, tất không có sự gì đáng phải lo ngại”. Nói xong bà lão biến mất. Dân địa phương từ đó đặt tên núi là Thiên Mụ (bà lão nhà trời). Nguyễn Hoàng nghe nói cả mừng, bảo rằng: “Ấy là bà lão trời bảo ta mở nền định đất, biến nhà thành nước để gây nghiệp lớn”. Nói đoạn, sai người cất dựng chùa Phật, tự tay viết biển đề tên chùa là “Thiên Mụ tự”.

 

Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía tây. Về lịch sử, trước khi có chùa Thiên Mụ thì trên đồi Hà Khê đã có ngôi chùa cũng mang tên Thiên Mỗ hoặc Thiên Mẫu của người Chăm (Chàm). Di tích này được nhắc đến trong “Ô Châu Cận Lục” của ông Dương Văn An vào năm 1553. Sau Nguyễn Hoàng xây rộng lớn hơn hay phá chùa cũ để xây chùa Thiên Mụ không thấy tài liệu nói rõ.
Năm 1862, vua Tựï Đức bị bệnh bất lực, có vợ và hàng chục Cung tần Mỹ nữ mà không có con. Để cầu cho có người nối dõi tông đường, vua cũng tin nhảm, sợ nói tới chữ “Thiên” phạm đến “Ông Trời” nên đổi tên “Thiên Mụ” thành “Linh Mụ”, có nghĩa “Bà mụ Linh thiêng”.
Tuy nhiên, vấn đề kiêng nhảm chỉ tồn tại từ năm 1862 cho tới năm 1869.
Sau đó, người ta quen gọi cả hai tên: chùa Thiên Mụ và chùa Linh Mụ. Lý do cũng dễ hiểu vì chữ “Linh” đồng nghĩa với “Thiêng”, âm người Huế khi nói “Thiên” nghe tựa “Thiêng”, nên khi nói “Linh Mụ”, “Thiên Mụ” hay “Thiêng Mụ” đều có nghĩa giống nhau mà không sợ bị bắt bẻ.

 

2.2- Về Kiến trúc

 

Chùa Thiên Mụ chính thức khởi công xây cất vào năm 1601, đời Nguyễn Hoàng.
Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) theo đà phát triển và hưng thịnh của Phật giáo xứ Đàng Trong, chùa được xây dựng lại quy mô hơn. Năm 1710, chúa cho đúc một chiếc chuông lớn, nặng tới trên hai tấn, gọi là Đại Hồng Chung, có khắc một bài minh trên đó. Đến năm 1714, chúa lại cho đại trùng tu chùa với hàng chục công trình kiến trúc đồ sộ hơn như: điện Thiên Vương, Đại Hùng nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền... Nhiều công trình trong số này ngày nay không còn nữa.

Chúa Quốc còn đích thân viết bài văn, khắc vào bia lớn (cao 2m60, rộng 1m2) nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây, việc cho người sang Trung Quốc mua hơn 1.000 bộ kinh Phật đưa về đặt tại lầu Tàng Kinh, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong.

 

Bia được đặt trên lưng một con rùa đá lớn, trang trí đơn sơ nhưng tuyệt đẹp.
Với cảnh đẹp tự nhiên và diện tích được mở rộng ngay từ thời đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Trải qua bao biến cố lịch sử, chùa Thiên Mụ đã từng được dùng làm đàn Tế Trời Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều các vua nhà Nguyễn.
Năm1844, nhân dịp mừng lễ “bát thọ” của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị xây lại ngôi chùa lớn hơn, thêm một tháp bát giác gọi là Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên), đình Hương Nguyên và dựng 2 tấm bia ghi lại việc dựng tháp, đình và các bài thơ văn của nhà vua.
Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21m, gồm 7 tầng, được xây dựng ở phía trước chùa vào năm 1844. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện, trên nóc đặt Pháp luân (bánh xe Phật pháp, biểu tượng Phật giáo. Pháp luân đặt trên đình Hương Nguyện quay tròn khi gió thổi). Tháp được coi là tháp cổ nhất Việt Nam.
Tháp Phước Duyên (Phước Duyên Bửu Tháp) được xây 7 tầng vì số 7 là con số linh của đạo. Hệ thống bậc cấp của chùa cũng tính theo số 7.
 Đại Hồng Chung: chuông cao 2,3m, đường kính 1,4m, nặng 2.025 kg. Đây là một trong những kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng của người Việt vào đầu thế kỷ XVIII. Mặt trên quả chuông có khắc 8 chữ THỌ. Giữa thân chuông chia làm 14 khung, khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu và chạm nổi hình Rồng, mây, ngày, trăng sao v.v… Ở phần dưới khắc hình Bát Quái và Thủy Ba.

 

Bia thời chúa Nguyễn Phúc Chu là tấm bia đá cao: 2,6m, rộng: 1,25m, dựng trên lưng một con rùa bằng đá cẩm thạch dài 2,2m, rộng 1,6m đều được khắc chạm tinh vi.
Điện Đại Hùng: gian phòng chính trong chùa. Trong phòng này, ngoài các tượng Phật bằng đồng còn có một khánh đồng lớn chạm hình mặt trăng, mặt trời, sao và dòng chữ kỷ niệm do quan Trần Đình Ân thuê đúc năm 1677 để cúng chùa; và một bức hoành phi bằng gỗ sơn son thiếp vàng do chúa Nguyễn Phúc Chu đề năm 1714.
Trận bão năm 1904 đã tàn phá chùa nặng nề. Nhiều công trình bị hư hỏng, trong đó đình Hương Nguyện bị sụp đổ hoàn toàn (nay vẫn còn dấu tích). Năm 1907, vua Thành Thái cho xây dựng lại, nhưng chùa không còn được to lớn như trước nữa. Hai bên tháp có hai nhà tứ giác, đặt hai tấm bia đời Thiệu Trị. Sâu vào bên trong là hai nhà lục giác, một nhà để bia và một nhà để quả chuông đúc đời chúa Nguyễn Phúc Chu.
Chùa Thiên Mụ được xếp vào hai mươi thắng cảnh đất Thần Kinh với bài thơ Thiên Mụ Chung Thanh do đích thân vua Thiệu Trị sáng tác và được ghi vào bia đá dựng gần

 

cổng chùa.Thiên Mụ Chung Thanh
Cao cương cổ sát trấn điền xuyên
Nguyệt tướng thường viên tự tại thiên
Bách bát hồng thanh tiêu bách kết
Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên
Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm
Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền
Phật tích Thánh công thùy hải vũ
Thiện nhân tăng quả phố khai diên.Dịch thơ:
Tiếng Chuông Thiên Mụ
Trên bến gò xưa chùa lập ra
Bên trời tự tại mãi Gương Nga
Tiếng ngân trăm tám tan trăm oán
Thế giới ba ngàn giải nợ ba
Chuông động giữa trưa miền tối
Kinh gieo canh sớm đạo tăng gia
Truyền công Phật Thánh tràn non nước

 

Nhân quả ươm lành khắp chốn xa.Năm 1899, nhân dịp lễ Cửu tuần Đại Khánh Tiết (mừng 90 tuổi bà Từ Dũ (sau được đặt tên cho bệnh viện hộ sinh Từ Dũ ở Sài Gòn), vợ vua Thiệu Trị, vua Thành Thái cho Bộ Công tu bổ Tháp Phước Duyên và dựng bia kỷ niệm. Năm 1920, vua Khải Định cho dựng bia đá gần tháp Phước Duyên và khắc bài thơ ca tụng cảnh đẹp của chùa.Qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ thời Tây Sơn và nhà Nguyễn, ngoài những công trình kiến trúc như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm... cùng bia đá, chuông đồng, chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quí giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật. Những bức tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, tượng Phật Di Đà, tượng Tam Thế Phật... hay những hoành phi, câu đối v.v…